Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

ĐẾN VỚI TIỂU THUYẾT NGUYỄN HIẾU

ĐẾN VỚI TIỂU THUYẾT NGUYỄN HIẾU
Nhân đọc ba tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu

                               CHU LAI
 

Nguyễn Hiếu là người thế nào ?
Có những người viết lâu lâu gặp lại, nói ba điều bốn chuyện, cười hố hố, uống vài vại bia, nhận định cái này một tý, người kia một tý, lắc đầu gật đầu rồi chia tay mà chẳng mấy khi để ý đến con người đó sống ra sao, đã làm được gì, đang ủ dấm cái gì để rồi ít lâu sau lại vẫn thế, nhàn nhạt, cười cười, không gây ấn tượng, quên đi .
Nguyễn Hiếu là như vậy.
Sinh 1948, tuổi mậu tý tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội, làng Chèm cổ kính, nhưng với mái tóc xoăn, bộ ria bạc, giọng nói khàn khàn. Trông Hiếu có vẻ già trước tuổi riêng có cái cười là khá trẻ trung, hiền lành, hóm hỉnh. Trí nhớ của tôi hoặc của khá nhiều bạn bè về Hiếu chỉ dừng lại ở chân dung một nhà báo sắc sảo, chuyên về kinh tế, đôi khi có viết vài bài lý luận đọc được, đôi ba vở kịch và hình như có cả làm thơ cùng dăm cuốn tiểu thuyết nhưng không nổi trội, thế thôi. Gần đây, do cơ duyên tôi tạm gác văn chương chuyển sang sân chơi sân khấu. Cái sân chơi nghiệt ngã mà không ít nhà văn nhảy sang một thời gian va đập rồi lại ôm đầu máu trở về. Một đôi lần mở trại sáng tác có Hiếu tham dự, bất ngờ thấy ở kịch bản của Hiếu, ngoài những miếng mẹo sân khấu chỉn chu lại toát lên chất văn học khá đậm đặc, một điều mà cánh viết kịch thường trăn trở hướng đến. Chất văn học nằm ngay trong số phận, tính cách, tâm lý, lời thoại của nhân vật chứ không chàng màng đơn điệu như thường gặp. Thế là tò mò, tôi mới hỏi một bạn văn có tên tuổi nghe nói có chơi với Hiếu từ lâu hiện cũng đang dự trại: Này, ông đọc kịch bản của Nguyễn Hiếu chưa? Đọc rồi, cả xem nữa, sao, có gì không ổn à? Không, có cảm giác như mỗi vở kịch của cái tay Hiếu đều có hơi hướng của một cuốn tiểu thuyết được nén lại, đúng không? Thì rõ, hắn được mệnh danh là một lực sĩ tiểu thuyết đấy, viết như thụi, năm nào cũng ra sách, tính đến nay ít nhất đã có chòm chèm 30 đầu cả ngắn lẫn dài, cả tuyển cả rời, nhìn thấy ngán. Tôi tròn mắt, ghê thế kia à, thú thực mình chưa được đọc một cuốn nào của Hiếu cả. Một là có thể mình lười hoặc sách của Hiếu không mấy vang danh trên văn đàn hay thị trường sách báo. Đến lượt anh bạn già vốn phũ miệng trợn mắt: Ông lại mắc vào cái tật là không chịu đọc cái gì, đọc của ai rồi.Tay này cầm bút từ tuổi thiếu niên, có bài được đăng trước cả tôi với ông kia, hắn vốn là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, lại có đi qua cái anh Tổng hợp văn, đầy rãy giải thưởng ra đấy. Giải truyện ngắn giải tiểu thuyết, truyện vừa, giải thơ, giải kịch… đủ cả. Có giải ở trung ương, có giải ở cấp ngành, có giải lại kết hợp cả ngành lẫn trung ương, giải Hội nhà văn, giải báo Văn nghệ, giải Văn nghệ quân đội…toàn những cửa hàn lâm, oách ra phết. Chết thật, chơi với hắn lâu rồi vậy mà mình không biết nhỉ, tệ quá! Tôi thú thật.Và liền nhận tiếp được cái trừng mắt thứ hai kèm theo một miệng cười buồn buồn khổ khổ của người đối thoại: Cái buồn là ở chỗ đó, có người viết một lại hưởng mười, viết một cuốn sách hưởng vinh quang cả đời mà thực chất cuốn đó nó cũng thường thôi, cũ mèm, trắng xác. Còn có người viết mười lại chẳng được hưởng một, thậm chí không được hưởng gì, càng viết càng chìm nghỉm đi đâu mà văn của hắn chứa đầy chất cách tân, phá cách, sắc lẻm, rậm rạp.Cuộc sống ồ vào như vỡ đập, đọc cứ rợn cả người. Hắn đấy, thằng Hiếu đấy, nếu để tìm ra một thằng cầm bút viết khỏe nhất nhưng cũng là lận đận, thua thiệt về nghề nhất ở cái nước Nam mình thì chỉ có hắn.



                                                               Nguyễn Hiếu





Đồng cảm với câu nói này thì ít mà bị tác động bởi chất hấp dẫn là lạ của con người kia thì nhiều, buổi tối tôi mới bước đến trước cửa căn phòng phòng im lìm của Hiếu gõ nhẹ. Mãi một lúc sau cái trán hói mới nhô ra, bóng lưởng, cái trán mà gã thường nói đùa rằng ban đêm bà vợ hiểu nhầm tự dưng ngồi bật dậy dằn dỗi: Ông không còn gì với tôi thì thôi chứ việc gì ông cứ áp mông vào mặt tôi thế . Kiểu làm việc của gã là kiểu làm việc của kẻ tử vì đạo. Gã có thể viết bất cứ lúc nào, viết trong khi người cùng phòng đã làm được vài giấc, viết giữa chỗ đông ồn ào trà lá, ăn xong là ngồi vào bàn, ngủ rất ít, không thích bù khú, tránh xa chuyện tán dóc, chỉ phải cái bên cạnh lúc nào cũng có chai rượu vang. Tôi hỏi: Lại lên cơn đấy à? Lửa khói nhỉ, trong khi mình đã lạnh ngắt rồi. Gã cười: Cơn cớ gì đâu, không viết thì biết làm gì, chạy theo đám con gái mông cong vú nở à? Không, em hỏng và chán cái khoản này từ lâu rồi. Tôi bảo trước mắt đang rỗi, có cuốn nào chuyển cho mình tranh thủ đọc chơi, chuyển bằng sách hay bằng Mail cũng được, chứ không mai này có người hỏi đã đọc cái gì của tay lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa chưa lại ngớ ra. Hiếu cười dễ dãi: Thôi, đọc làm gì, chuyện tầm phào ấy mà.Tôi khoái cái kiểu cười đắc đạo của gã, cười như không cười, nhún mình, từng trải, kiểu cười của một người đã đi qua hết mọi cung bậc khổ đau vinh nhục của tình trường lắm nỗi. Thì đấy, nhân một vở diễn được xưng tụng là đại quy mô, đại hoành tráng về một nhân vật lịch sử gần đây, Hiếu xem xong tỏ ý buồn rồi đêm đó bằng cái vốn lý luận cơ bản của mình cộng với chút tâm huyết kẻ sĩ còn vương lại, gã đã viết một bài phê phán khá công phu, trung thực, xa xót và sắc bén để rồi khi báo vừa ra chưa ráo mực, gã liền nhận được không ít lời nhắn tin của một bậc trưởng thượng có tham gia một chân trong cái vở đó hàm ý mắng mỏ, phê phán té tát rằng ngu, rằng chả biết gì mà cứ nói liều, vớ vẩn! Những lời này nếu phải ở người khác có khi cãi nhau to hoặc xử nhau tàn canh trên mặt báo nhưng ở hắn lại không, chỉ cười, còn bảo cứ kệ cho ông ấy nói, nói chán thì thôi vả lại người phán xử cuối cùng là nhân dân, bạn đọc và thời gian. Đúng như thế, chỉ một thời gian sau, bài viết của gã đã nhận được sự tán đồng của đông đảo bạn đọc và có không ít tờ báo khác đăng tải lại
Thử đi vào thế giới tác phẩm của Nguyễn Hiếu.
Song đấy mới chỉ gói gọn trong một bài báo, vậy còn cả khối tác phẩm đồ sộ đa thể loại của gã thì sao ? Liệu rồi thời gian và bạn đọc có phán xử và công nhận không hay vẫn rơi tõm vào sự quên lãng, bất công như anh bạn nhà văn già kia nói? Và, điều hệ trọng hơn là cái sự quên này nó là thật hay là giả? Về hưu rồi, thời gian mênh mông, bỏ công đọc sách của bạn bè cũng có cái thú. Thế là, pha một chút tò mò thơ trẻ, để đi tìm câu trả lời khi gã cố tình thoái thác không cho tôi được tiếp xúc với mớ chữ nghĩa của gã, tôi quyết định đi vào thư viện lục lọi. Cha trời! Trong thư viện, sách của gã chứa đầy cả một khạp mà cuốn nào cuốn đó cứ dày nhưng nhức bằng viên gạch cả. Thôi thì đủ các loại tên đặt cái thì trần trụi, cái thì pha chút mùi mẫn cải lương, cái lại như thơ mà chỉ khẽ đọc lên thôi là đã muốn bắt mắt rồi. Nào là Vết xoáy trước ngực làng, Dòng sông màu máu, Người đàn bà quỷ ám, Bụi đường, Quá cảnh, Chân trời vỡ đôi, Vầng trăng hững hờ, Những mảnh trần gian( tt hài),Bốn bứơc đến chân trời,Trái tim nhiều mầu, Trẻ làng mình, Trăng mùa đông, Làng êm ả bên sông, Lặng lẽ cuối cùng, Tây tây Ta ta(tt hài), Biển toàn là nước, Truyện tình người điên, Con ngố, Tuyết lạnh sau mặt trời, Tôi bán mình, Tình nhân, Mặt nạ để đời…Cười dành cho tất cả( tập tn hài),Chuyện cái vòi nưóc( tập tn hài), Bóng ảnh cuộc đời, Trưởng thôn xử án, Khi người đàn bà quay về, Trên mặt đất lại có người … Và đặc biệt, nhìn ở cuối sách, phần lưu chiểu tôi bỗng kinh ngạc khi nhận ra chỉ trong vòng có 5 năm, từ năm 1988 đến 1993, Hiếu đã cho ra đời đến 13 cuốn tiểu thuyết chưa kể kịch và phim, tức là trung bình mỗi năm xong được trên hai cuốn thì tốc độ sáng tạo này đúng là không đùa được thật. Cô nhân viên thư viện mang đôi kính trắng rất điệu thấy tôi cứ loay hoay, hít hà ở cái đống sách đó bèn đến gần, nói nhỏ:” Chú ơi, nếu chú muốn đọc tác giả Nguyễn Hiếu thì chú có thể đọc cái này tiện và gọn hơn.” Rồi cô dẫn tôi đến một quầy khác lễ mễ rút từ trên kệ xuống đưa tôi trọn bộ tuyển tập 10 cuốn chứa bên trong gồm 19 tiểu thuyết, non trăm truyện ngắn, gần chục vở kịch, ba trăm bài thơ của gã. Tôi khẽ lắc đầu không giấu được vẻ ghen tỵ: Đã có nhà văn Việt Nam nào được tuyển nhiều và dày dặn thế này chưa, tất nhiên trong đó có tôi, tôi chưa bao giờ được cầm trên tay một bộ tuyển nào dù là mỏng tang của mình cả.
Bằng kinh nghiệm chọn sách, giống như ăn phở cứ quán nào đông, nhiều xe cộ đậu bên ngoài là phở quán ấy thường ngon, tôi hỏi cô gái: Sách của cái ông tác giả này được bạn đọc đọc nhiều không? Cũng nhiều chú ạ. Nhưng cuốn nào được đọc nhiều nhất? Cô gái nhíu mày nghĩ ngợi một chút rồi trả lời ngay như cái đó đã có sẵn trong đầu, dễ ợt: Có ba cuốn chả biết có hay không nhưng cháu thấy người ta hay mượn, có khi mượn rồi không trả, phải tư giấy đòi. Cuốn nào? Đó là cuốn Chân trời vỡ đôi, Con ngố và Chuyện tình người điên. Tốt rồi, tôi thở phào, vậy làm ơn cho chú mượn ba cuốn đó và yên tâm sẽ trả đúng hạn.
Tôi nghiệm ra, một cuốn sách hay là cuốn sách khi đã để mắt vào rồi là đọc liền mạch không dứt ra được và đọc xong, gấp trang cuối cùng lại, người cứ bần thần, đầu óc vẫn còn váng vất, tơ tưởng với nó một thời gian về sau. Sách của Hiếu là như vậy.
Một chút cảm nhận về văn chương Nguyễn Hiếu
Cảm nhận đầu tiên và ấn tượng khá mạnh về tác giả này là sự táo tợn, táo tợn trong ý tưởng và trong cách triển khai, táo tợn cả về nội dung lẫn hình thức. Có cảm giác Hiếu không tuân thủ theo bất kỳ một khuynh hướng sáng tác nào nhưng tìm trong đó lại có tất cả các khuynh hướng, phong cách. Ngay trong một cuốn sách như Con ngố, lúc thì hiện thực trần trụi, lúc lại hiện thực huyền ảo, lúc lại vô cùng lãng mạn. Cả ba yếu tố đó tạo nên cái thật cái giả, cái mơ hồ cái sắc nét rất cần có để miêu tả sự ngổn ngang, phức tạp một người đàn bà bằng sự bản năng đến ngây thơ, đến hoang dại, cả chút tinh nguyên của mình đã chấp nhận chuyện chăn gối với hết thảy các loại đàn ông, dù bên này hay bên kia, dù xấu hay tốt, dù chung tình hay sở khanh để được yêu, để được sống tận cùng cái căn cốt đàn bà. Hãy khoan nói đến đạo đức và đạo lý của một phụ nữ đông phương vì ngay từ đầu tác giả đã cho nhân vật này kế tiếp từ mẹ đến con là không bình thường, là ngố, là con điếm làng. Có rất nhiều cảnh xác thịt, có không ít pha nhục dục nhưng đọc không thấy ghê thấy nhớp để rồi sau đó, một cái gì đó như là sự triết luận tất yếu và xa xót nhen lên: Trong quá vãng con người Việt Nam, văn hóa làng xã Việt Nam đã bao phen bị xâm thực, bị cưỡng dâm bởi đủ các loại chủ thuyết, chủ nghĩa đến từ bên ngoài khiến cho một thời gian dài con người không tìm được cái bản ngã đích thực của mình nhưng lại không thể không tìm vì đó là nét sống còn của dân tộc. Chung chạ với đủ thứ người như thế thì việc đẻ ra những đứa con dị dạng, quái thai là tất yếu. Thụ động vì đói, vì khát, vì để tồn tại lao vào chén trọn chảo thắng cố đủ thứ trường phái tư tưởng, triết học ắt sinh ra một xã hội nhố nhăng, phi luật pháp, hỗn mang chi sơ là vậy. Để tải cái ý tưởng nặng nề, gai góc không phải ai cũng dễ dàng nhận ra này, nếu tác giả không xử lý tính hư thực, thậm chí tính phi lý thì mọi sự sẽ trở nên sống sít, giả tạo ngay. Có lẽ cái giỏi của Hiếu là ở chỗ ấy. Cái giỏi của sự dám nói và biết cách nói .
Trong Chân trời vỡ đôi lại là một thể nghiệm hoàn toàn khác nhưng vẫn không kém phần táo bạo, thẳng thừng. Rõ ràng để khắc họa chân dung một gã nông dân lưu manh độc ác không từ một thủ đoạn nào, kể cả khống chế người bạn thân nhất để thực thi được tham vọng quyền lực của mình, tác giả đã không nương tay mổ xẻ nhưng lại tìm được cách mổ xẻ hữu hiệu nhất là thông qua một biên bản hỏi cung có đan xen phục hiện theo kiểu điện ảnh. Đây quả là một thi pháp đáo để và thông minh khiến người đọc đã đọc trang đầu không thể không đọc tiếp những trang sau như chịu một ma lực. Những con chữ có ma lực. Sự ma lực đó ở cuốn tiểu thuyết này khái quát một hiện thực ít người dám chạm đến, nói đến một cách sòng phẳng và nghệ thuật - người nông dân của xã hội ta bị nghèo nàn, đói khát và dễ bị thoái hoá chính vì liên tiếp và trọn đời bị lừa dối và lợi dụng.
Ở Chuyện tình người điên , Nguyễn Hiếu lại khỏa chân sang một thể loại hoàn toàn khác, thể loại dã sử thông qua một người điên và những mối tình cũng điên loạn của nhân vật chính để tập trung miêu tả một triều đình xa xưa do hoang tưởng mải ngủ quên trên giá trị, chiến tích cũ mà quên đi xã hội xung quanh mình đang còn rất nhiều dang dở, bất hạnh, trái ngang, phi lý, bất công và hàm chứa cả hiểm họa nổi loạn. Ý tưởng thì nghiêm cẩn, nặng nề thế nhưng lại được khai triển theo phong cách huyền ảo, hài hước nên nó thấm vào người đọc rất ngọt, không lên gân, không khô cứng, không rao giảng. Ẩn dưới hình thức tiểu thuyết dã sử, thần thoại mà trong hơi thở nhịp văn hao hao chất anh hùng ca của Hôme nhưng cuốn tiểu thuyết độc đáo không chỉ của riêng tác giả này lại là sản phẩm của sức tưởng tượng lạ lùng của Nguyễn Hiếu. Một Vương triều Biđa ( Bịa đặt)của xứ sở Tithu( tiểu thuyết) được dựng lên không chỉ mô tả, báo động về một hiện thực khủng khiếp khi dân chúng đang bị trị vì bởi một hôn quân chỉ say sưa với tuyên ngôn của mình mà còn là sự xung đột mang tính muôn đời, nhân loại giữa lý trí( chàng dũng sĩ Ly Tri) và bản năng( nàng công chúa Ba Na) trong guồng quay khắc nghiệt đa đoan của nhân thế…
Văn của Nguyễn Hiếu không bao giờ rao giảng, không làm duyên, không cố tình triết lý triết luận, nó cứ tự nhiên trào lên như nước mạch với tất cả những bụi bặm, trong đục của nó và chính vì thế mà nó rất đời. Có nhiều đoạn Hiếu viết như nhập đồng, như lên cơn, như …kẻ điên. Phải chăng chính vì cái điên này mà một gã nhà quê như Hiếu tự nhận mới có thể có được những trang viết như bị ma làm như thế. Chợt nghĩ, nếu Hiếu tỉnh hơn một chút, sáng suốt hơn một chút thì chưa chắc đã có được những con chữ nổi mần nổi cục lên như vậy. Đó là cái mạnh và cũng là cái yếu của Hiếu.
Với một dàn nhạc giao hưởng có tới cả gần ba chục cuốn sách với đủ các đề tài nông thôn, đô thị, cầu đường, kinh tế, biển trời, lịch sử, thiếu nhi, phụ nữ (cũng cần nói luôn Nguyễn Hiếu cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết duy nhất ở xứ ta viết về sự tan rã của Liên xô với nhân vật đồng tính có lẽ xuất hiện lần đầu trong văn học nước ta – cuốn “Tuyết lạnh sau mặt trời" ( NXB Thanh Niên in năm 1991 với đầu đề “Em ở nơi đâu” )… với đủ các loại bè thanh bè trầm, bộ gõ bộ giây, bộ kèn rối rắm khác nhau. Hiếu như một dũng sĩ cởi trần giữa sa mạc dám một mình liều mạng xông vào tất cả các mảng cuộc sống hóc hiểm, khuất tối để nói lên sự thật mà không sợ va đầu vỡ mặt. Phải cuồng si và đáo để, trí lự lắm Hiếu mới có thể vung cây gậy chỉ huy lên điều hành tất cả gom được về một hướng, cái hướng của sự truyền cảm thẩm mỹ trung thực.
Câu chuyện của Hiếu là câu chuyện nhà quê, câu chuyện của một vùng châu thổ sông Hồng đã ăn sâu vào trí óc cậu bé Hiếu từ thuở thiếu thời. Nhân vật của Hiếu cũng là những nhân vật chân quê và lời thoại của Hiếu cũng là những lời thoại mộc mạc, rườm rà, đậm chất Fonclore rơm rạ tro trấu ngái nồng, xô bồ, ngổn ngang, thơm thảo. Nhưng những vấn đề Hiếu đặt ra lại hết sức nóng bức, thẳng băng, không khoan nhượng, như một hồi chuông gióng lên chói gắt giữa thinh không báo động về những điều nhá nhem, bất trắc trong lòng dạ tối đen, thẳm sâu của con người ( Chắc bạn đọc chưa quên năm 1996 NXB Lao động tung ra thị trường sách cuốn “lặng lẽ cuối cùng”( tên gốc là “Hội chứng ung thư”) cuốn tiểu thuyết viết về sự băng hoại đạo đức của công chức, dân nơi thành phố khi xã hội mở cửa. Một cuốn tiểu thuyết khắc nghiệt được viết bằng một phong các cực kì cách tân khi tên nhân vật là những chữ cái và con số cùng đối lập giữa hiện thực trần trụi của cuộc sống với triết lý khuyến thiện của đạo Phật. Đọc Hiếu người ta vừa thấy buồn, thấy giận, thấy thương lại vừa thấy cuộc sống không thể cứ mãi trôi chảy một dòng u ám, trễ nải như thế này.
Giá như, vâng, có rất nhiều cái giá như, giá như tác giả trầm mặc hơn chút nữa, biết lùi lại tĩnh tâm tĩnh lặng hơn chút nữa để không bị cái ngồn ngộn của cuộc sống chi phối thì chắc rằng tính tư tưởng, sự khát quát, độ kết tủa, chiều sâu số phận trong truyện thăng hoa hơn. Hiếu vẫn vội, viết như lửa cháy, viết như lũ lụt, như không viết ngay, không viết hết ra một lúc thì cảm hứng nó sẽ nguội lạnh đi mất. Thành thử bên cạnh những trang viết tinh tế, sâu xa có sức lay động mãnh liệt vẫn lọt vào những chương hồi dễ dãi, những kết cấu sơ sài, những suy tưởng suy tư chưa được nén chặt nên đôi lúc nó trở thành lực cản, nó phá nhau, nó có tác hại làm loãng nhạt đi cái trục chính đã phát hỏa và dày công chăm bón.
Vả lại, nói điều này cũng là nói chính tôi, văn chương khó lắm. Nó khác một trời một vực với các nghề khác. Nó là từ không đến có, nó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, trăn trở, giằng xé đến vỡ da vỡ thịt mới may ra có được một chút hồn khí, với cái tốc lực sáng tạo chóng mặt không mấy ai có được kia là một kỷ lục đáng khâm phục. Song, người đọc vẫn muốn tác giả viết chậm lại, ngẫm nghĩ, chắt lọc hơn, dồn tâm dồn sức vào nhiều hơn thì tin rằng, độ vang và hiệu ứng thẩm mỹ của nó dứt khoát sẽ đi xa hơn rất nhiều, nhất là với một con người như Hiếu, một bút lực tráng kiện, dồi dào như Hiếu.
Một lực sỹ văn xuôi là một danh xưng đáng tôn vinh. Một nhà văn biết chắt chiu, nghiêm cẩn với từng con chữ của mình lại còn đáng tôn vinh hơn. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Có lẽ với nghề văn, đó là một chân lý bất di bất dịch.
Cùng với năm tháng dãi dầu, cơn lên đồng đã tạm dứt, tuổi tác và sự trải nghiệm đã chín muồi, bạn đọc có quyền tin rằng, Nguyễn Hiếu, với tất cả bàu nhiệt huyết nóng lửa và ngọn bút tài hoa của mình, chắc chắn sẽ đi tiếp được đoạn đường văn chương chông gai, khổ nhọc phía trước và cho đến lúc này, bằng hết thảy những gì đã có trong hành trang chữ nghĩa đã giành dụm, tu luyện cả đời của mình , anh hoàn toàn có thể và phải được xã hội đối xử một cách công tâm và công bằng. Dẫu rằng nếu có nói điều này ra, Hiếu lại gãi trán cười xòa, nhưng nhìn tinh sẽ thấy trong cái xòa tưởng chừng rất vô tâm đó lại có cả một chút buồn man mác./.


Chép từ FB Nguyễn Hiếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét