Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

“MÙA XUÂN KHÔNG CHỊU LÙI”

 


“MÙA XUÂN KHÔNG CHỊU LÙI”

Đọc Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật  chuyên khảo của Nguyễn Ngọc Thiện, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

                                       Vũ Nho

        Tôi muốn dùng  mấy chữ của nhà thơ  Chế Lan Viên để nói về cuốn sách riêng thứ 9 của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện.  Bởi vì vừa mới làm cuốn sách tuyển tập, một “cuốn sách để đời của một đời văn” hơn 800 trang khổ 16 x 24 năm 2018, những tưởng tác giả đã có thể nghỉ ngơi vì sự nghiệp trước tác coi như  hoàn thành. Bất ngờ, tác giả lại trình làng một cuốn khảo luận dày dặn và độc đáo  Đường lối văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật gần 400 trang. Vì sao coi cuốn sách này là độc đáo? Bởi vì theo hiểu biết của tôi, mới chỉ có 2 chuyên luận về đề tài đường lối văn nghệ của Đàng.   Một của Hà Xuân Trường và  một của Đinh Xuân Dũng chủ biên. Có 3 giáo trình về đề tài này do các tác giả Phan Khanh (chủ biên) 1996, GS.TS. Trần  Văn Bính  (chủ biên) 2005,  và TS Lê Thị Thu Hiền (chủ biên) 2018. Có 2 tài liệu tham khảo, một  do TS. Nguyễn Duy Bắc tuyển chọn, 2001 và  một do PGS.TS Nguyễn Đình Hãng chủ biên, 2006. Cuốn sách chúng ta đang nói đến là cuốn sách thứ   tám trong cả nước, và là cuốn chuyên luận thứ ba. Tác giả không chỉ trình bày đường lối văn nghệ của Đảng, mà có thêm phần Lí luận, thực tiễn Nghệ thuật để làm rõ thêm cho đường lối. Thêm nữa, kèm với các bài viết còn có 42 ảnh tư liệu, trong đó có nhiều bức quý hiếm về các vị lãnh tụ với  văn nghệ sĩ.  Đồng thời đây cũng là   cuốn sách đầu tiên “tập hợp lại một cách đầy đủ, hệ thống, sắp xếp theo trình tự thời gian xuất hiện với xuất xứ rõ ràng, rành mạch” (trang 17)  các tư liệu gốc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Cũng cần nói thêm là trong   tập khảo luận này, tác giả  cố gắng định các dấu mốc lịch sử của sự phát triển đường lối văn hóa,  văn nghệ; đồng thời, căn cứ vào yêu cầu phê bình và tự phê bình của Đảng,  mạnh dạn nêu lên các thiếu sót và hạn chế có tính lịch sử.

          Như nhan đề của chuyên khảo, cuốn sách được chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất gồm mở đầu, kết luận và  2 chương. Trong đó tác giả trình bày Tổng quan sự hình thành và phát triển của  đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) đến nay;  Những thành tựu và hạn chế; bài học kinh nghiệm trong thực thi đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Phần thứ hai gồm  17 tiểu luận và phê bình minh họa, làm rõ cho những vấn đề đường lối ở phần một.

             Có thể nói do có 39 năm chuyên  làm công tác nghiên cứu văn học ở Viện Văn học, 23 năm làm báo, trong đó có 15 năm làm Tổng biên tập tạp chí Diễn Đàn văn nghệ Việt Nam, và có thư viện gia đình hàng vạn đầu sách, cộng với việc đã in 8 chuyên luận riêng, chủ biên 37 tập sách liên quan đến văn học nghệ thuật, cho nên tác giả có  đủ  tư liệu  gốc quan trọng; có một cái  nhìn lịch sử vừa  bao quát vừa cụ thể, chú  ý những dấu mốc  nổi bật;  nên việc trình bày  cuốn khảo luận này  khoa học, hệ thống và thuyết phục.

             Đường lối văn nghệ của Đảng thể hiện trong các văn kiện, trong các cuốn sách, bài báo của các vị lãnh tụ về văn hóa, văn nghệ  là tư liệu gốc duy nhất. Nhưng tiếp thu, lí giải các văn kiện, tài liệu đó như thế nào phụ thuộc vào nhãn quan và trình độ học thuật của người nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, cũng như những người đi trước khẳng định đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta  xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển và nhất quán từ 1943 đến 1986, và từ 1986 đổi mới cho đến hiện nay.  Trên những chặng đường dài đó, tác giả  lại chia ra những  thời kì  nhỏ để khảo sát ( 1943 – 1945; 1946 – 1954;  1954 – 1975;  1975 -1986; 1986 – 2000;  từ 2000 đến nay). Điểm mới trong công trình này  là tác giả đã  nhấn mạnh dấu mốc lịch sử;  xác định  những thành tựu về lí luận và thực tiễn;  đúc kết những bài học kinh nghiệm đảm bảo thực thi hiệu quả đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; nêu lên những kiến nghị cụ thể. Lần đầu tiên thống kê, trình bày những hạn chế thiếu sót mang tính lịch sử  ( từ trang 123 đến trang 139). Trước khi nêu lên vấn đề nhạy cảm này, tác giả đã khẳng định : “Trong quá trình xây dựng và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ ngót 80 năm qua, Đảng Cộng Sản Việt Nam không hề mắc sai lầm, mà đã thu được những thành tựu to lớn, đáng kể thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên văn hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta” ( trang 123).

Tác giả đã viện dẫn ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Trường Chinh, Tố Hữu, Hà Xuân Trường  và những suy nghĩ của riêng mình để trình  bày những hạn chế theo các  thời kì lịch sử một cách khoa học, đúng đắn và tin cậy. Đó là sự đơn giản và phiến diện ( trước 1945);  còn “non trên địa hạt văn hóa” (Tố Hữu) so với địa hạt chính trị và quân sự (1946 -1954); còn  thiếu nhạy bén, chưa đáp ứng được tình hình trong nước và quốc tế, trình độ tổ chức và quản lí chưa cao. (1955 -1975).

         Như đã nêu ở trên, vấn đề đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng gắn liền với đường lối Cách mạng Việt Nam. Đường lối đó hình thành và phát triển, hoàn thiện theo yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử. Đề cương văn hóa Việt Nam (1943)   do hoàn cảnh lịch sử chỉ chú trọng đến lĩnh vực văn hóa tinh thần, đến nay,  quan niệm văn hóa được Đảng Cộng Sản Việt Nam mở rộng bao gồm tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục và khoa học; văn học – nghệ thuật; thông tin đại chúng; hệ thống thể chế văn hóa. Nghĩa là gồm văn hóa vật thể và phi vật thể như thông lệ quốc tế. Bạn đọc có thể theo dõi sự hình thành, phát triển, nhất quán của đường lối đó theo thời gian với cách trình bày tường minh, thực chứng và thuyết phục của tác giả.

          Phần thứ hai của  tập khảo luận gồm những bài viết cụ thể,  đề cập đến các vấn đề lí  luận thực tiễn nghệ thuật. Nếu phần thứ nhất nghiêng về cách trình bày hàn lâm, bám sát các văn kiện, các  cuốn sách, bài viết của các đồng chí lãnh đạo, thể hiện bằng văn phong quan phương  thì phần này cho phép tác giả  trình bày một cách tự do, phóng túng hơn, tuy vẫn nhất quán với phần trước bằng tinh thần thực chứng, nghiêm cẩn, chặt chẽ, tỉ mỉ của ngòi bút làm nghiên cứu khoa học. Các bài viết ở phần này cũng khá đa dạng. Có tham luận cho Hội nghị, hội thảo, có phát biểu ý kiến,  trả lời phỏng vấn;  có phê bình, thẩm định tác phẩm;  có chân dung nhà khoa học, hồi ức về mái trường Trần Phú; có   suy nghĩ về tuyên truyền, lí luận và phê bình văn học nghệ thuật trên tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam và suy nghĩ về quản lí báo chí, tạp chí chuyên ngành trong Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

       Bài viết “Văn hóa , nghệ thuật cần “vào sâu trong tâm lí quốc dân”. “soi đường cho quốc dân đi” là một minh chứng cho cách làm việc thực chứng, khoa học và tỉ mỉ của tác giả. Đây là một tham luận cho hội thảo. Nhưng để dẫn tới  luận điểm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, tác giả đã viện dẫn tóm tắt luận điểm của Aristot, Mĩ học phương Đông, văn hào M. Gorki, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu.  Ông đánh giá đây là luận điểm “khải thị” của Bác, đồng thời phân tích chứng minh tầm vóc của vị lãnh tụ thiên tài.

          Các bài tham luận cho Hội nghị, hội thảo đều được viết với tinh thần thực chứng, công phu và tỉ mỉ như vậy. Có thể điều này điều kia cần được trao đổi, bổ sung thêm. Nhưng riêng về tư liệu, nguồn trích dẫn thì phải nói là hoàn toàn tin cậy, không có gì phải băn khoăn hoài nghi.

          Một bài viết thể hiện tình cảm riêng tư của tác giả với người thầy, người lãnh đạo đáng kính là bài viết về Giáo sư Viện sĩ Hoàng Trinh. Qua bài viết này, bạn dọc có thể thấy thêm một nét chân dung tác giả Nguyễn Ngọc Thiện. Đó là luôn biết ơn và ghi nhớ công ơn những người thầy đã dạy dỗ, giúp đỡ, khích lệ động viên mình. Không chỉ GS. Viện sĩ Hoàng Trinh, mà các GS khác như Đinh Gia Khánh,  Hoàng Xuân Nhị, Hà Minh Đức,… đều nhận được tình cảm biết ơn chân thành, kính trọng.

          Một bài đáng chú ý trong số các bài viết ở phần này chính là bài trả lời phỏng vấn đối với các câu hỏi của PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, dấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật”. Phải nói rằng những câu hỏi đặt ra đều thuộc loại câu hỏi khó mà nếu không có quá trình nghiên cứu, không thấm nhuần đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, và không bám sát tình hình văn hóa văn nghệ cũng như  nắm rõ những quan điểm sai trái, lệch lạc thì khó mà đưa ra câu trả lời tường minh, mạch lạc. Tác giả đã trả lời rất tốt các câu hỏi, đặc biệt là đề xuất ý tưởng vĩ mô và những nội dung cụ thể về phương thức mới, hình thức mới trong  bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái.

          Thật đáng ghi nhận  và trân trọng những cố gắng của tác giả khi công bố  tập khảo luận này ở tuổi xưa nay hiếm. Một  tập sách dày dặn, được biên soạn thực chứng, công phu, cẩn trọng. Một công trình tiếp thu thành tựu của những người đi trước, trình bày với độ  chín của  người làm nghiên cứu có thâm niên sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình.

          Xin chúc mừng tác giả ghi một dấu mốc mới trên hành trình nghiên cứu sáng tạo bền bỉ của mình.

                                         Hà Nội, mùa Thu 2020

in trên Tạp chí  Diễn Đàn Văn Nghệ Việt Nam số 309, tháng 10 năm 2020

 

         

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét