KHỜ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG -
CẢM NHẬN KHI ĐỌC ‘VIẾT CHO KHỜ’
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Trần Thị Hồng Châu
*
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 mà người ta xem chữ TÌNH nhẹ phều.
Người ta có thể thay người yêu như thay áo, có thể đem chuyện tình cảm ra mua bán, giao dịch, đổi chác... Bữa nay quấn quýt anh anh em em, ngày mai đã quay phắt lạnh như tiền, gọi nhau thằng này con kia... Thế nên chuyện TÌNH "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" mà Cụ Nguyễn Du nói đến cách nay mấy trăm năm đã xưa lắm rồi, đã dần khan hiếm lắm rồi! Nếu có người vì tình còn vương, còn vấn, còn tiếc, còn nuối, sẽ bị người ta cho là ĐIÊN, là KHÙNG mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến lại có hẳn một bài thơ VIẾT CHO KHỜ về sự “điên”, “khùng” ấy với những vấn vương, tiếc nuối.
Thơ Đặng Xuân Xuyến tôi đọc cũng kha khá và đã yêu thơ của tác giả này... Nhưng vì biết khả năng mình không thể viết ra hết được tài điều khiển vần, điệu, chữ, nghĩa... và càng biết không thể diễn tả hết những tâm ý sâu xa làm con tim thổn thức, làm cảm xúc rung rinh thỏa độ ghiền, đủ độ say của mình trong những bài thơ của tác giả này, nên chỉ ngốn ngấu cầm lên, rồi hả hê đặt xuống…
Vậy mà không hiểu sao sau khi đọc VIẾT CHO KHỜ bài thơ cứ vấn vít không cho tôi làm gì, nghĩ gì, yêu thích gì... cứ như hồn vía bị bắt đi, bịt mắt lại... để chỉ được nhìn nó, thì thầm, thủ thỉ với nó mà thôi...
Triền sông chiều nay cạn gió
Ai dụi câu hò
Ai dúi cánh cò líu ríu qua sông
Ai lùa gió đốt lòng
Ai bủa giăng chim trời mà đợi
Khờ hỡi...
Biết rồi
Sao còn vít vương tơ rối.
Ngẩn ngơ chi thì thầm lời của gió
Thương nhớ gì lộc cộc tiếng ngõ khuya
Thì kệ nắng quái trưa
Thì mặc mưa mút mùa
Thì thả nụ yêu quá thì chìm nổi
Để rồi tong tẩy cuộc người
Để rồi xéo xắt miệng đời
Để rồi nụ cười bảy chìm ba trôi chín rối...
Khờ hỡi
Biết rồi
Sao nặng lòng vít vương tơ rối...
Về thôi!
*.
Hà Nội, chiều 10-09-2020
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
-------------------
(in tại chuyên mục: QUÁN THƠ HƯ VÔ 396 trên báo Việt Luận (Úc) - Viet’s Herald on Friday, September 18,2020)
"Khờ" là tính từ chỉ nhân cách. Là một cách gọi ở thời đại 4.0 này cho những người có trí tuệ thông minh, nhiều hiểu biết... mà không buông bỏ được TÌNH, còn bị TÌNH làm cho long đong lận đận, luẩn quẩn loanh quanh vương vào rối rắm gỡ mãi không ra.
Nếu như “duyên trời” (gió) đã đưa thứ gì đó tới cho mỗi chúng ta: Có thể là một báu vật, có thể là một bình “rượu độc” “hương mê”… mà thế gian gọi là TÌNH để ta thương yêu, chiều chuộng, để ta đắm chìm vào đó mà mê, mà say… thì sẽ có người may mắn được cái duyên lâu bền, cái tình đằm thắm… Những người này thì khỏi nói, vì “duyên ấy”, “tình ấy” sẽ nên vợ nên chồng đến răng long tóc bạc, làm gì có ai khờ ai dại ở đây! Nhưng cũng có một số người gặp phải duyên ít, tình cạn mau để anh đi đường anh, em đi đường em... để rồi có Khờ, có thơ VIẾT CHO KHỜ
Bài thơ VIẾT CHO KHỜ là viết cho ai? hay cho chính tác giả?
Kệ! tôi không cần biết là ai! Chỉ biết khi đọc bài thơ này thì thấy, Trời ơi, khờ gì mà khờ quá mức? Khờ đau, khờ đớn, khờ hết chỗ nói, khờ hết thuốc chữa!
Phải chăng bởi tại thể loại bài thơ là thơ tự do, phong cách lại hiện đại, phóng khoáng cho tư duy bay lên, cùng với cách sử dụng những biện pháp tu từ đặc biệt như hoán dụ, lặp từ, so sánh… cùng quấn quyện với hình ảnh, âm ngữ dân gian sau lũy tre làng có con sông bến nước, có bãi mía nương dâu, như trong ca dao dân ca… đã làm tôi cứ tưởng tượng, cứ suy diễn, cứ lan man… để rồi một hình hài, một tâm hồn, một quãng đời của một con người rất là khờ hiện ra trước mắt tôi..
Cả bài thơ chả thấy tác giả dùng gì đến những chữ: chia tay, ly dị, bỏ đi… mà chỉ là "cạn gió". Gió cạn được ư? - phải chăng chỉ là giữa người với người dưới một mái nhà duyên đã tận, tình đã hết.
Bài thơ cũng chẳng kể lể dông dài những nguyên nhân "ai" phá đi niềm vui, hạnh phúc, làm xáo trộn sự bình yên, đã thiêu rụi cuộc tình, mà ta chỉ thấy câu hò bị "dụi", cánh cò bị "dúi", gió bị "lùa" và chẳng thể “bủa giăng" nhau nữa… Người ta đã buông bỏ cuộc tình này rồi, đã phủi tay, xoay mặt sạch rồi, không vớt vát nổi tí gì nữa rồi… mà sao:
Khờ hỡi
Biết rồi
Sao còn vít vương tơ rối
"Biết rồi - sao còn vít vương tơ rối" để rồi tự hành hạ, tự đày đọa cả thể xác lẫn tâm hồn. Để rồi biến mình, biến cuộc sống của mình ra thế này đây:
Ngẩn ngơ chi thì thầm lời của gió
Thương nhớ gì lộc cộc tiếng ngõ khuya
Thì kệ nắng quái trưa
Thì mặc mưa mút mùa
Thì thả nụ yêu quá thì chìm nổi
Để rồi tong tẩy cuộc người
Để rồi xéo xắt miệng đời
Để rồi nụ cười bảy chìm ba trôi chín rối...
Khờ hỡi
Biết rồi
Sao nặng lòng vít vương tơ rối…
Về thôi
Biết tình đã mất, biết người đã phụ bạc, biết mình đã te tua mà vẫn còn "nặng lòng vít vương tơ rối" thì gọi là KHỜ chứ còn gọi là gì?
Mà sao cái tính cách "Khờ" mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến vẽ bằng những biện pháp tu từ đặc biệt và những tiếng gọi "Khờ hỡi" - "Về thôi" lại làm tôi (người làm mẹ) nao lòng, lo sợ đến vậy!
Phải chăng cái thời buổi ngày nay, nhân tình thế thái đã quá tụt dốc. Giềng mối gia đình đã quá lỏng lẻo...đã đẩy những con người, dù họ có là bác sĩ, luật sư, là ông này bà nọ,... mà quá nặng lòng với TÌNH, khi mất tình thì họ sẽ thành kẻ khờ? Liệu ai biết được một mai có ai cạnh mình, hay chính con mình có trở thành kẻ khờ không cơ chứ?
"Khờ hỡi - Về thôi" là tiếng gọi diết da, là sự nhắc nhở chúng ta cố sao tôn trọng tình yêu, giữ cho trọn tình, trọn nghĩa tào khang, đừng làm cho xã hội có nhiều KHỜ nữa.
Phải chăng tác giả cũng đang gọi chính mình???
Bài thơ VIẾT CHO KHỜ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến hay quá! Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc
*.
Germary, 09 tháng 10-2020
TRẦN THỊ HỒNG CHÂU
Địa chỉ: Meissner Str 316a, 01445 Radebeul,
Garmany (Cộng hòa Liên bang Đức).
Email: hongt4368@gmai.com
Điện thoại: 004915256432988
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét