Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Tưởng nhớ nhà văn Đặng Hiển!

Xin đăng lại một bài viết để tưởng nhớ nhà văn Đặng Hiển!
Cầu cho linh hồn anh siêu thoát miền Cực Lạc!

vunhonb.blogspot.com



ĐẶNG HIỂN - NGƯỜI LÀM VƯỜN  KHÔNG VÔ DANH
Mấy cảm nghĩ về nhà văn Đặng Hiển, nhân đọc “Mái trường mến yêu”, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016
                                                    Vũ Nho
Tôi biết anh Đặng Hiển vì anh là một thầy giáo dạy Văn hay viết lách. Cùng nghề sư phạm, cùng  dạy một bộ môn  Văn nên đọc nhau, biết tên nhau. Rồi vì cùng liên quan đến sách vở nên gặp nhau ở các Hội nghị , các đợt tập huấn của ngành giáo dục, cả các hội nghị văn chương nữa.
Trong một lần trò chuyện với các bạn giáo viên Văn của Hà Đông, chia sẻ về việc dạy thơ, tôi có nói đại ý: Người dạy thơ ít nhất cần phải biết làm thơ. Có như thế thì việc dạy mới hấp dẫn, thuyết phục. Bởi có làm thơ, mới thông cảm, đồng cảm với những thành công của tác giả, mới dễ thâm nhập vào thế giới trong thơ. Nói như ông Hoài Thanh, khi ấy hồn ta mới dễ gặp hồn người.
Dạy văn ở trường THPT mà lại là một nhà thơ, nhà thơ có tên, có tuổi; từng biên tập thơ cho tạp chí Tản Viên Sơn, là Hội viên không chỉ Hội nhà văn, lại còn Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu  như anh Đặng Hiển thì quả thực là một điều không phải nhà giáo nào cũng có thể làm được. Không ít các học trò của anh thành nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lí…chắc chắn có ảnh hưởng của ngọn lửa say mê văn chương mà anh nhen nhóm.  Một đời nhà giáo Đặng Hiển chỉ làm việc dạy  học, viết lách chỉ là việc tay trái. Thế mà anh đã có một khối lượng tác phẩm đáng nể : 11 tập thơ, 3 tập truyện, kí,  5 kịch bản văn học, 6 tập lí luận phê bình. Ở lĩnh vực nào anh cũng có giải thưởng. Dạy văn mà viết thơ, viết truyện kí, viết kịch, viết phê bình như Đặng Hiển thì  ở nước ta cũng chẳng có mấy người.

Trong danh sách hội viên Hội nhà văn Việt Nam, có không ít các nhà văn xuất thân từ nhà giáo. Nhưng gốc gác nhà giáo chỉ là cái bệ phóng để nhà văn đi rất xa. Và thật lạ là những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết viết về nhà trường có rất ít ở các nhà văn gốc nhà giáo đó. Phải chăng vì cái “hiện thực” nhà trường có phần nghèo, đơn điệu với giấy trắng, bảng đen, với môi trường có tính mô phạm, chuẩn mực làm cho ngòi bút của các thi nhân khó tung hoành? Bởi vậy mà càng đáng quý trọng khi nhà giáo Đặng Hiển, với nhiều sáng tác đa dạng cả thơ, truyện kí, kịch, lí luận phê bình, vẫn dành một góc cho tập thơ “Mái trường mến yêu”, một tập thơ gồm 95 bài viết về mái trường và những người liên quan đến sách giáo khoa, đến các tác giả, đến chương trình Văn chương trong nhà trường.
Người thầy giáo ấy đã từng náo nức cùng các em học sinh về ngôi trường mới. Một hình ảnh chân thật, cảm động vì từ ngày khai sinh nước Việt Nam, có biết bao ngôi trường mới mở ra:
Những bậc thềm mát rượi bàn chân
Ấm tường vàng, thơm những cửa vừa sơn
Anh khép cánh cửa này
Nhưng không khép lại trời mây
Đất nước như tấm tranh lồng kính
In hình trong đáy mắt thơ ngây
                   Về trường mới
Người thầy dạy văn ấy là người biết lắng nghe những chuyện đời ở ngoài những trang văn để làm giàu thêm, sâu sắc thêm bài giảng của mình. Chính những phút giây nói lời “ không ghi trong giáo án” là phút giây người thầy thăng hoa. Cần lắm những phút giây như thế, đặc biệt là với giáo viên dạy Văn. Và người thầy giáo ấy đã chân thành bộc bạch:
Trong đời dạy học của tôi
Tôi đã nói nhiều về sự hi sinh của những người cha
Sự thủy chung của những người mẹ
Sao tôi chưa nói
                 về sự cô đơn của những đứa trẻ
Nỗi nhớ cha và lòng thương mẹ
Cứ chất đầy trên vai nhỏ dường kia
                         Lời không ghi trong giáo án
Thông thường thì học trò thường làm thơ về người thầy mình để tỏ lòng biết ơn, trân trọng. Nhà giáo Đặng Hiển cũng viết về  người thầy của mình. Nhưng anh dành nhiều thơ viết về các em học sinh. Từ em ngoan, giỏi, đến em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ em trở thành anh hùng đến em chẳng may bệnh tật mất sớm. Và cả một học sinh cá biệt, gặp lại thầy như một người “xa lạ”, không chào hỏi, anh vẫn quan tâm và không ngừng băn khoăn:
Hay là em có niềm đau
Ước mơ ngày cũ tan vào thời gian?
Hay là đời lắm lo toan
Làm bao kỉ niệm héo tàn trong em?
                    Xa lạ
Đúng là tấm lòng bao dung, nhân hậu của một người anh, một người thầy, một người cha.
          Nhiều bài thơ, nhà giáo thể hiện sự yêu nghề, gắn bó với việc trồng người, gắn bó với trường học. Ngôi trường đã trở thành  hình ảnh trái tim, biểu tượng của tình yêu:
               Trí nhớ sương mờ ta có thể quên
                Nhiều niên biểu của niềm vui, nỗi khổ
                Nhưng nơi này ta đã để tim mình ở đó
                Không bao giờ ta có thể quên
                              Về lại trái tim
Và người thầy giáo ấy thấy mình tựa như “ Dòng sông vẫn chảy tới miền biển xa”, tràn ngập hạnh phúc vì  “có những học trò hơn mình”, vì biết bao nhiêu học trò đã thành đạt bay xa “ Chân trời đã rợp cánh chim”! ( Dòng sông và cánh chim).
          Đặng Hiển tự nhận mình là “ Người làm vườn vô danh trên mảnh đất người đời” ( Hạnh phúc).  Nhưng không phải thế. Anh là người làm vườn có danh. Đó là danh hiệu nhà giáo ưu tú. Đó là danh hiệu Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Và danh hiệu quan trọng nhất là danh hiệu người thầy giáo dạy văn trong lòng lớp lớp học trò đã may mắn cùng anh đèn sách dưới mái trường tươi đẹp:
          Nắng mới hay tường mới
          Màu vôi hay nắng tươi
          Sân trường tỏa rộng nguy nga nắng
          Ta trải hồn mình như tơ phơi
                            Thu
Nghề dạy học tuy vất vả, không phải là nghề kinh doanh nên thường không giàu của cải. Nhưng nghề dạy học là một nghề được xã hội nào cũng tôn trọng vì đó là một nghề  trồng người, nghề tiếp xúc với tuổi trẻ, luôn luôn thấy mình được trẻ.  Điều hạnh phúc nhất của một người thầy là truyền được tình yêu, niềm say mê, tự tin cho  thế hệ trẻ - các  lớp học trò. Anh Đặng Hiển là một trong hàng triệu người thầy như thế:
          Hãy mạnh bước lên, hỡi những bầy em
          Hãy vượt lên khó khăn và trở ngại
          Trước mắt các em thênh thang đường đi tới
          Thế kỉ 21 này là của các em
                              Hôm nay và ngày mai
Bài viết nhỏ này như là sự chia vui với người đồng nghiệp một đời cần mẫn, lặng thầm cống hiến cho “ Mái trường mến yêu”!
                                                Hà Nội, Trung Thu 2016
         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét