Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Phần kết của bài thơ

 


Phần kết của bài thơ

                            

                                            PGS.TS Vũ Nho

Phần kết của bài thơ là một phần rất quan trọng trong bài. Nhà thơ bao giờ cũng chọn lọc, gia công rất nhiều để sao cho phần kết của bài thơ vừa có sức khái quát, nêu bật tư tưởng chủ đề, vừa tạo dư ba trong lòng người đọc. Kết của bài thơ vừa gói ghém lại cái tứ của bài, nhưng đồng thời lại cũng mở ra nhưng suy nghĩ, liên tưởng mới. Phần kết của bài thơ, nếu là thơ tứ tuyệt luật Đường thì đó là câu thơ thứ 4, nếu là thơ thất ngôn bát cú luật đường thì là hai câu 7 và 8 theo mô hình khai, thừa, chuyển, hợp hoặc đề, thực, luận,  kết.

Đối với thơ tự do, kết của bài có thể là một câu, có thể là hai câu, cũng có thể là cả một khổ thơ 4 câu,…Kết của bài thơ có thể gói lại, có thể mở ra, mà cũng có thể bỏ lửng …Kết  thúc hay của bài thơ  chính là cái kết có dư ba; cái kết dừng lời nhưng ý vẫn có thể mở rộng, phát triển theo hướng liên tưởng và tưởng tượng. Các cụ gọi  tên “ ý tại ngôn ngoại” ( ý ở ngoài lời) chính là trường hợp này.

          Dù là kết theo kiểu nào thì kết thúc của bài thơ thường là sự cô đọng vận động  của cảm xúc, kết tụ lại thần thái của tứ thơ, nâng cao tầm vóc của bài thơ. Kết của bài thơ thường được  các nhà thơ để tâm trăn trở. Nhà thơ xô viết V.Maiacovxki từng viết:

“ Kết thúc là một trong những yếu tố hệ trọng của bài thơ, nhất là bài thơ có khuynh hướng, có tính khoa trương rõ rệt. Những câu thơ đạt nhất của bài thơ thường được đặt ở phần kết thúc này. Đôi khi phải làm lại toàn bộ bài thơ để biện bạch cho việc đặt câu kết thúc” ( Dẫn theo Hà Minh Đức – Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, nxb KHXH,1974, tr. 447).

          Có những bài thơ ngắn, câu kết của bài nhiều khi là cảnh cú ( câu rất hay) trong bài thơ. Ví dụ bài thơ Sông Lấp của Trần Tế Xương. Câu cuối là câu kết, cũng là cảnh cú trong bài. Chúng ta hãy xem tác giả Nguyễn Hưng Quốc bình giải:

“Thử đọc mấy câu thơ sau đây của Tú Xương:

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai...

Chỉ là ba câu tả cảnh không có gì đặc sắc. Cơ hồ ai làm cũng được. Thế nhưng đến câu cuối:

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

thì mọi sự đổi khác hẳn. Cánh đồng dường như biến mất. Nhà cửa và ngô khoai cũng dường như biến mất. Còn lại buồn tênh những tiếng ếch kêu. Rồi ngay cả tiếng ếch kêu cũng biến mất. Còn lại, chỉ còn lại ngân nga man mác trong tâm hồn nhà thơ những tiếng gọi đò năm xưa. Không gian im của bức tranh tĩnh vật bỗng lồng lộng vang lên khắc khoải những tiếng gọi đò. Chao ôi, tiếng gọi đò. Tiếng gọi đò vang vang trong đêm khuya. Tiếng gọi đò vang vang lạnh buốt một vùng Nam Định đang trở mình thay đổi. Thời gian sững lại, xoá nhoà qua khứ, xoá nhoà hiện tại. Nhà thơ, với câu cuối, vừa làm một phép mầu: con sông lấp kia lại trở thành con sông lao xao nước chảy như trước. Cái ảo ảnh trở thành có thật. Có thật như nỗi nhớ không nguôi giữa lòng người”. ( Cảm xúc và ý thơ –  tạp chí Tiền vệ).

Cũng là thơ  bốn câu, nhưng bài tứ tuyệt luật Đường của Hồ Chí Minh được viết như sau :

                             Vọng nguyệt

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa số

Trăng nhòm ke cửa ngắm nhà thơ

Như vậy bài thơ này không phải chỉ có một câu kết, mà cả hai câu 3 và 4 mới làm thành kết của bài thơ. Hai câu đầu nói về cái hoàn cảnh  ngắm trăng bất bình thường và tâm trạng bối rối của nhà thơ trước cảnh trăng đẹp. Câu ba và bốn nói cái tình thân mật, gần gũi của người trong tù và vầng trăng. Ở đây, trăng với người như đã rút ngắn khoảng cách không gian, đã xóa bỏ khái niệm tù ngục để chỉ còn người, để chỉ còn thi gia, nhìn trăng và trăng nhìn người qua chấn song.

                                                                             Vũ Nho
 

 

Kết của bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương) không phải một câu mà là cả một khổ thơ.

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm bông hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Đáng chú ý về mặt nghệ thuật trong khổ thơ này là ba lần từ “Muốn làm” được lặp lại liên tiếp bày tỏ  tình cảm thành kính của tác giả với Bác. Hơn thế nữa, những câu thơ đều viết ở dạng không có chủ ngữ, không nêu ai về, ai thương, ai muốn. Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả vì rằng thương trào nước mắt, muốn ở bên lăng Bác là tâm nguyện, là mong ước của tất cả những ai đến viếng lăng, những người đã thành kính “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Khổ thơ kết đã thể hiện tình cảm của một người con miền Nam, của tất cả mọi người đối với lãnh tụ.

Kết của bài  “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là hình ảnh trái tim người chiến sĩ lái xe tương phản, đối lập với hư hại, mất mát:

Không có kính rồi không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Khổ thơ cuối đã gói lại  cái tứ “không kính” và mở ra thêm những cái không khác : không đèn, không mui. Có thêm một thứ nhưng đó lại là “ thùng xe có xước”, nghĩa là thêm sự hư hại. Cả không lẫn đều là tổn thất, mất mát, ảnh hưởng đến khả năng lăn bánh của xe. Thế mà:

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Có trái tim, chiếc xe thành cơ thể sống. Nói phương tiện thành ra nói về người làm chủ phương tiện. Thật là độc đáo và thông minh. Kiểu kết thúc vừa gói lại vừa mở ra đã tăng thêm ý nghĩa của chủ đề.

Bài Tây tiến của Quang Dũng có khổ kết thúc khá đặc biệt.

Tây Tiến người đi không hẹn ước

 Đường lên thăm thẳm một chia phôi

 Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

 Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

Sách giáo khoa và sách  giáo viên hầu như không hướng dẫn tìm hiểu khổ thơ kết thúc này. Hẹn ước điều gì? Tại sao lại là chia phôi? Vì sao mùa xuân ấy ai lên Tây Tiến thì Hồn về Sầm nứa, chẳng về xuôi?

Hình ảnh chiến sĩ Tây Tiến trong khổ thơ cuối  này gần hơn với hình ảnh  li khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm:

          Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Họ cũng gần gũi với người anh em trong Đồng chí :

          Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Quyết tâm của họ ra đi là chỉ có hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có chiến thắng, chỉ đến đích là tiến về phía Tây, đến Sầm Nứa của nước bạn Lào, chứ không  thể quay về xuôi, không rút lui về lại nơi xuất phát. Đó là ý nghĩa của khổ thơ kết.

Kết  bài thơ  lục bát Cái đêm ấy thế mà mưa của Đoàn Thị Ký là một câu thơ sáu ( câu lục).

    Câu thơ gói hạt mưa rơi

    Chúng mình vừa mở : có thời xa xưa

    Cái đêm ấy thế mà mưa…

Câu thơ kết vận lại, nhắc lại, kết lại tiêu đề của bài. Lục bát kết thúc bằng câu sáu. Cái đêm hôm ấy... gợi nhớ cái đêm hôm ấy đêm nào... rất trữ tình và rất mơ màng của ca dao. Câu thơ ngắn như là bỏ lửng, tạo ra cảm giác không hết, không khép lại, cứ mãi bâng khuâng. Để cho dư âm về một đêm mưa cứ ngân nga mãi trong hoài niệm cứ thảng thốt như là giấc mơ.

Kết  bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy cũng là một dụng công của tác giả:

    Trăng cứ tròn vành vạnh

    kể chi người vô tình

    ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Đáng lưu ý là bài thơ có yếu tố tự sự này không có từ ngữ xưng hô. Tất cả các câu thơ trong bài đều không có chủ ngữ, chủ thể của hành động. Có thể  đặt câu hỏi : Ai hồi nhỏ sống với rừng? Ai ngỡ không bao giờ quên? Ai quen ánh điện cửa gương? Ai vội bật tung cửa sổ? Ai ngửa mặt lên nhìn mặt? Không rõ là ai cả!

Đó là nhân vật trữ tình kể chuyện. Nhưng không xác định được chủ thể của các hoạt động. Đến khổ thơ cuối ( khổ kết) tác giả mới viết:

Đủ cho ta giật mình.

Ta là ai? Là nhân vật trữ tình, ta là tôi, ta là những người cùng với tôi, ta là những người giống tôi, là chị là anh, là các bạn, là mọi người,… Ta là tất cả những ai sớm quên vừng trăng tình nghĩa,… Đến đây ta mới hiểu vì sao mà các khổ thơ trên  không có chủ ngữ, không có chủ thể hành động,…

Một điều quan trọng khác là trong các khổ thơ trên, Nguyễn Duy đã nhiều lần dùng từ « vầng trăng » : Vầng trăng thành tri kỉ/ cái vầng trăng tình nghĩa/ vầng trăng đi qua ngõ/đột ngột vầng trăng tròn. Chỉ đến khổ thơ cuối cùng, tác giả mới viết : ánh trăng im phăng phắc.

Vì sao chỉ một lần dùng ánh trăng, mà nhan đề của bài thơ lại là ánh trăng chứ không phải vầng trăng hay một nhan đề nào khác ? Phải chăng, ánh trăng còn là biểu tượng của sự bao dung, biểu tượng của ánh sáng nên khi soi vào chỗ tối của tâm hồn, ánh sáng ấy đã khiến người ta phải giật mình vì nhìn thấy rõ mình. Giật mình vì những sự đổi thay quá nhanh chóng của mình, giật mình vì trăng thật là cao thượng, thủy chung, không trách cứ, không phẩm bình : trăng cứ tròn vành vạnh/kể chi người vô tình.

Bốn lần viết vầng trăng, nhưng kết bài lại là ánh trăng  và tên bài thơ cũng là ánh trăng  vì lí do như thế.

Có thể nói là có bao nhiêu bài thơ, thì có bấy nhiêu kiểu, bấy nhiêu cách kết thúc. Kết thúc là một dấu hiệu chấm dứt xúc cảm, chấm dứt ngôn từ muốn giãi bày. Nhưng kết thúc không có nghĩa là chấm hết. Một kết thúc  hay là kết thúc có dư ba là kết thúc  có hậu, kết thúc mở, gợi ra những liên tưởng, những suy nghĩ nhiều khi đến vô cùng.

Tuy nhiên, nếu xét trên một số dấu hiệu đặc trưng, có thể thấy một số kiểu kết thúc phổ biến sau đây:

Kết thúc bất ngờ, đột ngột

Đây là kiểu kết thúc tạo cho người đọc ấn tượng bất ngờ bởi không như dự đoán của họ. Mạch cảm xúc đang theo một hướng bỗng đột ngột chuyển sang hướng khác. Sự bất ngờ gây ra niềm thích thú.

Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình đã kết thúc như thế. Nhà thơ đang cuồn cuộn dâng lên nỗi sầu thảm, đang giận vì duyên để mõm mòm bỗng tuyên bố chắc nịch về sự bất tuân số phận, không chịu đầu hàng hoàn cảnh:

Tài tử văn nhân ai đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom!

Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh là theo kiểu kết thúc này.

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử đảng

Cuộc đời Cách mạng thật là sang

Bài thơ kể chuyện sống và làm việc của người chiến sĩ cách mạng. trong hang, ăn thì cháo bẹ rau măng, bàn làm việc là phiến đá chông chênh. Cứ theo cái mạch kể này bài thơ sẽ có thể kết thúc bằng câu thơ khái quát : Cuộc đời cách mạng thật gian nan!Nhưng Bác đã kết thúc bằng việc đánh giá thật là sang. Vừa có yếu tố hài hước, nhưng cũng vừa thể hiện tinh thần lạc quan mà cũng rất hiện thực. Bởi vì nếu so với cuộc sống bình thường thì quả là gian khổ; nhưng nếu so với các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm, tra tấn ”... Gươm kề tận cổ, súng kề tai,... thân sống chỉ coi còn một nửa” ( Tố Hữu- Trăng trối) thì cuộc sống như thế quả là SANG! Bất ngờ nhưng hợp lí và thú vị là vì thế.

Bài thơ Cảnh khuya cũng là bài được kết thúc với sự bất ngờ.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Ba câu thơ đầu tả cảnh khuya đẹp như vẽ với tiếng suối trong như tiếng hát, với trăng lồng cổ thụ, bóng cây lồng hoa trên mặt đất hay tạo ra những mảng sáng như hoa lung linh. Tất cả đẹp như cảnh thần tiên. Ai cũng nghĩ nhà nghệ sĩ Hồ Chí Minh sẵn hồn thơ thiên nhiên lai láng thì tất nhiên không thể ngủ. Nhưng câu kết mở ra một hướng khác hoàn toàn với suy luận thông thường : Chưa ngủ không phải vì cảnh khuya như vẽ, mà chưa ngủ  vì lo nỗi nước nhà!

Lo nỗi nước nhà mà chưa ngủ, chưa ngủ nên phát hiện ra cảnh khuya như vẽ. Chưa ngủ trước cảnh khuya như vẽ. Nhưng chưa ngủ vì còn một lí do quan trọng hơn ấy là lo nỗi nước nhà. Hiểu như thế nào thì vẫn thấy hai khía cạnh tâm hồn của nhà thơ và người chiến sĩ yêu nước không hề loại trừ mà bổ sung, kết hợp với nhau thật hài hòa.

          Kết thúc bất ngờ, đột ngột  là kết thúc của bài thơ Cuộc chia li màu đỏ. Nguyễn Mỹ đã coi đó là cuộc chia li ”chói ngời sắc đỏ”, nhưng cuối bài, tác giả khẳng định màu đỏ ấy theo người chiến sĩ suốt cuộc chiến tranh:

          Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

          Như không hề có cuộc chia li...

 

Kết thúc hứa hẹn tương lai

Đây là kiểu kết thúc thể hiện một gửi gắm, một hứa hẹn. Tương lai bao giờ cũng được vẽ ra hứa hẹn vui hơn, tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn hiện tại.

Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc đã dùng kiểu kết thúc này. Sau những lời đối đáp thể hiện tình cảm lưu luyến giữa người đi và người ở, giữa những người kháng chiến và Việt Bắc, tác giả kết thúc với hứa hẹn:

Cầm tay nhau hát vui chung

Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô

Vương Trọng cũng dùng kiểu kết thúc này khi viết về  một lần viếng mộ Nguyễn Du:

Bao giờ cây súng rời vai

Nung vôi chở đá tượng đài xây nên

Nguyễn Duy trong bài thơ Tre Việt Nam cũng hứa hẹn về sự trường tồn, bất tử của tre trên đất nước  mình:

Mai sau,

Mai sau,

Mai sau,...

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

 Chúng ta có thể tìm thấy kiểu kết thúc hứa hẹn tương lai, hứa hẹn ngày mai trong các bài thơ như Chúc năm mới ( 1947) của Hồ Chí Minh, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Thăm lúa của Trần Hữu Thung, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, Núi đôi của Vũ Cao,…

Kết thúc bằng câu hỏi

Kết thúc bằng một câu hỏi là kiểu kết thúc người viết tự hỏi chính mình, hỏi khách thể trong thơ, hoặc hỏi người đọc. Đặt ra một câu hỏi chính là một cách để găm vào trí nhớ người đọc, một cách để đẩy cao cảm xúc trong bài. Tất nhiên có câu hỏi là câu hỏi tu từ, hỏi mà không cần trả lời ; hoặc hỏi đấy mà câu trả lời đã nằm ngay trong câu hỏi ; hoặc là hỏi để lại những suy nghĩ cho người đọc để họ thấy rằng mỗi người sẽ có riêng một câu trả lời. Cách kết thúc bài thơ bằng câu hỏi chúng ta sẽ gặp phổ biến trong các bài ca dao, nhất là ca dao tình yêu đôi lứa. Có khi là một câu hỏi bâng khuâng  mà cả bên  nam cũng như bên nữ đều có thể thấy bóng dáng mình trong tâm trạng ngẩn ngơ vì nỗi nhớ:

          Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ

          Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai ?

Phần lớn những bài ca dao kết thúc bằng câu hỏi chỉ là một cách đặt vấn đề, một cách để đối tượng chú ý, suy nghĩ mà chưa thể, chưa cần có câu trả lời ngay vì tính chất khó của câu hỏi :

-         Em thương ai nấp bụi nấp bờ

Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi ?

Thuyền anh đợi bến lâu rồi

Sao em chưa xuống mà ngồi thuyền anh ?

-         Gặp đây anh nắm cổ tay

Anh hỏi câu này : có lấy anh không ?

 Cũng có khi câu hỏi nêu ra, nhưng nội dung lại không hỏi, mà như một lời giãi bày, một lời trách móc hoặc than tiếc :

Vì đâu duyên phận lỡ làng

Để cho cành bạc lá vàng xa nhau ?

Cũng có khi hỏi mà lại như là khẳng định,  vì sự thật thì đã thấy rõ rồi, nhưng nguyên nhân thì chưa, nên câu hỏi nguyên nhân lại hàm ý khẳng định nguyên nhân :

Gặp em anh hỏi câu này

Ngày xưa em trắng sao rày em đen?

Hay em lấy phải chồng hèn

Tham công tiếc việc nên đen thế này?

Hỏi để khẳng định cũng là cách mà Hồ Xuân Hương  tuyên bố khi thăm đền Sầm Nghi Đống và đề thơ.

Ví đây đổi phận làm trai được

Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?

           Đề đền Sầm Nghi Đống

          Trong thơ hiện đại, kiểu kết thúc bằng câu hỏi cũng hàm chứa nhiều ngụ ý khác nhau. Phần kết của bài Tình sông núi của Trần Mai Ninh tuy đặt ra các câu hỏi, nhưng chính là để khẳng định : - Không có mối tình nào hơn thế!

          Có mối tình nào hơn thế nữa?

          Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền

          Có mối tình nào hơn thế nữa?

          Trộn hòa lao động với giang sơn

          Có mố tình nào hơn

          Tổ quốc?

Kết thúc  bằng câu hỏi  trong Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông lại biểu hiền một niềm chờ đợi, một điều mong mỏi về chiến thắng để người chiến sĩ quay về:

          Anh đi chín đợi , mười chờ

Tin thường thắng trận , bao giờ về anh?

Kết thúc bằng câu hỏi trong Bếp lửa của Bằng Việt cũng là một kiểu kết thúc gói lại, nhưng nâng lên khẳng định tấm lòng của cháu đối với bếp lửa của bà, cái bếp lửa “ kì lạ và thiêng liêng”:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vuyi trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

         

 

Kết thúc gói lại

Phần lớn các bài thơ thường theo kiểu kết thúc này, nhất là các bài thơ có yếu tố tự sự. Mạch cảm xúc được triển khai, phát triển, tỏa ra nhiều hướng cuối cùng thường được gói lại, tóm lại, rút lại, hoặc cô đọng lại, khái quát lại bằng một hai câu thơ, bằng một khổ thơ hay đoạn thơ. Kiểu kết thúc này khắc sâu vào trí nhớ và tạo ấn tượng sâu cho người đọc.

Bài Nhớ của Hồng Nguyên  nói về nỗi nhớ của những người chiến sĩ « mang cuộc đời lưu động/ Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng ». Có nhiều nỗi nhớ được nhắc đến, nhưng nhớ nhất là tình quân dân. Bởi thế mà kết thúc bài thơ là câu nói của dân chúng,  gói lại nỗi nhớ, đồng thời cũng là hứa hẹn, ước mơ về tương lai, ngày độc lập :

Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni

Dân chúng cầm tay lắc lắc

Độc lập nhớ rẽ viền chơi với chắc !

Trong bài Quê hương của Giang Nam, nhà thơ cũng sử dụng kiểu kết thúc gói lại, nâng lên về tình yêu quê hương gắn liền với  kỉ niệm những năm tháng tuổi thơ và sự trưởng thành, mất mát của nhân vật trữ tình trong hiện tại :

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi

Kết thúc bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà, nhà thơ Quang Huy cũng gói lại cảm xúc về tiếng đàn như ngọn gió, như tia mắt, như tiếng hát, như ngọn sóng, như khúc dân vũ,… khẳng định nó mãi ngân rung ở Việt Nam như biểu tượng của nước Nga anh em :

          Nhưng vĩnh viễn sẽ còn ở Việt Nam

          Tiếng đàn. Ấy là biểu tượng

          Cho tâm hồn nước Nga

          Như đêm nay

Rung một khoảng sông Đà…

Các bài thơ Đêm sao sáng của Nguyễn Bính,  Xóm đê của Phan Thị Thanh Nhàn, Gửi lòng con đến cùng cha của Thu Bồn, Gửi em – cô thanh niên xung phong của Phạm Tiến Duật, Gửi miền Bắc của Lê Anh Xuân, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu,… đều  sử dụng kiểu kết thúc đóng, kết thúc gói lại.

 

Kết thúc mở ra

Kết thúc mở là kết thúc thường thấy ở trong thơ hiện đại. Nhà thơ tôn trọng người đọc nên không muốn gói lại, không muốn định hướng mà thường viết những câu thơ mở ra những hình ảnh, những nỗi niềm, những suy tư để người đọc tiếp tục dòng cảm xúc, tiếp mạch suy nghĩ hay liên tưởng, tưởng tượng. Kết thúc mở thường là đối lập, tương phản với kết thúc đóng, kết thúc gói lại và gần gũi , láng giềng với kết thúc bỏ lửng…

          Bài thơ Tiếng gọi bò của Văn Lê là bài thơ sử dụng lối kết thúc này. Tiếng gọi bò của mẹ già và em thơ bị tiếng pháo giặc nuốt đi, rồi lại vẳng lên nôn nao khắc khoải. Tiếng gọi bò không có tiếng đáp của bò kêu, chỉ có tiếng gọi của mẹ đáp lại tiếng gọi của mẹ, tiếng gọi của mẹ đáp lại tiếng gọi của em thơ. Chính điều đó đã làm cho người chiến sĩ trăn trở :

          Tiếng gọi bò ở hai đầu đêm nay

          Cứ vần súng và ta trằn trọc…

Bài thơ dừng ở đó, nhưng chúng ta biết được người chiến sĩ và khẩu súng trằn trọc không ngủ được. Ngày mai khi xung trận giáp mặt kẻ thù, tiếng gọi bò ấy là tiếng gọi  hành động, tiếng gọi tiến công,…

          Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng sử dụng lối kết thúc này trong bài thơ Trăng lên. Sau khi gợi những kỉ niệm thân thiết giữa trăng với Bác, gữa vầng trăng kháng chiến và vầng trăng  xứ sở trong thơ Bác, nhà thơ kết thúc bài thơ bằng việc mời vầng trăng yêu dấu vào lăng với Bác Hồ. Chắc chắn là sẽ có một cảnh tượng kì diệu khi vầng trăng từng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ, trăng từng ngân đầy thuyền Bác, vào lăng của Bác, sau lời mời trân trọng ấy :

          Là người con hiếu thảo

được gác với đêm rằm

mời vầng trăng yêu dấu

bước lên thềm, vào Lăng…

Chế Lan Viên trong bài thơ Người đi tìm hình của nước cũng kết thúc bài thơ bằng hình ảnh bác Hồ tìm thấy và mang luận cương của Lê nin về quê Việt. Như vậy là  hình đất nước đã bắt đầu phôi thai, để đến ngày 2 tháng 9 năm 1945  khai sinh trở thành nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa :

          Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt

          Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi

          Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất

          Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

Kết thúc mở ra là  kiểu kết thúc bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh,…

 

Kết thúc bỏ lửng

Kết thúc bỏ lửng là kiểu kết thúc kín đáo của tác giả. Người làm thơ tin rằng những cảm xúc mãnh liệt đã đủ thấm vào người đọc, vì thế, không cần phải hứa hẹn hay gói lại hoặc mở ra. Tác giả dừng lại ở một chi tiết, một khoảnh khắc, một hình ảnh. Người đọc có thể tự do suy tưởng và tưởng tượng theo mạch cảm xúc của riêng mình. Bài thơ Kể chuyện Vũ lăng của Anh Thơ sử dụng kiểu kết thúc này. Nhà thơ để cho nhân vật « người đàn bà ấy áo xanh » kể chuyện của mình và chuyện làng. Khi câu chuyện đã kết thúc nhà thơ viết :

    Chuyện tàn người vẫn ngồi chong

    Sè sè guồng sợi ánh hồng vạc than

Hình ảnh người đàn bà ở Vũ Lăng ngồi thao thức bên guồng sợi vẫn quay đều và than đang vạc trong khung cảnh « núi rừng im ngủ giấc mơ lạnh lùng » gợi những xúc động riêng ở mỗi người đọc.

Bài thơ Nhớ mưa quê hương của Ca Lê Hiến cũng dùng kết thúc bỏ lửng. Sau khi diễn tả nỗi nhớ, tác giả nói nỗi khát vọng cháy bỏng của mình và kết thúc bằng tiếng sấm gợi nhớ mưa, nhớ  quê hương :

    Ta muốn về quê nội

    Ta muốn trở lại tuổi thơ

    Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha

    Nghe mưa đập cành tre, mưa rơi tàu lá…

 

    Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã…

Bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa có thể coi là đã sử dụng kết thúc này. Tất cả các sinh vật được miểu tả hoạt động trong cơn mưa từ khi bắt đầu có gió, có hạt rơi lộp bộp cho đến khi « Đất trời/ Mù trắng nước ». Bài thơ kết bằng hình ảnh người nông dân đi cày về trong mưa như một vị thần :

    Bố em đi cày về

    Đội sấm

    Đội chớp

    Đội cả trời mưa.

Một kết thúc bỏ lửng nhưng có chủ ý tạo hiệu quả nghệ thuật.

Trong bài thơ Anh bộ đội và tiếng nhạc la, Hoàng Nhuận Cầm kết thúc bài thơ bằng hình ảnh bầy la cần mẫn đi ra trận, tạo ấn tượng mạnh về  người chiến sĩ và đàn la chở đạn dược vẫn đang hành quân âm thầm trong những con đường hoang dại trong rừng. Không một lời ca ngợi hay thán phục, điều đó để bạn đọc tự cảm nhận :

    Những con đường xa, con đường xanh

    Sáng lên viên đạn vàng căm giận

    Cần mẫn bầy la đi ra trận

    Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng…

 

Bài thơ Em gái Trường Sơn của Nguyễn Đình Thi cũng sử dụng kết thúc bỏ lửng với hình ảnh cô gái vai áo bạc quàng súng trường :

    Em đứng vẫy cười, đôi mắt trong

Bài thơ Tự khúc của Lưu Thị Bạch Liễu cũng kết thúc bằng hình ảnh con đường dằng dặc được ngắm nhìn bằng đôi mắt khép :

    em ngắm nhìn anh bằng đôi mắt khép

    thấy phía trước dằng dặc một con đường

Kết thúc bỏ lửng có thể tìm thấy trong bài thơ Có một ngày của Nguyễn Khoa Điềm,  Từ lúc ấy của Thu Nguyệt, Nhưng quả thực của Nguyễn Hoàng Sơn, Cái đêm ấy thế mà mưa của Đoàn Thị Ký,…

 

Nhìn chung, mỗi kiểu kết thúc phù hợp với cách triển khai cảm xúc của bài thơ. Chọn kiểu kết thúc nào, ấy là sự tinh tế và bản lĩnh của nhà thơ. Chọn kiểu kết thúc phù hợp sẽ nâng giá trị của bài thơ lên và khắc sâu vào tâm khảm người đọc. Chọn kiểu kết thúc đúng sẽ làm cho bài thơ có nhiều khả năng neo vào trái tim người đọc.

 

Dù là thơ luật hay thơ tự do; dù là thơ ca dân gian hay thơ hiện đại; dù là thơ trong nước hay thơ nước ngoài, phần kết thúc của bài bao giờ cũng là phần quan trọng, nhất thiết phải tập trung khai thác để làm  nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ.

              Trích trong  chuyên luận Thơ và dạy học thơ , Đại học Thái Nguyên xuất bản, 2012.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét