Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT NHÀ VĂN MĨ VỀ NHỮNG CÁI TẾT VIỆT NAM




TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT NHÀ VĂN MĨ VỀ NHỮNG CÁI TẾT VIỆT NAM
                                                          VŨ NHO

Chị Lady Borton ( có tên Vệt Nam là Út Lý) hiện là điều phối viên dự án của tổ chức Quây cơ (Quaker) Mỹ ( một tổ chức phi chính phủ từng hoạt động giúp đỡ nhân dân Việt Nam từ khi nước ta còn chia hai miền Nam –Bắc). Tôi tìm gặp chị vì mới đọc cuốn sách chị viết rất hay về nhân dân ta. Cuốn sách nổi tiếng có nhân đề : “ Tiếp theo nỗi buồn” – Một người Mỹ giữa làng quê Việt Nam” ( Bản dịch tiếng Việt, NXB Thế Giới, Hà Nội, 1997).
          Chúng tôi gặp nhau tại Văn phòng Quây cơ ở khách sạn La Thành.

Vũ Nho (VN) :  Chị Lý này, chị học tiếng Việt ở đâu mà giỏi vậy. Chị có thể cho biết tên giáo viên đã dạy tiếng cho chị không?

Út Lý: Ồ! Anh quá khen! Tôi nói tiếng Việt tàm tạm thôi. Xin anh đừng nói nhanh quá. Thế này nhé: Tôi tự học ở bên Mỹ nhưng chẳng có dịp thực hành. Do có môi trường và do yêu cầu công việc nên học có kết quả nhanh. Tôi không theo một lớp học nào cả.
Tiếng Việt khó lắm nhưng chừng hai năm thì tôi có thể nói và nghe hiểu. Khi tôi về Mỹ, khả năng nghe nói giảm hẳn. Sang Việt Nam nó lại phục hồi và phát triển.

VN: Đọc sách của chị, tôi biết chị đã ăn nhiều cái Tết ở làng quê Việt Nam, có lần chị đã ăn sáu bữa cỗ thịt lợn trong một ngày ở xã  Khánh Phú! Vậy chị đã ăn bao nhiêu cái tết Việt Nam?

Út Lý: (cười) Để tôi nhớ lại xem: Hai tết ở Quảng Ngãi, một tết ở Bàn Long, một tết ở Sài Gòn, ba tết ở Hà Nội, một tết ở Khánh Phú. Tôi ăn một cái tết Việt Nam với những thuyền nhân ở trại Bilau Buđông trên đất Malaixia nữa.

VN: Xin lỗi vì tò mò. Khi ăn “cỗ thịt lợn” chị có được mời ăn món tiết canh chứ. Chị có dám thử không?

Út Lý: Ồ, có chứ. Tôi không muốn làm mếch lòng những người quý mến mình.

VN: Có phải vì nể như thế nên trong sách chị viết rằng một bữa cơm ở Bàn Long chị đã ăn một lượng thịt bằng số thịt chị ăn chừng hai mươi năm. Phải vậy không?

Út Lý: Đúng, đúng. Vì người Quâycơ thường ăn chay.

VN: Trong các món Việt Nam, chị thích món nào nhất?



                                                                  Vũ Nho Chủ trang
 

Út Lý: Thích nhất ư? Tôi thích nhất ăn cơm với rau muống luộc chấm nước mắm. Ở miền Nam, tôi thích nhất canh chua.

VN: Còn thức ăn ngày tết?

Út Lý: Tôi thích bánh chưng!

VN: Bánh chưng là thứ bánh rất Việt Nam, nó có cả một câu chuyện cổ tích mà chị đã viết lại rất khéo trong cuốn sách của mình. Nhưng tôi biết thì ban đầu chị thấy ăn bánh chưng chẳng khác gì ăn miếng bột nhão…

Út Lý : Đúng vậy. nhưng đấy là ban đầu. Còn bây giờ thì tôi mới cảm nhận hết vị ngọt của gạo, vị ngậy của thịt, vị thơm bùi của đậu…Câu chuyện Bánh chưng bánh giầy và triết lý của nó làm cho miếng bánh ý vị hơn. Anh biết không, nước mắm ấy mà, tôi thích lắm, nhưng người Mỹ nói chung không chịu nổi cái mùi…

VN : Vâng, tôi có biết chuyện này. Chị đã viết trong sách rằng những phụ nữ Nam bộ từng giấu vũ khí trong thuyền chở nước mắm và lính Mỹ đã nói không khám xét vì sợ mùi…Nhân nói về mùi, chị có thấy mùi hương trầm của chúng tôi là độc đáo không?

Út Lý: Mùi trầm hương rất thơm. Nó vừa ấm áp, lại vừa thanh tao. Tôi vào thăm chùa, thấy mùi hương trầm rất hợp không khí thiêng liêng. Ngày tết mùi hương trầm làm cho về Mỹ, nhớ tết Việt Nam tôi không thể không nhớ mùi hương.

VN: Đón tết ở Việt Nam, chị thấy điều gì là mới lạ làm cho chị thích thú?

Út Lý:  Nhiều điều. Chúc mừng năm mới này, ăn cỗ này. Uống rượu gạo và nói chuyện vui này. Nhưng thích thú nhất là đi chơi đêm giao thừa quanh hồ Hoàn Kiếm. Người rất đông, ai cũng vui tươi, hớn hở. Đi chơi đêm giao thừa là một phong tục rất đẹp. Đến chơi nhà các bạn Việt Nam cũng là một cái thú.

VN: Cuốn sách của chị cũng rất thú vị. Chị có thể cho biết số lượng in của cuốn “ Cảm nhận kẻ thù” và “Tiếp sau nỗi buồn” ở Mỹ.

Út Lý: Cuốn trước in 7500 bản. Cuốn sau in 10.000 bản. Đó là in lần đầu. Còn tái bản thì tôi chưa rõ số lượng.

VN: Xin chúc mừng chị về sự thành công. Câu hỏi sau cùng: Tết này chị sẽ tăng thêm một cái tết Việt Nam, nâng tổng số lên thành con số 10 chứ?
Nếu vậy xin mời chị đến nhà tôi ăn cỗ nhé. Tôi cũng là dân Ninh Bình đấy!

Út Lý: Tiếc quá. Tôi có việc phải về Mỹ. Ở quê tôi, bang Ohaio, có một học sinh Việt Nam   hưởng học bổng của Quây cơ đang học ở đó. Chúng tôi sẽ cùng nhau đón tết Việt Nam ở Mỹ và nhớ về bạn bè ở Hà Nội, ở Việt Nam.

VN : Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.

          Lady bắt tay tôi. Bàn tay của người phụ nữ từng làm giáo viên, làm lái xe buýt, làm báo, làm văn, làm đại diện tổ chức Quây cơ, bàn tay từng cấy những dảnh mạ non trên ruộng bùn Khánh Phú, gặt những lượm lúa vàng trên đồng đất Bàn Long… Bàn tay ấm và nóng.
                                                                   14/12/1999
Đăng báo Tiền Phong Chủ nhật
Số  5-6 xuân Canh Thìn 2000.

Nhân tìm tài liệu cũ, đưa lên để nhớ! 
Lúc đầu tôi phỏng vấn chị bằng tiếng Anh. Sau thấy chị nói tiếng Việt cũng khá, tôi chuyển sang tiếng Việt. Tiếng Việt  của chị cũng gần như tiếng Anh của tôi. Nên cũng  khá thú vị!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét