Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

TIN THẮNG TRẬN (BÁO TIỆP) CỦA HỒ CHÍ MINH - ĐỘC ĐÁO HOÀN CẢNH THÀNH THƠ



 

TIN THẮNG TRẬN (BÁO TIỆP) CỦA HỒ CHÍ MINH - ĐỘC ĐÁO HOÀN CẢNH THÀNH THƠ


                                                        Vũ Nho

Đã có nhiều bài viết về bài Báo tiệp (Tin thắng trận) này của Bác, nhưng chưa chú ý đầy đủ đến hoàn cảnh thành thơ của bài, vì thế mà chưa thấy hết cái hay và sự độc đáo của bài thơ.
                   Nguyên văn chữ Hán
                             Báo tiệp
          Nguyệt thôi song vấn thi thành vị
          Quân vụ nhưng mang vị tố thi
          Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng
          Chính thị liên khu báo tiệp thì
                   Dịch nghĩa
                             Tin thắng trận
          Trăng đẩy cửa hỏi thơ xong chưa
          Việc quân bận rộn chưa làm thơ
          Tiếng chuông lầu núi làm kinh động giấc mộng thu
          Chính là lúc tin thắng trận liên khu báo về
                   Dịch thơ ( bản dịch của Huy Cận)
                             Tin thắng trận
          Trăng vào cửa sổ đòi thơ
          Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
          Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
          Âý tin thắng trận Liên khu báo về
         
          Bài thơ có hai phần. Hai câu đầu là cuộc trò chuyện của nhà thơ với vầng trăng về việc làm thơ. Hai câu sau ghi lại việc tỉnh giấc mơ thu, đúng lúc tin thắng trận báo về từ Liên khu. Vấn đề đặt ra là Bác nói chuyện với trăng, rồi sau người đi ngủ và giật mình tỉnh dậy hay là Bác đang mơ chuyện trò với trăng rồi giật mình tỉnh dậy? Giải quyết điều này thỏa đáng, sẽ thấy được nét thú vị của hoàn cảnh thành thơ.
          Chúng tôi không cho rằng cuộc trò chuyện với trăng là cuộc trò chuyện được Bác tưởng tượng ra  do Người với trăng vốn là bạn tâm giao. Giống như là Bác đã  từng hình dung “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” thuở Người bị tù đầy. Cuộc trò chuyện này cần được hiểu là cuộc trò chuyện trong mơ. Và như thế, xem xét, bình giá bài thơ phải chú ý đến đặc điểm đầu tiên: bài thơ này được khởi làm từ trong mộng.
          Sau một ngày lo lắng việc quân Bác chợp ngủ và mơ thấy trăng đẩy cửa vào đòi thơ. Nguyên văn là trăng đẩy cửa hỏi thơ đã làm xong chưa. Với tư cách là một người bạn thân quen, Bác đã không khách khí, không rào đón, mà trả lời rất thật : Bận rộn việc quân chưa làm thơ được. Cần lưu ý câu trả lời này ở chỗ không phải là không có thơ, cũng không hẹn là hôm sau sẽ làm.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Chùm thơ thế sự của Vũ Xuân Quản



 


Chùm thơ thế sự của Vũ Xuân Quản

CẢNH VẬT
Tôm chà đội cứt trên đầu
Sống trong bể cảnh lên lầu rong chơi…
Đom đóm đảo cả luật đời
Chiếu sáng bằng đít coi trời bằng vung


Xem chừng kém mấy thằng khùng
Tà tâm mà vẫn tửng tưng  làm người?

Hà Nội, 24/2/13

THẾ THÔI

Tưởng nhớ cụ NGÔ THÌ NHẬM!

Thôi thế thì thôi, thôi… thế  thôi
Thế thôi, thời thế, thiếu thế thời
Thế thời thiếu thế, thôi thế thế
Thôi thế, thế thời, thế thế thôi…


Hà Nội, 24/2/13.

CHỢT CẢM

Tóc mình ngứa ngáy đa đoan
Nhiều sợi thấm mệt đã toan ngả mầu
Đưa tay vuốt nhẹ mái đầu
Tóc đen rụng xuống…từ đâu thế này?

Hà nội, 24/2/13.


Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

CUỘC ĐỜI THĂM THẲM



Vũ Quần Phương


CUỘC ĐỜI THĂM THẲM

Tập thơ “ Giấy mênh mông trắng” của Vũ Quần Phương, NXB Văn học, Hà Nội, 2003
                                        
Xuân Diệu ví người sáng tạo nghệ thuật như người đầu bếp chế biến món ăn. Vũ Quần Phương và nhiều nhà thơ khác lại muốn so sánh công việc làm thơ với việc của người gieo trồng. Người gieo trồng cần mẫn, miệt mài trên cánh đồng với lúa khoai, với mùa vụ. Còn nhà thơ thì cày bừa và gieo hạt trên cánh đồng giấy trắng, lam lũ vất vả và vui sướng với thơ ca. Mới hôm nào vừa gặt vụ thơ “ Quên chữ, quên câu”, Vũ Quần Phương đã lại có vụ thơ “ Giấy mênh mông trắng”.
“ Giấy mênh mông trắng” là ấn tượng của người viết khi sức bút đã giảm sút cùng với sức trẻ, sức khoẻ rồi chăng? Không hẳn là như thế. Dù có ở tuổi “áo chan chan nắng, môi ngà ngà say” (lời thơ Vũ Quần Phương) thì người ta vẫn cảm thấy “giấy mênh mông trắng” bởi vì đó là cảm giác của người sáng tạo trước sự gần gũi, sự xa xôi của trang giấy, trang viết, trang đời. Bởi cuộc đời thăm thẳm, sự sáng tạo là vô tận vô cùng mà cữ người không lớn lắm nên
Giấy mỏng từng tờ
Đi suốt cuộc đời vẫn mênh mông trắng

Trang giấy như gương soi mình xa lạ
Trang giấy như nhà mà ta lang thang
                             Giấy mênh mông trắng
Cũng không phải ám ảnh “bây giờ tóc bạc” đã làm cho Vũ Quần Phương cảm thấy rợn ngợp hay thiếu tự tin. Quả thật chưa quá tam nhưng đã có đến ba bận mái tóc bạc rủ xuống câu thơ anh một cách bất ngờ, tự nhiên như một vết thời gian, như một chứng tích về tuổi tác - từ bạc, đến bạc phơ rồi thành bạc xoá:
Bây giờ tóc bạc nhìn xa tít
                             Mây trắng
Liễu xanh soi tóc bên cầu
Liễu xanh vẫn thế. Ta đầu bạc phơ
                 Về thăm lớp cũ
Ngày áp tết con về bên mẹ
Tóc con giờ bạc xoá
                 Viếng mộ ngày áp tết
Nhưng Vũ Quần Phương càng có thêm thời gian trải nghiệm thì lại càng bình tĩnh, thâm trầm. Và vì thế mà càng không nguôi đằm thắm. Yêu cái cõi người thẳm sâu là một mạch nguồn dào dạt của thơ anh. Cái niềm yêu ấy là năng lượng cảm xúc, là niềm thôi thúc, là nguồn đam mê tìm tòi sáng tạo của anh. Nó giữ cho anh cảm giác mới mẻ, trân trọng, yêu quý cuộc đời vốn bình thường và quá ư quen thuộc. Như là cảm giác trước cánh đồng lúc tinh mơ:

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Sau mưa thôi nã đạn





ẤN TƯỢNG CUỐN SÁCH     Sau mưa thôi nã đạn của Bruce Weigl
 Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn và chuyển ngữ, Nhà xuất bản Trẻ, 2010


                                                                    Vũ Nho

Đọc hết cuốn sách có tựa đề rất gợi này, mới có thể hiểu vì sao tác giả và người dịch lại ghép chung phần thơ với phần hồi kí. Có thể nói thơ cho chúng ta thấy tâm trạng và cảm xúc của Bruce Weigl, một người lính, một cựu chiến binh, một tâm hồn thi sĩ của nước Mĩ. Hồi kí là phần bổ sung, là tấm gương soi chiếu những chỗ mà thơ, với đặc điểm riêng của mình có thể lướt qua, hoặc có thể không tới được. Thơ và văn xuôi nâng đỡ nhau, hòa quyện với nhau, bổ sung lẫn nhau, soi sáng cho nhau. Có thể nói đây là một sự kết hợp rất thành công. Nhà thơ và nhà văn xuôi hé mở cho bạn đọc Việt Nam thấy tình cảm và tấm lòng của một người Mỹ, một người từng là kẻ thù đang muốn và đã trở thành một người bạn Việt Nam.
          Tập thơ mở đầu với bài thơ Bài hát bom Na pan. Đấy là ấn tượng mạnh mẽ và kinh hoàng của tác giả về cô bé bị cháy bom Na pan. Cô bé chạy từ ngôi làng bị đốt của mình. Để thêm hiểu bài thơ này, nhất thiết cần phải đọc hồi kí Nóng quá trong phần hai của cuốn sách mà tác giả dành cho Phan Thị Kim Phúc.  Bruce Weigl viết : “ Đối với tôi, đôi tay của cô luôn trông như đôi cánh, cố gắng đập để giải thoát cô ra khỏi ngôi làng đang cháy, khỏi chính thân thể  của cô”. Còn trong thơ anh  diễn tả:
          Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn
          Cả bây giờ cả khi nhắm mắt
          Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng
          Bom na pan dính chặt cô vào máu
          Đôi bàn tay với ra phía trước
          Nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt
                                      Bài hát bom Na pan
Ấn tượng đó ám ảnh người lính-nhà thơ dai dẳng đến nỗi anh trở về quê hương, cùng vợ đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài, vẫn nghe thấy tiếng “súng cối nã đạn”, vẫn bị ám ảnh bởi cô bé cháy bom :
          Cô bé bị đốt cháy sau võng mạc của anh
          Không gì có thể thay đổi được điều đó
          ...
          Không điều gì có thể chối bỏ được sự thật đó.

Không thể chối bỏ một sự thật là những người lính Mĩ càng  bước sâu vào cuộc chiến đã “càng nhận thấy có điều gì sai trái, rằng chúng tôi không có vai trò gì chính đáng ở Việt Nam” ( Trở về ngôi nhà Việt). Bruce Weigl là người lính nhạy cảm ấy đã sớm  hiểu rằng:
          Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta
          chống lại những đứa trẻ đã biết rõ chúng ta
          trước khi chúng bị nổ tan thành bụi
                                      Cửa ngõ

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

VIỆT NAM MỘT TÌNH YÊU LỚN






 

VIỆT NAM MỘT TÌNH YÊU LỚN
Đọc Khúc hát thành Cổ Loa của Ke-vin Bô-oen, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011

                             Vũ Nho

Các nhà thơ nổi tiếng nước ngoài khi đến Việt Nam thường có thể rất xúc động và viết được một hoặc vài bài thơ  về xứ sở lạ kì. Nhưng viết cả một tập thơ về Việt Nam thì  có lẽ thật hiếm hoi. Kê vin Bô- oen là một trong số những người hiếm hoi đó. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có lí khi gọi  tình cảm của Kê vin Bô oen với Việt Nam là  “một tình yêu nhẫn nại”. Chỉ có tình yêu lớn, tình yêu mạnh mẽ mới có phẩm chất nhẫn nại đó.
Tôi muốn bắt đầu với bài thơ Chơi bóng rổ với Việt Cộng . Kê vin đến Việt Nam không phải để làm thơ, mà đến trong tư cách một người lính trong đội quân xâm lược.
          Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
          Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Người lính ấy coi Việt Nam là kẻ thù. Và tất nhiên chúng ta cũng coi anh là kẻ thù. Nhưng anh đã sớm nhận ra sự sai lầm. Anh đã nhận ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến. Anh đã yêu mến, khâm phục, trân trọng những “kẻ thù” của mình. Và những kẻ thù đó đã đến ở dưới mái nhà anh, cùng anh chơi bóng rổ, môn thể thao mà người Mĩ các anh yêu thích. Những tình cảm  thân thiện trìu mến, anh dành cho người ở chiến tuyến bên kia:
          Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
          Ông nâng chân trái lên
          Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
          Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
          Một , hai, ba,…rồi mười lần trúng đích
Và nụ cười của người chơi bóng được nhà thơ cảm nhận : “Đó là món quà để con người hạ súng”.
          Kê vin đã hạ súng, và đã làm rất nhiều vì  sự hòa giải của hai quốc gia, hai đất nước. Và anh đã trở thành nhà thơ, sứ giả của hòa bình, thân thiện.

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

NGHỆ THUẬT BÁN SÁCH



                                     


 NGHỆ THUẬT BÁN SÁCH

                                                                                                  Lưu Quế Tiên
                                                                                             Vũ Công Hoan dịch

          Trải qua hơn hai năm khổ chiến, cuối cùng cuốn tiểu thuyết tự truyện của Kiều Sở đã ra mắt bạn đọc. Từ sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời,Kiều Sở chưa bao giờ hết buồn phiền. Bởi bỏ tiền túi ra in sách, tác giả phải nhận bao tiêu năm ngàn cuốn.Nhưng chạy vạy mấy tháng liền, Kiều Sở vẫn không bán được cuốn nào.Nhìn từng bó sách mới, Kiều Sở ngán ngẩm tự hối hận đã in sách.

          Hôm nay Kiểu Sở gặp Lý Phong bạn học phổ thông trung học. Lý Phong khoe đã lập một công ty truyền bá văn hoá ở tỉnh thành chuyên trách vạch sách lược, hoạt động kinh doanh liên quan đến văn hoá. Biết tin Kiều Sở đang buồn phiền với năm ngàn cuốn sách, Lý Phong có thể giúp vạch sách lược. Nghe Lý Phong nói, Kiều Sở hét sức ngượng ngùng khó xử, vội giải thích,
          - Có lẽ người đọc còn chưa nhận thức ra giá trị của cuốn sách, mình đã tìm nhà phê bình  văn học viết bài bình luận, tin rằng sẽ rất nhanh chóng được bạn đọc  chú ý.
          - Bạn học ơi, mình không đả kích bạn đâu, kiểu làm truyền thống của bạn đã lỗi thời bị xếp xó từ lâu rồi, mình chờ bạn đến tìm mình.

          Nói xong Lý Phong đưa cho bạn một tấm các vi dít. Lời Lý Phong khiến Kiều Sở có vẻ do dự, liền hỏi:
-         Bạn thử nói xem làm cách nào?
Lý Phong cười hì hì bảo:
          - Không thể tiết lộ thiên cơ. Hiện giờ cần phải giữ kín để có một hiệu ứng rầm rộ, giành hiệu quả tốt nhất.

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

ĐỌC TUYỂN THƠ THẤY MỘT ĐỜI NGƯỜI






ĐỌC TUYỂN THƠ THẤY MỘT ĐỜI NGƯỜI
 Đọc Tuyển thơ VÂN LONG, nxb Hội Nhà văn 2013

                                      Vũ Nho
Tôi mượn câu thơ của nhà thơ Vân Long viết  tặng nhà thơ Quang Dũng để đặt tên cho bài viết nhỏ này.
Quả thật 222 bài thơ trong tuyển cho thấy một đời người, một đời nhà thơ  có nét gì đó tương đồng với bạn của mình:
          Lang thang biển, lang thang rừng,
                                           lang thang tâm tưởng
          Tìm cái Đẹp cho cuộc đời định hướng
Vân Long không lang thang,  nhà thơ đã bám trụ với Hải Phòng mười năm, đã gắn bó với Hà Tây xứ Đoài mây trắng nhiều năm, và trở về Ngõ Tràng An của Hà Nội, nhưng tâm tưởng ông đã trải rộng tới nhiều miền của đất nước.
          Vân Long sớm có tên trên văn đàn. Và Vân Long cũng rất bền bỉ với thơ,  như câu thơ ông  khiêm tốn tự đánh giá:
                   Thơ và đời lặng lẽ…
                             Đêm chờ xét nghiệm
Tôi muốn thảo luận lại với nhà thơ chút xíu về ấn tượng của mình.
Sống những năm tháng sục sôi, quyết liệt của Hải Phòng trong  thời kì chống Mĩ, những năm tháng Hải Phòng bị hủy diệt bởi B52, Hải Phòng bị phong tỏa bằng thủy lôi,  đời và thơ Vân Long đâu có lặng lẽ. Nhà thơ đã sống cuộc sống hào hùng với  người dân thành phố - những - con –tàu, thành phố hiên ngang:
                   Phản lực Mỹ đánh Hải Phòng một ngày ba trận
                   Ngày ba lần đống xác chúng cao thêm
                                      Hải Phòng, đêm mùa thu 1967
Ở đây, nhà thơ đã sát cánh với những người thợ : cô gái Thảm Len, bác lái xe goòng, bác thợ điện, người thợ lò, người thủy thủ già,  những người công nhân “ phơi phới áo xanh”.
                   Cơn địa chấn chuyển rung thành phố
                   Chúng tôi đứng nguyên vị trí của mình
                   Chạy máy, làm thơ…
                             Kỉ niệm Đỏ
Và tiếng thơ của ông đã  ngân vang trong dàn đồng ca thơ chống Mĩ ca ngợi Hải Phòng. Những câu thơ sẽ còn mãi trong trí nhớ về vẻ đẹp những người dân thành phố cảng:
                   Những mặt người hồng hào nắng gió
                   Những mắt người sao sáng long lanh
                             Người thủy thủ trở về

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

TRẦN TRUNG-CHÙM LỤC BÁT XUÂN

 


TRẦN TRUNG-CHÙM LỤC BÁT XUÂN

1/LA THAY
Say cho con gió đa Tình
Đã ve vuốt lại chợt Xanh-Nhân-Tình.
Lạ thay Cái Tỉnh-Tình-Tinh
Phải đâu duyên kiếp cho Mình sang Ta !?

2/ÂM-DƯƠNG
Quí Tỵ- Xuân Rắn khang cường
Mềm mai uốn lượn dễ thường Nữ nhi
Âm-Dương lành khúc Xuân thì
Giời Xanh chứng giám mỗi khi xum vầy.

3/XUÂN TÌNH
Nước Nam Ta tự ngàn xưa
Mài gươm dưới nguyệt...
Thành Thơ cho Đời.
Dẫu phong ba-Chẳng tả tơi
Đào-Mai khoe sắc
Mà chơi Xuân-Tình.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

NGUYỄN HOÀNG SƠN VÀ NHỮNG CÁI CHAI…THƠ




                                                                              Nguyễn Hoàng Sơn

NGUYỄN HOÀNG SƠN VÀ NHỮNG CÁI CHAI…THƠ

          Đọc Đợi mắt nhìn mới nở, tập thơ của Nguyễn Hoàng Sơn, nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010.

                                                Vũ Nho

Tập thơ người lớn đầu tiên của Nguyễn Hoàng Sơn, một tác giả viết cho thiếu nhi nhiều thành tựu là một tập thơ dày dặn với tổng số 118 bài. Tác giả chia thành ba phần với tên gọi Mùa xuân khó khăn, Ba tiếngTele Café. Mùa xuân khó khăn có nội dung thơ thế sự, đời thường; Ba tiếng gồm những bài thơ tình và phần còn lại đúng như cái tên “tây” của nó, là những bài thơ viết nhân các chuyến đi nước ngoài. Nhìn chung thì sự phân chia nào cũng có tính tương đối mà thôi. Ví như thơ ở phần  thứ ba, vẫn có thể chia hai để đưa gọn vào hai phần trước.
Ấn tượng trước hết là sự nhận thức đúng đắn về thơ ca và về vai trò của người viết. Tôi thích sự điềm tĩnh và tỉnh táo khi anh viết về thơ mình, về công việc của mình và của những người bạn viết:
Nhưng dù thế nào thì mỗi bài thơ
Cũng là một cái chai ta thả vào năm tháng
Cái biển lớn cuộc đời dẫu chẳng bao giờ cạn
Và không phải cái chai nào con cháu cũng vớt lên!
Nhưng tôi tin: dù nổi, dù chìm
Những cái chai thơ
Cũng nói được một điều đáng nói
                             Những cái chai
Các bài trong phần Mùa xuân khó khăn đều được ghi rõ thời điểm sáng tác ở bên dưới. Bắt đầu là bài Đi trong đêm thị xã với năm 1973, kết thúc bằng bài Đồng nghiệp với ngày tháng năm cụ thể 30/6/2005. Các bài trong phần Ba tiếng không ghi thời gian. Các bài ở phần thứ ba viết trong chuyến đi Đức, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc với thời hạn cuối là 4/10/2005. Như vậy có thể nói từ 1973 đến 2005, hơn ba mươi năm  nối nhau, có năm viết nhiều, năm viết ít, có năm không viết bài nào, nhưng Nguyễn Hoàng Sơn  đã cần mẫn, kiên trì thả vào biển văn chương, biển lớn cuộc đời những cái chai thơ…

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

HÀNH TRÌNH CỦA MỘT KIỂU XƯNG HÔ






HÀNH TRÌNH CỦA MỘT KIỂU XƯNG HÔ
                                           Vũ Nho

Thơ Trần Đăng Khoa làm cho người ta ngạc nhiên, khoái trá vì cách quan sát tinh tế, cách nhìn nhận sự vật hồn nhiên, cách liên tưởng rất riêng cùng với cách nói lên những gì nghĩ ra, cảm được và trông thấy. Một phần làm nên cái gọi là giọng điệu thể hiện trong cách xưng hô. Chính xác hơn là trong một kiểu xưng hô. Giữa ban ngày, giá có thắp đuốc lên để tìm kiếm, hẳn là khó có thể tìm ra mấy chữ “mày, tao” rất dân dã, đời thường trong các trang văn học viết Việt Nam. Nghịch ngược như Hồ Xuân Hương kia, một người được mệnh danh “bà chúa thơ Nôm” cũng chỉ xưng “chị”, xưng “đây”. Bản lĩnh, ngông nghênh như Tú Xương nọ, cũng chỉ đôi ba lần xưng “tớ” (Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn - Chẳng sang Tàu tớ cũng tếch sang Tây). Phải nói cho sòng phẳng rằng chữ “mày” chữ “tao” ấy đã được dùng thoải mái trong lĩnh vực thơ ca dân gian, nhưng gần như là một thứ cấm kị trong thơ ca bác học(1) . Bởi thế mà kiểu xưng hô “mày, tao” của Trần Đăng Khoa vừa có cái tươi tắn hồn nhiên, lại vừa như bổ sung thêm một kiểu xưng hô suồng sã, dân dã, đời thường làm cho thơ ca thêm được phần giàu có. Một điều lí thú là người ta quen nghe “lời hay ý đẹp” thành ra không muốn nghe những lời “thô” ở trong thơ. Chú bé Khoa viết:
Trăng bay như quả bóng
Đứa nào đá lên trời.
Chữ “Đứa nào” hồn nhiên, trẻ con kia đã được người biên tập sửa lại thành “bạn nào” cho hợp với cách nói năng của thiếu niên ngày ấy. Thế nhưng “mày, tao” thì sao? Chả lẽ “mày, tao” lại không thô hơn so với “đứa nào”? Dứt khoát là phải sửa. Nhưng đứa nào chỉ chữa tí tẹo là thành bạn nào. Còn “mày tao” thì chữa thành kiểu xưng hô nào cho tương đương? Làm sao có thể thay 6 chữ “tao” và 4 chữ “mày” ở bài “Đánh thức trầu” mà không làm hỏng mất cái hồn của bài thơ, chí ít là không hỏng mất sự tiếp nối với mạch câu hát dân gian của bà bé Khoa? Giả sử ông tác giả trẻ con ấy chỉ xưng hô “mày tao” duy nhất ở bài thơ trên thì kì khu bỏ công bỏ của ra cố mà chữa cũng đáng. Nhưng ở một bài thơ đáng xếp vào kiệt tác khác, bài “Sao không về Vàng ơi” Trần Đăng Khoa đã 11 lần xưng “tao” và 15 lần gọi “mày”. Rồi trong những bài thơ khác nữa: “Đánh tam cúc”, “Nói với con gà mái”, “Câu cá”, “Nhớ bạn”, thì sửa thế nào? Phải chăng vì tần số “mày, tao” quá nhiều? Phải chăng vì không thể thay thế được? Nên đành cứ để cho Khoa gọi hàng ngày ra sao thì viết vào thơ như thế?

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Khúc hát cho những trái tim


 


Khúc hát cho những trái tim
      Lời giới thiệu tập thơ Khúc hát buổi tối
Vũ Nho
Đánh giá một nhà thơ có lẽ không phải chỉ là những gì đã viết, đã in của tác giả, mà còn phải chú ý đến hiệu quả thẩm mĩ đối với độc giả - nghĩa là những câu thơ hay, những khổ thơ hay, những bài thơ hay và cả những tập thơ hay nữa. Dù xét thế nào thì Lê Thị Mây vẫn là một nhà thơ nữ nổi trội nhất sau hai nữ sĩ lớp trước là Xuân Quỳnh và Phan Thị Thanh Nhàn. Về số lượng tập thơ, chị có: Những mùa trăng mong chờ, Dịu dàng, Tặng riêng một người, Một mình, Giấc mơ thiếu phụ, Tuổi mười ba, Du ca cây lựu tình, và tập thơ bạn đang có trên tay: Khúc hát buổi tối. Về chất lượng, Tặng riêng một người được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Những bài thơ nổi tiếng như Đám cỏ xanh, Gió quả phụ, Những mùa trăng mong chờ. Giấc mơ thiếu phụ , Nỗi buồn... Nếu anh Tô Hà còn đến bây giờ những câu thơ trong trí nhớ chắc là anh sẽ chọn của Lê Thi Mây không ít.
Nhưng chúng ta đang có trong tay Khúc hát buổi tối một tập thơ hầu như toàn là thơ tình của Lê Thị Mây. Đây không phải là một tập tuyển chọn những bài thơ tình của tác giả. Trước đó chị đã có bao nhiêu là thơ tình rồi. Song với chị thì càng làm thơ tình thì chị càng khát tình yêu  Em dốc cạn... Và uống. Cũng không sao hết khát một mình (Bí mật mùa xuân- trong tập thơ Tặng riêng một người). Nhà thơ có lẽ cảm nhận trước được ý bạn chăng, nên đã giãi bày:
    Không ai như tôi yêu nhiều đến thế
      Tuổi tình yêu dài trọn cuộc đời tôi
                             Bi khúc
Có lẽ nào ta nỡ trách người phụ nữ yêu nhiều, nhất là người phụ nữ đó chỉ có những phút giây yêu ngắn ngủi trong khoảnh khắc chiến tranh:
               Anh khoác ba lô về
               Đất trời dồn chật lại
               Em tái nhợt niềm vui
               Như trăng mọc ban ngày
(Những mùa trăng mong chờ trong tập Giấc mơ thiếu phụ)
Còn tất cả là sự vò võ khắc khoải đợi chờ, tất cả chỉ là những giấc mơ lang thang, trôi giữa rạng ngày xanh tái, ơi giấc mơ - bị cắt hết máu (Giấc mơ thiếu phụ). Hơn thế nữa, trong tình yêu của Lê Thị Mây, chị đã yêu bằng cả tình yêu của Những cô gái ngủ trong rừng trẻ lắm... Họ ngủ say đất ấm che lên mặt (Những bài ca trong tập Du ca cây lựu tình). Chị đã yêu bằng cả tình yêu của Những người đàn bà chết bom trong thành phố... người đàn bà góa bụa nuôi con sau chiến tranh đã qua được mười năm (Gió quả phụ trong tập Tặng riêng một người).
Có phải từ những bài thơ có nhiều tên gọi là khúc hát, bài hát tấu khúc... mà tên chung của tập thơ là khúc hát buổi tối chăng. Nhưng rõ ràng đây là những  bài ca buồn những bi khúc, bi ca nên hát cho buổi tối là rất hợp (Dành cho ca bình minh là thơ tình của người nào khác). Đây đó có lóe lên những cảnh sắc tươi tắn , trong trẻo:
    Ngày hôm nay trong trẻo đến nhường kia
    Nắng vàng khoác tấm áo choàng thiếu nữ
    Chân trời nghiêng làn mây trắng quàng vai

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

TRONG NHÀ HÁT



  


Vita Ipchenko
( 8 tuổi, thành phố Ki ev) Vũ Nho dịch từ tiếng Nga

TRONG NHÀ HÁT
Bão tuyết quay cuồng
Cả nhà hát thở dài buồn bã
Trên sân khấu, Di đen nức nở
Và…tắt thở.
Em ngồi xem trong lô ghế tầng ba
Ở ngay sát mái nhà
Em đưa ống nhòm nhìn Di đen
Di đen nằm và…còn thở
Vậy là mẹ bị nhầm
Mẹ buồn vô cớ
Em nhìn rõ Di đen còn thở
Vẫn sống. Và tất cả thật tuyệt vời!

BÀI CA BUỒN
Chị gái ơi, chị đừng rời mẹ và em
Chị đừng đi lấy chồng chị nhé!
Khi những anh muốn làm chàng rể
Đến nhà ta, em viết thơ buồn
Họ đem hoa tặng chị đầu tiên
Để  sau rồi bắt chị ngồi rửa bát
Rửa bát, chị chẳng bao giờ thích
Nghĩa là chị cứ ở nhà với mẹ và em.

Bài đăng trên VĂN NGHỆ THIẾU NHI số 6/1990