THƯƠNG NHỚ ANH LÊ SƠN
Vũ Nho
Thật tình tôi không nhớ được lần đầu tiên làm quen với anh Lê Sơn như thế nào và quen ở đâu. Bởi vì chỉ biết rằng tôi cảm thấy thân quen với anh đã từ lâu. Có lẽ vì chúng tôi cùng biết tiếng Nga, cùng yêu quý nước Nga mà anh có thời gian dài gắn bó. Khi tôi còn là một anh chàng trẻ tuổi mới bước chân vào khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc thì đã biết đến anh với chuyên luận anh viết chung với anh Lưu Văn Bổng ở Viện Văn học với hai cái tên Lưu Liên- Lê Sơn: “Về hình tượng nhân vật anh hùng trong văn học xô viết” (1967). Bấy giờ với tôi, văn học Nga, văn học xô viết là một nền văn học lớn. Người có đủ kiến thức để viết về nhân vật anh hùng trong một nền văn học lớn phải là người hết sức tài năng. Không ngờ sau này tôi lại có điều kiện để quen thân với người “hết sức tài năng”, một thần tượng mà tôi ngưỡng mộ.
Phải nói rằng anh Lê Sơn là người rất bình dân, thân thiện, dễ gần. Hóa ra cụ thân sinh ra anh đã từng làm Trưởng ty giáo dục Ninh Bình quê tôi một thời gian. Khi đó chắc là tôi còn chưa đi học. Quen biết anh, nhưng tôi chưa một lần đến chơi nhà riêng của anh ở ngay Hà Nội. Trần Hậu, tôi, anh Lê Sơn, thi thoảng mới có thêm thi sĩ Đỗ Hoàng, một người thông minh nhưng khá cực đoan khi khăng khăng “dịch thơ ta ra thơ Việt” và viết lại Truyện Kiều với hơn 6000 câu thơ lục bát; thường ngồi uống rượu ở quán bà Tình, vốn là quán cháo lòng tiết canh ở chợ Đuổi chuyển lên Đại Cồ Việt. Trong câu chuyện, anh Lê Sơn thường cười xòa khi Đỗ thi nhân đưa những nhận xét về thơ người này, người nọ một cách cực đoan. Cả việc Đỗ thi nhân khoe rằng anh viết Kiều thơ đã không để Từ Hải chết đứng như trong Kim Vân Kiều truyện và trong Truyện Kiều, mà để Hồ Tôn Hiến bắt sống Từ Hải. Và có màn đấu khẩu giữa Hồ và Từ để làm rõ khí chất anh hùng của Từ Hải, anh cũng cười xòa và nói “Được đấy! táo bạo đấy!”.
Từng học ở Nga đến 7 năm và dịch hàng chục đầu sách từ tiếng Nga, nhưng anh Lê Sơn rất khiêm nhường.Trong một lần chuyện trò khi chúng tôi đã hơi biêng biêng, anh Lê Sơn khoe rằng đã từng viết bài thơ “ Khui – Velican” (B. kì vĩ ) và có dịch ra tiếng Việt bằng từ Hán Việt là “ Đại nhục trượng”. Tôi bèn nói với anh về từ chỉ cái PI… (âm vật) kĩ vĩ trong tiếng Nga. Anh biết. Tôi lại hỏi rằng thế bác có biết cái PI bé nhất trong tiếng Nga là từ thế nào không? Anh nghĩ một hồi rồi bảo quả thật chưa nghe nói, chắc là không phải “vô cùng, vô cùng bé nhỏ chứ?”. Tôi bèn kể cho anh rằng khi ở Nga, tôi hay uống với các bạn Nga và được các bạn ấy chỉ cho rằng PI bé nhất được gọi là “PI mắt chuột nhắt”! Con chuột nhắt đã là con vật bé nhỏ, cái mắt của con vật đó càng nhỏ bé! Anh và Trần Hậu cùng cười phá ra và thú vị vì cái tiếng Nga độc đáo!
Sau khi anh Lê Sơn chuyển vào Sài Gòn với vợ con, chúng tôi vẫn liên hệ qua điện thoại. Mỗi năm, vào dịp cuối năm, anh ra Hà Nội họp, thế nào cũng gọi cho tôi và Trần Hậu để mấy anh em ngồi với nhau. Có lần có cả chị Minh Hải và chú Hoàng Xuân Tuyền cùng tham gia. Cuộc tụ tập như thế chúng tôi nói đủ thứ chuyện, về nước Nga, về một cuốn sách mới ra, về một cuộc tranh luận trên mạng, về một tác giả nào đó…
Một lần anh tặng mọi người cuốn sách “Một nền văn hóa biết xấu hổ” do anh tuyển dịch. Mọi người bảo dứt khoát Vũ Nho phải viết bài giới thiệu. Tôi nhận lời ngay. Về nhà đọc say sưa, sau đó viết bài đăng trên báo. Rồi khi in cuốn “Hà Nội văn chương từ một góc nhìn”, bài viết đó được đưa vào sách. Lý do, anh Lê Sơn sinh ra ở Hà Nội, là nhà văn Hà Nội. Anh rất xúc động khi tôi tìm được tên gọi của đường phố cổ nơi anh sinh trưởng là phố Tiền Quan Thành. Bây giờ đổi là phố Phó Đức Chính. Trong sách, tôi thống kê đầy đủ các tác phẩm viết và dịch của anh, các giải thưởng anh được nhận kèm bài viết “Những bài học đắt giá cần suy ngẫm”.
Anh Lê Sơn là người cương trực. Anh kể cho tôi và Trần Hậu nghe việc anh ghi vào sổ tang của GS. Trần Quốc Vượng mấy câu “Những người Đảng ghét dân yêu/ Ngẫm ra cũng lắm bậc siêu anh tài/ Những người được Đảng vỗ vai/ Xem ra không ít thuộc loài bất lương”. Chúng tôi đều lắc đầu, lè lưỡi! Khi đọc “ Đèn cù” của Trần Đĩnh, bắt gặp câu trên, nhưng tác giả Trần Đĩnh cho đó là câu truyền miệng trong dân gian. Tôi có nhắn cho anh và thông báo rằng mấy câu của anh đã thành dân gian rồi! Oách thế chứ!
Tôi vô cùng nể phục sự trung thực của anh. Số là anh bạn người Dao Bàn Tiến Tân làm luận án Tiến sĩ về đề tài “Truyện dân gian và sự hình thành truyện trung đại Việt Nam” do giáo sư Tiến sĩ, nhà Việt Nam học N. Niculin hướng dẫn. Luận án và bản dịch ở Thư Viện Quốc gia Việt Nam bị thất lạc. Các con anh Tân đã nhờ PGS TS Vũ Thanh, Viện phó Viện văn học qua Nga công tác chụp lại bản lưu ở Thư viện Lê Nin. Khi đó tôi nghĩ đến những người có thể dịch luận án ra tiếng Việt trong đó có anh Lê Sơn, Trần Hậu, Đăng Bẩy và tôi. Tôi điện cho anh. Dù rất nể tôi, nhưng anh đã từ chối với lí do là phiên dịch tên người Việt, tác phẩm Việt Nam ra tiếng Nga rất lằng nhằng và rắc rối. Lĩnh vực văn học dân gian càng rắc rối. ( Quả thật, đúng như tiên lượng của anh, nhưng ơn giời, tôi và Trần Hậu, Đăng Bẩy đã qua được sự lằng nhằng, rắc rối đó, kể cả việc dịch những tên tác phẩm văn học Trung Quốc liên quan đến luận án).
Khi anh Lê Sơn chuyển vào Nam, anh cộng tác chặt chẽ với tạp chí Hồn Việt. Hầu như số nào cũng thấy bài của anh dịch. Tạp chí Thơ, báo Văn Nghệ vẫn có bài dịch của anh. Người am hiểu tiếng Nga sâu sắc như anh ở Việt Nam chẳng có nhiều.
Cách nay vài tháng, tôi và Trần Hậu vô cùng lo lắng khi chị Kim Thanh và nhà thơ Trương Nam Hương báo tin anh Lê Sơn ốm nặng phải đi viện. Rồi chúng tôi được tin anh đã được xuất viện về nhà nhưng sức khỏe rất yếu. Rồi chúng tôi được gửi ảnh; thấy anh phải thở ô xy. Rồi được thông báo anh hôn mê sâu…
Sớm 29 tháng 10 nhận được tin anh đã rời cõi tạm.
Anh Lê Sơn thế là không ra Bắc họp nữa, không thể đến quán Bà Tình hay 2B Hoa Lư được nữa. Không còn tụ tập anh em để trò chuyện và tán tếu đủ mọi đề tài được nữa!
Nhưng anh hãy thanh thản viễn du miền cực lạc. Chúng tôi vẫn nhớ đến anh, nhắc đến anh, một người tài hoa, cương trực, một người bạn vong niên giản dị, gần gũi, chân tình!
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét