Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

NGẪM NGÙI,…! XUÂN ĐẤT NƯỚC


NGẪM NGÙI,…!

  XUÂN ĐẤT NƯỚC

                                                      (Thơ văn xuôi)
ĐƯỜNG VĂN

Hà Nội chặt cây xanh, Đồng Nai sông lấn, lấp*
Trường giang mênh mang chảy qua 11 tỉnh liền kề.
Bất chấp lòng dân, chính quyền nóng vội,
Khốn, tầm nhìn, không quá ngọn tre…!

Nhưng đâu chỉ tầm nhìn cạn nông mà còn bao chuyện khác…
Chỉ đến khi ầm ầm công luận
phản đối dữ dội, họ mới buộc phải tạm dừng.
Thì đã thiệt hại cho ngân khố quốc gia ngàn vạn tỉ đồng?

Bấy giờ mới tạm lắng nghe gần xa phản hồi, phản biện,
Phải sửa sai, làm lại, thì hỡi ơi, hai má đã sưng vù!
Đây mới là phần nổi tảng băng chìm của bao nhiêu dở dở ương ương  cùng mang tên: quyết sách*
Nhân dân sáng suốt, công minh không bao giờ đồng thuận!
Và đất trời thiên nhiên nhiều nơi cũng đã bừng bừng nổi giận:
ân trả, oán đền, nhỡn tiền.

Lấp xuống rồi sẽ phải moi lên, chặt đi phải mau mau trồng lại!
Vô tích sự đèn cù, lãng phí phù du, bu lu…
Chỉ tiền của, sức, máu dân lần lượt đội nón ra đi, ném xuống sông, xuống biển, như lá rụng mùa thu hay chảy vào túi ai,… ma ăn cỗ!...
Chỉ nhân dân hứng trọn hệ lụy ngắn dài, sau trước…
Biết kêu đâu!
Và kêu đến… bao giờ?!

Phải đổi thay tư duy và cách làm từ gốc, phải ngăn chặn từ đầu, khi dự án mù mờ mới hoài thai trên mặt giấy!
Những cái đầu bốc lửa nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết, kém công tâm hóa thành phá hoại…
Lại nắm giữ quyền, tiền, nhơn nhơn thách thức rồi lại thanh minh thanh nga, đổ lỗi cho nhau, lẩn trách nhiệm như loài thờn bơn, chạch trấu!
Hỡi ôi thế thái nhân tình! Hỡi ôi vòng vo cơ chế!
Xây dựng CNXH, CNH, HĐH trên đất nước chữ S, trong thế kỷ 21 này, xin chớ hồ đồ phó mặc và tin tưởng vào mấy gã đi câu, quắc cần câu!

Nhìn bãi đất lấn, lấp sông ùn ùn thấp cao, gò đống ngổn ngang phường Quyết Thắng,*
Ngắm hai hàng mỡ rởm thay thế cây quý vàng tâm run run, xạc xào trong gió xuân ấm lạnh, đường phố Nguyễn Chí Thanh…
Lòng ai không tiếc thương, xót xa, căm giận, và nhoi nhói ngậm ngùi!
Lại nhớ khôn nguôi lời dạy tầm nhìn xa cùng hành động nêu gương sáng ngời của Bác Hồ kính yêu, mỗi mùa xuân đến:

Vì lợi ích 10 năm trồng cây, lợi ích trăm năm: trồng người!
Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân!*

Bác ở trên cao, Bác có đau lòng?
Lũ hậu duệ của Người có đáng trách phạt hay không?
Họ có tội hay có công?
Đại công hay trọng tội?
Xin Người minh xét!


* Dự án chặt hạ 6700 cây xanh trên một số tuyến đường phố Hà Nội và Dự án cải tạo sông Đồng Nai.*Ý kiến ông Đặng Văn Khoa: Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên – Môi trường TPHCM phát biểu trên Vietnamnet, ngày 30 – 3 – 2015; * Đoạn sông Đồng Nai đang bị lấn lấp (chứ không phải lai, cạp) thuộc phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa; * Lời dạy, thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Trưa – chiều ngày cuối cùng tháng ba 2015.
ĐV


Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

BÀN và TÁN về KHOÁI SAU TỨ KHOÁI


KHOÁI  SAU  TỨ  KHOÁI
(Tản văn)
                                                                                    Lê  Dụ
Quan tòa hỏi:
- Mary! chị cho biết lí do li hôn Bill - chồng chị?
- Thưa quý tòa! Tôi đã trình bày trong đơn, lí do là không hợp - Ma ry trả lời.
Quan tòa:
- Tòa muốn biết trực tiếp, cụ thể. Hai người tự nguyện lấy nhau mới hơn một năm mà đã li hôn, nghĩa là sao?!
Mary: - Thưa tòa! Tôi không thể sống chung với Bill thêm một ngày nào nữa!
Quan tòa quay sang hỏi Bill:
- Bill! anh hãy cho biết lí do?
Bill: - Thưa tòa! Tôi cũng không biết lí do gì!
Quan tòa: - Thế này là thế nào!? Nếu không biết nguyên nhân cụ thể, tòa sẽ không giải quyết!
Mary đứng phắt dậy: - Thưa tòa! từ khi lấy nhau đến nay, đã hơn một năm rồi, Bill chưa tắm 1 lần nào!? Bởi vậy, tôi không thể chịu đựng thêm 1 ngày nào nữa!
Quan tòa, không kiềm chế nổi kinh ngạc, cũng bật người lên:
- Ôi khủng khiếp! khủng khiếp!! Bill! có đúng thế không?
- Đúng! Thưa tòa! Nhưng tôi thấy chuyện này… có gì ghê gớm đâu! - Bill thản nhiên trả lời.
Đó là một đoạn đối thoại trong phiên xét xử li hôn ở nước Anh mà tôi đọc được trên mạng internet đã lâu... Hôm nay, nhân bàn tiếp về Khoái sau Tứ khoái, chợt nhớ lại.
Tắm có nhiều dạng, kiểu:
Tắm sông (Muốn tắm mát, lên ngọn sông Đào (Ca dao), tắm suối (ngòi, lạch, khe), tắm ao (chuôm), Ta về ta tắm ao ta! (Ca dao); tắm hồ (đầm), tắm biển, tắm trong nhà tắm, tắm trong bể bơi, tắm mưa, tắm nắng, tắm hơi (matxa), tắm bùn, tắm điện (?), tắm sữa dê, tắm thuốc, tắm tất niên, tắm tiên (khỏa thân), tắm để bày thức ăn trên cơ thể phụ nữ (Súshi; sẽ nói chi tiết ở đoạn sau), tắm khô, tắm cạn, tắm máu (nghĩa bóng), tắm tù, tắm lính (Mỹ)… Mỗi kiểu tắm có thể đem lại khoái thú riêng cho người được/bị tắm…

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Phản đối DỰ ÁN lấp sông Đồng Nai!

                                  


                     QUẰN QUẠI  ĐỒNG NAI!...*
    
 Muốn sống, vét sông, trả lại dòng!

(Phỏng ý thơ Hồ Xuân Hương)

ĐƯỜNG VĂN

Lấn, lấp Đồng Nai: sai hay đúng?!
Hỏi nhà khoa học? Bộ Môi Trường?
Lòng Dân Nam Bắc ào dâng sóng,
Ngắm sông dài quằn quại,… càng thương!

Mọc lên cao ốc cả trăm tầng,
Lầu vàng, cung ngọc: ngất triền sông.
Một dải nước, bờ: cả trăm mét,
Dòng phải quẹo dòng, có hốt* không?!

Tự làm ứ nghẹn, thắt cổ chai,
Ngập úng lan tràn, trách tội ai?!
Thay đất đổi trời, liều dựng lại
giang san!*… duy ý chí… qua rồi!!!

Chẳng cái dại nào giống dại nao!
Chẳng phải tim đen để lẫn đầu!*
Chẳng qua tối mắt vì tham lợi,
Mặc Đồng Nai quằn quại,… càng đau!

Kìa Tháp sông Hàn, Đồi Vọng Cảnh*…,
Trước sau, nghiêm lệnh buộc phải dừng!
Dự án lấp Đồng Nai, cũng vậy!
Không ngu! Chẳng dại, trái lòng Dân!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

SÔI SỤC 6.700 CÂY - VẤN ĐỀ NHÀ NƯỚC VỚI DÂN

SÔI SỤC 6.700 CÂY - VẤN ĐỀ NHÀ NƯỚC VỚI DÂN


TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

*Phần 1: Tham khảo vụ kiện thắng chính quyền Berlin

Một cây xanh lớn còn rất tươi tốt bị chặt trên đường
Nguyễn Chí Thanh ngày 19/3/2015
Ảnh: Nguyễn Hưởng/NLĐ

Cách năm trước, để xây dựng toà nhà ở và kinh doanh tại phố Crellestraße ở Berlin-Schöneberg, chủ nhà được Sở Xây dựng cấp phép cho hạ đốn 3 cây cổ thụ của họ trên điạ điểm đó, dự kiến vào đầu tháng 7.2013. Khi biết được quyết định trên, lập tức một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên đâm đơn kiện khẩn cấp lên Toà án Hành chính Berlin, đòi ra án quyết khẩn không cần mở phiên toà hủy bỏ giấy phép đó, bằng cách viện dẫn Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang cấm đốn hạ cây (bất kỳ của tư nhân hay công cộng) vào thời kỳ thực vật sinh trưởng ở Đức từ 1.3-30.9 hàng năm. Với án quyết số VG 24 L 249.13 ngày 10.7.2013, Toà bác bỏ đơn kiện với lập luận, một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên không có thẩm quyền kiện ở Tiểu bang, mà lại dựa theo Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang. Hiệp hội kháng án khẩn lên Toà hành chính Tiểu bang Berlin-Brandenburg. Ngày 19.7.2013, Toà này ra án quyết khẩn số OVG 11 S 26.13, đứng về phiá nguyên đơn, phán: Luật tiểu bang dù đứng trên góc độ phối hợp các luật hay đứng trên góc độ bảo vệ loài sinh vật trong luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang đều không được phép ngăn cản quyền tham gia của các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quy định trong Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang. Luật Liên bang cho phép các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên được phép kiện những vi phạm quyền bảo vệ thiên nhiên, nên không hề mâu thuẫn với luật tiểu bang. Luật Liên bang cũng không có ngoại lệ đối với quy định cấm chặt cây trong thời kỳ thực vật sinh trưởng. Công trình xây dựng cá nhân được cấp phép không có nghĩa bất chấp lợi ích công cộng, khi chọn thời gian xây dựng đúng vào thời kỳ sinh trưởng thực vật.



Vậy mối quan hệ giữa nhà nước (1- Cơ quan hành chính, 2- Toà án) với nhân dân (3- Chủ tư nhân, 4- Hiệp hội) với đối tượng 3 cây xanh ở họ như trên, có gì khác vụ chặt đồng loạt 6700 cây đường phố Hà Nội sôi sục cả chính quyền thành phố lẫn người dân hiện nay?
*Phần 2 Tóm lược quy trình dẫn tới chặt đốn đồng loạt 6700 cây ở ta

LỄ HỘI VÀ TUỔI TRẺ - Vũ Nho

                                                                                    Vũ Nho - Chủ trang

LỄ HỘI VÀ TUỔI TRẺ
                 PGS. TS Vũ Nho
                 Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ xa xưa của mọi quốc gia.  Đó là dịp để con người vui chơi, nghỉ ngơi, giao lưu, và hiểu biết thêm về lịch sử về cội nguồn xứ sở. Dù to, nhỏ, rộng hẹp về quy mô và khác nhau về ý nghĩa, mỗi một lễ hội thường bao gồm phần lễ là phần nghi thức thể hiện quan niệm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng, và phần hội, là phần vui chơi với các trò chơi dân gian, hát hò, diễn xướng… Chẳng hạn, thi hào Nguyễn Du đã viết về lễ hội  thanh minh trong Truyện Kiều:
          Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
          Gần xa nô nức yến anh
          Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân…
Với những người trẻ tuổi, thời nào cũng vậy, tham gia Lễ hội luôn luôn là một hoạt động đầy sức cuốn hút. Không ở đâu như trong Lễ hội, giới trẻ được bộc lộ mình thoải mái nhất, được giao lưu với bạn bè, và cũng là dịp để tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu bạn đời để tỏ tình tiến tới xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc lứa đôi. Chúng ta hãy xem cô gái mới lớn hồi hộp náo nức đi trẩy hội Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Cô dậy sớm khi “hoa cỏ mờ hơi sương” vấn đầu, soi gương, chuẩn bị trang phục:
          Khăn nhỏ đuôi gà cao
          Em đeo giải yếm đào
          Quần lĩnh áo the mới
          Tay cầm nói quai thao

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

CHÙM THƠ PHẢN ĐỐI VIỆC CHẶT, HẠ, THAY CÂY BỪA BÃI Ở THỦ ĐÔ HÀ NỘI

                 

HÀ NỘI ƠI !
                     (Trần Trung)
“Vì lợi ích trăm năm...” đâu ?
Chưa thấy!
Chỉ thấy đổ và đổ...
Ngàn cây xanh Hà Nội.
Phố phố-máu cây loang...
Buốt lòng
Ngàn vạn Người
Đau-Sâu-Máu-Mắt
Nhìn-Xanh-Đi
Đột tử-Chẳng kịp lời trối trăng thầm thĩ.
               ***
“Vì lợi ích trăm năm...” đâu?
Người Hà Nội tận mắt nhìn
Đã ngàn cây đổ máu...
Mặc!
Búa rừu cứ vung lên tàn bạo.
Hà Nội ơi!
               ***
Hà Nội ơi!
Sẽ xanh mãi sắc trời xanh Hà Nội
Cho sắc mây soi bóng mặt Hồ Gươm
Cho Tháp Bút “Viết lên trời xanh” mãi
Cho  mãi mãi mùa xuân...Sắc biếc-Lòng Người
                ***

“Vì lợi  nghìn năm...”
Phải “chặt tay” lũ người vô lối
Hà Nội ơi!


                Hà Nội-Ngày 25/3/2015.


HAI BÀI THƠ

PHẢN ĐỐI VIỆC CHẶT, HẠ, THAY CÂY BỪA BÃI

Ở  THỦ ĐÔ HÀ NỘI


ĐƯỜNG VĂN 
    GHÈ TIỆT NỌC!
(Phỏng thơ Chiêu Hổ
(Phạm Đình Hổ (?) lỡm Hồ Xuân Hương)

Bớ lũ quan tham, lão bảo nghe:
Còn cưa cây bậy, gậy Dân ghè!
Ghè bằng tiệt nọc thôi!... ghè nữa,
Ghè mãi…cho bay tởn, vãi tè!


             XANH MÃI!

         THỦ ĐÔ XANH!

                (Thơ văn xuôi)

- Không cần hỏi Dân chuyện nhỏ chặt cây!
Ngông ngạo ra oai, lớn giọng bầy hầy!
Phép nước đạp tràn như giẫm đồng cỏ úa,
Lòng dân phẫn nộ, giăng địa võng lùng, quây.

Không cần hỏi Dân! Chỉ muốn bộn Tiền!
Vô pháp vô thiên, chặt, cưa hàng loạt!
Gom, gác, bán, mua…cốt hoàn thành dự án,
Thay vàng tâm bằng mỡ đểu… đã làm sao?!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

HỊCH NHƯ MỘT MÔ THỨC TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU



HỊCH NHƯ MỘT MÔ THỨC TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU

                                   NGUYÊN
                               Thứ hai, 16 Tháng 3 2015 06:51
                                font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Hịchlà lời kêu gọi chiến đấu. Nó là diễn ngôn hiệu triệu. Thơ Tố Hữu về cơ bản là thơ kêu gọi, tuyên truyền. Từ ấy không chỉ là lời thề tâm huyết, mà còn là lời kêu gọi thanh niên đứng lên phá gông xiềng của chế độ tù ngục thực dân - phong kiến.
Việt Bắc, Ra trận là lời kêu gọi giết giặc lập công, thống nhất đất nước. Gió lộng là lời kêu gọi chinh phục thiên nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với Tố Hữu, cứu nước, hay xây dựng chủ nghĩa xã hội đều là làm Cách mạng. Đường Cách mạng là “đường thiên lí”. Ở tuổi hai mươi, nhà thơ kêu gọi thanh niên “Dậy mà đi”, “Đi, bạn đời ơi, đi! Cả cuộc đời”.  Ngoài thất thập (1992), ông vẫn không thôi cất lên tiếng thơ mời gọi “lên đường”, “đi tới”: “Ta đi tới, quyết không lùi bước. Cho đến ngày cạn sức, tàn hơi”. Xét cho đến cùng, bài nào của Tố Hữu cũng đều là tiếng gọi lên đường, là lời hiệu triệu đấu tranh, là tiếng kèn xung trận. Cho nên, có thể nói, “hịch” là mô thức tu từ cốt lõi, có vai trò trọng yếu trong thơ Tố Hữu. Tôi dùng khái niệm “mô thức tu từ” để chỉ các thể loại diễn ngôn đã hoàn bị, bộ xương cấu trúc của nó đã đông chắc, đã hóa thành “hình thức thế giới quan” (thuật ngữ của G.D. Gachev), hay “hình thức quan niệm” (thuật ngữ của Trần Đình Sử). Chúng được văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sử dụng như một công thức diễn ngôn nhằm biến thi pháp sáng tạo thành thi pháp của cái truyền thống, điển phạm, qua đó, làm cho phát ngôn của nó thực sự thành một quyền lực.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

HỒN CÂY HÀ NỘI

    


HỒN CÂY HÀ NỘI
              
                 ĐƯỜNG VĂN

Ngắm bãi cây giam nhựa ứa bầm,
Mồ lộ thiên cháy, lạnh chiều xuân.
Hồn cây Hà Nội thiêng liêng tụ,
Chờ trị gian tham - lũ lộng thần!

Hỡi bọn đầu đen mót vinh thân,
Đớp đô ngập mặt, phú mo dân!
Chặt cây như chặt hồn Tiên Tổ,
Thương phố không cây, bụi cát lầm...!

Hồn mộc lang thang tìm cây ngụ,
Bơ vơ, tê tái giữa đêm hoang…
Bao năm cây mới bằng cây cũ?
Tham nhũng nan du cứ ngập tràn!!!

Hỏi Trời? Hỏi Đất? Hỏi Người?... lặng!?
Hỏi hồn cây uất?... gió mang mang!!!

         Bãi cây nức, nghẹn lá vàng,
Trái tim cả nước bàng hoàng, bởi ai?!...


Sáng 25 - 3 - 2015.
Tại phòng chờ khám BVE. ĐV


* Tin vietnamnet: Một số phóng viên báo chí đã phát hiện và tìm cách tiếp cận bãi cây chặt hạ được gom tại 1 địa điểm ngoại thành HN rộng hàng ha. Nhìn hình ảnh những thân cây, đoạn cây, cành cây, gốc cây to nhỏ, lớn bé các cỡ bị cưa, chặt xếp ngổn ngang như gò đống, ai cũng phải chạnh lòng và căm giận 1 chủ trương hết sức sai lầm vì thiển cận và thực dụng bất chấp lịch sử, văn hóa và môi trường Hà Nội, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của nhân dân.

Những nỗi đau vốn đã quá nhiều!


Hoàng Dân
                                     Hà Nội nghìn năm

Hà Nội đi qua nghìn năm
Có cây xanh đồng hành
Lễ kỉ niệm nghìn năm Thăng Long
Mới được… 5 năm
Cây xanh… đã bị lên đài máy chém!
                           *
Có buồn không Thăng Long?
Người cao giọng cách đây 5 năm
Giờ hồn nhiên như cô tiên mơ ngủ
Chỉ có người dân nức nở…
Thắt khăn tang cho những cây xanh!
                            *
Hà Nội vừa hôm qua nghìn năm
Sao hôm nay bỗng buồn đến thế?
Phố trọc, cây trơ như bộ hài cốt moi lên*
Ôi! Thủ đô! Là thực hay mơ?
Sẽ trụi trần hoang vu như sa mạc!
                             *
Hà Nội nghìn năm
Một viên đá cũng có linh hồn
Một cành cây cũng bồn chồn thao thức
Có cần phải nhắc?
Những nỗi đau vốn đã quá nhiều!

                                                         Hà Nội, 24.3.2015
* Đường phố Nguyễn Chí Thanh: Cây xanh bị chặt hạ và trồng thay thế bằng những cây không có lá, trông giống như “bộ hài cốt cây”.

 


 

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Giới thiệu tiểu thuyết ÁCH GIỮA ĐÀNG và tập truyện ngắn NG.

Sáng chủ nhật 22 tháng Ba, tại Trụ sở Hội VHNT Hà Nội có buổi giới thiệu sách của hai cha con cùng viết văn. Nhà văn Nguyễn Vinh Tú ( cha) với tiểu thuyết ÁCH GIỮA ĐÀNG; nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh (con) với tập truyện ngắn NG. Đông đảo các nhà văn, nhà báo, những người đồng hương Nam Đàn, Nghệ An đến dự. VN cũng tham dự và có mấy câu văn vần tặng bác Vinh Tú, một bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần số 1003 về tập truyện ngắn của Vinh Huỳnh. Đưa lên một số hình ảnh.
 — với Le Tien Vuong Vuong và Tho Nguyen Van.



Ảnh xem từ trái sang phải :

Ảnh 1 . Văn nghệ chào mừng.

Ảnh 2 . Họa sĩ lê Tiến Vượng giới thiệu con đường sáng tác 

của nhà văn Nguyễn Vinh Tú ( cha) và Nguyễn Vinh Huỳnh

( con)

Ảnh 3. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên điều khiển tọa đàm.

Ảnh 4. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể kỉ niệm với nhà văn 

Nguyễn Vinh Tú.

Ảnh 5. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát biểu.


Kính tặng nhà văn Nguyễn Vinh Tú

Năm mươi thiên hạ than già

Tám mươi bác Tú vẫn là đương trai

Ra hai tiểu thuyết rõ oai

Có chung một giọng biếm hài hiếm hoi

Văn chương nào phải để chơi

Văn chương là để giúp đời đẹp hơn

Chúc bác vượt ngưỡng bách niên

Thêm nhiều bạn đọc khắp miền gần xa!

                            Vũ Nho