Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU





MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU
                   Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mối rằng : “Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

Lời bình của Vũ Nho
          Đoạn trích này từ câu số 623 đến câu số 648 trong  Truyện Kiều. Trước đó, Thuý Kiều đã đính ước, thề nguyền với Kim Trọng. Khi Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, gia đình Thuý Kiều gặp tai biến. Bọn sai nha đến bắt Vương ông và Vương Quan, đánh đập, khảo tra. Thuý Kiều quyết định bán mình để cứu cha và em. Qua người mối, Mã Giám Sinh tìm đến ra mắt và xem xét việc mua Kiều.
          Mã Giám Sinh xuất hiện cùng với người mối với tư cách là “viễn khách”. Tư cách đáng ngờ của vị khách này bộc lộ ngay trong hai câu giới thiệu họ tên và quê quán.
Hỏi tên : “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê: “ huyện Lâm Thanh cũng gần”
Câu trả lời “nhát gừng”, cộc lốc cho thấy văn hoá không cao của  gã Mã  mua người. Trả lời câu hỏi tên thì y chỉ khai họ Mã, còn tên thì đưa cái tên “chung chung” có tính chất mập mờ. Giám Sinh có thể là sinh viên trường Quốc tử giám, nhưng cũng có thể chỉ là một phẩm hàm dành cho người đã quyên nhiều lúa nộp quan. Ai biết đâu anh chàng họ Mã này thuộc loại Giám Sinh nào?
          Mã vốn ở Lâm Tri, lại khai là Lâm Thanh. Đó là một lần nói gian. Vừa câu thơ trên, Mã là “viễn khách”, thế mà lại nói là “cũng gần” ( sau này Nguyễn Du tả : Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi, phải đi một tháng tròn đâu có gần), lại thêm một lần gian nữa.
          Họ Mã không còn trẻ nữa:
          Quá nên trạc ngoại tứ tuần
          Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Đây là chân dung của một kẻ ăn chơi. (Sau này Nguyễn Du giới thiệu kĩ  Mã là “một đứa phong tình đã quen/ Quá chơi lại gặp hồi đen/ Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa”). Mã rất chú trọng ăn diện và tỉa tót. ( Có người bảo rằng tướng  mạo của Mã Giám Sinh là tướng mạo của gã đồng cô, “không râu bất nghì”). Dù thế nào đi nữa thì Mã vẫn là một tay “phong tình” rất chú trọng hình thức ăn mặc bảnh bao.
          Những đầy tớ đi theo Mã làm thành một bọn nhốn nháo, ồn ào, không có trật tự, thể thống gì. ( Chỉ sau khi Mã rước Kiều về trú phường, nàng đã nhận ra bộ mặt thật của Mã: “Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh/Khác màu kẻ quý người thanh”).
          Hành động của Mã “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” đã tố cáo y là kẻ hợm của và vô văn hóa. Kiểu ngồi ấy có thể sánh với kiểu ngồi  “vắt nóc” của Tú Bà ( Đúng là “mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”).
          Nhà  nghiên cứu Phan Ngọc đã cho rằng trong con người Mã Giám Sinh là một tập hợp ba quan hệ : là nho sĩ, là lưu manh và cũng là con buôn. Trong màn mua bán này, lộ rõ hơn cả là lưu manh và con buôn. Mã Giám Sinh không mảy may thương xót hoàn cảnh đau khổ của Kiều. Bằng mọi cách, mọi thủ đoạn,  kể cả ép buộc, Mã Giám Sinh “cân sắc, cân tài” của Kiều. Y tính toán  trước một món hàng để bán kiếm lời sau này. Vì thế mà có sự “đắn đo”, vì thế mà có sự “cò kè bớt một thêm hai”. Là con buôn, Mã đã lợi dụng hoàn cảnh gia đình để bắt chẹt, dìm giá tới mức trẻ nhất. Từ nghìn vàng ( Mốii rằng giá đáng nghìn vàng) xuống chỉ ngoài bốn trăm. Cái thời gian trả giá cũng không hề nhanh chóng : “giờ lâu”.
          Trong khi Mã học đòi nho sinh, nói năng nho nhã, dùng điển : “mua ngọc đến Lam Kiều”, không dùng từ ngữ thông thường mà dùng “ Sính nghi” ( đồ dẫn cưới) thì cái hành động “ngồi tót sỗ sàng” bên trên và hành động “cò kè bớt một thêm hai” đã để lộ nguyên hình Mã là tên lái buôn keo kiệt và chặt chẽ.
          Trong khi đó nàng Kiều vô cùng đau khổ.
Nàng đau khổ cho hoàn cảnh gia đình, cho hoàn cảnh bản thân, đau khổ cho mối tình vừa mới gắn bó, thề nguyền giờ đành phụ bạc.
          Nước mắt không thể giấu được trên khuôn mặt nàng:
          Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng
Nỗi ngượng ngùng, tủi hận làm cho nàng phải “dày mặt” ra tiếp xúc với gã lái buôn họ Mã. Nàng là hiện thân của nỗi đau khổ, câm lặng. Nàng mặc cho người mối “vén tóc, bắt tay” giới thiệu như một món hàng. Và chắc là nàng cũng phải “cắn răng” mà đánh đàn, làm thơ để cho khách mua “cân tài cân sắc”.
          Hai con người, hai tính cách và tâm trạng khác hẳn nhau trong một khung cảnh mua bán.
          Chỉ trong hơn một chục câu thơ, Nguyễn Du đã dựng lại thật sinh động và thấm thía cảnh “đi” và “mua” của nhân vật Mã Giám Sinh. Hình thức bảnh bao bề ngoài, lời nói văn hoa, sách vở không che lấp được bản chất lưu manh, buôn người của gã bợm già họ Mã.
          Thái độ của Nguyễn Du là cảm thông, đau xót cho Thúy Kiều; khinh bỉ, coi thường  tên nhà nho giả danh,  tên lưu manh, con buôn họ Mã. Nhưng thái độ ấy ông không thể hiện trực tiếp mà để cho nhân vật Mã Giám Sinh tự bộc lộ. Nguyễn Du cao tay chính là ở chỗ đó./.















1 nhận xét: