Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Vũ Thiện Khái & Mạch ngầm con chữ chảy mãi sông nguồn

 

Vũ Thiện Khái & Mạch ngầm con chữ chảy mãi sông nguồn

                                                  ĐỖ XUÂN THU

Bạn đọc trang  Tác phẩm & Bạn đọc đã đọc nhiều truyện ngắn của nhà văn Vũ Thiện Khái trích từ tập PHỐ NINH CỐ SỰ.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Đỗ Xuân Thu đăng trên vanvn.vn ( trang Website của Hội nhà văn Việt nam).

BAN BIÊN TẬP TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC

 

Vanvn- Tác giả Vũ Thiện Khái ở Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh vừa trình làng tập truyện ngắn thứ 5 và là tập sách thứ 6 trong nghiệp viết của ông. Đó là tập “Phố Ninh cố sự”. Cuốn sách này tập hợp 17 truyện ngắn mà ông sáng tác trong những năm gần đây. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10.2020. 

Vẫn nối tiếp mạch nguồn con chữ trong tập “Sông nguồn”, Vũ Thiện Khái đưa độc giả vào một thế giới vừa thực vừa ảo, đầy hấp dẫn. Từng trang, từng truyện như có ma lực cuốn hút người đọc ngược lại theo sông Nguồn, qua bến Phù Vân để về làng Kỳ Lân nào đó với những núi Chúa, thung lũng Cô Hồn, vụng Đức Ông… để gặp bao nhiêu nhân vật vừa thực vừa ảo, không rõ từ năm nảo năm nào, cứ hiện lên sờ sờ trước mặt. Hầu như tất cả các truyện trong tập sách này đều có yếu tố tâm linh. Bập vào những dòng đầu tiên của mỗi truyện, tôi không thể nào rời được trang sách. Nhiều đoạn, nhiều truyện tôi phải đọc đi đọc lại mấy lần vì bị lạc giữa bến Mê của tác giả. Ông đã dẫn dụ tôi đi tới những con chữ cuối cùng của truyện, cuối cùng của tập sách.

“Phố Ninh cố sự” – tập truyện ngắn của Vũ Thiện Khái 

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

BALLAD KHÁC - CÂU HỎI VỀ KIẾP NGƯỜI. Nguyễn Quang Thiều

 

BALLAD KHÁC - CÂU HỎI VỀ KIẾP NGƯỜI. Nguyễn Quang Thiều

Thứ sáu - 28/08/2020 02:08

Thơ Ngô Đức Hành Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu
BALLAD KHÁC - CÂU HỎI VỀ KIẾP NGƯỜI. Nguyễn Quang Thiều

 

     Một ánh sáng bàng bạc, xa xôi, thẫm buồn và đầy bất trắc. Đó là những gì đi theo tôi dọc những bài thơ trong tập thơ này của nhà thơ Ngô Đức Hành. Khi cầm bút làm thơ được ít năm, tôi dần dần rời bỏ những du dương và những thỏa mãn tâm lý cũng như sự chiều chuộng của ngôn từ.

Bởi cuộc sống mà tôi đang sống trong đó có quá nhiều bất trắc và thơ dễ dàng trở thành sự phản bội lại đời sống. Chính đó mà khi những câu thơ của nhà thơ Ngô Đức Hành vang lên, tôi đã tìm thấy một phần tinh thần của đời sống thi ca đương đại.  Không hiểu sao, những câu thơ “ngắm hoa thưởng trà”, những cảm xúc mơ mộng lúc này với tôi như là một sự sai lầm nào đó trong lương tâm của nhà thơ cho dù về nghệ thuật nó có thể chạm vào một điều gì đó.

    Bởi sự thật, chúng ta đang sống trong một đời sống mà nỗi thất vọng đôi khi là tuyệt vọng như vượt lên những niềm vui, sự bình yên của con người. Thi thoảng, vào buổi sáng, tôi vẫn đọc facebook của bạn bè trong đó có facebook của nhà thơ Ngô Đức Hành. Và tôi thấy sự buồn bã và nổi giận của ông về những điều tồi tệ trong cuộc sống. Cách thức dậy của một nhà thơ đương thời này phải là cách họ đặt những câu hỏi về cuộc sống đang đến với họ, với cộng đồng của họ trong một ngày mới.

Sáng ra buồn mênh mông

Đời không ưa chầm chậm
Thế nào là đáng sống
Thế nào là yêu thương?

     Những câu hỏi như vậy đã làm nên tư cách và tư thế của một nhà thơ. Câu trả lời lớn nhất và cũng là khó khăn nhất đối với mỗi con người, đặc biệt đối với một nhà thơ là câu hỏi chúng ta phải sống ra sao. Không trả lời được câu hỏi về lẽ sống thì không có câu trả lời về nơi đến của thơ ca, của nghệ thuật. Không phải bây giờ con người mới đặt câu hỏi về điều đó mà nó đã được đặt ra từ khi con người nhận ra gianh giới giữa NGƯỜI và VẬT. Nhưng lúc này, câu hỏi ấy như gấp gáp hơn, cần thiết hơn bởi chưa bao giờ trong xã hội, chúng ta lại phải chứng kiến và đương đầu với những thách thức phi nhân tính như hiện nay. Nếu một nhà thơ không nhận ra điều ấy thì nhà thơ chỉ là kẻ ngủ quên trong những mỹ từ để thỏa mãn chính mình, nếu nhà thơ không biết đặt câu hỏi ấy thì những gì nhà thơ viết sẽ chìm vào vô nghĩa. Nhà thơ Ngô Đức Hành đã nhận ra những điều đó và đã đặt những câu hỏi đó.

CHIẾC LÁ

 


 
CHIẾC LÁ

       ĐÀO THANH CƯỜM

Cảm thương chiếc lá vàng khô
Đêm dài thao thức mơ hồ bóng ai ...
Tươi xanh một thuở ban mai
Nổi chìm đã lắm, chịu hoài nắng thiêu

Vàng khô bởi thiếu nước chiều
Sông xa vẫn nhớ thầm yêu lá buồn
Ước mong trời đổ mưa nguồn
Lộc non trôi xuống nhập hồn lại xanh.

 

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Người sống với văn chương cùng thời

 

Người sống với văn chương cùng thời

“Thi pháp truyện ngắn hiện đại” là công trình nghiên cứu chuyên biệt thể loại mới nhất của tác giả Bùi Việt Thắng.

Cuốn sách được chia làm hai phần: Phần thứ nhất “Truyện ngắn Việt Nam hiện đại – Cảnh quan và tác giả”.

Trong phần này có hai tiểu luận về truyện ngắn Việt Nam 1945-1975 và truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Hiện thực hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn là phần viết về 10 nhà văn thành danh với truyện ngắn: Kim Lân, Anh Đức, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam.

Phần thứ hai Những sắc cầu vồng truyện ngắn, mở đầu bằng tiểu luận “Một lứa bên trời” (Về diện mạo và khuynh hướng phong cách truyện ngắn thế hệ 5X và 6X). Tiếp theo tiểu luận công phu kể trên là phần bình luận truyện ngắn của 10 cây bút nổi bật trên văn đàn đương đại: Nguyễn Quang Thiều, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng, Võ Thị Xuân Hà, Như Bình, Vũ Minh Nguyệt, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Văn Chinh, Nguyễn Trường.


Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.

Có thể nhận thấy rằng giai đoạn 1945- 1954 truyện ngắn vẫn là dòng chảy liên tục, nhưng nhà nghiên cứu đánh giá: “Truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954, cũng giống như thơ ca, có cái nền rộng, có tính chất phong trào, “ít tính chuyên nghiệp” so với giai đoạn 1930 – 1945″ (tr.11). Nó có đặc điểm là “vặn mình” đổi thay; vỡ ra về khuôn khổ; không gian nghệ thuật được mở rộng.

ĐÊM NOEL


 

ĐÊM NOEL

Truyện ngắn của Thu Lâm

 thu_lm

Cái tên Tạ Bích Việt nghe vừa nặng nề vừa nam tính, ấy vậy mà lại được đặt cho một cô gái. Hồi đó chưa có siêu âm ba chiều hiện đại như bây giờ để xác định giới tính khi người mẹ mang thai. Bởi vậy, khi mẹ cô sắp đến ngày sinh nở thì bố cô được điều đi công tác nước ngoài gấp. Trước khi đi, ông dặn lại vợ nếu là con gái thì đặt tên là Bích, còn nếu con trai thì đặt là Việt.

Một tháng sau, cô bé được sinh ra nặng hơn ba kí lô, bụ bẫm kháu khỉnh, tóc rậm rịt, mặt mũi phương phi như một bé trai. Các cô trong kíp đỡ đẻ reo lên: "A! Con trai!" Rồi dơ lên cho mẹ bé xem, bỗng một cô lại reo lên: "Ơ! là con gái, cu cậu kháu thật đấy, khóc rõ là to...".  

Mẹ cô sung sướng nhìn đứa con mang nặng đẻ đau mới được sinh ra, bao nhiêu mệt nhọc đau đớn tiêu tan hết. Trai hay gái đều là kết quả tình yêu của bố mẹ cô. Bà áp cô con gái bé bỏng vào ngực, truyền hơi ấm và sức sống mới cho cô.

-   Thế chị đặt tên con là gì để còn vào sổ và khai giấy chứng sinh?

Một cô trong kíp đỡ đẻ hỏi.

Mẹ chẳng cần suy nghĩ nói luôn:

-   Tên bé là Bích Việt - Tạ Bích Việt.

-   Con gái xinh thế này mà sao chị lại đặt tên Việt như tên con trai vậy.

-   Cứ ghi tạm thế đi, chồng tôi anh ấy thích như vậy. Sau này muốn đổi thì khi làm giấy khai sinh tôi sẽ sửa sau.

Thế rồi sau đó mẹ cô một mình nuôi con bận bịu vất vả, chẳng có thì giờ nghĩ đến việc đổi lại tên cho con. Việc làm giấy khai sinh cũng phải nhờ người làm hộ. Vậy là cái tên Bích Việt đã theo cô suốt đời.

Ngạn ngữ có câu: "Người làm sao của chiêm bao làm vậy". Bích Việt "trộm vía" dễ nuôi, dễ ăn, dễ ngủ. Cô cứ lớn dần theo năm tháng thành một cô bé khoẻ mạnh, nghịch ngợm, hiếu động vô cùng. Bố mẹ cô nói đùa: "Cái tên nó vận vào con bé nhà mình hay sao ấy". Được cái tuy nghịch ngợm nhưng nó ngoan và học giỏi.

Bố mẹ đã rất yêu quý và cưng chiều cô vì cô là con một, nhưng không vì thế mà cô bé ỷ lại, luôn tự mình làm mọi việc như một cậu con trai có bản lĩnh.

 

Ngay từ khi cắp sách đến trường Bích Việt luôn đứng đầu lớp, không những về học lực mà còn về khả năng dẫn dắt. quy tụ bạn bè. Bởi vậy các chức danh tổ trưởng, lớp trưởng… cô luôn được mọi người và thầy cô tín nhiệm bầu.

Cho tới khi cô học đại học cũng vậy, Bích Việt vẫn giữ được vai trò “thủ lĩnh”. Những hoạt động chính khóa, ngoại khóa, những cuộc đi chơi dã ngoại xa gần, bạn bè đều tôn vinh cô là “người truyền cảm hứng” tổ chức và dẫn dắt đội nhóm thành công.

VĨNH BIỆT PGS.TS. NHÀ THƠ VŨ DUY THÔNG!

 


 VĨNH BIỆT PGS.TS. NHÀ THƠ VŨ DUY THÔNG!

Thông tin từ một số nhà văn, nhà báo cho biết, PGS.TS. nhà thơ Vũ Duy Thông đã rời cõi tạm trưa 28 tháng 5 năm 2021 (ngày 17 tháng Tư năm Tân Sửu), hưởng thọ 77 tuổi (1944-2021). sau một thời gian lâm bệnh nặng.



Xin chia buồn  sâu sắc với gia đình nhà thơ!

Cầu chúc cho linh hồn ông  siêu thoát miền Cực lạc! 

Xin đăng lại bài thơ "Bè xuôi sông La"  của ông với lời bình như một nén nhang thơm vĩnh biệt!

vunhonb.blogspot.com

 

BÈ XUÔI SÔNG LA

 Vũ Duy Thông

 

Bè ta xuôi sông La

Dẻ cau cùng táu mật

Muồng đen và trai đất

Lát chun rồi lát hoa

 

Sông La ơi sông La

Trong veo như ánh mắt

Bờ tre xanh im mát

Mươn mướt đôi hàng mi

 

Bè chiều đi thầm thì

Gỗ lượn đàn thong thả

Như bầy trâu lim dim

Đằm mình trong yên ả

Sóng long lanh vẩy cá

Chim hót trên bờ đê

 

Ta nằm nghe nằm nghe

Giữa bốn bề ngây ngất

Mùi vôi xây rất say

Mùi lán cưa ngọt mát

 

Trong đạn bom đổ nát

Bừng tươi nụ ngói hồng

Đồng vàng hoe lúa trổ

Khói nở xòa như bông

(…)

Sông La ơi sông La

Trôi mềm như lá lúa

Có nghe gỗ vặn mình

Đổ ầm lưng vách đá

(…)

Nghe sức ta lòng ta

Chở Trường Sơn cao ngất

Gỗ khép lòng sông chật

Sào vít ngang trăng ngà

Bè ta xuôi sông La…

 

Lời bình của Vũ Nho

NẾU BẠN ĐỌC CÓ TRONG TAY CUỐN “ THƠ GIẢI THƯỞNG BÁO VĂN NGHỆ 1969” CỦA NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC THÌ HẲN LÀ SẼ HƠI NGẠC NHIÊN. CON SÔNG LA Ở ĐÂY CÓ MỘT VẺ GÌ HƠI KHANG KHÁC. ĐÚNG NHƯ VẬY. NÓ KHÔNG DÀI NHƯ HỒI ẤY. MÀ LẠI THÊM MỘT KHÚC Ở CHỖ THƯỢNG NGUỒN. ẤY LÀ ĐOẠN “SÔNG” NÀY:

CHÙM THƠ THÁNG 5/2021 của ĐƯỜNG VĂN



 CHÙM THƠ THÁNG 5/2021


    ĐƯỜNG VĂN

ng_vn_1
               TS. ĐƯỜNG VĂN

TRẦN LÃO BÁT HAM VUI

                                                       Kính tặng anh -
Họa sỹ - Thi sỹ Trần Nhương

Trần Ham Vui lão bát
Mở trang web gọi mời
Bạn bầu trong thiên hạ
“góp cổ phần” cùng chơi

Năm nao, lão dạy Vẽ
Đông ngạc – Vẽ - trường tôi.
Sau xung phong nhập ngũ
Trường Sơn, viết – vẽ tơi bời

Chuyển ngành, về Hà Nội
lại làm báo, viết văn
vẫn đều đều ra sách,
 4 lần triển lãm tranh

80! nhanh như sóc
Chụp hình, vẽ, săn tin...
Đâu vui, lão chầu đấy!
Chẳng khác hồi hoa niên.

Đêm, cặm cụi lên trang
Lan tỏa khắp hành tinh
Khề khà khẽ nâng chén
nhâm nhi sướng một mình

Họa phẩm trưng khắp phòng
Nào sơn dầu, chân dung,
Nào chì than, màu nước...
Bút lực còn rất sung!

Gừng già ấy gừng quế
Trần - Đông A nối dòng
Kính nheo nheo, “Khúc khích
Văn nhân” cười, thong dong

Ngắm tranh Trần Ham Vui
Quên cả chiều đang rơi
Về , xem kỹ “Khoảnh khắc...”
Phục!... Chẳng nói nên lời.

Trần Tiên sinh – Anh tôi!

* Đăng trên Câu lạc bộ Văn chương. com, ngày 27/5/2021

Ngày Bầu cử QH&HĐNDCC
Chủ nhật 23/5/2021
ĐV




CỔNG  NHÀ  AI

Cổng nhà ai,
                  có phải đẹp nhất phường!?
Đôi cánh gỗ nâu
                           trầm mặc
“Quang tiền thùy hậu”
                                     “Xuân mãn Từ đường”
Sù sì tùng bách,
                        ngơ ngác sơn dương.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

THƠ HAIKU THẾ GIỚI CHỐNG DỊCH COVID

 

THƠ HAIKU THẾ GIỚI CHỐNG DỊCH COVID Sửa

Đại dịch khủng khiếp Covid-19 ,xưa nay chưa từng thấy-mấy năm nay đang tàn sát,đảo lộn nhân loại -ngày càng lan tỏa ,khốc liệt và tàn bạo hơn.Toàn thế giới đang chung sức,chung lòng chống lại quyết liệt.Những vần thơ Haikư trong nước và trên thế giới luôn theo sát cuộc chiến vô hình này không ngơi nghỉ.Xin hãy tiếp tục đề tài đặc biệt trong suốt cuộc chiến vô hình kinh khủng ,lâu dài này.
Trân trọng giới thiệu tiếp một phần thơ Haikư Thế giới đăng trên WHA Review số 17-2021.

 BAN BIÊN TẬP

                          COVID -19
               **Alexandra Ivoylova **
                      ** Bulgaria**                           
1-   Ombres printanières / seuls les pigeons / s'embrassent
 -  Bóng cây mùa xuân 
   Chỉ thấy bồ câu 
    từng đôi âu yếm

2-  Des  masques / nos regards soupconneux / se croisent
 -  Bịt kín khẩu trang  
    Những ánh mắt nghi ngờ 
    giao nhau
    

 3-  Dans la rue / un homme sans masque / attire mon regard 
Trên đường phố  
   có người đàn ông không đeo mát
   khiến mình quan tâm

 4-  L'amour attend / que les masques / tombent
 Tình yêu chờ đợi 
    lúc khẩu trang 
     rơi

 5-  Ville silencieuse / seuls les hôpitaux / ne s'endorment pas 
  -  Thành phố lặng như tờ 
      chỉ có Nhà Thương 
      ngày đêm không ngủ  
                                                           ********            
 

                                    
                    NADEJDA  KOSTADINOVA 
                     ** Bulgaria**

 1-  Frightening dream / so many strangers/ not keeping their distance
-  Giấc mơ dữ dằn 
    bao người lạ hoắc
    không chịu sắp hàng đúng cự ly

 2-  Pandemic year / all my pretty dresses / getting old  
Năm mới Đại dịch 
   Áo diện của mình
  thảy đều quá mốt !

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

NGƯỜI SÁT ÂM LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO


 

NGƯỜI SÁT ÂM LÀ NGƯỜI

NHƯ THẾ NÀO

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

*


Theo tín ngưỡng dân gian thì người Sát Âm là người có thể nhìn thấy người âm, thậm chí nghe được người âm nói chuyện nhưng không giao tiếp (trò chuyện) được với người âm. Điểm đặc biệt ở người Sát Âm là dễ bị các âm linh mượn xác để nhập vong. Còn những người hoặc "có cốt tiên" (là những “tiên cô tiên cậu”, những "nguyên thần"... ở cõi Trời vì lý do nào đó mà đầu thai chuyển kiếp xuống cõi Trần), hoặc là "người của Tứ Phủ", có số "Mở Phủ Trình đồng" thì có thể giao tiếp với người âm, thậm chí còn tương tác tình cảm (ái, ố, hỉ, nộ) với người âm như hai người ở cùng một cõi.

Ngoại trừ những người có khả năng giao tiếp ngôn ngữ nói với người âm - là nhóm người rất ít trong xã hội, có thể chuyện trò, tương tác với người âm như 2 người đang sống mà không lo sợ sẽ bị người âm "bắt hồn" về cõi Âm ti - Địa phủ, ví như giấc mơ trong câu chuyện sau:

"Hoảng hốt thấy tủ sách cạnh cầu thang không còn. Nhìn vào thì phòng trống trơn. Định lên tầng thì một nhóc trai trong xó nhà vọt chạy. Đuổi theo nhưng không kịp, quay về lại thấy bố con anh Quý cùng 1 thanh niên đang dọn phòng.

Định đi ngủ thì 5 thanh niên vào chào tạm biệt.

Hỏi: - Các cậu là ai?

Áo đen trả lời: - Quấy quả anh đủ rồi.

Áo vàng cười nhạt: - Anh tò mò thế.

Giật mình hỏi: - Là mấy vong vẫn trêu tôi?

Áo trắng toét miệng: - Biết làm gì?

Sợ quá, tỉnh giấc. Ngó đồng hồ: 3 giờ 45.

Người mệt nên mơ vậy?

Ghi lại để kiểm chứng."

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Cảm thức đồng hiện trong Giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh

 


Cảm thức đồng hiện trong
Giấc mơ màu cỏ của Cao Hạnh

TS. BÙI NHƯ HẢI

Nhân dịp giới thiệu tập thơ Giấc mơ màu cỏ, tôi muốn nói thêm đôi điều để một số độc giả chưa biết hoặc mới chỉ nghe qua hiểu rõ hơn về nhà văn Cao Hạnh. Ông tên thật là Cao Hạnh, bút danh Cao Lê, sinh năm 1953, tại làng Linh Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cao Hạnh hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ

Sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Các tác phẩm đã được xuất bản như Bồ câu xám (1997), Huyền thoại tình yêu (1998), Vú cát (2007) và vở kịch Bức thư người giúp việc (chuyển thể từ truyện ngắn) được giải nhất kịch ngắn toàn quốc năm 2005,… Những tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn và kịch bản được bạn đọc yêu mến,  và đón đọc nồng nhiệt. Nhưng vốn dĩ, là một người đa tài, nên Cao Hạnh đã không dừng lại ở hai địa hạt đó, còn lấn sang cả lãnh địa thơ ca. Và rồi Nàng thơ cũng đã góp phần nâng thêm “đôi cánh nghệ thuật” cho Cao Hạnh bay cao, bay xa trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại. Chúng tôi giới thiệu vài nét như thế, là để bạn đọc nhận ra được một gương mặt đầy tài năng, tuệ mẫn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, mà ở lĩnh vực nào Cao Hạnh cũng gặt hái được những thành công đáng nể, để lại dấu ấn nhất định trong lòng độc giả, bạn bè văn chương và giới nghiên cứu, phê bình văn học.

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

LÁ RỤNG VỀ CỘI

 


LÁ RỤNG VỀ CỘI

 

           

                                                               TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 

 
  

Căn nhà ba gian hai trái của gã làm theo kiểu Bắc. Khuôn sân nhỏ và mái tranh được mấy tầng xanh thẫm tán cây cầy che mát suốt ngày. Thân cây này chừng ba người giang tay mới ôm giáp một vòng. Thời chiến tranh chống Mỹ, vùng này bom đạn ác liệt thế, chả hiểu sao nó không bị phạt đứt cành nào. Cứ sừng sừng đứng trên đỉnh dốc thả bóng râm che gần hết đoạn đường thoai thoải chạy xuống bến đò. Mùa mưa nước sông dâng cao, từ chân sóng lên đỉnh dốc chỉ còn vài chục mét. Ngồi trước cửa nhà, gã có thể phóng tầm mắt bao quát gần hết mặt sông vắng lặng, lâu lâu mới bị khuấy động bởi một bóng chim bìm bịp đơn độc kêu vài tiếng rồi vỗ cánh bay sang phía bờ bên kia. Người qua sông chủ yếu là dân xã kinh tế mới đi làm rẫy. Tầm tám giờ sáng đã hết khách, ông lái đò cắm sào rồi lừ đừ leo dốc ngồi gà gật trên tấm ván bìa gã dùng làm ghế đặt cạnh gốc cây cổ

Từ thành phố, Ba Khốt về đây theo diện kinh tế mới. Hắn không chọn nhà trong khu dân cư mà nhắm cái bến đò hẻo lánh này. Mình nóng tính. Ở chỗ đông người, hay va chạm, dễ nổi nóng táng thằng nào đó một phát nặng tay, xơi cơm tù, ngán lắm. Ấy là lời hắn rủ rỉ với gã sau hai ly rượu sắn. Chả biết hắn nói thật hay còn nguồn cơn nào khác. Phải công nhận thằng cha này chuyện gì cũng biết. Như là chiều nay, thấy gã nhướng mắt nhìn hai người vác hai bó le từ dưới bến đi lên, hắn thông tin liền: Vợ chồng thằng Hai Bắc sang bên này từ lúc nãy. Chắc mệt quá giờ mới có sức lết về nhà. Gã xoay nửa người ngó theo, chỉ thấy tấm lưng trần gầy trơ xương của anh chồng nghiêng nghiêng vác bó cây dài thượt đè một bên vai. Tấm áo may bằng bao cát buộc ngang hông buông lõa thõa. Hai ống quần lửng chạm hai đầu gối rách te tướp để hở hai ống chân khẳng khiu đen đúa dẹo nẹo từng bước đi chậm chạp. Cô vợ thì ngược lại, sức nặng của bó le dường như chả thấm tháp gì, cứ nhịp nhàng hai bắp chân tròn lẳn bắt đúng nhịp hai đầu bó cây nhún nhẩy mà toăn toắt bước. Bàn tay bên kia ve vảy vành nón vải. Cánh tay bên này trắng muốt tới nách giơ cao ôm gọn bó le áp sát một bên tai. Mái tóc dầy mượt xổ tung trùm kín tấm lưng mềm mại. Mỗi bước là mỗi lần uốn éo mấy đường cong thanh xuân lộ liễu kiểu chết người. Nghe anh chồng nói to với vợ câu gì đó, gã chợt sững người. Rõ ràng ngữ âm vùng quê gã. Chiều hôm sau, gã cố ý thơ thẩn như kẻ đợi đò. Chờ đúng chuyến chở vợ chồng Hai Bắc cập bến, gã bước đến phụ một tay khiêng hai bó le qua mạn thuyền, chỉ với mục đích được nghe thật rõ lúc anh ta mở miệng: Cám ơn anh. Trăm phần trăm thổ âm đơn đớt vùng quê gã rồi. Nhìn kỹ khuôn mặt hằn nhiều đường nhăn khổ đau của Hai Bắc, gã mơ hồ mấy nét quen quen. Nhưng đích xác là ai thì chịu. Nửa đêm, một cái tên bật ra trong đầu, gã nhỏm dậy lay vai vợ: Chiều qua tôi vừa gặp anh Khoan. Vẫn cái tật ngủ như chết, vợ gã làu bàu: Xạo xịa. Khoan nào, nghe nói mất tích trong Nam lâu rồi. Có là ma.

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Viết phê bình từ trải nghiệm văn hóa – Tiểu luận Bùi Việt Thắng

Viết phê bình từ trải nghiệm văn hóa – Tiểu luận Bùi Việt Thắng

Vanvn- Sóng đồng & Cây núi là tập tiểu luận, phê bình thứ sáu của Lê Quang Trang, gồm hai phần: Phần thứ nhất – Sóng đồng  (gồm 17 tiểu luận, tôi gọi là “phần cứng”) về những vấn đề chung của văn hóa, văn nghệPhần thứ hai (tôi gọi là “phần mềm”)Cây núi – gồm 18 bài phê bình có hình hài chân dung mới thực sự tạo nên sự hấp dẫn của cuốn sách…

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng

Đang có một “cơn sốt nhẹ” gây nên từ các phương pháp phê bình Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Ký hiệu học, Phân tâm học, Sinh thái, Nữ quyền,… đặc biệt mê dụ các cây bút trẻ “thế hệ F”(những người thuộc 7X, 8X), thêm cả những người tự coi mình là “tinh hoa” trong lĩnh vực lý luận phê bình, văn học. Nhưng chung cuộc, như chúng ta thấy, những kết quả viết theo hướng đó nhỡn tiền chỉ tạo nên những “đường viền” của bức tranh phê bình hiện nay. Chúng ta không thể bảo thủ (“ếch ngồi đáy giếng”), nhưng cũng không thể vong bản khi vội vàng tiếp nhận, ứng dụng thiếu chọn lọc các lý thuyết nhập cảng để nhận diện, đánh giá văn chương nước nhà theo kiểu “trói voi bỏ rọ”. Với tâm thế ấy, nên khi đọc Sóng đồng & Cây núi của Lê Quang Trang, tôi cảm nhận được động hướng trở về cội rễ, phục dựng những nền tảng căn cơ của sáng tác và lý luận phê bình văn học hiện nay trên tinh thần đến hiện đại từ truyền thống. Phải nói thêm, Lê Quang Trang là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – một trung tâm đào tạo khoa học cơ bản ở miền Bắc trước 1975, cũng như của cả nước sau ngày thống nhất giang sơn. Ngòi bút của anh, cả khi sáng tác thơ ca, cả khi viết lý luận phê bình, tôi nghĩ, có “chất Tổng hợp”.

BUÔNG CHO NHẸ

 

BUÔNG CHO NHẸ Sửa

BUÔNG CHO NHẸ
Câu chuyện ngắn này diễn ra trong một giảng đường, đúng hơn là một hội trường lớn ở một trường đại học nổi tiếng. Một vị nữ giáo sư môn Tâm lý học bước những bước chậm rãi trên bục giảng trong một giảng đường sinh viên ngồi kín.

Bấy giờ là bài giảng về những nguyên tắc ứng xử với cảm xúc và kiểm soát căng thẳng. Trên tay vị giáo sư có một ly nước. Chợt bà dừng lại đối diện với các sinh viên, tay nâng cao ly nước ngang trước mặt. Hầu hết sinh viên trong thính đường đều chờ đợi một câu hỏi quen thuộc kiểu như: “Vơi hết một nửa rồi” hay “Còn đầy tới một nửa”. Nụ cười trên môi, bà hỏi: “Các bạn có thể cho tôi biết ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu không?”
 
Nhiều tiếng hô to các câu trả lời của nhiều sinh viên: Các con số từ 300 gram cho đến 600, 700 hay 800 gram.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

CẢM NHẬN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC TÂM DUNG

 


 

CẢM NHẬN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC TÂM DUNG

  Về cuốn “Đàn bà nông nổi”, truyện kí của Phạm Ngọc Tâm Dung, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                                    Anh Nhu

                                              

         NHÀ GIÁO, NHÀ BÁO  Phạm Ngọc Tâm Dung bén duyên văn chương khá muộn màng. Có lẽ chính khi lướt mạng, đọc những truyện ngắn hay đã phần nào kích thích, khơi gợi cho tác giả tự  viết  lấy  những câu chuyện của mình chăng? Hoặc cũng có thể việc viết lách truyện cũng đã manh nha từ lâu cùng với những vần thơ cho riêng mình?

           Từng sống ở nông thôn, từng dạy học và làm báo, lại ham đọc, ham học hỏi, vốn sống của tác giả đủ để có thể viết. Vấn đề là có đủ cảm hứng, đủ quyết tâm và bền bỉ hay không mà thôi. Thật may là tác giả ngoài số thơ công bố trong hai tập “thi nhân Miền Cổ Tích” đủ để in thành tập, sau khi công bố tập tản văn “Kí ức lời ru”, tác giả đã  lặng lẽ viết, đã có đủ số truyện vừa và truyện ngắn, bút kí để in riêng thành tập “Đàn bà nông nổi”.

         Trong tập này, bạn đọc sẽ gặp lại bài kí xinh xắn “ Ký ức đảo xanh” ghi chép chuyến đi không quên thăm các chiến sĩ biên phòng trên đảo Bình Ba. Có lẽ ấn tượng về đảo là chất liệu để sau này tác giả miêu tả cuộc chơi thăm đảo Rùa cùa của đôi uyên ương Trinh – Bình trong truyện vừa “ Má Lành”?

         Truyện ngắn “ Oan nghiệt”  và truyện “ Giọt ấm” chắc hẳn là  hai trong những  câu chuyện mà người ta đã kể để nhờ gỡ rối khi tác giả còn  là thành viên trong nhóm “Chị Thanh Tâm” của báo Phụ Nữ Việt Nam. Với sự nhạy cảm và đôn hậu của người phụ nữ, tác giả cảm thông sâu sắc với những éo le, rắc rối của  các nhân vật trong cuộc sống.

          Truyện  “Cây sau bão” người kể xưng tôi có nhiều yếu tố tự truyện.  Truyện “Đàn bà nông nổi” cũng có những yếu tố nguyên mẫu ở làng quê thời Cải cách ruộng đất. Người xưa phân biệt giới tính, đề cao nam giới trong câu ca dao : “ Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.  Tác giả viết truyện

“ Đàn bà nông nổi” như để chứng minh rằng nhận định xưa chưa hẳn đã đúng với mọi người. Có người đàn bà “nông nổi” đã giành được sự kính trọng, khâm phục của chồng và của cả dân làng.

          Có thể nói chất liệu kí và truyện ngắn là những gì tác giả thông thuộc nên được kể, được tả khá sinh động. Cách viết của tác giả là cách viết chân mộc, có tính chất cổ điển. Kể chuyện nhiều hơn là dựng truyện. Truyện hấp dẫn ở lối kể dung dị về cuộc đời số phận những con người gần gũi.

          Những truyện, kí  đó, tác giả đã đăng trên trang  Facebook cá nhân, trang mạng Miền Cổ tích, trang Website “TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC” của Câu lạc bộ Văn Chương thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

          Bất ngờ nhất là tác giả đã viết truyện  “Má Lành”, một tác phẩm dài hơi, bao quát cả thời kì lịch sử từ chống Pháp, Cải cách ruộng đất ở nông thôn cho đến tận ngày nay.

                                                                   Tâm Dung
 

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

VŨ NHO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VOV TV

VŨ NHO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VOV TV Sửa

 

                           Trả lời phỏng vấn về cuốn NGUYÊN KHÍ NGÀN ĐỜI của LỤC HƯỜNG, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021

 

 Phóng viên Bùi Huyền Phương thực hiện

nh_quay_lh

Câu hỏi 1: Cuốn sách gây ấn tượng với tiêu đề “ Nguyên khí ngàn đời” – một tiêu đề khiến không ít độc giả phải e dè, ngần ngại bởi nghĩ đây sẽ là một tác phẩm mang nhiều vấn đề “đao to búa lớn”, ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Vũ Nho : -  Nhan đề NGUYÊN KHÍ NGÀN ĐỜI quả có gây cho bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ sự e dè. Bởi lẽ đầu tiên là vấp bởi từ ngữ. Trong Từ điển  Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ năm 1992 không có từ nguyên khí. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh ( in lần thứ ba năm 1957) giải thích sơ lược Tinh khí của người ta thuộc về phần tiên thiên. Nhưng  bạn đọc chúng ta  cũng đã biết câu văn nổi tiếng của  cụ Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (trích bài Kí đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, thế kỉ XV). Nguyên khí là  tinh khí, là khí lớn,  của mỗi con người hoặc mỗi quốc gia. Vậy thì nguyên khí ngàn đời chắc là nói đến chuyện  to lớn về con người và quốc gia.  Đúng  thế!  Có gây e ngại! Nhưng không thể không đặt tên như vậy. Vì theo tác giả Lục Hường, đây là gợi ý của cụ Phạm Thọ Khảo khi tác giả muốn viết về cuộc đời cụ. Song ngoài việc gây e ngại, nhan đề lại gây tò mò. Người ưa tìm hiểu sẽ  bị dẫn dụ xem nguyên khí ngàn đời là cái gì, tác giả thể hiện nó sa sao?

          Do đó theo ý tôi, nhan đề rất phù hợp với nội dung cuốn sách, nó gây e ngại nhưng cũng khơi gợi, kích thích sự tò mò  ở người đọc.

 

 

Câu hỏi 2: Thay vì sử dụng bút pháp nghệ thuật đặc biệt, lối kể chuyện hùng tráng…tác giả lại lựa chọn một lối viết vô cùng giản dị, nhẩn nha, chậm rãi…Điều này liệu có vô tình làm cuốn sách trở nên nặng nề, lê thê hay đây là một dụng ý đặc biệt của tác giả, thưa ông?

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

GIỚI THIỆU THƠ LÊ THỊ TÂM CHUNG

GIỚI THIỆU THƠ LÊ THỊ TÂM CHUNG Sửa

LỜI THƠ ĐẸP VÀ HÌNH ẢNH SỐNG ĐỘNG TRONG THƠ

LÊ THỊ TÂM CHUNG 

                           Chung Tiến Lực

 nh_sch_t_tnh_l

   Lê Thị Tâm Chung có thiên hướng về văn, thích học tổng hợp văn nhưng lại học Đại học An ninh. Thật đúng là " sinh nghề (chọn) nghiệp". Ai đã đọc những bài thơ gấp trong trang vở học của Tâm Chung hẳn cảm nhận một hồn thơ đa cảm, lãng mạn đầy nữ tính qua lăng kính vạn hoa của tuổi mới lớn. Những cảm xúc khát khao, khám phá chân trời tươi mới với tâm trạng vui buồn vu vơ pha lẫn buồn thương khi sắp phải xa mẹ, xa thành phố Cảng tựu trường.

Tâm trạng mới lạ ở một thiếu nữ mới lớn, lãng mạn còn theo Tâm Chung vào giảng đường đại học. Ai một thời sinh viên và không phải ai cũng đưa tâm trạng là lạ này vào thơ như Tâm Chung. Rất tiếc những bài thơ này không có trong tập thơ Tình Tự Lá. Dường như tác giả chỉ chọn in những bài thơ thể hiện cái tôi trữ tình trước hiện thực cuộc sống với phẩm chất đã được rèn luyện và thử thánh.

Thơ trong tập thơ Tự Tình Lá, những cảm xúc về con người, sự việc cụ thể. Ta gặp ngay những câu thơ giàu hình ảnh và âm thanh sống động. Hình ảnh được chọn góc chụp rất chắc tay của một nhiếp ảnh gia. Con người , hình ảnh, sự việc có chiều sâu tâm lý, có hồn hay nói một cách hình ảnh là có nội tâm sau cái tôi trữ tình, biện chứng đầy chất nhân bản của tác giả. 

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

CHỦ ĐỀ THÁNG 5 TRONG THI CA ĐỨC

 

Chủ đề tháng Năm trong thi ca tiếng Đức

Chuyển ngữ Nguyễn Văn Hoa ( Tháp Dương – Bắc Ninh )

1.b._nguyn_vn_hoa

Bài 1

*

Tháng Năm đẹp tươi

Heinrich Heine, 1797-1856

 

Vào tháng Năm đẹp tươi,

Tất cả  chồi nảy nở

Giục giã trái tim người

Ôi tình yêu đã mở.

 

Vào tháng Năm đẹp tươi,

Tất cả  chim đều hót

Lời tỏ tình vang trời

Những khao khát lảnh lót.

I m wunderschönen Monat Mai

Im wunderschönen Monat Mai,
Als alle Knospen sprangen,
Da ist in meinem Herzen
Die Liebe aufgegangen.

Im wunderschönen Monat Mai,
Als alle Vögel sangen,
Da hab ich ihr gestanden
Mein Sehnen und Verlangen.


Bài 2

**

Tháng năm ngọt ngào

Của Friedrich von Hagedorn 1708-1754

 

Tháng năm ngọt ngào,

 Nguồn sống dạt dào

Hoa nở ngọt ngào

Tình yêu hiến trao

Lẵng hoa đón chào

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

HỘI LIM VỚI LỜI BÌNH

 


BÌNH BÀI THƠ “HỘI LIM” CỦA VŨ ĐÌNH MINH

 

                                     Hội Lim

                                   

                                      Tôi trót biết đời em trắc trở

                                Nên hội này xem hát chẳng vô tư.

                              

                                Nón thúng quai thao em thẹn thò che má

                                Hát đắm say cho đứt ruột gan người

                                Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ

                                Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi

                               

                                Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón

                                Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi.

                                                                           !998

                                                                      Vũ Đình Minh

    (Trích trong “Nhà thơ –Nhà giáo”trang 213 NXB Hội Nhà văn

                                                                                            năm 2002)

Lời bình của Thanh Ứng


                   Bài thơ có tên là “Hội Lim” nhưng Vũ Đình Minh không tả cảnh rộn rã, sôi động muôn màu, muôn sắc của ngày hội mà chỉ nói đến một nghệ  thuật dân gian truyền thống nổi tiếng riêng có ở Hội Lim, đó là hát quan họ. Nói đến hát quan họ, anh cũng chỉ nói đến người hát và chỉ nói về một người-một người con gái quan họ đi hát. Người con gái đó có một chút duyên tình mắc mớ mà tác giả đã biết, đã chia sẻ nhưng có lẽ đã không thể giúp gì cho cô gái: “Tôi trót biết đời em trắc trở”. Chữ “trót” nói rõ hoàn cảnh của hai người. Sự trắc trở trong cuộc đời em chính ra anh không nên biết , nhưng rồi do duyên cớ nào đó, anh lại biết. Điều đó ám ảnh anh. Sự ám ảnh này theo anh đến tận ngày hội: “Nên hội này xem hát chẳng vô tư”.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

TÂM TƯ

 

TÂM TƯ
 
                   ĐÀO THANH CƯỜM
Nhà tôi ở quận Thi Nhân
Giữa đường lãng mạn cũng gần chợ Mơ
Tôi chung sống với Nàng Thơ
Đam mê có lúc hững hờ đôi khi
Dấn thân vào cuộc tình si
Ngọt ngào cay đắng kể chi phận mình!

Gieo vần từ thuở tóc xanh
Ngẩn ngơ tìm tứ buông mành bấy lâu
Đèn xưa tốn bấc, hao dầu
Điện nay chong suốt đêm thâu chiều người

Nàng Thơ đỏng đảnh dong chơi
Biết đâu thi sĩ suốt đời khổ đau
Chắt chiu từng chữ, từng câu
Nổi chìm chẳng quản, nghèo giầu tính chi!
Vui cùng với bạn nhiều khi
Ngày mơ, đêm tỉnh cũng vì ... Nàng Thơ

Thuyền kia mờ mịt bến bờ
Mơ màng cứ tưởng Miền Thơ thanh bình
Những đêm dài thấy cũng kinh
Một mình lặng ngắm bóng hình trong Thơ.
 
dao
 


Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Dạ khúc – Một thông điệp về tình yêu cứu số phận con người

 



Dạ khúc – Một thông điệp về tình yêu cứu số phận con người

(Giới thiệu tiểu thuyết Dạ Khúc của tác giả Thu Lâm – NXB Hội Nhà văn 2020)

 nh_n.t.mai_1

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Con người ấy là chàng trai Duy Ánh. Anh bị bệnh trầm cảm nặng rối loạn lo âu ngay từ khi còn là cậu bé học trường tiểu học. Đây là căn bệnh tâm lý phát sinh phổ biến trong thời hiện đại nhưng rất khó chữa. Gia đình Duy Ánh – một gia đình nề nếp gia phong với truyền thống giỏi về âm nhạc, bố mẹ đã dạy và đầu tư đào tạo cho Duy Ánh thành tài năng âm nhạc nhưng rồi họ đều bất lực, bế tắc trước tình trạng bệnh tật của con: Nghe tiếng nhạc là đau đầu, lo sợ khi nhìn thấy bố, không thích tiếp xúc với ai ngoài mẹ, cả ngày chỉ ở trong buồng đóng cửa lặng lẽ một mình, trưởng thành rồi mà chưa biết chăm sóc bản thân… nói chung bệnh trầm cảm nặng đã biến Duy Ánh thành một anh chàng tuy đẹp trai, cao lớn nhưng tinh thần “không khôn lớn”, không biết làm việc gì và luôn phải có người chăm sóc như trẻ nhỏ. Thế rồi một ngày kia, thiên thần xuất hiện trong ngôi nhà như một sự sắp đặt của tạo hóa. Đó là người con gái tên Thanh Nhàn giỏi giang, thông minh, tháo vát với tình yêu nồng nàn kín đáo đã đưa chàng trai Duy Ánh từ bến mê sang bến giác, từ người mộng mị tâm thần thành chàng trai bình thường, biết yêu và biết khát vọng. Cuối cùng anh đã có một gia đình hạnh phúc hòa nhập trong xã hội.

Cốt chuyện đơn giản không éo le lắt léo. Thời gian nghệ thuật theo bố cục truyền thống, không đảo lộn, ảo huyền. Nhân vật xoay quanh chỉ trong 4 người gồm Duy Ánh – nhân vật chính, bố mẹ và cô em nuôi Thanh Nhàn. Không mâu thuẫn xung đột, không có ai phản diện, không có cái xấu cái ác cọ xát với cái tốt cái đẹp. Nhưng bạn đọc thử mở trang sách trên tay, chắc chắn sẽ bị thu hút bởi trong đó tác giả gửi gắm một thông điệp về sự linh diệu của tình yêu đã cứu được số phận con người và Nghệ thuật xây dựng nhân vật với cách lựa chọn tình tiết đặc sắc rất hấp dẫn bạn.

thu_lm

      TÁC GIẢ THU LÂM

 

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

MỘT NẮNG HAI SƯƠNG

 


MỘT NẮNG HAI SƯƠNG Sửa


Inline image


Một Nắng Hai Sương

Chiều ra bên bờ sông vắng
Thẩn thơ theo bờ cát dài
Con tìm dấu chân của mẹ
Tìm hoài không thấy..,chiều phai...

Sớm mai Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng sương  đầy
Khi mặt trời còn yên giấc
Bờ lau sậy còn ngủ say.
 
Buổi trưa Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng nắng vàng ,
Nghiêng nghiêng con nhìn trong ấy
Thấy cả mây trời mênh mang...
       
Buổi chiều Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng mưa đầy
Mưa lên  nhạc mềm  nón lá
Mẹ về ướt áo không hay !.
       
Rồi đêm..lại đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng sao trời .
Có hôm con nhìn rất lạ
Trong thùng có cả  trăng trôi.
 
Một đời Mẹ đi gánh nước
Gánh theo sương nắng bao mùa
Gánh cả  đời con nằng nặng
Tình thương Mẹ nói sao vừa .
 
Một chiều Mẹ lìa đôi gánh
Bốn mùa thuơng nhớ gọi tên
Con nhìn hai thùng nước nhỏ
Chờ trông bóng Mẹ hiện lên .

Chiều trên bến ngồi quạnh quẽ
Còn nghe kĩu kịt trong hồn .
Tay ôm cây đòn gánh Mẹ
Mắt buồn .. dõi bóng hoàng hôn...
 
Như Nhiên -TTT
mui-cua-me--thong-diep-y-nghia-ve-tinh-mau-tu-110336