Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Bảo vệ luận văn TS của Dương Thị Thanh Hương

Hôm nay 31/10, Hội đồng chấm luận văn TS  của Dương Thị Thanh Hương về phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng họp tại phòng 701, nhà E của ĐH KHXH&NV. Buổi bảo vệ rất đông người dự. Các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, Trung tâm  nghiên cứu GD dân tộc, bạn bè, học sinh cũ, người thân. Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu. Kết quả 7 thành viên tán thành, trong đó có 6 thành viên đánh giá xuất sắc. Ghi lại mấy hình ảnh cuộc bảo vệ


                                                                            GS TS Trần Đăng Suyền, Chủ tịch Hội đồng điều khiển buổi làm việc


                                                                                Dương Thanh Hương trình bày kết quả nghiên cứu


Nhà văn Ma Văn Kháng đến dự,  phát biểu, do sức khỏe nên chụp ảnh với HĐ  và về trước

 
                                                                     PGS TS Tôn Phương Lan đọc nhận xét phản biện


                                                                        PGS TS Nguyễn Toàn Thắng đọc nhận xét


                                                                          PGS TS Trần Văn Toàn đọc nhận xét phản biện

CHÙM THƠ TÌNH DUY KHOÁT





  
CHÙM THƠ TÌNH DUY KHOÁT

ƯỚC GÌ

Quen nhau từ ấy đến giờ
Sóng lòng ta vỗ hôn bờ sông mê
Ước gì thêm một miền quê
Để anh có chốn  đi về cùng em


NỖI NHỚ

Thăm em một sáng mùa đông
Anh qua bờ bãi sông Hồng cạn trơ
Gần em chỉ được vài giờ
Anh về nỗi nhớ ngập bờ sông yêu


THUỐC LÀO

Vân nhìn anh “bắn” điếu cày
Hỏi anh hút thuốc có say bao giờ?
Thuốc lào say đến quay lơ
Chưa bằng cặp mắt ngây thơ em cười

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

BÀI HÁT AI CÓ VỀ TRÀNG AN LINH THIÊNG


BÀI HÁT AI CÓ VỀ TRÀNG AN LINH THIÊNG

TRIỆU LAM CHÂU TÂM SỰ:
Tháng 4 năm 2014, nhân dịp kỷ niệm sáu mươi năm chiến thắng Điện Biên (1954 – 2014), Hội Văn nghệ Phú Yên có tổ chức một Đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở Tây Bắc. Triệu Lam Châu tôi cũng vinh dự được mời tham gia vào Đoàn đi thực tế sáng tác dịp ấy.
Đoàn đã lưu lại một số nơi chủ yếu để lấy tài liệu và cảm hứng sáng tác như: Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên…
Sau chuyến đi ấy, tôi có hẳn một Chùm thơ tình Tây Bắc, được bạn bè hoan nghênh.
Rồi khi thăm Tràng An – Bái Đính, Ninh Bình, tôi có ấn tượng mạnh bởi vẻ hùng vĩ và điệp trùng của núi non sông nước nơi đây. Bởi vì nó gợi lại hình ảnh quê núi Cao Bằng quê tôi, vốn vẫn có cảnh quan thiên nhiên là những dãy núi đá vôi hùng vĩ và điệp trùng như thế.
Thế rồi khi Tràng An được công nhận là di sản văn hoá – thiên nhiên của nhân loại, tôi liền nung nấu làm sao có tác phẩm nào đó để thể hiện vẻ hùng vĩ và hoành tráng của vùng đất ấy.
Song tôi lại chưa có kỷ niệm gì sâu sắc ở Tràng An cả. Và tôi chợt nghĩ tới bạn thơ Bùi Thị Mỵ (Em gái vàng của Nhà văn – liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết), người vốn sinh ra và lớn lên ở miền đất địa linh nhân kiệt này.
Tôi viết thư cho chị Bùi Thị Mỵ nhờ giúp đỡ phần lời ca. Và hình như chị đã có sẵn lửa lòng yêu quê hương rất đỗi tự hào – nên chị liền gửi ngay cho tôi bài thơ rất hoành tráng, rất hay Ai có về Tràng An linh thiêng.

Chấm luận văn thạc sĩ ở khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội 1

Chấm luận văn thạc sĩ ở khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội 1

Chiều 29 tháng 10, Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ họp ở phòng 206, nhà V. VN tham gia ba Hội đồng với tư cách người phản biện. Gặp lại những bạn hữu cùng chuyên môn. Vui. Ghi lại vài hình ảnh.


                                                   Hai học viên do PGS TS Nguyễn Viết Chữ hướng dẫn


                                                                     GS TS Nguyễn Thanh Hùng chủ tịch Hội đồng chủ trì


Học viên Trần Thị Quỳnh Anh trình bày kết quả nghiên cứu

TS Nguyễn Ái Học đọc nhận xét phản biện

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

CHÙM THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN





CHÙM THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN
 Tặng Hạt Cát

Lãng đãng xuôi thu rồi gặp biển
Nắng vàng trên cát trắng lên men
Rượu Nghệ đưa hương về đất Bắc
Mấy nụ cười say, chữ cũng mềm…

Hình như sóng vỗ lời muôn kiếp
Chân sóng mịn màng em khỏa tay
Tôi như cái bóng tròn trên cát
Rơi tự chiều xanh xuống cuối ngày.
Bỗng thấy giật mình, em hỏi biển
Nụ cười mặn trắng áo đồng chiêm?
Tiếng quê lanh lảnh trên bờ nước
Biển hóa ao bèo trong mắt yêu…

Mười năm thương nhớ chưa về lại
Quê ngoại còn xanh, lúa vẫn gầy
Em hóa Vũng Tàu neo với biển
Hồn vẫn ngược miền hoa cỏ may.

2/9/2014

Tặng Mai Đình

Mảnh sân thu cũ thầm rêu
Lối về tuổi thơ con trượt ngã
Dịu dàng cổ tích nâng lời hát
Tháng tám vòng trăng mẹ thắp đèn.

Có một mùa thu dường chật chội
Tuổi con trai ngấp nghé lúm đồng tiền
Lòng run ngỏ trăng rằm năm ấy
Trong trẻo bao mùa vẫn thiếu niên.

Qua bao xuôi ngược con về lại
Trăng vẫn mênh mông với biển rằm
Ánh vàng dát xuống miền thơ ấu
Lấp lánh nguyên đêm một dấu nằm…


Khuyết - tròn? vậy nhé người ơi
Phía xa xót, phía đầy vơi... tự hành
Buồn vui mình tạo cho mình
Bão giông quá độ, mong thành ban mai.

Ta từ chơi giữa trần ai
Phận người một cuộc ngắn dài trăm năm
Nỗi riêng, đừng đổ lên rằm
Hão huyền nhau cả mặt trăng cũng dày.

Chẳng bằng bặn một mê say
Mong đều chằn chặn tháng ngày làm dâu
Đêm vo tròn những dãi dầu
Phía hao khuyết thức, nhiệm màu sinh sôi.





Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

VŨ NHO TRẢ LỜI VTV phỏng vấn




VŨ NHO TRẢ LỜI VTV phỏng vấn
Đọc tham luận của VN cho Hội thảo "Văn học nghệ thuật  với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam", các bạn phóng viên VTV gửi câu hỏi trước rồi đến nhà ghi hình. VN trả lời, nhưng khi nhà đài phát, mải đi chơi cũng chả biết mặt mũi mình thế nào và nói năng ra sao. May mà PV còn gửi cho một tấm hình. Những câu trả lời này là tư liệu và kỉ niệm với nhà đài.

PV- Giai đoạn 2 cuộc kháng chiến, Văn học đã có những đóng góp như thế nào vào việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam giai đoạn đó?

Vũ Nho ( VN) - Mỗi thời kì lịch sử, văn học xây dựng những hình tượng chính diện, những nhân vật điển hình của thời đại mình. Những nhân vật từ đời sống chiến đấu gian khổ bước vào trang sách. Rồi từ đó họ lại tỏa sáng, ảnh hưởng đến lí tưởng và phong cách sống của mọi người trong xã hội. Thời chống Pháp, hình mẫu của người chiến sĩ là những người thanh niên nông dân giản dị, những nông dân mặc áo lính dũng cảm chiến đấu. Ta gặp họ trong  bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên:
        Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Hoặc trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
        Áo anh rách vai
        Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
        Chân không giày
Có một số thanh niên trí thức Hà Nội trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
        Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
        Quân xanh màu lá dữ oai hùm
        Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
        Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Tôi còn nhớ đã đọc tập “ Truyện các anh hùng, chiến sĩ thi đua” do các nhà văn ghi lại. Những Giáp Văn Khương, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hòang Hanh… rất ấn tượng. Trong văn xuôi, họ là Đại đội trưởng Còm trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi,  là anh hung Núp trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc; là các gương chiến đấu như  Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

THƠ HẢI DƯƠNG MƯỜI NĂM NHÌN LẠI




THƠ HẢI DƯƠNG MƯỜI NĂM NHÌN LẠI

Nguyễn Thị Lan

1. Tuyển tập "Thơ Hải Dương 2000 - 2010" là tập thơ tự chọn gồm 203 bài thơ của 43 tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương. Sách in khổ 16 x 24cm, dày 276 trang.
Tuyển tập là bức tranh thu nhỏ của thơ Hải Dương mười năm. Những cảm nhận đa chiều về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, những phong cách sáng tác khác nhau của mỗi tác giả khiển cho tuyển tập thêm phong phú đa dạng cả về nội dung và nghệ thuật.
Lướt qua phần lý lịch trích ngang, hầu hết các tác giả đều ở lứa U 60, U 70; không có tác giả nào dưới 35 tuổi (là nhà thơ "trẻ" theo tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam). Nhìn vào tuổi tác của người viết độc giả có thể thấy những nét chung nhất của "diện mạo" thơ Hải Dương hiện nay và thế mạnh của các cây bút đã đi qua giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Thơ của lứa nhà thơ này đậm đà bản sắc dân tộc và phẩm chất nhân dân. Đây là thế mạnh bẩm sinh của họ. Thơ của họ đã góp phần giác ngộ nhân sinh quan và lý tưởng sống cho mỗi người. Về nội dung: thơ họ mạnh về tình nghĩa, lôi cuốn người đọc hướng về những tình cảm cao đẹp. Họ cũng nói nỗi mình nhưng cũng cảm thông nỗi người. Họ đau đáu trước đời sống xã hội (khác với các cây bút trẻ nghiêng về nhấm nháp bản thể nói nhiều về nỗi mình). Thơ họ chân tình mộc mạc, có nhiều câu thơ, ý thơ cảm động.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Dứa của Phạm Hổ với lời bình Vũ Nho



DỨA
      Phạm Hổ

Mỗi cây một quả
Lá gai xương cá
Con sóc đến mùa
Trộm tối, trộm trưa

Đầu xanh mũ vua
Mình vàng áo giáp
Một trăm con mắt
Nhìn quanh bốn bề

Đồi nắng dứa về
Đẹp trên đất đỏ
Một quả sóc ăn
Thơm lừng trong gió

Lời bình của Vũ Nho

Nhà thơ Phạm Hổ tặng cho các em một chùm thơ về quả: Na, Ổi, Khế, Dứa. Ở đây chỉ chọn một loại quả Dứa thôi. Cây dứa khác các cây khác là mỗi cây chỉ có một quả ( trong khi ổi, na, khế thì một cây có rất nhiều quả). Lá dứa cũng khá đặc biệt mọc gai như xương cá. Đấy là cây. Còn quả thì sao? Nhà thơ giúp đã khám phá những điều thú vị về quả dứa. Đầu đội mũ vua. Đúng là đầu quả dứa khác nào đang  đội vương miện xanh. Nhưng thân lại không mặc áo long bào của vua mà mặc áo giáp của tướng : Mình vàng áo giáp! Hơn nữa dứa có rất nhiều mắt. Một trăm con mắt là nói ước lượng số nhiều thôi. Mắt dứa xung quanh quả dứa nên có thể “Nhìn quanh bốn bề”. Dứa ưa mọc trên đồi và quả dứa thì thơm ngon. Cho nên các chú sóc mới tình “trộm tối, trộm trưa”. Bài thơ kết thúc ở hương dứa thơm lừng. Một loại quả đẹp và ngon. Và các bé cũng học được ở đây sự quan sát và miêu tả, so sánh thú vị.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

CHÙM THƠ DUY KHOÁT






 CHÙM THƠ DUY KHOÁT

GIÁ MÀ

Đắm chìm trong cặp mắt em
Hồn tôi như lạc trong niềm ước mơ
Già mà trở lại ngày xưa
Tôi còn trai trẻ em chưa có chồng

TIẾC  XUÂN

Đã chào em tạm biệt
Sao ta mãi tần ngần
Mắt huyền em níu bước
Lặng nhìn mà tiếc xuân

THỜI TRANG

Kìa nàng trắng muốt thời trang
Mảnh mai hiền dịu mịn màng tươi son
Trời ơi, trinh trắng tơ non
Làm thơ trẻ cả tâm hồn cuối thu