Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

NỤ CƯỜI VUI TRONG THƠ VINH BIẾU




NỤ CƯỜI VUI TRONG THƠ VINH BIẾU
                    Vũ Nho
 Tôi đọc tuyển tập thơ Vinh Biếu của tác giả  Nguyễn Lương Vinh. Khá thú vị khi tác giả giải thích bút danh Vinh Biếu của ông. Thật ra, bút danh này xuất hiện đầu tiên trong tập thơ thứ tư của tác giả, xuất bản năm 2014. Trước đó ông vẫn  dùng bút danh Nguyễn Lương Vinh.
          Vinh là tốt đẹp ngợi khen
          Biếu là bướng bỉnh, khó khăn thác ghềnh
           Biếu còn là nghĩa là tình
          Đời không có “Biếu” sao mình có “Vinh”
Nếu mở từ điển thì Vinh toàn gắn với những điều tốt đẹp: Vinh dự, vinh hạnh,  vinh hiển, vinh hoa, vinh quang,  vinh quy, vinh thăng, vinh thân,… Còn Biếu thì chỉ duy nhất có nghĩa duy nhất là cho, tặng với tinh thần trân trọng, qúy mến. Không có “biếu” mang nghĩa bướng bỉnh, khó khăn  hay thác ghềnh. Phải chăng đây là từ có tính phương ngữ?
          Không khỏi mỉm cười  với “bút danh” khá lạ tai của tác giả. Thêm nữa, ông còn giải thích “ Biếu” trong bài  “ Tặng thơ”:
          Thơ Vinh tặng bạn xem chơi
          Múa rìu mắt thợ, vợ người thơ ta
          Thơ Vinh tặng bạn làm quà
          Dám đâu đem củ khoai hà BIẾU nhau
Vâng. Ít ra thì đồ vật đem tặng, đem biếu cũng lành lặn, bình thường chứ không phải là “củ khoai hà”, một  thứ phế phẩm không thể dùng. Ấy là nói về người đem tặng, đem biếu. Còn người NHẬN thì sao? Không thấy tác giả viết. Riệng tôi thì nghĩ đến một câu tục ngữ Việt Nam : “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Không ai tự dưng cho không ai cái gì. Người được biếu  THƠ thì phải lo đọc, lo phản hồi. Người được cho thơ cũng phải mắc nợ, phải đọc, phải nhận xét mà trả nợ.


                                                                         Vũ Nho - Chủ trang

 
          Với tinh thần ấy, tôi đọc “ Tuyển tập thơ Vinh Biếu”.
Một tuyển tập không dày, phần lớn các bài thơ đều ngắn. Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên thì tác giả đã trải qua một hành trình  khá dài  trong khoảng 50 năm cầm bút để đi từ viết dài đến viết ngắn. Tập thơ dễ đọc bởi tác giả là người vui tính, thích hài hước, thích nhộn tếu. Chính nụ cười vui đã là cho người viết thân gần với mọi người.
          Bài thơ “ Cấm cười “ ghi ngày sáng tác là tháng 8 năm 1972. Ngày ấy đang chiến tranh chống không quân Mĩ bắn phá.Tất nhiên, không ai  lạ  chuyện “pháo phòng không”. Nhưng pháo ở bến sông này thì…không bình thường bởi:
          Hàng chục người tồng ngồng
          Pháo phòng không đủ cỡ
          Tôi đồ rằng khi “cô giao liên quát lớn” : “ Níu chặt dây! Cấm cười!” Thì chính cô cũng buồn cười mà phải làm nghiêm thế với các chàng  tồng ngồng kia . Mà chắc gì họ đã tuân lệnh, dù cho “quân lệnh như sơn”!
          Con người vui tính ấy là con người hay tự cười, tự giễu mình. Đó là một ông già “ Ông nhà thi hứng bốc hơi men” ( Quá lửa). Đó là một  “ vận động viên  điền kinh”  luyện tập ở  “trên giường”:
          Bắc Kinh thế hội còn nhường chưa đi
          Kì tới Mĩ đã mời thi
          Chưa có đối thủ vội chi đo tài
          Mấy lần vô địch phong oai
          Cúp vàng tặng lại  người bị thua
          Hôn công chúa, bắt tay vua
Té ra đó chỉ là một giấc mơ vô địch!
Tiếng cười vui tự giễu còn thể hiện ở sự tự an ủi khi nhà trường mở hội mà chẳng gửi giấy mời ( còn có thể hiểu là có giấy mời mà không đi!):
                   Quan chức cấp cao cần có mặt
                   Giảng viên tiểu tốt miễn cho rồi
                                       ( Phải thôi!)
Những câu thơ tưng tửng tự vịnh mình mà cứ như nói anh nào:
                   Có anh bằng cấp khỏi chê
                   Đến đầu tiên lại ra về đầu tiên
                   Phải chăng ý chí kém bền
                   Hay do mở cửa vì tiền cáo lui?
                                    ( Hưu trước tuổi)
 Rồi giọng giễu nhại có phần nhuốm màu trào lộng Tú Xương:
                   Lên lớp thao thao cao lí luận
                   Về nhà lủi thủi “ giỏi” chăn gà    
                                   ( Bộc bạch)
Cái sự mê thơ thái quá của mình, của bạn được diễn tả bằng giọng pha trào  phúng, hài hước khi nói về “ thuốc thơ”:  
                   Vái lậy tứ phương thầy chịu chết
                   Thuốc-  thơ- thể dục  bện lui nhường
                             ( Vái tứ phương)
                   Nửa thành, nửa thị, nửa quê
                   Nửa yêu lục bát nửa mê thơ Đường
                   Trở trời trái gió ương ương
                   Cậy nhờ có thuốc văn chương đỡ nhiều.
                                      ( Chân dung tự họa)
 Khi nói về sự lạ kỳ :
                   Ốm đau gọi điện thăm nhau
                   Cơn đau bớt nửa nỗi sầu vơi đi
                   Hỏi thăm lần nữa lạ kì
                   Câu thơ chống gậy cụ đi chơi rồi!
                                                 ( Lạ kỳ)
Thơ thật kì  diệu nâng đỡ tâm hồn và cả thể xác con người!
 Sự hài hước tạo ra tiếng cười còn thể hiện ở cảnh  ông cao hứng còn bà “ nghiến răng” :
                   Nàng thơ lục bát tung bay
                   Mượt mà quấn quýt vào tay ông nhà
                    Hương thơ khuya mới tỏa ra
                   Gọi bà thưởng thức thấy bà nghiến răng
                                          ( Tung bay)
Và cái nghịch cảnh của bạn thơ trên mạng, chỉ “ngọt thơ” mà đời thật lại mang vị đắng khóc cười:
                   Thơ tình anh anh em em
                   Cớ ngon, ngọt sớt, thân quen lắm rồi
                   Gặp em anh ngã ngửa người
                   Em tám mươi tuổi, anh ngoài sáu mươi
                                       ( Ngọt thơ)
Tác giả còn từ hài hước vui tươi đến phê phán, châm biếm, đả kích trong các bài thơ Bóng dáng Chí Phèo, Quan cách,  Nhớt nheo, Tuyển người giữ trẻ, Vui cái bụng, Thiến, Cẩu đầu trảm, Món quà thế kỉ,…
          Trong ba phương chấm sống của người cao tuổi gồm sống khỏe, sống vui, sống có ích. Thơ của ông Vinh Biếu có nụ cười tự vui, làm cho người đọc vui. Vì vậy làm cho người ta thấy yêu đời hơn, khỏe mạnh hơn và sống có ích hơn.
                                          Hà Nội, 19 tháng 2 năm 2020
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét