Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

THƠ VỀ NGHỀ THỢ CỦA LÊ TUẤN LỘC

 


THƠ VỀ NGHỀ THỢ - SỰ KẾT HỢP THÚ VỊ GIỮA

THỂ LOẠI VÀ ĐỀ TÀI Ở TRƯỜNG HỢP LÊ TUẤN LỘC

 

                                           PGS.TS Lê Tú Anh

                                             Trường Đại học Hồng Đức

 

Dù biết nhà thơ Lê Tuấn Lộc xuất thân là một kỹ sư mỏ, tôi vẫn hoài nghi về khả năng thể hiện cuộc sống người thợ khi mới cầm trên tay tập Thơ và thợ, Nxb Hội Nhà văn, 2019. Lý do là vì có quá nhiều điều đáng nói về đời sống người thợ, mà thơ, với những đặc trưng thể loại, rất khó để có thể bao chứa hết được. Nhưng đọc tập thơ này, rồi thêm những tập khác viết cùng đề tài (Hát lúc trăng lên, Nxb Thanh Hóa, 1990; Thợ mỏ gặp nhau, Nxb Văn hóa dân tộc, 2000; Đi tìm vàng, Nxb Lao động, 2011; Người đi đã trở về, Nxb Hội Nhà văn, 2015…), người đọc có lẽ cũng như tôi, sẽ dần bị lay động bởi sự quan sát và thấu hiểu, tình cảm yêu thương, cảm thông và sẻ chia chân thành cũng như khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ thơ ca những vấn đề của văn xuôi ở Lê Tuấn Lộc. Những điều đó đủ để xếp Lê Tuấn Lộc vào đội ngũ nhà văn về đề tài công nhân - người thợ.

Giai cấp công nhân tuy hình thành ở nước ta hơi muộn, nhưng đến nay có thể khẳng định: đề tài công nhân là một đề tài lớn, chỉ sau đề tài người nông dân và người lính. Ra đời trong một bối cảnh hết sức đặc thù - khi nước ta là thuộc địa của thực dân Pháp, công nhân Việt Nam có nhiều điểm khác biệt ở sự hình thành/xuất thân, bản chất giai cấp, những thăng trầm thân phận. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cuối thế kỷ XX đầu XXI, lực lượng lao động theo giờ ở nước ta đang được bổ sung rất nhanh chóng về số lượng và đa dạng về cơ cấu thành phần, ngành nghề. Theo thống kê của Tổng cục thống kê đến 2016:cơ cấu giai cấp công nhân nước ta trong các ngành kinh tế là: ngành công nghiệp chiếm 46,1%; ngành xây dựng chiếm 15%; thương mại, dịch vụ chiếm 25,9%; vận tải chiếm 4,7%; các ngành khác chiếm 8,3%[1]. Xu hướng trí thức hóa công nhân cũng đang được thể hiện ngày càng rõ. Dù vậy, nhìn chung vào vị thế của giai cấp hay đi sâu vào cuộc sống và thân phận mỗi người thợ, ta đều thấy có rất nhiều điều đáng quan tâm. So với nông dân, cuộc mưu sinh của những người lao động theo giờ, lao động trong môi trường công nghiệp cực nhọc hơn ở chỗ: công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hơn; môi trường lao động khắc nghiệt, độc hại hơn; địa bàn/tư thế lao động khó khăn hơn, bị quản lý nghiêm ngặt hơn, khả năng thất nghiệp cao hơn, vì thế, để có công ăn việc làm thường xuyên, rất nhiều người làm công phải tha phương, rời bỏ nơi mình sinh ra, lớn lên, rời bỏ gia đình… Tất cả những đặc tính này đều kéo theo rất nhiều hệ lụy: không chỉ là sự bấp bênh về thu nhập và khả năng duy trì đời sống, là sự giảm sút/hao mòn nhanh chóng về thể lực mà cả sự nguy hiểm đến tính mạng, không chỉ là nỗi nhớ nhà nhớ quê mà đôi khi còn để lại quê hương cha mẹ già không người chăm sóc, thậm chí nhiều cặp vợ chồng trẻ gửi cả con cho cha mẹ, đưa nhau vào các khu công nghiệp, ở nhà trọ, ăn cơm bụi, bi kịch gia đình theo nhiều cảnh huống có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Với rất nhiều vấn đề về đời sống công nhân/người thợ như vậy, tiểu thuyết có lẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn bởi khả năng bao quát và thể hiện rộng lớn hơn, chất văn xuôi cho phép nhà văn đưa vào tác phẩm nhiều hơn những vấn đề của cái ngày thường. Lịch sử văn học Việt Nam cho thấy, thành tựu văn học về đề tài công nhân chủ yếu tập trung ở văn xuôi: khởi đầu là truyện ngắn Câu chuyện một tối của người tân hôn của Nguyễn Bá Học, Giời có mắt của Chúc Nhân, tiếp đến là các sáng tác của Lan Khai, Nguyên Hồng... Sau cách mạng tháng Tám là hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự của các tác giả chuyên tâm vào đề tài này như Võ Huy Tâm, Nguyễn Thành Long, Lê Minh, Lê Phương, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lí Biên Cương, Nhật Tuấn, Xuân Cang, Huy Phương, Nguyễn Bình… Dù vậy, Lê Tuấn Lộc chọn thơ, vấn đề có lẽ không phải ở chỗ không phải nhà văn nào cũng có thể viết được tiểu thuyết. Ưu thế của thơ là người viết có thể bộc lộ cảm xúc trực tiếp và đa dạng, có thể dùng hình ảnh/biểu tượng để khái quát đời sống và tác động nhanh, trực tiếp đến người đọc, nhất là những người đọc không đòi hỏi sự cầu kỳ chữ nghĩa và không có nhiều thời gian cho sự đọc như những người lao động tay chân. Tôi không chắc Lê Tuấn Lộc đắn đo trong việc lựa chọn thể loại, điều này có lẽ phụ thuộc vào khả năng văn chương và “tạng” của người viết, cũng như việc nhận thấy ít nhiều ưu thế của thơ.

Viết về thợ, Lê Tuấn Lộc đã mở rộng nội hàm công nhân, quan tâm đến cả tầng lớp thợ thuyền, những người làm công, những lao động liên quan đến (không hoàn toàn thuộc) ngành công nghiệp, thủ công nghiệp, thậm chí cả những công việc không sản xuất ra sản phẩm hàng hóa như công nhân vệ sinh môi trường, thợ đào đãi vàng, thợ gội đầu/cắt tóc, người làm giúp việc gia đình (ôsin)… và cả người chuyên đào huyệt thuê. Tôi rất đồng tình với anh trong cách nhìn rộng mở này, bởi thực tế có những người thợ tuy chưa đứng trong hàng ngũ của giai cấp công nhân nhưng công việc, cuộc sống, thân phận của họ có nhiều điểm tương đồng. Có lẽ Lê Tuấn Lộc đã bị ám ảnh bởi nhiều cảnh tượng thương tâm: Những người đi vào bãi tìm vàng, hầm bị sập, có người chết xác “cứng đơ, mặt mũi dính đầy máu” được bọc lại đưa xuống thuyền thả trôi theo sông Lô (Ra đi từ bãi vàng); những người thợ khai thác than bị những mỏ than thổ phỉ làm cho bục lò, đã mấy ngày rồi mà vẫn không thấy tin tức, vợ con ở nhà đỏ mắt trông đợi (Mẹ con em vẫn chờ); những người thợ xây nhà cao tầng bị rơi từ độ cao 100 mét... Tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là vấn đề nhức nhối, thường trực, liền với đó là vấn đề công nhân bị bóc lột sức lao động. Ngay từ tác phẩm đầu tiên viết về công nhân trong văn học Việt Nam - Câu chuyện một tối của người tân hôn, Nguyễn Bá Học đã đề cập vấn đề này. Câu chuyện của người tân hôn không phải là tình cảm chồng vợ thắm nồng hay sự sẻ chia, đồng cảm của hai người thuộc hai gia đình “vốn là nhà thế nghị”, trải qua nhiều biến cố “xa cách nhau đã hơn mười năm, nay lại được sum họp một nhà, bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa”; mà là câu chuyện đẫm nước mắt của người vợ làm công trong nhà máy dệt, “suốt ngày dùng hết sức, hai tay hai mắt cũng chỉ đủ cung một cái dạ dầy”, bị máy kẹp phải tay khiến bàn tay chỉ còn ba ngón. Tuy còn giản đơn trong cách trần thuật nhưng bằng bút pháp tả thực, Câu chuyện một tối của người tân hôn đã giúp ta hình dung cuộc sống ngột ngạt của người làm công dưới chế độ thuộc địa: “Từ khi tôi vào làm trong nhà máy, không còn được trông thấy mặt trời. Từ 4 giờ sáng, còi nhà máy gọi lần thứ nhất, tôi trở dậy mà nấu ăn, đến 5 giờ còi gọi lần thứ hai, tôi bắt đầu ra đi, đến 6 giờ đến nơi vào làm, lại cho đến 9 giờ tối ra về; 10 giờ đến nhà, dọn dẹp cho đến 12 giờ thời đi ngủ”[2]. Sự thật về đời sống công nhân là nội dung hết sức mới mẻ trong văn xuôi đầu thế kỷ XX.

Tiếp nối chủ đề đó trong văn học các giai đoạn trước, thơ về công nhân của Lê Tuấn Lộc gây nhiều ám ảnh: “Ai biết bao thợ xây rơi từ cao 100 mét/Ai còn sống hay chết…” (Viết ở tòa nhà Keang Nam), “Lần đầu tiên trong đời/Tôi thấy ba người chết điện cháy thui/Đến giờ tôi còn sợ” (Ba người chết điện)... Bên cạnh những vấn đề nhức nhối như công nhân bị bóc lột sức lao động, bị tai nạn lao động…, vẫn trong khuôn khổ thể loại trữ tình, nhiều vấn đề thời sự như cổ phần hóa, thất nghiệp, phá sản… đã được Lê Tuấn Lộc quan tâm thể hiện theo cách của thơ. Lẽ dĩ nhiên, người làm thơ sẽ không thể đi đến tận cùng vấn đề, dù đôi khi ông đổi hướng sang giọng tự sự, nhưng điều đó cho thấy mối đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với lĩnh vực mà ông quan tâm: đời sống và thân phận người thợ.

Từ chỗ đứng giai cấp, từ lòng thương cảm thân phận người lao động, Lê Tuấn Lộc nhiều lần bày bỏ tình thương với người nghèo, thậm chí cả những người ăn mày trên đất khách. Các bài thơ Người ăn mày dưới chân cầu vượt viết ở Côn Minh (Trung Quốc), Người ăn xin dưới chân cầu Bosphorus viết ở Istabul cho thấy lòng thương rộng lớn của nhà thơ đối với con người.

Bên cạnh những nốt trầm, đôi lúc u buồn trong đời sống người thợ, Lê Tuấn Lộc vẫn nhìn thấy, lắng nghe được nhiều thanh âm sáng trong. Đó là âm thanh có thực - tiếng hát của một cô gái vùng mỏ trong những ngày anh ốm nằm bệnh viện:

“Những tiếng đàn tan trong không gian

Và em hát một bài gì không rõ

Tôi lắng nghe lời em ngân trong gió

Giữa êm đềm ngoài kia trăng lên”

(Hát lúc trăng lên)

Và tiếng hát dù nghe không rõ ấy khi không còn cất lên ở khung cửa sổ nhà bên kia đã để lại trong lòng người nghe hát nỗi luyến liếc, ngậm ngùi. Lúc trăng lên và nỗi nhớ về tiếng hát người con gái vùng mỏ trở thành cảm hứng cho thơ, thành tứ của bài và là tên tập thơ đầu tay của Lê Tuấn Lộc.

Đó là không khí nhộn nhịp của khu mỏ trong giờ giao ca: “Khu mỏ giờ giao ca/Đông vui và rộn rã/Chuông reo, còi hối hả/Xe vào đan xe ra”, là hình dung về không khí ấm áp tình chồng vợ sẻ chia của một gia đình thợ mỏ: “Với anh là tan tầm/Với chị ngày mới đến/Dịp sum vầy trò chuyện/Bữa cơm chiều trăng lên” (Vợ chồng thợ mỏ). Cùng với bài Vợ chồng thợ mỏ, các bài thơ Xuân ở mỏ, Xóm thợ, Thợ mỏ gặp nhau, Làng thợ mỏ… của Lê Tuấn Lộc đã tái hiện sinh động đời sống bình dị mà vui vẻ, ấm áp tình đời, tình người của công nhân thợ mỏ. Bài Chị Sàng nói về thân phận một người thợ cụ thể, có thật nhưng cũng tiêu biểu cho rất nhiều số phận nữ công nhân mà điểm chung thường gặp là nỗi truân chuyên, đa đoan, nhiều nếm trải. Những bài thơ này của Lê Tuấn Lộc gợi ta liên tưởng đến nhiều tác phẩm văn xuôi như Mùa lạc (Nguyễn Khải) và các sáng tác Xuân Cang, Huy Phương, Nguyễn Mạnh Tuấn… Nông trường, vùng mỏ, nhà máy đối với mỗi người thợ luôn là quê hương thứ hai, là nơi lưu giữ biết mấy ân tình:

“Không ai nghĩ sẽ về quê hương

Nhiều người về hưu cũng ở lại đây

Bọn trẻ lớn lên lại vào làm mỏ

Nơi xa lạ thành quê cha đất tổ

Tầng quặng dày đã hóa quê hương”

(Xóm thợ)

Lê Tuấn Lộc có lẽ thuộc số ít người có những vần thơ đáng nhớ về sự hy sinh thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của những công nhân vệ sinh môi trường:

“Dòng đèn long lanh trôi về Hồ Gươm

Xe rác lù lù ra ngoài thành phố

Như là Xuân chưa đến

Như Giao thừa chưa về

 

Xe đi như đêm đêm ra đi

Để lại trong lành cho Xuân thành phố

Trời thủ đô Giao thừa ửng đỏ

Pháo hoa tung lên trời”

Tôi muốn trích nguyên vẹn bài thơ Xe đi trong đêm giao thừa bởi tứ thơ chứa đựng một nghịch lý mà từ đó nó gây ấn tượng mạnh cho người đọc về một công việc rất cực nhọc, vất vả, đầy hy sinh nhưng không nhận được nhiều thiện cảm, sự quan tâm từ cộng đồng. Chiếc xe rác lù lù đi ra ngoài thành phố vào đêm giao thừa chắc không mấy người để ý. Nhiều người vẫn vô tình lướt qua, thậm chí không ít người, trong cái giờ phút giao thừa thiêng liêng đó, giữa môi trường sạch sẽ mà những công nhân phải cố gắng hết sức để có được đó, vẫn vô tư xả rác. Lê Tuấn Lộc không sa vào chi tiết, không kể lể, buộc tội, bởi chi tiết/hình ảnh nếu không đặc sắc có thể làm hỏng thơ. Ông chọn cách nói ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng nó khiến người ta phải xấu hổ nếu cứ vô tình/vô tâm trước những hy sinh âm thầm như thế. Cũng là tứ thơ nói về sự hy sinh, những cống hiến lặng thầm của người thợ, tôi rất thích bài Viết ở tòa nhà Keang Nam. Nhìn chung, càng về sau, Lê Tuấn Lộc càng khéo léo hơn trong cách cấu tứ, cách để cho nhân vật trữ tình biểu lộ cảm xúc.

Đôi khi, cái nhìn lạc quan của Lê Tuấn Lộc đã khiến những vất vả khuya sớm của đời thợ trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc:

“Em chưa làm ca ba

Chưa biết những đêm hè gió lộng

Thấy trăng lên và thấy cả trăng tà

Giữa bao la bát ngát

Những đêm không trăng

Một trời sao xa lắc

Sông Ngân Hà chở mãi sao trôi”

(Ca ba vùng mỏ)

Trong cuộc đời người thợ của mình, Lê Tuấn Lộc đã trải nghiệm nhiều nơi, chứng kiến nhiều vui buồn của người thợ: khi ở mỏ crôm Cổ Định (Thanh Hóa), khi đến vùng mỏ thiếc Quì Hợp (Nghệ An), rồi Tuyên Quang, Quảng Ninh… Mỗi vùng mỏ đã đi qua, anh đều có thơ để lại: niềm vui rất nhiều nhưng nỗi buồn cũng không hề ít. Dù thế, như đã xác quyết từ đầu về tình cảm yêu thương, gắn bó, Lê Tuấn Lộc sâu nặng suốt đời với nghề thợ:

“Chưa bao giờ tôi nghĩ chuyện chia tay

Bởi áo thợ với mình thân thiết quá

Bên đốm lửa đón xuân vui kỳ lạ

Thợ mỏ cười muốn đổ cả giàn khoan”

(Xuân ở mỏ)

Cùng làm thơ về thợ mỏ còn có nhiều nhà thơ tiêu biểu như TRần Ninh Hồ, Trần Nhuận Minh, Bùi Kim Anh…, nhiều tác giả thơ ở Quảng Ninh như Yên Đức, Trần Ngọc Tảo, Lê Hường, Mai Phương, Ngô Tiến Cảnh, Nguyễn Châu… và nhiều tác giả xuất thân từ thợ mỏ như Trần Đình Nhân, Trần Tâm, Ngô Xuân Hội, Đào Ngọc Vĩnh…, nhưng nếu các nhà thơ vừa kể chỉ tập trung vào đối tượng thợ mỏ, thì Lê Tuấn Lộc mở rộng phạm vi, quan sát đời sống của số đông người thợ, những người làm theo giờ, làm thuê, thậm chí cả những người đã đi lên giữ vị trí ông chủ mà không may thất nghiệp tình cảnh cũng trở nên rất trớ trêu... Càng về các tập gần đây, Lê Tuấn Lộc càng thiên về quan sát và mở rộng trường nhìn. Thơ Lê Tuấn Lộc, vì thế, đáng quý ở tấm lòng, ở tình cảm trân trọng và mối quan tâm thường trực, sâu sắc đối với thân phận người thợ, người lao động nghèo cực nhọc, vất vả. Nhưng cũng chính ở việc mở rộng phạm vi quan sát, cách viết của Lê Tuấn Lộc nhiều chỗ không tránh khỏi ôm đồm, dễ dãi. Do đưa vào thơ nhiều chất liệu đời thường, thơ thiếu những hình ảnh mang tính biểu tượng, khái quát, đa nghĩa. Giọng thơ nhiều khi chân thật đến mộc mạc, giản đơn, thiếu những khoảng trống, những liên tưởng cần thiết cho thơ, những tứ thơ độc sáng, mới mẻ.

Dù vậy, với hơn chục tập thơ, phần lớn được công bố bởi các nhà xuất bản uy tín, Lê Tuấn Lộc thể hiện rất rõ khát khao dấn thân vào địa hạt văn chương và khát vọng khẳng định mình ở đó. Ấy là niềm đam mê, là thái độ sống đáng trân trọng. Thêm nữa, việc quan tâm đến một bộ phận không nhỏ người lao động có thân phận nhiều nỗi niềm, Lê Tuấn Lộc có thể được xem là đại biểu cho tầng lớp/ giai cấp, nói lên tâm tư, nguyện vọng, kêu gọi sự sẻ chia, đồng cảm, hy vọng góp phần nào cho cuộc sống của người lao động bớt cực nhọc hơn. Bên cạnh đề tài công nhân/người thợ, Lê Tuấn Lộc còn thể hiện chất phong tình trong nhiều bài viết về tình yêu. Bài Tình yêu của anh nằm trong tập Hát lúc trăng lên thuộc trong số những bài được chép vào sổ tay thơ của học sinh, sinh viên một thời. Chỉ thế cũng đủ để người đọc nhớ đến một người làm thơ có bút danh: Lê Tuấn Lộc, Lê Vũ Hạnh Phúc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].      Huỳnh Đăng, “Thơ về thợ mỏ, thợ mỏ làm thơ”, nguồn: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201609/tho-ve-tho-mo-tho-mo-lam-tho-2318110/

[2].      Phạm Văn Giang, “Sự biến đổi giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế”, Tạp chí Lý luận chính trị, nguồn: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/su-bien-doi-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-duoi-tac-dong-cua-hoi-nhap-quoc-te-112378

[3].      Lê Tuấn Lộc, Hát lúc trăng lên, Nxb Thanh Hóa, 1990.

[4].      Lê Tuấn Lộc, Thợ mỏ gặp nhau, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.

[5].      Lê Tuấn Lộc, Đi tìm vàng, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011.

[6].      Lê Tuấn Lộc, Người đi đã trở về, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.

[7].      Lê Tuấn Lộc, Thơ và thợ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019.

[8].      Phạm Hồng Toàn (sưu tầm và giới thiệu), Nguyễn Bá Học con người và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003.



[1] Dẫn theo Phạm Văn Giang, “Sự biến đổi giai cấp công nhân Việt Nam dưới tác động của hội nhập quốc tế”, Tạp chí Lý luận chính trị, nguồn: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/su-bien-doi-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-duoi-tac-dong-cua-hoi-nhap-quoc-te-112378

[2] Phạm Hồng Toàn (sưu tầm và giới thiệu), Nguyễn Bá Học con người và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003, tr.415.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét