TƯ LIỆU TRUYỆN KIỀU BẢN DUY MINH THỊ ĐẾN BẢN KIỀU OÁNH MẬU
Lời nói đầu.
Tên riêng viết tắt .
Tên gọi và cách viết tắt 9 bản Kiều thế kỷ 19.
PHẦN THỨ NHẤT
VÀI NÉT KHÁI LƯỢC VỀ CÁC BẢN KIỀU THẾ KỶ 19
Thứ lướt qua hai thế kỷ lịch sử văn bản truyện Kiều.
Đã đến lúc cần điều tra về các bản Kiều thế kỷ 19.
Về các nhân tố đã làm nảy sinh sự khác nhau giữa các bản Kiều thế kỷ 19.
A/ Nhân tố thứ nhất sự tự nhuận sắc của bản thân tác giả.
B/ Những sự thay đổi từ ngữ do các thế hệ biên tập đời sau đưa lại.
C/ Những sự thay đổi từ ngữ do lệch triều đình bắt kị húy.
D/ Hậu quả cả những sai sót trong ba kỹ thuật: SAO CHÉP, IN, MỘC BẢN VÀ IN QUỐC NGỮ
Về quá trình phổ biến truyện Kiều ra các vùng.
A/ Nguồn gốc Nghệ Tĩnh của các bản sao đầu tiên.
B/ Một số ảnh hưởng qua lại hiện thấy giữa các bản Kiều thế kỷ 19.
C/ các bản Bắc, Trung, Nam.
Vài điểm cần thống nhất ý kiến trước khi điều tra.
A/ Về mặt lý luận.
- Văn bản và các yếu tố ngoài văn bản.
- Chuyên nhận diện các ký hiệu của chữ Nôm
- Mối quan hệ giữa việc phiên Nôm và việc phục nguyên ngữ âm cổ
B/ Vài quy ước cụ thể.
PHẦN THỨ HAI
KẾT QUẢ ĐIỀU TRA VỀ 9 BẢN KIỀU THẾ KỶ 19
-163 trang bên trái: Những gì còn lại của cụ Nguyễn Du.
-693 câu nguyên vẹn.
Và 1561 câu không nguyên vẹn.
-163 bảng bên phải: Những chỗ cụ Nguyễn Du đã bị đời sau sửa chữa.
-1962 chỗ có vấn đề khảo cứu.......................................................................
- 4107 dị bản khác nhau.................................................................................
PHẦN THỨ BA
DỰA TRÊN CƠ SỞ 9 BẢN KIỀU THẾ KỶ 19
THỬ TÌM CÁCH PHỤC NGUYÊN LẠI MỘT SỐ VĂN BẢN
GẮN VỚI NGUYÊN TÁC NHẤT
- Các tiêu chí phục nguyên.
- Việc phục nguyên ở từng trang.
Vài lời cuối sách.
Lời nói đầu
1/ Cuốn sách này gồm có 3 phần chính. Về thực chất, nội dung mỗi phần
chính đó là lấy từ một tập hồ sơ cũ chúng tôi đã khởi công xây dựng
trong khoảng 1892 -1990, nhân dịp có 2 lần, thời gian hơn 2 năm, chúng
tôi được cử sang giảng dạy ở trường Đại học Paris 7. Gần đây bạn bè có
cung cấp thêm một số tài liệu mới, chúng tôi có dựa vào đó bổ sung, sửa
chữa.
2/ Trong 3 tập hồ sơ này, tập quan trọng nhất là tập chúng tôi để ở
phần II. Đó là tập gồm hơn 300 trang, cung cấp cứ liệu điều tra về các
bản Kiều thế kỷ 19.
Một nửa là điều tra về những gì còn lại của cụ Nguyễn Du sau khi Cụ mất
bảy tám mươi năm; và một nửa là điều tra về 1962 chỗ tác phẩm của Cụ đã
bị sửa chữa vì tính đến cuối thế kỷ 19 đã có đến 4107 dị bản khác nhau.
Chúng tôi khởi công xây dựng tập hồ sơ này là sau khi được trao đổi ý
kiến cùng Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và được Giáo sư hoàn toàn thuyết phục:
muốn tìm hiểu thấu đáo truyện Kiều thì trước hết phải khảo sát tất cả
các truyền bản cổ thế kỷ 19 có thể có được, với số lượng càng nhiều càng
tốt – Bản thân Giáo sư cho biết Giáo sư đã nghiên cứu 8 bản đời Tự Đức
còn chúng tôi thì cho đến năm vừa qua chúng tôi đã thu thập được cả thảy
9 bản, được chép được in trong khoảng từ 1870 đến năm 1902. Có thể chắc
chắn phần lớn 2 danh sách phải giống nhau. Vì vậy sau khi đọc kỹ tập hồ
sơ này bạn đọc có thể tin chắc rằng bạn đọc đã hình dung được trên đại
thể kho tư liệu Giáo sư đã thu thập được để đối chiếu và kết quả đối
chiếu mà Giáo sư đã đạt đến được.
3/ Từ tập hồ sơ gốc trên đây, chúng tôi đã hình thành thêm được tập hồ sơ bổ sung nữa:
Một tập nêu những nhận xét khái quát về các bản Kiều thế kỷ 19 ( sẽ để ở phần 1 cuốn sách).
Và một tập nêu lên các nguyên tắc phục nguyên và kết quả phục nguyên để
đi đến được một bản Kiều có khả năng gần với nguyên tác nhất (tập này sẽ
để ở phần III).
Trong tập “Vài nét khái lược về các bản Kiều thế kỷ 19” về cơ bản chúng
tôi cũng đi theo những hướng mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã vạch ra,ví dụ
như:
Nghiên cứu các chữ kị húy để chia các bản Kiều thế kỷ 19 thành các thế
hệ trước sau; thế hệ biên tập trong khoảng 1803-1825; thế hệ biên tập
trong khoảng 1836-1840; và thế hệ biên tập sau năm 1847.
Nghiên cứu những chỗ lúc đầu cụ Nguyễn Du diễn Nôm theo sát Thanh Tâm
Tài Nhân nhưng rồi sau đổi khác đi để phỏng đoán về các bước tự nhuận
sắc của Cụ.
Hoặc nghiên cứu vết tích các phương ngữ Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên – Huế và
Nam Bộ để phỏng đoán quá trình truyền bá văn bản truyện Kiều ra khắp cả
ba miền đất nước.
Hoặc nghiên cứu những sự đính ngoa, nhuận sắc, những sự sai lầm trong các khâu sao chép, in ấn làm cho văn bản diễn biến v,v.
4/ Khi bắt tau vào việc xây dựng tập hồ sơ “ Dựa trên cơ sở các bản Kiều
thế kỷ 19 thử tìm cách phục nguyên lại nguyên tác” chúng tôi có báo cáo
với Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là chúng tôi xịn theo hướng ngôn ngữ học:
chúng tôi sẽ dựa vào ngữ pháp, dựa vào từ vựng, dựa vào ngữ âm lịch
sử…vì chúng tôi được đào tạo về chuyên mông theo hướng này. Giáo sư cho
biết Giáo sư phục nguyên theo vốn kinh nghiệm riêng, nhưng Giáo sư rất
khuyến khích, rất ủng hộ, chúng tôi đi theo chuyên môn của mình…Thành
thử riêng tập hồ sơ này là tập có thể có những cách kiến giải khác nhau
giữa Giáo sư và chũng tôi.
Mỗi tập hồ sơ có những nét riêng như vậy, nhưng nhìn chung cả 3 tập thì
phải nói rằng chúng tôi đi theo hướng Giáo sư đã vạch rõ ra là chính.
Nếu trong 3 tập này có được những thành tựu nào đấy thì rõ ràng đó là
những thành tựu chính nhờ vào Giáo sư mà có. Tất nhiên chắc sẽ có nhiều
khuyết điểm bạn đọc sẽ phát hiện ra. Nhưng đó lại là những sai lầm của
riêng chúng tôi, chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
5/ Trước đây chúng tôi xây dựng hồ sơ chỉ là để có một ít tư liệu riêng,
chứ chúng tôi không có ý định viết lách gì. Vì chúng tôi biết: Giáo sư
đã nửa thế kỷ nghiên cứu Truyện Kiều, và bản Kiều tầm nguyên của Giáo sư
đã có nhiều bản trong kho lưu trữ của Giáo sư.
Nhưng không may Giáo sư qua đời, chưa kịp công bố gì, ngoài một bài trả
lời phỏng vấn. Bài trao đổi với nhà báo này Giáo sư lại nói theo trí
nhớ, và nói rất vắn tắt, do đó có nhiều chi tiết người hiểu thế này, kẻ
hiểu thế nọ. Và nhiều cuộc tranh luận đã nảy sinh, lắm khi khá gay gắt.
Đứng trước tình hình đó, chúng tôi đã phải làm 3 việc để bạn đọc hiểu
đúng Giáo sư hơn:
Viết một số bài báo, thuyết minh cho rõ một số luận điểm mà Giáo sư đã đề ra.
Làm một báo cáo khoa học ở hội nghị quốc tế EURO – VIỆT lần thứ 5 (năm 2002) để bạn bè thế giới biết về hướng đi của Giáo sư.
Và giới thiệu sơ bộ bản DMT/1872 là bản Giáo sư hết sức đề cao coi như
là truyền bản đứng đầu danh sách 8 bản Kiều mà Giáo sư đã tham khảo.
Những kết quả nghiên cứu của Giáo sư trong bản Kiều tầm nguyên thì mãi
đến nay vẫn chưa ai hiểu rõ. Mà cuốn sách của Giáo sư thì chưa biết đến
bao giờ mới in ra được. Do đó bạn bè lại đề nghị chúng tôi tiếp tục công
việc giới thiệu về Giáo sư, tạm thời ra một số cuốn sách giúp bạn đọc
có cơ sở để có thể hình dung được phần nào hướng nghiên cứu mà Giáo sư
đã đề xuất cho ngành Kiều học nói chung, cho lớp nghiên cứu trẻ tuổi
hơn, như lớp chúng tôi nói riêng.
6/ Đứng trước đề nghị này, thú thực lúc đầu chúng tôi rất băn khoăn.
Chúng tôi tự biết: ba tập hồ sơ cũ chúng tôi xây dựng vội vã trước đây
chắc còn quá nhiều khuyết điểm:
- Về tư liệu chắc không tránh khỏi nhiều sai sót, sai lầm.
- Về nội dung chắc còn nhiều chỗ trùng lặp, nhiều chỗ có thể trước sau bất nhất.
- Về văn phong, do ghi chép vội vã, hẳn về mặt câu chữ cũng có không ít vấn đề.
Nhưng bạn bè đã động viên, khuyến khích, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều;
gửi cho các bản photocopy cần thiết nhất giúp chúng tôi có điều kiện
kiểm tra lại những gì đã thu thập trước kia; cho những lời khuyên hết
sức thiết thực như khuyên tránh tư tưởng đòi hỏi tuyệt đối khuyên cứ nên
“có gì in nấy”; và ngỏ ý sẵn sàng tham gia biên tập hộ bản thảo. Xin kể
ra đây những bạn đã giúp đỡ nhiều nhất để tỏ lòng tri ân, nhà nghiên
cứu Lê Sơn Thanh (tức Alexandre Lê) ở trường Viễn Đông bác cổ Paris; các
tiến sĩ Đào Thái Tôn, Ngô Đức Thọ, Hoàng Thị Hồng Cầm ở Viện Hán Nôm;
chị cử nhân Hà Thị Tuệ Thành ở khoa Ngôn ngữ trường Đại học KHXH &
NV Hà Nội; tiến sĩ Mai Quốc Liên, Giám độc Trung tâm nghiên cứu Quốc
học.
Trước những tấm lòng như thế, chúng tôi đành phải nhận lời. Nhưng với sự
hạn chế của tuổi tác, chúng tôi tự thấy cũng khó có thể làm được gì
nhiều để có thể làm cho chất lượng bản thân được nâng cao lên hẳn.
Rất mong bạn bè và đông đảo bạn đọc thông cảm, lượng thứ cho và góp ý cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét