TỪ
GIẢ
THUYẾT
VỀ
ViỆC
DU NHẬP
KIM VÂN KIỀU TRUYỆN,
ĐẾN
GIẢ
THUYẾT
VỀ
NHÂN VẬT
DUY MINH THỊ - NGƯỜI
“TRÙNG SAN” TRUYỆN KIỀU
NĂM 1872
ĐÀO THÁI TÔN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tại bài viết này, chúng tôi xin nêu
hai vấn đề:
1/ Ai mang Kim
Vân Kiều truyện về Việt Nam?
2/ Nhân vật
Duy Minh Thị - “Người trùng san” bản Kiều 1872 là ai ?
Để thêm một
lý lẽ khẳng định thêm ý kiến Hoàng Xuân Hãn (1953 và 1996) và Trương Chính
(1963): Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào đời Tây Sơn và nhân vật Duy
Minh Thị, từ đó thấy rõ bản chất bản Kiều mang tên ông.
GIẢ THIẾT THỨ NHẤT KIM VÂN KIỀU TRUYỆN
DU NHẬP VÀO
VIỆT NAM TỪ ĐẦU ĐỜI THANH
1. Có thể bắt
đầu giả thuyết này bằng câu chuyện Nguyễn Thạch Giang từng cho biết thêm: năm
Phạm Quý Thích mang khắc in Truyện Kiều thì Nguyễn Du mới... mười lăm
(15) tuổi (Sđd, tr.14)(1). Ông viết:
“Năm 1771,
thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm về trí sĩ (...) Nguyễn Du cùng mẹ là Trần Thị
Tần theo cha về Tiên Điền, suốt thời thơ ấu đến năm 19 tuổi đi thi ra Bắc làm
quan”. Nguyễn Du sinh năm 1765. Vậy năm 1783, ông 19 tuổi.
“Bấy giờ ở
Tiên Điền và Trường Lưu có trường học lớn của Tiến sĩ Nguyễn Huệ, anh Nguyễn
Nghiễm, bác Nguyễn Du, có Phúc Giang thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.
Nguyễn Du chắc chắn là môn sinh của những trường học lớn này. Lại nữa, Nguyễn
Huy Oánh đi sứ năm Ất Dậu (1763) có mang về nhiều sách Trung Quốc. Ta không
loại trừ khả năng Nguyễn Huy Tự đã đọc Đệ bát tài tử thư Hoa tiên ký
để viết Hoa tiên cũng như khả năng Nguyễn Du đã đọc Kim Vân Kiều
truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để viết Truyện Kiều trong thời gian
ở quê nhà, qua lại thư viện Phúc Giang ở Trường Lưu”.
“Chúng ta tin
rằng... năm 1779 Nguyễn Du tóm tắt lược cuốn Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Huy Oánh đã mang từ Trung Quốc về tàng trữ tại
Phúc Giang thư viện trong thời gian Nguyễn Du lưu tới học tập, nấu sử sôi
kinh ở đây. Và Nguyễn Du đã dựa vào cuốn truyện đó mà sáng tác Truyện Kiều”.
“Điều này
cũng phù hợp với lời các cố lão ở Tiên Điền và Trường Lưu kể rằng: Nguyễn Du
có thói quen nằm đưa võng mà làm Kiều, được câu nào thì ghi lên vách
đố, thỉnh thoảng sang Trường Lưu trao đổi với bà con họ Nguyễn Huy. Bấy giờ
có bà Nguyễn Thị Đài, cháu Nguyễn Du, vợ Nguyễn Huy Tự, giỏi Nôm đã góp nhiều
ý kiến cho chú. Có điều, Nguyễn Du bấy giờ chỉ cảm thấy tài sắc Kiều bị vùi
dập mà động lòng trắc ẩn, mới là bản thảo đầu chưa trải qua những lần sửa
chữa về sau của chính tác giả, trải qua nhiều lần nhuận sắc của bạn bè của
nhân dân để có một bản Kiều hoàn hảo như ngày nay” (...) “Bản này còn nguyên
vẹn trong tủ sách của cụ Nghè Mai (...) mà chúng tôi đã có dịp nghiên cứu văn
bản từ những năm 1953, 1962, 1963, trong những lần đi nghiên cứu ở Tiên Điền”(2).
Nếu theo Nguyễn Thạch Giang
thì, Nguyễn Huy Oánh đi sứ năm Ất Dậu, 1763 thì, lúc đó Nguyễn Du chưa sinh;
mà năm 19 tuổi (tức năm 1783) Nguyễn Du đã ra làm quan (?). Vậy Nguyễn Du đọc
Thanh Tâm Tài Nhân để viết Truyện Kiều vào năm nào?
2. Tiếp đến,
trong bài trả lời phỏng vấn đài RFI tại Pháp năm 1996, Hoàng Xuân Hãn cũng đề
cập tới việc này. Cụ nói:
“Quyển Kiều
(tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - Đ.T.T) đến tay cụ
Nguyễn Du bằng cách gì? Thì đấy là một vấn đề mình đặt ra. Tôi suy nghĩ không
tìm thấy chứng cớ gì.”(....) Theo tôi, có hai người. Một là anh ruột cụ
Nguyễn Du là Nguyễn Đề theo Tây Sơn từ lúc đầu ( ... ) giúp các công văn từ
lúc đầu giao thiệp với nhà Thanh, rồi cụ được đi sứ sang Thanh. Lúc về, cụ
mang theo quyển Kiều vào khoảng đầu đời Quang Trung, 1792 - 1793. Hai
là người anh rể của cụ Nguyễn Du, tên Đoàn Nguyễn Tuấn, con ông Đoàn Nguyễn
Thục, đậu Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư đời Lê - Trịnh, có nhiều con,
trong những đứa con ấy, có Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu là Hải Ông, cũng theo Tây
Sơn từ lúc đầu với Nguyễn Đề và Ngô Thì Nhậm, rồi cũng đi sứ.
Rồi ít lâu,
cũng sợ liên luỵ đến người anh, cho nên cụ (Nguyễn Du về quê, ở nhà anh rể ở
Thái Bình khá lâu (...). Người anh rể, Đoàn Nguyễn Tuấn, cũng có thể mang
quyển Kiều chữ Hán về, rồi cụ thấy quyển Kiều ấy ở nhà người
anh rể mà viết ra.
Nhưng bây giờ
lại từ đó muốn suy ra niên đại cụ Nguyễn Du viết Kiều vào khoảng nào?
Chỗ này thì không có cách khảo sát dễ dàng đâu. Đến gia phả ở Tiên Điền cũng
nói rằng khi cụ Nguyễn Du đi sứ, có mang Truyện Kiều về, cho nên cụ
viết quyển Kiều tiếng Việt. Cái ấy chắc chắn là lầm. Bởi vì... bản ông
Đào Nguyên Phổ mang về... có những lời phê bình của hai người là ông Vũ Trinh
và ông Nguyễn Thành... thì biết rằng Truyện Kiều được viết đầu đời Gia
Long hoặc trước đời Gia Long. Theo đấy, với những lẽ suy khác thì nghĩ rằng
cụ viết đời Tây Sơn chứ không phải đời Gia Long”(3).
Nếu suy đoán
của Hoàng Xuân Hãn, anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Đề đi sứ sang Thanh, mang
theo Kim Vân Kiều truyện về vào khoảng đầu đời Quang Trung, 1792 -
1793 để từ đó Nguyễn Du viết Truyện Kiều mà đúng, thì lại mâu thuẫn
với ý liến khi cụ cho rằng “viết đời Tây Sơn chứ không phải đời Gia Long”.
Tựu chung,
những ý kiến trên đây cho chúng ta một cảm giác rằng, nếu không có việc anh
em chú bác Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc, thì không biết đến bao giờ Kim Vân
Kiều truyện mới có mặt ở Việt Nam. Và chắc chắn rằng văn học Việt Nam
cũng không thể có Truyện Kiều! Tuy nhiên đây là bài Hoàng Xuân Hãn trả
lời phỏng vấn, nói theo trí nhớ. Khi Tạ Trọng Hiệp và Thụy Khuê gỡ băng đưa
in, thì cụ đã mất, chưa hề nhìn thấy văn bản bài nói. Vì thế cần “dĩ ý nghịch
chí”, cốt đón nhận những gợi ý về mặt phương pháp của cụ, bỏ qua những chi
tiết ai cũng rõ là nói nhịu, hoặc lầm lẫn trong một vài chi tiết.
Trên tinh
thần đó, chúng tôi đã nhận ra được gợi ý rất lớn của cụ: “Có những người sau
này nói rằng vì Tây Sơn, lúc ấy văn tiếng Việt mới nổi lên. Không đúng đâu.
Tiếng quốc ngữ được nổi lên có nhẽ từ thế kỷ XVII, cho đến đời Minh Mạng.
Quãng ấy là quãng thịnh nhất. Cho nên những bài như Cung oán ngâm khúc,
Chinh phụ ngâm, với những văn của Nguyễn Huy Lượng, bài Tây Hồ phú...
vào cái khoảng đời ấy hết cả. Lúc ấy có thể nói có một trường phái điêu luyện
về đường văn thái, văn kêu, văn hay... Cụ Nguyễn Du là vào cái phái ấy... nên
nhân dịp ấy, cụ viết ra quốc ngữ...”. Từ gợi ý này, tôi cảm ơn Nguyễn Hoàng
Sơn khi thấy anh viết:
"Theo
Trần Ích Nguyên "Năm thứ 19 niên hiệu Càn Long đời Thanh (1754), Truyện
Kiều (tức Kim Vân Kiều truyện) được đưa sang Nhật Bản"... Đọc
sách Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (1759-1828)... thì biết Kim
Vân Kiều truyện đã vào nước ta muộn nhất là khoảng 1793-1794 là năm Vũ
Trinh viết xong sách này. Chứng cứ là ở lời bàn cuối truyện "Liên Hồ
quận quân" (tr.133) Vũ Trinh nhắc đến Thúy Kiều: "... Thúy Kiều
gieo mình sông lớn" ... vậy thì có thể đoán chắc là Nguyễn Du cũng được
tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện không muộn hơn Vũ Trinh”(4).
Thật lý thú.
Năm 1754, nghĩa là trước khi Nguyễn Du chào đời, Kim Vân Kiều truyện
đã được đưa sang Nhật Bản. Nhưng truyện vào Việt Nam năm nào, Nguyễn Du được
đọc vào khoảng năm nào, vẫn là mối băn khoăn của chúng tôi.
Nhưng nay băn
khoăn đó đã được hé mở, khi GS. Li Tana viết: “Thuyền bè lui tới Bắc kỳ rất
thường xuyên vào cuối thế kỷ XVII là từ Ningpo và hàng hóa giao thương chủ
yếu là sách vở, tài liệu. Hầu hết các tàu xuồng xuất khẩu sách ra nước ngoài
đều từ Nam Kinh và Ningpo. Giao thương sách vở tự nhiên làm thành một phần
quan trọng của việc giao thương giữa khu vực này với Nhật, Triều Tiên cũng
như với hai xã hội có tổ chức của người Việt là Đàng Trong và Đàng Ngoài”(5). Vì những lẽ đó, tôi cho rằng Kim Vân Kiều
truyện đã vào Việt Nam từ rất sớm, có thể đầu thế kỷ XVII và đã được
nhiều người Việt Nam đọc, thích thú, nên Nguyễn Du mới tính đến việc dựa theo
cốt truyện đó mà viết Truyện Kiều.
GIẢ THIẾT THỨ HAI: DUY MINH THỊ LÀ NGƯỜI MINH HƯƠNG, MỞ
XƯỞNG KHẮC VÁN IN SÁCH TẠI QUẢNG ĐÔNG, MANG VỀ BÁN TẠI VIỆT NAM
Trong bài Nghĩa
của hai chữ “trùng san”(6), chúng
tôi cho rằng: TRÙNG SAN = biên tập, bổ sung, sửa chữa. Hàng chữ trong bản
DMT: tuế tại Nhâm Thân. Xuân. Nam Việt Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị
trùng san 歲在壬申春南越嘉定城居士惟明氏
重刊= Cư sĩ Duy
Minh Thị ở thành Gia Định đất Nam Việt sửa chữa vào mùa Xuân năm Nhâm Thân
(1872), đã xác nhận DMT là người sửa chữa Truyện Kiều. Tuy nhiên một
điều lý thú là, năm 1879, ông lại cho in bản Kiều “trùng san”, ghi rõ:
Tuế tại Kỷ Mão. Xuân. Nam Việt Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị trùng san 歲在己卯春南越嘉定城居士惟明氏重刊 = Cư sĩ Duy
Minh Thị ở thành Gia Định đất Nam Việt “trùng san” vào mùa Xuân năm Kỷ Mão
(1879). Như đã trình bày, TRÙNG SAN = biên tập, bổ sung, sửa chữa. Vậy Duy
Minh Thị biên tập từ những bản nào để làm ra bản in 1879, trong khi nét chữ khắc trên các trang của bản 1872 và 1879 giống nhau như hai giọt
nước?
Câu hỏi nảy sinh từ lâu. Nhưng nay qua gợi ý trong tham luận của GS. Li Tana,
chúng tôi đã liên hệ tới những tài liệu của Alexandre Lê mà theo đó, nhóm DMT
có khoảng 10 người, thuê ở Quảng Đông khoảng 10 cơ sở khắc ván in sách mà riêng
DMT đã thuê đến 6 cơ sở; chỉ trong năm 1874 đã in 6 đầu sách(7). Từ hai nguồn tài liệu này, chúng tôi mạnh dạn
đưa ra giả thuyết: phải chăng DMT là tên hiệu của một “xưởng in xuyên quốc
gia”, người Minh hương? Nếu đúng vậy, thì khả năng có thể xảy ra là, khi thấy bản in năm 1872 đã bán hết, ông bèn khắc lại trang bìa, chau chuốt bộ bộ
ván cũ để “in nối bản”?
Chúng tôi chắc tin ở giả thuyết này. Bởi
nếu không phải là người có quan hệ gốc rễ, bà con thân thuộc máu mủ tại Trung
Quốc, thì khó hình dung được rằng người Việt Nam vào thời ấy mà lại có thể bỏ
tiền thuê hàng chục cơ sở khắc ván tại nước ngoài như vậy. Phải là Hoa kiều mới
làm được việc đó.
Từ những điều trình bày trên đây,
chúng tôi tin rằng, Duy Minh Thị là một trong dăm bảy người Minh hương có cơ
sở khắc ván, in sách Việt Nam tại Quảng Đông, để “phục vụ” cho “thị trường
sách” của Việt Nam vốn rất èo ọt, ở thời điểm ấy.
Chú thích:
(1) Xin xem Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều - Nghiên
cứu và thảo luận, Nxb. Hội nhà văn, H. 2001, tr.153-161. Tại bài viết
này, chúng tôi đã chứng minh rằng, hai chữ Kỷ Dậu trên văn bản Nguyễn đã
chứng tỏ văn bản tại nhà cụ Nghè Mai chép năm 1899, chứ không phải năm 1779
(tức năm Nguyễn Du 14 tuổi). Thậm chí có cơ sở để nghĩ rằng văn bản này được
viết vào năm Kỷ Hợi (1959) tức là năm thứ 15 niên hiệu Việt - Nam dân chủ
cộng hòa!
(2) Văn bản Truyện Kiều - Nghiên cứu và thảo luận,
Sđd., tr.96-131.
(3) Bài Hoàng Xuân Hãn trả lời phỏng vấn R.F.I in trên Hợp lưu số 29, tháng 6 - 7 năm 1996, từ bản gỡ băng do PV Thụy
Khuê thực hiện, mang tên Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều. Nhưng do Hoàng Xuân
Hãn vừa mất, nên không được tác giả đọc lại. Xem Thụy Khuê: Nói chuyện với
Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, Nxb. Văn nghệ, California, Hoa Kỳ, 2002,
tr.XI. Tháng 3/1997, Tạp chí Văn học cho in với nhan đề Học giả Hoàng
Xuân Hãn nói về Truyện Kiều, nhưng không in theo câu hỏi của PV, nên
có người tưởng là bài viết do tác giả.
(4) Nguyễn Hoàng Sơn: Một phát hiện có ý nghĩa với việc
nghiên cứu văn bản Truyện Kiều. Văn nghệ, số 35+36 (2-9-2004).
(5) Tham luận của Li Ta Na (Đại học quốc gia Úc): Tìm
hiểu giao thương sách vở - cơ sở tư liệu của Nho học Việt Nam thế kỷ XVI tại
Hội thảo quốc tế Nho giáo ở Việt Nam ngày 9 và 10 tháng 11 năm 2007 tại Hà
Nội.
(6) Tạp chí Hán Nôm, số 3/2003.
(7) Xin xem Nguyễn Tài Cẩn: Tư liệu Truyện Kiều bản Duy
Minh Thị 1872, Nxb. ĐHQG, H. 2002, tr.14-15./.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét