Theo thông báo của dịch giả Trần Hậu trên FB, Phó giáo sư nhà văn dịch giả Lê Sơn đã từ trần lúc 21 h 20 ngày 28 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.
Xin chia buồn với gia đình! Cầu chúc cho linh hồn anh Lê Sơn thanh thản miền cực lạc!
Xin đăng lại bài viết về anh trong cuốn " Hà Nội Văn chương từ một góc nhìn" như nén nhang vĩnh biệt!
vunhonb.blogspot.com
Lê Sơn
Họ và tên khai sinh : Lê Xuân Vĩnh
Sinh ngày 13 tháng 5 năm 1938
Quê quán : phố Tiền Quan Thành ( nay là Phó Đức Chính), Hà Nội.
Từng học tập tại Nam Ninh và Quế Lâm, Trung Quốc, có bằng cứ nhân Đại học Sư phạm quốc gia Matxcơva, Liên Xô. Công tác tại Ban Văn học Thế giới, Viện Văn học. Phó Giáo Sư văn học.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm
Nghiên cứu
Về hình tượng nhân vật anh hùng trong văn học Xô viết ( viết chung), 1967.
Còn lại với thời gian, 2002.
Dịch
Những mơ ước của tôi ( N.Ostrovski), 1975
Truyện cổ dân gian Ấn Độ, 1977
Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học (B. Khravchenko), 1978.
Không chốn nương thân (I.Anzhus), 2 tập, 1979
Thành phố thiên thần( Patrik Smit), 1984
Kết cục ( B.Polevoi), 1985
Ở một xứ nọ ( Azit Nesin), 1987
Nỗi đau và niềm tin, 2000
Lương tâm nổi giận, 2005
Văn học Việt Nam sơ thảo (của N. Niculin). 2007
Một nền văn hóa biết xấu hổ, 2013
Các mạng tháng Mười kí ức và sự thật, 2017
Giải thưởng
Tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam cho dịch phẩm Nỗi đau và niềm tin.
Bốn lần tặng thưởng của báo Văn Nghệ, ba lần tặng thưởng của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, một lần tặng thưởng của Tạp chí Sân Khấu.
Những bài học đắt giá cần suy ngẫm
Đọc “MỘT NỀN VĂN HÓA BIẾT XẤU HỔ”, Lê Sơn tuyển dịch, nhà xuất bản Văn Học, 2013
Vũ Nho
Tập sách gồm 25 bài trên các báo Nga (trong đó có 10 bài phỏng vấn) do các nhà văn, nhà nghiên cứu, đạo diễn điện ảnh và sân khấu viết và nói về văn hóa của nước Nga thời kì hậu xô viết. Người Việt chúng ta đã từng qúa quen thuộc với những cái tên như Chingiz Aimatov, Valentin Raxputin, Raxun Gamzatov, Juri Bondarev, Sergei Bondatruc… và bây giờ đây tiếp xúc với không ít các giáo sư, tiến sĩ, nhà viết kịch, nhà đạo diễn lừng danh ở Nga nhưng còn ít được biết tới ở Việt Nam. Cần lưu ý một điều là trong số 25 bài được tuyển dịch, 1 bài không rõ năm, có 6 bài trước năm 2000, có 11 bài từ năm 2001 đến năm 2010 và 7 bài từ năm 2011 đến tháng 7 năm 2012. Như vậy sau sự kiện Liên xô tan rã năm 1990, các bài viết cho chúng ta biết suy nghĩ và đánh giá của những người làm văn hóa có tên tuổi về hiện trạng hậu xô viết kéo dài hơn 20 năm.
Trước hết, có thể thấy được một nhận định, đánh giá khá thống nhất của nhiều người trên nhiều cương vị khác nhau về hiện trạng “hậu xô viết”. Đó là sự khủng hoảng toàn diện của văn hóa Nga, trong đó có văn học, sân khấu, điện ảnh, truyền hình.
Nhà văn Valentin Raxputin nhận định rằng hậu xô viết là “thời đại của những bi kịch”: “Hai mươi năm đã trôi qua từ cái thời điểm “định mệnh” khi tất cả mọi thứ đều bị đảo ngược : phong tục, tập quán, và truyền thống lâu đời, những phương thức sống và quản lí, những chiến thắng trong chiến tranh và trong lao động, lịch sử ngàn đời…Hết thảy đều bị sàm báng và bị phủ nhận sạch trơn” ( tr.57). Nhà văn cũng cho rằng “những kẻ xâm phạm” nắm vững tình hình “nước Nga hiện nay càng ngày càng đánh mất đi niềm vinh quang của một xứ sở có nền nghệ thuật vĩ đại và nền đạo đức cao cả” (tr. 64). Nhà văn Juri Bonđarev đánh giá “Tôi có cảm giác là thời kì tổng suy nhược trí tuệ đã tới” (tr. 54).
Cùng với quan điểm của V. Raxputin, đạo diễn Sergei Bondatruc cũng đánh giá về sự “đảo ngược” và “lẫn lộn” trong văn hóa, nhất là điện ảnh : “Giờ đây những khái niệm đó bị lẫn lộn, bị xáo trộn lung tung. Cái gì trước đây là xấu bây giờ được coi là “tốt”, là “cần thiết”, cái gì trước đây là quái dị được giới thiệu như là cái đẹp, những giá trị giả dối đang cố chiếm chỗ những giá trị chân chính. Nghệ thuật đang mở rộng cửa cho sự giải trí tầm thường, cho sự thô bỉ. Thậm chí người ta bắt đầu giễu cợt, báng bổ những gì đã và đang là niềm thiêng liêng đối với con người và đối với cả dân tộc: Tổ quốc, đất nước, lịch sử, kỉ niệm…” (tr. 44).
Sau khi nhà nước xô viết sụp đổ, không ít những người làm chính trị, văn hóa có thái độ sổ toẹt, phủ định sạch trơn những thành tựu quá khứ. Điều đó gây phẫn nộ cho những con người chân chính. Victor Rozov, nhà viết kịch đã thẳng thắn khẳng định rằng “Tôi không phủ nhận : thời kì xô viết trong lịch sử của chúng ta quả thật rất nặng nề và phức tạp” (tr. 13) Nhưng ông cũng không tán thành thái độ phủ định, thậm chí coi đó là “vô liêm sỉ” : “Nhất tề chửi bới tất cả, sổ toẹt tất cả những gì trước đây là tốt đẹp chỉ là một việc làm vô liêm sỉ” (tr.21).
Các nhà hoạt động văn hóa không hoàn toàn bênh vực văn hóa thời xô viết. Họ có thái độ bình tĩnh để nhìn nhận cái được và cái chưa được. Giáo sư tiến sĩ Sergei Kara-Muza trong bài viết khẳng định “Có một nền văn minh xô viết” đã so sánh : Chế độ xô viết tập trung xây dựng “tổ chức cuộc sống theo nguyên tắc “giảm bớt những đau khổ”. Các thế hệ mới có lí khi cho rằng cần phải xây dựng cuộc sống theo nguyên tắc “gia tăng những khoái lạc”. ( tr. 93) Chính vì thế mà có sự mâu thuẫn của thế hệ. Nhưng giải quyết mâu thuẫn như thế nào thì không hề đơn giản. Rõ ràng vứt bỏ những nguyên tắc cũ, chạy theo những khoái lạc vật chất và tinh thần rẻ tiền đã và đang đe dọa phá hủy nền tảng của văn hóa Nga. Viện sĩ Nikolai Skatov rất tỉnh táo so sánh trong bài viết “Hãy bảo vệ những giá trị cơ bản”: “Tinh thần trách nhiệm trước đây trong điều kiện thiếu tự do được thay thế bằng sự tự do thiếu trách nhiệm. Nếu như trước đây chữ sự thật thường bị chặn đứng một cách kiên quyết thì bây giờ chữ dối trá ác liệt dường như chưa bao giờ bị kiên quyết chặn lại” (tr. 116).
Nỗi lo lắng nhất của những người làm văn hóa chính là mặt trái của cơ chế thị trường. Tiền và tiền đã làm cho những người làm văn hóa phải bó tay vì “không có tiền” và vì để tồn tại, buộc phải viết những điều rẻ tiền, nhảm nhí, chiều theo ý thích của những tỉ phú mới nổi. Nhà văn Danin Granin đã cảnh báo : “Sự thất thoát chất xám sang phương Tây không đáng lo ngại bằng sự thất thoát tâm hồn và giá trị tinh thần sang thị trường man rợ hiện nay” ( tr. 72).
Đáng lưu ý là chúng ta có một bài học về cách đối xử với Văn học trong chương trình của nhà trường hiện nay của Nga. (Các bài : Văn học Nga trước sự phán xét của lịch sử - tr.221; Tolstoi và Chekhov - tại sao không? –tr. 224; Chúng ta đã phản bội văn học như thế nào? – tr. 230). Từ một môn học quan trọng, Văn học Nga bị cắt giảm số giờ, bị tách ra khỏi Tiếng Nga và trở thành một môn phụ không bắt buộc trong các kì thi. Và cũng ở đây, các nhà văn đã cảnh báo về việc dùng kiểu thi trắc nghiệm là một nguyên nhân làm cho học sinh không muốn đọc văn một cách nghiêm túc. Mikhail Njankovxki, nhà giáo công huân liên bang Nga đã cho biết chỉ có 3% thí sinh lựa chọn môn Văn trong kì thi quốc gia ( tr.231). Và ông đặt vấn đề một cách gay gắt : “Hà cớ chi bản thân chúng ta, những người được giáo dục bằng các tác phẩm của Pushkin, Gogol, Tolstoi, Chekhov, hà cớ chi chúng ta lại tước đoạt niềm vui đó ( học Văn – VN chú) của con em chúng ta?” ( tr.237).
Có một số bài viết về sân khấu và điện ảnh hậu xô viết. Các tác giả từng là những nhà biên kịch, đạo diễn lừng danh. Và có người hiện đang nắm chức vụ cao trong Bộ văn hóa và cả Đu ma quốc gia Nga. Thể hiện những cách nhìn nhận khác nhau, nhưng các tác giả không đồng ý với việc phủ định chiến thắng, đồng thời phê phán bộ phim bôi nhọ Xtalin là bôi nhọ lịch sử. Các bài : Người vĩ đại nhất thế kỉ XX; Một bộ phim xuyên tạc sự thật lịch sử; Đừng lặp lại những sai lầm đã mắc; Tại sao họ lại căm ghét chiến thắng?; Lãnh tụ và thời đại; Sự thật về năm 1937 ở Liên Xô - bàn trực tiếp về vấn đề này. Ở đây có lẽ là lần đầu tiên tiết lộ những thông tin kinh khủng về cuộc thanh trừng nội bộ dưới thời Xtalin năm 1937 qua con số của tài liệu lưu trữ ( tr.277), chứ không phải qua những phỏng đoán và thổi phồng. Đáng lưu ý là chính Khrutshev, người hạ bệ uy tín của Xtalin lại là người hăng hái nhất trong việc “thanh trừng”. Khi làm bí thư thành ủy Moskva, Khruhsev “chỉ xin phép bắn “vẻn vẹn” 8.500 người”, còn sau nửa năm, khi làm bí thư thứ nhất Ukraina “ trong một công văn khẩn gửi đến Moskva, ông ta xin phép bắn 20.000 người! Mà đó chỉ là lần đầu!” (tr. 279).
Theo dõi ngày tháng công bố các bài báo và phỏng vấn, có thể thấy rằng càng về sau, thái độ gay gắt và bực dọc giảm đi và nhường cho một thái độ tỉnh táo, thận trọng hơn. Không nhiều lắm những người nói trực tiếp, nhưng cũng đã có ý kiến đánh giá về thời Eltsin : “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Nga những thành tựu văn học lại nhỏ bé như trong thập kỉ “những cải cách của Eltsin”. Và “Mười năm cải cách của Eltsin đã lặng lẽ đi vào quên lãng. Những kết quả của nó trong lĩnh vực tinh thần và đạo đức không kém phần tàn phá, thậm chí còn hơn thế, so với những tàn phá trong lĩnh vực xã hội và kinh tế” (tr. 107).
Nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc của đời sống nhân dân, của các vấn đề xã hội, thậm chí bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về sự suy thoái của văn hóa, về sự học đòi “cái mà thế giới từ lâu đã lĩnh hội, đã tiêu hóa xong đâu đấy thì chúng ta chỉ còn gặm những cục xương trơ trụi, chẳng có tí thịt nào” (tr.17), các nhà văn hóa Nga một mặt phê phán, chỉ ra căn bệnh của thời đại, đồng thời vững tin vào tương lai về sứ mệnh của văn hóa. “Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng văn hóa hôm nay là cái phao cấp cứu chủ yếu, nếu không phải là duy nhất, là nhân tố hồi sinh của nước Nga, kể cả sự hung mạnh về kinh tế và sự vĩ đại của một cường quốc” ( tr. 137)
“Một nền văn hóa biết xấu hổ” tuy chưa bao quát hết các khuynh hướng, các suy tư và đánh giá của những nhà văn hóa Nga, nhưng cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều hơn hai thập kỉ của xã hội Nga hậu xô viết. Việt Nam có một thời kì dài gắn bó và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nga. Chúng ta cũng tiến hành đổi mới từ năm 1986 và từng bước làm quen, chấp nhận cơ chế thị trường. Nhiều bài học đắt giá của Nga rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Đây là một cuốn sách bổ ích và cần thiết cho chúng ta.
Hà Nội, tháng 3/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét