L Ố I THOÁT
Truyện ngắn của Thu Lâm
Vào một buổi trưa tháng 7 nắng gay gắt, chị Hoa đang loay hoay với chiếc xe khó tính không chịu nổ máy trước cửa ngân hàng, chị vừa rút ra một khoản tiền lớn.
Tiền thì đã cho vào cốp xe rồi, tưởng rằng cứ thế yên trí phóng xe về, ấy vậy mà chú ngựa già này dở chứng. Nó đã cõng chị đi về hơn chục năm nay, giờ đây chắc nó đòi quyền được trái gió trở trời, ỳ ra như là một định mệnh…
- Chào chị! Tôi giúp gì được cho chị không?
Chị Hoa ngẩng khuôn mặt đẹp như cái tên của chị, nhưng đỏ gay và ướt đầm mồ hôi nhìn lên. Ồ, một người quen nhưng không thân. Dù sao cũng là vận may có một người đàn ông trợ giúp vào đúng lúc này, giống như vớ được phao cứu hộ lúc sắp chìm xuồng.
- Ồ! Chào chú Phong, xe tôi không nổ máy, tôi bó tay rồi, nhờ chú xem hộ.
Người đàn ông mỉm cười vẻ hóm hỉnh, đón lấy tay ga và làm vài động tác đề, đạp nổ… Chú ngựa già vẫn ỳ ra không chịu nhúc nhích.
Anh ta không dùng sức mạnh cơ bắp để xử lý tình huống nữa mà bằng “sức mạnh” của từ “xếp”. Anh ta rút điện thoại:
- A lô! Dũng hả… đến ngay nhé…
Rồi quay sang chị Hoa, anh ta nói tỉnh bơ:
- Chị yên tâm, tôi gọi “lính” của tôi đến đưa xe chị đi sửa, rồi mang về tận nhà cho chị. Bây giờ mời chị lên ô tô, tôi đưa chị đi đâu đó uống nước cho đỡ mệt.
Chị Hoa vội vã xua tay:
- Thôi, phiền chú quá.
Lại một nét cười thoáng qua hóm hỉnh trên khuôn mặt người đàn ông. Như đọc được ý nghĩ của chị anh ta lại tấn công:
- Chị hãy mở cốp xe, lấy tiền đưa vào ô tô đi.
Không có kẻ cướp nào dám sán lại gần tôi đâu.
Không còn cách nào khác, chị Hoa đành làm theo sự sắp đặt của anh ta.
Cũng ngay lúc đó, một cậu thanh niên khoẻ mạnh đến đón lấy chiếc xe máy của chị và đem đi sửa.
Khi đã an toạ ở một góc café máy lạnh mát rượi, rồi uống một ly nước bưởi ép mát dịu. Lúc đó chị mới tỉnh ra và quan sát người đàn ông đang ngồi trước mặt. Ồ, hình thức cũng được: trung niên, tóc chưa có sợi bạc, thân hình chắc khoẻ, rất nam tính. Hàm răng trắng đều, mỗi lần nói cười đều toát lên một vẻ hóm hỉnh pha chút hài hước diễu cợt.
Chị Hoa cất tiếng hỏi thăm xã giao có phần hơi trịch thượng:
- Lâu lắm không gặp, “chú” khoẻ không? Công việc ổn cả chứ?
Lại một thoáng cười diễu cợt. Anh ta chưa vội trả lời vào câu hỏi ngay mà lại đề cập tới vấn đề chị không ngờ tới:
- Nếu tôi không nhầm, chị có tuổi con giáp “Mùi” phải không? Còn tôi là “Mão”, tôi ra đời trước chị 4 năm đó.
Anh ta lại cười cười, vẻ diễu cợt.
Chị Hoa thoáng đỏ mặt, vốn thông minh chị hiểu ngay ra rằng anh ta định nhắc nhở chị điều gì. Ôi! Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt thật phức tạp. Việc chia ngôi thứ trong cách xưng hô làm cho mối quan hệ giữa con người trong xã hội trở nên khó xử.
Bao năm nay thành thói quen trong giao tiếp với cấp dưới chồng chị, anh này cũng không ngoại lệ. Anh ta là một “giám đốc con” trong cái Tổng Công ty khổng lồ mà chồng chị làm Tổng Giám đốc. Mỗi khi họ đến nhà chị chơi hoặc làm việc với chồng chị, họ đều một phép xưng hô “thưa chị”, một phép “chúng em”… Và thế là nghiễm nhiên chị sử dụng từ “chú” (chú em) cho tất cả những ai là đàn ông cấp dưới của chồng chị. Mặc dù chị kém chồng tới cả một con giáp, nhưng chị cũng không cần biết những người đàn ông ấy họ bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng họ rất thích được chị gọi bằng “các chú” thân thiết như trong gia đình.
Kỳ lạ thay, người đàn ông này lại không thế. Vậy là trong số “đàn em” của chồng chị ít ra cũng có người có bản lĩnh đàn ông. Ý nghĩ này chợt đến trong đầu khiến chị không cảm thấy khó chịu, mà ngược lại…
Chị Hoa đành “chữa cháy” khéo léo:
- Xin lỗi! Tôi nhìn “chú”, à quên nhìn “anh” rất trẻ so với tuổi.
Anh ta định trả lời chị câu gì đó thì bỗng có chuông điện thoại gọi đến. Anh ta chưa vội trả lời ngay, chậm rãi nhìn số máy xem ai gọi rồi mới a lô. Chị Hoa vờ như không để ý. Không biết đầu bên kia là
đàn ông hay đàn bà nhưng chỉ thấy anh ta trả lời rất thản nhiên:
- Anh đây, anh không có ở Hà Nội, đang ở xa. Khi nào anh về sẽ a lô sau nhé!
Cha này cũng thật láu cá, đang ngồi với mình giữa lòng thủ đô mà dám nói ở xa.
Anh ta cúp máy, chợt nhìn thấy nụ cười nửa miệng diễu cợt của chị, anh ta cười xoà nói:
- Đôi khi cũng phải “cuội” chút, gạt bớt đi những gì không cần thiết, cũng có phương hại đến ai đâu… Thôi ta nói chuyện ở thì hiện tại này đi chứ.
Chị Hoa thầm nghĩ: “có gì mà nói nhỉ”?
Đơn giản anh ta chỉ là cấp dưới của chồng chị. Đương nhiên chị biết anh ta nhưng chưa bao giờ tiếp xúc. Thỉnh thoảng anh ta thường tới nhà, đón chồng chị đi ăn sáng, uống café. Họ ngồi với nhau tới trưa, đàn ông có nhiều chuyện để bàn tính. Nào là làm ăn dự án này kia, nào là sắp xếp tổ chức, bàu bán ghế nọ ghế kia từ trên Bộ cho tới các Tổng Công ty bạn rồi đến Tổng Công ty mình mà chồng chị là Tổng Giám đốc. Mỗi lần như vậy về nhà, chồng chị thường buông lời nhận xét:
- Cái cậu Phong này thông minh, lắm mưu nhiều mẹo, được việc ra phết. Chỉ mỗi tội ngang tàng chẳng chịu ai… nó mà… thì chắc không đến nỗi ở mãi cái ghế giám đốc quèn này.
Vậy thì tại sao hôm nay anh ta lại nhiệt tình với chị như thế. Chắc chắn phải có chủ đích, vì chị là phu
nhân của xếp anh ta cơ mà. Đánh tập hậu bao giờ cũng hiệu quả hơn chính diện, chắc lại là một kế hoạch xin bổ xung thêm vốn hoặc xin được thực hiện một dự án béo bở nào đó… Với kiểu người thực tế như anh ta không bao giờ mất thì giờ vào những việc vô bổ, tất cả phải đem lại lợi nhuận và hiệu quả…
Những ý nghĩ thiếu thiện chí bỗng chốc thoáng qua trong đầu chị. Không, không thể chơi với loại người như vậy được. Với anh ta không một chút ấn tượng, không một chút cảm xúc, tất cả là con số không. Vậy thì biết nói chuyện gì với anh ta đây?
Công việc chuyên môn của chị không liên quan gì tới công việc của chồng cũng như của người đàn ông này. Tốt nghiệp tổng hợp văn, chị được phân công làm báo và hiện giờ chị đang phụ trách một chuyên mục về “tư vấn những vấn đề tình cảm” cho chị em phụ nữ. Bằng ấy năm chị đã tiếp xúc với biết bao dạng người, tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng ở bờ vực của sự tan vỡ. Nước mắt, lừa dối, phản bội thì nhiều, nụ cười và hạnh phúc thì vô cùng hiếm hoi… Vậy mà trớ trêu thay, giờ đây số phận lại sắp đặt chị vào vị trí của người được tư vấn mà chị chưa tìm được ai tư vấn cho mình.
Câu hỏi của người đàn ông đối diện cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của chị:
- Anh chị vẫn sống như thế sao?
Câu hỏi điểm huyệt vào đúng “gót chân Asin” làm cho chị ngỡ ngàng và buốt nhói. Ai cho phép anh ta có quyền ăn nói sỗ sàng lục lọi vào đời tư của chị như
vậy. Chị đã im lặng cắn răng chịu đựng bấy lâu nay vì giữ thể diện cho gia đình trước xã hội, họ mạc, con cái, vì niềm kiêu hãnh của bản thân. Vậy mà câu hỏi của anh ta như lục tung lên tất cả cho bàn dân thiên hạ đều biết.
- Thế là sao? Tôi không hiểu ý “chú”, à xin lỗi.
- Chị hiểu hay cố tình vờ như không hiểu ý tôi. Tôi nói thực lòng nhé, tôi hỏi chỉ vì tôi rất quan tâm tới chị, quan tâm từ lâu rồi… Mối quan hệ của chồng chị và cô Xuân cả cái Tổng Công ty này ai mà chả biết. Người ta cho rằng chị biết nhưng cố tình giả vờ như không biết… Bởi vậy mà tôi tiếc và xót xa cho chị.
- Tôi sống thế nào có lên quan gì tới anh?
Chị Hoa bực bội nói vì đã bị bóc mẽ, anh ta tỏ ra thương hại chị, điều đó đã xúc phạm nặng nề đến chị.
- Tôi xin lỗi nếu như chị không muốn nói đến điều này, cũng như chị không muốn đối diện với sự thật. Nhưng tôi không thể hiểu được một người phụ nữ hoàn hảo như chị tại sao lại phải cam chịu sống trong hoàn cảnh trớ trêu ấy. Chị hãy chịu khó quan sát xung quanh đi, còn rất nhiều người, nhiều điều khác đáng để sống hơn cái mà chị tưởng như đang có. Tự nhiên nước mắt chị trào ra, bao dồn nén kìm giữ cảm xúc trào dâng như tức nước vỡ bờ. Chị thổn thức hồi lâu. Người đàn ông để mặc cho chị khóc, anh ta với tay lấy giấy mềm đưa cho chị và ý nhị nhìn sang các bàn bên cạnh. Chị cũng rất ý tứ quay mặt
vào phía trong, hai vai chị rung lên từng đợt…
Mỗi khi nhớ lại những lời nói của chồng như những nhát dao đâm vào tim chị buốt nhói: “… Anh sẽ duy trì và có trách nhiệm với mẹ con cô ấy đến cùng, vì đó là đứa con trai duy nhất của anh…”
Chị kêu lên uất ức:
- Thế còn tôi và hai đứa con gái của anh sẽ ra sao đây?
- Chúng đã lớn, rồi sẽ lấy chồng và theo chồng.
Còn em, tuỳ em lựa chọn cho mình một giải pháp.
Chồng chị tàn nhẫn nói.
Lúc đó chị hoàn toàn gục ngã, hoang mang cực độ. Hai con gái đang du học nước ngoài, chúng đã có người yêu và rất tự hào về gia đình và bố mẹ. Không thể để cho các con phải xấu mặt về bố mẹ chúng. Bởi vậy chị đã cắn răng chịu đựng không dám thổ lộ cùng ai vì sĩ diện cho bản thân và gia đình quá lớn. Không một ai biết được nghịch cảnh của chị để tư vấn giúp chị vượt qua cơn khủng hoảng này.
Chị cay đắng nhớ lại những năm tháng đã qua, những kỷ niệm đẹp về tình yêu thủa ban đầu, tiếp đó là những đau đớn vật vã của một người vợ hiếm muộn phải nhờ đến khoa học can thiệp bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mới có được hai đứa con sinh đôi quý giá. Chúng ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ oà của cả đại gia đình. Vậy mà chồng chị đã nói một câu ẩn chứa một dự cảm không lành, mà hồi đó chị chưa cảm nhận được:
- Giá mà một trong hai đứa là con trai.
Hai vợ chồng chị đã rất vất vả chăm sóc cho hai bé lớn khôn từng ngày. Đến bây giờ chúng đã trở thành hai thiếu nữ thông minh đẹp đẽ. Vậy mà tất cả cũng không còn là tấm lá chắn vững chắc che chắn cho sự đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng. Khi gia đình chị sắp tới đích viên mãn của cuộc đời một con người thì nghịch cảnh xảy ra. Chị đau đớn vì bị phản bội, bị xúc phạm, niềm tin tan vỡ. Chị hối hận vì đã quá tự tin ở mình, quá tin vào tình yêu của chồng giành cho mình không thể nhạt phai theo năm tháng… Vậy mà điều đó đã xảy ra… Chị đã mất cảnh giác… Thật thảm hại…
Người đàn ông nhẹ nhàng khuyên giải chị:
- Chị hãy bình tĩnh lại đi, không việc gì phải đau khổ vì một người đàn ông hành xử như vậy. Nếu là người có bản lĩnh và khôn ngoan, anh ta có hàng tá “bồ” cũng không ai biết. Nhưng vợ con vẫn là trên hết. Tôi biết rất rõ cô bồ của chồng chị và không hiểu tại sao chồng chị lại ngu xuẩn đến thế. Xin lỗi tôi phải dùng từ này, cho dù anh ta là xếp của tôi.
À, thế hoá ra 99% đàn ông đều có bồ hết, kể cả người đàn ông đang dở giọng an ủi chị đây. Anh ta chỉ hơn chồng chị là biết khôn khéo che đậy để cho trong ấm ngoài êm. Thật là giả dối. Chị nói trong nước mắt:
- Bây giờ tôi mới hiểu đàn ông thật tồi tệ. Cả lũ đàn ông các anh đến nhà tôi hàng ngày, vậy mà tôi lại là người biết sau cùng. Các anh bao che cho nhau…
Anh ta đối đáp tưng tửng, tàn nhẫn:
- Chị không hiểu gì về đàn ông nên chị mất chồng là phải thôi. Đàn ông chỉ thực hiện phép cộng trong tình cảm, cho dù trong tay anh ta có cục vàng, nhưng anh ta lại muốn có thêm cục bạc, cục đồng, thậm chí cả cục… đất. Sự tham lam của đàn ông gần như là một bản năng. Bởi vậy, đàn ông không bao giờ tố nhau. Nếu phạm phải nguyên tắc đó, anh ta sẽ là một thằng hèn.
- Hoá ra các anh vui đùa thích thú trên đau khổ của những bà vợ đàng hoàng ư?
Anh ta nói giọng dậy đời:
- Lẽ ra chị phải nhậy cảm hơn, tự mình tìm ra chân tướng của chồng. Và khi đã biết sự thật thì hãy tìm đường tự giải phóng cho mình, đó mới là người phụ nữ thông minh.
Chưa ai nói với chị những điều này. Đúng là chị chưa nghĩ đến phương án tự giải phóng cho mình mà cứ loay hoay luẩn quẩn với nỗi đau, ân hận, tìm cách lôi kéo người chồng về với quỹ đạo cũ. Kết quả là càng kéo càng xa, lạt mềm buộc lỏng. Tất cả lý thuyết mà chị đã từng tư vấn cho mọi người đều vô nghĩa với thực tế của chị. Anh ta đã lợi dụng “lạt mềm” để mở rộng quyền sở hữu tình cảm, được tất mà không mất gì. Ra ngoài được chăm sóc, về nhà còn chu đáo hơn, giống như một cuộc đua đầy nước mắt và khổ ải mà chị vẫn phải thực hiện cho tới đích… Ồ, sao lại có sự phi lý đến vậy, tại sao chị lại phải cung cúc tận tuỵ với kẻ đã ăn ở hai lòng, chị đã đánh mất lòng tự trọng rồi sao? Nhưng còn danh dự bản thân, gia đình, con
cái nữa? Lòng chị rối như tơ vò không biết định hướng ra sao.
Như thấu hiểu được tất cả, người đàn ông tên Phong lại nói những lời khuyên rất từng trải và thực tế, làm cho chị dần dần lấy lại bình tĩnh và phần nào thấy cũng có lý.
- Chị hãy quên là chị đang có chồng đi. Chị còn rất trẻ đẹp và đầy tự tin với xã hội. Vậy thì hãy làm lại từ đầu theo cách khác. Cuộc đời con người giống như đang đi trên một chuyến tầu, người này lên tàu, người kia xuống tàu ở mỗi ga. Không thể biết trước được người nào sẽ xuống ngay cả người ngồi bên cạnh mình. Họ có thể xuống ga bất kỳ lúc nào để lại cho mình nỗi nhớ nhung triền miên. Nhưng trong hành trình ấy, chúng ta không đơn độc sẽ lại có những người khác lên tàu. Biết đâu trong số họ sẽ có một người đi với ta đến ga cuối cuộc đời… Tôi đã đọc ở đâu đó và độc diễn lại với chị thôi… Và biết đâu tôi sẽ là người hành khách cuối cùng ấy thì sao?
Anh ta cười cười nói nửa đùa, nửa thật.
Chị Hoa im lặng không để tâm đến câu kết cuối cùng của anh ta.
- Thôi nào, chị hãy vui lên mà hưởng thụ cuộc sống, chẳng tội gì mà tự đầy ải mình, chị có quyền làm những gì chị muốn. Khi nào chị thấy cần có người đưa giấy mềm thì a lô cho tôi nhé.
Anh ta cười rất dễ mến, chị Hoa cảm thấy nhẹ lòng đi rất nhiều. Đã đến giờ phải quay về ngôi nhà buồn
tẻ, chỉ có hai con người mà đã có một người rẽ sang ngả khác, hàng ngày vẫn phải đối diện với nhau… Cực hình…
- Tôi phải về, cám ơn anh đã đến đúng lúc.
Người đàn ông xin số điện thoại của chị, chị ngần ngừ một chút rồi cũng đồng ý, nhưng chị nói thêm:
- Tôi hầu như không có thói quen gọi điện thoại hay nhắn tin cho các quý ông. Nhiều năm làm tư vấn hôn nhân, tôi chứng kiến nhiều bằng chứng là những tin nhắn, hay cuộc điện thoại… không chối cãi được. Và thế là sự bền vững của một gia đình bề thế sụp đổ trong phút chốc.
Anh ta cười diễu cợt, ném hai chiếc điện thoại ra bàn nói:
- Tôi sử dụng hai điện thoại, không ai trong nhà dám tự tiện động vào máy của tôi, chị yên tâm đi, tôi sống trên nguyên tắc không ai sở hữu tôi và ngược lại tôi cũng không sở hữu ai cả.
Chị Hoa hơi bối rối, chị hỏi thăm dò:
- Tôi nghe nói anh có hai con cũng giỏi giang thành đạt lắm mà.
Anh ta cười lớn chế diễu như đọc được suy nghĩ của chị.
- Chị thật thà và trong sáng quá. Chị hãy nhớ câu ngạn ngữ: “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh” thế là được. Và cứ yên tâm liên lạc với tôi nếu thấy cần, không phải sợ hay e dè điều gì.
Tay này quả là cá tính, ngang tàng và gia trưởng lắm đây, nhưng cũng có vẻ thú vị.
Những ngày sau đó, chị Hoa và người đàn ông tên Phong gặp nhau nều hơn. Thay vì trước đây Phong đón chồng chị Hoa đi café bàn chuyện làm ăn thăng tiến, giờ đây Phong đón chị Hoa cũng đi café nhưng bàn về chuyện cuộc đời, về nhân tình thế thái không liên quan gì đến công việc. Ôi, văn hoá café thật tuyệt vời, nó là điểm nhấn đầu tiên cho các mối quan hệ.
Riêng chị Hoa, mỗi lần đi café với Phong chị thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và thư thái. Anh ta vừa có cái gì đó cuốn hút bởi sự mạnh mẽ ngang tàng nam tính cộng với vốn sống, vốn hiểu biết rất đời thường dân dã nhưng lại không bị chi phối bởi sự tầm thường. Ở anh ta còn có cái gì đó làm cho người đối diện phải e dè khó hiểu bởi không thể đoán trước được suy nghĩ và hành động tiếp theo của anh ta là gì. Chị không hiểu các mối quan hệ xã hội mà anh ta đang vùng vẫy, chỉ cảm nhận anh ta có mối quan hệ rất rộng. Và điều làm chị e ngại nhất là không lấy gì làm cơ sở, thước đo độ trung thực của người đàn ông này, lúc nào cũng như thực, như đùa…
Nhưng lạ thay, một điều mà chị cảm nhận được rằng gần anh ta chị thấy như mình được che chở bao bọc, anh ta như điểm tựa tinh thần cho chị.
Một thời gian sau, họ gặp nhau nhiều hơn. Họ café không phải chỉ trong nội thành mà còn mở rộng ra ngoại thành, bán kính ngày càng xa. Chị cũng thay đổi cách xưng hô “anh – tôi” thành “anh – em”. Ôi, đại từ nhân xưng ngôi thứ trong tiếng Việt thật tuyệt vời. Nó giàu âm điệu, giàu cảm xúc cung bậc làm sao? Một khi hai từ “anh” và “em” được ghép lại với nhau nó trở nên gần gũi thân thương ngọt ngào hơn bất cứ một đại từ nào khác.
Chị Hoa giờ đây không còn nét ưu tư buồn bã như trước. Chị như được hồi sinh, trẻ, đẹp và tự tin hơn rất nhiều. Bên người đàn ông ấy chị đã cảm nhận được hạnh phúc thực sự, hạnh phúc rất con người mà hình như bây giờ chị mới được tận hưởng. Niềm hạnh phúc ấy cứ dâng trào như những đợt sóng biển xô bờ liên tục, liên tục, dần dần mạnh mẽ hơn, bạo liệt hơn, dường như không ngừng nghỉ. Chị muốn hét to lên cho mọi người biết: “Tôi hạnh phúc”. . .
Chợt kề bên tai chị một giọng đàn ông nhẹ nhàng âu yếm nhắc nhở: “Khẽ thôi”. . .
Chị sực tỉnh mỉm cười hạnh phúc, quay về với thực tại kìm nén, trong vòng tay mạnh mẽ xiết chặt…
Phải chăng đây là người hành khách cuối cùng đồng hành cùng chị đi tới ga cuối của cuộc đời. Cánh cửa mới đã mở ra với chị tươi sáng và tuyệt vời hơn. Hãy khép lại quá khứ…
Hà Nội, mùa hè năm 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét