DÀO DẠT ẤM NỒNG MỘT TÂM HỒN CHIẾN SĨ
Đọc “Buông một giọt trầm” của Nguyễn Thị Hoàng Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Vũ Nho
Tôi ngẫu nhiên quen biết Nghệ sĩ vùng Mỏ Nguyễn Thị Hoàng Hòa. Chị có giọng đọc thơ đầy sức cuốn hút và truyền cảm. Gặp gỡ giao lưu với câu lạc bộ thơ Truyền Đăng mà chị làm chủ nhiệm, cùng làm việc trong Ban chấp hành Hiệp hội phi hư cấu Việt Nam (VANFA), tôi thấy chị còn có khả năng ghi nhớ tuyệt vời. Chị có thể đọc không vấp váp thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến và một số bạn thơ khác mà không cần giở sổ tay. Thế mà sau tập thơ “Tình yêu của tôi” (2000), mãi đến nay là 20 năm, tác giả mới in tập thơ thứ hai. Quả thật đáng nể về tinh thần khiêm nhường và cẩn trọng.
Không khó khăn gì khi thấy rằng, tập thơ này, người viết là một cựu quân nhân. Có lẽ vì thế chăng mà các bài về chiến tranh, về đồng đội, về các chiến sĩ canh biển, giữ đảo luôn dào dạt một cảm xúc thiết tha, nồng ấm. Hơn thế nữa, có thể có gien di truyền về thơ ca từ người cha, vốn là cựu chiến sĩ Điện Biên:
Cuốn sổ tay hoen màu năm tháng
(Nhật kí Điện Biên đất trời rực sáng
Những bài thơ về đồng đội yêu thương)
(Phút lâm chung của cha tôi)
Các bài thơ về chiến tranh, đồng đội, về chiến sĩ là phần quan trọng của tập thơ. Lễ cưới linh hồn, Thi hài trên cây, Đánh thức những linh hồn, Hoa hồng trong thành cổ, Sau trận đánh, Bến không chồng, Đảo thiêng, Đảo Trần ngày biển động, Về đảo nhỏ với anh, Người lính gác đảo chìm, Bão Tố Trường Sa, Cây tre trên đảo Trường sa, Sóng ở đường biên, Thăm đồng đội cũ ở Tiên Yên, Mưa bóng mây.
Bạn đọc đã từng biết đến bài thơ “Đám cưới một linh hồn” của nhà văn Vũ Bình Lục đoạt giải nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Không rõ tác giả Hoàng Hòa có đọc bài đó không. Nhưng đó là đám cưới của một chiến sĩ bị thương với người yêu hy sinh có mộ trong nghĩa trang Trường Sơn. Đám cưới của một người sống và một người đã khuất. Còn Lễ cưới linh hồn của Nguyễn Thị Hoàng Hòa viết về lễ cưới của linh hồn hai liệt sĩ, một trong hai người là đồng đội của chị. Có lẽ cũng là một đám cưới độc nhất vô nhị trên đất nước ta đầy mất mát hi sinh:
Lễ cưới bắt đầu bằng một tuần nhang
Khấn gọi linh hồn hai liệt sĩ
Ngót bốn mươi năm yên nghỉ
Họ bên nhau mà chưa kịp thành hôn
Có nỗi đau nào đau hơn
Lễ đưa đón dâu chìm trong nước mắt
Hai họ nghẹn ngào ngày gặp mặt
(Lễ cưới linh hồn)
Trải qua chiến tranh đau thương, mất mát, những người cựu chiến binh gặp nhau, thăm hỏi nhau trong hòa bình mừng tủi, ngậm ngùi:
Hết chiến tranh trở lại quê hương
Gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi
Đồng đội bây giờ ai nghèo, ai đói
Ai may mắn trở về, ai nằm lại nơi xa?
(Thăm đồng đội cũ ở Tiên Yên)
Bằng tâm hồn của một quân nhân, một người phụ nữ, Nguyễn Thị Hoàng Hòa đau xót trước những người lính trẻ hi sinh:
Ôi những thân trai mười chín đôi mươi
Môi thơm chưa hề hôn bạn gái
Chưa hề ôm – vòng tay vụng dại
Sách vở xếp một bên , vội vã lên đường
(Sau trận đánh)
Chị xót xa, cảm thông với nỗi đau của những người phụ nữ nơi “Bến không chồng”:
Giấy báo tử bay về mang con dấu vuông
Đóng lên cuộc đời những đàn bà góa
Bến không chồng lại một lần mở dạ
Ôm vào lòng những chua xót đắng cay
(Bến không chồng)
Chị cảm thông với nỗi niềm những chị em “Xóm không chồng” xã Yên Thành, thành phố Uông Bí với bài “Mưa bóng mây”.
Với những người lính nơi đảo xa, người viết vừa cảm thông, vừa tự hào, vừa ca ngợi sự dũng cảm, kiên cường:
Nhà của lính đảo Chìm xây bằng nước
Bát cơm chan giông gió ướt nhòe
Nắng bốc lửa lưng trần cháy sém
Mái lều bạt mỏng chẳng đủ che
(Người lính gác đảo Chìm)
Chùm thơ về đảo Trần, đảo Trường Sa thật cảm động. Trong đó có bài “Cây tre trên đảo Trường Sa” với ý nghĩa “Mang hơi ấm từ đất liền ra đảo/ Tre cùng người thao thức đêm đêm”. Và cảm động và ấm áp nhất là khổ thơ này:
Quần đảo Trường Sa tre đã sinh sôi
Trước bão tố tre giăng thành chiến lũy
Đứa con đầu của vợ chồng chiến sĩ
Ngủ ngon lành trong chiếc nôi tre….
(Cây tre trên đảo Trường Sa)
Không chỉ viết nhiều về chiến tranh, người lính, thơ của Nguyễn Thị Hoàng Hòa còn đề cập đến những vấn đề thời sự của cuộc sống . Đó là chuyện lấn biển bừa bãi:
Đất lấn chiếm, đất dựng xây , lấp vội
Bờ chỉ còn cách đảo một tầm tay
(Sóng thôi đừng khóc)
Đó là chuyện đảo lộn thang giá trị:
Giá trị văn chương cũng đảo lộn rồi
Ba câu thơ dám mượn danh thần thánh
(Gã đời)
Đó là chuyện đứa con chứng kiến sự “ăn mặn” của cha mẹ mình:
Tôi không thể nào thành đứa trẻ ngoan
Khi chứng kiến cảnh cha “cướp” tiền của dân cười hô hố
Mẹ tôi nhân tiền ấy nhanh như gió
Nhờ quyền lực của cha
(Gia đình tôi)
Đó là chuyện tay Giám đốc trắng trợn ép người phụ nữ trong bài thơ “Lời thỉnh cầu khiếm nhã”.
Có thể thấy sức đi và sức viết của Nguyễn Thị Hoàng Hòa từ đảo Trần, qua Trà Cổ, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Trung Quốc, Ngã ba Đồng Lộc, Thành Cổ Quảng Trị,Tây Nguyên,..
Thế nhưng đằng sau sự xông xáo, dấn thân đó, còn có một Nguyễn Thị Hoàng Hòa khác. Tôi muốn nói tới góc khuất tâm hồn của nhà thơ. Đó là con người trầm buồn cố nén:
Gió hồn nhiên lồng lộng thổi ngang đầu
Bạn tôi hồn nhiên giỡn đùa trên sóng
Tôi ngửa mặt nhìn trời cao rộng
Nén tiếng thở dài – trước cung bậc trần gian
(Ở biển Cô Tô)
Đó là con người của ban đêm lặng lẽ, cô đơn. Cô đơn đến mức:
Cô đơn, tôi tự lũy thừa tôi
(Tôi!)
Vâng, dù có lũy thừa mũ “n” để có một số lượng “n” cái tôi thì vẫn cứ cô đơn, vẫn chỉ có một cái TÔI thôi mà cô đơn thì tăng lên gấp bội. Vì sao con người ham hoạt động biểu diễn, sáng tác, tổ chức giao lưu, gặp gỡ lại cô đơn? Câu trả lời có thể là đây chăng?:
Có ngờ đâu đến cuối cuộc đời
Phải đối mặt với nỗi buồn thảm khốc
Thấy cô đơn giữa những người thân thuộc
(Có ai không?)
Đối mặt với nó thế nào đây? Nhà thơ đã chọn một các ứng xử minh triết, nhân hậu, bao dung:
Thì nhẫn nhé…lặng im…và cười nhẹ
Những bon chen, bội phản, lọc lừa
Những may rủi , buồn vui, nhân quả
Sẽ qua thôi – như một cơn mưa
và
Muôn mặt cuộc đời đem chưng cất
Để ta thành
MỘT GIỌT TRẦM – BUÔNG!
(Buông! Một giọt trầm)
Chính cách ứng xử đó làm cho người thơ giữ được lửa nhiệt tình, lòng yêu người, yêu đồng đội, bạn bè, yêu cuộc sống; làm nên gương mặt thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa riêng trong vùng Mỏ và rộng ra là cả nước.
Hà Nội, 28 tháng 9 năm 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét