Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

3 BÀI THƠ THIẾU NHI CỦA THU SANG

 


3 BÀI THƠ THIẾU NHI CỦA THU SANG 

 

CÔ DẠY EM TẬP VẼ

Cô dạy em tập vẽ
Từng nét nhỏ đầu tiên
Nét thẳng và nét xiên
Nét ngang và nét sổ.

Tập tô màu xanh đỏ
Tươi lá và thắm hoa
Dạy em vẽ ngôi nhà
Mái nghiêng nhìn cửa sổ.

Tập vẽ mẹ và bố
Cùng em đi công viên
Mẹ tóc dài- rất duyên
Bố đẹp trai- phong độ.

Em vẽ thày và cô
Cùng bó hoa rực rỡ
Em chúc mừng ngày lễ
Cô trò cười thật tươi.

 

 

PHONG PHÚ TỪ NGỮ VIỆT NAM

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

MỎ ĐÈO NAI – HÔM NAY VÀ KÝ ỨC

 MỎ ĐÈO NAI – HÔM NAY VÀ KÝ ỨC

                                                  Bút ký của Cao Ngọc Thắng

 

Tháng 4 năm 1975, lần đầu tiên tối đến Cẩm Phả, khi đang là sinh viên năm thứ ba khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đi thực địa, tìm hiểu phương thức tổ chức sản xuất tại một vùng lãnh thổ. Thời điểm đó, cuộc Tổng tiến công mùa xuân của quân và dân ta đang diễn ra thần tốc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đang rất gần.

Chuyến thực địa ra Cẩm Phả năm ấy, đối với lứa sinh viên chúng tôi háo hức lắm, bởi được đi tàu thủy, từ bến Bính-Hải Phòng, xuyên qua Vịnh Hạ Long - một danh lam thuộc bảy kỳ quan của nhân loại (theo cách sắp xếp trước đây), được tận mắt nhìn thấy một khu mỏ nằm trong vùng mỏ lớn nhất nước ta, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú, được mệnh danh là vùng “vàng đen” của Tổ quốc với những loại than có chất lượng tốt nhất thế giới, nơi có nhiều sự kiện lịch sử in dấu vàng son.

Từ đó đến nay, không ít dịp ra Quảng Ninh với những mục đích khác nhau, và mỗi chuyến đi đều cho tôi những cảm xúc về vùng mỏ nơi địa đầu Tổ quốc. Nhưng, chuyến thực tế những ngày cuối tháng bảy năm nay (do báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức), khi đứng chân ngắm nhìn thành phố Cẩm Phả, ký ức của tôi hơn bốn mươi năm về trước như ùa ra, chen chúc, chẳng thành hàng thành lối gì cả.

 

*

 

Nhóm chúng tôi, gồm dịch giả Nguyễn Đăng Bảy, nhà báo Nguyễn Việt Thắng và tôi, được phân công về Công ty cổ phần than Đèo Nai - Vinacomin (TĐN). Người hướng dẫn ba chúng tôi thăm “khai trường” là Phó chánh Văn phòng Công ty Hoàng Thị Quỳnh Trang. Hôm đó là một ngày nắng đẹp. Quỳnh Trang đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc mũ bảo hộ lao động màu vàng và nói: “Các anh đội để bảo đảm an toàn. Quy định của mỏ là khi ra khai trường bất kỳ ai cũng phải đội mũ bảo hộ”.

Đội mũ trông ai cũng ra dáng thợ mỏ, chỉ khác là không mặc quần áo công nhân, mà cả ba người không ai bảo ai đều mặc áo màu đỏ (trừ Đăng Bảy), mọi người trong đoàn đùa: “Áo đỏ chứng tỏ Đèo Nai”, ý nói nhóm này dễ phân biệt với các nhóm khác, còn mấy anh công nhân lái xe gạt ở bãi thải đang chờ giao ca thì nhận xét: “Trông các bác chẳng giống nhà báo, nhà văn gì cả”, khiến mọi người cười thoải mái.

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

MẤY GHI NHẬN VỀ CÔNG TRÌNH: “NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG”

 


­­­MẤY GHI NHẬN VỀ CÔNG TRÌNH: “NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG

(Đọc “Nhớ người cầm Lá Diêu Bông”, NXB Văn học, 2023

của Nguyễn Thị Minh Bắc)

 

                     GS.TS Trần Đăng Suyền

 

  “Tôi một người trai Kinh Bắc từ thuở còn thơ đã đa mang cái nghiệp thơ vốn nhiều oan khổ, khi giãi lòng mình lên nhiều bài thơ, luôn mong mỏi có nhiều bạn đọc cảm thông với những u ẩn trong tâm tư một đứa con của Kinh Bắc. Thì đến năm nay đã xuất hiện một người gái ngoan của Kinh Bắc đã hiểu và cũng mạnh bạo viết ra cuốn sách nhỏ này, tựu trung cũng là để tỏ lòng mình với quê hương, một vùng quê đã từng là cái nôi văn hóa lâu đời (…). Tôi rất mong cuốn sách nhỏ này với tôi là một dấu son…” (tr 4 - 5). Đó là mấy dòng của nhà thơ Hoàng Cầm viết về cuốn chuyên luận Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc của Nguyễn Thị Minh Bắc, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2008, được phát triển từ Luận văn Thạc sĩ của chị. Tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc cho ta biết: Từ công trình nói trên, tác giả đã tiếp tục đào sâu nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm. “Để tri ân nhà thơ và đáp ứng sự yêu mến thơ ông của nhiều độc giả - Nguyễn Thị Minh Bắc viết trong Lời giới thiệu của tập sách -, tôi xin tái bản lại cuốn Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc bằng cái tên gọi mới: Nhớ người cầm Lá Diêu Bông.

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

CHÙM THƠ MỴ DUY THỌ

 

CHÙM THƠ MỴ DUY THỌ 

 screenshot_696


ĐƯỜNG VỀ LÀNG

 

Đường về làng ta bóng tre nghiêng

Tháng ba bừng đỏ hoa mộc miên

Hàng xoan lặng lẽ che bờ ngói

Lối ngõ nhà ai cúc đang lên

 

Đường về làng em về làng anh

Cái thời hai đứa tuổi mầm xanh

Anh nóc tam quan tìm trứng sẻ

Nhìn lên em cứ sợ mong manh

 

Đường về làng anh về làng em

Tinh mơ bờ cỏ đọng sương mềm

Rủ nhau hai đứa cùng đi học

Mẹ bảo đường xa nhớ ngó em

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

                           


  CUỘC ĐỜI CÁC ANH HÓA NÚI SÔNG

(Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ

27/7 - Tổ quốc ghi công)

 

Trên các nẻo đường có bao nấm mộ

Cuộc đời các Anh đã hóa núi sông

Tổ quốc ngàn đời ghi nhớ chiến công

Lấy vồng ngực minh chở che đất nước

*

Trên trời xanh cao, tim Anh đỏ rực

Dành tặng cho con làn mây trắng bay

Mở hướng đường con đi vào tương lai

Giọt nước mắt trào ngày vui chiến thắng

*

Người mẹ, người vợ ước mơ thầm lặng

Muốn được chết thay cho chồng cho con

Nhưng chỉ là mơ, đành dồn sức tâm

Tìm kiếm nắm xương mang về quy tập

*

Đã mất mát rồi vẫn còn phải sống

Nuôi cháu nuôi con cho xứng hy sinh

Một lòng dựng xây đất nước quang vinh

Để hồn các Anh suối vàng mát mẻ.

 

Bùi Minh Trí

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

DƯ ÂM ẤT DẬU

 


DƯ ÂM ẤT DẬU

 

Truyện kí của LƯƠNG KY 

 

...Suốt chặng đường trên chuyến xe khách liên tỉnh khá dễ chịu, tôi lim dim ngủ gà ngủ vịt. Thực ra tôi không mệt mỏi nhưng trong đầu cứ lởn vởn câu hỏi vì sao ông bạn hồi nào công tác cùng đơn vị nay đã nghỉ hưu lại muốn đem chuyện chuẩn bị lấy vợ của đứa con đầu ra bàn với tôi, để "xin ý kiến ông" như anh ấy phôn, xem ra quan trọng lắm. Đã đành chúng tôi không là anh em ruột, nhưng rất thân tình. Thằng Quyết và cái Tâm con nhà ấy tôi cũng coi như thằng Kiên con Định nhà mình. Có điều bây giờ tôi và anh ấy ở cách xa nhau cả trăm cây số. Nếu là mời cưới thì tất nhiên tôi có mặt rồi. Sao chỉ có việc thằng Quyết yêu cái con bé thế nào mà anh ta bảo "băn khoăn quá, cứ phải nói chuyện với ông. Ông dứt khoát phải sang chỗ tôi "?

Xe lắc lư vượt lên đỉnh đèo Khế thơ mộng. Gió bấc thổi ào ào từ phía Thái Nguyên đem theo cái lạnh lách qua cửa xe làm tôi bừng tỉnh mở to mắt nhìn cảnh vật quen thuộc khi xe từ từ xuống đèo quanh co nguy hiểm. Trước mặt tôi hình ảnh ông bạn thủa cùng khóa trung cấp cảnh sát, ra trường cùng rong ruổi trên những nẻo đường thời chiến và cả thời bình như hiện rõ mồn một. Rồi mỗi người được điều động về mỗi tỉnh, xa xôi nhưng vẫn luôn nhớ tới nhau. Giờ cả hai đã nghỉ chế độ, tình cảm trước sau vẫn thế. Thằng Quyết nhà ấy theo cái nghiệp của bố, chắc khi lấy vợ người ta phải xem kỹ "đối tượng" nên có chuyện chăng?

Lâu không gặp nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Thằng Quyết trông khác lạ hẳn. Nó trang nghiêm trong bộ đồ cảnh sát cấp bậc trung úy. Hôm đấy tôi và ông bạn đã ngồi chuyện trò thâu đêm bên ấm trà Tân Cương thơm đượm, đặc cắm tăm. Đúng hơn là tôi chỉ ngồi nghe ông bạn kể, tâm sự, thỉnh thoảng hỏi vài câu.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

CHUYỆN TÌNH NGƯỜI THỢ MỎ

 CHUYỆN TÌNH NGƯỜI THỢ MỎ

                                                                            CẦM SƠN

 

 nh_cm_sn

NHÀ VĂN CẦM SƠN

 

Sau một ngày cán bộ công ty chỉ dẫn đi thăm khai trường mỏ Cao Sơn. Chúng tôi được bố trí tiếp xúc với một số cựu cán bộ, công nhân là những người có mặt ngay từ ngày đầu thành lập công ty. Tôi chú ý đến câu chuyện của cựu quản đốc công trường Xúc, Khoan Nguyễn Văn Chiến. Dẫu đã vào cái tuổi 72 nhưng thân hình ông vẫn to cao vạm vỡ, giọng nói sang sảng đầy khí lực. Ông kể:

Tôi được cử cùng một đoàn công nhân của các mỏ sang Liên Xô học tập một năm. Sau khi về nước thì được trưng dụng là một trong ba mươi hai người đầu tiên thành lập mỏ Cao Sơn này với cương vị quản đốc và làm Bí thư chi đoàn. Ngay lập tức sau đó, lãnh đạo mỏ lại tuyển dụng thêm công nhân nên chi đoàn thanh niên cũng có đến trên ba mươi người toàn nam thanh nữ tú. Ngày đầu thành lập, chưa có trụ sở, chưa có nơi ăn chốn ở, những công nhân xa quê phải ở nhờ nhà dân, còn tôi do nhà bố mẹ ở gần nên sinh hoạt cũng có nhiều thuận lợi. Thành lập mỏ là bắt tay ngay vào công việc, mỏ chúng tôi khai thác lộ thiên nên việc trước tiên là kéo điện vào mỏ, sau đó cùng chuyên gia Liên Xô lắp máy khoan, máy xúc để bóc đất đá. Buổi sáng 6 giờ xe đưa lên núi, buổi chiều cũng lại 6 giờ xe mới đưa về. Nước ngọt không có phải ra vịnh rửa ráy qua loa bằng nước biển. Bấy giờ có câu truyền miệng của thợ mỏ là: “Sáng ăn cơm tiệm, tối ra vịnh ngồi” …

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

MÀU ĐẠI NGÀN

 


MÀU ĐẠI NGÀN

                   Bút ký  của Cao Ngọc Thắng


 

    Vào những ngày hạ tuần tháng Tám năm 2016, hoàn lưu sau bão số 3 chưa dứt hẳn, ở Hà Nội vẫn mưa ròng rã mà trong này nắng chan hòa, ánh mặt trời phủ lên đại ngàn một màu tươi tắn, sống động, lung linh, khiến mỗi bước chân cứ chùng chình không nỡ rời khỏi tán rừng rười rượi phả hơi mát lạnh đê mê, tiếng suối thì thào quyến luyến, tiếng thác đổ nhịp nhàng vang vọng…

 

   Tôi lắng nghe nhịp thở cường tráng của một cơ thể có sức sống thanh khiết và đầy ắp sinh khí ẩn tàng trong điệp trùng giao hòa trời đất, khác hẳn những nơi đồi núi trơ khấc, sỏi đá trần trụi lúc phơi mình dưới nắng trời gay gắt, khi vật vã lăn trượt trong lũ quét, để lại những vết lở loét hoắm sâu, nhức nhối và tội nghiệp.

Đặc điểm nổi bật ở vùng sơn cước phía tây bắc tỉnh Thanh Hoá là sự tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa với năm loại kiểu thảm rừng phát triển trên những loại đất phong hóa từ các nền nham thạch khác nhau, có sự tương đồng cao về khu hệ động thực vật so với Cúc Phương gần đó (chỉ cách 25 kilômét), trải rộng trên địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Sơn, tổng diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái.

   Thị trấn Quan Sơn cách Thành phố Thanh Hóa gần 150 kilômét, đi tiếp 58 kilômét nữa sẽ tới cửa khẩu quốc tế Na Mèo, giáp nước bạn Lào. Cuối quốc lộ 15, xe chúng tôi rẽ trái vào quốc lộ 217 (rẽ phải là về thị trấn Cành Nàng – huyện lỵ Bá Thước), con đường vừa được nâng cấp và mở rộng, phẳng phiu, vạch sơn phân luồng xe còn mới toanh, vậy mà người dân ven đường bảo: vẫn chưa được nghiệm thu. Hỏi vì sao? Trả lời: lớp bê tông nhựa chưa đủ độ dày đấy.

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

TÌM VỀ

 TÌM  VỀ


          ĐÀO THANH CƯỜM

Đã lâu con mới tìm về
Mảnh vườn xưa vẫn nằm kề bờ ao
Vẫn cây ổi cạnh hàng rào
Đến ngày quả chín chào mào về ăn

Mép bùn vẫn vạt rau răm
Dưới ao cá lội sủi tăm tìm mồi
Bao mùa con nước đầy vơi
Cầu ao soi bóng một thời tuổi thơ

Con về gặp mẹ trong mơ
Tìm hình bóng mẹ bây giờ ở đâu?
Giá mà được hỏi mẹ câu
Lúc sinh con mẹ chôn (nhau) chỗ nào?

Bờ ao hay cạnh hàng rào
Âu sành hay mẹ gói vào nón mê?
Nuôi cây quả chín chim về
Ríu ran tiếng hót vườn quê yên bình.

Ngày giỗ mẹ con viết bài thơ dâng lên mẹ kích yêu của chúng con.
 

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

27 THÁNG 7 VÀ NHỮNG CON SỐ

 27/7 VÀ NHỮNG CON SỐ LIÊN QUAN !


            - Có 1.146.250 Liệt sỹ trên cả nước.

         + 191.605 Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp

          + 849.018 Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ

         + 105.627 Liệt sỹ hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…)

             - Hơn 200.000 hài cốt Liệt sỹ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Cam pu chia, Biển Đông…

          - Hơn 300.000 hài cốt Liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị…

CON NGƯỜI ĐANG CHỜ ĐỢI ĐIỀU GÌ?

 CON NGƯỜI ĐANG CHỜ ĐỢI ĐIỀU GÌ?

(Đọc Người chờ sấm, tập truyện ngắn của Lã Thanh Tùng, Nxb Dân trí, 2016)  

                            BÙI VIỆT THẮNG   

                                                                                              bui-viet-thang

NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG

          Trong Tuyện ngắn tinh tuyển 60 năm báo Văn nghệ (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008), Lã Thanh Tùng đứng chân một truyện Người chờ sấm. Trước đó tôi đã đọc Lã Thanh Tùng. Đến Người chờ sấm thì chợt nhận ra đây là một người sống chậm và…viết chậm. Không biết cảm nhận của tôi có đúng(?!). Nhưng tôi tin vào linh cảm nghề nghiệp của mình. Không kể truyện dịch, đến nay Lã Thanh Tùng đã sở hữu ba tập truyện ngắn Sân siu và đắm dạt (2005), Cây kén và người tri kỷ ((2006) và Người chờ sấm (2016). Nếu cần thì kể thêm mấy truyện in chung trong tập Những giấc mộng kín (2000). Lã Thanh Tùng tâm sự về nghề văn một cách chân thành: “Viết là sống thêm một cuộc sống nữa, bằng ngôn từ, hướng về cái lý tưởng. Thuyết phục được công chúng càng hay, nhưng ít nhất cũng đem niềm vui, sự thanh thản đến cho mình và cho ai đó tri kỷ”. Thỉnh thoảng đến báo Văn nghệ, tôi lại thấy cái dáng cặm cụi của Lã Thanh Tùng, kể cả khi là biên tập viên và nay là Phó Tổng biên tập, trong một góc nhỏ của mình ở tòa nhà số 7, Trần Quốc Toản, Hà Nội. Cái dáng cặm cụi ấy đi vào văn Lã Thanh Tùng.

CHÙM THƠ BÙI THU NGA

 


CHÙM THƠ BÙI THU NGA 


NHỚ

 

Người xa tít tận chân trời

Nhớ mong gửi gió vạn lời yêu thương

Chim bằng vạn nẻo tha hương

Thủy chung mòn mỏi Tiêu Tương sóng trào

 

 

HẸN MÙA

Mồ hôi thành cơm thơm
Mùi rạ rơm ngai ngái
Gió trên đồng hoang hoải
Hình như đang mệt nhoài

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

TRẦN ĐĂNG THAO GIỄU VŨ NHO

 


Trần Đăng Thao giễu Vũ Nho

TS. Nhà thơ Trần Đăng Thao, cựu TBT báo Giáo dục và thời đại chơi với tôi đã lâu. Ông có tài xuất khẩu thành chương. 5 bước xong một bài thơ. Ông cũng là nhà thơ hài hước hay đùa cợt bạn bè.   Nhân chuyện gì đó, ông viết 5 bài thơ "khủng bố" Vũ Nho. Tôi đều có đáp từng bài và  coi đây là những bài SIÊU VIỄN TƯỞNG có thể đề cử giải Nobel!

GỬI...CHÚ VŨ

Thẳng xuống Phan Đình Giót

Thăm nhà chú Vũ Nho

Chỉ ngại chín giờ sáng

Chú còn ngáy kho kho

Bà lão bê chậu nước

Tấm khăn mặt vắt vai

Mình ơi dậy ! Dậy ! Dậy

Bác Đăng Thao đến roài !

Bác ngồi trên ghế nghía

Chú vẫn ú ớ hoài

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Chủ đề BÃO trong thi ca tiếng Đức

 Chủ đề BÃO trong thi ca tiếng Đức 

Chuyển ngữ Nguyễn Văn Hoa ( Tháp Dương Bắc Ninh)





Ước gì mình là vợ của bão
Anna Ritter(1865-1921)

Ước  là vợ của bão
Minh không nên sợ hãi
Sẽ sống chóp núi đá,
Nơi đại bàng trú ngụ.

Mặt trời  là bạn chơi
Gió cận vệ của mình
Mình sẽ đến với chồng 
Trên  đám mây phù du.

Mình sẽ được tự do
 Tự hào và vĩ đại
Nữ hoàng nơi xa xôi
Dưới  mình là hạ giới
Trên mình những vì sao

Anna Ritter (1865-1921)

Ich wollt, ich wär des Sturmes Weib

Ich wollt, ich wär des Sturmes Weib,

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

CHÙM THƠ HOÀNG VĂN NĂM

 


CHUA

Dơ tay hái quả khế chua

Gói vào khoảng nhớ giấc mơ chưa tròn

Đầu thu cái nắng héo hon

Rọi vào trái bưởi vẫn còn thấy chua

 

 

HƯƠNG THU 

 

Hàng cây bỗng hát vi vu

Heo may gió thổi như ru hồn người

Hoàng Lan bung tỏa nụ cười

Hương thơm dịu nhẹ đất trời vào thu.

 

 

NỢ THƠ

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

TÀI ỨNG ĐỐI CỦA ĐINH NHẬT THẬN

 Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau: Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. (“Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”).


  
Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán:     
- Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không?

Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi:  
- Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?     
Ông bình tĩnh đáp rằng:
- Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi: 
- Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể:    
- Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng:
            
Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     我逢黯主含冤忍,            
Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà?          爾遇明君溺死何?
  
Có nghĩa:
         
Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,        
Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy?

... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!
     
Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.
 
 
Giai thoại

CHÙM THƠ BÙI THU NGA

 

CHÙM THƠ BÙI THU NGA 

BÂNG KHUÂNG

Giao mùa gió nhớ lang thang
Bâng khuâng cúc vàng cuối ngõ
Thượng tuần trăng lu vàng võ
Như là … đông thập thò sang

Len xanh, tay em dịu dàng
Dệt thương yêu từng lóng sợi
Bao nhiêu nhớ mong vời vợi
Ơi người phương ấy lạnh không?

Ngước nhìn trời đất mênh mông
Nôn nao hương hoa đồng nội
Ngóng trông cánh chim vời vợi
Người về… áo cưới xe hoa

 

 

 

NHỚ

 

Người xa tít tận chân trời

Nhớ mong gửi gió vạn lời yêu thương

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

AI ĐÃ SÁNG TẠO RA THƠ LỤC BÁT?

 



AI ĐÃ SÁNG TẠO RA THƠ LỤC BÁT? 


                            THUẬN NGHĨA

Đã là người Việt Nam thì trong đời mình ai cũng đã từng nghe, từng đọc, thậm chí từng thuộc vài ba câu Lục Bát. Và có thể ai cũng đã từng là tác giả của một bài lục nào đó. Lục bát có trong lời ru của Mẹ, trong Ca Dao, có trong sấm ký, và có trong kho tàng Thi ca của nước Việt. Từ những câu nói có vần, đến những điều hò điệu lý, câu hát giao duyên cho đến những tác phẩm văn học đồ sộ như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật (Nguyễn Đình Chiểu)..., và kể trong những ý chỉ truyền thừa của đạo giáo, gia phả hay là y thuật cũng đều có sự đóng góp của Lục bát.
Ngày xưa Lục bát không được truyền dạy trong học đường, và không có trong khoa cử. Đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, và sau này đến Tản Đà thì Lục bát mới thật sự được công nhận là một thể thơ đặc biệt, riêng biệt và rất đặc biệt của Việt nam. Từ đó mới hình thành niêm luật bằng trắc qui định cho thể thơ này.
Không ai có thể khẳng định Lục bát có từ khi nào, nhưng có một điều chắc chắn mà ai cũng biết và công nhận là Lục bát có xuất xứ từ Ca Dao. Mà Ca Dao thì có từ thủa hồng hoang dựng nước. Ca Dao có từ thời vua Hùng, và có thể có từ trước đó nữa, từ buổi sơ khai của nền văn hóa lúa nước.

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

MOM SÔNG GIÓ BUỐT

 MOM SÔNG GIÓ BUỐT

 

 
  
nh_v_thin_khi_1

TRUYỆN NGẮN CUA VŨ THIỆN KHÁI

 


      Năm 19… bệnh tả khởi phát rồi bùng nổ thành đại dịch quét qua làng Bồng Hải. Hậu quả của nó để lại vô cùng đau thương tang tóc. Có nhà bị xóa sổ không còn một nhân khẩu. Nhiều nhà bị lưỡi hái thần chết cắt xoẹt một hai mạng người. Dù đã ở riêng biệt một mình một nóc nhà tranh nhỏ cạnh mom sông Cái, cách biệt với làng cả một quãng đồng mà hai anh em thằng Xuân cũng không thoát khỏi cảnh một ngày mất cả cha lẫn mẹ. Năm ấy Xuân mới lên mười và thằng Hạ em nó vừa tám tuổi. Song thân hai đứa được dân làng xúm vào chôn cất sơ sài xong đâu đấy thì trời đã ngả chiều. Anh em chú bác chẳng có một ai, Xuân và Hạ ôm nhau cùng khóc, rồi cùng qùi gối trước hai nấm đất đỏ lạy đủ ba lễ. Dân làng ai nấy cũng đang lo bạc mắt vì nạn dịch, nên giục mỗi đứa ôm một bát nhang, dắt díu che chắn cho nhau ngược cơn gió buốt trở về căn nhà nằm chơ vơ ngoài bờ đê. Tối nay trong gian nhà ấy chỉ còn hai nén nhang cháy đỏ, thay cho cha mẹ chúng. Và ngoài sông sóng vỗ suốt đêm, cùng gió heo may lạnh buốt thổi xiết qua khung cửa trống trải từng hồi thê lương ảo não.

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

ƯƠM MẦM…

 ƯƠM MẦM…

       Trần Trọng Giá

Dòng đời trôi lặng lẽ
Níu chi điều mất rồi
Bao lần qua phố cũ
Lặng nhìn nắng chiều rơi.

Ta tin có kiếp sau
Và một miền bóng tối
Mai ngày… thành cát bụi
Hồn về đâu rong chơi?

Còn bao nhiêu khát vọng
Bao duyên nợ ở đời
Hoàng hôn chiều… bước chậm
Sao lòng vẫn chơi vơi?

Đi qua bao ngang trái
Lăn lộn giữa cuộc người
Ta lắng lòng nhìn lại
Những yêu thương bên đời.

Giao mùa, đêm se lạnh
Lặng lẽ dòng đời trôi
Tình ai còn da diết
Ươm mầm thành niềm vui…

Trần Trọng Giá

nghi-luan-y-chi-nghi-luc-1


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Dịch giả Thúy Toàn – Cầu nối văn học Nga Việt

 

Dịch giả Thúy Toàn – Cầu nối văn học Nga Việt

Vanvn- Hoàng Thúy Toàn, chàng trai làng Phù Lưu phường Đông Ngàn thành phố Từ Sơn, là một trong 100 người được Bác Hồ gửi đi đào tạo tiếng Nga ở Liên xô năm 1954, sau khi Bác nhờ Trung Quốc đào tạo 42 người về tiếng Nga năm 1950.

Dịch giả Thúy Toàn

Lớp 100 người đó có nhiều tên tuổi chúng ta biết đến sau này như Chu Nga (phu nhân của Thúy Toàn), Vũ Khoan, Hồ Huấn Nghiêm, Hồ Thể Loan, Đặng Nhật Minh, Trần Khuyến, Lưu Văn Lợi, Vương Thịnh (người dịch bài hát “Đôi bờ“),…

Có thể là một ngẫu nhiên hay một cơ duyên bí ẩn nào đó, Thúy Toàn sau khi học ở Nga về đã tự nguyện gắn bó với nghề dịch văn học Nga. Anh cung cấp các bản dịch in trên báo. Rồi lần lượt in các cuốn sách dịch văn học Nga. Các nhà thơ lớn của Nga như A.Puskin,  Iu. Ler montov, A.Blog, S.Esenhin,  R.Gamzatov, I.Bunhin, F.Chiuchev,… đến bạn đọc Việt Nam qua cầu nối của Thúy Toàn. Anh còn đặc biệt quan tâm đến công việc dịch qua các tác phẩm viết về những người dịch văn học ở Việt Nam, “Dịch văn học, văn học dịch”, “Những người dịch văn học ở Việt Nam”, “Những con ngựa thồ”,…

CHÙM THƠ TẠ THỊ MINH LÝ

 

CHÙM THƠ TẠ THỊ MINH LÝ 

 

Không xa!

 

Dù cuộc đời này có nhiều thay đổi,

Chưa một lần ta nghĩ sẽ xa nhau!

Giữa chúng mình tình xưa đã đổi đâu !

Trong thẳm sâu, tình yêu vẫn một màu,...

 

Để mỗi tối, dù chúng mình lê bước,

Trở về nhà trong một nỗi ưu tư,

Ta không bao giờ muốn phải ậm ừ,

Khi được hỏi, bởi chúng mình là một

 

Vẫn là anh, tình yêu buổi ban đầu,

Là em, thủa xưa cùng hẹn ước...

Ta biết rõ, cuộc đời này sau trước,

Ta vẫn là mặt phải của đời nhau.

 

 

 

 

 Yêu là cuộc sống

 

Khi tình yêu nở hoa,

Trái tim ta nồng nàn ấm nóng

Khi tình yêu bao la,

Gắn ta với người thân và nhân loại...