Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Steve Nguyen, Lê Nghị và Vũ Nho trao đổi tiếp

  


Ý kiến của Steve Nguyen hay Nguyen Lac

  1. Kính nhà giáo Vũ Nho,
    Ông thầy giáo Vũ Nho là người mà tôi thường nói với các bạn tôi là "nghiêng"- xin nói rõ là nghiêng thôi- theo các "Tín đồ Thanh Tâm Tài Nhân Chủ Nghĩa", nhóm tin theo Đổng Văn Thành China- ĐVT là người luôn cho cụ Nguyễn Du" đạo văn", "bê nguyên xi" tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - rồi "dịch" ra văn vần Đoạn Trường Tân Thanh/ Kiều.
    -Vài hàng về "người ma" Thanh Tâm Tài Nhân:
    Thanh Tâm Tài Nhân là người mà Chinese tìm "mù cả mắt", cả Lổ Tấn nữa cũng không biết nhân thân: - Vào năm 1925 Lỗ Tấn đã dày công lục sạo hết các thư viện tại Bắc Kinh và Thượng Hải trong suốt thời gian 5,7 năm khi ông dạy Đại học Văn khoa, tại hai nơi đó đều không tìm được lấy một dòng về cụm từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
    .
    Kính xin thầy giáo Vũ Nho trả lời giùm câu hỏi này:
    1. Các ông như TS Đoàn Lê Giang và các ngài TS GS Việt Nam khen cụ Nguyễn Du nào là đại thi hào, văn chương tuyệt vời, sáng tạo v. v... nhưng bên trong vẫn khăng khăng cho cụ Nguyễn "dịch' từ tiểu thuyết Tàu ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh, vậy có phải là sáo rỗng không? Không sợ người nước ngoài cười cho thúi đầu sao? Các ông trả lời ra sao khi người Tây phương, nhất là người Tàu họ mỉa: "Cái gì tài? Ông Nguyễn Du "đạo văn" người mà tài gì? Đúng là nhảm nhí".
    Các ngài hãy trả lời đi.
    2. Vì sao phải đến sau năm 1960, sau khi một giáo sư văn chương Trung Hoa đến Việt Nam "chỉnh lý" thư viện VN, khi ông về nước Kim Vân Kiều truyện và Thanh Tâm Tài Nhân mới đột ngột xuất hiện ở Trung Hoa? Ở Việt Nam thời Minh Mạng và sau là Tự Đức đã có Kim Vân Kiều Tryện của Thanh Tâm Tài Tử rồi- Có bản lưu trong thư viện quốc gia sách Kim Vân Kiều Truyện- Thanh Tâm Tài Tử, viết tay, in năm 1876 ( Abel De Michelle). Sách Kim Vân Kiều truyện viết bằng tiếng Hán của Thanh Tâm Tài Tử lưu tại Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội trước 1910. ( cuốn ký hiệu A953 gồm 4 quyển viết tay, Maspero). Sách A953 được dịch ra quốc ngữ tại Hà Nội năm 1925, tái bản 1928. được lưu trữ tại thư viện QG mã số A 953
    3- Thanh Tâm Tài Nhân đã để lại trên đời bao nhiêu tác phẩm? Xin quý ngài cho mọi người chiêm ngưỡng vài hình ảnh những tác phẩm có tên Thanh Tâm Tài Nhân là tác giả.
    4. Về câu "Ta vẫn không đảo ngược được sự thật là Nguyễn Du mượn cốt truyện Trung Quốc" - Vũ Nho
    Chúng tôi đâu có nói "Nguyễn Du không mượn truyện sử Trung Quốc"? 


    - Theo chúng tôi, nhóm Tình Tự Dân Tộc, cụ Nguyễn Du chỉ tham khảo truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài - chỉ 3 nhân vật thời Minh, Thúy Kiều - Từ Hải - Hồ Tôn Hiến- (truyện Dư Hoài chỉ khoảng 3-4 trang giấy); và nguồn tiếp cận tư liệu của Nguyễn Du khiến ông chấp bút viết Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều là HÝ KỊCH HỔ PHÁCH CHUỶ, THU HỔ KHÂU (mà cha con Tố Như– Hạo Như Nguyễn Tứ được xem vào thời gian đi sứ bên Tàu vào năm 1813-1814) Đại thi hào Nguyễn Du chỉ đựa vào các nguồn này rồi chèn thêm vào các nhân vật đệm, đã sáng tạo ra một áng văn chương bất hủ: Đoạn Trường Tân Thanh
    Chuyện mượn tích truyện cũng giống như Shakespeare :
    - William Shakespeare (1564-1616) là nhà viết kịch và nhà thơ bậc nhất của Vương quốc Anh (Kingdom of England), đã phỏng theo câu chuyện cổ Đan Mạch (Denmark), viết ra vỡ: "Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch" (Tragedy of Hamlet, Prince of Denmark), khoảng 1601 và được công diễn vào 1602. Dựa trên một cốt truyện có sẵn từng xảy ra ở Ý (Italy ) thời Trung Cổ viết ra vỡ: "Romeo và Juliet" vào khoảng 1594 – 1595, sao không ai bảo ông là "đạo văn"? mà còn xem ông là một trong những nhà viết kịch nổi tiếng nhất thế giới?
    - Thưa ông Vũ Nho, chuyện mượn tích truyện nước khác để sáng tạo khác rất xa với chuyện "đạo văn", lấy chuyện có sẵn của người rồi "dịch" lại thành truyện của mình.
    5- Sẵn đây xin nói thêm về "người ma" Thanh Tâm Tài Nhân:
    Các ngài cho là Thanh Tâm Tài Nhân có thật và viết ra KVK truyện ở thời Minh. Nếu vậy thì ông TTTN này sẽ bị "Tru di cửu tộc" vì dám viết truyện ca tụng giặc cướp chống lại triều đìng , dám cho chúng - giặc cướp Từ Hải - là anh hùng.
    Nên nhớ, Thi Nại Am sống đời Minh, viết truyện Thủy Hử đời Tống lâu 300-400 trăm năm mà còn vướng họa, sắp bị "tru di" bởi Minh Thái Tổ:
    - "Thủy Hử truyện” ra đời và nhanh chóng phổ biến ra ngoài. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đọc tác phẩm và vô cùng tức giận. Thấy Thi Nại Am viết sách ca ngợi phường “thảo khấu”, Minh Thái Tổ đã sai người bắt Thi Nại Am giam vào ngục, đồng thời phê rằng: “Đây là cuốn sách xúi giục dấy loạn của người có mưu đồ tạo phản, không trừ đi tất gây họa về sau"
    Dù cho ông TTTN này sống đầu thời Thanh, hãy nhớ vụ án Minh Sử
    - Vụ án Minh sử triều Thanh:
    Đây là Văn nạn (họa văn tự ) thứ hai nổi tiếng khủng khiếp ở triều đại Mãn Thanh: Do tên cẩu nhân Ngô Chi Vinh tố giác với Ngao Bá (đại thần triều Mãn Thanh) bộ Minh Thư tập lượt chỉ là biên niên sử nhà Minh, không có phê phán (do Trang Kiến Long và những văn nhân khác biên soạn); vậy mà những học giả văn sĩ tham dự vào việc biên soạn bộ Minh Thư tập lượt (Minh sử) và toàn gia họ Trang mấy chục người từ mười sáu tuổi trở lên đều bị xử trãm, còn đàn bà con gái thì phát lảng đến Thẩm Dương để cho bọn kỵ binh Mãn Châu dùng làm tôi mọi.
    Vì bộ Minh sử mà nhà tan cửa nát, người chết không biết bao nhiêu mà kể. Thảm hơn nữa là bọn thợ thuyền khắc chữ, thợ ấn loát, thợ đóng sách và những chủ tiệm sách, người bán cũng như người mua, cùng người đọc sách hể điều tra ra được là xử trãm hết (Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung)
    Các "Thiên triều" China vì muốn bảo vệ vương triều mình nên luôn luôn nghi ngờ ̀mọi người. Họ sẵn sàng tiêu diệt những ai dám phê bình họ, tiêu diệt những mầm họa từ "trứng nước" mà họ nghi ngờ cho ăn chắc. Các trào vua nổi tiếng trong vụ này là Minh thái tổ Chu Nguyên Chương và Minh thành tổ Chu Đệ và nhà ThanhỞ đó mà cùng nhau nói phéc, Tác giả TTTN viết KVKT thời Minh hoặc đầu Thanh.
    6. Về câu "Người ta không ai tin vào “tìm tòi” và “giải mã” của anh Lê Nghị. Có vị còn gọi anh là “kẻ cuồng ngôn” chắc anh đã biết" - Vũ Nho
    - Các ngài làm tôi nhớ lại vụ Coppernicus.
    Xin được nhắc lại vài hàng về Mikołaj Kopernik - theo tiếng Ba Lan, tiếng Anh: Nicolaus Copernicus (1437 - 1543) và "Hệ nhật tâm"
    Đương thời ông, người đời và Giáo hội Thiên chúa đều tin theo "Hệ địa tâm - Ptolemy": Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay quanh nó. Ông Kopernik đưa ra ý tưởng "không giống ai" "Hệ nhật tâm - Kopernik": Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời một vòng trên một năm, và quay quanh trục một vòng trên một ngày. Hiện thời hệ nào đúng thì các bạn đều biết.
    - Các ngài sao giống các ông quan tòa Dị Giáo quá, sẵn sàng "xử chết" những ai dám nói ngược lại những gĩ "Giáo hội" các ngài nói.
    Tôi nghĩ nhà nghiên cứu Lê nghị sẽ có thêm vài điều với các ngài, nhưng theo tôi, có xuyên qua được VÒNG KIM CÔ hay không chắc là điều không dễ dàng.
    Trân trọng
    Chúc thầy VN sức khỏe, an lành!
    Nguyên Lac


  2. Kính Bác Vũ Nho
    Chắc bác cũng biết rằng bài đăng trên báo Tuổi Trẻ là do hai phóng viên Thái Lộc và Sơn Lâm tổng hợp từ bài thuyết trình và phỏng vấn em( Lê Nghị). Kể cả khi thuyết trình, lẫn bài đăng của Phóng viên là nhằm tải những ý chính. Không phải là đọc lại một cuốn biên khảo học thuật, nên không chú giải nguồn làm nhức đầu thính giả và độc giả.
    Nhưng trách nhiệm của người nêu tóm tắt phải giải trình chi tiết và chịu trách nhiệm về những gì mình nói, khi được hỏi, có trong tư liệu đính kèm gửi đại biểu.Vì bác không có tư liệu nên bác thắc mắc là đương nhiên.
    Một biên khảo vài trăm trang giấy trong đó chỉ riêng phần Nguồn gốc Truyện Kiều: Từ Đoạn Trường Tân Thanh đến Kim Vân Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã trên 150 trang A4, chữ 12. Sách chưa ấn hành, tư liệu chỉ chuyển cho người yêu cầu. Buồn cười là nhiều người chưa đọc, chưa hỏi mà vội phán. Họ hiểu lầm giữa tranh luận và phê phán. Khi tranh luận thì có quyền thắc mắc để đối tác trả lời.
    Xin trả lời nhanh vài câu quan trọng nhất về các tác giả mà bác Vũ Nho hỏi nguồn :
    -Việc Hoàng Dật Cầu tặng lại bản sáp cho viện Hán Nôm năm 1959 bác xem:
    (Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, trang 8 và Charles Benoit : Diễn Biến câu chuyện Vương Thuý Kiều , trang 320.)
    -Về việc gian dối của Lý Trí Trung về di lục Vương Thuý Kiều, dẫn tới ông hiệu điểm cuốn Kim Vân Kiều truyện 1983, bác xem : (Trần Ích Nguyên, trang 63-64.)
    Về các học giả người Hoa nói Song Kỳ Mộng không phải là Kim Vân Kiều truyện:
    -Tề Như Sơn : tiểu thuyết tam thập bộ 1937.
    -Tôn Khải Đệ: Trung Quốc thông sử 1931, và Nhật bản Đông Kinh sở kiến tiểu thuyết thư mục 1957
    ( Trần Ích Nguyên, sách bác có, trang 256. Benoit trang 320)
    -Tả Đông: Quan Vu Vương Thuý Kiều cố sự nhất điểm bổ sung ( Charles Benoit , sđd trang 321)
    -Về Benoit bác xem khảo chứng Song Kỳ Mộng trang 321, sđd )
    Hi vọng khi đối chiếu sơ bộ các nguồn tư liệu mới này, bác sẽ thấy niềm tin vào lý thuyết cũ sẽ lung lay. Tất nhiên còn nhiều dữ liệu khác sẽ khiến nó sụp đổ.
    Nói thật bác, xử lý hàng trăm tư liệu, so sánh nhức đầu lắm, nhưng Em nói có sách, mách có chứng hết bác ạ. Chỗ nào em suy diễn thì em nói: theo tôi,...
    Nếu thấy cần thêm tư liệu, bác có thể liên hệ qua email: lilinghecr@gmail.com
    Chúc bác vui khỏe.


  3. Cám ơn anh Lê Nghị!
    Tôi chắc sẽ được bác LQN tặng tài liệu mà nhóm các anh soạn thảo. Tôi mới nhận thư trao đổi với bác LQN. Tôi thấy đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta cần thảo luận để đi đến chân lí chứ không nhằm mục đích THẮNG THUA!
    Tôi sẽ trao đổi với anh sau!
    Cám ơn anh!
    Vũ Nho

     

    1. Vài lời thưa lại anh Steve Nguyen hay Nguyen Lac
      Thưa anh Steve Nguyen tức Nguyen Lac!
      Xin trả lời vài câu hỏi anh đặt ra cho tôi sau phần bình luận.
      1. Anh Nguyenn Lac bảo chúng tôi khen Nguyên Du là Đại thi hào, sẽ trả lời sao khi người phương Tây, nhất là người Tàu họ mỉa : “Cái gì tài? Ông Nguyễn Du “đạo văn” người mà tài gì? Đúng là nhảm nhí”. “Thưa ông Vũ Nho, chuyện mượn tích truyện nước khác để sáng tạo khác rất xa với chuyện “đạo văn”, lấy chuyện có sẵn của người ta rồi “dịch” lại thành truyện của mình”
      Thưa anh, tôi chưa thấy một ông Tây nào dám liều mạng nói như vậy, chỉ có một anh Tàu là Đổng Văn Thành. Nhưng ông Thành là người hẹp hòi, tư tưởng so vanh! Mọi người và cả tôi nữa bác bỏ luận điểm sai trái đó. Tôi chỉ thấy anh Nguyen Lac, hùa theo những lời lẽ hàm hồ của Đổng Văn Thành phỉ báng Nguyễn Du! Ngay cả Đổng Văn Thành cũng không dám nói Nguyễn Du “đạo văn”, mà chỉ nói rằng Nguyễn Du dựa vào KVKT nhưng không lột tả hết được những nội dung sâu sắc của KVKT.
      Việc vay mượn tác phẩm nước ngoài để viết nên kiệt tác của mình mà điển hình là Sechxpia, không ai có ý kiến gì. Nguyễn Du dựa vào KVKT để viết nên kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” tức Truyện Kiều. Trước khi tôn vinh Truyện Kiều và Nguyễn Du, UNESCO coi chuyện mượn cốt truyện của Nguyễn Du cũng như Sechxpia, cũng như A.Puskin… là bình thường. Nay chỉ thấy anh Nguyen Lac mượn mồm Tây, mồm Tàu phỉ báng Nguyễn Du! Thật kinh khủng! Anh vô tình mà làm chuyện quá bất kính!

      Trả lờiXóa
    2. Nhưng tôi xin nói để anh rõ: Nguyễn Du đã mượn truyện KVK của Thanh Tâm Tài Nhân, song đã bỏ đi hơn 30 nhân vật, đã đưa 3 vấn đề rất lớn mà KVKT không có là vấn đề tiền bạc, vấn đề số phận phụ nữ, và vấn đề triết lí cuộc sống. Nguyễn Du đã làm khác 111 điều so với KVKT, 11 nhân vật cũng được làm đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Những điều khác biệt đó đã làm Truyện Kiều vượt xa KVKT. Tôi chỉ lấy một ví dụ để anh thấy sự khác biệt một trời một vực đó. Trong KVKT, đoạn báo ân báo oán viết: “sai tướng quân Hạ Báo lãnh 5000 quân kéo thẳng đến huyện Vô Tích để bắt Hoạn Thư và mẹ là Kế thị cùng gia nhân của họ Hoạn, họ Thúc, Bạc Bà, Bạc Hãnh và vãi Giác Duyên trong am Chiêu Ẩn. Tất cả can phạm cần phải bắt sống, không để cho một tên nào chạy thoát” (sách đã dẫn, trang 362). Tất cả mọi người đều bị bắt. Nguyễn Du đã dành riêng cho Thúc Sinh cùng mụ quản gia nhà họ Hoạn, vãi Giác Duyên một cách đối xử khác:
      Lại sai lệnh tiễn truyền qua
      Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên
      Mụ quản gia, vãi Giác Duyên
      Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.
      Rước mời đến báo ân là Nguyễn Du, còn đem quân bắt về cả mớ rồi lọc ra hai người để báo ân là cách làm của Thanh Tâm Tài Nhân!
      2. Anh hỏi “Vì sao phải đến sau năm 1960 , sau khi một giáo sư văn chương Trung Hoa đến Việt Nam “chỉnh lí” thư viện Việt Nam, khi ông về nước KVKT và Thanh Tâm Tài Nhân mới đột ngột xuất hiện ở Trung Hoa?”
      Tôi không biết ông giáo sư đó là ai. Nhưng tôi đọc sách của ông Trần Ích Nguyên (Bà Phạm Tú Châu dịch ra tiếng Việt), biết rằng KVKT và Thanh Tâm Tài Nhân có ở Trung Quốc từ cuối đời Minh. Ông Trần Ích Nguyên là học giả Đài Loan chứ không phải Trung Hoa. Ông ấy là nhà khoa học đứng đắn, công tâm, có cảm tình với Việt Nam

      Trả lờiXóa
    3. . Chính ông Trần Ích Nguyên đã sưu tầm bản kể dân gian của những người Việt nhớ Truyện Kiều của Nguyễn Du mang qua Ba Đảo, Quảng Tây. “Trang 101 sách của ông Trần Ích Nguyên cũng nhắc một giả định không phải năm 1813 là năm Nguyễn Du đi sứ, mang KVKT về , mà Nguyễn Du có KVKT để viết TK vào khoảng năm 1805-1807 khi Nguyễn Du làm Đông các đại học sĩ. Trần Ích Nguyên kết luận “Thời gian này cách năm ra đời của KVKT ở Trung Quốc thực ra đã hơn 150 năm”.
      Chính ông Trần Ích Nguyên khẳng định bản A953 ở Thư viện Hán Nôm ghi “Thanh Tâm Tài Tử biên thứ”. Một bản khác ghi “ Thanh Tâm tài Nhân biên thứ”. Và ông Nguyên chỉ ra bản VHv. 1396 thực chất là bản do nxb Nhân dân văn học Bắc Kinh in theo bản in Khiếu Hoa Hiên có ở thư viện Bắc Kinh, trang cuối có ghi “ Trọng thu năm Đinh Dậu (1957), Thái Bình Nguyễn Đức Ngột Thái Phong cẩn sao”.
      Cũng ông Trần ích Nguyên chỉ ra rằng KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân đã được đưa sang Nhật, được dịch ra tiếng Nhật sớm hơn 2 năm Nguyễn Du ra đời (1763 so với 1765 là năm sinh của Nguyễn Du). GS.TS Trần Đình Sử và PGS TS Đoàn Lê Giang đều được GS Nhật Bản tặng bản dịch này.
      - Anh có chứng cớ nào nói Thanh Tâm Tài Nhân là người Việt Nam?
      - Tôi dẫn cho anh một tài liệu của Hội Kiều học về đôi câu đối của người đồng thời với Nguyễn Du:
      Cụ Vũ Thì Mẫn 1795 – 1866, quê ở Hội Thống, Nghi Xuân, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826). Nguyễn Du sinh 1765, mất 1820. Câu đối đó nói về Truyện Kiều như sau:
      Bạc mệnh trầm nhân, giai tác do ư ngoại sự
      Kì tài diệu bút, Thanh Hiên viễn quá Thanh Tâm
      Mệnh bạc dìm người, tác phẩm hay nhờ truyện hay mới có
      Bút hoa tài lạ, ông Thanh Hiên vượt xa ông Thanh Tâm
      (Nguồn: Hội Kiều học Việt Nam, kỉ yếu nhiệm kì 2011- 2016, trang 169).
      Hai chi tiết quan trọng. Một là cụ Mẫn nói đến NGOẠI SỰ, tức là câu chuyện nước ngoài (chuyện Trung Hoa). Hai là nói tới tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Thanh Hiên (Nguyễn Du) vượt xa Thanh Tâm.
      Như thế để thấy rằng người cùng thời Nguyễn Du biết rõ Nguyễn Du mượn truyện nước ngoài của Thanh Tâm (Tài Nhân) và vượt xa ông ta.
      Thưa anh Nguyên Lạc!
      Tranh luận học thuật là để tìm ra chân lí. Đây không phải là chuyện thắng thua. Việc anh dùng ông, rồi ngài, quý ngài, rồi ví những người không tán thành anh Lê Nghị là “giống với quan tòa dị giáo” là một việc thiếu nhã nhặn và không xây dựng!
      Xin chúc anh sức khỏe, an lành!

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét