Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Chùm thơ LƯU THỊ BẠCH LIỄU


CHÙM THƠ LƯU THỊ BẠCH LIỄU


Về làng

Tranh đống rơm với bầy gà con
           líu ríu theo chân gà mẹ
Gà con nhìn tôi bằng đôi mắt đen
Tôi nhìn gà bằng ánh nhìn nhuốm bạc
Rơm này ông ngoại vừa đánh
Còn nguyên mùi ruộng đồng
Những hạt thóc nẩy lên thơm
Xưa ông bà tự tình trên ổ rơm
Cây rơm này nơi bác tôi, mẹ tôi, dì tôi
trao, nhận chiếc hôn đầu tiên
Tôi đã lớn lên bên chân đống rơm
Như đám gà con lông vàng vừa nứt ra từ quả trứng hồng
Đám gà con
Sau mỗi vụ mùa, kịp tạ ơn đất đai bằng những quả trứng hồng
Tôi chỉ nhớ đến mùa màng
Qua mỗi vụ gặt
           ông bà gửi gạo mới
                    cho từng đứa cháu
                              ăn lấy thảo lấy thơm
Như để nhắc cháu con đừng phụ ruộng đồng

Gà con rời tôi đuổi theo những chú ong vàng
Đang gắng chắt mật từ hạt thóc lép
Ông bà tôi chắt mật của đất
Thành mùa vàng mẩy căng

Rúc vào đống rơm, thấy mình mọc đôi cánh ong.






Đoản khúc Dalat

Dịu dàng sương Dalat
Thả ta bồng bềnh giữa phố đông
Trôi qua hoa. Trôi qua thông
Trôi qua hồ Xuân Hương một trời mây trắng
Những ngón tay tìm đến những ngón tay
Chỉ em biết không phải em run lên vì sương
Chỉ anh biết không phải anh run lên vì lạnh

Dịu dàng đêm Dalat
Thả ta vào cõi mơ
Hồ Xuân Hương nồng men rượu ngọt
Thứ rượu cất bằng sương, hoa và trăng
Hương rượu bay lên ngọn thông tụ lại thành mây trắng

Ánh trăng đêm, sớm mai hoá tia nắng
Hôn dịu dàng từng nụ hoa.



Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Lễ hội đình TRÈM


 


LỄ HỘI   ĐÌNH TRÈM

(Tản văn)

Dâng mừng Lễ hội Đình Trèm năm 2013 (14 – 15 – 16 – 5 Quý Tỵ)

ĐƯỜNG VĂN


        Mỗi làng quê đất Việt đều có một ngôi đình và một ngôi chùa. Mỗi đình, chùa ấy lại thường gắn với một lễ hội dân gian cổ truyền mang đậm màu sắc địa phương mà khó có thể so đọ hội nào hơn hẳn hội nào. Tuy nhiên, ngay cả phần lễ cũng không hoàn toàn giống nhau. Vùng tây bắc Hà thành, quanh khúc vai bò sông Nhị (Nhĩ), dọc từ Kẻ, Mạc xuống qua Trèm, Vẽ, tới Sù - Gạ, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An, Nghi Tàm,  và Yên Phụlàng nào chẳng có đình, chùa, chẳng tưng bừng một lần lễ hội trong năm?!        
    Làng Trèm (Chèm) tên Nôm cổ - gốc từ chữ: Tờlemà t’liêm ®Từ Liêm, tên chữ: Thuỵ Hương sau đổi thành Thụy Phương (hương thơm, đẹp), thuộc huyện Từ Liêm Hà Nội; định hình từ bao giờ, thời nào, nói một cách chính xác, chưa có sử sách nào ghi chép. Theo truyền thuyết, đã được ổn định từ thời Hùng Vương.
          Nói đến đặc sản phong tục văn hoá vật thể, phi vật thể chung đúc nên hồn vía và niềm tự hào của làng Trèm, tất nhiên, trước hết phải nói tới Đình (đền) Trèm, Lễ hội Đình (đền) Trèm, sau là mấy món ẩm thực tuyệt chiêu: Giò Trèm, cháo se, chè kho...        
       Đình (đền) Trèm thuộc loại kiến trúc rất cổ, trang nghiêm, không thật cầu kì mà vẫn tinh xảo. Đình được xây cất lần đầu từ thời thuộc Đường (Cao Biền), được trùng tu, đại trùng tu, mở rộng và tôn cao nhiều lần vào các thời Lí, Hâụ Lê, Nguyễn, Pháp thuộc và những năm 90 thế kỉ XX.
          Nét độc đáo của đình là nằm ở ngoài đê sông Hồng, mặt chính hướng về phương Bắc. Bốn cột trụ (tứ trụ) trước cửa đình sát kè đá – Gảnh đình - bờ Nam sông Hồng (Cái, Mẹ, Nhĩ Hà). Tương truyền đây là nền nhà của gia đình Đức Thánh Trèm. Cha ngài họ Lý, làm nghề đánh cá dọc sông Cái nhưng mất sớm. Thánh Trèm tên thật là Lí Thân, (dân làng kiêng huý gọi trệch là Thơn), hình dáng khôi vĩ, cao to hơn hẳn người thường (mình cao 2 trượng ~ 4,0m?!); (về sau được người Trung Hoa gọi là Ông Trọng (người ba làng kiêng húy, đọc, viết là: Trượng). Đồn rằng ngài thờ mẹ rất hiếu. Có lần ngài đi đánh cá ở xa,  khi trở về, chẳng thấy mẹ già đâu... Thì ra con giải quái khổng lồ đã ăn mất bà cụ! Ngài nổi giận, hì hục đắp bờ, chặn dòng chảy rồi tát cho đến kì cạn trơ đáy, bắt sống con giải, giết thịt, tế vong hồn mẫu thân. Thời thanh niên, ngài được vua An Dương Vương trọng tài, phong tướng quân, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Đồ Thư (tướng của vua Tần Thủy Hoàng) xâm lược Âu Lạc. Sau đó, khi hai nước trở lại quan hệ ngoại giao, Ngài lại được vời sang Hàm Dương (kinh đô nước Tần), làm chức tư lệ hiệu uý, chỉ huy đội quân bảo vệ  kinh thành, chống lại giặc Hung Nô hay vào quấy phá. Ngài đánh thắng nhiều trận. Vua Tần rất mến mộ, mới gả công chúa Bạch Tĩnh  Cung để ràng buộc. Ít lâu sau, nhớ quê, Ông Trượng xin về nước. Vắng ngài, Hung Nô lại hung hăng xâm phạm đô thành. Tần đế không sao được, lại phải hạ chiếu vời phò mã họ Lý sang bảo vệ. Nhưng ngài không muốn xa nước, xa quê nữa! Thủy Hoàng đế và An Dương Vương- vua Âu Lạc lệnh phải đi! Ngài đành tự sát, lấy cái chết để được ở lại quê hương bản quán.  

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Để dạy bài VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH





ĐỂ HIỂU THÁI ĐỘ CỦA LÊ HỮU TRÁC TRONG ĐOẠN TRÍCH “VÀO PHỦ CHÚA TRỊNH” (SÁCH NGỮ VĂN 11)
                                                                   
Vũ Nho

          Bài “Vào phủ chúa Trịnh”  được xác định nội dung chính cần đạt như sau : “Thấy được sự cảm nhận của Lê Hữu Trác về uy quyền và cuộc sống của chúa Trịnh. Hiểu được đặc điểm bút pháp kí sự của tác giả qua đoạn trích” (tr.3, Ngữ văn 11 nâng cao, tập 1, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006) và “ Cảm nhận được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm và nhân cách thanh cao của tác giả qua ngòi bút kí sự chân thực, sắc sảo về cuộc sống trong phủ chúa Trịnh” ( tr.3, Ngữ văn 11, tập 1, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006). Nội dung cơ bản cần làm cho học sinh nắm được là sự xa hoa tột bậc, uy quyền ghê gớm của phủ chúa Trịnh và  nhân cách thanh cao của tác giả Lê Hữu Trác.
          Vấn đề đặt ra là, Lê Hữu Trác đã  phản ánh khách quan, chân thực cuộc sống xa hoa và uy quyền của phủ chúa, hay là ông đã mỉa mai, châm biếm và phê phán chúa Trịnh trong khi phản ánh?
          Trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy ( Ngữ văn 11 nâng cao, sách giáo viên, nxb Giáo dục, Hà nội, 2006)) soạn giả đã luôn luôn lưu ý giáo viên khai thác khía cạnh mỉa mai, châm biếm, phê phán: “Trong đoạn trích, các từ thánh chỉ, thánh thượng, thánh thể phản ánh sự lộng quyền, tiếm lễ của chúa Trịnh Sâm bấy giờ. Do đó, ở đây lời văn của Lê Hữu Trác có ý mỉa mai, châm biếm chúa Trịnh”; “ Cho nên, khi kể về số lượng và chức vụ những người làm việc trong phủ chúa, Lê Hữu Trác có ý mỉa mai và phê phán chúa Trịnh”; “ ...qua cách xưng hô về chúa, cách miêu tả,...một giọng điệu hài hước, châm biếm được toát ra”;  “Lê Hữu Trác tỏ thái độ phê phán chúa Trịnh, đặc biệt câu nói mỉa mai: “Mình vốn con quan, sinh trưởng ở chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng đã từng biết. Chỉ có những việc ở trong phủ chúa là mình mới chỉ nghe nói thôi. Bước chân vào đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường” ( tr. 6,7, tài liệu đã dẫn). Trong “Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 11 môn Ngữ văn”, người soạn giáo án bài “Vào phủ chúa Trịnh” cũng hướng dẫn: “... lời thế tử khen cần đọc với giọng mỉa mai, châm biếm” ( tr. 104).
          Vậy, thực chất Lê Hữu Trác có tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm, phê phán chúa Trịnh hay không; hay đó chỉ là điều mà một vài soạn giả gán vào cho Lê Hữu Trác để cho thấy vị thầy thuốc kiêm nhà văn rất “có lập trường”, rất dũng cảm, dám  mỉa mai, châm biếm, phê phán  chúa Trịnh?
          Để giải quyết vấn đề này, khách quan và khoa học nhất là cần phải trở lại với văn bản được trích.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ĐỌC XERGEI EXENIN NGHĨ VỀ XERGEI EXENIN



 

 

 

ĐỌC XERGEI EXENIN

NGHĨ VỀ XERGEI EXENIN

Trần Đăng Khoa
                                                                       
Sergei Exenin là nhà thơ vĩ đại của văn học Nga – Xô Viết. Ông sinh năm 1895 tại làng Constantinovo, tỉnh Riazan, thuộc miền trung nước Nga. Năm 16 tuổi, S. Exenin bắt đầu viết bài thơ đầu tiên. Năm 18 tuổi, ông rời làng quê lên Saint Peterbourg. Cũng tại đây, ông đã gặp gỡ, làm quen với nhiều tên tuổi lớn của nền văn học Nga, Xô Viết, trong đó có A. Blok. Sau này, S. Exenin nhớ lại: “Lúc đó, mồ hôi tôi toát ra, vì lần đầu tiên trong đời, tôi đã tận mắt nhìn thấy một nhà thơ lớn”. Năm 1916, tập thơ đầu tay Lễ cầu hồn của S. Exenin ra đời. Và cũng bắt đầu từ đấy, bạn đọc biết đến một nhà thơ đặc sắc của làng quê Nga với những nỗi vui buồn của đồng quê, xóm mạc. Năm 1995, kỷ niệm 100 năm ngày sinh S. Exenin, tên tuổi của ông đã đ­ược bạn đọc và giới phê bình Nga đặt bên cạnh A. Puskin, M. Lermontov, A. Blok... những nhà thơ vĩ đại nhất của Nga..
Đối với đông đảo bạn đọc Việt Nam, tên tuổi S. Exenin từ lâu đã trở nên gần gũi và thân thuộc. Thơ ông đã đ­ược dịch rải rác từ những năm chiến tranh. Sau đ­ược tập hợp trong Tuyển tập thơ A. Blôk S. Exenin. Rồi một loạt tuyển tập của ông ra mắt bạn đọc với nhiều bản dịch khác nhau. Tuyển tập Thơ trữ tình của S. Exenin mà bạn đang có trên tay là một công trình mới của nhà thơ Tạ Phư­ơng. Tập thơ đư­ợc dịch công phu và chọn lọc cũng rất kỹ lưỡng.
Cách đây không lâu, bài thơ “Thư gửi mẹ” của S. Exenin qua bản dịch của nhà thơ Anh Ngọc đã đư­­ợc đưa vào sách Giáo khoa Phổ thông Trung học lớp 12. Trong bài thơ rất nổi tiếng này, Sergei viết cho mẹ: 
Con sẽ về khi lá cành trắng tuyết
Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh
Câu thơ rất giản dị này, đối với tôi như­­ một nỗi ám ảnh. Bởi thế, những năm còn du học ở Nga, khi vừa chớm mùa xuân, hầu nh­­ư năm nào, tôi cũng đến thăm căn nhà nhỏ ấy. 
Lần đầu tiên, tôi đến nhà S. Exenin là dịp đầu xuân 1988. Đó là căn nhà gỗ. Tư­­ờng nhà cũng đ­­ược xếp bằng những cây gỗ còn nguyên cả vỏ. Đây là kiểu nhà rất quen thuộc của những ngư­ời nông dân Nga x­­ưa. Quanh nhà là một khu v­­ườn rộng lúc nào cũng ầm ĩ tiếng quạ. Ở bất cứ phòng nào trong ngôi nhà, nhìn qua ô cửa sổ, ta cũng thấy ngọn tháp nhà thờ cổ kính. Sau nhà thờ là cánh đồng cỏ. Vát qua khu đồng cỏ là dòng sông Ôka nằm mơ màng trong s­ương khói. Đây là nơi l­­ưu giữ tuổi thơ của S. Exenin. Sergei đã viết khá nhiều thơ về vùng đất này. Bây giờ cánh đồng vẫn vậy, vẫn còn cây bạch dư­ơng, nơi Sergei x­­ưa từng ngồi chơi với bạn chăn cừu.
Bạch dương ơi, cho biết
Những bí mật cỏ cây
Tôi yêu đến ngất ngây
Tiếng thu buồn trong lá
Và rồi, chính ng­­ười bạn “bằng gỗ” này đã kể cho Sergei nghe chuyện anh bạn chăn cừu đã đến đây ngồi khóc về mối tình không thành với một cô gái quê. Sergei cũng hiểu đ­­ược bao nỗi niềm của cây, cả những nỗi buồn giấu trong từng thớ gỗ. Bây giờ, cây bạch d­ương đã trên trăm tuổi, mà trông vẫn xanh m­­ướt. Hình như­­ chính những câu thơ có sức sống vĩnh cửu của Sergei đã làm cho cây không có tuổi già.
Trư­­ớc khi tới đây, tôi cứ băn khoăn mãi về một câu thơ của Sergei trong bài “Thư­­ gửi mẹ”. Câu thơ rất đơn giản, câu chữ cũng chẳng có gì phức tạp, như­­ng tôi cứ lật đi lật lại mãi. Bởi Sergei đã gọi khu vườn của nhà mình là “vườn trắng”. V­­ườn chìm trong tuyết chăng? Thi sĩ Tạ Phương cũng hiểu theo nghĩa này. Con sẽ về khi lá cành trắng tuyết - Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh. Tôi cũng đã thấy tận mắt những khu v­­ườn Nga trắng xoá trong tuyết. Trắng đến chói chang, trắng đến nhức mắt. Cây cối rụng hết lá, chỉ còn những thân cành trần trụi, khô khỏng. Đi trong v­­ườn mà ta có cảm giác như­­ lạc d­­ưới đáy biển. Tuyết đã đắp cho cây thành một rừng san hô trắng xoá. Như­­ng mùa xuân đến rồi, cây đã bắt đầu đâm chổi nảy lộc: Trong gió xuân vườn mẹ rung rinh. 
Tôi đến thăm căn nhà của Sergei ở làng Constantinovo, tỉnh Riazan, đúng vào dịp mùa xuân nh­­ư Sergei đã viết. Đối với n­­ước Nga, mùa xuân là mùa tư­­ng bừng nhất trong năm. Sau một thời gian dài đến gần sáu tháng, cây cỏ, đất đai ủ sâu trong tuyết. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Tất cả đều hối hả và gấp gáp. Bắt đầu là những búp non, chỉ sau một đêm, nhìn đã thấy khác. Rồi qua mấy ngày, cả khu v­­ườn đã óng nuột, mỡ màng. Lá và hoa cùng đua nhau nảy nở một lúc. Có khi hoa còn nhiều hơn lá. Hoa phủ kín cả vòm cây. Khu v­­ườn của Sergei trắng xoá những hoa. Hoa mận. Hoa táo. Và bạt ngàn hàng trăm thứ hoa khác mà tôi chịu không thể biết đ­­ược tên. Căn nhà gỗ của Sergei ­­ướp trong làn hương thơm ngào ngạt. Đến 8 giờ tối rồi mà ngôi nhà vẫn rực lên trong quầng sáng kỳ lạ. Đó là thứ ánh sáng toả ra từ hoa. Tôi chư­­a gặp ở đâu vùng sáng kỳ ảo, mộng mị và  ma quái đến nh­­ư thế. Chỉ lúc ấy, tôi mới thấm thía câu thơ rất đơn giản của Sergei và thấy nó hay đến lạ lùng.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

ĐẤT - QUÊ





 Trần Trung
ĐÂT-QUÊ
         (Cho M-D-H)
Chú em ở Đất Xuân Trường
Đất Quê-Đất Học
Mà...
Thương Quê-Mình.
***
Đất-Chèo
Tom chát
Mông mênh...
Chầu-Văn
Ông Tú
Đất Thành-Nam xưa
***
Nhà-Trần-Tức Mạc
Trầm thưa...
Nhang bay Lên-Cõi
Cũng vừa
Trống canh.
***
Thăng Long-Tâm nguyện
Lòng thành
Đất-Quê-Ta
Mãi...
Ngọt lành
Trăng-Sao.

                HÀ NỘI 6/6/2013.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

LIỀU



                                                             

   

                                                                Nhà văn Vũ Công Hoan

LIỀU

                                                                                                             A Chính

                                                                                                     Vũ Công Hoan dịch

          Tôi có một người bạn, học tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tự mở một cơ sở chẩn đoán tâm lý. Sự sinh tồn của con người hiện đại bị sức ép lớn, ít nhiều đều có đôi chút vấn đề tâm lý. Do đó anh bạn tôi hành nghề rất phát đạt.
         
          Anh bạn rất say sưa với nghề, dốc lòng vào công việc, cở sở chẩn đoán tâm lý của anh càng ngày càng nổi tiếng, vài năm sau, kiếm ra một ít tiền, anh bạn tôi xây được ngôi nhà to, lấy được cô vợ đẹp như hoa như ngọc, ai cũng hâm mộ, tấm tắc khen
          Anh bạn thường bảo tôi:
          - Ôi con người, có biết bao nhiêu vấn đề tâm lý đều nảy sinh bởi lòng dạ hẹp hòi, trái tim bị bó buộc, tiến một bước thì khó khăn ì ạch, lùi một bước thì biển rộng trời cao, việc qué gì cứ phải chui vào mũi sừng trâu nhọn hoắt!
         
          Hôm ấy có một khách hàng đàn ông tìm đến cơ sở chẩn đoán của anh. Nét mặt vị khách hàng rất ngượng ngùng, lúng tung, cứ định nói lại thôi. Bạn tôi giục:
          - Có chuyện gì xin anh cứ mạnh dạn nói ra. Anh có nói ra tôi mới biết đúng bệnh mà bốc thuốc.
         
          Vị khách ấp a ấp úng nói:
          - Chuyện ... là thế này. Nếu... nếu vợ của một người đàn ông... cô ta ... đi ngoại tình có bồ bịch, thì người đàn ông này nên làm thế nào?
         
          Anh bạn tôi thông minh vô cùng. Anh hiểu ra ngay. Cái gọi là “người đàn ông” chính là vị khách hàng đang ngồi trước mặt. Vợ anh ta lén lút đi ngoại tình, hoặc anh ta đang nghi vợ mình có bồ bịch.
         
          Anh bạn tôi khuyên:
          - Nếu một người quá yêu vợ mình, có lẽ đã nảy sinh ảo giác, chẳng hạn vợ ạnh nói chuyện với một người đàn ông trên phố, anh đã cho là vợ mình và người đàn ông kia có quan hệ bất chính.
          - Không phải, không phải, có chứng cớ rành rành, chứng minh vợ người đàn ông kia đi ngoại tình. Theo anh thì người chồng này nên làm thế nào thì hơn?
          Vị khách hàng nói một cách rất dứt khoát.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Đọc HỒN TRÈM của Đường Văn







                                   
Đọc “Hồn Trèm”
của Đường Văn

(BẠT)
HOÀNG DÂN

Người già thường sống bằng hồi ức. Bởi hào quang hồi ức bao giờ cũng lung linh vẻ đẹp chân thành, da diết. Tôi thường nói vui với các bạn già: “Trẻ con bây giờ không có tuổi thơ!”. Đó là cái tuổi thơ gắn bó với luỹ tre làng, ao làng, giếng làng, đường làng, cổng làng, cánh đồng, dòng sông… Không có tuổi thơ ấy, tâm hồn con trẻ sẽ nghèo đi biết bao? Và sau này, khi đến tuổi xế chiều như chúng ta bây giờ, kí ức của chúng liệu còn lại những gì? Nói thế nghe có vẻ hoài cổ, cực đoan; nhưng thử ngẫm kĩ mà xem, xưa nay những làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam từng được “đóng đinh” vào kí ức người Việt ta với những biểu tượng điển hình như: luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình… Đó là những biểu tượng đã từng được tạo dựng và tôn vinh cả ngàn năm. Nhưng chỉ cần vài năm là  xoá  sổ “sạch bách” (chữ dùng của Đường Văn) thì có đau xót không? Và nỗi đau xót vì sự “tông hổng” (chữ trong câu “Tông hổng như cổng làng Trèm!”) ấy liệu có trở thành một khuyết tật trong tâm hồn của trẻ em làng Trèm hôm nay, nói riêng, trẻ em đồng bằng Bắc Bộ nói chung, hay không?
Tôi đồng ý với nhà văn Nguyễn Hiếu: “Giọng tản văn, nhìn chung, bao giờ cũng hơi buồn; vì nó là thể loại bộc lộ rõ nhất cái chủ quan, cảm xúc của người viết về con người và cuộc sống”. Viết về những cái đẹp từng là niềm tự hào một thời tính bằng trăm năm, thế mà đã bị “bức tử” một cách thô bạo chỉ trong vài năm; sao có thể vui cho được?!
Sau khi đọc tập “Thập ngũ Trèm hương”, ấn tượng của tôi về làng Trèm trong hồi ức của Đường Văn, thật sâu sắc.
Có ấn tượng ấy bởi; thứ nhất, Đường Văn tỏ ra là một trong những “thổ công làng”. Tác giả đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết khá đầy đủ, tỉ mỉ về một vùng quê; thứ hai, quê tôi (làng Cầu Bây, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm cũ) cũng có nhiều “hiện vật” (đình, chùa, cổng, ao, cánh đồng…) và “sự cố” (nạn đập phá hồi CCRĐ) tương đồng nên có sự đồng cảm đặc biệt.
Người viết đã có những thành công nhất định khi dựng lại chân dung tâm hồn của làng Trèm một thuở, do đó cái tên chung của tập tản văn: “Hồn Trèm” dường như hàm chứa một tình cảm yêu quí, tự hào và cả tiếc nuối, xót xa đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

GỬI LẠI VỚI ĐỜI



Kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam
( 21 / 6 / 1925 - 21 / 6 / 2013 )

GỬI LẠI VỚI ĐỜI

TRẦN MAI HẠNH

Thật ngẫu nhiên, bức ảnh đầu tiên tôi có mặt được chụp từ 45 năm trước, lại là bức ảnh hiếm hoi duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo có mặt tại chiến trường Quảng Đà lúc đó, gồm các phóng viên của Việt Nam thông tấn xã, báo Nhân Dân, báo Giải phóng, báo Cờ Giải phóng Quảng Đà và phóng viên nhiếp ảnh Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Quảng Đà. Bức ảnh được chụp chiều ngày 14/7/1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Tám nhà báo có mặt trong bức ảnh thì 4 đã là liệt sĩ, 1 là thương binh nặng. Gương mặt điềm tĩnh, ngời sáng của các nhà báo, người tuổi đời nhiều nhất mới 38,chính là gương mặt tinh thần của người làm báo và cũng là người lính vượt lên trên sự chết chóc và tàn khốc đến tận cùng của chiến tranh với niềm tin trước chiến thắng cuối cùng.
Người hy sinh đầu tiên chính là nhà báo đứng vị trí đầu tiên trong ảnh ( từ trái sang ). Đó là nhà báo – nhà thơ Nguyễn Trọng Định, phóng viên báo Nhân Dân, cùng trong tổ phóng viên vào chiến trường Quảng Đà một ngày với tôi. Trọng Định hy sinh lúc mờ sáng  ngày 26/8/1968 khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng ba lô. Nếu kể từ ngày chụp chung với tôi và các đồng nghiệp ở Quảng Đà bức ảnh trên, thì chỉ hơn một tháng sau Định đã hy sinh . Cùng được cử về Quận 2 Đà Nẵng, Định ở với Quận ủy, tôi ở với Quận đội, cách nhau con sông La Thọ ( còn gọi là sông Cổ Cò ), một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn.  Chiều hôm trước ( 25/8 ) Định còn theo giao liên sang thăm tôi. Bài “ Thăm quê hương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi “ Định vừa víết xong đọc tôi nghe chiều ấy, chính là bài báo đầu tiên và cũng là duy nhất của Định ở chiến trường. Không chỉ đổi bằng máu, Định đã đổi cả sinh mạng mình để có bài báo đăng trang trọng trên báo Nhân Dân và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày ấy. Sáng ấy nghe tin, tôi tất tả lội sông La Thọ qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở Xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh Tuyên huấn quận ủy bàn giao. Mảnh giấy bàn giao ghi vắn tắt : 1 ba lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh. Gia tài Định để lại chỉ có thế. Đáng kể nhất là bức ảnh. Đó là tấm ảnh khổ 9x12 cm chụp hình Định và người yêu là Kim , nữ phóng viên báo Nhân Dân âu yếm ngả đầu vào nhau. Bức ảnh bị thủng một chỗ ở nơi ngực trái của Định, vết máu loang ở đó. Tôi không giặt mà gói chiếc ba lô đẫm máu cùng những kỷ vật của Định cất cẩn thận dưới đáy ba lô của tôi suốt những tháng năm ở chiến trường ,và đã giao lại tận tay gia đình. Mãi 25 năm sau, năm 1993, tập thơ đầu tiên Sắc cầu vồng của Định mới ra mắt bạn đọc. Trong lời nói đầu, nhà thơ Lữ Huy Nguyên,  Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khi đó cám ơn gia đình, bạn bè đã gửi tới NXB những trang bản thảo của Định mà mỗi người với những cơ duyên khác nhau còn lưu giữ được. Ông đặc biệt trân trọng “ …những trang bản thảo cuối cùng của Nguyễn Trọng Định nằm trong chiếc ba lô đẫm máu đã được nhà văn Trần Mai Hạnh ( cùng là bạn học dưới Định một lớp ) cùng nhóm phóng viên chiến trường lúc ấy mang ra, giao tận tay gia đình, lẫn cả với chiếc áo khoác sờn rách nắng mưa mà cụ thân sinh Định đã choàng cho con khi Định cầm bút vào chiến trường… “( * )
Trong cuốn nhật ký “ Trên những nẻo đường chiến tranh “ 45 năm trước, tôi có chép lại trang nhật ký cuối cùng Định viết ngay trước ngày hy sinh, và bài thơ Định mới làm tặng người yêu có nhan đề" Gửi em ". Bài thơ này không có trong sổ tay và các trang bản thảo của Định, phải chăng vì thế, chiều đó đã ôm chặt nhau chia tay rồi, đã bước chân xuống nước rồi Định lại nhảy lên bờ sông La Thọ kéo tôi lại: " Tao có bài thơ vừa làm tặng riêng Kim rất hay. Lúc nãy tao quên, giờ thì mày lấy sổ tay ra chép, về đọc lại rồi có gì nói lại với tao. Chiến tranh chẳng biết thế nào. Nói dại, nếu tao hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này, coi như đấy là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy ". Lúc ấy, nghe Định dặn dò mà tôi cứ gai cả người. Trong ánh hoàng hôn của chiến trường, không hiểu điềm gì và cũng không hiểu linh tính điều gì mà Định cứ nhất mực đọc cẩn thận từng vần thơ bắt tôi chép lại. 45 năm đã qua, trang nhật ký cuối cùng và bài thơ " Gửi em " của Định vẫn thao thức những rung cảm sâu sắc của trái tim một nhà báo - nhà thơ , trái tim của một người lính và gương mặt tình yêu trong sáng đến vô cùng của một thời bom đạn đã xa . Những dòng nhật ký cuối cùng Định viết : "... Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may...nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây! " . Còn đây là bài thơ :
Gửi em

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Chùm thơ thiếu nhi của Vũ Xuân Quản







Chùm thơ Thiếu nhi, chủ đề loài vật của Vũ Xuân Quản
( Ngày 21/6/13).

ẾCH ỘP

Ếch ộp ngồi đếm đêm dài
Cả làng ngủ cả chẳng ai dây nhời
Cõng đêm lên núi rong chơi
Nửa đường bắt gặp mặt trời lên cao

ĐÊM HÈ

Quốc kêu rát cả chiều hè
Hoàng  hôn buông xuống tiếng ve loãng dần
Lập loè đom đóm múa lân
Bay từ Mộ Trạch sang Bần Yên Nhân…

TRƯA HÈ

Bằng lăng nhuộm tím nắng hè
Sân trường đổ lửa tiếng ve xé trời
Bay lên gió gọi mưa rơi
Lũ ve khoái trá nhịn cười xem mưa

GÃ CHUỒN CHUỒN ỚT

Đến trường mình hát thông reo!
Gã chuồn chuồn Ớt đuổi theo hẹn hò
Đậu vào vai dáng tỉnh bơ
Trốn về sóm nhé tha hồ lêu têu…

Ta ra cầu Đúng thả diều
Xuống hạ lưu đập cùng xem cầu vồng
Cầu vồng bẩy sắc gần không
Lục…lam…chàm…tím…vàng…hồng…da cam…
Nước bay qua cửa đập tràn
Kéo mây thấp xuống làm loang loáng chiều

Xua tay, mình khẽ lắc đầu
Còn nợ bài tập rảnh đâu như chuồn

Bay đi
Hắn có vẻ buồn…



GÃ TRỐNG CHOAI

NGUYỄN DU SỢ AI?



NGUYỄN DU SỢ AI?
(Về bài thơ MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN Của Nguyễn Du )

Vũ Bình Lục

Phiên âm:
Ngũ thủ
I
Khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đình / Hồ thủy hà xung dung / Thủy trung hữu nhân ảnh.
II
Thái thái Tây hồ liên / Hoa thực câu thưởng thuyền / Hoa dĩ tặng sở úy / Thục dĩ tặng sở liên.
III
Kim thần khứ thái liên / Nãi ước đông lân nữ / Bất tri lai bất lai / Cách hoa văn tiếu ngữ.
IV
Cộng tri liên liên hoa / Thùy giả liên liên cán / Kỳ trung hữu lân ti / Thiên liên bất khả đoạn.
V
Liên điệp hà thanh thanh / Liên hoa kiều doanh doanh / Thái chi vật thương ngẫu / Minh niên bất phục sinh.

Dịch nghĩa:
CHIÊM BAO THẤY HÁI SEN
(Năm bài)
I
Xắn gọn quần cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ đầy lai láng / Dưới nước có bóng người.
II
Hái, hái sen hồ Tây / Cả hoa và gương đều bỏ lên thuyền / Hoa để tặng người mình sợ / Gương để tặng người mình thương.
III
Sáng sớm nay đi hái sen / Có hẹn với cô hàng xóm / Không biết có đến không / Sau khóm hoa nghe tiếng cười nói.
IV
Ai cũng biết thích hoa sen / Nhưng mấy ai thích thân cây sen / Trong thân cây sen có những sợi tơ bền / Vấn vương không dứt được.
V
Lá sen xanh biết bao / Hoa sen đẹp mơn mởn / Hái chớ làm hỏng ngó / Năm sau sẽ không mọc.

Dịch thơ:
I
Xắn gọn quần cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ đầy lai láng / Dưới nước bóng người in.
II
Tây hồ hái hái sen / Hoa gương bỏ lên thuyền / Hoa tặng người mình sợ / Gương tặng người mình quen.
III
Sáng nay đi hái sen / Hẹn cô kia đi với / Chẳng biết có đến không / Cách hoa nghe cười nói.
IV
Hoa sen ai cũng ưa / Cuống sen chẳng ai thích / Trong cuống có tơ mành / Vấn vương không thể dứt.
V
Lá sen màu xanh xanh / Hoa sen dáng xinh xinh / Hái sen chớ đụng ngó / Năm sau hoa chẳng sinh.

PHẠM KHẮC KHOAN VÀ LÊ THƯỚC

Bài thơ này Nguyễn Du viết khi đã ra làm quan với nhà Nguyễn, in trong tập thơ chữ Hán Nam trung tạp ngâm, khoảng 27 bài.  Như thế là tác giả viết vào thời điểm từ sau năm 1802, đời vua Gia Long. Một bài thơ liên hoàn, tả một giấc mơ được hái sen ở hồ Tây (Mộng đắc thái liên). Chỉ là một giấc chiêm bao thôi, có lẽ là hình ảnh từ những năm tháng tươi đẹp của tác giả khi còn trẻ, được thừa hưởng vinh hoa phú quý ở một thế gia quyền quý, rồi một đi không trở lại, kể từ khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc Hà tiêu diệt tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh đã suy tàn, năm 1786.
            Quả là một giấc mơ tươi trong, rất hiếm thấy ở các tác phẩm thơ của Nguyễn Du, kể cả chữ Hán và chữ Nôm. Bài thứ nhất tả cảnh chung, khái quát, về cảnh hái sen ở Tây hồ.
Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền con hái sen.
(khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đình)
Đấy là tả người đi hái sen, chèo chiếc thuyền nhỏ mà lướt nhẹ trên mặt hồ, luồn qua những hoa sen và lá sen. Nhưng ai là người Xắn gọn quần cánh bướm ở đây? Chắc là những cô gái trẻ, con nhà tử tế quanh hồ mà tác giả quan sát thấy. Có nữ tú, ắt có cả nam thanh, trong đó có thi sĩ đa tình đa cảm Tố Như…Hai câu tiếp theo tả nước hồ đầy lai láng và xanh trong, in rõ bóng người hái sen. Mấy nét chấm phá về cảnh và người hái sen Tây hồ trong một ngày đẹp trời, bình yên, thơ mộng. Có cảnh và có người trong cảnh, nhưng tả người mới chỉ ở vài điểm nhấn, ví như Giáp điệp quần, tức quần lụa mỏng, tựa như cánh bướm phất phơ và hình người hái sen in dưới mặt nước hồ trong, thanh thoát.