Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương





                                                               Nhà văn Nguyễn Hiếu

  Ghi chép của người đàn bà bán bún chả có máu văn chương
                                                             Truyện ngắn
Lời bình:Nguyễn Hiếu đặt tên như thế là rất đúng bởi đây như lànhững ghi chép vụn vào chuyện đời xô bồ, vụn vặt của những người lao động nơi phố thị. Ngỡ rằng không viết “mượn lời”  như thế, thì chẳng thể có chuyện ngắn này. Họ ,những người ít chữ làm đủ mọi nghề, buon vặt ,bán hàng ăn, giọng điệu chợ búa, xuồng xã, ngôi lê đôi mách nhưng cũng hướng thiện, quan tâm đến người khác.
       Là người viết khỏe, lắm lúc ôm đồm, nhiều lời, Nguyễn Hiếu nhiều khi bê nguyên những gì anh thấy, những gì anh nghe được ởcuộc song thành thị nhiều khi đầy bất trắc, nhộn nhạo,nhiễu nhương này. Nó như là những ghi chéprất gần với thể loại kí của báo chí vì vậy nó dễ đọc và cũng dễ quên…
                                                                  Y Trang    

               
    LTG : Đầu phố tôi có một gian phòng bung ra từ tầng một của khu nhà tập thể được xây từ thời bao cấp. Căn phòng này được chủ nhà cho thuê để bán hàng ăn. Hai chị em dâu thuê chung. Buổi sáng cô chị gầy nhẳng bán phở bình dân. Đến xêm xêm 11 giờ thì cô em phốp pháp bán bún chả. Một trưa vì nóng bức, vì lỡ bữa tôi ra ăn ở quán. Cô bán bún chả vừa thấy tôi nhỏn nhẻn cười duyên bảo” tuần trước cháu đi phô tô kết quả đề thấy thằng Nịnh híp đang in bài của chú, cháu mới biết chú là nhà văn. Thỉnh thoảng rỗi hay là không ngủ được cháu cũng viết lăng nhăng một ít. Hôm nay cháu liều mang ra. Chú đọc cho cháu nhé. Lúc nào thích chú cứ ra đây ăn, không phải trả tiền mà cháu lại cho chú uống bia chai Hà Nội. Coi như cháu giả công đọc của chú. Được không ? Tôi suýt bật cười khi thấy cô bún chả lôi từ dưới tấm cao su kê rổ đựng rau sống một tập giấy nhầu nhĩ, loang lổ những vết mỡ. Tôi vốn nể nang không tiện từ chối, vả cũng tò mò xem cô bún chả viết gì nên cầm tập giấy. Càng đọc càng thấy cô bún chả viết hay hơn ối nhà văn trong đó có cả tôi. Tôi xin phép cô được công bố bản thảo này. Cô bún chả cười tít mắt hỏi “công bố là gì hả chú ?”. Tôi bảo “là in ấy mà. Nếu được in thì cháu còn được nhuận bút”.” Eo ơi, chú có quyền thế kia á. Nhưng cháu biết rồi nhé. Nhuận bút là tiền đúng không? “. Tôi gật đầu. Cô bún chả hỏi “chỗ này được độ bao nhiêu?”. ” Chú cũng chưa rõ lắm bởi còn tùy từng báo. Nhưng chí ít cũng được từ ba trăm trở lên”.”Thế kia á?. 17 nghìn một xuất thế là chỗ  viết được gần 23 xuất. Vậy thì thỉnh thoảng cháu phải viết mới được. Hơn chán vạn bán bún chả . Chú tính còng lưng bốc bún, toét mắt nướng chả mà cả ngày lãi không nổi một trăm. Viết ba lăng nhăng lại được những ba trăm. Thích thật. Thảo nào nhà văn các chú hay đi quán, uống bia chai là phải thôi “. Được sự đồng ý của cô bún chả tôi công bố ghi chép này .

     Ngày đầu tháng:
      Cho con Liệu đĩ ấy biết thế nào là khách hàng kiêng. Mày tưởng mày đẹp, mày đưa mắt lúng liếng, mày mặc áo cổ rộng mà khách hàng họ ào vào quầy hàng của mày đấy. Hôm nay ngày đầu tháng con dở hơi ạ. Đầu tháng nên chỉ có thằng thần kinh, thằng chết đói đến mờ mắt, chẳng còn biết nghĩ suy gì, thằng nứt từ đất lên mới dám lao vào hàng thịt chó. Mày bán hàng bao nhiêu năm mà sao ngu thế không biết. Con này đã nói rồi, mà mày có nghe tao đâu. Bạn bè thân thiết tao mới nói chứ không rỗi hơi. Ông, bà bô tao lúc rỗi chả tua đi tua lại cuộn băng rằng. Ngày xưa đói mốc lên thì bạ cái gì, bất kể ngày giờ người ta chả xơi. Nhà nào, thằng to con bé đều giống nhau cái tem phiếu cứ thế mà dùng không phải cạnh tranh nên kiêng khem cũng chẳng mang lại cái gì. Chứ bây giờ ý à. Làm ăn, buôn bán, mánh mung, chạy dự án, chạy chức tước như cái nhà lão Thịnh dở người ngày xưa lăm le định tán mày nhưng bây giờ làm đến chánh văn phòng ủy ban quận khi thấy mày đứng chém thịt chó bôm bốp lại giả vờ không quen biết ấy thì các vàng cũng không dám xơi thịt chó đầu tháng. Con này có là bạn, có thương mày, mới khuyên nhủ hết lời mày không nghe, tao đành chịu. Lại còn bảo vì thằng chồng nó đang yếu khoản ấy nên cần cật chó. Nói thế mà nghe được. Cần một cái cật chó mà đi mua cả những hai con chó. Mà sao mày ngu thế không biết. Thằng chồng nào chả hay giả vờ. Lấy chồng gần chục năm trời phải biết chất lượng mặt hàng của chồng chứ. Chả nhẽ tao lại nói toạc ra là tay Long mắt cá trê chồng mày( mà tao cũng lấy làm lạ, mày người ngợm đến nỗi nào, đấy là chưa kể hồi thiếu nữ chắc cũng mịn màng, trơn lông đỏ da lắm thế mà ăn phải bùa phải bả thế nào lại đâm đầu vào cái thằng trông đã không muốn ăn). Thôi đành đổ cho số phận vậy, thằng chó chết ấy đang giả chết bắt quạ đấy. 

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

NHỮNG NGƯỜI CON CỦA NÚI




NHNG NGƯỜI CON CỦA NÚI
                        Nguyễn Đình Thái

Những người con Âu Cơ đi về phía núi
Câu “Vừng ơi!” đâu còn có nhiệm mầu
Cánh cửa vàng đen im lặng lắc đầu
Con của núi cau mày bướng bỉnh

Những người con của núi tiến về phía núi
Những vầng ngực đen vồng lên ngạo nghễ
Cánh cửa vàng đen rùng lên khe khẽ
Chắc nịch nhát cuốc khai nguyên

Những người con của núi tiến vào lòng núi
Nơi những hạt vừng đang giấu của
Con của núi mang trái tim ủ lửa
Thiêu thành tro cánh cửa kho vàng

Những người con của núi vẫn tiến vào lòng núi
Uốn cong cửa vàng đen thành những hình vòm
Lấy từ kho sâu nhiều triệu tấn vàng ròng
Thần kho cúi đầu nhường lối

Những người con của núi
lại tiến vào ngực biển
Đại dương mỉm cười thán phục
Những đứa con Lạc Long Quân
đang đặt chân
xuống thám hiểm trừ ba trăm.
 
                                                            15-4-2014




Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Dịch đưa câu thơ Chinh phụ ngâm của bà Đoàn thị Điểm



Dịch đưa câu thơ Chinh phụ ngâm 
của bà Đoàn thị Điểm
Laiquangnam


           Nếu không có bản dịch hoàn hảo của bà họ ĐOÀN ra Việt ngữ  thì bản văn chữ Hán của cụ Đặng Trần Côn  hẳn nằm ngửi bụi mệt nghỉ. Trong Chinh phụ Ngâm của Bà Đoàn  có hai câu này:

Non Yên đâu chẳng tới miền [CPN]

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên tới trời [CPN]

Đó là hai câu năm ở bài thơ nào, của ai ?, Bạn đoán thử xem.


                                                                                                   Nhà biên khảo Lại Quảng Nam
-0o0o0o-

               Bài thơ dưới đây là sự thương nhớ của một đôi tình nhân của nhà thơ Trung hoa Lý Bạch .  Thơ ông rất đỗi huê dạng. Các bài thơ về đề tài  Rượu và Trăng của ông  nổi tiếng. Vậy mà ông viết thơ tình cũng  OK .
   Trường Tương Tư dưới đây là một minh chứng .  Trường Tương Tư là gì ?  Xin  tạm dịch là "Thương nhớ đậm đà" hay "Nhớ quá chừng chừng". Bài gồm hai phân đoạn . Kỳ I do chàng viết  "Nhớ quá nàng ơi!", kỳ II  nàng hồi đáp, "Nhớ quá chàng ơi!".  Hạnh phúc thay cho ai được có mối tình đậm đà đến phút cuối như rứa.

  Bài thứ nhất Lý Bạch khởi đi bằng ba từ "trường tương tư" và cuối cùng cũng "trường tương tư " và chấm hết bằng ba từ trác tuyệt "Tồi tâm can", Thương nhớ đến mờ cả tim gan!. Cụm "Tồi tâm can" này khiến tình nhân của ông, tôi nghi nghi cô nàng phải thổn thức suốt đêm, nàng phải  cố mà viết bài hồi đáp sao cho  thật là mùi mùi.
Nhớ nhau đau đáu !
....
.....
Nhớ nhau đau đáu !
Hiu hắt tim gan ! ,
--------------o0o----------------------
Xin mời đọc bản văn

TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
LÝ BẠCH
Nhớ quá nàng ơi !, Kỳ I
Ia-Nguyên tác
長相思 (其一 )












IIa_Phiên âm
Trường tương tư (kỳ 1)
Trường tương tư
Tại Tràng An
Lạc vi thu đề kim tỉnh lan
Vi phong thê thê đàm sắc hàn
Cô đăng bất minh tứ dục tuyệt
Quyển duy vọng nguyệt không trường thán
Mỹ nhân như hoa cách vân đoan
Thượng hữu thanh mạc chi trường thiên
Hạ hữu lục thủy chi ba lan
Thiên trường địa viễn hồn phi khổ
Mộng hồn bất đáo quan san nan
Trường tương tư
Tồi tâm can
Lý Bạch
IIIa-Dịch sang thơ quốc âm
Chàng viết
 Trường tương tư”
 ( kỳ I )
Tạm dich tiêu đề 
" Nhớ quá chừng chừng! nàng ơi" .

Nhớ nhau đau đáu !

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Chuyện về niềm tin tín ngưỡng





Chuyện về niềm tin tín ngưỡng

NHỮNG CHUYỆN
NGÔ TIẾN VINH KIỂM CHỨNG
*
Cuối năm 2010, Ngô Tiến Vinh về đầu quân cho Công ty Văn Hóa Bảo Thắng, đến cuối năm 2013 thì nghỉ việc. Tiếng là Công ty nhưng thực chất lúc đó chỉ còn lại Nhà sách Bảo Thắng được co cụm, rút về 7/61 Nguyễn Văn Trỗi (Hà Nội) để chờ ngày giải tán nên toàn công ty chỉ có mấy người, vì thế mà tôi và cháu (Ngô Tiến Vinh) có thời gian gần nhau nhiều.
Là thanh niên mới lớn, cháu không tin vào những chuyện như số mệnh, nhân quả, ... nên mỗi khi tôi nhắc đến những kiêng kỵ trong dân gian, cháu đều cười: - “Chú cứ mê tín rồi nói quá lên, chứ cháu không tin.”. Thế rồi, trong những bữa cơm, khi rượu đã ngà ngà, hứng lên, tôi bói tay cho mọi người, cháu ngạc nhiên vì những lời tôi “phán”. Bạn bè của cháu như: Sáng (Tâm Trong Sáng), Trình (Tien Trinh), Điệp (Phêrô Hoài Nam), Thương... lần đầu gặp vậy mà tôi tả chính xác khu đất nhà đang ở có hình dạng thế nào, địa thế làm sao, thậm chí còn “đọc” được ngôi mộ hợp với người đó là ngôi mộ của ai? Nằm ở địa thế nào (cách sông, đường, quang cảnh khu vực ra sao)? Điều lạ là những “bí ẩn” đó chỉ hiện lên ở gò Kim Tinh (bàn tay) khi tôi đang chuyếnh choáng men rượu, có tâm trạng muốn xem tay cho người đó. Khi đã “phán” xong, tôi không thể nhớ bất cứ điều gì. Nếu muốn hỏi điều chưa rõ, phải đợi lần sau, khi tôi đã ngà ngà men rượu, muốn xem tay cho người đó vì chính tôi cũng không hiểu được tại sao chỉ khi đã “liêng phiêng” men rượu tôi mới có thể “nhìn” được đất cát, mồ mả hiện lên gò Kim Tinh trên bàn tay người đó thế nào. 
 

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Ra mắt sách " Nguyễn Chí Trung một lòng son với Tổ quốc"

Ra mắt sách " Nguyễn Chí Trung một lòng son với Tổ quốc"
Sáng thứ tư, 26 tháng bảy, tại Trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, gia đình Thiếu tướng  Nguyễn Chí Trung và Hội nhà văn tổ chức lễ ra mắt tập sách. Đông đảo các nhà văn quân đội, nhà văn, nhà báo và thành viên CLB Văn Chương của Hội Nhà Văn Việt Nam đến dự. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ nhiệm CLB chủ trì buổi giới thiệu. Sau đề dẫn, nhà thơ đã mời một số bạn bè, đồng đội, những chiến sĩ quân đội có thời gian tiếp xúc với Thiếu tướng , nhà văn Nguyễn Chí Trung phát biểu. Các ý kiến đều khẳng định nhà văn Nguyễn Chí Trung là người chiến sĩ mẫu mực, hết lòng vì  chiến sĩ dưới quyền, nhân dân, vì Tổ quốc.
Dưới đây là một số hình ảnh.


                                                                                        Chụp ảnh lưu niệm

                        Chánh văn phòng Dương Dương Hảo giới thiệu chương  trình

                                     Nhà thơ Vũ Quần Phương điều hành

                                   Nhà văn Lương Sĩ Cầm phát biểu

                                  Nhà văn Nguyễn Trí Huân

                                         Nhà thơ Vương Trọng

ĐOC LẠI



           

 ĐỌC LẠI
                     Trần Trung
          ( Kính dâng Nguyễn Du)

Đọc lại-Người xưa
Ùa về
Nỗi 
Tái tê
Kiếp-Người...
            ***

Nguyễn Tiên Điền-
Người ơi!
“Thập loại chúng sinh...”*
Những câu tế
Thành văn,
Loang
Thấm đượm xưa sau
Thương đến tận cùng đồng loại.

Thương Kiếp-Người đang sống,
Nước mắt dâng đầy
Dành
Tận Cõi-Âm.
Nỗi đau đoạn trường-
Thấu đáo
Hôm nay...
            ***

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

SO SÁNH ĐOẠN “THỀ NGUYỀN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”




SO SÁNH ĐOẠN “THỀ NGUYỀN” TRONG “KIM VÂN KIỀU” VỚI “TRUYỆN KIỀU”
                                                   Vũ Nho
Trong “Kim Vân Kiều” (KVK) đoạn này tiếp sau đoạn Kiều lấy cớ ốm không đi mừng thọ. Nàng đã mang rượu sang uống và trò chuyện cùng Kim Trọng theo tinh thần “hội Phác điệp”. Bên nhà có tiếng gọi ngõ, nên Kiều từ biệt Kim Trọng. Cả đoạn được viết như sau:
Khi về tới nơi mới biết không phải song thân, chính là gia nhân bên ông ngoại sang bảo rằng: Đêm nay ông bà còn ở lại chơi, cô nương nên đóng cửa ngõ cẩn thận rồi sẽ đi ngủ.
Tiếp đặng tin trên, nàng thấy mừng nở khúc ruột. Nghĩ thầm chàng Kim thực cũng tốt duyên! Đêm nay có thể thực hành lời ước. Rồi nàng lại xếp các thứ đồ nhắm, xăm xăm ra lối vườn sau, lách qua non bộ, sang thẳng thư phòng.
Về phần Kim Trọng, sau khi quay lại, vẫn lo ngay ngáy cho nàng, rồi khi bước vào thư phòng, gục đầu lên án nghĩ quanh nghĩ quẩn, ngủ đi lúc nào không biết, cho mãi tới lúc nàng xách rượu sang, thấy chàng vẫn còn đương ngủ. Nàng bèn lên tiếng: Ô! Sở Tương Vương, Thần Nữ đã xuống Dương Đài mà sao nhà vua vẫn chưa tỉnh giấc?
Kim Trọng đang lúc mơ màng bỗng nghe tiếng gọi, khiến chàng giật mình tỉnh giấc, mở choàng mắt ra, thấy nàng hiện ngay trước mặt, thì miệng lẩm bẩm: Ô kìa! Phải chăng sự thực hay giấc chiêm bao?
Nàng mỉm cười nói: Hiện giờ nó là sự thực, nhưng biết đâu, rồi nữa chả là chiêm bao? Lang quân hãy nên tế nhận.
Chàng cũng thuận miệng nói luôn: Nếu vậy thì chẳng hóa ra giấc mộng trong lúc mở mắt đó chăng? Nhưng ta hãy hỏi: Làm thế nào mà khanh lại được quay sang một cách mau lẹ như vậy?
Kiều đáp:Chàng ơi, may quá, may quá! Đêm nay song thân cùng hai em của thiếp còn ở bên đám, nên thiếp lại sửa các món: này là rượu hâm, này là cá rán, để ta dạo thú hang vàng.
Chàng Kim tươi cười nói: Nàng ơi, rượu nhắm hãy để lát nữa, bởi vì giờ tốt khi chọn được, huống chi lúc này là lúc giữa trời ba sao vằng vặc, chính là một giờ thiêng để cho đôi ta đính ước, thề thốt xong rồi sẽ uống rượu mua vui, tưởng cũng chưa muộn.
Kiều: Vâng, chàng nói rất phải, nhưng cứ ý thiếp thì cuộc minh thệ chả lẽ lại không có văn? Vậy xin chàng viết ngay cho kẻo trễ.
Kim Trọng nghe Kiều nói hợp lẽ, tức thì đứng dậy đi lấy bút giấy viết bài văn thệ như sau:
THỀ RẰNG:
Chúng tôi hai kẻ đồng tâm là Kim Trọng cùng Vương Thúy Kiều.
Trọng sinh năm tháng ngày giờ
 Kiều sinh năm tháng ngày giờ
Nay xin kính cẩn đốt nén hương lòng, dâng li rượu tịnh, thề trước hoàng thiên hậu thổ linh thiêng.
Chúng tôi trộm nghĩ:
Vợ chồng trọng nghĩa, phải chung thủy không rời.
Nhi nữ đa tình, tình dẫu tử sinh không phụ.
Trước đây: Kiều muốn lấy chồng, Trọng mong có vợ, thương tài mộ sắc, đã nguyện đôi chữ đồng tâm.
Ngày nay: Trọng lo buổi mới, Kiều sợ về sau, tạc dạ ghi lòng, cùng thề đến khi mãn kiếp.
Sau giờ minh thệ, ví thử chẳng may,
Gặp cảnh bất thường, quyết không thay đổi.
Ai mà phản bội lời ước,
Cúi xin thần thánh xét soi.
Chàng Kim viết xong văn tế, hai người quỳ lạy thiên địa, tuyên đọc lời thề, đoạn rồi quay vào, chén thù chén tạc, tới lúc nửa say, chàng Kim ngập ngừng bảo Kiều” (Kim đề nghị Kiều đánh đàn - VN chú). (Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 97-99).
Trong "Truyện Kiều” (TK), Nguyễn Du viết thành 22 câu lục bát, từ câu số 431 Cửa ngoài vội rủ rèm the đến câu số 452 Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Đoạn thơ ngắn nên chúng tôi trích toàn bộ:
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa gương rọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê