Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Nhân vật Thúc Sinh trong cái nhìn so sánh





THÚC SINH
                    Chúng ta có một Thúc Sinh ở trong lòng. Không nhiều thì ít, trong mỗi chúng ta đều có chất liệu đam mê và nhu nhược.
                                                      Nhất Hạnh
                                                                                   Vũ Nho

Thúc Sinh chỉ là một nhân vật phụ trong Truyện Kiều, chàng là người đã quyết tâm chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, rồi lấy Kiều làm vợ lẽ. Dù ông bố nghiêm khắc mắng mỏ, rồi đem đến công đường kiện vì tội bất hiếu, cãi lời cha, nhưng chàng vẫn khăng khăng không chịu đuổi Kiều về lầu xanh. May mà viên quan phủ cũng là người biết “thương vì nết, trọng vì tài” nên đã xử cho hai người lấy nhau và khuyên Thúc ông dẹp bỏ nỗi bất bình. Nhưng với vợ là Hoạn Thư thì Thúc Sinh không nghe lời Kiều khuyên, bưng bít, giấu giếm nên kết cục “thấp cơ thua trí đàn bà”, chàng đành bó tay nhìn người yêu bị hành hạ. Cuối cùng đành chấp nhận giải pháp khuyên Kiều bỏ trốn:
          Liệu mà xa chạy cao bay
          Ái ân ta có ngần này mà thôi
Đã có nhiều lời bình phẩm về nhân vật  Thúc Sinh. Kim Thánh Thán khá nặng nề khi đánh giá Thúc Sinh với sự so sánh hai mối tình Kim Trọng và Thúc Sinh với Kiều : “Mối tình ấy thực là vô cổ vô kim (xưa nay không có), đâu phải mối tình của đầm Đào Hoa có thể sánh kịp một phần trong muôn phần vậy. Bởi thế nên ta mới khinh bỉ mối tình của chàng Thúc vậy” (Lời bình của Thánh Thán về hồi thứ 20). Nhưng thực tình, Thúc Sinh có đáng khinh bỉ như thế không? Con người Thúc Sinh có đáng chê trách hoàn toàn không? Chúng ta sẽ xem xét thái độ và cách cư xử của Nguyễn Du với nhân vật này.
           Trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử, Thúc Sinh được giới thiệu là một thư sinh. Vợ là Hoạn Thư, con quan Lại bộ, đẹp và thông minh. So với vợ “về phần tài trí thực đã kém xa”. Thúc Sinh đến thăm Kiều được viết : “Nay chàng mượn tiếng du học, theo cha đến thành Lâm Tri, nghe danh tài sắc của Thúy Kiều, bèn sắm một cây vóc, rồi cất lẻn phụ thân, đi cùng người bạn tên gọi Bộ Tân để tới thăm hoa” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 230 – 231).

          Nguyễn Du không nói gì đến tài trí kém vợ của Thúc Sinh, cũng không nhắc chuyện “cất lẻn phụ thân”, bỏ luôn cả ông bạn cùng đi đến thăm Kiều. Nhà thơ giới thiệu Thúc Sinh có phần ưu ái:
          Khách du bỗng có một người
          Kì Tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
          Vốn người huyện Tích, châu Thường
          Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
          Hoa khôi mộ tiếng Kiều Nhi
          Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào
Trong KVK, sau cuộc sơ kiến “chàng và nàng dan tay trở vào phòng ngủ, ái ân đêm đó chắc sẽ mặn nồng”. Rồi tiếp đến gặp dịp phụ thân về quê, không còn ai kiểm soát, “chàng được tự do phóng túng, ngày xuân lắm lúc đi về, tha hồ say tỉnh, khi thì bên hoa lựa khúc, khi thì dưới nguyệt đề thơ” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 232).  Thúc Sinh say sưa “Rồi từ đấy về sau luôn ba tháng trời, chàng cứ liên miên lui tới, vàng bạc phung phí như thể đất bùn. Cả nhà mụ Tú thảy đều hoan hỉ, coi như bắt được cóc vàng” (Truyện Kiều đối chiếu, trang 233). Nguyễn Du  bỏ bớt các chi tiết không hay và diễn tả sự say mê thanh cao của Thúc (uống rượu, làm thơ, đánh cờ, chơi nhạc):
          Trướng tô giáp mặt hoa đào
          Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa […]
          Sớm đào, tối mận lân la
          Trước còn trăng gió sau ra đá vàng
          Dịp đâu may mắn lạ thường
          Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê
          Sinh càng một tỉnh mười mê
          Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân
          Khi gió gác, khi trăng sân
          Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ
          Khi hương sớm khi trà trưa
          Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn […]
          Thúc Sinh quen thói bốc rời
          Trăm nghìn đổ một trận cười như không
Cuộc trò chuyện của Thúc Sinh với Thúy Kiều khá dài, Kiều nói hết những băn khoăn về việc  về làm vợ lẽ Thúc Sinh. Nguyễn Du đã diễn tả chi tiết từ câu 1331 Trăm năm tính cuộc vuông tròn đến câu  1366 Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều. Khác với KVK, sau khi Kiều ưng thuận, hai người làm thơ xướng họa Hình tặng Ảnh và Ảnh đáp Hình, rồi “hai người lại rót một đấu rượu lớn cùng nhau hoan hỉ  uống cạn rồi mới dan tay vào phòng
(Truyện Kiều đối chiếu, trang 238- 241), Nguyễn Du để cho Thúc Sinh và Kiều thề thốt gắn bó như một đôi tình nhân quyết chí:
                   Cùng nhau căn vặn đến điều
                   Chỉ non thề bể, nặng gieo đến lời
Nguyễn Du cũng bỏ hẳn nhân vật Vệ Hoa Dương mà Thúc Sinh dựa vào để buộc Tú Bà phải cho chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Nhà thơ chỉ vắn tắt kể lại sự việc. Vai trò của Thúc Sinh trong chuyện này được nhấn mạnh hơn:
           Chiến hòa sắp sẵn hai bài
          Cậy tay thầy thợ, mướn người dò la
          Bắn tin đến mặt Tú Bà
          Thua cơ, mụ cũng cầu hòa, dám sao.
Trong phần so sánh việc Thúc ông kiện con trai và quan phủ xử án, chúng tôi đã đề cập đến việc Nguyễn Du cho Thúc Sinh cãi lời cha, nhưng mềm mỏng hơn, không  giở lí, mà chủ yếu là “nài kêu”. Đó cũng là một nét khác biệt của chàng Thúc.
Có thể nói rằng nếu Thúc Sinh trong KVK được miêu tả và đánh giá một cách khách quan, có phần chê bai, thì Nguyễn Du có cảm tình với chàng. Chỗ nào có thể gượng nhẹ được thì gượng nhẹ, chỗ nào có thể vun vào thì nhà thơ không ngại vun vào. Ví dụ rõ nhất là viên quan phủ xử vụ kiện của Thúc ông. Chúng tôi xin nhắc lại ở đây: “Thứ chín, hồi thứ 12 kết thúc ở lời dạy bảo của quan phủ. Nhưng Nguyễn Du không dừng ở đó. Nhà thơ để cho viên quan không những cho phép hai người lấy nhau, mà còn truyền tổ chức đám cưới cho tài tử giai nhân. Đó là điều khác với Thanh Tâm Tài Tử. Viên quan “ mặt sắt đen sì” kiểu mặt Bao Chửng lại là người biết “thương vì hạnh, trọng vì tài”:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi sao
Bày hàng cổ xúy xôn xao
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi
Thương vì hạnh, trọng vì tài
Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba”
Cũng chính vì cảm tình với chàng Thúc nên Nguyễn Du mới viết những câu thơ thật đẹp, thật da diết và gợi cảm về cuộc từ biệt của Thúc Sinh với Thúy Kiều. Nhà thơ đã không ngần ngại tổ chức, sắp xếp lại, gạt bỏ việc đưa tiễn của Thúc ông, cùng người làm công, các bạn bè của Thúc Sinh, để chỉ còn một mình Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều. Cuộc từ biệt đó dưới ngòi bút Nguyễn Du trở thành một cuộc chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn. Và Nguyễn Du như muốn cắt cả vừng trăng để in lên nỗi đơn chiếc của Thúy Kiều, cũng như  sự vất vả đơn độc một mình trên muôn dặm đường xa của Thúc Sinh:
          Người lên ngựa kẻ chia bào
          Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
          Dặm hồng bụi cuốn chinh an
          Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
          Người về chiếc bóng năm canh
          Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
          Vừng trăng ai xẻ làm đôi
          Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Dù Thúc Sinh  sau này có “thấp cơ thua trí đàn bà”, bị vợ khống chế và hành hạ mà không kêu ca gì được, chỉ vì sự quanh co giấu giếm, không nghe lời căn dặn của Thúy Kiều, thì chàng vẫn là một người yêu thương Kiều thật lòng. Chàng vượt qua cả thói thường, cưới một “gái điếm (con đĩ)” về làm vợ. (Lời Thúc ông mắng : “Đành rằng có lấy vợ bé đi nữa, thì cũng không nên lấy hạng gái điếm cơ mà” – Truyện Kiều đối chiếu, trang 255). Nguyễn Du cảm thông với Thúc Sinh nhiều hơn là chê trách chàng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhiều chỗ trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết bằng tất cả tấm lòng yêu ghét. Nhà thơ như nhập thân vào nhân vật. Điều này hoàn toàn đúng. Nếu không yêu mến, cảm tình Thúc Sinh thì Nguyễn Du không thể viết hai câu thuộc loại tuyệt bút về mùa thu :
          Long lanh đáy nước in trời
          Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Đây chính là hai câu tả cảnh. Nhưng là cảnh được nhìn bằng con mắt của chàng Thúc. Chàng nhớ thương Kiều nhưng chưa biết lấy lí do gì để về Lâm Tri. Thì bỗng nhiên được sư tử Hà Đông gợi ý phải về thăm, chăm sóc cha. Thế là Thúc Sinh ta hăm hở lên đường:
          Được lời như cởi tấc son
          Vó câu thẳng ruổi, nước non quê người
          Long lanh đáy nước in trời
          Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Cảnh bao giờ cũng là cảnh phản ánh tâm trạng của con người như Nguyễn Du đã tổng kết : “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh đẹp ấy là  phản ánh tâm trạng khấp khởi, mở cờ, hớn hở của Thúc Sinh khi  được quay trở lại với Kiều “hương đượm, lửa nồng”.
          Chính vì Thúc Sinh quan trọng với đời Kiều như vậy; cũng chính vì Nguyễn Du cảm tình, cảm thông với chàng Thúc, cho nên ông để cho Kiều khi nhớ nhà và người thân, không hề bỏ quên chàng.
          1633 Sắn bìm chút phận con con
          1634 Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng
         
1785 Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng
1786  Nước non để chữ “tương phùng” kiếp sau

2241 Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
2242 Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
          Xin phép lưu ý bạn đọc rằng ba lần nhớ này là 3 trong 4 lần Kiều nhớ  nhà và nhớ người thân không hề có trong KVK. Đây là sáng tạo của riêng Nguyễn Du. Và như thế, thêm một chứng cớ để chúng ta thấy Nguyễn Du không xem thường, không xem khinh chàng Thúc, mặc dù chàng có nhược điểm rất lớn là sợ vợ cả, bất lực, không làm gì để giải thoát được cho người yêu khỏi sự đày đọa thâm độc của Hoạn Thư.
          Tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du với Thúc Sinh còn thể hiện rất rõ trong đoạn báo ân báo oán của nàng Kiều ( Xin xem so sánh của chúng tôi ở  phần thứ hai). Ở đây thiết tưởng cần nhắc lại tóm tắt:
          Nguyễn Du đã để cho quân của Từ Hải “Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên”, không để Thúc ông và Thúc Sinh bị kiện tướng Lôi Phong bắt giải vào nộp cho Từ Hải. Đặc biệt là nhà thơ đã để cho Thúc Sinh được báo ơn đầu tiên. Những lời lẽ của Thúy Kiều với Thúc Sinh thật trân trọng, mà lễ vật thì vô cùng hậu.  Điều này không hề có trong KVK.
          Qua những so sánh và phân tích trên, chúng ta thấy nhân vật Thúc Sinh của Nguyễn Du khác với Thúc Sinh của Thanh Tâm Tài Tử. Nguyễn Du dù sao cũng trân trọng mối tình của chàng, lược bỏ những gì không đẹp ở chàng. Đặc biệt là chăm chút, ưu ái đối với mối tình của chàng với nàng Kiều. Dù tình cảnh chỉ là phận lẽ mọn, nhưng Thúc Sinh yêu mến Kiều thực lòng. Chỉ vì  quá sợ vợ, không  dám cứu nàng. Và điều quan trọng nhất là Nguyễn Du để cho nàng Kiều không bao giờ quên mối tình của chàng, báo ơn cho chàng còn trước cả mụ quản gia và vãi Giác Duyên. Vì thế mà việc
“khinh bỉ” Thúc Sinh chỉ là việc của Thánh Thán với Thúc Sinh của Thanh Tâm Tài Tử, quyết không phải là thái độ của Nguyễn Du và bạn đọc Việt Nam.
          Có thể điều này sẽ làm bạn đọc ngạc nhiên, nhưng chúng tôi cho rằng Thúc Sinh cũng là nhân vật kí thác một phần tâm sự của Nguyễn Du. Các nhà nghiên cứu đã nói đến Thúy Kiều, vì cuộc đời Kiều phải đi làm điếm về thân xác, có thể cũng là một sự tương hợp với cảnh Nguyễn Du phải làm “điếm” về chính trị theo quan niệm  phổ biến đương thời “trung thần bất sự nhị quân”. Nguyễn Du trung thành với nhà Lê, từng có hành động chống Tây Sơn, nhưng rốt cuộc phải làm quan cho nhà Nguyễn “hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”. Nhưng tâm sự và kí thác của Nguyễn Du không chỉ ở Thúy Kiều. Từ Hải cũng là nhân vật  thể hiện mong muốn của Nguyễn Du. Không phải chỉ là việc “chọc trời khuấy nước” mà là việc thực thi công lí ở đời, việc trừng trị những kẻ xấu, kẻ ác chà đạp lên con người tài hoa mà Nguyễn Du ngưỡng mộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc khẳng định Thúy Kiều là bản thân cuộc sống, Từ Hải là mơ ước về cuộc sống. Cả hai đều thể hiện những mơ ước, gửi gắm và kí thác của Nguyễn Du. Tuy nhiên, có lẽ nói như thế đúng mà chưa đủ. Còn nhân vật Kim Trọng thì sao? Kim Trọng có phải là nhân vật đứng ngoài sự quan tâm và kí thác của Nguyễn Du? Chúng tôi không cực đoan như Đinh Bá Anh khi cho rằng Kim Trọng mới là nhân vật vĩ đại của Nguyễn Du, Kim Trọng mới chính là nhân vật mà Nguyễn Du  dụng công : “không phải Thúy Kiều, mà Kim Trọng mới là nhân vật văn chương “ruột” của Nguyễn Du. Kim Trọng mới là nhân vật khó xây dựng nhất, được dụng công nhiều nhất, và những trường đoạn có Kim Trọng mới là những trường đoạn trừu tượng, sâu thẳm, đau đớn và bí ẩn nhất trong Đoạn trường tân thanh. (Kim Trọng : nhân vật văn chương vĩ đại của Nguy ễn Du – Đinh Bá Anh, trang  web Học thế nào). Không phải là nhân vật văn chương “ruột”, nhưng Nguyễn Du có kí thác lòng mình trong Kim Trọng là lẽ đương nhiên. Chỗ này thì tác giả Đinh Bá Anh có lí : “Ở mặt này, Nguyễn Du không thể không cảm thấy ngán ngẩm cho bản thân; nhưng ở mặt khác, ông lại có niềm tin của người trí thức. Ông không thể bẻ gãy bạo quyền; đối với cái ác, ông bất lực; nhưng ông thấu hiểu và đề cao nhân phẩm”. Song liệu Nguyễn Du có th ể hiện tâm trạng mình trong anh chàng Thúc Sinh nhu nhược? Không ai dám quả quyết rằng hoàn toàn không. Thúc Sinh yêu mến Kiều, yêu mến cái đẹp, nâng niu, trân trọng cái đẹp. Nhưng chàng nhu nhược và bất lực. Chàng chỉ có thể bó tay mà “trông vào đau ruột, nói ra ngại lời”. Nguyễn Du cũng có một chàng Thúc ở trong lòng. Chính vì thế mà nhà thơ cảm thông, thương mến, và làm cho hình ảnh chàng Thúc có phần đáng trách, nhiều phần đáng thương. Có thể nói rằng Thúc Sinh cùng với ba nhân vật khác là  Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng đều là nhân vật kí thác  tâm sự và tấm lòng của Nguyễn Du, tuy mức độ có  khác nhau.




         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét