Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Cảm đọc HỒI ỨC MÙA HÈ







CẢM ĐỌC "HỒI ỨC MÙA HÈ"
                        Thơ Đỗ Thị Hoa Lý
             Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội 8-2012
                         

Cảm tưởng đầu tiên là: thơ Đỗ Thị Hoa Lý rất hứng khởi, trẻ trung của một Thi nhân đang tung cánh hồn thơ :
            “Tôi đi giữa đôi bờ sóng lăn tăn
            Sóng lấp lánh phía mặt trời mùa hạ…”
Với :     “Dòng Danube xanh rì rào sóng vỗ
            Giai điệu mượt mà như tiếng hát dòng sông…”
rất Thi sĩ : “… Gió thổi dài mái tóc
                  Ta trong chiều lang thang…”
Với " nắng thẫn thờ mắt lá... " để mà nhớ " Xuân Hà Nội":
            “… Cầu Thê Húc cong cong huyền ảo
            Tháp Rùa nghiêng soi bóng dáng Thủ đô…”
Cùng nhớ về miền quê Đan Phượng :
            “… Chiều nay bóng xế non Đoài
             Ai ngồi hong tóc ngóng ai cuối trời…”
            ‘… Nhớ mùa hạ nắng chói chang
             Nhớ màu phượng đỏ nồng nàn tuổi thơ…”
             “… Sóng lăn tăn gợn mặt hồ
             Thướt tha áo trắng, xanh lơ khung trời…”
để: “… Thì thầm tiếng Cuội gọi trăng lên...”
Đó là hồi ức tuổi thơ - Còn hiện thực thời sự hôm nay của Đất nước đang là những ngày Biển Đông dậy sóng thì Đỗ Thị Hoa Lý đau đáu nỗi niềm xuất thần một tứ thơ hùng tráng :
              “… Nếu Tổ quốc ngày mai không có biển
              Vần thơ tôi thiếu vắng những con tàu…”
Đây là một bài thơ chính luận khá hay, tiếp bước Chế Lan Viên " mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng" mà giới làm thơ trong nước hiện nay ít ai có được cảm xúc mãnh liệt chân thực (đầy trách nhiệm công dân như thế ?)

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Vũ Nho trả lời phỏng vấn VOV2



Nho trả lời phỏng vấn VOV2
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, trên chương trình Văn Nghệ buổi 10h30 đến 11 h 00, Vũ Nho đã trả lời phóng viên Nguyễn Vũ Hà trong mục “Tiếng nói người cầm bút”.

Nội dung chính cuộc phỏng vấn với chủ đề “Nhà văn và văn hóa tranh luận”
Bạn có thể nghe lại chương trình này với các bước sau:
1.    Vào Google, gõ VOV.VN vào mục tìm kiếm.
2.    Sau khi có kết quả, bạn nháy đúp chuột vào dòng 4 : Các kênh VOV.
3.    Tiếp theo, bạn nháy đúp vào biểu tượng tai nghe ở bên dưới kênh VOV2, mé phải.
4.    Bạn nháy đúp vào dòng : Nghe lại chương trình ( Bên dưới chữ VOV2)
5.    Khi hiện ra lịch tháng 8/2003 ở mé bên trái, bạn di chuột và bấm vào số 27 ( thứ 3)
6.    Toàn bộ lịch phát sóng ở mé bên phải, bạn chọn chương trình văn nghệ : 10h30 -11h 00. Nếu không muốn nghe toàn bộ chương trình gồm : Chuyện người được gặp Bác Hồ và bài thơ Bác Hồ tát nước, bạn di nút vuông về bên phải, đến 10h 50, thì sẽ chỉ nghe cuộc phỏng vấn.
Nếu không nghe được, bạn vui lòng xem văn bản. Những chữ màu đỏ là chuẩn bị mà lược bớt khi nói và thu.



PV-Là một nhà phê bình thơ, lý do nào mà ông lại quan tâm đến vấn đề “Nhà văn và văn hóa tranh luận”? Thực trạng đó hiện diễn ra như thế nào?

Thật ra, tôi vốn là một nhà giáo Ngữ văn, có ham thích viết lách, rồi trở thành một nhà phê bình văn học. Khi còn học ở Đại học, tôi đã tiếp xúc với những tranh luận học thuật của các vị tiền nhân. Ví dụ vịnh Kiều của các nhà nho, Tranh luận xung quanh TRUYỆN KIỀU của Nguyễn Du trong đó có bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết” của cụ Ngô Đức Kế được học trong chương trình phổ thông trung học, Tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh; tranh luận giữa những người ủng hộ thơ mới và những người bênh vực thơ cũ; tranh luận xung quanh tập Việt Bắc của Tố Hữu…
Rồi khi ra trường,  cũng được chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, thảo luận. Ví dụ có nên ngâm thơ hay chỉ nên đọc thơ, xung quanh tác phẩm “Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương; xung quanh truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, về thơ Đồng Đức Bốn, xung quanh Thơ của Nguyễn Quang Thiều, về chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn cải cách;  thơ Hoàng Quang Thuận, luận văn của Nhã Thuyên…
          Việc tranh luận xung quanh một bài thơ, một cuốn sách, một tác giả, một quan điểm văn học nghệ thuật… luôn luôn diễn ra trong đời sống văn học. Tôi rất chú ý đến lí lẽ,  luận điểm, luận chứng,..của mỗi bên bảo vệ ý kiến của mình, phê phán, phản bác ý kiến của đối phương. Và đồng thời, không thể không chú ý đến thái độ tranh luận, đặc biệt là ngôn ngữ tranh luận, bộc lộ trực tiếp nhất thái độ của người tham gia. Có không ít những lời lẽ, về lí thì đúng, nhưng thấy khó tiếp nhận vì thái độ tranh luận thể hiện sự “ăn thua, cay cú”, thể hiện sự tức tối, tiểu khí do “cả giận mất khôn”…
Tôi chứng kiến những cái hay và không ít điều dở của đồng nghiệp khi họ tham gia tranh luận.
PV:  Ông có thể nêu mấy ví dụ tiêu biểu?
Những người theo dõi đều biết cả rồi. Tôi không muốn nhắc lại.
Bản thân tôi cũng từng bị  vấp váp với “đối thủ”  khi họ dùng những lời lẽ xúc phạm đến tôi và những người cộng sự … Đáng nói hơn nữa là họ nói “vô căn cứ” bất chấp sự thật rành rành, nói quá lên, nói đại không cần chứng minh. Các cụ gọi là  đổi trắng thay đen, biến không thành có. Bản thân tôi đã buộc phải tranh luận với  những người như thế. Tôi phải kìm nén, phải bình tĩnh, không thể sửng cồ lên. 
          Tất cả những điều đó đã khiến tôi chú ý đến lời lẽ, đến khẩu khí hay nói rộng hơn là văn hóa tranh luận.
          Vì làm công việc liên quan đến ngôn ngữ, nên tôi cũng để tâm nghiên cứu xem cha ông ta đã đúc kết những bài học nào về văn hóa nói năng nói chung qua tục ngữ, thành ngữ và ca dao. Tôi đã viết và công bố một tiểu luận : “ Lời ăn tiếng nói trong tục ngữ, ca dao” để tự mình học tập và  dành cho những sinh viên sư phạm  cùng những ai quan tâm.
          Các cụ dạy:
          Lời nói không mất tiền mua
          Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Nói để không mất lòng đối tác, không mất lòng đối thủ là một nghệ thuật hiểu biết ngôn ngữ và tâm lí, văn hóa.

PV-Nhà văn được mệnh danh là những bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ, song tại sao ngôn ngữ của họ trong thảo luận, tranh luận với đồng nghiệp lại thiếu tính học thuật, thiếu văn hóa?

- Không phải tất cả các nhà văn trong thảo luận, tranh luận với đồng nghiệp thiếu tính học thuật, thiếu văn hóa.
Tôi xin nhắc lại, chỉ có một số rất ít các nhà văn như thế.  Tuy ít, nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Người đọc  hay để ý, thành ra nhà văn mang tiếng.Và tất nhiên, ở trong từng trường hợp cụ thể thì mức độ thiếu tính học thuật thiếu văn hóa cũng  rất khác nhau.
Chúng ta có thể lí giải  bằng một số điểm sau đây.
- Thứ nhất, vì là bậc thầy trong ngôn ngữ, cho nên lời nói của nhà văn thường có tính chính xác và thâm thúy. Người xưa tổng kết:
          - Lọ là thét mắng mới nên
          Một lời xiết cạnh hơn nghìn roi song
Hoặc:
-         Roi song đánh đoạn thời thôi
 Một lời xiết cạnh muôn đời chẳng quên

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Các nhân vật trong TAM QUỐC







ĐƯỜNG VĂN vịnh các nhân vật Tam Quốc ( tiếp)


1.     MÃ SIÊU



Khiến Tào Man cắt râu, quẳng áo,

Đấu dư trăm hiệp cùng Hứa, Trương.

Vén mây mù nhìn thấu trời xanh!

Cẩm Mã Siêu thuận hàng Huyền Đức.



* Tự Mạnh Khởi, con trai Mã Đằng, thái thú Tây Lương. Mã Siêu nổi tiếng đẹp trai, dũng tướng. * Tại trận Đồng Quan, bị Mã đuổi riết; Tào chạy trốn chí chết đến mức phải cắt râu, quẳng áo để giấu mình. *Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu. Mã Siêu đại chiến cửa Hà Manh * Trương Phi suốt ngày đêm đánh nhau với Mã Siêu, không phân thắng bại. * Câu nói của Mã khi về hàng Lưu Bị. * Mã Siêu đứng thứ tư trong Ngũ hổ đại tướng Thục Hán. (Hồi 65).



2.     HOÀNG TRUNG



Ngoài 70, lão tướng vẫn cường!

Núi Định Quân, chém Hạ Hầu Uyên!

Tha Quan Vũ, cứu Ngụy Diên,

Tín cao, nghĩa cả một niềm Hán Thăng!



* Tự Hán Thăng, đứng thứ 5 trong Ngũ hổ đại tướng. Qua đời năm 75 tuổi (221) trong chiến dịch đông chinh của Lưu Bị tại Hào Đình (Hồi: 53, 70, 71, 83).



3.     VIÊN THUẬT



Ngọc tỷ mà chi? Viên cứ say!
Tiếm hiệu, xưng vương được mấy ngày?!
Lại đòi dâng mật, khi cùng lộ,

Thổ huyết đi tong! Bọng máu nhầy!*



* Tự Công Lộ, em Viên Thiệu, thái thú Nam Dương, 1 tên tuổi trong quần hùng đánh Đổng Trác. Được Tôn Sách dâng ngọc tỷ (ấn ngọc truyền quốc của các hoàng đế Trung Hoa, được đúc từ thời Tần Thủy Hoàng), vội vã tự xưng đế; bị các chư hầu vây đánh, đại bại. Trên đường thua chạy, đói khát, đòi dâng mật ăn. Nhà bếp nói: Chỉ có nước máu! Thuật kêu to 1 tiếng, thổ huyết, chết. Hết đời 1 gã quân phiệt Tàu ngu ác, hiếu danh, ngông cuồng.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

CHUYỆN MỘT BÁC NÔNG DÂN NUÔI HAI VỊ TƯỚNG QUÂN


                                                                 Vũ Nho chủ trang

CHUYỆN MỘT BÁC NÔNG DÂN NUÔI HAI VỊ TƯỚNG QUÂN

                                                           Xantưcop Sedrin ( Nga)
                                                            Vũ Nho dịch

Có hai ông tướng. Bởi cả hai cùng khinh suất, nông nổi, nên sắp tới, như có phép thần, theo ý muốn của tôi, các ông sẽ rơi xuống một đảo hoang.
          Hai ông tướng cả đời đã làm việc ở một văn phòng nào đó. Ở đó, các ông ấy được sinh ra, được nuôi lớn và trở thành người già, nên các ông chẳng hiểu biết gì cả. Đến nói cũng chẳng biết gì hơn câu : ” Xin được ngài chấp nhận lời cam đoan hoàn toàn thành kính và tận tụy của tôi!”.
          Người ta bỏ văn phòng vì nó đã vô dụng và giải phóng cho hai ông tướng. Ra khỏi biên chế, hai ông đến Peterburg, ở trên phố Podiatrexki, trong hai căn hộ riêng, có hai chị bếp riêng và hàng tháng hưởng lương hưu. Đột nhiên các ông lạc đến một đảo hoang, rồi tỉnh giấc và thấy cùng đắp chung một cái chăn. Lẽ dĩ nhiên, thoạt đầu các ông chẳng hiểu gì cả và bắt đầu nói chuyện, cứ như không có gì xảy ra.
          - Lạ thật, thưa đại nhân, tôi nằm mơ hay sao ấy! – một ông tướng nói – Tôi thấy như mình đang ở trên đảo hoang...
          Ông tướng nói xong bỗng nhảy phắt lên. Ông kia cũng nhảy lên.
          - Trời ơi! Chuyện gì lạ thế này! Chúng ta ở đâu vậy nhỉ?
          Cả hai kêu toáng lên rồi quay ra sờ nắn nhau xem là mơ hay thật. Hóa ra là thật! Họ tự nhủ chẳng qua cũng chỉ là mơ nhưng cuối cùng vẫn phải buồn rầu thừa nhận chuyện là thực.
          Trước mắt họ, biển trải rộng xa tắp một phía, phía kia là một rẻo đât hẹp, sau rẻo đất ấy  lại cũng là biển không bờ.
          Hai ông tướng bật khóc, lần đầu tiên kể từ ngày người ta đóng cửa văn phòng.
          Họ nhìn kĩ lại nhau và nhận ra cả hai cùng mặc đồ ngủ, trên cổ treo mề đay.
          - Giá có tách cà phê thì tuyệt! – một ông tướng buột miệng; sực nhớ đang gặp một trò đùa tai quái chưa từng thấy bèn òa khóc lần nữa.
          - Chúng ta sẽ làm gì bây giờ? – Ông tướng tiếp lời qua dòng nước mắt. – Chẳng nhẽ viết báo cáo?
          - Phỏng ích gì?
          - Thế này vậy, -ông tướng kia đáp- người hãy đi, thưa đại nhân, sang Đông, còn tôi – sang Tây, buổi chiều mình vòng lại đây. Có thể sẽ tìm thấy gì chăng?
          Họ bắt đầu tìm hướng Đông, hướng Tây. Họ nhớ quan trên dạy nếu muốn tìm hướng Đông thì quay mặt về hướng Bắc, bên tay phải chính là hướng cần tìm. Họ bèn tìm phương Bắc, đứng thế này, đứng thế nọ, quay đủ các hướng, nhưng vì cả đời làm việc trong phòng giấy nên không tìm nổi.
          - Thế này vậy, thưa đại nhân : đại nhân đi sang phải, còn tôi sang trái, thế sẽ tốt hơn! – Một ông tướng nói. Ông này ngoài công việc ở văn phòng còn từng làm thầy giáo luyện chữ ở trường võ bị liên tổng, nên tất nhiên có thông minh hơn.
          Nói sao – làm vậy. Một ông  tướng đi sang bên phải và thấy cây cối mọc đầy, trên cây vô khối quả. Ông tướng muốn kiếm dù chỉ một quả táo, nhưng chúng đều treo cao đến mức phải trèo mới hái được. Ông  tướng thử trèo – nhưng không ăn giải gì, áo ông liền rách toạc. Ông tướng kia đi ra suối nhìn thấy: cá đầy đặc hệt trong ao nuôi ở Fontanca, nhung nhúc những cá là cá. ” Giá mang được lũ cá này về phố Podiatrexki!” – Ông tướng nghĩ, mặt nhăn dúm lại vì thèm. Ông tướng đi tiếp vào rừng – chim hót ríu tít, gà lôi trống gáy gọi gà lôi mái, thỏ chạy tung tăng.
          -Trời ơi! Thức ăn! Thức ăn! – ông tướng kêu, sau khi cảm thấy nôn nao trong cổ họng.
          Chẳng làm thế nào được, ông tướng tay trắng trở lại chỗ hẹn. Ông tướng kia đã ngồi sẵn đợi.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Hội nghị bàn tròn các nhà văn Á Phi


Gửi thư    Bản in

Hội nghị bàn tròn “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa”

Tin: Phong Lan; ảnh: Đỗ Hiếu - 26-08-2013 11:23:10 PM
VanVN.Net – Sáng 26/8/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hội nghị bàn tròn “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa” đã được tổ chức với sự tham gia của ban lãnh đạo Hội nhà văn Á – Phi và các nhà văn Việt Nam.
Hội nghị bàn tròn “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa” là một trong những hoạt động của ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi trong thời gian làm việc tại Việt Nam. 12 đại biểu đến từ quốc gia: Ai Cập, Nga, Uganda, Sudan, Kuwait, Tunisia, Yemen, Iraq, Zimbabwe đã có cuộc trao đổi, thảo luận cùng các nhà văn Việt Nam về nhiều vấn đề xung quanh công việc sáng tạo văn học.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đọc diễn văn khai mạc Hội nghị, trong đó nhấn mạnh: “Thế hệ nhà văn chúng ta có mặt tại đây có hạnh phúc được chứng kiến nhiều sự đổi thay to lớn của thế giới. Thế kỷ XX có thể được xem là thế kỷ của Châu Á và Châu Phi. Từ đối tượng của thôn tính, của chiếm đoạt và khai thác, chúng ta đã giành được độc lập. Đó là thắng lợi kép, thắng lợi của độc lập và thắng lợi của văn hóa. Từ thân phận bị sáp nhập vào thế giới, chúng ta thành chủ thể tham gia vào bức tranh nhiều màu sắc của thế giới… Từng trải qua chiến tranh và luôn nhạy cảm trước nỗi đau trần thế, chúng tôi chia sẻ sâu sắc những gì diễn ra ở Ai Cập, ở Xê – ri – a, ở I rắc và ở Li băng mới đây. Chúng tôi tin chắc cuối cùng công lý, lẽ phải và tình thương sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất để vãn hồi hòa bình và nhân tính. Vì là những dân tộc đã trải qua quá nhiều đau khổ do chủ nghĩa thực dân gây ra, các nhà văn Á – Phi có lý do đặc biệt để chào đón toàn cầu hóa. Chúng tôi hiểu toàn cầu hóa có rất nhiều tiềm năng và cơ may cho giao lưu văn hóa. Chúng tôi cho rằng toàn cầu hóa là sự phô diễn tự do và bình đẳng của các nền văn hóa, cùng giao tiếp và bổ sung cho nhau… Tiếp thu thế giới, để làm độc đáo và đặc sắc thêm văn hóa bản địa. Phát huy dân tộc là làm giàu thế giới. Với niềm tin vào sức mạnh của văn học và lương tâm nhà văn, chúng tôi nồng nhiệt chào mừng Hội Nhà văn Á – Phi đã được tái lập và xin chúc Hội nghị thành công.”
Nhà văn Mohamed Salmawy (Ai Cập)
Nhà văn Mohamed Salmawy – Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập phát biểu: “Với mục tiêu hội nhập toàn cầu hóa nhưng phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, Hội Nhà văn Á – Phi cần có sự gắn kết, đến gần với nhau hơn nữa để cùng bước vào thế kỷ XXI. Chúng tôi tự hào về cuộc gặp gỡ của ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi tại Việt Nam – một đất nước tuyệt vời. Đến đây, chúng tôi đã được thấy một Việt Nam mới, đang chiến đấu trên một chiến trường khác, ở đó có những “trận đánh” tái thiết đất nước, thiết lập tương lai trên cơ sở độc lập, hòa bình và hòa nhập cùng các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Các nhà văn Á – Phi cần phải cùng nhau vạch ra vị trí, tầm nhìn của chúng ta trước những vấn đề mà nhân dân thế giới, nhân dân Á – Phi phải đối mặt. Toàn cầu hóa đối với nhà văn chính là biết tôn trọng sự khác biệt của tất cả các nền văn hóa của một đất nước dù lớn hay nhỏ, dù đi từ một quốc gia giàu truyền thống lịch sử hay một đất nước mới phát triển. Chia sẻ những giá trị chung để đem lại nền văn hóa lớn, đó là sự thống nhất, khác biệt, công lý và tự do. Tôi mong muốn rằng từ Hội nghị của chúng ta hôm nay sẽ có các cuộc thảo luận riêng về những vấn đề của mỗi quốc gia.”
Toàn cảnh hội nghị
Tiếp đó, các nhà văn trao đổi ý kiến, thảo luận xung quanh chủ đề “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa”. Trong đó, ý kiến tập trung nhất chính là các nhà văn cần phải sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay, có giá trị bền vững, thể hiện được tính độc đáo của nền văn hóa dân tộc mình. Từ sự khác biệt của nhiều nền văn hóa: Ả Rập, Ai Cập, Châu Phi… các nhà văn sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm nổi tiếng để thông qua đó nêu cao tinh thần tự do, độc lập, yêu chuộng hòa bình… Toàn cầu hóa là một câu chuyện dài và cần có nhiều thời gian hơn để bàn về nó. Các nhà văn thống nhất quan điểm: Nếu coi việc giữ gìn được bản sắc văn hóa làm cơ sở cho việc học hỏi, giao lưu, hợp tác của các quốc gia trong khu vực thì sự phát triển sẽ hoàn hảo và thuận lợi hơn.

 

Chép lại từ trang vanvn.net

THƠ TÔI






Các bạn đã biết Vũ Công Hoan như một dịch giả tiếng Hán. Ông còn viết kịch, làm thơ. VUNHO NINH BINH trân trọng giới thiệu tâm sự của ông trong bài thơ ngắn.

THƠ TÔI

Vũ Công Hoan

Thơ tôi không phải để in,
Thơ để gửi gắm để tìm nguồn vui.
Thơ tôi không viết xa xôi,
Viết việc bên cạnh viết người bên thân.
Rỗi thì tôi đọc tôi ngâm,
Bận thì tôi cất vào ngăn tủ tường.
Về già đọc lại vấn vương,
Chọn in thành sách làm gương một thời.
Cái thời khẩu súng trên vai,
Đáy ba lô có một vài câu thơ.
Một thời đánh giặc làm thơ,
Làm thơ đánh giặc say sưa một thời.

                         Ngày 13 tháng 2 năm 2004 – 13 tháng7 năm 2013

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cảm nhận thơ HAI KU



Thơ haikư của Ryokan và Santoka
(Đọc tập thơ Nhật Bản do Đinh Nhật Hạnh và Đinh Trần Phương dịch từ tiếng Pháp)

                                                                                                                      Cao Ngọc Thắng


Tôi muốn nói ngay rằng, cảm nhận thơ qua chuyển ngữ là một điều khó xác đáng, bởi thơ ấy như một cái “bẫy”. Vậy mà thơ haikư Nhật Bản của Ryokan (1757-1831) và Santoka (1882-1940), trước khi chuyển sang Việt ngữ đã ở dạng Pháp ngữ từ năm 1986 và năm 2003, lại càng như đánh đố người cảm nhận.

May thay!, haikư là thể thơ không giống với bất kỳ thể thơ nào, bởi ở tính đồng loại, có khả năng hòa nhập vào nhiều ngữ khác nhau. Sự ra đời và phát triển thơ haikư ở nhiều quốc gia của châu Á, châu Âu và châu Úc Đại dương, đã phần nào chứng minh cho điều đó. Nói cách khác, cảm nhận thơ haikư đã qua chuyển ngữ, tuy không đầy đủ nhưng có chỗ “dựa” đáng tin cậy, mà Đinh Nhật Hạnh và Đinh Trần Phương đã làm được trong việc chuyển ngữ thơ haikư của hai nhà thơ Nhật Bản qua bản Pháp ngữ của Joan Titus-Carmel và CHENG Wing Fun – Hervé COLLET dưới nhan đề “HAIKƯ – Ryokan & Santoka”. Nếu ở tập thơ chuyển ngữ này, bên cạnh thơ tiếng Nhật có cả thơ tiếng Pháp thì (với những người biết tiếng Pháp) việc đối chiếu thuận lợi hơn.

Ryokan và Santoka là hai nhà thơ tuy không cùng thời, họ sống cách nhau hơn một thế kỷ, nhưng đường thơ của họ đều hướng tới “cái không” của bản ngã. Phần giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp về hai nhà thơ này, được các dịch giả người Pháp sưu tầm và biên soạn kỹ lưỡng, giúp người đọc thưởng thức thơ haikư Nhật Bản thêm phần thấu triệt.

Về Ryokan, Joan Titus-Carmel giới thiệu 99 bài haikư và viết: “Haikư của Ryokan mang đậm tính thiền (zen), bình lặng đến toàn bích, mà ta có thể tìm thấy cả trong trà đạo, nghệ thuật bắn cung, cắm hoa (ikebana), thư pháp (sho) hay trong tranh thủy mặc (sumi-e)” (…), “Sống trong lý tưởng về sự hòa hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên, tâm của Ryokan trở nên vô phân biệt”. Ngắm bầu trời mùa thu, Ryokan thấy ở đó có nhiều cung bậc:

- Trong làn gió thu / cô quạnh / một bóng hình.
- Trời thu trong / một lùm cổ thụ / như hàng giậu xanh.
- Trời thu trong xanh / lùm cao cổ thụ / một túp lều tranh.
- Trời thu trong xanh / vô vàn chim sẻ / cánh bay dạt dào.

Ryokan cảm nhận thiên nhiên một cách trực giác – sự trực giác đúng với bản chất của sư và của thế giới tự nhiên. Tôi rất thích Ryokan mô tả sự chuyển động của hoàng hôn:

- Chia từng tốp nhỏ / đàn cò bay qua / trời thu hoàng hôn.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

GIAO LƯU THƠ QUẢNG NINH - HÀ NỘI

GIAO LƯU THƠ QUẢNG NINH- HÀ NỘI

 Sáng ngày 23 tháng 8 năm 2013, tại hội trường giả hang động cạnh hồ Cô Tiên ở thành phố biển Hạ Long đã diễn ra buổi giao lưu thơ Quảng Ninh- Hà Nội. Câu lạc bộ thơ Hà Nội gồm các nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Hồ Thu, Duy Khoát và Vũ Nho. Quảng Ninh có các câu lạc bộ thơ Truyền Đăng, Quảng Yên, Vân Đồn, Uông Bí, câu lạc bộ Thơ Đường,  câu lạc bộ Thơ Việt Nam. Tham dự còn có các bạn yêu thơ, các cháu học sinh THPT Hồng Gai.
          Sau các thủ tục giới thiệu đại biểu và tặng hoa, hai nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa và Dương Phượng Toại cùng dẫn chương trình.
Mở đầu là nhà thơ Thanh Nga của Vân Đồn đọc thơ.
Tiếp theo là cháu Minh Anh, THPT Hồng Gai đọc bài thơ : Cánh cửa nhớ bà của Đoàn Thị Lam Luyến.
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai, chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Hà Nội đọc ba bài thơ, trong đó có bài về  Biển cạn Ninh Bình và biển Hạ Long.
Nhà thơ Mai Phương cũng đọc ba bài đáp lễ. Ông tuyên bố, với ông nhất THƠ, nhì Vợ, ba mới là các thứ quan trọng khác.
Phần trọng tâm của buổi giao lưu, ban tổ chức dành cho nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Lam Luyến, Ngọc Ước và Thu Trà được mời lên sân khấu.
Nhà thơ Lam Luyến đọc bài Hang Trinh Nữ và nói ấn tượng sâu đậm của chị với đất và người Quảng Ninh.
Nhà thơ Ngọc Ước kể ấn tượng với bài thơ Gửi tình yêu của Lam Luyến. Với giọng trung xúc động, ấm áp,  anh đọc bài thơ Biển trong ta của nhà thơ Lam Luyến.
Nhà giáo, nhà thơ Thu Trà nói về ấn tượng với thơ Lam Luyến, những vần thơ chân thật, mạnh mẽ và từng trải. Chị thích tứ thơ no đòn mà không đau, vì nỗi đau lớn nhất là đau tâm hồn. Nhà giáo đặc biệt thích bài Dặn con với ao ước  “Chỉ mong con có nước cờ chắc tay”.
Lam Luyến đọc bài thơ “Chồng chị chồng em”, một bài thơ đầy tâm sự, từng được giải nhì cuộc thi thơ Báo n Nghệ.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa kể lại thơ Lam Luyến là điểm tựa tinh thần cho chị khi hạnh phúc chênh vênh bờ vực thẳm. Chị đã tìm thấy sự an ủi, động viên, nguồn sức mạnh từ thơ Lam Luyến. Ấn tượng nhất với chị là bài thơ “Em gái” của Lam Luyến.
Nhà thơ Vương Phượng đặt câu hỏi : _ Nhà thơ Lam Luyến nghĩ gì về câu Kiều : Đau đớn thay phận đàn bà? Và chị đã chia sẻ như thế nào về điều đó?

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

NÚT BẤM



                                                   

Nút bấm

                                      Truyện ngắn của Risat Mêtixơn ( Mĩ)
                                      Vũ Nho dịch

Bưu kiện nằm trước cửa – một chiếc hộp các tông…dán băng. Trên hộp có dòng chữ viết tay địa chỉ, họ tên người nhận : “ Ông bà Arơtu Lu- ít 217 E phố 37 Niu oóc 10016”. Norơma cầm lấy hộp mở cửa và đi vào trong nhà. Trời chạng vạng tối. Cô đặt chảo lên rán cát lét, làm món rượu thập cẩm, rồi mở bưu kiện ra.
          Bên trong là một cái hộp nhỏ có nút bấm được che kín trong một cái nắp thủy tinh. Norơma cố gắng đẩy cái nắp lên, nhưng nó không nhúc nhích. Cô lật chiếc hộp lại và nhìn thấy một tờ giấy dán vào vỏ gỗ. Trên tờ giấy có ghi : “ Ông Xchiuarơt sẽ ghé thăm ông bà vào bảy giờ chiều nay”. Norơma  đặt chiếc hộp lên đi văng cạnh mình, nhấp một ngụm rượu trong chiếc cốc vại, đọc lại dòng chữ và mỉm cười.
          Qua mấy phút sau, cô đã chuẩn bị xong món xa lát.
          Chuông reo đúng lúc bảy giờ chiều. “ Tôi mở cửa đây!” – Norơma kêu lên từ trong bếp. Arơtu ngồi trong phòng khách mải đọc.
          Trước cửa là một người thấp nhỏ. Ông ta bỏ mũ và lễ độ hỏi:
-         Bà Luit phải không ạ?
-         Vâng, có chuyện gì vậy?
-         Tôi là Xchiuarơt.
-         Tôi hiểu – Norơma suýt phì cười nhưng nín được. Rõ ràng , ông ta định nhượng cho họ một thứ gì đó.
-         Có thể vào được không ạ? – Ông Xchiuarơt hỏi.
-         Tôi rất bận – Norơma nói- Nhưng dù sao tôi cũng mang cho ông cái này.
Cô xoay người để đi vào.
-         Bà có muốn biết đấy là cái gì không?
Norơma nhìn vào ông khách. Kiểu cách của ông ta làm cho cô cảm thấy bị xúc phạm.
-         Tôi không nghĩ đến – cô đáp.
-         Vật ấy có thể sẽ rất quý giá!
-         Với ý nghĩa là tiền bạc ư? – Cô hỏi một cách châm chọc.
-         Chính thế - Ông Xchiuarớt gật đầu.
Norơma cau mày. Cuộc nói chuyện làm cô không thích.
-         Ông định nhượng cho chúng tôi cái gì? – cô hỏi.
-         Không có gì cả - ông ta đáp liền.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Nhà văn và văn hóa nói năng

  



MẤY SUY NGHĨ NHỎ VỀ NHÀ VĂN VÀ VĂN HÓA NÓI NĂNG

                                Vũ Nho

Không phải ngẫu nhiên mà văn chương là một bộ phận quan trọng làm nên văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Bởi văn chương phản ánh tâm tư tình cảm, ước mơ và khát vọng của mọi người. Nó cũng phản ánh lời ăn tiếng nói của mỗi cá nhân và mỗi thời đại. Ngày xưa, ông bà, tổ tiên ta đã coi lời ăn tiếng nói là thước đo để đánh giá phẩm hạnh con người:

                Người thanh tiếng nói cũng thanh

                Chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu

Hoặc :

                Chim khôn tiếng kêu rảnh rang

                Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe

Không ai ưa kiểu ăn nói cục cằn, thô lỗ kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”. Và tất nhiên không thể ưa lối ăn nói tục tằn, mỗi câu là một lời chửi thề, văng tục.

                Nhà văn cũng là một người bình thường như mọi người, nhưng anh ta phải khác mọi người ở ý thức về lời ăn tiếng nói của mình. Bởi nhà văn là một người tích cực sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người trong tác phẩm và trong đời sống thường ngày. Đứng về một khía cạnh nào đó mà xét, nhà văn là người của công chúng.

                Tất nhiên, trong tác phẩm của nhà văn có đủ mọi hạng người, từ vị chính khách sang trọng cho đến tên trộm cướp, từ người phụ nữ hiền thục, đoan trang cho đến cô gái đi bụi, làm ô-sin, gái gọi cao cấp hay một gái mãi dâm rẻ tiền trong  động hay đứng đường. Ngôn ngữ của mỗi nhân vật cần phải phù hợp với địa vị, tính cách, nghề nghiệp và vị trí xã hội  của họ. Vì vậy họ có thể chửi thề, văng tục, dùng ngôn từ “chợ búa” một cách tự nhiên. Nhà văn càng hiểu biết ngôn ngữ, kể cả tiếng lóng nghề nghiệp của nhân vật thì sự miêu tả càng sinh động, hấp dẫn.

                Trong phạm vi mấy ý kiến nhỏ này, tôi chỉ đề cập đến ngôn ngữ  nói trong đời thường của các nhà văn và ngôn ngữ  viết khi có điều cần  thảo luận, tranh cãi với  đồng nghiệp hay bạn đọc.

                Về ngôn ngữ đời thường, không ít các nhà văn ăn nói nhẹ nhàng, cẩn trọng và hầu như không  phô phang văn chương và khác hẳn với ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm. Nghĩa là bạn không thể nào nhận ra họ là nhà văn, bởi họ khiêm tốn và nói năng bình dị như bất kì một công dân nào. Và có khi bạn còn thấy họ quá khiêm nhường, giản dị. Theo tôi đấy là sự khiêm nhường, giản dị của một người có văn hóa cao. Họ biết rằng tiếng nói của nhà văn chính là giá trị các tác phẩm mà họ sáng tạo để phục vụ bạn đọc. Và họ không cần phải thu hút sự chú ý của mọi người trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày. Nhưng có một số ít nhà văn, kể cả nhà văn trẻ, hình như muốn tạo ấn tượng với mọi người rằng tôi là nhà văn đây. Và là nhà văn, một nghệ sĩ ngôn từ thì tôi có “quyền” ăn nói thoải mái, phóng túng. Bởi vậy mà họ nói tục “tự nhiên như ruồi”. Họ gọi đồng nghiệp là thằng, là con, con mụ ấy... một cách thoải mái. Họ oang oang, lớn tiếng bình luận “ văn thằng ấy chẳng có đ...gì, nhạt như nước ốc” hoặc tất cả những gì liên quan đến bộ phận sinh dục, chất thải bài tiết...đều được tuôn ra một cách mạnh mẽ nhất, tự nhiên nhất. Hình như những người nói cảm thấy như thế mới đích đáng, như thế mới đã, như thế mới xứng đáng với ngôn ngữ của nhà văn bàn về văn chương. Tôi còn nhớ một lần trên mạng đọc bài tường thuật về trao đổi xung quanh cuốn sách sex nào đó, người viết đã “gỡ băng  ghi âm” những ý kiến của một số nhà văn...Có thể một vài người khi đó có tí men cay của rượu bia kích thích, nhưng quả tình nói năng như thế trong một buổi họp mặt trước đông đảo công chúng thì...thật khó chấp nhận. Những ý kiến bình luận của người đọc ở dưới bài viết đó cho thấy công chúng phản ứng mạnh mẽ kiểu nói năng xô bồ, thiếu hàm lượng văn hóa và lịch sự của những người làm văn chương vốn mặc nhiên được xã hội thừa nhận là “tao nhân mặc khách”.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Một tâm hồn trong sáng, một khí tiết thanh cao


                                                                           Vũ Nho, chủ trang

CON CÒ
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lúc cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con

Lời bình của Vũ Nho
MỘT TÂM HỒN TRONG SÁNG,
MỘT KHÍ TIẾT THANH CAO

 Hình ảnh con cò hầu như thấp thoáng trên hầu hết những trang ca dao cũ. Tất nhiên có những con cò như một loại chim thuần túy gắn với ruộng đồng, với công việc nhà nông:
-         Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng Phủ bay ra cánh đồng
-         Một đàn cò trắng bay tung
Đôi bên nam nữ ta cùng hát lên
Nhưng phần lớn những con cò là hình ảnh ẩn dụ thể hiện cuộc đời, thân phận, số kiếp của những người nông dân lận đận, long đong. Chúng ta gặp “ Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”; một con cò “ đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”; một “ con cò chết rũ trên cây…”. Cũng có khi con cò không khổ sở, vất vả nhưng nó mang những thói hư như đánh vợ, ăn quà. Đó là con cò quăm:
          Con cò là con cò quăm
          Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai
Đó là con cò kì
          Đêm nằm thì ngáy o o
          Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
 Hầu như không có con cò chức sắc, quyền thế, cũng chưa thấy con cò như là kẻ thông minh, giàu trí tuệ hoặc một con cò lưu manh, trộm cắp.
          Vì vậy, khi xem xét bài ca dao này, trước hết ta cần nhìn hình tượng con cò với những đặc điểm có tính chất hằng số của con cò trong ca dao. Đồng thời ta cũng không thể không phân tích con cò cụ thể - con cò này- trong sáu câu ca dao được dẫn.
          Loài cò quả là không kiếm ăn ban đêm, nhưng con cò này “ăn đêm”. Chắc nó phải đói lắm, túng lắm nên mới trái quy luật như thế. Nếu ta hiểu con cò như là một hình tượng ẩn dụ về người nông dân thì cũng đừng nên bám chặt vào từ “ăn đêm” để mà nghĩ về chuyện “ăn sương”, nghĩ đến chuyện “đói ăn vụng, túng làm liều”. Tất nhiên, trong cuộc đời cũng có người vì túng đói mà làm bậy, rồi sau đó mới ân hận, mới tiếc nuối, xót xa. Nhưng chuyện “ăn đêm” rồi đậu nhầm, rồi ngã xuống ao không hề có dấu hiệu là cò “xé rào”, cò làm chuyện phi pháp. Đây chỉ như là một tai nạn bất thường đối với con cò. Nhưng tai nạn đó lại đưa cò vào một tình thế éo le : ngã ở ao nhà người ta, trong hoàn cảnh đêm tối. Đêm, xét về phương diện hoàn cảnh của cò thì là lúc nghỉ ngơi sau một ngày lao động, nhưng cò vẫn không được nghỉ, vẫn phải đi kiếm ăn. Do đêm tối nó không nhìn rõ, đậu nhầm phải cành mềm và rơi vào ao nhà người khác. Xét đêm ở một phương diện khác thì đêm tối, ao nhà ( chắc là có tôm, có tép, có cá và các thứ có thể ăn được) dễ khiến người ta sinh nghi. Bởi lẽ đó cho nên ngay sau khi kêu cứu, cò đã phải thề thốt. Mà đó là  một lời thề độc, đem tính mạng ra để đảm bảo cho lời thề. Vâng,  con cò  này, hoặc người anh em của nó đã từng bị nghi ngờ, đã từng phải thanh minh: