Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

CHÍNH NHÂN ÂN SƯ

       


CHÍNH NHÂN ÂN SƯ

(Một vài hồi ức về Thầy-
Giáo sư Phan Trọng Luận)

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!
(Danh ngôn cổ Trung Hoa)
Không thầy, đố mày làm nên!
                                                                                                   (Tục ngữ Việt Nam)

         Với tôi, Thầy – Giáo sư Phan Trọng Luận – không phải là người thầy - vị ân sư đầu tiên, và chắc cũng chưa phải là người thầy khả kính cuối cùng. Nhưng trong số không nhiều các thầy, cô mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và tâm  nguyện suốt đời noi gương thì thầy Luận có một vị trí đặc biệt riêng. Còn đối với thầy, có lẽ tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ bé và muộn màng trong bao lớp học trò rải từ Bắc chí Nam trên đất nước này mà thầy đã  hết lòng, hết  sức đào tạo, dìu dắt hơn bốn mươi năm qua. Vì vậy, những dòng viết dưới đây của chúng tôi – với tư cách học trò –gợi lại những hồi ức về một vài kỉ niệm, một vài dấu ấn trong rất nhiều dấu ấn sâu đậm mà thầy đã để lại trong tôi từ cuối những năm sáu mươi thế kỉ 20 cho đến bây giờ, khi thầy vừa mới đi xa, thay nén nhang thơm vĩnh biệt thầy. Thầy ơi!
                                                            ***
         Lần đầu tiên tôi được biết thầy Luận cũng đã cách đây gần nửa thế kỉ rồi. ấy là khi nhóm học sinh giỏi văn khối lớp 9 (lớp 11 bây giờ) của trường phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội chúng tôi được thày Phan Bá (Hỡi ơi! Thầy cũng đã qua đời trong cô đơn ở mãi tận trường PTTH Thủ Đức, Nam Bộ hai năm trước – 2002) giao chuẩn bị một dạ hội văn học cho toàn khối. Nội dung dạ hội gồm:
      -  Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi;
      -  Chuyển thể và diễn một đoạn vở kịch nói Nổi gió của Đào Hồng Cẩm.
        Thầy đồ Nghệ Phan Bá cũng là một trong những thầy giáo mê sách có hạng của tổ Văn, trường Xuân Đỉnh. Khi thấy chúng tôi lo lắng, băn khoăn về sách vở, tài liệu khó tìm thì thầy mỉm cười, nhìn mấy cô cậu học trò đang ngơ ngác một cách tinh quái rồi bỗng đột ngột chìa cho chúng tôi 2 tập Vỡ bờ dày cộp, tập kịch bản Nổi gió.  Đặc biệt hơn nữa là cuốn Công tác ngoại khoá văn học ở trường phổ thông của tác giả Phan Trọng Luận.  Hai cuốn trên, tôi rất thích và cần, nhưng cuốn thứ  ba, với tôi, mới là lạ nhất. Ngay tối hôm đó, tôi đã hăm hở đọc cuốn chuyên luận đầu tiên về một lĩnh vực vừa quen vừa lạ. Và tôi đã rất thú vị vì lần đầu tiên được tìm hiểu một vấn đề về phương pháp giáo dục và dạy học ở trường phổ thông: công tác ngoại khoá văn học, duới một góc nhìn mới mẻ, mang tính lí luận và khoa học cao nhưng không hề khô khan. Cách viết dễ hiểu, dung dị, rất mạch lạc. Có một số hình thức, biện pháp ngoại khoá Văn học mà tác giả gợi ý, chúng tôi có thể thực hành được ngay. Đọc hết cuốn sách, đọc lại lần nữa, lại  đọc thêm cuốn Vỡ  bờ một lần, tôi đã đủ dũng khí và tự tin lên bục thuyết trình tác phẩm của Nguyễn Đình Thi không chỉ với các bạn trong lớp mà còn được thầy Phan Bá tín nhiệm, yêu cầu trình bày trong toàn khối lớp 9 (11). Và có lẽ hình như lần ấy tôi đã không làm thầy Phan và các bạn phải thất vọng. Nhờ cuốn sách của tác giả Phan Trọng Luận, tôi được mở rộng tầm mắt về lĩnh vực này và từ ấy càng say mê đọc sách, say mê học văn hơn. (Tôi vẫn còn giữ được cuốn sách quí đó cho đến nay như một kỉ niệm về thầy mà vào thời gian đó, với tôi vẫn là văn kì thanh bất kiến kì hình...) Nhưng cái tên Phan Trọng Luận thì vẫn còn rất lạ. Không hiểu tác giả có phải là nhà giáo hay nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này?… Đôi lúc tôi vẫn vẩn vơ, băn khoăn tự hỏi mình như vậy.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

VỀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN SAU 2015




MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN SAU 2015
                                  
                                       PGS.TS Vũ Nho, Viện KHGD Việt Nam
           

          Nhớ một kỉ niệm khi tôi mới ở Nga về đến liên hệ công tác với nhà xuất bản Giáo Dục năm 1985. Một người bạn cùng trường đại học  Sư phm Việt Bắc với tôi sau khi làm Tiến sĩ ở Đức, được phân công làm phó trưởng Ban đối ngoại của nhà xuất bản và phụ trách các vấn đề lí luận về sách giáo khoa. Anh bảo tôi : “ Sách thì chúng ta đã viết, đã in mãi rồi. Nhưng lí luận về sách thì hình như chỉ được tham khảo của nước ngoài rồi làm trực tiếp, gia giảm cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Từ nay, công việc nghiên cứu lí luận mới thực sự bắt đầu”.
          Cho đến bây giờ, sự giao lưu rộng rãi Đông Tây đã cho chúng ta rất nhiều thông tin mới. Lí luận về sách giáo khoa, chúng ta  đó cú nghiên cứu và chắc chắn sẽ không bê thẳng của nước ngoài vào. Lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015 này là một cơ hội để chúng ta thống nhất một số vấn đề cơ bản của sách giáo khoa cho học sinh Việt Nam, do người Việt Nam làm ra sau nhiều năm tìm hiểu về lí thuyết và nhất là trên cơ sở tổng kết  kinh nghiệm biên soạn trực tiếp.
          Môn Ngữ văn, do đặc thù của nó và do ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống,  sách chúng ta có khác với sách  của một số nước ngoài. Một phần Ngữ ( tiếng Việt), một phần Văn, Tập làm văn là phần có vẻ độc lập, nhưng kì thực nó là phần thực hành tạo lập ngôn bản ( nói) và văn bản( viết) của phần tiếng Việt là chính. Bây giờ, một quan niệm gần như đã thống nhất. Đối với tiểu học thì chủ yếu là học Tiếng, đối với THCS thì Tiếng và Văn tương đương, đối với THPT thì nghiêng về Văn, những kĩ năng về Tiếng được ôn lại và củng cố, nâng cao là chính. Điều này là một cơ sở cực kì quan trọng để xây dựng cấu trúc, xác định nội dung, và cả phương pháp đối với sách giáo khoa Ngữ văn.
          Sách giáo khoa ngữ văn trước đây chỉ chú trọng cung cấp kiến thức cho học trò.  Nó là sách “ Trích giảng văn học”. Học sinh về cơ bản chỉ có thể tiếp cận với tác phẩm trong sách giáo khoa. Nó là nguồn duy nhất cung cấp tác phẩm và tri thức về tác phẩm.  Ngày nay,   học sinh phát huy vai trò chủ động, sáng tạo thì việc cung cấp kiến thức thuần tuý là không đủ. Mặt khác, học sinh bây giờ có rất nhiều nguồn cung cấp tri thức khác nhau. Bởi vậy để mang đậm tính chất nhà trường,  ngoài chức năng cung cấp tri thức, sách giáo khoa còn là nơi cung cấp phương tiện, phương pháp học. Chính vì thế mà hệ thống câu hỏi gợi ý để học sinh tự học, tự chiếm lĩnh tác phẩm trở thành một phần quan trọng của sách. Đây chính là phần đòi hỏi đầu tư nhiều công sức nhất.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Chiếc nhẫn thất lạc



                                                              


 CHIẾC NHẪN THẤT LẠC

                                                                                                           Lưu Lê Bảo

                                                                                                      Vũ Công Hoan dịch

          Mấy chục năm trước, câu truyện này như có cánh, bay vù vù, xộc thẳng vào tai tôi. Từ đó, câu truyện luôn luôn ở trong trí não tôi. Hôm nay tôi xin kể lại với các bạn câu truyện ấy.
         
          Khi Lỗi và Tinh yêu nhau say đắm. Lỗi đã đem hết số tiền giành dụm sau mấy năm làm việc mua tặng Tinh một chiếc nhẫn kim cương bạch kim. Sau khi cưới, ngày nào Tinh cũng đeo chiếc nhẫn ấy. Tinh bảo em sẽ đeo suốt đời.
         
          Nhưng sự đời khôn lường.Quả thật sự đời không ai lường trước.
         
          Hôm ấy bạn học của Lỗi là Thâm đến nhà giúp đóng rèm the che cửa sổ. Thâm rất khéo tay, thợ mộc, thợ điện, thợ nguội, nghề nào cũng tinh thông. Xong việc, Thâm bảo có việc phải về ngay, sống chết cứ khăng khăng không ở lại nhà Lỗi ăn cơm. Sau khi Thâm hấp ta hấp tấp ra về, lúc Tinh ăn xong cơm tối, chợt kêu lên một tiếng sửng sốt!

          Thì ra, chiều nay khi giặt quần áo trong sân,Tinh đã tháo chiếc nhẫn để trên bệ cửa sổ. Nhưng bây giờ đã mất biến!

          Hai vợ chồng soi đèn pin tìm trước bệ cửa sổ hồi lâu, nhưng nào có thấy bóng dáng chiếc nhẫn?

          Hai vợ chồng vội đến nhà Thâm. Lỗi bảo Thâm xem xem khi thu dọn dụng cụ liệu có sơ ý bỏ chiếc nhẫn vào hộp dụng cụ không? Thâm vội đem hộp dụng cụ ra , ba người tìm, dốc đáy hộp cũng không thấy chiếc nhẫn.

          Ba người buồn bã chia tay.

          Sau khi về nhà,Tinh nói với Lỗi:
-         Thảo nào lúc ấy giữ Thâm lại ăn cơm, anh ấy cứ nhất quyết ra về.
Lỗi bảo:
          - Khi còn đi học, Thâm là học sinh ba tốt,phẩm chất cá nhân cực tốt. Mấy năm nay sống ngoài xã hội, liệu Thâm có thay đổi?

          Tinh nói:
          - Nhà mình một sân một cổng. Hôm nay, ngoài Thâm ra, cũng không có ai đến chơi. Lúc ấy rõ ràng em tiện tay để chiếc nhẫn lên bệ cửa sổ. Còn nữa, chẳng phải anh đã nói, hôm đi mua nhẫn, Thâm cũng đi phải không?
          Lỗi đáp:
          - Phải. Lúc ấy, để em bất ngờ mừng quýnh, anh đã không nói với em. Chính Thâm đã giúp anh chọn mua chiếc nhẫn ấy. Chiếc nhẫn ấy là vật đắt nhất trong tiệm vàng lúc bấy giờ. Cậu ấy con bảo vài tháng nữa kiếm đủ tiền cũng sẽ mua tặng bạn gái một chiếc nhẫn.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

GẶP MẶT CỰU HỌC SINH CẤP 3 NHO QUAN A, NINH BÌNH TẠI HÀ NỘI

GẶP MẶT CỰU HỌC SINH CẤP 3 NHO QUAN A, NINH BÌNH TẠI HÀ NỘI

Sáng 27 tháng 10 năm 2013, lãnh đạo trường THPT Nho Quan A đã ra Hà Nội họp mặt với các thế hệ cựu học sinh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Địa điểm họp mặt 91A, đường Võ Thị Sáu, công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Đông đảo học sinh cũ đã đến dự. Hiệu trưởng Quách Đức Hiển thay mặt lãnh đạo nhà trường chào mừng các thế hệ học sinh cũ của trường, thông báo kế hoạch tổ chức Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường.
Lãnh đạo nhà trường cũng kêu gọi sự ủng hộ về tinh thần và vật chất để buổi Lễ kỉ niệm tiến hành long trọng, thành công. Nhà trường trân trọng mời tất cả học sinh cũ về trường từ chiều 16 tháng 11 để sáng 17 chính thức tiến hành Lễ kỉ niệm.
          Vũ Nho, đồng chí Thiếu tướng, Giám đốc học viện Biên phòng, một vài bạn đại diện cho các khóa học phát biểu.
          Các cá nhân, nhóm bạn ghi sổ vàng ủng hộ tài chính cho trường.
Vũ Nho thay mặt 14 anh chị em niên khóa 1963-1966 hiện đang ở Hà Nội ghi tặng nhà trường 150 cuốn Tạp chí Giáo Dục do nhóm in ảnh  trường trên bìa 1  cùng bìa 3 và tóm tắt thành tích 50 năm phát triển.
          Mọi người dự bữa cơm thân mật và hẹn ngày về gặp nhau trong dịp Lễ lớn của nhà trường.

          Dưới đây là một vài hình ảnh.

                                                     Hiệu trưởng Quách Đức Hiển phát biểu

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Tôi nhận thấy...



THƠ Raxun Gamzatov trong bản dịch Việt - Tày của Triệu Lam Châu



15. Осознаю под небом Дагестана,
Беря в горах последний перевал,
Что, как поэт, явился слишком рано,
А стать пророком – слишком опоздал.

15. Tôi nhận thấy giữa trời Đaghextan
Thường xuất hiện những nhà thơ sớm sủa
Họ gìn giữ núi đồi xứ sở
Nhưng thành nhà tiên tri - lại quá muộn mằn.

15. Hây hăn chang hả Đaghextan
Lầng oóc nả bại slấy sli khoái mấư
Boong te dửc đin rà khau khuổi
T’ọ  p’ần  pú rủng - lẻ nhằng hâng!



16. Я воспевал не раз светильник ночи
И пел не раз светильник я дневной,
Но восторгаться ими нету мочи,
Когда твой лик сияет предо мной.


16. Tôi hay ngợi ca ngọn đèn đêm
Tôi cũng hay ngợi ca ngọn đèn ngày
Nhưng khi gương mặt em vụt đến
Thì những ngọn đèn kia bỗng mờ ngay.

16. Hây lầng d’ẳn nỏ nghé  t’ẻn gừn
Nghé  t’ẻn  uằn thư, hây tó  d’ẳn
T’ọ slì cương nả noọng phựt mà
Lẻ mả ngay nò sloong  t’ẻn  t’ỉ.

17. От альпинистов, от людей бывалых
Я знаю: спуск труднее, чем подъем.
Мне сорок лет, достиг я перевала,
Мой путь трудней и круче с каждым днем.

17. Kinh nghiệm nhà leo núi cho tôi biết
Đi xuống thường khó hơn đi lên
Tôi đã lên đèo lúc bốn mươi tuổi
Nay đường càng dốc hơn và khó khăn thêm.

17. Pỏn  t’ởi  pin khau hẩư hây hăn
Pây  t’ò  lồng nhộc hơn  t’ò  khửn
Hây khửn keng  p’ửa slí slíp pi gần
Này khỏ them, nhoòng  t’àng  gảng líng.

18. Поет у моего окошка ветер
Ту песню, что претит мне издавна;
А ту, что мне милей всего на свете,
Поет он у соседского окна.

18. Bên cửa sổ nhà tôi gió hát
Bài ca – tôi kinh tởm lâu rồi
Nơi cửa sổ nhà bên gió hát
Bài ca – tôi yêu nhất trần đời.

18. Xảng táng rườn rà lồm đỏi xướng
Tèo sli – rà đạ hăn oi sloi
Xảng táng rườn hâư lồm đỏi xướng
Tèo sli – rà hăn điếp đây lai...



19. С какой вершины я ни брошу камня,
Он вниз летит и пропадает там,                  
В какой низине песня б ни пришла мне,
Она летит к моим родным горам.



19. Trên đỉnh núi nào tôi cũng cầm đá ném
Hòn đá bay đi, rồi hòn đá rơi
Ở đồng  bằng nào tôi cũng có
Một bài ca bay lên núi quê tôi.

19. Nưa nhỏt khau  t’ầư hây tó căm thin bẳn
Hỏn thin bân pây, t’iẻo  tốc lồng
Dú đin phiêng  t’ầư  hây tó mì đây đứa
Tèo sli bân mừa bản mường slung.


20. Смерть унесет и нас, и все, чем мы живем.
Избегнет лишь любовь ее прикосновенья.
Так ворон прочь летит, когда он видит дом,
Где в теплом очаге горят еще поленья.

20. Cái chết cuốn chúng ta đi cùng mọi thứ
Chỉ có tình yêu thoát được mà thôi
Con quạ đen bay đi mất hút
Khi thấy nhà có bếp lửa ấm ngời.          

20. Ăn thai p’ẳt boong rà oạ mọi vè pây thuổn
Tán ăn mằn ki ni đảy khói nò
Tua ca đăm rựt bân pây lặm khuổi

Slì te hăn rủng rường vỉnh vầy thư.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

NGHỀ NÔNG LÀNG TRÈM




NGHỀ NÔNG  LÀNG TRÈM

(Tản văn)

ĐƯỜNG VĂN


                   Trong xã hội, nghề nào cũng có cái mạnh, yếu, cái hay, dở của nó. Một cách tương đối, không thể nói nghề nào vinh quang, cao quý hơn nghề nào, nghề  nào hèn mọn, bỉ lậu hơn nghề nào. Xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của người khác là một trong những hành vi khiếm nhã, ngu xuẩn nhất. Nghề nào được hình thành và phát triển, gắn liền với lao động chân chính, cũng đều đáng tự hào. Nhưng những nghề lao động trí óc chưa chắc đã nhàn hạ, thanh thản hơn nhiều nghề lao động chân tay nặng nhọc, và ngược lại. Nỗi buồn, lo thất nghiệp, đợi việc vẫn là một trong những nỗi lo buồn cổ điển mà mới tươi tính thời sự, vẫn hiện hữu và đe dọa một số lượng người không nhỏ trên khắp mặt địa cầu này. Tiền của bề bề không bằng rành 1 nghề trong tay. Một nghề cho chín, hơn chín, mười nghề. Các cụ dạy chí lý vậy thay! Thạo nghề, lành nghề, đạt tới mức thượng thừa, cao thủ nghề nghiệp, tới tầm nghệ nhân không chỉ là kết quả quá trình tu luyện công phu suốt đời của một cái đầu thông minh nhạy bén, một tư duy năng động, sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo (bàn tay vàng); mà còn bởi trái tim nhiệt huyết chứa chan, bởi tình yêu nghề luôn âm ỷ và cháy bỏng, bởi tâm nguyện sinh ư nghệ, tử ư nghệ (sống chết với nghề), bởi quan niệm nghề không chỉ là nghề, mà còn là nghiệp, là khoa học, là nghệ thuật, là tình yêu đam mê, là lẽ sống quý hơn mạng sống của chính mình…
                   Nhưng giữa một buổi chiều thu nắng vàng, heo may se sắt, thanh thảnh khoan thai, mây bông man mác… như chiều nay, tôi không hề muốn và không thể luận bàn về những điều cao siêu, sâu sắc, những cạnh khía tinh vi, những triết lý nông sâu, chung quanh 2 chữ nghề nghiệp quen mà lạ ấy. Tôi chỉ dám tản mạn vài câu sơ sài về nghề nông làng Trèm quê tôi, xưa và nay. Vì, xét cho cùng, so với các làng khác trên cùng dải hữu Hồng này, nghề nông làng Trèm cũng chẳng có gì thật nổi trội, khác biệt cho lắm. Nếu nói đến nghề tinh xảo có thương hiệu nổi tiếng một vùng thì phải nói tới nghề làm giò kia. Bởi giò Trèm nem Vẽ, từ bao đời đã trở thành món ăn đặc sản, tinh tế trong mâm cỗ cúng cụ ngày lễ tết, trong tiệc cưới của dân huyện Từ Liêm, chẳng kém chi giò lụa Ước Lễ. Thế nhưng, đó là một nghề rất kén người theo, không phải nghề phổ biến đại trà. Làng tôi chỉ có một vài gia đình làm nghề gia truyền ấy mà thôi. Và tất nhiên, ngoài con cái ruột thịt, họ cũng không có ý định truyền rộng ra cái nghề nghiệp kiếm ăn tổ truyền ấy cho hàng xóm.
                   Các nghề khác như nghề làm chè lam, bánh cuốn, cháo cái (se) cũng tương tự như thế. Nghề đánh cá, bủa lưới, kéo vó, chân sào thả bè trên sông, cắt may trong cửa hiệu, cửa hàng, cắt tóc rong, … Cho đến các nghề buôn bán lớn, vừa, và nhỏ, góp mặt cùng thương lái ngồi bán, mua tận chợ Đồng Xuân, Hà Nội hay mở cửa hàng trên phố Trèm, thuê sạp hàng trong chợ Vẽ… Rồi các nghề làm hàng xay, hàng sáo, thợ rèn, thợ sắt, thợ hàn, thợ nề, thợ mộc, làm nan, đan dây, máy mũ (học nghề từ làng Bãi Hoa (Liên Ngạc, xã Đông Ngạc), gánh gồng, kiếm củi, đánh gốc cây thuê… làng tôi đều không thiếu. Nghề giáo viên dạy học, làng tôi cũng chiếm con số khá đông trong toàn huyện, rải khắp 3 cấp: từ mầm mon, qua phổ thông tới đại học. Giáo Trèm dạy học khắp huyện, khắp tỉnh, rộng ra nhiều nơi trong nước. Nhưng xem xét kỹ, theo sự hiểu biết còn rất hạn chế của tôi về lĩnh vực này, nhứng nghề nghiệp ấy, ở quê Trèm, đều không có gì thật riêng, thành tựu hơn hẳn. So với bạn nghề làng khác, chưa có gì đặc sắc. Khách quan là vậy.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

TIẾNG CƯỜI CHÂM BIẾM TRONG THƠ MAI HỒNG NIÊN


                                                                       Nhà thơ Mai Hồng Niên

TIẾNG CƯỜI CHÂM BIẾM TRONG THƠ MAI HỒNG NIÊN

                                                          Vũ Nho

Viết nhân dịp  mình sáu mươi tuổi, nhà thơ Mai Hồng Niên tự bạch pha chút tự trào:
          Anh vừa lên lão sáu mươi
          Cứ xênh xang với nụ cười trời cho
                                      Anh vừa lên lão
Bạn đọc phần lớn hiểu cái “nụ cười trời cho” ấy là nụ cười vui vẻ, trẻ trung, lạc quan của nhà thơ. Coi như anh  là người sung sướng nhất trong giới thơ phú vì tính lãng tử, không bị  ràng buộc lợi danh. Nhưng ngẫm kĩ ra khi đọc thơ anh, chúng ta sẽ bắt gặp một nụ cười khác. Đó không phải là cười vui vẻ, tuế tóa, mà là tiếng cười buồn, cười ra nước mắt trước sự đời nhiều nỗi trái ngang, nhố nhăng, kệch cỡm “ ngổn ngang  bao thứ sang hèn lại qua”. Chắc là khi cất tiếng hỏi trong thơ:
          Tú Xương lặn lội phương nào?
                   Đi qua mấy phố Hà Thành
nhà thơ không nghĩ rằng chính ông Tú thành Nam với tiếng cười mỉa mai, châm biếm thuở nào đã nhập vào anh, đã làm nên một vỉa thơ khác trong mạch thơ trữ tình của nhà thơ.
          Thơ  trào phúng, châm biếm của Mai Hồng Niên chứng tỏ với bạn đọc rằng không phải mọi nhà thơ bây giờ đều véo von ca hát, hoặc tự chui vào cái tôi cá nhân nhỏ hẹp, khoác bộ cánh sặc sỡ “hiện đại”, “hậu hiện đại”. Nhà thơ vẫn luôn bám sát thời cuộc, bám sát thời sự xã hội và không bỏ qua cho những sự “nhố nhăng” ta thường đọc thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh  mạch thơ trữ tình về quê hương, đất nước, tình yêu, tình đồng đội, đồng bào, nhà thơ còn dành không ít tâm huyết cho thơ thế sự mà anh gọi với cái tên dân dã : nhân thế tình tang. Ta có thể thấy những chuyện chỉ có ở thời kinh tế thị trường:  Chợ người – Hà Nội; Lấy chồng ngoại quốc; Tiễn vợ đi lấy chồng; Bố đi lấy vợ; Bệnh viện chó mèo; Con có cha và không cha, … Ta có thể bắt gặp nhiều chuyện thời sự trong thơ anh. Từ chuyện ông Tổng Cóc lấy vợ ( Chuyện tình ông Tổng Cóc”) đến chuyện “Các quan xã Vinh Quang, Tiên Lãng và”. Từ chuyện “Trùm” Kiên đá bóng ngân hàng” đến chuyện “ Vinalines - Ụ nổi- người chìm”. Từ chuyện “Thị Hến đời nay” đến chuyện một bà nghị  bị  xóa tên miễn nhiệm, chuyện “Đồng đội kéo nhau ra tòa”…Ngòi bút Mai Hồng Niên  nhiều khi ghi rõ họ tên đối tượng. Anh không khoan nhượng trước những thói  tật xấu xa hay tội lỗi mà họ đã gây ra cho nhân dân, cho đất nước. Cũng không ít lần, nhà thơ không chỉ trán,  vạch tên, nhưng người đọc vẫn biết đó là ai. Chẳng hạn với bài thơ “ Món quà tặng Sếp” :
          Mang vợ đi để làm quà
          Mất Phúc được Lộc lấy đà thăng quan
          Chuyện đời bao nỗi trái ngang

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Khóc cười - Tràn thác




TRẦN TRUNG-CHÙM THƠ 3 DÒNG

1/Mưa rớt bão
 Lá vàng trên cao
 Khóc ròng...
        ***
2/Chùa quạnh
 Chuông xa...
 Ni-Cô quét lá.

3/Ngói Ta
 Vẩy cá
 Lấp lánh rêu phong.

4/Đỏng đảnh gót hồng
 Quyến rũ
 Dáng-Thu-Qua.

5/Chu Thần-Cao Bá Quát
 Nghênh cao kiếm dựng
 Bái-Mai-Hoa.

6/Tú Xương-Không sướng tu
 Thói đời bạc
 Khóc cười-Tràn thác!

7/Mất điện
 Nóng mông lung
 Mong mưa cùng...

8/Tây-Hồ ngát
 Dập dìu
 Hương-Yêu.

9/Cà phê-Phố xưa
 Ồn ã-hiện sinh
 Giật mình-Phố Phái!

      HÀ NỘI 24/8/2013.


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

NIỀM VINH DỰ VÀ HẠNH PHÚC ĐUỢC LÀM HỌC TRÒ CỦA THẦY- GS-NGND PHAN TRỌNG LUẬN


                                                                  Gs Phan Trọng Luận

NIỀM VINH DỰ VÀ HẠNH PHÚC ĐUỢC LÀM HỌC TRÒ CỦA THẦY- GS-NGND PHAN TRỌNG LUẬN                                         
                                                    Tiến sĩ Hoàng Thị Mai

         Tôi là người hay gặp may mắn, và một trong những may mắn lớn nhất đời tôi là tôi được làm học trò của Thầy - Giáo sư Phan Trọng Luận. Sáu năm cắp sách theo Thầy (từ thạc sĩ đến tiến sĩ), tri thức, tài năng sư phạm và nhân cách của một bậc thầy, một nhà văn hóa ở Thầy đã ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi. Cuộc đời Thầy, từ những bước chân và trang viết ở tuổi đôi, ba mươi cho đến nay, tất cả đều bộn bề những trăn trở, âu lo vì một sự nghiệp lớn - sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn, trí tuệ và những năng lực văn hóa, văn học cho thế hệ trẻ. Thầy là một nhà sư phạm, một học giả chân chính. Thầy đã bằng tâm huyết và những cống hiến khoa học của mình góp phần to lớn cho giáo dục nước nhà, đồng thời góp một tiếng nói chung vào đời sống văn hoá xã hội trong hơn nửa thế kỉ qua. Thầy chính là người đi đầu, và trong hơn nửa thế kỉ đó, đương đầu với bao thách thức để tạo dựng, khẳng định và phát triển một chuyên ngành khoa học mới ở Việt Nam – khoa học Phương pháp dạy học Văn.
Nói về Thầy, trước hết là nói về một nhà khoa học chân chính - người đã có công đưa khoa học dạy văn trong nhà trường Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, vững trãi, toàn diện và hiện đại hơn.
Khoa học dạy văn Việt Nam mới được định hình từ cách đây hơn 50 năm. Đây là khoảng thời gian ít ỏi để một ngành khoa học có thể khẳng định được vị trí, khả năng tồn tại độc lập của mình. Với vốn tri thức văn hóa, văn học, giáo dục sâu rộng; sớm ý thức được vai trò của phương pháp, bền bỉ vượt qua mọi trói buộc ngặt nghèo của hoàn cảnh để cập nhật tri thức mới về khoa sư phạm hiện đại trên thế giới cũng như bám sát thực tiễn nhà trường Việt Nam, giáo sư đã dần dần khẳng định được vị trí của khoa học dạy văn trước những cái nhìn thiên lệch, coi thường, ít quan tâm và hiểu biết về khoa sư phạm trong giới khoa học.

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN TRỌNG LUẬN!



VĨNH BIỆT GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN TRỌNG LUẬN!

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Trọng Luận đã ra đi ở tuổi 87. Xin chân thành chia buồn với gia đình. Cầu chúc cho anh linh của  giáo sư siêu thoát miền cực lạc.
VU NHO NINH BINH  giới thiệu một bài viết của Giáo sư như một nén nhang tưởng nhớ. 



    Một khoảng trời yên tĩnh
                     60 năm Khoa Văn trường Đai học sư phạm Hà Nội  
                                                        
            
                                                               GS - NGND Phan Trọng Luận

          Theo chiến lựơc đào tạo của Trung ương , ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp còn ác liệt, trường Đự bị đại học tiền thân của trường Sư phạm cao cấp nay là Đại học sư pham Hà Nội , đã được thành lập ở Liên khu IV .  Hội đồng giáo sư là những tên tuối sáng danh  của  nuớc nhà gồm Đặng Thai Mai,  Trần Văn Giàu,  Cao Xuân Huy,  Đào Duy Anh,  Nguyễn Mạnh Tường,  Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc và các nhà chính trị có tên tuổi Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Danh Hoàn …Sinh viên được tuyển chọn từ nhiều nguồn. Có anh đã là huỵện uỷ viên, là giáo viên, có anh từ vùng địch hậu về. Một số từ khu V, từ Bình Trị Thiên. Số khá đông trẻ trung là học sinh đã tốt nghiệp chuyên khoa hay phổ thông 9 năm ( Tương đương lớp 12 bây giờ). Lớp học là các đình làng.  Chỉ học về đêm. Bàn ghế không có. Mỗi ngưòi tự túc một bàn xếp nhỏ kê duới đất. Ánh sáng chỉ là những ngọn đèn dầu cá nhân tự tạo bằng các ống penixilin. Ở nhờ nhà dân. Tắm rửa ở ao hồ . Bữa cơm hàng ngày chỉ có rau luộc. Nước chấm  là nước luộc rau pha tí muối . Giáo trình không có. Sách tham khảo cũng không. Chỉ học theo bài giảng của  các giáo sư. Còn nhớ như in một đêm gs Đào Duy Anh giảng về lịch sử Việt Nam. Thầy không dùng đèn, nhường  cho sinh viên. Thầy ngồi nói suốt 4 tiếng đồng hồ làm sống dậy bao nhiêu con số,  bao nhiêu sự kiện trong suốt mấy thế kỉ. Thầy Giàu đạp xe từ Thanh Hoá vào. Thầy giảng liên tục có khi cả tuần say sưa cuốn hút lớp trẻ chúng tôi vào thế giới triết học tưởng đâu là hàn lâm xa cách nhưng vô cùng thiết thực sinh động. Thầy Tửu hùng biện khúc chiết,  là cuốn từ điển sống về văn học Việt Nam. Thầy Tường nguời Việt Nam đầu tiên  đoạt hai bằng tiến sĩ luật khoa và văn chuơng , ăn mặc bao giờ cũng lịch sự  theo phong cách phương Tây. Kiến thức văn hoá giáo dục Hi - La và Châu Âu  ở thầy thật mênh mông. Thầy Cao Xuân Huy sâu sắc, trầm tĩnh,  ít nói.  Những câu hỏi cuả thầy hình như luôn quá tầm lớp trẻ chúng tôi hồi bấy giờ …. Từ cái nôi đào tạo đặc biệt thiếu thốn nhưng bù lại là cơ may lịch sử được thụ  giáo các bậc sư biểu sáng danh như thế, hầu hết chúng tôi ra truờng mỗi nguời một phương, có vài người chuyển sang ngành nghề khác  nhưng tất cả đã không phụ lòng các thầy. Hầu hết các thầy nay đã về cõi tiên. Lớp sinh viên đầu tiên chúng tôi năm ấy nhiều nguời nay cũng đã ra đi ... Số còn  sống vẫn làm việc tuy đã vào tuổi “cổ lai hi”. Tất cả đều xứng đáng là lớp sinh viên sư phạm đầu tiên của nuớc nhà. Nhiều anh chị đã góp phần sáng danh Khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội. Trần Đình Hượu một học giả có tên tuổi. Nguyễn Đức Đàn nhà quản lí và nhà nghiên cứu có uy tín,  Trần Thanh Đạm giáo sư nhà giáo nhân dân nguyên hiệu truởng Đại học sư phạm  t/p Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Hoàn nguyên viện phó Viện văn học , Trọng Bằng GS NSND nguyên viện truởng Viện âm nhạc VN vẫn tự hào là sinh viên sư phạm khoá đầu tiên, GS Đặng Thanh Lê là một nữ trí thức tiêu biểu ,  chuyên gia Văn học trung đại, chủ nhiệm bộ môn nhiều năm, từng tham gia Hội đồng nhân dân thủ đô, Nguyến Xuân Nam gs lí luận văn học sớm có bài viết từ năm 60 của thế kỉ truớc …

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

CÂY ĐÈN CỦA BỐ



                                                   


CÂY ĐÈN CỦA BỐ

                                                                                                             Trì Tử Kiến

                                                                                                         Vũ Công Hoan dịch

          Khi bố còn sống, năm nào tết đến, tôi cũng có một chiếc đèn.
         
         Đó không phải chiếc đèn tầm thường. Từ bãi tuyết ngoài cửa nhặt về một vỏ chai đồ hộp, sau đó đổ một gáo nước nóng vào chai. Độp một tiếng, đáy chai rơi  đồng đều, chiếc chụp đèn đã ra đời. Sau khi lấy bông bỏ lau sạch, bóng đèn sáng loáng. Đáy đèn làm bằng gỗ, có hoa văn. Đóng thấu một chiếc đinh trên đáy gỗ  để cố định nửa cây nến đỏ. Khi màn đêm buông xuống, châm sáng ngọn nến, khe khẽ hạ chụp đèn.  Xách chiếc đèn này, tôi cảm thấy vui sướng vô cùng.
         
          Cây đèn bố làm cho tôi thường phải bỏ nhiều công phu. Hãy nói đến cái chụp đèn, thông thường phải nhặt về năm sáu cái vỏ chai đồ hộp mới làm được một chiếc. Cho dù như thế,đêm ba mươi tết bố vẫn có thể khiến tôi xách một cây đèn đẹp lòng vừa ý. Đêm giao thừa không có ánh trăng, cây đèn này chính là mặt trăng. Tôi xách đèn, túi bỏ một bao diêm, đi hết nhà này sang nhà kia. Cứ đến mỗi nhà lại phù phù thổi tắt đèn nghe người ta khen vài câu chiếc đèn đẹp quá nhỉ, sau đó vui lòng thỏa ý châm cháy nến đi sang nhà khác. Mỗi khi về đến nhà, cây nến cháy chỉ còn một vũng dầu. Bấy giờ bố tôi sẽ tươi cười hỏi:
-         Chia sẻ hết ánh sáng rồi chứ?
          - Bỏ hết dọc đường rồi bố ạ! - Tôi đáp -  Ánh sáng nhất còn lại con vội xách về đây!
          - Vẫn còn nhớ đến nhà cơ đấy?- Bố góp vui rồi đến nhìn ngọn lửa đang cháy  ngùn ngụt nghiêng ngả trên dầu nến.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

KỶ NIÊM KHOA THI TỔNG HỢP VĂN 1958



KỶ NIÊM KHOA THI TỔNG HỢP VĂN 1958
    ( Tặng : Nhà thơ Bùi Huy Phác)
                  --------------
Ấy là hồi hè 1958, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, giới yêu văn chương ở Miền Bắc còn đang bị choáng váng với đòn "đòi Tự Do Dân Chủ- viết đúng sự thật" ? ...Bọn học sinh lớp 10 đầu tiên  của Nước VNDCCH (như NK & BHP đều mạng Mậu dần, vừa tròn 20 tuổi) đang say mầu lý tưởng của Pavel Corsaguine (Thép đã tôi), say máu văn chương, bị Maxim Gorki hút hồn, bị mê mẩn bởi ngọn lửa bùng cháy từ trái tim Đanco bứt ra , điếc không sợ súng nên  mới nộp đơn thi vào Tổng hợp Văn Hà Nội. Cái phòng thi cao sang của Đại học Hà Nội có từ thời Pháp thuộc. Khóa thi năm ấy người ta có mẹo bố trí thí sinh các Khoa Văn, Toán, Lý... ngồi  xen kẽ nhau để ngăn ngừa tệ copy bài vở: NK , vần "K" nên ngồi bên cạnh Lê Khâm (Lê Anh Tao, Phan Tứ - Tú tài Tây)  lúc ấy đã là chính trị viên Đại đội Quân tình nguyên Lào ,với tiểu thuyết "Biên kia biên giới" nổi tiếng ; Còn BHP . vần "P" vinh dự ngồi  gần Nhà văn Quân đội Hồ Phương, đã nổi tiếng với truyện ngắn "Thư nhà" mà hồi học Cấp 2 (ở tuổi 14, 15) bọn mình cũng đã được học trong tiết Giảng văn ở vùng tự do Thái Nguyên. Cùng thi khóa này còn có Ngô Văn Phú, học sinh Trường Hùng Vương , Phú Thọ (sau này làm Gián đốc Nxb Hội Nhà văn, có bài thơ hay nhất là "cỏ bùa mê"... với số đầu sách Xb nhiều vào loại số 1 Việt Nam đương đại - cùng số lượng cỡ cụ Tô Hoài...?). BHP sau này còn nhắc nhớ mãi người thi đồng khóa vần P, cô gái Cao Lan Nguyễn Thị Phơn năm ấy , thi vào Tổng hợp Văn có vài chục người, nghe đâu lấy có 21 người, ai đỗ đều là loại Văn tài, học giỏi ( trước đó nổi tiếng như Phùng Quán với "Vượt Côn Đảo"...ứng thi, dốt, nên vẫn trượt vỏ chuối như thường- nghĩa là không hề có "con cháu các cụ các cụ chiếu cố cho" như bi giờ và chắc là còn lâu nữa ? ! 

Chúc mừng ngày PHỤ NỮ VIỆT NAM!


 Chúc chị em mạnh khỏe, tươi trẻ, hanh phúc!

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

NGƯỜI TRÈM ( tiếp theo và hết)


NGƯỜI TRÈM ( Tiếp theo và hết)
Đường Văn

3. DUYÊN ĐÃI NGOẠI

          Về điểm này, với các làng xã chung quanh và trong huyện, tôi không được tường. Nhưng với làng Trèm – xã Thụy Phương thân yêu của tôi, thì có thể nói 1 cách tự tin, chắc chắn mà không sợ mang tiếng kiêu căng, lộng ngôn, rằng: Truyền thống hiếu khách và cái duyên đãi ngoại của dân làng tôi không chỉ là một truyền thống lâu đời, một cái duyên tốt lành trời ban mà còn trở thành một trong những đặc điểm tính cách rất riêng, đầy hấp dẫn và bí ẩn của dân làng Lý Ông Trọng. Cái duyên trời cho ấy, phải chăng lại cũng bắt nguồn từ Đức Thánh Lý, chàng rể đầu tiên của hoàng đế Trung Hoa. Cô dâu nổi tiếng đầu tiên của làng Trèm, đất Việt chính là công chúa cành vàng lá ngọc Bạch Tĩnh cung người Hán phương Bắc. Từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu cô dâu từ khắp miền trong nước, ngoài nước, vì xuất giá tòng phu, yêu chồng, yêu cả giang san nhà chồng, mà gió đưa về Trèm sinh sống, trở thành con dân làng Trèm, sinh con đẻ cái, làm cho dân số làng Trèm ngày 1 thêm đông đúc, tự nguyện gánh vác và hòan thành mọi công việc tề gia nội trợ của nhà chồng, làm hài lòng không ít bà mẹ chồng, cô em chồng khắt khe, khó tính.
          Lạ một điều mà tôi, và không chỉ tôi, nghiệm thấy song chưa giải thích được cho thông, là: hình như các cô gái nơi khác khi mới về làm dâu lấy trai Trèm làm chồng thì nhan sắc cũng vừa vừa thôi, thậm chí chẳng có gì đáng để ý. Nhưng vài năm sau, khi đã có 1, 2 con, đã thành nái xề, nạ dòng, thì nếu nhìn kỹ, lại thấy đều thêm phần mặn mà, duyên dáng, xinh đẹp. Cái duyên đãi ngoại của làng Trèm cứ ngày mỗi hiện ra duyên dáng hơn, mặn mòi thêm, khéo léo hơn không chỉ từ nụ cười, làn da, mái tóc mà còn từ lời ăn, tiếng nói, nết ăn, nết ở kính trên, nhường dưới, tự mình tạo ra cái tiếng hiếu thảo, khôn ngoan, mộc mạc, đảm đang vén khéo và từ mẫu trong đạo làm con dâu, chị dâu, em dâu, làm vợ, làm mẹ trong mỗi gia đình mà đức thủy chung và trung thực nhân hậu của người phụ nữ làng Trèm truyền thống đã theo thời gian trở thành máu thịt, lặn sâu vào tâm hồn các cô, các chị, các bác, các bà từ thôn Đình, thôn Đồng  đến Đông Sen, Hồng Ngự qua các thôn mới Tân Nhuệ, Tân Phong, Cầu 7…Các cô con dâu nhà cụ B, cụ C, bà V, ông H… chẳng vậy ư? Vợ mấy ông bạn láng giềng của tôi chẳng như vậy ư? Kể cả bà xã nhà tôi, mấy cô em dâu tôi, cũng đều chẳng như vậy ư?...
          Ấy là nói về phụ nữ, dâu Trèm, gái Trèm. Với các chàng trai rể Trèm cũng theo quy luật ấy, cũng được hưởng cái duyên hiếu khách, đãi ngoại ấy. Từ tứ xứ đổ về đây mang theo tình yêu đắm đuối với các cô gái Trèm nết na, xinh xắn; nhiều chàng tự nguyện nhận quê vợ làm quê hương thứ hai của mình, mua đất (hoặc được cha mẹ vợ chia đất), vợ chồng con cái dựng cửa, làm nhà, xây cổng, đắp vườn, đào ao, trồng cây… chẳng bao năm đã trở thành cơ ngơi bề thế, khang trang. Chàng trai ngoại lạ lẫm ngày nào đã dường như hòa mình tuyệt đối với quê vợ mình, trong công việc làm ăn và tham gia các công tác địa phương…Anh trúng chân trưởng thôn, anh nhận nhiệm vụ xã đội trưởng, anh được bầu bí thư chi bộ Đảng, ông được dân cử làm vác lọng, gươm hầu, tổng cờ  rồi tiểu hiệu, đại hiệu, quan viên… trong ban Khánh tiết Lễ hội Đình Trèm (lệ xưa vẫn chỉ dành cho dân gốc làng chính cư ít nhất 3, 4 đời)… 30, 40, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua… Dân ba làng không ai còn nhớ đến anh là dân ngụ cư nữa! Anh đã thành người Trèm tự khi nào không biết! Anh đã có thể cảm tác về làng Trèm sâu sắc chẳng kém chi mấy nhà thơ làng vốn dân gốc làng chính hiệu:

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Hai bộ phim cuốn hút và xúc động


XEM PHIM  SỰ KINH NGẠC Ở TẾCH DÁT và BỐN PHÚT tại 51 TRẦN HƯNG ĐẠO

Nhận giấy mời của Hội nhà văn đi xem phim nghiên cứu, tham khảo ở Câu lạc bộ Hội Điện ảnh Việt Nam.  Sáng thứ năm 17/10/2013. Mưa nhưng vẫn đi. Vì xem phim ở đây toàn những phim hay. Lần trước xem phim của Victor Vũ, phim kiếm hiệp về người cháu của Nguyễn Trãi. Lần này xem hai phim. Một của Điện ảnh Mĩ, một của điện ảnh Đức.
          Phim Mĩ có nhan đề : Sự kinh ngạc ở Tếch dat. Bộ phim tài liệu về cuộc thi Piano dành cho những người trẻ có tài năng toàn thế giới. Những nhạc công trẻ đến từ Ytalia, Nga, Bunga ri, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Họ đến ở trong các nhà dân ở bang Tếch dát để tham gia  3 vòng của cuộc thi. Vòng chung kết có các nhạc công của Ý, Bungari, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Nhà báo lừa đảo và bạn đọc cả tin

                                                                      Vũ Nho chủ trang

       NHÀ BÁO LỪA ĐẢO VÀ  BẠN ĐỌC CẢ TIN
                            
                                      M. Santycov-Sedrin ( Nga)
                                          Vũ Nho  dịch

Có một tay nhà báo và một anh bạn đọc – tay nhà báo là kẻ nói láo, chuyên bịp bợm, còn bạn đọc vốn cả tin, cái gì cũng tin. Từ xửa từ xưa trên đời này vẫn thế: quân lừa đảo cứ việc lừa đảo, kẻ cả tin cứ việc tin. Ai có phận sự nấy.
          Tay nhà báo ngồi trong ổ của mình và chỉ biết mỗi chuyện nói láo và nói láo : “ Hãy cẩn thận! – tay nhà báo viết - Bệnh bạch hầu sẽ giết sạch thị dân mất!”; “ Đầu xuân không có mưa – rồi thì bánh mì sẽ hiếm!”; “ Hỏa hoạn sẽ thiêu trụi các thành phố, làng mạc!” ; “ Tài sản quốc gia và xã hội đang bị đánh xoáy dần kìa!”.
          Người đọc thì đọc, bụng nghĩ tay nhà báo đã mở mắt cho mình. “ ở nước ta sách báo tha hồ tự do phát ngôn – đâu cũng nhan nhản tin về bệnh bạch hầu, hỏa hoạn, mất mùa…”
          Càng lúc càng táo tợn. Nhà báo hiểu những lời bịa đặt của anh ta đã lọt tai bạn đọc nên thêm bạo mồm, bạo miệng “ ở ta an ninh không được bảo đảm! Hỡi các bạn đọc! – tay nhà báo viết – Chớ đi ra phố kẻo lại bị tống vào đồn giam đấy!”.
          Bạn đọc cả tin ra phố, miệng vẫn lẩm bẩm: “ Ôi chà! Nhà báo nói đúng làm sao về tình hình thiếu an ninh của nước ta”. Lại gặp một bạn đọc cả tin khác. Người ấy hỏi : “ Bác đọc báo chưa? Hôm nay nhà báo nói về chuyện mất an ninh ở ta mới khôi hài làm sao chứ!” – “ Sao lại chưa! – Bạn đọc cả tin đáp- Phải đấy! Không nên, ở ta tuyệt nhiên chớ nên đi dạo phố loanh quanh, kẻo lại vào đồn sớm!”.
          Ai nấy cứ nức nở khen tự do ngôn luận. “ Chúng ta không biết ở ta có bệnh bạch hầu – các bạn đọc cả tin đồng thanh ca lên- vậy mà nó lại ở kia chứ đâu xa!”. Và nhờ lòng tin tưởng ấy, họ thấy thật thanh thản, đến nỗi giá chính nhà báo đó lại bảo căn bệnh bạch hầu nay đã hết, chắc người ta sẽ thôi chẳng đọc báo của anh ta nữa.
          Tay nhà báo thì lấy làm hởi dạ, bởi với anh ta, lừa đảo quả là mối lợi kếch xù. Chân lí và sự thật không dễ hiểu với tất cả người ta- mà hiểu thế quái nào được cơ chứ! Có lẽ vì vậy mà giá có trả đến mười xu một dòng, anh ta cũng chẳng bới đâu ra sự thật. Còn nói dối lại là chuyện khác! Anh ta đã biết cách, cứ việc thế mà viết, thoải mái lừa! Một dòng chỉ lấy năm xu thôi – có mà vô khối những chuyện gian trá lại chẳng dồn đến ùn ùn!

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Chùm thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp




CHÙM THƠ TAM NGỮ TÀY – VIỆT – NGA
CỦA TRIỆU LAM CHÂU VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Bản tiếng Tày:                                                                       

1 - BOONG KHỎI PÂY LỎ TOÓC GỪA ĐIN

Boong khỏi pây lỏ toóc gừa đin
Uằn nẩy nưa đông Trần Hưng Đạo
Đét p’ài  pay, rựt tốc khuổi ngần
Vạ d’ên rẻp rẻp… xu pôm đướt…

Quá khuổi eng, pin khửn p’àn khau
Rựt ăn lình slai tâu chang tủi ấc moòng cấn d’iếu
Pằng d’ạu páo gằm d’an tứ đin Hà Nội
Luông tưởng Võ Nguyên Giáp pặt  mừa bân…

Boong khỏi gửc ghèn, rựt d’ặng d’ú, muổn mày
Nặm tha mồm phứt lây phjác phjác
Thuổn đông na khương khứa têm tênh
Sliết slương Gần xày xiền slư vủ

Rườn slớ đâư sluôn chứ chang đông
Nhằng đắc đỏi mảc kheng hom châư Gần tẳm p’ửa
Chắp mừng quỷ pèng tẻm hương mồm bán slớ
Xiên pi slổng  mại Lùng Văn ơi…

Boong khỏi t’iẻo hằm hứn khửn t’àng
T’iẻp rièo lứp dỉnh đin đông phja ăng ắc
Slăm lầng hăn lứp châư roàng Lùng Giáp
Cử đỏi d’ằng tẻm rủng phjức  t’àng pây…
                                                                
D’ỏ  rổp lai rưởng hiến lứp slăm
Cúa gần đin oạ thuổn t’ằng tu thẻ…
Thua bươn slíp pi 2013     

Bản tiếng Việt:

1- CHÚNG TÔI ĐANG LỘ TRÌNH ĐỊA CHẤT

Chúng tôi đang lộ trình địa chất
Trên núi rừng Trần Hưng Đạo chiều nay
Nắng bỗng nghiêng trời, rơi đáy suối
Tai nóng bừng… dẫu đã heo may…

Vượt suối nhỏ, sang bên kia đồi mây
Bỗng chuông điện thoại túi ngực reo khẩn thiết
Bạn báo tin dữ từ Hà Nội:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời…

Chúng tôi nghẹn ngào, đứng sững lại, ngây người
Bỗng chốc suối lệ nồng ràn rụa
Cả núi rừng rưng rưng chan chứa
Tiếc thương Người văn võ toàn năng

Nhà bia khu tưởng niệm giữa rừng
Vẫn trầm mặc uy nghiêm đẫm hồn Người từ độ ấy
Chúng tôi kính cẩn thắp hương lên bàn thờ Người nóng hổi*:
Muôn đời sống mãi Bác Văn ơi…

Chúng tôi lại hăm hở đường trường
Truy vỉa quặng ngầm giữa non ngàn trùng điệp
Lòng cứ thấy vỉa hồn ngời Bác Giáp
Cứ âm thầm soi lối chúng ta đi…

Sẽ gặp bao vỉa lòng hồn hậu tình người
Của dân tộc và của toàn nhân loại…
Đầu tháng 10 năm 2013

Chiều 8/10/2013, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng đã lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở rừng Trần Hưng Đạo

Bản dịch nghĩa của tác giả sang tiếng Nga:
1- Во время геологического маршрута

Во время геологического маршрута
В лесу Чан Хынг Дао сегодня
Солнечный луч вдруг склоняется и падает в ручей
Наше ухо разгорячится… хотя уже наступила осень…

Мы пересекаем ручей и поднимаемся на туманный холм
Вдруг в грудном кармане раздаются телефонные звонки
Наши друзья в Ханое  сообщают дурную весть: 
Генелал Во Нгуен Зяп уже ушёл из жизни…

Мы застывали, задыхались и неожиданно остановились
Bдруг и были неудержимые потоки слёз
У всех от волнения слёзы навернулись на глаза
Безмерно скорбели по нашему прекрасному генералу…

Задумчивый и торжественный дом памятков в лесу
Давно носит душу генерала
Мы зажигаем ароматные палочки и  поставим в алтарь
Дядя Ван, вы вечно живёте у нас …*

Мы снова горячо отправимся в путь
Разыскиваем рудный пласт в нескончаемой горе
В наших сердцах яркий пласт души генерала
Скрытно освещает нашу дорогу…

Будем встречать pазные добродушные пласты души
Нашего народа и всех народов на земле …
Октябрь – 2013

 * Во Нгуен Зяпа ещё зовут Дядя Ван
  
Bản tiếng Tày:

2- PAN TOẸN ĐEO CHANG ĐÔNG

- Khuổi ơi, lăng p’ài  này nặm têm lai p’ận nỏ?
- Bấu dử nặm bân nao, nẩy lẻ tèo nặm tha lây
Cúa khau phja, nổc nu, mạy nhả
Slương sliết lai nò Lùng Văn pặt mừa bân…

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Người TRÈM ( tiếp)


Người TRÈM 
Đường Văn

2. CẦN CÙ, HIẾU HỌC

          Người dân làng Trèm xưa chủ yếu là nông dân cần cù, nghèo khổ làm lụng một nắng hai sương, quanh năm chí tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những cánh đồng từ Ba Đừng, Bụng Ngựa, đồng Sau, Đỗi cho tới Cầu Đồ, Cầu Gạo, Tranh, Lịp sâu trũng tới Đống, Cửa Trẹm xa xôi… Cần cù bù thông minh, mùa mùa cày cấy, gieo trồng, nhưng rồi thiên tai dịch bệnh, bão lụt, úng hạn, lại sưu cao thuế nặng… nên cố lắm cũng chỉ tạm đủ ăn. Cơm thường xuyên đỏ khé ngô độn hay sắn khoai khô, ngày  2 bữa tạm lưng lưng dạ. Bữa sáng là củ khoai, bắp ngô hay mẻ ngô rang lót lòng, thậm chí có hôm uống bát nước vối đặc, hút điếu thuốc lào thay cơm, đã tơi tả, vội vã vác cày, đánh trâu ra đồng. Nhà nông làm gì có khái niệm nghỉ chủ nhật?! Ngày giỗ chạp cũng có khi chỉ nghỉ nửa buổi hoặc đi làm về sớm, cúng buổi chiều muộn cho đỡ mất việc. Bữa trưa ngày vụ thường ăn luôn ở ngoài đồng để tranh thủ thời gian. Người nào người nấy mặt mũi đen cháy, mồ hôi ròng ròng, bóng loáng, đỏ ửng như đồng điếu, đồng tụ.  Có lúc rỗi rãi buổi chiều mưa to, được nghỉ ở nhà, bố tôi ngồi vặn thừng, bện chạc. Ngắm hai bàn tay ông sù sì, nứt nẻ, bện, cuộn thoăn thoắt, nhịp nhàng với những bó lạt giang; vừa làm có khi cụ vừa cao hứng ngâm ngợi mấy câu Kiều, tôi mới thấm thía phần nào cái bản tính cần cù, lam lũ mà vẫn lạc quan, yêu đời, yêu sống của người nông dân kẻ Trèm. Trẻ con, thanh niên đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Ăn thì chẳng có gì nhưng cốt no bụng. Có thực mới vực được đạo. Nhưng ngủ thì quả là thiếu thốn. Mới 4h, hơn 4h sáng một chút, trời còn tối thui, mẹ tôi đã gọi réo rắt: - Này cả nhà ơi!, dậy đi thôi! Còn chuẩn bị ra đồng đi gặt hay đi cầy, bừa… gì đó! Dân làng người ta đi hết rồi kìa! Mặt trời bắn nỏ rồi kìa! Chả thức khuya chơi cho lắm vào để sáng banh con mắt, vành con ngươi không mở cái con mắt ra được!
          Nghe rõ dần tiếng mẹ la, mấy anh em tôi vẫn cố ngủ vùi, ngủ nướng thêm chút nữa, để đến lúc mẹ phải bực mình quát to hơn, vào giường lay vai, lay chân từng đứa mới oằn oài ngồi dậy, mắt mũi cay sè! Cánh đồng vào vụ cấy đông vui, tấp nập đến tận chiều sẩm. Người đổ phân, người gánh mạ, các bà, các chị, các cô lưng cúi khom khom, ra mạ thoăn thoắt hầu như hết 1 hàng con, 1 hàng sông mới ngẩng lên vặn lưng, bẻ khục 1 lần. Cấy lúa chiêm tháng chạp rét cắt da, đúng là chân lội dưới bùn tay cấy mạ non. Ngón tay răn reo, co quắp, cứng đờ vì ngâm lâu dưới làn nươc lạnh đục ngầu. Ngược lại, cầy lúa mùa tháng sáu thì lại chài chãi dưới nắng giữa hè dội lửa. Nước nóng rẫy pha nồng oi. Bất chợt lại đổ mưa rào. Nước mưa chảy ràn rạt trượt qua tấm áo tơi lá cọ xuống chân, xuống ruộng. Mẹ tôi, các thím, chị em tôi như những con quốc khổng lồ đang hí húi kiếm ăn trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Đâu chỉ là cảnh hữu tình, thong thả: Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa như ca dao trữ tình giao duyên muôn thưở mà là sự vất vả, lam lũ, cực nhọc thực sự. Được hạt lúa, củ khoai, bắp ngô đâu có thanh nhàn, dễ dàng chi! Sau này nông nghiệp cơ giới hóa khá nhiều khâu nhưng cảnh cày tay theo bò, trâu, cấy tay, gặt tay vẫn là phổ biến. Dù có đẩy lúa, chở phân bằng xe cải tiến hay thuê xe công nông, thay đập lúa bằng máy tuốt rào rào thì lao động nông nghiệp ở làng Trèm vẫn là thứ lao động cực nhọc nặng nề, vất vả bậc nhất. Cần cù, lam lũ, chăm chỉ lam làm, chân chỉ hạt bột, chỉn chu, tiết kiệm dành dụm vẫn là đặc tính cơ bản cố hữu của người Trèm quê tôi. Bố mẹ tôi thường răn dạy các con: – Là nhà  nông làm ruộng mà không cần cù một nắng hai sương, hay lo hay làm thì chỉ có đói rã họng ra, bát cơm chẳng có mà ăn, các con ạ! Nhớ lần bố đưa tôi lên Việt Trì dạm vợ, sáng trở về, tàu hỏa chạy trong mưa rào. Nhìn qua cửa sổ tàu, trong màn mưa bay xiên chéo ràn rạt, dưới những chàn ruộng hai bên đường sắt, vẫn nghe rõ tiếng quát trâu bò: vắt, diệt, vẫn thấy những bước chân người, chân trâu thũng thĩnh, oàm oạp lội  ruộng cày bừa. Và ở mảnh bên cạnh, mấy bà, mấy cô đang lom khom ra mạ thoăn thoắt. Cái áo tơi lá cọ vồng lên khum khum trên lưng như những con nhím khổng lồ… bố tôi lại tặc lưỡi, cám cảnh: - Đấy, anh cả thấy không (bố vẫn hay gọi tôi như vậy)? nông dân mình ở đâu  cũng chân lấm tay bùn, khổ lắm con ạ! Anh em các anh cố gắng tu chí học hành đặng mà thoát khỏi cái cảnh suốt đời theo đít con trâu, khổ lắm!