Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)

 

Tác giả bài viết:  ĐỖ NGỌC GIAO

3. Chương J ‘The Wise and the Foolish’

     Chương này có 5 nhóm motif:

J0–⁠J199điều khônacquisition and possession of wisdom (knowledge)
J200–J1099việc khôn/dạiwise and unwise conduct
J1100–J1699sáng trícleverness
J1700–J2749kẻ dạifools (and other unwise persons)
J2750–J2799khôn/dại: những ý khácother aspects of wisdom or foolishness

     3.1. Điều khôn

     34. Ngọc Hoàng và anh nghèo (L’empereur céleste et le pauvre)

     Xưa có anh kia nhà nghèo từ đời ông, đời cha cho tới đời ảnh, làm ai cũng buồn bực. Ảnh thắc mắc: ‘Người ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, mà sao chẳng trúng với mình?’ Nghe đồn Ngọc Hoàng ở trên một cái cồn giữa biển, ảnh quyết bụng đi tới đó hỏi ổng coi vì sao số ảnh như vậy và về sau sẽ ra sao.

     Ảnh lên đường, khi túi cạn tiền thì gặp nhà của một người giàu, vô xin đồ ăn. Chủ nhà hỏi ảnh đi đâu, nghe xong, biết ảnh đang gặp khó, thì nói:

     ‘Qua sẽ đưa tiền cho em, nhưng qua có mối lo này nhờ em hỏi Ngọc Hoàng luôn. Số là qua luôn làm điều phải nhưng chẳng được Trời cho đứa con trai nào hết, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng. Em hỏi giùm vì sao số qua hẩm hiu như vậy.’

     Rồi chủ nhà đưa anh nghèo một số tiền làm lộ phí. Ảnh đi tới khi hết tiền vẫn chưa thấy cái cồn đâu. Ảnh vô một nhà giàu nữa xin giúp. Nhà này có cái vườn trồng ba chục năm, cây nào cây nấy cao lớn sum sê nhưng chẳng đơm ra trái gì hết. Chủ nhà nhờ ảnh hỏi vì sao có chuyện lạ này, và biếu ảnh số tiền còn thiếu.

     Anh nghèo đi miết rồi cũng tới bờ biển. Chẳng biết cách chi ra cồn, ảnh đứng than thầm. Một con ba ba [a] dưới nước trồi lên hỏi:

     ‘Chú em tính đi đâu đó?’

     Ảnh kể chuyện nó nghe, nói luôn việc khó đang gặp. Ba ba nói:

     ‘Tui sẽ đưa chú em ra cồn, nhưng nhờ chú em hỏi chuyện của tui luôn. Số là tui đã tu một ngàn năm nay, mà sao vẫn y như cũ, chớ chưa đổi dạng.’

     Anh nghèo chịu, leo lên lưng con ba ba để nó chở ra cồn.

     Anh nghèo quỳ trước Ngọc Hoàng, nói:

     ‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, con tới đây nhờ một con ba ba chở ra. Nó nhờ con hỏi ngài vì sao nó tu một ngàn năm nay mà vẫn là ba ba chớ chưa đổi dạng.’

    Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Con ba ba này, nó có cục ngọc quý, hễ nó chưa đưa cho ai thì không bao giờ đổi dạng mà là ba ba hoài.’

     Anh nghèo nói:

     ‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, còn ông kia nhà giàu, luôn làm điều phải mà sao chẳng có con
trai, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng.’

     Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Đứa con gái này, số nó lấy chồng trạng nguyên; chừng nào gặp mặt người nào sẽ làm chồng nó thì nó nói liền.’

     Anh nghèo hỏi luôn chuyện ông nhà giàu thứ hai có vườn cây không kết trái. Ngọc Hoàng đáp:

     ‘Cái vườn này, dưới đất có chôn vàng bạc, chừng nào lấy hết vàng bạc ra thì cây mới kết trái.

     Anh nghèo biết mấy điều này, mừng lắm; rốt cuộc, ảnh tính hỏi chuyện riêng của mình thì Ngọc Hoàng nổi quạu. Ổng nói:

     ‘Ta đã lánh tới nơi vắng như vầy mà vẫn bị thiên hạ làm rầy!’

     Ổng liền bay về trời, còn anh kia thì thấy mình đã rõ mọi điều mà người ta muốn biết nhưng vẫn chưa rõ cái điều mà chính mình muốn biết. Ảnh nghĩ số mình là vậy, nên đành quay về.

     Con ba ba dưới nước trồi lên, hỏi anh nghèo làm xong việc chưa. Ảnh kể nó nghe lời Ngọc Hoàng nói. Con ba ba nhớ rằng chuyện nó có ngọc thì không ai biết, nên nó tin lời anh nghèo, và nhả cục ngọc ra, biếu cho ảnh để trả công, tức thì nó biến thành một người đàn ông, rồi đường ai nấy đi.

CHÙM THƠ PHAN HOÀNG

CHÙM THƠ PHAN HOÀNG

phan-hoang-cq-manh-thang2

Cần Giờ lặng im

 

Một trang viết lừng danh mở ra

bao trang đời vô danh khép lại

 

trang đời vô danh của ta cũng dần khép lại

mỗi ngày mặt trời gõ cửa ngôi nhà giấu kín những niềm đau

 

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được

dưới tầng sâu cánh rừng thiêng ngập mặn

có bữa ăn cầm hơi chiến thuyền mang thơ mở cõi

có chỗ nằm nửa nước nửa đất ngư dân hò bả trạo khẩn hoang

có bình gốm nuôi đứa trẻ mãi mãi không chào đời

 

và còn những nỗi đau mà ta không bao giờ chạm được

nỗi đau đau đến lặng im

 

Lịch sử tầng tầng mỏ quặng số phận

văn học lọc cọc đóng nọc thủ công

 

31.5.2011

 

 

Tiếng cười trên sông Sài Gòn

 

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)


Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

     8. Xã Định đi kiện dưới âm phủ

     (Le procès du Xã Định aux enfers)

     Ở tỉnh Bình Thuận có ông xã trưởng tên Định. Bữa nọ ổng nhận lịnh về gặp cấp trên gấp. Dọc đường lộ có cái miếu thờ bà kia linh lắm [a]. Ai đi ngang, làm quan gì không biết, đi kiệu hoặc cỡi ngựa, cũng phải dừng lại, bước xuống bỏ dù ra chào, không thôi bả vật chết. Xã Định cỡi ngựa lên đường. Gần tới chỗ đó, ổng khấn: ‘Tui có lịnh về gấp, sợ trễ, phải đi ngựa, trời tối thui rồi, đàng kia còn con cọp, xin bà làm ơn cho tui qua luôn, xong việc về nhà tui cúng tạ ơn.’

     Miệng khấn, chưn đạp ngựa vọt tới. Qua miếu, ổng hộc máu liền, nhưng vẫn ráng chạy đi. Xong công chuyện, về ngang miếu, ổng khấn bà kia cho ổng khỏe lại, ổng cúng một con heo. Nhưng rồi thấy không khỏe mà còn yếu hơn, ổng nổi hung, nói: ‘Cái bà vô đạo! Bà có giỏi giết tui đi, xuống âm phủ tui kiện cho bà coi.’ Tới khi hết ăn uống nổi, biết sắp chết, ổng kêu vợ con dặn: ‘Chừng tui chết rồi, nhớ cúng cho tui một trăm tờ giấy bự, mười cây viết với năm cục mực tàu [b]. Xuống tới dưới tui viết đơn kiện con mụ này, để coi ai hơn ai.’

     Ta không rõ xã Định làm gì ở dưới để kiện, nhưng ba tháng sau khi ổng chết, bà kia nhập đồng nói làng dỡ miếu đi, chớ đừng thờ bả nữa. Họ hỏi sao vậy, bả nói: ‘Thằng cha xã Định chết đâm đơn kiện tui, làm tui không được phép coi làng này nữa. Nên tui mới nói làng đừng cúng gì cho tui hết, có cúng thì cô hồn ăn mà thôi; tui giờ phải theo kiện chớ không rảnh.’

     Vậy chớ dân làng chưa dám dỡ miếu, mà mấy tháng sau đó tới lễ kỳ yên [c], họ cúng cho bả một con heo như trước. Xã Định liền nhập đồng nói dân làng: ‘Tui đã kiện con mụ này rồi; mụ không có quyền ở miếu này nữa. Làng đừng cúng gì cho mụ nghen. Không tin, làng gọi Ông Địa lên, rồi ổng nói cho nghe.’ Họ kiếm đồng gọi Ông Địa [d]. Ông này nhập đồng, biểu xã Định nói trúng. Làng bèn dỡ miếu, từ đó người đi ngang không phải bước xuống bỏ dù ra chào nữa.

___________
     a. Người An Nam thờ thần của ‘ngũ hành’ gọi bằng ‘bà’; mà hay thờ nhứt là ‘bà thủy’ và ‘bà hỏa’. Thường thì người ta lập miếu thờ chung mấy bà đó, gọi là ‘ngũ hành nương nương’ hoặc ‘ngũ hành chi vị’. Quan thì cúng mỗi năm một lần, còn dân muốn cầu cúng lúc nào cũng được. Tất nhiên còn nhiều bà nữa. Thí dụ bà Cố Hỷ ở Bình Thuận. Bà này ở trong một cái động bên đường lộ từ Bà Rịa ngang Bình Thuận ra Huế. Người đi đường phải tôn kính bả như chuyện đã kể. Ai mặc đồ tốt mà đi ngang không chào bả, hoặc vô làng nói hỗn với bả, là bị phạt liền.

     b. Đồ cúng cho người chết thường là đốt, hoặc bỏ chung vô hòm; ở đây hẳn là bỏ vô hòm.

     c. Lễ cầu cho quốc thới dân an, mỗi năm một lần, bắt đầu từ buổi chiều ngày thứ nhứt tới hết ngày thứ ba.

     d. Ông Địa biết rành chuyện gì xảy ra ở vùng đất của ổng trấn nhậm.

     1.3. Người chết tái sanh

     9. Chuyện hai ông trạng

     (Histoire de deux laureats)

     Đời vua Hồng Đức, trào Lê, ở trạm Thần Đầu, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An, có hai anh em nhà họ Nguyễn. Nhà nghèo, cha mẹ vô rừng chặt củi bán mỗi ngày chưa được ba tiền cho con đi học. Bởi vậy, bị làng rẻ rúng, hở ra là bắt phạt.

     Hai anh em lớn lên, đi thi cùng khóa, cùng đậu trạng nguyên. Nhà vua hài lòng, cho vinh quy về làng. Có kỵ binh và tượng binh hộ tống, dọc đường người ra đón theo đưa. Tới làng, hết thảy những kẻ lúc trước coi khinh nhà họ nay đều túa ra rước; quan phủ/huyện về làm lễ đón linh đình; tiệc tùng rần rần ba bốn ngày.

     Đâu đó xong xuôi, bà mẹ hai ông nghè ngồi một mình thơ thẩn nói:

Xưa nhà ta nghèo, chẳng ai dòm tới; cả ngày vô rừng chặt củi bán mới có cái ăn, không thì chết đói, đêm bị bắt ra điếm canh, không thì chết đòn; khổ nhục biết chừng nào. Nay con ta thi đậu, họ kéo tới lạy. Người đời thiệt là đáng giận. Đã vậy, ta phải bảo con, ai không hại ta thì ta bỏ qua, ai đã hại ta thì ta hại lại. Cho chúng chết, mới hả.’

     Ta nên biết rằng hai ông nghè này là hai vị thần được Trời cho đầu thai vô nhà này, vì họ có đức. Song le, ngay khi bà mẹ thốt ra mấy lời đó, cái đức của họ đã bị xóa sạch. Một vị ‘du thần’ lướt qua nghe bà mẹ nói vậy thì về báo lại Trời. Trời cho gọi hai vị kia về. Hai ông nghè chết. Trước khi họ chết, du thần báo mộng cho bà mẹ biết vì sao mà như vậy. Sau người ta xây đền thờ hai ông nghè ở trạm Thần Đầu, và họ thành thần.

     10. Chuyện chú Nghị

     (Histoire de Nghị)

     Ở chợ Cày, làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tịnh [a], có tên Nghị gác chợ. Sau khi chết, hắn thành tinh, dân làng dựng miếu thờ, mỗi năm cúng hai lần. Quên cúng là khó yên với hắn. Miếu kế bên đường, chị nào đi ngang cũng phải kéo quần xuống, không thôi hắn chẳng cho qua. Ai ra chợ bán hàng cũng vậy, không thôi khó bán. Đinh Nhựt Thận [b] ra xứ Bắc làm quan, đi ngang đó nghe dân làng kể chuyện. Ổng biểu con tinh: ‘Ta đang ra Bắc, nếu mi giúp, ta sẽ phong cho mi chức Đại tướng quân, chú Nghị, coi chợ.’ Được chức [c], chú Nghị càng ngày càng lung: hiện vô nhà người ta, cưỡng dâm đàn bà. Khi vua Thiệu Trị [d] ra Hà Nội nhận sắc phong, có đi ngang miếu, hỏi thờ ai đó. Dân làng thưa chuyện chú Nghị phá phách, nhà vua truyền lịnh đốt miếu ra tro. Từ đó, làng mới yên.

___________
     a. Tức là Hà Tĩnh.

     b. Đinh Nhựt Thận (1815–1866), danh sỹ Nghệ An.

     c. Người kể chuyện [cho Landes] không nói chú Nghị đã giúp việc gì.

     d. 1840–1847.

     11. Chuyện Lý Khắc Cần

     (Histoire de Lý Khắc Cần)

     Cuối hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An là một rặng núi kêu bằng Đại Ngàn, tới đó phải qua hai cái đàng dốc kêu bằng Truông Mây và Truông Bát [a]. Phía sau núi là xứ ‘vạn tượng’ [b], phía trước núi còn hoang vu. Tiều phu vô núi đốn cây, đi từng nhóm chừng năm chục người, tới cửa rừng thì cúng.

     Hồi trào Lê, có ông quan tên Lý Khắc Cần dắt lính vô đó đốn cây. Bữa nọ khi lính đang làm, ổng mắc võng dưới cây nằm; một anh nói: ‘Ở đây có cọp à quan.’ Ổng nói: ‘Ta nằm đâu thì nằm, bây lo làm đi.’ [c] Lính vừa đi, một con cọp ló ra nhảy tới chụp ổng; giằng co một hồi, ổng bị nó giết chết tươi, banh xác nhưng chẳng ăn thứ gì. Nó nằm mọp trên xác, chờ lính quay lại. Lính trong rừng trở ra, thấy chủ chết, lượm xác, cử hai anh về báo quan tỉnh. Họ tới điều tra, hiểu ra duyên cớ, cho khiêng xác về chôn. Nhưng cọp và voi trong rừng rần rần túa ra, tới chỗ đám người, cọp thì vây quanh, voi thì chặn đường. Họ phải báo tin xin thêm quân lính tới đuổi bầy thú mới đem được xác Lý Khắc Cần về, chôn gần tỉnh lỵ.

     Ba đêm sau, cọp trong rừng kéo về, đào hòm lên, tha tới truông, chôn ở đó. Người nhà ra thăm mộ, thấy trống trơn, hỏi hàng xóm mới biết. Họ kéo tới truông, tìm thấy hòm. Bèn báo quan tỉnh, quan ra lịnh để yên đó, cảm thấy rằng cọp chôn người là điềm may cho nhà họ.

     Từ đó, Lý Khắc Cần hiển linh, dòng giõi của ổng làm tới chức quan cao nhứt trong trào, còn ai vô rừng đốn cây thì cúng ổng để cầu an. Họ cất một cái miếu kế truông, đầu năm tới đó làm lễ. Lý Khắc Cần có hiệu là Thần Giữ Rừng, nhưng dân gian gọi là Ông Già Nằm Võng.

___________
     a. Truông Mây cao như mây, Truông Bát có lúa hoang tới tháng tám thì chín (‘tám’ là ‘bát’ trong tiếng Tàu).

     b. xứ Lào.

     c. Nguyên văn: ‘Ta mắc tội nơi nào thì bị phạt nơi đó, và ta cho cọp [ăn] thứ gì thì nó [ăn] thứ đó mà thôi.

     12. Chuyện Ngô Bát Ngạo

     (Histoire de Ngô Bát Ngạo)

     Ngô Bát Ngạo ở huyện Bình Chánh [a], tỉnh Quảng Bình, là người gốc Tàu. Khi còn sống, hắn coi huyện đó. Hắn từng chống lại vua Lê [b]. Sau khi hắn chết, dân cả huyện vẫn khổ vì hắn. Muốn cất nhà, họ phải nhờ bà đồng xin phép; hắn sẽ bắt họ trả tiền mướn đất hàng năm và đo đất cho họ. Nếu họ muốn mua, hắn cũng bán. Họ phải mổ heo mua rượu mời hắn về hưởng, rồi hắn ký giấy nhượng đất. Có vậy người ta mới yên; nhà nào làm lơ, hắn cho họ mắc bịnh và heo bò chết hết. Thỉnh thoảng hắn hiện vô nhà một người giàu, nói hắn mới thua bài, bắt họ phải mua miếng đất này nọ của hắn và kiếm tiền trả hắn [c]. Ai không chịu, hắn trước làm chết trâu bò, sau khiến người nhà ốm o. Dân huyện mỗi năm cúng cho hắn hai lần, mỗi lần hai ba con heo.

     Ngày nọ quan tổng đốc Giai ở Hà Nội [d], cũng là người huyện Bình Chánh, về quê thăm nhà. Dân tới gặp, than nỗi khổ bị Ngô Bát Ngạo bắt phải mướn hoặc mua chỗ đất mà họ đang trồng cấy. Quan cho kiếm một bà đồng nhờ kêu Ngạo về đối chất. Quan hỏi vì sao hắn hành dân như vậy. Ngạo đáp:

Khi vua Lê Thái Tổ dựng nước, chính tôi đã khai khẩn đất huyện này và lập làng. Tôi sống, nhà vua cho coi vùng này; tôi chết, nó vẫn là của tôi; bởi vậy tôi cóquyền bán hoặc cho mướn đất.

     Quan nói:

Ta chấp nhận mỗi năm dân huyện cúng cho mi một con heo và đồ vàng bạc, nhưng mi không được hành dân và giết heo bò của dân. Nếu chịu, thì mi ký tên thỏa thuận với các làng.’

     Ngạo chịu. Từ đó, ngày đầu năm, dân huyện này làm lễ cúng gọi là Lễ Mướn Đất.

___________
     a. Nay là Quảng Trạch.

     b. Người kể chuyện [cho Landes] không nói rõ vua nào, nhưng câu chuyện sau đó cho thấy vai chánh ở cùng thời với vua Lê Thái Tổ [lên ngôi năm 1428]. Hắn sống tới đời vua thứ ba là Lê Nhân Tông (1442–1459), chống lại vua này và có lẽ vì vậy mà chết.

     c. Không phải tiền thật mà là hàng mã dùng để đốt cúng. Người dân khổ không phải vì chuyện này, mà vì hao tiền mua đồ cúng và trả công bà đồng.

     d. Dường như là Nguyễn Đăng Giai (?–1854); hình của nhơn vật này có treo trong một ngôi đền ở Hà Nội do ổng dựng nên, theo Trương Vĩnh Ký cho biết trong Chuyến đi Bắc Kỳ.

     13. Chuyện cô công chúa trào Lê

     (Histoire d’une princesse de la dynastie Le)

     Vua Thánh Tông [a] trào Lê [b], hiệu là Hồng Đức, có con gái tên Mai Châu. Năm cổ lên mười ba, người Mọi ở Ngũ Quảng [c] nổi dậy, và Ngô Bát Ngạo [d], tự xưng là dòng giõi nhà Minh bên Tàu [e], cũng hùa theo. Trong trào không tướng nào dẹp nổi bọn hắn. Công chúa xin cha đem quân đi đánh. Nhà vua cho mười chiến hạm với năm vạn quân. Hạm đội thả neo gần cù lao An, ven biển Quảng Bình. Tới nửa đêm, bão lên dữ dội, người ta cho rằng đó là một ông thần nước [f] muốn lấy công chúa nên tính làm đắm hạm đội. Công chúa nghĩ rằng nếu cổ không nhảy xuống biển thì đoàn quân tan tành, nên đành chịu vậy và ra lịnh cho quân trở về báo vua cha biết.

      Nhà vua nổi giận, tới đó lấy gương phép [g] rọi xuống đáy biển, nhận ra chỗ có dinh thần nước, ra lịnh bắn cà-nông xuống. Sau ba ngày ba đêm, dinh tanh bành, thần kia trả xác công chúa trên mặt một cái phá kêu bằng Ao Bạch.

     Từ đó, công chúa hiển linh, làm vài việc lạ. Dưới trào Minh Mạng [h] có Ba Vành nổi dậy [i], không tướng nào dẹp nổi. Công chúa báo mộng cho nhà vua rằng ngày 18 tháng 3 lúc canh hai, hễ thấy ngọn lửa màu xanh trên trại giặc thì đốc quân vô đánh. Nhà vua làm theo, đánh tan giặc. Ngài phong cho công chúa làm thượng đẳng thần với mỹ tự ‘quyền năng, đáng kính’.

___________
     a. 1460 – 1498.

     b. Hậu Lê, 1428–1789, vua đời chót là Lê Chiêu Thống sang tỵ nạn bên Tàu.

     c. Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi.

     d. Coi lại chuyện Ngô Bát Ngạo bên trên.

    e. Đời vua Thánh Tông cùng thời với đời vua thứ 10 nhà Minh bên Tàu là Hiến Tông (1465 – 1488).

CHÙM THƠ VINH BIẾU

 

CHÙM THƠ VINH BIẾU

Nhanh thế!

 

Tuổi cao lưng, gối mỏi!
Buồn tình nằm mốc meo!
Nàng Thơ yêu “nháy” gọi
Phóng xe theo vèo vèo!

(24/8/2019)

Khổ mà vui!

 

Tuổi thơ tôi lam lũ

Quên đói, rét, nng, mưa

Bt chim, cá, đùa, nghch

Kh mà vui nh đi!?

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Landes với chuyện dân gian người Việt (bài của Đỗ Ngọc Giao)

 


Landes với chuyện dân gian người Việt (bài của Đỗ Ngọc Giao)

 

Bài dài, lấy nguyên về từ trang của học giả Nguyễn Mạnh Hùng.

Tháng 6 năm 2022,

Giao Blog


---


Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

     Từ nửa cuối thế kỷ 19, nếu không kể Trương Quốc Dụng (1797 – 1864), một nho sỹ làm quan dưới ba đời vua trào Nguyễn, thì Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Antony Charles Celestin Landes (1850 – 1893) và Jean François Marie Génibrel (1851 – 1914)có thể coi như ba vị học giả đầu tiên quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép chuyện dân gian người Việt. Sang thế kỷ 20, công việc vẫn nối tiếp với Nguyễn văn Ngọc (1890 – 1942), Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984), Tô Nguyệt Đình (1920 – 1988), Lê Hương (1922 – 1976) và Sơn Nam (1926 – 2008), theo thứ tự thời gian. Những vị đó đã góp công rất lớn giúp cho ta tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà, kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu nhà nghe nữa’. 2

     Trong những vị đó, Landes viết bằng tiếng Pháp để cho người Pháp [và người Âu] đọc, nên người Việt ít ai biết tới.

     Contes et legendes Annamites của Landes(sau đây gọi tắt ‘cuốn sách’) ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, vì hai người kể chuyện, một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar), đều là dân tỉnh đó. Cuốn sách có hai phần:

  •    127 chuyện đời xưa và truyền thuyết, ghi nguyên văn theo lời kể,
  •    22 chuyện cười, ghi đại ý theo lời kể;

     kèm theo chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm văn hóa Việt.

CHÙM THƠ HẠNH MAI

CHÙM THƠ HẠNH MAI Sửa

nh_hnh_mai

TÌNH HEO MAY

 

Lâu rồi không gặp

Mình nhớ ta không?

 

Chiều nay quán cóc

Ta ngồi cô độc

Giữa đời mênh mông

 

Mình như con gió

Lang thang bên trời

Ta thành giọt nước

Theo mình bay hơi


Mùa Xuân đã hết

Mùa Hạ qua đi

Chiều vương trên tóc

Sương đọng bờ mi

Buồn rơi đáy cốc

Ta ngồi nhâm nhi…

 

Một mình quán vắng

Rót cạn ly ngày

Gửi đi tin nhắn

Nỗi niềm gió mây

Lưu vào Vũ trụ

Chút tình heo may!

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

CHÙM THƠ ĐỨC BÌNH

CHÙM THƠ ĐỨC BÌNH

c_bnh

MÂY BAY TRẮNG TRỜI

Cơi trầu bát nước còn vơi
Khói hương gió thoảng lên trời rồi tan

Con đi kháng chiến gian nan
Lấy ngày đi ấy mẹ làm giỗ con

Chín năm biền biệt mỏi mòn
Mẹ không được gặp lại con một lần

Trộn mưa vào nắng đầy sân
Lá xanh rụng trước để thân cây buồn
Mẹ rời cõi tạm về nguồn
Giỗ này ai nhớ ?
Chôn luôn giỗ này!

Nỗi người muôn vạn đắng cay
Khôn thiêng gặp mẹ .
Mây bay trắng trời !

Hà Đông 28.8.2021
ĐỨC BÌNH
( Bài đã đăng Tạp chí NGƯỜI CAO TUỔI số 60 ngày 25.3.2022 )

Trầu héo nhạt vôi

Heo may thổi bạc cành cau
Ngẫm mình như thể miếng trầu nhạt vôi

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

KHÓI LÁ VƯỜN

 

Truyện ngắn Nguyễn Bàng

KHÓI LÁ VƯỜN

*

nguyn_bng_2

Thằng bé hai tay bám song cửa sổ, mắt ngóng về phíá Tây, nơi có một dẫy đồi cỏ dại đang tắm nắng chiều. Nó chăm chú xem Ông Mặt Trời sau một ngày tỏa nắng cho muôn vật đang về nhà nghỉ ngơi,- Bà bảo thế! - Ông Mặt Trời hôm nay đẹp thật, Mặt ông tròn vành vạnh như chiếc bánh đa đỏ, Ông đi giữa một tấm thảm mầu da cam vàng rực và hình như có lúc đứng lại, nhìn nó cười.

- Bà ơi! Ông Mặt trời về đến nhà rồi – Nó gọi như reo lên khi thấy Ông Mặt trời tụt hẳn xuống mé sau đồi.

- Ừ! Bà cũng xong cơm rồi. - Tiếng đáp vọng vọng ra từ chái bếp. Rồi một người gầy mỏng tiến lại chỗ thằng bé, chìa tấm lưng sát vào nó và âu yếm nói:

- Nào, bà cõng ra vườn!

Thằng bé cuống quít dời tay khỏi chấn song, ôm quàng lấy cổ và quặp hai chân vào mạng sườn bà, miệng reo: “Nhong! Nhong!” như cưỡi trên lưng ngựa. Bà cũng giả bộ hý lên mấy tiếng ròi mới cất chân đi.

Mảnh vườn phía sau nhà trồng mấy luống rau và non chục gốc cây ăn quả. Một cái ao nhỏ ngoài vườn vừa để ngăn trộm vừa để lấy  nước tưới. Bây giờ đang độ cuối thu, suốt ngày hanh hao nắng rát khiến những ngọn rau lúc nào cũng thèm khát nước và trên các cành cây ăn quả nhiều chiếc lá đã nhuốm vàng, chỉ một làn gió nhẹ là rơi rụng.