Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

VANG VỌNG LỜI RU



                                    
                                                                        Nhà  văn Vũ Công Hoan

VANG VỌNG LỜI RU

                                                                         Vũ Quốc Huệ

                                                   Kính tặng bác Vũ Công Hoan nhà văn dịch giả.



Trăm giống Việt tàn đâu hết cả,

Một nhóm người đau quá còn đây,

Tự cường cứng cỏi đến nay

Hỏi xem có được bao ngày tự do ?



Một ngàn năm vong nô Bắc Thuộc,

Một trăm năm Pháp quốc thực dân,

Năm năm giặc Nhật ngoại xâm,

Hai mươi mốt năm nửa triệu quân Mỹ vào.



Cờ độc lập cứ chào lại mất.

Cớ sao không gay gắt hỏi xem,

Bởi quân xâm lược kèm bên

Hay ta chia rẽ yếu hèn từ trong ?



Không, dân Việt máu hồng vẫn đỏ,

Mà mạnh giàu không quá bách niên.

Nước không mất ở dưới nền,

Hóa ra nước mất từ trên thượng tầng.



Nhà tan bởi hết dòng con hiếu,

Họ tàn vì tộc biểu bất trung,

Giống nòi khi hết anh hùng

Thì dân tộc ấy diệt vong có ngày .



                                           Năm 2011-2012

                         (bài đã đăng VNTB, nhân Ngày Thơ VN)

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Mùa thu không vô tư, Chiếc kẹo và bài ca, Bác là người yêu hoa


Chùm thơ thiếu nhi của NGUYỄN HOÀNG SƠN
Mùa thu không vô tư

Những dòng sông đã hòa giải với bờ
Đồng cạn nước giục làng vào vụ cấy
Trăng lại tròn dấu chấm giữa trang thu
Trời đất thật vô tư như chưa hề giận lẫy!

Biển Hậu Lộc dù biếc xanh đến mấy
Chẳng đủ an ủi ai cha đánh cá không về!
Ninh Bình vỡ đê, Lai Châu bùn xoáy…
Trống khai trường ngơ ngác mấy miền quê?

Bọc tấm áo màu, chồng vở gửi đi
Ai sẽ nhận chút tình tôi nhỏ bé?
Na lại chín, thị vẫn thơm như thể…
Bạn đến trường có trượt ngã, nhiều khi?
9/1996

Chiếc kẹo và bài ca

Mỗi lần gặp thiếu nhi
Trước khi bắt nhịp bài ca
Bác thường mời ăn kẹo.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

NHỮNG KỈ NIỆM VỀ X. E-XÊ-NHIN


NHỮNG KỈ NIỆM VỀ  X. E-XÊ-NHIN
                                                                                    Nadejda Vonpin
                                                                              Vũ Nho dịch từ tiếng Nga
      Nadejda Vonpin sinh năm 1900. Năm 1919 tham gia Hiệp hội các nhà thơ Nga. Nhưng sự nghiệp chính của bà là dịch thuật. Bà dịch thơ của Ovidia, Horaxơ, Gớt, Huygo, Bairon ra tiếng Nga. Các tác phẩm của Kupơ, Oantơ Xcot, Merime, Henrich Man…cũng đến tay bạn đọc Nga qua bản dịch của bà.
    Khi tham gia Hiệp hội các nhà thơ, bà là người gần gũi với X. E-xê-nhin. Những trang hồi ức của bà là tư liệu quý báu vì người cùng thời với E-xê-nhin còn lại rất hiếm hoi. (Chú thích của Tạp chí Tuổi trẻ số 10 năm 1986)

                             LẦN QUEN BIẾT ĐẦU TIÊN
Trong trụ sở Hiệp hội các nhà thơ (Những năm đó ở 18, Tơ-ver-xcai-a, quán cà phê “Domino” cũ) tổ chức kỉ niệm hai năm Cách mạng tháng Mười. Có nhiều phát biểu. Các tên tuổi diễn giả hầu như không được nổi lắm. Có ai đó trong số những người điều khiển đi xuống cạnh bàn E-xê-nhin ngồi :
- Xéc-gây, phát biểu chứ ?
- Ấy không, không đâu…
- Không tốt đâu nhé ! Tên cậu có trong áp phích !
- Nhưng mà người ta chẳng hỏi gì tôi… Kiểu ấy thì có thể đưa cả Puskin vào chương trình.
Tôi lấy can đảm đi đến bên con người tóc sáng mà mình chưa quen nhưng lại là khách thường xuyên của “Domino” ( Đó là tên tôi gọi đùa quán cà phê của các nhà thơ). Tôi ấp úng :
- Tự tôi yêu cầu…và thay mặt các bạn bè nữa. Chúng tôi chưa lần nào được nghe anh. Nhưng chúng tôi đã đọc, đã biết anh thuộc lòng…
Nhà thơ đứng lên, nghiêng mình nhã nhặn :
- Đối với các bạn – xin sẵn lòng ! – Và anh bước lên diễn đàn.

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

ĐỌC BẮC CUNG HOÀNG HẬU – TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN VŨ TIỀM*


ĐỌC  BẮC CUNG HOÀNG HẬU

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

CỦA NGUYỄN VŨ TIỀM*
                                                                                    ĐƯỜNG VĂN

          Tôi vừa đọc một mạch cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay của  nhà giáo - nhà thơ – nhà báo Nguyễn Vũ Tiềm (TPHCM). Càng đọc, càng bị hấp dẫn, cuốn hút, đến mức đêm mưa cuối xuân đã khuya lắm mà không thể rời sách. Càng đọc, càng thấy khâm phục tâm huyết, công phu, nhiệt hứng và tài năng viết tiểu thuyết lịch sử cùng tấm lòng chân thành của anh đối với quê hương làng Nành (Phù Ninh), xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội và lịch sử đất nước chúng ta.
          Bắc cung Hoàng hậu, về phương diện văn học, theo tôi, là một thành công đáng ghi nhận trong thể loại tiểu thuyết lịch sử ở nước ta. Có thể đặt Bắc cung Hoàng hậu của Nguyễn Vũ Tiềm với những đóng góp riêng về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật thể hiện, bên cạnh những Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Thanh Danh), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), 2 bộ tiểu thuyết triều Lý, Trần (Hoàng Quốc Hải), Hội thề (Nguyễn Quang Thân)… những cuốn, bộ tiểu thuyết lịch sử được xuất bản ở Việt Nam cuối thế kỷ 20 và thập kỷ đầu thế kỷ 21.
                                                               ***
                                                                          Đường Văn
          Dưới đây, tôi ghi lại những cảm luận đầu tiên của mình về tác phẩm này với tư cách là một bạn đọc bình thường: vô cùng kính yêu và ngưỡng mộ nhân vật lịch sử: công chúa Lê Ngọc Hân; luôn yêu mến, tự hào về làng quê Ninh Hiệp với chợ Nành - chợ vải nổi tiếng cả nước; tự hào về giai đoạn lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 18, thế kỷ bão táp khởi nghĩa nông dân và chiến thắng ngoại xâm, một trong những giai đoạn lịch sử đầy bi tráng và hào hùng của đất nước và dân tộc chúng ta.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Tôi ngạc nhiên, Đừng tin, Cái nịt, Con người, Chiếc quần


CHÙM THƠ RAXUN GAMZATOV trong bản dịch VIỆT, TÀY của TRIỆU LAM CHÂU

101. Обилию воды всегда я удивляюсь,
Где нет земли, чтоб пашню поливать.
Обилию земли я тоже удивляюсь.
Где нет воды, чтоб пашню поливать.

101. Tôi ngạc nhiên khi nước đầy tràn
Không có đất đ mà tưới ruộng
Tôi cũng ngạc nhiên khi đất mênh mông
Không có nước đ mà tưới ruộng.

101. Hây tha tẳng slì nặm mà têm vận
Bấu mì tôm sle tuổi t’ồng nà
Hây tó tha tẳng slì tôm lai rì quảng
Nặm nắm mì sle tuổi nà nơ.

102. Не верьте гадалкам, они наплетут,
Что только прямые дороги нас ждут.
Мне тоже гадали, я им доверялся,
Но путь мой на деле кривым оказался.

102. Đừng tin lời phán thầy bói nhé
Rằng đường đời mình đi thẳng băng

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Vĩnh biệt Đại tá Nguyễn Đức Thám!

 VĨNH BIỆT ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐỨC THÁM!

TIN BUỒN
          Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi chi bộ tổ dân phố 2 cùng gia đình thương tiếc báo tin:
Cụ Nguyễn Đức Thám nguyên đại tá QĐNDVN -binh đoàn 12 đoàn 559. Cụ sinh ngày 12/10/1923, nguyên quán xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.Do tuổi cao, sức yếu mặc dù được GĐ chăm sóc tận tụy nhưng cụ vẫn không qua khỏi. Cụ đã từ trần  vào hồi  13h30" ngày 23/7/2014
tức là ngày(27/6 năm Giáp Ngọ) Hưởng thọ 92 tuổi. Ghi nhận công lao cống hiến cho cách mạng,cho nhân dân của cụ, Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng đã tặng thưởng cho cụ nhiều Huân, Huy chương cao quý. Huy hiệu 65 tuổi Đảng. Ngày 25/7/2014 tức ( 29/6 năm Giáp Ngọ)  Lễ viếng, lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể, lễ mai táng được tổ chức cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ.Anh Nguyễn Đức Tịnh người con duy nhất cụ Thám , sinh năm 1949,có vợ là Đinh Lệ Tâm GV nghỉ hưu, các con là :
Tình, Thắng, Thiện. Hiện nay anh đang ở đâu về ngay nhà 372 phố Chùa Thông, Sơn Lộc  Sơn Tây, Hà nội .

                                   Ban tang lễ kính báo


Vũ Nho là bạn học cấp 3 Nho Quan, người cùng làng, anh em về bên ngoại với Nguyễn Đức Tịnh. Hai vợ chồng đến Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội để tiễn biệt cụ sáng ngày 25 tháng 7.  Xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình! Cầu chúc cho linh hồn cụ siêu thoát miền cực lạc!


                                                                                  Bàn đặt di ảnh khi gia đình chờ lấy tro cốt


                                                                  Đọc kinh cầu siêu cho Cụ


Cầu cho linh hồn cụ siêu thoát


                

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nghe, Sấu, Lời ru, Bia hơi, Chẳng biết


 CHÙM HẠ CUỐI 

TRẦN TRUNG

1/NGHE
Nghe hạ loãng dần trong nắng dịu
Những cơn mưa
vội đến
vội đi...
Hương cốm chập chờn
vương hồn
gợi...
Nâng gót thu sang,
Buổi dậy thì...

2/SẤU
Đã qua mùa sấu thơm thanh
Chua chua
đằm lắng ngọt lành
Mình ơi!
Qua chưa bão gió tơi bời?
sấu thơm lừng với muôn đời
Thanh-Cao.

3/LỜI RU
Hương sen
chen mặt búp sen,
Hồ sen dậy sóng...
hay ghen với đời?

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Có những buổi chiều…


Có những buổi chiều…
                                                                                   Hoàng Dân

Chiều chiều ra ngõ em trông
Thấy người hàng xóm mà không thấy chàng
Buổi chiều là thời khắc tàn lụi của một ngày, là khi con chim về tổ, con gà lên chuồng và nhà nhà sum họp sau một ngày bươn chải nhọc nhằn. Cái mệt mỏi sau một ngày quần quật bán mặt cho đất bán lưng cho trời phần nào được đền bù bằng những giây phút thả lỏng nhẹ nhõm hiếm hoi. Thế là hết một ngày, xong hoặc chưa xong một việc, nhưng chẳng sao bởi còn có cả ngày mai, ngày kia để ta làm nốt những gì còn dở dang... Một bữa tối, dù no dù đói, nhưng vẫn đỏ lửa quây quần trong những niềm vui nho nhỏ, ấm cúng. Đó là cái khung cảnh nói chung, còn đằng sau lũy tre làng hẳn là không chỉ có thế? Sẽ có không ít những cặp vợ chồng, những lứa đôi, vì một lí do nào đó, đang thấp thỏm ngóng đợi những buổi chiều đoàn tụ. Một người chồng làm thợ nề, thợ mộc lang thang kiếm cơm thiên hạ. Một chàng trai nghèo tha hương gom góp chút vốn liếng giắt lưng ngõ hầu đủ tiền cheo cưới...

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

ĐƯỜNG VĂN của BẠN TÔI


Hai bài thơ của Đường Văn

ĐƯỜNG VĂN  của BẠN TÔI
Tặng H
ĐƯỜNG VĂN
Thênh thênh đường văn thằng Hiếu,
Một đời lăn lóc mưu sinh,
Cùng vợ vượt thời túng thiếu,
Nuôi đôi quý tử trưởng thành.

Tiếng bom nổ méo vầng trăng,*
Hài văn tóe tung vòi nước*!
Truyện ngắn, truyện dài ràn rạt,
Lực sỹ văn xuôi*, ai bằng?!

Viết tựa tiều phu bổ củi!
Viết như Lý Bạch mò trăng!
Hư ảo thơ, kịch tùy hứng,
Vài trăm câu chuyện truyền thanh…

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

PHONG NHA LÀ GÌ ?

PHONG NHA LÀ GÌ ?

Bến thuyền đi động Phong Nha

Thạch nhũ động Tiên Sơn

Thạch nhũ hình tháp Chàm (động Phong Nha)

Thạch nhũ hình Phật Bà (động Phong Nha)

Thạch nhũ Tóc Tiên (động Phong Nha)

Suối nước Moọc  động Phong Nha


1- Muốn biết vẻ đẹp kỳ ảo của động Phong Nha, các bạn hỏi bác Google sẽ biết được ngay. Bài này bu chỉ quan tâm đến tên gọi Phong Nha, điều mà không phải ai cũng nói đúng, kể cả nhân viên hướng dẫn du lịch. Phong Nha là một từ Hán Việt, thông thường người ta vẫn nghĩ phong là gió (phong thủy, phong ba) nha là răng (nha khoa, nha sĩ). Thực ra, chữ Hán có tới 17 chữ phong và 9 chữ nha, vậy nếu cứ  ghép phong là gió với nha thì chỉ là một phương án lựa chọn trong nhiều cách lựa chọn khác. Có lần một khách ngoại quốc bất thần hỏi người hướng dẫn du lịch Phong Nha là gì, anh này nghĩ nha là gia (nhà) nói trại đi nên giải thích “Phong Nha is the house of wind” (nhà gió). Một nhân viên hướng dẫn khác có đọc sách nói về thắng cảnh Việt Nam, bảo rằng phong là gió, nha là nhũ đá từ trên cao tỏa xuống chi chít như những chiếc răng, vậy “Phong Nha is tooth of wind” (răng gió). Có người đọc tiểu thuyết “Phong nhũ phì đồn” (mông to vú nẩy) của Mạc Ngôn lại suy ra Phong Nha là “vú gió”, hihihi

CHÚNG TÔI ĐI BỐC MỘ Ở TRƯỜNG SƠN



BÀI HÁT CHÚNG TÔI ĐI BỐC MỘ Ở TRƯỜNG SƠN
Nhạc Triệu Lam Châu – Thơ Nguyễn Hồng Hà

TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ TRIỆU LAM CHÂU:
Cứ mỗi dịp tháng bảy về với đất trời, lòng tôi lại nôn nao xúc động vô vàn. Tôi lại nhớ về người thân của mình và bạn bè tuổi ấu thơ cùng bao anh hùng liệt sĩ khác, đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường đánh giặc năm xưa.
Chú Triệu Văn Vạn của tôi đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên lịch sử năm 1954. Hồi ấy tôi mới được tròn hai tuổi đời. Hình ảnh anh hùng của chú Vạn được truyền đến trái tim tôi, qua lời kể của bà nội tôi, mẹ tôi và những người thân trong gia đình tôi ở bản Nà Pẳng, Đức Long, Hoà An, Cao Bằng. Và mãi đến tháng 4 năm 2014 vừa qua, nghĩa là sau những 60 năm ròng chú Vạn hy sinh, tôi mới có dịp lên Điện Biên thăm chú, theo Đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn nghệ tỉnh Phú Yên. Lòng rưng rưng xúc động, tại nghĩa trang Điện Biên, tôi đã làm bài thơ Thuở chú lên đường, trong đó có đoạn viết:

…Hẳn chú khát khao lắm rồi tiếng lượn sli say
Giữa bao tiếng dập dìu Ing lả ơi tha thiết
Con lại hát lời sli xưa, nước mắt cầm chẳng được
Chú đang đậu ở cánh hoa nào, có nghe thấy hay chăng?

Con cứ nghĩ chú gửi lại ánh hồng
Nơi đáy mắt trẻ thơ trong ngời ánh núi
Nơi nụ cười chứa chan cô gái Thái
Nơi dáng bay xa thẳm cánh đại bàng…

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Bóng bàng, Bát canh hoa, Bệnh gì?


CHÙM THƠ THIẾU NHI của NGUYỄN HOÀNG SƠN

Bóng bàng

Bao nhiêu là chú bướm xanh
Ở đâu bay đến đậu nhành bàng khô?
Mỗi ngày cánh bướm xòe to
Rõ hình chiếc lá lợp bờ hè vui!
Búp sen đã thắp lửa rồi
Tiếng ve chuốc rượu mặt trời đỏ gay
Không nhanh, chẳng chậm một ngày
Mùa hè mở cửa gặp ngay bóng bàng!
5/3/1981

Bát canh hoa

Thiên lí trồng bằng giây
Như khoai lang dân dã
Nhánh khỏe, lá lợp dày
Mát khoảnh sân oi ả

Chẳng mong gì đậu quả
Vẫn hết mình trổ hoa
Chùm chùm hương lan tỏa
Thơm cả vầng trăng xa…

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Câu chuyện giản dị và cảm động của “Người con gái Việt Nam”

                                                                     Tác giả Trần Duy Phương
Câu chuyện giản dị  và cảm động của “Người con gái Việt Nam
Đọc “ Tôi nghe tôi hát”- Tự truyện của Trần Duy Phương, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2013

                                             Vũ Nho

1. Tháng 12 năm 1958 có một người con gái  quê Gò Nổi đã trở thành biểu tượng của người con gái kiên trung bất khuất, người con gái Việt Nam anh hùng trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Điện giật dùi đâm, dao cắt lửa nung
Không giết được em người con gái anh hùng.
Đó là chị Trần Thị Nhâm , còn có tên khác là Trần Thị Lý.
Năm 2013, chúng ta lại gặp một người con gái họ Trần khác, cũng ở Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng qua tác phẩm văn xuôi tự truyện. Chị cũng họ Trần, cũng có hai tên là Trần Duy Phương và Trần Thị Mai. Một sự trùng hợp lạ lùng, nhưng cũng  là bình thường, vì những người phụ nữ Việt Nam kiên trung ở vùng miền nào cũng có.

2. Cuốn tự truyện được kể bằng giọng giản dị, mộc mạc không hề lên gân hay tô vẽ. Người con gái của một gia đình có truyền thống Cách mạng giàu nghị lực, xinh đẹp,  học giỏi,  hát hay, chân tình với mọi người.  Cô được mọi người yêu quý và giúp đỡ.
Tính tôi khi đã quen thân với ai thì hết lòng với bạn, dù đó là bạn trai hay gái. Tôi luôn ân cần và quan tâm giúp đỡ mọi người trong phạm vi và khả năng của mình” ( trang 69). Vì thế mà Duy Phương được mọi người yêu mến, từ trẻ đến già, nhất là những người con trai, có khi  gây hiểu lầm.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

CHUYỆN Ở CÔNG VIÊN

     

CHUYỆN Ở CÔNG VIÊN
                             Trần Năng Tĩnh
  Quái, sao chỗ ấy của mình, lại có người đến ngồi- vừa lững thững đi đến góc công viên, ông vừa nghĩ thế. Chỗ ông lão vẫn ngồi, ngay dưới chân một bức tường danh nhân. Nếu vừa chân thành tả thực,hay vừa giầu tưởng tượng, hẳn những người ít học, cũng lờ mờ mà nhận ra “chân dung tinh thần” toát ra từ Ông-Tượng ở vị trí trên cao với hình ảnh: trên tay ông là một quyển sách dày, đôi mắt dõi ra xa và đầy tư lự...
  Đã thành lệ.Cứ chiều chiều. Ông lão lại tới chỗ này.Ông ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc của mình. Và, bao giờ lão cũng cầm theo tờ báo hoặc một cuốn sách.Ở đấy, bên bức tượng danh nhân trên cao,lại có một cây cột điện kim loại màu đen-hình như kiểu dáng có từ thời Tây sang.Đủ một quầng sáng cho ông đọc sách báo, dẫu trời chiều chuyển tối.
  Té ra, kẻ chiếm chỗ một đầu ghế đá của ông già,lại là một cô gái.Cô ả còn trẻ lắm.Dáng vẻ con nhà lành. Một chút son phấn, còn vụng dại.Ông lão lẳng lặng ngồi vào mép ghế đá bên kia.Ánh sáng đèn có thể thiếu một chút. Mà thôi, cũng chẳng sao.Ông giở tờ báo mang theo.Lại loay hoay, lấy ra chiếc khăn lau lại cặp kính của mình.Rồi đọc...

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới

Nhân xem bộ phim nổi tiếng thế giới : Zorba của điện ảnh Anh hợp tác với Hi Lạp, cop bài này từ Book Hunter Club để đọc chơi.

“ Zorba Phật” – Con người mới, tôn giáo mới

“Zorba Phật” là khái niệm được Osho đưa ra trong các bài thuyết giảng của mình vào năm 1978. Năm 1979, tại thính đường Trang Tử, ông đã luận giải về khái niệm này.  Trong số các tác phẩm văn chương, Osho đặc biệt hứng thú với “Zorba – Tay chơi Hy Lạp” của Azit Kazanzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại diện cho chủ nghĩa khoái lạc Dionysus và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ nghĩa lý tưởng của Apollo. Cuộc sống của Zorba là ăn chơi hoan lạc, cuộc sống của nhân vật “tôi” là đau đáu với hành trình nội tâm với mong muốn một ngày có thể viết một tác phẩm về Đức Phật. Đẩy cao hơn ý tưởng của cuốn tiểu thuyết này, Osho đưa ra khái niệm về sự “khoái lạc tinh thần”: “Ăn uống, vui chơi hưởng lạc và Thượng Đế”. Ông khẳng định: “Tôi muốn Phật Cồ Đàm (tức Thích Ca Mâu Ni) và Zorba Hy Lạp gần nhau hơn – trở thành một… Mang trần tục và thiên đường đến gần nhau hơn; hãy để Thượng Đế và thế giới của người có thể cùng nhau. Hãy để cho cơ thể và linh hồn của bạn là một bài ca được ca lên cùng nhau, cơ thể và linh hồn nhảy múa và hòa cùng nhau.”
Con người cần làm gì để không là nô lệ

Người chết rồi,...Bạn còn trẻ,...Bạn trồng gì,...


Chùm thơ Raxun Gamzatov trong bản dịch Việt Tày của TRIỆU LAM CHÂU

96. Вот умер человек, и не страшны болезни,
Вот умер человек, и старость не страшна.
Не важно, что вреднее, что полезней.
И даже смерть ему уж не страшна.

96. Người chết rồi, bệnh tật không còn khủng khiếp
Người chết rồi, không sợ nữa tuổi gìa
Điều nào lợi hơn, hại hơn - nào có nghĩa gì
Khi cái chết còn không đáng sợ.

96. Gần thai d’á, bấu nhằng lao khẩy mầu
Gần thai d’á, bấu nhằng lao pi ké
Vè hâư lỷ lai, rại lainhằng mì lị lăng them
Slì bấu nhằng lao ăn thai nỏ.

97. Ты молод? Не печалься, постареешь.
Не любишь? Полюбить еще успеешь.
Ты глуп? Еще, быть может, помудреешь.
Ты стар? Увы! Уж не помолодеешь.

97. Bạn còn trẻ ư? Đừng buồn nhé, sẽ gìa
Chưa yêu ư ? Rồi sẽ kịp yêu thôi
Dại dột ư? Có thể thành thông thái
Gìa rồi ư ? Không trở về trẻ nữa, than ôi.