SAY N Ắ NG
Truyện vừa của Thu Lâm
Trên chuyến bay Hà Nội – Cao Hùng, thật vô tình và bất ngờ, bà Loan gặp lại ông Quang sau một quãng thời gian dài không tin tức.
Ông ngồi hàng ghế doanh nhân, còn bà theo đoàn du lịch của Hà Nội đi Đài Loan, ngồi các hàng ghế phía sau. Bước vào khoang máy bay, bà Loan giật mình khi nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, ăn mặc lịch lãm đang ngồi ung dung ở hàng ghế thứ hai. Bà nhận ngay ra người quen cũ. Trong thoáng chốc bà lưỡng lự không biết có nên đến gần chào hỏi người đàn ông đó không? Bất chợt ông ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt bối rối của bà Loan, người đàn ông kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi! Bích Loan.
- Anh Quang!
Hai người chỉ kịp trao đổi ngắn gọn như vậy, bà bị dòng người vào sau xô đẩy tìm ghế. Bà chỉ kịp nói với lại:
- Xuống sân bay ta gặp nhau sau nhé.
Máy bay bắt đầu ổn định độ cao, đèn tắt, tiếng động cơ như ru mọi người vào giấc ngủ. Ổn định chỗ ngồi xong, bà còn kịp nhìn thấy người quen của bà ngoái xuống như tìm hình bóng của bà trong khoang giữa của chiếc máy bay... ký ức bỗng ùa về, Hà Nội của thập niên 70
Hồi đó bà Loan 28 tuổi, có một cậu con trai nhỏ 4 tuổi rất đáng yêu. Có một người chồng kiểu mẫu, anh là người miền Trung, giản dị thật thà chất phác rất mực yêu vợ con, nâng niu cái gia đình nhỏ bé mà mãi ngoài ba mươi anh mới có được.
Họ quen nhau trong một buổi họp mặt bạn bè. Hồi đó Bích Loan mới ra trường, cô chơi với một nhóm bạn gái người Hà Nội. Trong số đó có một cô có anh trai du học ở Liên Xô – Nga trở về. Tối hôm đó nhóm thanh niên du học Nga tụ tập tại nhà cô bạn Lan Phương. Thành – anh trai Phương như người đầu trò, qui tụ hơn chục chàng trai đi “Tây” về, vẫn còn “phòng không”, trong đó có Lưu sau này là chồng của Bích Loan.
Hồi đó, thanh niên có bằng tốt nghiệp ở Liên Xô về hết sức giá trị, nhất là sau đó tiếp tục học để có bằng “candidate” – phó tiến sĩ (bây giờ gọi là tiến sĩ) nữa lại càng giá trị hơn. Tất nhiên đám các cô gái chưa chồng hồi đó cũng nhắm vào các chàng trai có mác
“đi Tây” này để tìm hiểu. Bích Loan, Lan Phương và các bạn của các cô cũng không loại trừ…
Tối hôm đó thật vui, anh trai Phương kiếm đâu được một chai votka, họ bầy ra bàn: khoai tây luộc, bánh mì đen, hoa quả… và một cây đàn ghita. Các chàng trai hôm đó làm le với bốn cô gái Hà Nội, quậy phá tưng bừng. Anh Thành chơi đàn rất hay, các chàng hát những bài hát Nga êm đềm say đắm. Những giai điệu dân ca Nga buồn mênh mang, những hành khúc hào hùng, cùng những bước nhảy “tuyp” sành điệu. Lần đầu tiên Bích Loan cùng mấy cô bạn gái ngỡ ngàng thán phục, phong cách của các chàng đi nước ngoài về khác hẳn với các chàng học trong nước. Các cô mắt tròn, mắt dẹt e thẹn nép vào một góc, còn các chàng vừa quậy vừa để ý săn đón các cô.
Bằng giác quan phụ nữ, Bích Loan nhận ra có một chàng ít quậy nhất, nói giọng miền Trung nằng nặng luôn hướng ánh mắt về phía cô, đôi lần anh ta mời cô ăn hoa quả rồi như muốn bắt chuyện với cô… Nghe giọng miền Trung, cô không mấy thiện cảm và tỏ ý lảng tránh, anh ta rụt rè ngồi một chỗ và mỉm cười nhìn các bạn đàn hát.
Cuộc vui chưa tàn nhưng đã đến giờ phải về. Bích Loan xin phép mọi người về trước vì bố mẹ cô rất nghiêm, không bao giờ cho phép con gái đi chơi khuya. Cùng lúc đó anh chàng nói giọng miền Trung cũng đứng dậy và nói: “До свидания – tạm biệt” với các bạn. Thấy vậy, anh Thành nói:
- Này Lưu, tiện thể cậu đưa Bích Loan về, không được làm sứt mẻ gì đâu đấy…
Hoá ra tên anh ta là Lưu. Bích Loan thầm nghĩ và kín đáo đưa mắt đánh giá: người tầm thước, thân hình chắc nịch của người có tập luyện. Khuôn mặt ưa nhìn, mắt to thông minh, hàm răng trắng đều và giọng nói trầm ấm. Cũng tạm được.
- Em về phố nào? Anh đưa em về nhé, giờ này không còn phương tiện gì nữa đâu.
Loan bối rối, đúng là không biết đi về bằng cách nào. Hồi đó, phương tiện đi lại thật khó khăn, có tuyến xe điện Bờ Hồ - Bưởi nhưng chỉ chạy tới 9 giờ tối. Xe đạp chưa được phân phối vì chưa đủ tiêu chuẩn năm công tác. Còn taxi thì chưa ai có khái niệm là gì.
Vậy là Loan đồng ý ngồi sau chiếc xe đạp Thống Nhất của anh Lưu để về nhà. Kể từ đó số phận hai người như đã được sắp đặt gắn kết với nhau… Mặc dù có rất nhiều chàng trai theo đuổi Loan, nào là bạn cùng lớp đại học, nào là giáo viên trong trường, nào là mấy chàng kỹ sư đi “Tây” về do người nọ người kia giới thiệu… Nhưng rồi bốn năm sau cô quyết định làm đám cưới với Lưu. Có lẽ vì anh bền bỉ theo đuổi cô, vì anh quá yêu cô, vì anh chân thực không bay bướm phù phiếm… Và vì cô đã đến tuổi phải lấy chồng và phải lấy một người yêu mình nhiều hơn mình yêu họ, ai đó đã dạy dỗ cô như vậy.
Bởi vậy, mặc dù quyết định lấy Lưu, nhưng trong thâm tâm cô vẫn cảm thấy ở đâu đó nơi sâu thẳm của
tâm hồn vẫn day dứt một điều gì như chưa thoả mãn. Anh không phải trai Hà Nội, ngành học của anh không danh giá đó là thuỷ lợi và về hình thức chiều cao của anh chưa đạt chuẩn như mơ ước của cô… Nhưng bù lại, anh là một người đàn ông mạnh mẽ, thông minh, ăn nói có duyên và điều quan trọng là anh yêu cô hết lòng. Vượt qua tất cả những phản đối của gia đình cô, anh đã chinh phục được mọi người trong gia đình, nhất là bố mẹ cô.
Kết quả là một đám cưới hoàn hảo diễn ra, có đầy đủ họ hàng hai bên và bạn bè. Người sung sướng và hạnh phúc nhất đấy là Lưu, anh đã toại nguyện. Vợ anh là một người con gái Hà Nội, có bằng đại học kinh tế mới ra trường, hình thức thì khỏi phải bàn, nếu chấm điểm Liên Xô thì anh sẽ cho 5, gia đình gia giáo, bản thân vợ anh rất ngoan hiền. Vậy không thoả mãn hạnh phúc sao được.
Còn Bích Loan, cô ngỡ ngàng với hôn nhân. Cô như bị cuốn theo sự theo đuổi cuồng nhiệt và dai dẳng của Lưu lúc nào không biết. Càng gần Lưu cô phát hiện ra rằng anh là một người đàn ông mạnh mẽ, không hề rụt rè như cô tưởng. Anh khéo léo tế nhị dẫn dắt cô đi dần dần đến với anh. Và cú dứt điểm ngoạn mục để Loan hoàn toàn tự nguyện đi đến hôn nhân là vào một lần: cô được cơ quan cử đi công tác xuống một thành phố cảng. Đó là lần đầu tiên cô sinh viên mới ra trường rụt rè, bỡ ngỡ một mình đi xa Hà Nội. Cướp lấy cơ hội, Lưu nói: “anh cũng có công việc phải đến đó và nhân tiện anh sẽ đi tháp tùng em”. Loan trả lời:
“không cần đâu anh, em tự đi được mà”. Nhưng kỳ thực trong thâm tâm cô thì thấy cũng chấp nhận được.
Trên chuyến tàu chợ tối hôm đó, chỉ có hơn trăm cây số mà thời gian kéo dài lê thê. Ga nào cũng đỗ đến cả nửa tiếng đồng hồ, may mà có Lưu bên cạnh. Anh đã nói chuyện rất có duyên, anh kể về thời sinh viên sôi nổi bên đất nước Nga, về hoàn cảnh gia đình, về những người thân trong gia đình… Sau rồi Loan ngủ gà ngủ gật đến độ gục đầu vào vai Lưu lúc nào không biết, anh cứ để yên cho cô ngủ ngon. Quá nửa đêm, đoàn tàu mới đến ga cuối. Lưu nhẹ nhàng nhấc đầu cô ra khỏi vai và thì thầm vào tai cô: “Dậy đi em, đến rồi đấy”. Loan chợt bừng tỉnh và có một cảm giác rất an toàn khi ở bên Lưu.
Đến một thành phố xa lạ vào lúc nửa đêm gần sáng, Loan vô cùng bối rối không biết làm sao. Lưu nói ngay như đưa ra một giải pháp tối ưu:
- Bây giờ chúng ta thuê nhà trọ ở gần ga nghỉ tạm qua đêm. Sáng mai sửa soạn rồi đến cơ quan làm việc, mình là cấp trên xuống địa phương phải ra mắt đàng hoàng chứ em.
Loan nghe hợp lý và cũng chẳng có cách nào hay hơn đành đồng ý phương án của Lưu… Và đêm đó, một cô gái non nớt, trong trắng, chưa hề biết đến một nụ hôn của người khác giới đã hoàn toàn bị chinh phục… Lưu chính là người đàn ông đầu tiên đã khéo léo dẫn dắt đưa cô vào một thế giới mới, vừa lo sợ nhưng lại vô cùng cám dỗ… Lần đầu tiên trong đời cô
mới biết đến một cảm xúc sung sướng đến diệu kỳ mà không có một định nghĩa nào lột tả chính xác, một cảm xúc dâng trào khó tả như ta đang khát mà sao uống mãi vẫn không hết cơn khát.
Chính những “cơn khát” dai dẳng, ma mị đó đã khiến Loan không thể rời xa Lưu được. Anh đã làm dịu đi những cơn khát của cô…
Hôn nhân đến với Loan khởi nguồn từ đây. Cũng thật may cho cô, cuộc sống sau hôn nhân không trở thành bi kịch, với xuất phát điểm chưa hẳn là tình yêu, cô đã tìm thấy tình yêu sau hôn nhân. Cô phát hiện ra ở Lưu nhiều ưu điểm hơn so với vẻ bề ngoài của anh. Tuy là người miền trong, nhưng anh sống vui vẻ, phóng khoáng. Đặc biệt, giành tình yêu cho vợ đến vô bờ.
Dần dần Loan cũng thấy bằng lòng với lựa chọn của mình, gạt đi những tiêu chí ban đầu về Lưu đã làm cô chưa thoả mãn. Một năm sau, Loan sinh được một thằng cu nặng 3,5kg giống bố như đúc. Lưu sung sướng khôn tả, anh lại càng hết lòng chăm sóc vợ con. Cơ quan phân cho Loan một căn phòng cấp bốn ọp ẹp, diện tích 9m2 trong khu tập thể cơ quan. Đó là niềm mơ ước, là thiên đường của những cặp vợ chồng mới cưới lúc bấy giờ. Mặc dù căn phòng không có bếp, không có khu vệ sinh, lại còn ven bờ ao ếch nhái kêu ộp oạp và muỗi bay từng đàn. Mọi người đều gọi vui đây là “khu Haclem”, nhưng lại là tổ ấm hạnh phúc đầy ắp yêu thương và tiếng cười của vợ
chồng Loan – Lưu, vào những năm tháng vô cùng khó khăn của thời kỳ bao cấp đang bao trùm toàn xã hội.
Công việc của hai vợ chồng Loan đều tiến triển tốt. Do tính chất công việc, Lưu hay phải đi công tác tỉnh xa. Những đê điều, đập thuỷ lợi, cống thoát nước… thường xuyên kéo anh ra khỏi nhà. Rời khỏi tổ ấm bên vợ con là một điều cực hình với anh, nhưng không thể nào khác được.
Còn công việc của Loan ổn định và tĩnh tại. Cả cái phòng nghiệp vụ của cô chỉ có mình Loan là có bằng đại học. Các bậc “trưởng lão” đều từ bộ đội chuyển ngành hay là người làm lâu năm mà lên chức. Bởi vậy, Loan cũng được cơ quan đưa vào diện đào tạo để dần thay thế cho các vị lãnh đạo về hưu.
Năm đó, cu Bông tròn 4 tuổi, Loan bàn với chồng là sinh thêm một đứa nữa cho có anh có em, vả lại Loan cũng muốn sinh đẻ ở độ tuổi dưới 30 cho con nó thông minh và mình cũng còn có sức khoẻ để chăm nom hai đứa. Hai vợ chồng đã thống nhất lên kế hoạch cuối năm sẽ sinh thêm, nếu là cái “hĩm” thì càng mừng.
Nhưng bỗng một hôm, ông trưởng phòng gọi Loan vào trao đổi công việc. Ông nói:
- Đợt này cơ quan ta có một chỉ tiêu đi học bồi dưỡng để đi thi “nghiên cứu sinh - NCS”. Giám đốc thấy cô có đầy đủ tiêu chuẩn để tham gia khoá học này. Cô về bàn với gia đình đi, mai trả lời tôi nhé.
Hồi đó, việc xét duyệt đi thi NCS là một cơ hội ngàn vàng, rất hiếm sinh viên tốt nghiệp trong nước
mà lại được lựa chọn. Nếu thi đủ điểm đi NCS nước ngoài là cả một tương lai rộng mở cho người đó ở phía trước. Khi có bằng tốt nghiệp NCS về nước, dứt khoát sẽ được đề bạt, thăng chức. Hơn nữa trong thời gian học tại nước bạn, thường là các nước Đông Âu – XHCN, với việc mua bán hàng hoá hưởng chênh lệch, sẽ có thể giải quyết được vấn đề kinh tế gia đình vì trong nước lúc này đang rất khó khăn. Đây là cơ hội “đổi đời” cho những ai được đi học hoặc đi công tác.
Loan rất phân vân, không đi thì tiếc vì cơ hội chỉ có một, nhưng đi rồi thì chồng con sẽ ra sao? Ai sẽ chăm sóc cu Bông bằng mẹ đây? Rồi Lưu có đồng ý không?
Tối hôm đó Loan đưa việc này ra hỏi ý kiến chồng. Cô không ngờ chồng cô lại sốt sắng đồng ý ngay, anh nói:
- Tốt quá rồi, đây là cơ hội để em nâng cao trình độ, sự nghiệp của em phụ thuộc vào việc đi học này đấy. Anh cũng đã từng được đào tạo ở Liên Xô, không ở đâu tốt bằng. Em hãy đi để mở rộng tầm hiểu biết, xem thế giới bên ngoài họ vượt xa chúng ta như thế nào? Và cũng là cơ hội để chúng ta thoát ra khỏi khu Haclem này. Còn cu Bông, em khỏi lo, hai bố con anh chăm nhau được mà, có gì nhờ thêm ông bà ngoại hỗ trợ nữa. Hai năm, nhanh thôi mà, lúc đó em về có đủ điều kiện để sinh cho cu Bông một cô em gái nữa là đẹp.
Loan ôm lấy chồng yêu thương, cô thầm biết ơn anh đã cảm thông với mọi suy nghĩ của cô. Cô cảm ơn
số phận đã ban tặng cho mình một người đàn ông quá nhân hậu
Lớp bồi dưỡng cán bộ được tuyển chọn đi thi NCS có khoảng hơn mười người, đều là những cán bộ ưu tú của ngành. Tất nhiên họ phải có bằng đại học và phải tham gia công tác trong ngành tối thiểu năm năm và có độ tuổi từ 25 – 35. Trong lớp chỉ có 3 nữ, còn lại là nam giới và hầu hết mọi người đều có gia đình riêng. Ai cũng ý thức được con đường mình đang cố gắng vươn tới cho sự nghiệp “cứu nước, cứu nhà”, nên việc học hành rất nghiêm túc. Họ được học lại và tất nhiên nâng cao trình độ một số môn bắt buộc để thi như: tiếng Nga, kinh tế chính trị học, triết học, vận trù học, quản lý kinh tế… Tất nhiên thời đó học theo mô hình phát triển kinh tế XHCN.
Sáng ra, Loan không đến cơ quan nữa. Cô dậy sớm lo ăn sáng cho chồng con, sau đó đi sớm bắt xe bus hai chặng đến trường đại học. Lưu đến cơ quan muộn hơn, anh dậy chuẩn bị cho cu Bông ăn sáng rồi chở con đến lớp mẫu giáo.
Nhịp sống cứ hối hả, bươn chải, quay đều ngày này qua ngày khác. Mọi người đều cố gắng tìm cho
riêng mình một lối thoát nghèo… nhưng dường như vẫn bế tắc…
Mọi người trong lớp gọi đùa ba cô sinh viên cán bộ là “mì chính cánh”, Loan và hai cô bạn thường ngồi bàn đầu của lớp. Sự có mặt của Loan hôm đầu nhập học có hơi muộn một chút đã làm các chàng trong lớp NCS này sửng sốt, mắt chữ A, mồm chữ O. Các chàng thì thầm hỏi nhau: “cô này ở đơn vị nào cử đi học mà trông như em gái Trà Giang vậy?” Họ tếu táo trêu đùa nhau vì bỗng dưng có một bông hồng lạc loài vào môi trường khô cứng này… Loan cảm nhận được hết, nhưng cô tỉnh bơ như không biết, cô khéo léo khoe ảnh cu Bông với mọi người để khẳng định hoa đã có chủ.
Một tháng sau, lại giác quan thứ sáu, thứ bảy của người phụ nữ mách bảo cô đang có một ánh mắt dõi theo cô từng ngày, từng giờ. Mỗi lần cô quay xuống phía dưới đều bắt gặp ánh mắt ấy vừa như âu yếm vừa như thiêu đốt… Anh ta chưa làm quen với Loan mặc dù tất cả lớp đã giao lưu với nhau, Loan cũng mặc kệ không để ý đến anh chàng này.
Lần ấy, lớp đột xuất phải học thêm ca chiều, Loan và một số người vì nhà xa nên ở lại trường. Đang lúng túng không biết ăn trưa, nghỉ trưa ở đâu thì một cô nói: “có em gái là sinh viên trong trường, chị em mình vào ký túc xá tụi nó đi.” Thế là ba cô rủ nhau đi vào ký túc xá, lúc qua nhà xe một cô bỗng kêu lên:
- Anh Quang! Thôi đừng về nữa, đi với tụi em đi, không lo bị đói đâu, có chỗ ăn ngủ đàng hoàng!
À thì ra cái anh chàng hay nhìn mình tên là Quang, anh ta đang dắt xe máy định về. Thấy một trong ba cô có lời mời, mắt anh ta dường như sáng lên, nhận lời ngay và cất xe vào chỗ cũ. Thế là Quang nhập cuộc với ba cô “mì chính cánh”. Bây giờ Loan mới để ý kỹ hơn về chàng này. Loan đánh giá: hình thức được, nhìn con người phong lưu nho nhã, mắt sâu, mũi cao, miệng cười có duyên. Ăn mặc rất thời trang, áo sơmi sọc nhỏ nhã nhặn, quần ống loe vừa phải là phẳng nếp. Nhìn tổng thể Quang là một người đàn ông chỉn chu lịch lãm. Còn để xem anh ta ứng xử ra sao đã? Loan thầm đánh giá.
Mấy cô sinh viên trẻ đón tiếp khách của chị rất nhiệt tình, nhất là lại có một anh trông rất galang nhập cuộc. Các cô tíu tít chuẩn bị bàn ăn, phân công hai cô xuống nhà bếp lấy mấy suất cơm tập thể. Trong lúc đó Loan thấy Quang lẳng lặng xuống cầu thang rồi đi ra phía cổng trường. Mọi người không ai để ý nhưng riêng Loan cô thấy hơi lạ: anh ta nhận lời vào đây rồi sao còn đi đâu nhỉ? Một lát sau, đứng trên ban công tầng 2 của ký túc xá, Loan nhìn thấy Quang đi từ cổng trường vào. Trên tay Quang cầm vài thứ gì đó mà cô nhìn không rõ. Loan đang băn khoăn thì nghe có tiếng Quang nói ngay bên cạnh:
- Loan ơi, giúp tôi giải quyết mấy thứ này.
Quang đưa mấy thứ trên tay anh cho Loan, hoá ra anh ra cổng trường mua thêm vài món ăn, một gói thịt quay, mấy quả trứng vịt, mấy quả dưa chuột và hành lá.
Trời đất, Loan giật mình không ngờ người đàn ông có vẻ ngoài “hoa lá cành” này lại có suy nghĩ chu đáo cẩn thận đến thế. Vậy mà ba “mì chính cánh” chẳng ai nghĩ ra điều này. Đó là ấn tượng đầu tiên tốt đẹp Quang đã để lại trong suy nghĩ của Loan, anh chàng này cũng rất tinh tế và ứng xử rất lịch sự. Bỗng nhiên Loan thấy vui vui, ôi trên đời này còn có nhiều người tốt và tế nhị. Bắt đầu từ hôm đó Loan và Quang làm quen và trò chuyện với nhau…
Mấy hôm sau, một lần Loan ra bến xe bus trễ, cô đang buồn bực vì chuyến cuối cùng vừa chạy qua, hồi đó xe ít nên phải cả tiếng đồng hồ sau mới có chuyến tiếp theo. Bỗng nhiên có người đỗ xe máy bên lề đường, sát nơi cô đứng.
- Bích Loan, muộn giờ rồi, lên xe tôi đưa vào trường.
- Ôi! Anh Quang đấy à. Ngại quá, nhờ anh báo cáo lớp trưởng cho Loan chậm 1 tiết đầu.
Quang phì cười:
- Đã đến nước này rồi còn tính toán cân nhắc.
Thôi ngồi lên đây đi, không nói nhiều nữa.
Vừa nói Quang vừa giành lấy túi sách trong tay Loan khoác vào ghi đông xe máy, buộc Loan phải làm theo ý mình. Loan đành miễn cưỡng ngồi đằng sau chiếc xe máy Mobillet màu xanh của Quang. Thời đó mới giải phóng miền Nam, phải là người có điều kiện thì mới mua được loại xe máy này từ Sài Gòn chuyển ra. Loại xe này đạp để nổ máy nên nhiều khi tắc xăng, mất điện đạp đến toát mồ hôi không nổ. Người trước,
người sau cong lưng đẩy xe một quãng xa may ra mới nổ máy được. Bởi vậy, thời đó người ta gọi loại xe này cái tên kỳ cục: “cá ươn”.
May quá hôm nay “cá ươn” của Quang có người đẹp ngồi sau, máy móc nổ ngon lành, chạy bon bon đưa hai người vào trường sát giờ học, thật hú vía. Giờ giải lao, Quang đến bên Loan nói nhỏ chỉ để mình cô nghe thấy:
- Lát nữa tan học, Loan đi cùng tôi nhé. Trưa nay tôi cũng có việc đi về cùng đường với Loan đấy, tiện thể tôi đưa Loan về.
Loan nghe Quang nói rất rõ, cho dù anh nói rất nhỏ. Nhưng cô im lặng không nói gì, vừa hay chuông báo vào tiết học, cô lẳng lặng vào chỗ ngồi, tâm trạng dường như hơi xao động. Cô thừa hiểu rằng, sáng nay Quang có mặt kịp thời ở bến xe bus không phải là vô tình, cũng như lời mời về trưa nay cũng chẳng có sự tiện thể nào hết. Cô đọc được tình cảm của Quang giành cho cô. Vậy cô có nên tiếp tục đón nhận không? Cả hai chúng ta đều đã có gia đình.
Tiết học cuối cùng vừa tan, Loan vội đi nhanh ra bến xe bus, trong khi Quang cũng vội vàng ra nhà gửi xe lấy xe đuổi theo cô. Nhưng Quang chỉ kịp nhìn thấy Loan bước vội vào xe bus đã chật cứng người đứng bên trong, cửa xe đóng lại và vụt qua. Quang tỏ vẻ thất vọng ra mặt.
Những ngày tiếp theo, Quang bộc lộ sự quan tâm chăm sóc Loan rõ hơn, còn Loan thì ý nhị né tránh. Nhưng một điều làm cho cô lo sợ là càng né tránh thì
cô lại càng hay nghĩ tới Quang. Cô thầm công nhận, ở Quang có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Anh là trai Hà Nội chính gốc, phong cách rất lịch lãm, ý nhị thể hiện được sống trong một gia đình nề nếp gia giáo.
Vậy lý do gì anh ta lại có tình cảm với cô nhỉ? Loan thấy tò mò và có đôi chút kiêu hãnh, với type đàn ông như Quang sẽ được rất nhiều phụ nữ yêu mến. Vậy thì vợ anh ta là người thế nào? Loan cứ suy nghĩ miên man, ý nghĩ luôn hướng về Quang và muốn khám phá con người này… Bỗng nhiên Quang xuất hiện, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cô, hôm nay cả lớp lên hội trường nghe nói chuyện chuyên đề. Quang nói:
- Cho anh ngồi cạnh em nhé.
Loan nhận ra anh thay đổi cách xưng hô, cô cảm thấy trái tim mình loạn nhịp. Quang dúi vào tay cô mảnh giấy, sau đó anh đứng lên lại gần một người quen đang gọi anh ở hàng ghế trên.
- Em đọc đi và đừng làm anh thất vọng nhé.
Loan hồi hộp mở mảnh giấy ra đọc: “Anh muốn trở thành người bạn tốt của em, lát nữa chúng mình uống café ở quán vườn trường nhé.”
Cả buổi báo cáo chuyên đề Loan nghe chẳng hiểu gì cả. Cô cứ suy nghĩ mãi về Quang và luôn đưa mắt tìm anh trên hội trường. Chết rồi, mình sao thế nhỉ? Cô vội hướng suy nghĩ tới chồng và con trai, giờ này Lưu đang đánh vật với sông nước đê điều, đang là mùa lũ mà, còn cu Bông sáng hôm nay có kịp ăn hết bát mỳ mẹ nấu sẵn cho không? … Ồ, nhưng sao Quang lại đứng lên, anh ta đi đâu thế nhỉ? Anh ta vừa nói
chuyện với ai? Loan không thể nào tập trung suy nghĩ về chồng con được nữa. Chuông báo hết giờ vang lên, Loan từ từ đứng dậy đi ra phía vườn hoa của trường. Quang ngồi chờ sẵn ở bàn có vị trí rất đẹp ở góc vườn.
- Em uống gì?
- Gì cũng được.
Một cốc nước chanh “đại dương” cho Loan và một cốc café “dân biểu” cho Quang. Anh mào đầu ý tứ:
- Mấy hôm nay trời nắng nóng, Loan đi xe bus vất vả quá nhỉ. Mà sao tuyến của em đông quá vậy.
- Sao anh biết?
Quang cười hóm hỉnh trước câu hỏi của Loan.
- Cho anh nói thật nhé, sáng nào không vội, anh đều ra bến xe hy vọng được chở em đi học đấy. Nhưng nhìn dáng vẻ và thái độ của em, anh lại không dám xuất hiện.
Loan hỏi thăm dò:
- Anh không phải đưa con đi học à?
- Vợ anh là giáo viên, cô ấy dạy buổi chiều, cho nên buổi sáng cô ấy giành hết thời gian cho gia đình, chăm sóc bố con anh. Chiều anh mới đi đón con, là cháu gái, nó 6 tuổi và học lớp 1 rồi nên cũng không vất vả lắm.
- Thế còn em thì sao? Bật mí cho anh được không?
Loan cũng kể sơ lược về gia đình mình cho Quang nghe. Hai người trò chuyện rất lâu về gia đình, công
việc hiện nay… dường như cả hai đều muốn hiểu rõ về nhau hơn. Đến lúc phải về, Quang nói:
- Để anh đưa Loan về nhé. Nhà em ở phố ngày xưa là nơi trú ngụ của loài cò trắng, còn nhà anh ở phố có cây cầu xây bằng gỗ, nơi hẹn hò của các cặp tình nhân khi xưa. Chúng ta cùng một quận mà, tiện đường quá còn gì nữa, em đừng từ chối.
Loan bật cười vì cách nói dí dỏm của Quang, nhưng dù sao cô vẫn từ chối:
- Sao anh biết nhà Loan ở đó, đấy là nhà bố mẹ Loan, còn Loan ở nhà chồng cơ mà, xa lắm không tiện đường đâu.
Trong thâm tâm cô cũng không muốn để Quang biết nơi ở của mình, cái khu HacLem nghèo nàn hang cùng ngõ hẻm của một quận loại B của thành phố, nơi mà cô và chồng đang tìm cơ hội để trốn chạy nó… Làm sao có thể để Quang đến đó được.
- Không sao đâu, anh có thể đưa em đi cùng trời cuối đất.
Quang lại nửa đùa, nửa thật nói một câu rất cải lương để khẳng định việc này.
- Nói thật nhé, Loan rất ngại. Chúng ta đều có gia đình cả rồi, những việc đưa đón như thế này không thích hợp đâu. Loan cám ơn sự nhiệt tình của anh.
Loan nói nghiêm túc.
- Vậy thì anh cũng nói thật đây, nếu em chấp nhận được thì chúng ta sẽ là bạn, còn nếu em thấy phiền hà thì thôi, anh sẽ không làm phiền em nữa. Là thế này, ngay từ hôm em vào nhập học muộn, sự xuất
hiện của em làm anh sửng sốt ngỡ ngàng vì nhìn em rất giống cô bạn gái thời niên thiếu của anh. Bọn anh học cùng lớp phổ thông, cũng có thể gọi là những rung cảm đầu đời, thích nhau hơn các bạn khác, mong nhìn thấy nhau hàng ngày… và tất nhiên là bạn thân của nhau. Có vậy thôi. Hết phổ thông, anh đã đỗ đại học trong nước, còn cô bạn ấy có cơ hội tốt hơn anh, đã đi du học nước ngoài và tất nhiên giờ đây đã êm ấm gia đình riêng rồi. Anh đã ngoài 30 tuổi, bắt đầu độ tuổi của sự trưởng thành nên em hãy tin anh là người trung thực, không nói sai sự thật. Và đặc biệt trước em anh cũng không muốn dấu những cảm xúc đột nhiên đến khuấy động sự yên tĩnh trong tâm hồn anh.
Tất nhiên giờ đây số phận đã an bài, anh chỉ muốn kết bạn với em, anh sẽ luôn là người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ lúc em cần, gần nhất là trong những tháng chúng ta cùng học với nhau, nếu em cần anh sưu tầm tài liệu, giúp em tìm hiểu mọi vấn đề liên quan tới chương trình thi NCS sắp tới, anh sẽ tổng hợp giúp em. Anh rất hiểu phụ nữ có con mọn mà lại đi học sẽ rất vất vả, còn anh có thời gian nhiều hơn em mà. Còn nữa, nếu tiện đường đưa đón lúc có điều kiện em đừng ngại mà từ chối. Chúng ta là bạn bè, đang cùng hướng tới một mục đích kia mà.
Loan ngồi nghe Quang nói, thấy anh rất đàng hoàng, nhưng còn một điều mà cô vẫn canh cánh trong lòng đó là liệu chồng cô và vợ Quang có thể chấp nhận được mối quan hệ bạn bè mà Quang vừa
đề nghị với cô không? Lưu sẽ tỏ thái độ thế nào khi nhìn thấy cô ngồi sau xe máy của người đàn ông khác và ngược lại vợ Quang thấy chồng đèo một phụ nữ lạ liệu cô ấy có bình tâm được không?
Cuối cùng Loan nói:
- Cám ơn anh Quang, trước hết chúng ta thực ra vẫn là những người bạn cùng trong một ngành, rồi lại cùng trong một lớp NCS. Tuy mới quen nhau mấy tháng nay nhưng Loan cảm nhận mọi người đều rất tốt và đã gần gũi thân mật nhau rồi, cả hai chúng ta đều nằm trong mối quan hệ của tập thể nhỏ này. Riêng anh, nếu em vô tình gợi lại trong anh một kỷ niệm riêng tư nào đó thì anh hãy để nó ngủ yên nơi nào đó trong tâm đi thôi, chúng ta hãy cùng sống với hiện tại. Những ngày tháng sắp tới sẽ quyết định tình cảm và lý trí của mỗi người. Vậy thôi anh Quang nhé.
Trên đường về, Loan cũng đồng ý để Quang đưa đến nửa đường, nơi đỗ của tuyến xe bus thứ hai, một phần cũng vì nể Quang, một phần đâu đó nơi sâu thẳm của con tim cũng đã rung lên một cảm xúc đồng điệu êm dịu mà cô chưa từng thấy.
Mấy tháng sau đó, mối quan hệ của Loan và Quang dường như ngày càng tiến triển. Với mọi người trong lớp, họ vẫn giữ được một khoảng cách để không xảy ra điều tiếng ì xèo nào. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng để tiến tới kỳ thi. Nếu ai dính vào bất kỳ một chút tai tiếng nào về vấn đề đạo đức, tình cảm này nọ thì sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức. Bởi vậy Loan và Quang dù đã cảm mến nhau nhưng họ biết giữ chừng mực. Riêng Loan, cô đấu tranh tư tưởng cố gạt những suy nghĩ hướng về Quang ra khỏi đầu óc. Ở lớp học thì không thể, nhưng khi về đến căn phòng 9m2 của vợ chồng cô, hình ảnh của Quang vẫn sống động trong tâm trí cô. Một chàng trai đàng hoàng, nhẹ nhàng lịch lãm đặc trưng của người Hà Nội gốc, khác hẳn với chồng cô - mạnh mẽ, quyết đoán, thẳng thừng và nóng như lửa. Hình ảnh Quang cứ ám ảnh mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của Loan. Phải chăng mẫu người đàn ông như Quang đã đạt những tiêu chí mà cô hằng mong muốn khi còn là cô gái chưa chồng… Giờ đây, hình mẫu ấy đang hiện hữu và
còn có cả cơ hội để cô sở hữu… Vậy mà trớ trêu thay cơ hội này đến với cô quá muộn. Tiếc thay, cô và Quang cùng thành phố, thậm chí sống cùng trong một quận nội thành, thế mà số phận đã không sắp đặt cho họ sớm gặp nhau… Loan cố gạt đi những suy nghĩ hướng về Quang… Cô đã có một người đàn ông tên Lưu và một cu Bông kết quả tình yêu thương của họ. Cơn “say nắng” đầu tiên đã đến với Loan làm cho cô thấy mình vô cùng có lỗi với chồng con. Phải chăng cô đã ngoại tình trong tâm tưởng, điều này trước đây không bao giờ cô nghĩ tới, kể cả chỉ trong tâm thôi cũng không thể được. Mình phải chung thuỷ với Lưu, mình phải là một người vợ, người mẹ hoàn hảo để xứng đáng với tình yêu thương và lòng tin tưởng của chồng, con cô… Và cô đã cố gắng không nghĩ tới Quang.
Thời gian này lớp NCS học nước rút, chỉ còn một tháng nữa là thi, mọi người nghiêm túc học tập và nghiên cứu tài liệu. Hồi đó lưu hành một câu rất mỉa mai: “con bò dắt qua biên giới cũng trở thành phó tiến sĩ ” để chỉ chất lượng các phó tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, bởi vì cũng có một số đối tượng thuộc diện chính sách được “cử” đi học không phải thi gì hết. Do đó làm xấu đi hình ảnh chung của danh hiệu “phó tiến sĩ ”. Lớp NCS này toàn là cán bộ ưu tú được tuyển chọn đi thi, bởi vậy họ rất tự trọng. Họ đã tuyên thệ với nhau quyết không làm hổ danh cán bộ của ngành và cũng là cơ hội để xã hội nhìn nhận lại một lớp cán bộ khoa học có năng lực thực sự để trở
về kiến tạo đất nước. Câu nói kia là một sự xúc phạm không thể chấp nhận được đối với giới trí thức
Lớp NCS trải qua kỳ thi rất căng thẳng. Riêng Loan, cô cảm thấy rất tự tin về chất lượng bài làm của mình. Quang cũng vậy, anh vui vẻ nói với Loan:
- Anh hy vọng sẽ được đồng hành cùng em. Loan nói ý nhị:
- Hy vọng là thế, chúng ta sẽ đồng hành như hai đường thẳng song song.
Quang hiểu ý, anh nói:
- Anh sẽ chứng minh tuy song song nhưng đến một lúc nào đó sẽ chập lại!!!
Loan đỏ mặt lảng tránh, còn Quang vui vẻ cười lớn.
Hôm nay là ngày công bố kết quả và liên hoan chia tay lớp NCS. Ai đủ tiêu chuẩn thì hai tháng sau lên đường. Còn lại ai không đủ điểm lại về cơ quan cũ làm việc.
Thật hồi hộp, mọi người ồn ào truyện trò huyên náo bỗng yên lặng khi trưởng ban tuyển sinh bước
vào, danh sách cầm tay. Ông hắng giọng, giương đôi mục kỉnh nhìn khắp lượt mọi người…
Kết quả là 2/3 lớp đủ điểm chuẩn, tất nhiên trong đó có Loan và Quang. Buổi liên hoan chia tay tiếp theo thật vui vẻ ồn ào. Mặc dù mỗi người chỉ được tiêu chuẩn một cốc bia hơi mậu dịch, nhưng không khí vẫn say sưa, người đi kẻ ở bịn rịn không dứt. Thành phố đã lên đèn, cuộc vui nào cũng phải đến lúc tàn, Quang lại gần Loan nói nhỏ:
- Từ nay đến lúc lên đường, chúng ta không được gặp nhau nữa. Anh đưa em về tối nay được không? Đừng từ chối anh nhé.
Loan tự nhủ với lòng mình: “đây là lần cuối”. Không biết rồi mỗi người một ngả, đi Liên Xô, Bungari, Tiệp Khắc… hay nước nào khác. Bộ đại học sẽ phân bổ chỉ tiêu sau hai tháng, và cô đồng ý để Quang tiễn về nhà. Ngồi sau xe Quang tâm trạng cô rối bời, vừa buồn vừa vui. Vui vì cô đã đỗ NCS, chắc là chồng cô cũng vui lắm, buồn vì từ nay sẽ phải xa người đàn ông đang ngồi trước cô đây. Anh ấy đã để lại trong cô một tâm trạng khác lạ: hồi hộp, mong chờ, thổn thức… những cảm xúc mà cô chưa hề trải qua kể cả với người chồng đầu gối tay ấp bấy lâu nay, phải chăng đó là tình yêu… Đã đến đầu ngõ vào khu Haclem, Loan mải suy nghĩ không hiểu Quang nói gì, cô vội vàng nói:
- Thôi đến nơi rồi, anh Quang cho Loan xuống đây để Loan đi bộ vào, không còn xa nữa đâu.
Quang dắt xe lên hè, đoạn đường tối và vắng bóng người. Quang vội vàng nắm lấy tay Loan kéo gần lại phía mình và gấp gáp nói qua hơi thở:
- Cho anh nói một câu, anh yêu em, rất yêu… Quang vội đặt nụ hôn lên đôi môi Loan đang mím
chặt và đôi mắt đang nhắm nghiền. Quang cảm nhận được cơ thể Loan đang run rẩy, trái tim đập gấp gáp. Hình như cô không cưỡng lại được nhưng cũng không hưởng ứng… Quang vội ghì xiết lấy cô và hôn dồn dập lên khuôn mặt nóng rực của cô.
Bỗng Loan chợt như bừng tỉnh, cô vội bứt ra khỏi vòng ta của Quang và hổn hển nói:
- Không thể được anh Quang. Chúng ta về nhà đi, mọi người thân đang chờ chúng ta.
- Anh xin lỗi, nếu chia tay mà anh không nói được điều này với em anh không thể chịu nổi. Anh mong muốn được gặp lại em, hãy tha lỗi cho anh.
Loan rảo bước đi nhanh vào ngõ tối, lúc này nước mắt cô trào ra, thế là hết, lý trí đã thắng… mình phải quên cảm xúc này, mình phải trở về với chồng con thôi. Loan dừng một lát bên ngoài rồi trấn tĩnh lại bước đến bên cửa, cô nghe thấy tiếng hai bố con Lưu đang đùa vui với nhau, tiếng cu Bông hỏi bố:
- Bố ơi, mẹ lâu về quá, con nhớ mẹ.
- Mẹ sắp về rồi, con ăn hết bát cơm này là mẹ về đấy con.
Loan lại bật khóc tức tưởi, tự nhiên một cảm giác thương yêu với chồng con trào dâng vô bờ bến. Cô tự oán trách mình đã buông lơi không kiểm soát được
tình cảm để rồi nguy cơ đổ vỡ gia đình có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Loan trấn tĩnh lại, lau khô mắt, một lát sau cô bước vào nhà, nơi tổ ấm yên bình đang chào đón cô.
Cu Bông reo lên: “Mẹ về” và chạy vội đến sà vào lòng mẹ. Loan vội dụi khuôn mặt còn in dấu tâm trạng vào ngực cu Bông nựng nịu. Cũng may vừa lúc đó đèn điện vụt tắt, Lưu không kịp nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của vợ. Cả khu tập thể ồ lên: “Lại mất điện rồi”, “ai bảo nhà nào cũng đua nhau tăng survolter thì dây điện nào chịu nổi”. Mất điện là vấn nạn, là cơm bữa của cả thành phố đói điện thời bấy giờ. Và ở khu Haclem này lại càng khổ hơn, với mạng lưới đường dây cũ nát chằng chịt như mạng nhện. Mọi người chui từ trong tổ ra đầu hè ngồi hóng gió, trên tay là chiếc quạt nan quạt phành phạch vừa lấy gió vừa đuổi muỗi. Đêm nay lại mất ngủ… trời ơi, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh này…
Loan thầm cám ơn chồng cô đã có một quyết định đúng đắn khi anh ủng hộ cô đi học NCS… Thế nên cô không thể vì một cơn say nắng bất chợt mà phá hỏng cả tương lai, hạnh phúc của gia đình cô.
Hai tháng tiếp theo vợ chồng Loan gấp rút chuẩn bị cho chuyến xuất cảnh lần đầu tiên của Loan. Trước đó Bộ Đại học đã gửi thông báo cho NCS Đỗ Bích Loan được học tại Liên Xô, thủ đô Moskva. Cả gia đình hai bên nội ngoại và vợ chồng Loan mừng rỡ khôn tả. Trước hết, hai vợ chồng chạy vạy anh chị em trong nhà chút vốn, chủ yếu là để mua một số hàng hoá khan hiếm bên nước bạn mà các du học sinh bên đó “xi nhan” về, nào là quần bò, các phụ kiện cho quần bò như khuy quần, dầu cao sao vàng, đồng hồ đeo tay… Tất cả việc sắm sanh này do Lưu đảm nhiệm. Còn Loan lo trang phục cá nhân cho mình, may mà thời đó Bộ Tài chính có chính sách cho mỗi người đi học được mượn một va li, một bộ áo dài truyền thống (nữ) hay một bộ veston (nam), một áo dạ mặc mùa đông nặng chịch. Thôi thì cũng đỡ tiền mua sắm một khoản lớn, chỉ khổ nỗi phải giữ gìn cẩn thận để khi về lại trả cho Bộ Tài chính để dùng cho đoàn sau.
Lưu còn lo lắng hơn vợ, anh căn dặn Loan đủ thứ, mọi kinh nghiệm của những năm tháng học bên đó anh chuyển tải cho vợ hết. Nhiều lúc Loan phì cười nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, câu nói trở thành giai thoại của cụ cố Hồng trong “Bỉ vỏ”. Hai vợ chồng lại ôm nhau cười vang nhà khiến cu Bông sán lại bên bố mẹ góp vui… Loan nhận ra hạnh phúc gia đình mới thực sự là điều cần có, đối với một người phụ nữ điều này quan trọng xiết bao, không có gì có thể đánh đổi được. Những ngày tháng sắp tới cô sẽ phải xa hai con người thân yêu này để đổi lấy một tương lai tươi sáng hơn, lo cho gia đình nhỏ bé của cô có được một cuộc sống vật chất đầy đủ thì tất yếu tình yêu và hạnh phúc sẽ tăng theo cấp số nhân, cô tin tưởng như vậy… Và cơn “say nắng” thoảng qua đã nhường chỗ cho tình yêu thương dâng trào giành cho chồng con trước lúc chia tay.
Sân bay Nội Bài chưa được nâng cấp đông đúc và ồn ào. Đưa tiễn Loan là hơn chục người thân trong gia đình. Cu Bông biết mẹ sắp đi xa nên bám riết đòi đi cùng mẹ. Loan ôm lấy con mà nước mắt cứ trào ra. Chồng cô, bố mẹ anh chị em cô đang quây xung quanh cô… Cô thầm hứa sẽ làm tốt mọi việc cho ngày trở về.
Bỗng đôi mắt cô dừng lại ở nhóm gia đình cách xa gia đình cô vài mét. Đúng rồi, Quang và gia đình anh cũng đang có mặt ở đây, Quang cũng đi chuyến máy bay này sao? Đôi mắt cô dừng lại ở một người phụ nữ nhỏ nhắn có vẻ mặt nghiêm nghị và một cô bé chừng
6 tuổi mặc chiếc váy sặc sỡ và buộc nơ đỏ trên đầu. Quang cúi xuống người phụ nữ nói điều gì đó rồi bế sốc bé gái lên thơm vào má. Trái tim Loan chợt buốt nhói, kia có lẽ là vợ con Quang, có lẽ họ cũng đang rất hạnh phúc. Loan vội quay đi không để cho Quang nhận ra mình.
Đã đến lúc phải vào phòng chờ, Loan tạm biệt chồng con và người thân. Cô ôm chặt lấy cu Bông lần cuối, nước mắt chan hoà:
- Con ở nhà với bố và ông bà ngoan nhé, mẹ sẽ mua quà cho con.
Cu Bông khóc thét lên:
- Ứ, không cho mẹ Loan đi đâu, con đi cùng mẹ
cơ.
Loan giao con lại cho chồng, tạm biệt mọi người
lần cuối rồi bước vào phòng chờ trong lòng thổn thức… Ấn tượng cuộc chia tay vò xé tâm can cô.
Lần đầu tiên đặt chân đến Moskva, Loan thật sự choáng ngợp và thán phục trước thành phố vừa hiện đại vừa cổ kính, có vẻ đẹp tuyệt vời này. Tuần đầu, các NCS được nghỉ lo thu xếp chỗ ăn ở trong ký túc xá và tham quan thành phố. Loan đã cùng các bạn đi thăm các địa danh nổi tiếng như Quảng trường Đỏ, điện Kremlin, dòng sông Moskva uốn lượn quanh thành phố, trường đại học Lomonoxop, các viện bảo tàng và đặc biệt là hệ thống các ga tầu điện ngầm, mỗi ga là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời… Bao cảm xúc thăng hoa khi đi thăm quan thành phố này, Loan chỉ còn biết viết thư về cho Lưu chia xẻ niềm vui và sự ngưỡng mộ.
“… Anh và con yêu quí,
Những ngày này em như đang trong mơ, như đang sống trong chuyện cổ tích. Những lâu đài, rừng cây, dòng sông, cây cầu, tháp chuông… Nơi đây gợi lại cho em những ước mơ thời thơ bé được bước vào các câu chuyện cổ tích, thì giờ đây em đã toại nguyện. Thật tuyệt vời, không có lời nào tả xiết… Em lại càng nhớ
anh và con, biết bao giờ con chúng ta mới được đi vào “chuyện cổ tích” như mẹ Loan đây… Càng thương anh và con nhiều hơn, chúng ta cùng cố gắng đến ngày em trở về. Hôn anh và con. Em nhớ cu Bông lắm, lúc nào cũng chỉ muốn khóc và quay về khu Haclem của chúng ta… Nhưng em sẽ cố gắng bước tiếp…
Còn những thứ mang theo, em đang nhờ một số bạn sinh viên năm thứ 3, thứ 4 chắp nối giải quyết dần, còn mua gì gửi về em sẽ tính.”
Loan được xếp chung phòng với một cô bạn người Cu Ba tên là Vera López. Cô ta có màu da socola, rất khoẻ mạnh và vui tính. Vera chưa có gia đình riêng nên không hiểu được tâm trạng của Loan:
- Sao cậu cứ sụt sùi mãi thế, vui lên chứ. Nhìn tớ đây này.
Nói rồi cô bật nhạc nhẩy mấy điệu La Tinh sôi động rồi kéo Loan nhẩy cùng. Nào là Lambada, Sansa, Pachata… Loan đâu có biết nhẩy, cô ta lại trêu:
- Cậu “ngố” lắm, rồi tớ sẽ dạy cho biết nhảy. Việt Nam các cậu giỏi thế đánh được cả Mỹ vậy mà lại không biết nhảy.
Nói rồi cô nàng cười vang.
Loan cũng thấy vui khi ở chung với cô bạn này, tính tình vô tư vui vẻ tự tin của Vera đã làm cho Loan bớt sầu muộn hơn trong những ngày đầu tiên tới đây. Chỉ hiềm một nỗi Vera có bạn trai cùng học NCS ở trường này, bởi vậy thỉnh thoảng cô lại đưa bạn trai về sống chung tại căn phòng của hai người. Họ tự nhiên như không có Loan ở cùng. Những lúc như vậy
Loan lại phải né tránh, cô xuống thư viện đọc sách, dạo quanh khu công viên tuyệt đẹp, in bóng xuống hồ nước êm ả là rặng liễu mềm mại và hàng bạch dương trắng ngần thẳng tắp… Tâm hồn cô thư thái nghĩ tới mọi dự định trong tương lai, rồi lại nhớ chồng, nhớ con, nhớ Hà Nội nơi cô sinh ra và lớn lên, nhớ các con phố đông đúc chật chội nhưng sao thân thương đến nao lòng.
Thế rồi, vào một buổi sáng chủ nhật, nhường không gian riêng cho Vera, Loan mang theo tài liệu học tập đi dạo quanh công viên. Cô tìm một ghế đá ven hồ rợp bóng liễu rủ, cô mải mê đọc sách rồi viết thư cho chồng… Bỗng có bàn tay ai đó bóp nhẹ vai cô, Loan giật mình quay lại và thảng thốt kêu lên: “Anh Quang”. Một cảm xúc lạ lùng dâng trào sau bấy lâu đã ngủ yên nay như thức dậy. Cô đang cô đơn đến kinh khủng, không có nổi một căn phòng riêng cho mình. Nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân như vò xé tâm can… thì bỗng nhiên Quang chợt hiện lên như ông Bụt trong chuyện cổ tích và hỏi: “làm sao con khóc”.
Quang ngồi xuống bên cô và ân cần lau nước mắt:
- Em cô đơn lắm phải không? Anh rất hiểu những người phụ nữ giầu tình cảm như em mà phải sống thế này là một cực hình, phải có nghị lực lắm mới vượt qua được.
- Sao anh tìm được em, lâu nay anh ở đâu vậy?
Quang kể cho cô nghe: “Hôm ở sân bay anh đã nhìn thấy cô và gia đình từ xa nhưng tảng lờ như
không thấy. Chuyến bay của anh không trùng với Loan, anh bay sau cô 50 phút. Đến Moskva, anh được đưa về trường cách xa thủ đô hơn trăm cây số, cho nên anh không đủ thời gian để liên lạc với Loan. Sau này Quang có việc lên Đại sứ quán, anh mới tìm được trường đại học nơi Loan đang làm NCS. Thu xếp mọi việc ôn ổn, sáng nay Quang đáp tàu hoả chuyến sớm để đi tìm Loan. Tìm được đến ký túc xá, căn phòng mà bà thường trực chỉ cho Quang đó là phòng của cô gái Việt Nam tên Đỗ Bích Loan. Cửa phòng đóng im ỉm, anh nghĩ giờ này Loan còn chưa dậy sao? Anh gõ cửa, rất lâu sau của phòng bật mở, Quang giật mình, một khuôn mặt mầu socola có vẻ khó chịu ló ra. Quang hỏi tìm gặp “Mrs Loan”, vẻ mặt bớt cau có và tận tình chỉ dẫn cho quang chỗ Loan hay đến…
- Sao em lại tìm đến chỗ này, vắng vẻ và buồn lắm. Bây giờ chúng ta đi chơi, anh cũng muốn tham quan Moskva, em làm hướng dẫn viên cho anh nhé.
Hai người rời khỏi công viên, hoà vào dòng người tấp nập đông vui ngày chủ nhật. Dân Moskva, dân các tỉnh, khách du lịch khắp nơi trên thế giới đổ về. Moskva lúc nào cũng như ngày hội, nhất là vào những ngày lễ và chủ nhật. Niềm hạnh phúc được sống trong hoà bình và một nền kinh tế chính trị vững mạnh toả sáng trên khuôn mặt mọi người. Họ tự hào và kiêu hãnh là người dân Xô Viết, một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.
Đã đến giờ Quang phải về, hai người ghé vào một tiệm ăn nhanh sau đó Loan tiễn Quang ra bến tàu trở
về trường. Họ bịn rịn chia tay nhau, Quang hứa tuần sau anh lại đến. Loan rơm rớm nước mắt.
- Tạm biệt em.
Quang ôm nhẹ Loan và hôn lên trán cô.
Trở về ký túc xá, Loan lại cảm thấy buồn rã rời, lại một cuộc chia tay, cảm giác chia tay thật nặng nề ám ảnh. Suy nghĩ của cô lại hướng về Quang rồi mới đến chồng con. Cô cảm thấy bế tắc vô cùng.
- Lại khóc nữa à Loan?
Vera vui vẻ hỏi, bạn trai cô đã về.
- Vui lên, vui lên đi, hãy sống cho chính mình. Tớ không hiểu hôm nay bạn trai cậu đến thăm mà sao buồn?
Loan im lặng không nói, chỉ nhìn chăm chăm vào tấm ảnh hai bố con cu Bông để đầu giường. Vera chợt hiểu và lại cười lớn, cô nói một câu trêu chọc Loan: “Я тебя люблю – em yêu anh” tay chỉ vào tấm hình Lưu. Loan không cười được, cô thầm nghĩ: “Ôi, Vera ơi, cậu không hiểu được phụ nữ Việt Nam chúng mình đâu. Nặng tình nặng nghĩa, chia ngọt xẻ bùi, chịu thương chịu khó, chẳng biết trong từ điển tiếng Nga và Cu Ba có những từ này không? Không đủ ngôn ngữ mà diễn tả, thôi nhé Loan đi ngủ đây. Bạn hãy vui với niềm vui của bạn, với hạnh phúc hôm nay và mai sau của bạn nhé”.
Những ngày tháng sau đó, Loan và Quang bắt đầu lao vào học tập. Chương trình nặng dần buộc họ phải tập trung hết thời gian và sức lực để hoàn thành tốt các môn. Những ngày nghỉ, thường là Quang đáp tàu hoả lên Moskva thăm Loan, giúp Loan giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong học tập. Thời gian còn lại họ cùng nhau đi các cửa hàng kiếm tìm mua những danh mục hàng hoá mà ở nhà đã liệt kê như: đồ dùng điện, áo bay, đồ nhôm, thuốc tây…
Tuy rất quyến luyến nhau, nhưng họ vẫn giữ được khoảng cách, không vượt quá giới hạn của tình bạn. Loan đã vui hơn, cô yên tâm khi có Quang bên cạnh. Tuần nào Quang bận không tới được là cô thấy mong, thấy nhớ vô cùng. Càng gần Quang cô càng thấy anh là người đàn ông tuyệt vời, nhẹ nhàng chu đáo, tâm lý mà lại rất thông minh, mọi việc anh đều có cách giải quyết có hiệu quả mà lại hợp tình hợp lý. Ở bên cạnh Quang cô cảm thấy mình nhỏ bé và ngây thơ rất cần được che chở. Cô đã yêu anh mất rồi. Cảm xúc này với Quang mới đích thực là tình yêu mà cô không tìm
thấy ở chồng cô. Đó chính là điều đáng buồn mà cô phát hiện ra, làm cho cô ân hận day dứt vì đã chót có lỗi với Lưu. Điều mà cô không bao giờ muốn xúc phạm tình cảm của anh.
Thế rồi một sự việc diễn ra đúng theo quy luật tình cảm, Loan đã lao vào vòng xoáy của cơn “say nắng” mà không sao cưỡng lại được, khiến cô trở thành kẻ xúc phạm chồng tồi tệ.
Vào ngày nghỉ cuối tuần, Quang hẹn Loan sẽ đi chơi ngoại ô Moskva. Anh tranh thủ lên thủ đô vào chiều tối thứ bảy để sáng chủ nhật hai người có nhiều thời gian cho cuộc picnic hơn. Loan tự tay nấu mấy món ăn Việt Nam và mời đôi bạn Vera cùng thưởng thức. Bốn người vui vẻ cụng ly, rượu votka cho đàn ông, champa cho phụ nữ… Hai bạn Cu Ba rất vui vẻ, họ khen ngợi món ăn Việt Nam thật ngon, Loan thật khéo tay… Sau cùng họ hát vang những bài hát Việt Nam và Cu Ba sáng tác vào thời điểm của cuộc chiến đấu chống Mỹ ác liệt: “nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita”… Cuối cùng là bài “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Bạn trai Vera chơi đàn ghi ta rất hay, anh ta rất ngưỡng mộ Việt Nam do vậy mà thuộc rất nhiều bài ca cách mạng Việt Nam và Cu Ba, anh chơi rất bốc và với vẻ rất phong trần, làm cho cuộc vui như không còn biết đến giới hạn thời gian.
Cuối cùng mọi thứ trên bàn và trong chai đã hết, cả bốn người đã ngà ngà men say. Nhưng Vera vẫn còn đủ tỉnh táo và tỏ ra rất tế nhị, có ý trả ơn Loan mỗi lần phải ra dạo chơi bất đắc dĩ ngoài vườn hoa…
(Còn tiêp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét