Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2014!




Chúc mừng năm mới!
Chúc các bạn đọc trang vunhonb nhiều niềm vui, may mắn và HẠNH PHÚC!
Chủ trang vunhonb.blogspot.com

Hội thảo thơ Văn Cao và ra mắt CLB Văn chương

 » Tin tức

Gửi thư    Bản in

Hội thảo thơ Văn Cao và ra mắt CLB Văn chương

Tin, ảnh: Phong Lan - 30-12-2013 03:25:33 PM
VanVN.Net – Sáng 30/12/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra buổi hội thảo thơ Văn Cao và ra mắt Câu lạc bộ Văn chương.
Đến tham dự hội thảo thơ Văn Cao có nhà văn Vũ Tú Nam – nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN – người cùng thế hệ với nhà thơ Văn Cao; các Ủy viên BCH khóa VIII cùng các nhà văn, nhà thơ hiện đang sống tại Hà Nội; đại diện gia đình nhà thơ và nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến thơ, nhạc, họa Văn Cao. Cũng trong hội thảo này, ban chủ nhiệm CLB Văn chương đã có lễ ra mắt, giới thiệu vai trò, mục đích hoạt động của CLB.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN phát biểu khai mạc, ông có những đánh giá cao về nhà thơ Văn Cao, một nghệ sỹ tiên phong trong các lĩnh vực: nghệ thuật (thơ ca, âm nhạc và hội họa), đời sống và những đóng góp cho sự  nghiệp cách mạng. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn học, nghệ thuật, năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Nam Định.
Nhà thơ Hữu Thỉnh có lời chúc mừng CLB Văn chương nhân dịp ra mắt, theo ông, sự trở lại của CLB Văn chương là điều cần thiết trong đời sống sáng tác hiện nay; ông hy vọng CLB sẽ là nơi sinh hoạt lành mạnh của những người yêu văn chương, nơi cung cấp những thông tin trực tiếp, chính xác và đúng đắn về tình hình thời sự, chính trị, xã hội, kinh tế… cho những người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật.
Từ trái sang: nhà thơ Đỗ Hàn, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình Vũ Nho
Nhà thơ Đỗ Hàn – Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam đọc quyết định thành lập CLB Văn chương và những quy chế hoạt động. Theo đó, ban chủ nhiệm CLB Văn chương gồm các nhà văn, nhà thơ: Vũ Quần Phương, Vũ Nho, Đỗ Hàn, Hoàng Minh Tường.
Nhà thơ Vũ Quần Phương
Phần chính của buổi hội thảo thơ Văn Cao được các diễn giả tham gia sôi nổi với những bài viết, tham luận, những ý kiến nhận định về cuộc đời và sự nghiệp văn học nghệ thuật của nghệ sỹ Văn Cao. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài phát biểu đề dẫn “Đóng góp của Văn Cao vào thơ đương đại” đã đánh giá: Văn Cao là một nghệ sỹ đa tài. Trước cách mạng, ở tuổi hai mươi, ông đã là một nhạc sỹ nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình đầy ý vị lãng mạn thanh khiết, sang trọng kỳ ảo, cả trong giai điệu lẫn lời ca (Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa…). Ông cũng là tác giả nhiều ca khúc cách mạng, tràn đầy lý tưởng và ý chí chiến đấu từ những ngày tiền khởi nghĩa, trong đó có Tiến quân ca, được chọn làm quốc ca khi cách mạng thành công. Với thơ, Văn Cao có một cách đi riêng so với các nhà thơ đồng hành. Ở giai đoạn đầu, ông chịu ảnh hưởng của Thơ Mới nhưng đến những năm 60, 70 (thế kỷ XX), thơ Văn Cao chìm trong suy nghĩ nội tâm, có tính chiêm nghiệm cuộc đời, chất thơ mang tính triết lý. Giai đoạn sau, thơ Văn Cao ngày càng giản dị trong cách nói và sâu sắc trong việc đời… Những bài thơ Văn Cao gần như những lời độc thoại. Tác giả nói về đời mình với chính mình. Nói với mình nên chẳng cần dài, chỉ cần ấn tượng. Nhờ ấn tượng mà nhớ được, không phải nhớ do vần nên chẳng cần vần. Không vần dễ hơn có vần. Nhưng cái khó, rất khó, ấy là tạo ấn tượng cho những câu thơ…  
Nhà văn Vũ Tú Nam
Các ý kiến tiếp theo của các nhà thơ, nhà phê bình: Vân Long, Trần Ninh Hồ, Vũ Nho đều thống nhất ở nhận định: Thơ Văn Cao xuất bản không nhiều nhưng có kích thước đặc biệt, những bài thơ vắt qua nhiều giai đoạn với nhiều chuyển động: giai đoạn đầu ông chịu ảnh hưởng Thơ Mới, giai đoạn sau đã xuất hiện tư tưởng mới và ở giai đoạn cuối lại có thêm nhiều yếu tố mới. Nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ về những kỷ niệm về người bạn đồng hương Văn Cao (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) với những giai thoại thú vị trong đời thường giữa lòng người dân quê như: Văn Cao là một…ông thợ đóng cối rất giỏi, Văn Cao là tay thiện xạ bắn súng bách phát bách trúng… Nhiều nhà thơ, nhà văn đã từng được Văn Cao vẽ bìa tập sách đầu tiên vẫn không quên được từng chi tiết về màu sắc, đường nét được thể hiện tinh tế và gợi cảm.
Nhà thơ, họa sỹ Văn Thao
Kết thúc buổi hội thảo, nhà thơ, họa sỹ Văn Thao (con trai trưởng của nhà thơ Văn Cao) thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc nhiều thế hệ đã dành tình cảm đối với các tác phẩm của nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ Văn Cao.  
Toàn cành hội thảo thơ Văn Cao

 Chép từ trang vanvn.net của Hội nhà văn Việt Nam



Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Văn Cao - một lối thơ riêng

                                                                               Vũ Nho chủ trang

VĂN CAO – MỘT LỐI THƠ RIÊNG
                             
                                               Vũ Nho

Chúng ta đều biết Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Trong tư cách nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn đã coi ông “sang trọng như một ông hoàng” * với những ca khúc trữ tình như Thiên thai, Suối mơ, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên,… những ca khúc hùng tráng như Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Tiến về Hà Nội,… và bản nhạc lớn Trường ca sông Lô.  Trong tư cách họa sĩ, Văn Cao đã vẽ tranh, minh họa báo và làm bìa sách. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Thái Bá Vân khẳng định “cái nhìn hội họa” của Văn Cao “có địa vị dẫn đường và chi phối” , “ Có thể nói Văn Cao đã lập được trường phái minh họa và bìa sách”. Trong tư cách nhà thơ, Văn Cao có 64 bài thơ trong tập “Văn Cao tác phẩm thơ”. Nhiều người đã đánh giá rất cao thơ ông. Thái Bá Vân cho rằng “ Có nhiều người sành, nhận xét rằng trong ba thứ đó ( thơ, nhạc, họa-VN), thơ Văn Cao là hay nhất”. Chúng tôi không muốn so sánh nhạc với thơ, nhưng chắc chắn thơ Văn Cao là một lối thơ riêng. Nhận xét của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về thơ Văn Cao là xác đáng : “ Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên”.
          Đọc bài viết “ Mấy ý nghĩ về thơ” do Văn Cao viết năm 1957, thấy rõ khuynh hướng thơ của ông nhất quán từ khi viết bài thơ đầu tiên 1939 cho đến bài thơ viết tháng 8 năm 1994 trước ngày ông đi vào cõi Thiên thai một năm.  Văn Cao thừa nhận  và khuyến khích sự đa dạng của phong cách thơ : “Có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển, cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận qua bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để tìm thấy cái vô cùng tận của trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi”. Nhưng dù khác nhau, các nhà thơ  cũng đều phải “tìm riêng lấy một cách thể hiện”.Tìm riêng lấy một cách thể hiện đó là mong muốn của Văn Cao trong bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào dù là nhạc, họa hay thơ. Chúng ta đã thấy tinh thần cách tân của Văn Cao. Tuy nhiên, có thể thấy ông không cực đoan như nhiều người trẻ bây giờ. Văn Cao mong muốn thơ phải có tư tưởng mới : “Chúng ta đã qua một thời kì dài thiên về cảm xúc và một thời kì cảm giác. Cái thời kì thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?”. Nhà thơ chỉ yêu cầu thiên về tư tưởng thôi. Nghĩa là thơ vẫn cần phải có cảm xúc, cảm giác, và phải có tư tưởng,  đậm nhiều hơn tư tưởng. Và không chỉ có thế, Văn Cao mong  muốn thơ không chỉ phục vụ cho hôm nay, mà thơ phải hướng đến “ngày sau”, phải lo đến tương lai. “ Người thành công nhất ngày nay là phải lo đến cái thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo đến cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm đến người sau”. Viết lời giới thiệu cho tập thơ Lá Chín của họa sĩ Văn Hải, nhà thơ Văn Cao cũng đòi hỏi “Với bạn trẻ làm thơ, tôi muốn tìm một phong cách mới”.

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

NHỚ BẢN

  

                                                                             Nguyễn Khôi

 NHỚ BẢN
       (Tặng : Vân Hạc)
               ---------
"Xa để nhớ không gì bằng Bản cũ"
                   *
Đã mười năm rồi chưa về Bản
Ở Thủ Đô phố xá - nhà tầng
Mình một phòng "tiện nghi" điện sáng
Thương Bản nhà bếp lửa đêm đông.
*
Còn đâu nữa những năm tuổi trẻ
Khỏe lên nương, đánh lưới trên sông
Sức hăm hở vai trần vạm vỡ
Đi khắp rừng một khẩu súng săn.
*
Còn đâu nữa Lều nương vắng vẻ
Cùng em nằm hóng gió hương rừng
Mắt soi mắt hừng hoa Ban nở
Giữa tưng bừng chim hót mừng xuân.
*
Còn đâu nữa mưa nguồn Tây Bắc
Lũ hung hăng cưỡi sóng sông Đà
Thuyền Đuôi Én phăng phăng vượt Thác
từ Quỳnh Nhai về tới Mường La.
*
Thời bom đạn xông pha tuyến lửa
Chôn anh em...nén nỗi thương đau !
Dù chưa vào Trường Sơn chia lửa
Thì Rừng Lào đồng chí có nhau.
*
Bao đèo dốc qua cầu về Bản
Nghe reo vui tiếng Suối quanh nhà
Cối giã gạo thơm mùi lúa mới
Tiếng mõ Trâu lốc cốc bờ xa.
*
Chà, con Mực xồ ra sủa đón
Ngừng gieo thoi Em chạy xuống thang
Mẹ rời bếp ngó Chàng Rể đến
Cha đang đan cũng bỏ tay thừng.
*
Chao, bữa tối xóm giềng rôm rả
Choác "lẩu xiêu" - "au hảnh" ngất ngư (1)
Lời nồng đượm reo quanh bếp lửa
Về Bản nhà thấy khỏe như mơ...
*
Nay đã xa, xa lơ, xa lắc
Một mình ngồi thầm nhắc ngày xưa
Nỗi Nhớ Bản thương yêu dằng dặc
Chừng theo ta cho tới xuống mồ.
----
(1) rượu cất- cạn chén.
         Hà Nội, đêm đông 22-12-2013
               Nguyễn Khôi
              



Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

TIẾU LÂM GABROVO 15


TIẾU LÂM GABROVO 15 ( TIẾP)

ĐỘNG VIÊN
Huấn luyện viên đội tuyển bong đá Gabrovo nói với Thủ môn:
          - Hãy giữ gìn tấm lưới, nếu không, tôi sẽ trừ vào tiền lương của anh bằng cái giá của nó!

LỜI THỀ ĐƯỢC THỰC HIỆN
Một người Gabrovo bị ốm. Nhiều ngày không rời khỏi giường. Một hôm, thu hết sức lực, anh ta đứng lên, quỳ gối trước bàn thờ cầu nguyện và đưa ra lời thề:
          - Chúa ơi! Nếu ơn Người, con khỏi bệnh, con sẽ bán con ngựa và mua toàn bộ nến cúng.
          Ít lâu sau, anh ta khỏi bệnh. Cần phải thực hiện lời thề  nguyền.  Anh ta nghĩ mãi, nghĩ mãi và đã nghĩ ra: Anh ta đặt con gà mái vào trong cái bao, cầm cương dắt  con ngựa thiến và đi ra chợ.
-         Tôi bán con ngựa 2 leva ! – Anh ta rao – Con ngựa giá 2 leva!
Dân chúng xúm lại. Bao nhiêu người sửng sốt trước giá rẻ bất ngờ.
-         Tôi bán con ngựa này kèm với con gà mái, con gà mái giá 200 leva – Anh chàng Gabrovo nói thêm.
Sau khi bán con gà và con ngựa, anh ta vào nhà thờ và hiến số tiền mua nến 2 le va, bằng tiền bán con ngựa.

NIỀM TIN BỊ TỔN THẤT
Một bà già Gabrovo đổ dầu vào đèn, để tiết kiệm, bà ta không rót dầu oliu mà là dầu hướng dương. Một bữa, trời đổ mưa đá và phá hoại cà chua trong vườn nhà. Bà lão nghĩ là trời giận bà về chuyện dùng dầu hướng dương thắp đèn. Bà quỳ trước tượng thánh và bắt đầu thanh minh:
-         Xin ngài hãy tin, con không có lỗi, mà là người cung cấp thực phẩm. Ông ta nhầm bình đựng nên đã bán dầu hướng dương thay dầu oliu...
Và bà lại bắt đầu đốt đèn bằng dầu oliu. Ít lâu sau, lại một trận mưa đá nữa gây tổn hại lớn cho vườn rau. Bà lão bối rối vì đã tốn quá nhiều tiền vô ích cho dầu oliu. Bà thốt lên:
-         Trời ơi, ngài có thể dẫn dắt mọi thứ, có thể làm mọi thứ, nhưng phân biệt dầu thì chả hơn gì người bán thực phẩm của chúng tôi!
Và bà lại thắp đèn bằng dầu hướng dương.

TIẾT KIỆM DẦU

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

NGỖNG



                
                                           

  NGỖNG

                                                                                                              Tạ Chí Cường

                                                                                                         Vũ Công Hoan dịch

          Chờ học sinh hát hết một bài, tôi bước lên bục giảng. Toàn thể học sinh đứng dậy, đồng thanh nói: Chào thày giáo!
          Tôi đáp: Chào các em!
          Nhìn các em đứng ngay ngắn, tôi nhớ đến những cây chúng tôi trồng mùa xuân, bên rìa sa mạc, một cánh rừng non – những cây táo cát. Ánh mắt tôi rơi trên chỗ ghế hàng cuối cùng, hình như còn bỏ sót một cây giống.
          Học sinh ngồi xuống, tôi bắt đầu giảng bài.
          Các em mở sách, chắc chắn mở đến trang có bài tôi sắp giảng. Tiếng mở sách kêu soàn soạt, như một cơn gió thổi qua rừng cây. Sau đó tĩnh lặng như cơn gió đã thoảng qua.
          Tôi nghe ngoài cửa lớp học có tiếng động. Ánh mắt tôi để vào chiếc bàn hàng cuối cùng. Sau đó bước khỏi bục, ra mở cửa.
          Quả không sai, Lưu Thái Hà đang đứng ngoài cửa. Em cúi đầu, mái tóc ngắn  ngang tai, hơi rối bung. Có lẽ không kịp chải, hoặc bị gió lùa rối tung.
          Có bạn nhắc: Thưa thầy đi!
          Lưu Thái Hà khe khẽ cất tiếng: Thưa thầy!
          Tôi giục: Vào đi!
          Một em khác lên tiếng: Phạt đứng! Đến muộn thì phạt đứng, nhắc mãi vẫn không chịu sửa!
          Câu nói này học sinh cả lớp đồng thanh lên tiếng dành riêng cho Lưu Thái Hà   chuyên đến muộn.
          Tôi nói: Em cứ về chỗ ngồi trước đã.
          Trong những tiếng xuýt xoa, Lưu Thái Hà bước vào, đến ngồi cạnh bàn của em. Cả lớp đều sắp xếp cứ hai học sinh  ngồi một bàn, nhưng không em nào muốn ngồi cùng bàn với em. Em nào cũng chê  người cô bé có mùi quái gở, buồn nôn. Dáng em cao trung bình không thể không xếp ngồi hàng cuối cùng.
          Tôi nói: Tập trung nghe giảng, bây giờ bắt đầu lên lớp.
          Ánh mắt của em xuyên qua khe hở giữa thân thể các bạn phía trước tìm kiếm chữ tôi viết trên bảng. Khi tan học, tôi gọi Lưu Thái Hà vào văn phòng. Tôi nhặt một cọng cỏ xanh xanh trên mái tóc em. Em di di chân trên đất như đào một cái lỗ, hận chẳng thể chui xuống. Em liên tục đến muộn, nhưng không nói lý do.
          Tôi bảo: Hôm nay sau khi tan học, thầy sẽ đến nhà em.
          Em  đáp: Thưa thầy, liên đội chúng em ở rất xa!

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

CHÙM THƠ về HỌA MI


CHÙM THƠ về HỌA MI
Nguyễn Văn Hoa dịch

bài 1
CHIM HỌA MI
Khi giông bão gió mưa đầy
Họa mi lành lót trên cây một mình
Bão táp vật lộn mưu sinh
Tiếng chim nồng ấm ân tình gửi ta
Die Nachtigall
Sprüche. Spruchgedicht von Sophie Mereau Brentano
Kalt ist der Morgen und trüb’, es tönt durch die bebenden Zweige
nur der Nachtigall Lied mild in dem brausenden Sturm;
wunderbar lauschet der Hain: so tönt durch die Stürme des Lebens
nur der Liebe Accent, alles verklärend, hindurch.
Sophie Mereau Brentano
Bài 2
Tình yêu – tiếng họa mi
Emanuel Geibel
Ngự trong một khóm hoa hồng
âm thanh ngọt lịm chất chồng rừng xanh.
Ngọn cây im phắc lặng tanh
Tiếng chim dâng lễ mong manh khí trời
Suối rừng cũng phải im hơi
Nai hoang cũng phải chơi vơi ngỡ ngàng
Hòa cùng những ánh nắng vàng
Hoa rừng cũng phải mơ màng theo chim
Âm thanh mình mải dõi tìm
Tiếng chim lắng đọng trong tim bồi hồi
Die Liebe saß als Nachtigall
Gedicht von Emanuel Geibel
im Rosenbusch und sang;
es flog der wundersüße Schall
den grünen Wald entlang.
Und wie er klang, da stieg im Kreis
aus tausend Kelchen Duft,
und alle Wipfel rauschten leis’,
und leiser ging die Luft;
die Bäche schwiegen, die noch kaum
geplätschert von den Höh’n,
die Rehlein standen wie im Traum
und lauschten dem Getön.
Und hell und immer heller floß
der Sonne Glanz herein,
um Blumen, Wald und Schlucht ergoß
sich goldig roter Schein.
Ich aber zog den Weg entlang
und hörte auch den Schall.
Ach! was seit jener Stund’ ich sang,
war nur sein Widerhall.
Emanuel Geibel
Bài 3
Tiếng họa mi
Của von Karl Ernst Knodt
Uống say giọt nắng mặt trời
Trăng sao cùng với những lời thầm yêu
Giọt vàng lấp lánh mỹ miều
Bài ca chim hót liêu xiêu lòng người
Die mailiche Nachtigall
Sprüche. Spruchgedicht von Karl Ernst Knodt
Alle Schönheit, die sie durch den Tag getrunken,
dunkle Liebe, helles Sonnenlicht,
aus dem Mond, den Sternen, jeden goldnen Funken:
selig strömt sie’s aus – ein Nachtgedicht.
Karl Ernst Knodt.


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

MẤT LƯƠNG TÂM

                                                       Vũ Nho chủ trang

MẤT LƯƠNG TÂM
M. Santycov- Sedrin ( Nga)
Vũ Nho dịch

          Lương tâm biến mất. Dân tình vẫn tụ họp trên phố, trong nhà hát, vẫn chạy đuổi và chen vượt nhau, vẫn chạy ngược chạy xuôi, giành giật miếng ăn, và không ai nhận ra rằng đã vắng mất một cái gì, như trong dàn nhạc cuộc đời có cây sáo đã ngừng chơi. Nhiều kẻ còn thấy như tự do hơn, khoan khoái hơn. Người ta dễ gây thủ đoạn hơn, dễ hại ngầm, lường gạt, nịnh bợ, đặt điều vu khống nhau hơn. Bỗng như xảy ra một phép màu nhiệm, những dằn vặt đau đớn được rũ bỏ, người ta không còn đi, mà phóng chạy như bay; không có gì khiến phiền muộn, không gì bắt nghĩ ngợi; cả hiện tại, cả tương lai đều như đã nắm chắc trong tay. Người ta trở thành những kẻ sung sướng, không nhận ra lương tâm đã biến mất.
          Lương tâm đột nhiên biến mất, chớp nhoáng! Vừa hôm qua, kẻ hành khất ngán ngẩm ấy còn thấp thoáng đâu đó trước mắt, và trí tưởng tượng hưng phấn vẫn cảm nhận…bỗng dưng…mất tăm mất tích! Ảo ảnh phiền nhiễu biến mất, và cùng với nó là sự khởi loạn luân lí mà lương tâm – kẻ tố giác thường kéo theo lắng lại. Chỉ còn việc khoan khoái nhìn ngắm thế giới mỗi ngày và sung sướng. Những kẻ khôn lõi cảm nhận được sự giải thoát khỏi cái ách cuối cùng cản trở chuyển động của họ, và cố nhiên, vội vã thụ hưởng trái quả tự do. Con người trở nên cuồng loạn: cướp bóc, trấn lột hoành hành; một sự hủy hoại toàn thể đã manh nha.
          Lương tâm tội nghiệp lúc đó nằm tả tơi trên đường, bị phanh xé, phỉ nhổ, chà giẫm bởi chân khách qua đường. Người ta quẳng nó như mảnh giẻ rách vô ích, càng xa mình càng hay và ngạc nhiên không hiểu sao trong cái đô thành đẹp đẽ, phồn vinh lại nằm chềnh ềnh cái vật kì quái như thế. Có trời biết nó sẽ nằm bao lâu nếu không có lão già nát rượu liếc con mắt say toét nhèm nhìn mảnh giẻ vô dụng những mong kiếm cốc rượu vodka và nhặt nó lên.
          Đột nhiên, lão thấy như có luồng điện truyền thấu qua thân thể. Lão đưa con mắt mờ đục ngó quanh, cảm thấy trí óc dần thoát hơi men và cay đắng trở về thực tại, cái thực tại mà lão đã tiêu phí bao sức lực quý giá của cuộc đời mình để thoát khỏi. Lão thấy sợ, cái nỗi sợ hãi mơ hồ khiến người ta phải lo lắng như trước mối nguy hiểm  được linh cảm mách bảo; sau đó những kỉ niệm trỗi dậy, óc tưởng tượng bắt đầu hoạt động. Kỉ niệm không thương xót những chi tiết bạo ngược, phản bội, yếu mềm tình ái, những dối lừa, trí tưởng tượng hiện hình tất cả chúng một cách sinh động. Rồi tòa án thức giấc.
          Lão nát rượu tội nghiệp thấy quá khứ của bản thân toàn lỗi lầm gớm ghiếc. Lão không phân tích, không cật vấn, không cố hiểu; lão bị bức tranh đạo đức sa đọa của bản thân làm cho đau đớn mà không sự trừng phạt của bất cứ tòa án nghiêm khắc nhất nào có thể sánh nổi. Lão không hề nghĩ rằng gần như toàn bộ cái quá khứ mà vì nó lão đã nguyền rủa bản thân cực lực, lại không hoàn toàn thuộc về cái kẻ nghiện rượu nghèo khổ, bất hạnh là lão, mà thuộc về một lực lượng lạ lùng, bí ẩn; nó xoay đảo lão, hút chặt, hệt cơn lốc thảo nguyên hút lấy và xoáy tung những ngọn cỏ tan tác. Cái quá khứ đó là gì? Vì sao lão đã sống như thế, mà không khác? Vậy bản thân lão là gì? – Với những câu hỏi như thế lão chỉ còn biết đáp lại bằng thái độ ngạc nhiên hoàn toàn vô thức. Cái ách thống trị áp đặt lên cuộc đời, lão sinh ra dưới nó và dưới nó lão sẽ bước xuống mồ. Lúc này có lẽ là giờ khắc ý thức hiện ra – nhưng ý thức thì cần để làm gì? Nó đến làm gì? Vì sao lại đặt những câu hỏi một cách nhẫn tâm khiến lão chỉ có thể câm lặng đáp lời? Có nên chăng làm hoài phí cuộc đời thêm một lần, để ý thức trỗi dậy ùa vào căn nhà đã tan vỡ, không kháng cự nổi những cú va đập?

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

SÓNG, ẨN DỤ - NGHỊCH LÝ

Đường Văn

Sóng
                                         Xuân Quỳnh
Dữ dội và dịu êm
N ÀO VÀ LẶNG lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương

 ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Ðể ngàn năm còn vỗ

                                                  (1967. Trích tập thơ Hoa dọc chiến hào)

SÓNG,  ẨN DỤ - NGHỊCH LÝ

ĐƯỜNG VĂN

          Cả trong, ngoài nước, đã từng có rất nhiều bài thơ  hay, rất hay về biển, sóng, và nhờ biển, sóng nói hộ tình yêu, nỗi nhớ, hoặc nhập hồn vào sóng biển để ca hát hoặc than khóc tình yêu. Các hình tượng: thuyền, biển, bến, bờ, sóng, gió… cơ hồ đã trở thành những hình ảnh trượng trưng, biểu tượng truyền thống quen thuộc, từ ca dao, Truyện Kiều đến Gửi biển (Puskin), Cánh buồm (Lermôn tốp, Biển (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận)…
          Vậy mà giữa lúc cuộc chiến tranh chóng Mỹ ở Việt Nam đang vào thời điểm sôi sục, quyết liệt nhất, vào ngày gần áp chót năm 1967 (29 – 12), hái từ những bông hoa dọc chiến hào,* nữ thi sỹ trẻ xinh đẹp Xuân Quỳnh (1942 – 1988) vẫn có thể hiến cho đời và thơ một khúc tình ca ngọt ngào, tài hoa, mà mỗi dòng, mỗi chữ cứ bồng bềnh trào dâng từng đợt sóng lạ, quen, cứ mênh mang, cồn cào nỗi nhớ tình yêu và khát vọng.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Chùm thơ A. Akhmatova- bản dịch Tạ Phương



Chùm thơ A. Akhmatova- bản dịch Tạ Phương

*  *  *
Я и плакала и каялась,
Хоть бы с неба грянул гром!
Сердце темное измаялось
В нежилом дому твоем.
Боль я знаю нестерпимую,
Стыд обратного пути…
Страшно, страшно к нелюбимому,
Страшно к тихому войти.

 *  *  *
Em đã khóc và hối hận,
Mong trời chớp nổi sấm ran!

Con tim tối tăm nhói buốt
Trong căn nhà anh bỏ hoang.

Em biết nỗi đau chẳng tắt,
Trên đường trở lại bẽ bàng…

Chao ôi quả là khủng khiếp
Đến với người mình không yêu

Ôi thật kinh hoàng làm sao
Bước vào một nơi tĩnh lặng.

А склонюсь к нему нарядная,
Ожерельями звеня,
Только спросит: "Ненаглядная!
Где молилась за меня?"

1911

Đỏm đang, bên người, em cúi
Chuỗi ngọc trên cổ ngân reo,

“Em yêu - người ấy chỉ hỏi -
Cầu nguyện cho tôi nơi nào?”

1911

*  *  *

И мальчик, что играет на волынке,
И девочка, что свой плетет венок,
И две в лесу скрестившихся тропинки,
И в дальнем поле дальний огонек, -

Я вижу все. Я все запоминаю,
Любовно-кротко в сердце берегу
Лишь одного я никогда не знаю
И даже вспомнить больше не могу.

Я не прошу ни мудрости, ни силы.
О, только дайте греться у огня!
Мне холодно… Крылатый иль бескрылый,
Веселый бог не посетит меня.

1911

*  *  *

Và cậu bé thổi kèn đồng

Và cô bé kết hoa trên tóc

Và chỗ giao nhau đường rừng
Và ngọn lửa đồng xa heo hút…

Em thấy cả. Và em nhớ hết
Thoáng yêu còn đọng trong tim.
Chỉ một điều không bao giờ em biết
Thậm chí em không thể nhớ thêm.

Em chẳng cầu dẻo dai, sáng suốt,
Nhưng cần ngọn lửa sưởi đêm đông!
Em lạnh lắm… Thần Ái Tình chẳng ghé
Thăm em, dù mang cánh hay không.

1911

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Cỗ thịt chuột ở ĐÌNH BẢNG




CỖ THỊT CHUỘT Ở ĐÌNH BẢNG
     (Tặng : Nhà văn Lê Xuân Quang)
                     ----------
  Từ lâu lắm rồi, thiên hạ đồn thổi "cỗ Đình Bảng không có món thịt Chuột là không to".
Đó là lối ngoa  truyền cho vui như đòi ăn gan Ruồi, trứng Trâu...kiểu như thi nói khoác của các tay "phó phét" làng Đông An trên Yên Phong ấy thôi.
  Cỗ bàn đám xá ở Đình Bảng xưa nay đứng  cỡ số 1 của xứ Bắc Kỳ, hàng năm trong làng có trên 300 (ba trăm) đám cỗ bàn cưới xin, giỗ chạp, khao vọng,lễ tiết...chả thế mà có những "nhà", những "họ" (hoạt động như Công ty TNHH bây giờ) chuyên giết lợn làm giò chả, "nem Báng" (tên nôm của Đình Bảng) là đặc sản tiến Vua; có nhiều nhà chuyên làm bánh Gio, bánh Xu Xuê (phu thê),có các vị đầu bếp chuyên đi "làm giúp"  cỗ bàn trong họ, trong làng. Mà làng Đình Bảng (kẻ Báng) đã tồn tại mấy nghìn năm nay, lối hôn nhân "ta về ta tắm ao ta" khép kín thì cả làng ai mà chả có họ với nhau .
  Thịt Chuột ở Đình Bảng là một thứ ăn chơi (cải thiện) lúc nông nhàn. Nhà nào cũng nuôi 1 đến 2 con chó săn có tài đánh hơi bắt chuột, được tuyển chọn "có nghề" đúng nòi "chó săn chuột" truyền thống. Chó săn được huấn luyện từ lúc còn nhỏ, thường thì bắt chuột nhắt, chuột con cho"ngửi" bắt hơi, cho tập vồ,tập cắn, tập tha...(không được ăn, không được cắn chết), rồi thả chuột vào hang bắt Cún con đi "tìm", thả chuột xuống ao cho Cún bơi, ngoạm đưa vào bờ cho chủ. Tập đánh hơi vào các hang xem hang nào có chuột thì phải nhẹ nhàng "vẫy đuôi" (báo hiệu)để chuột khỏi thấy động vọt ra mất...Luyện chó săn công phu, tỉ mỉ như "tướng quân luyện chiến mã" để khi vào cuộc săn phải đạt tiêu chí "con chó này hay chuột", đã đi săn là đầy "Vịt" trở về ( "Vịt" -một loại Giỏ đựng đan hình con Vịt to chứa được nhiều chuột).
  Dụng cụ đồ nghề đi săn chuột gồm  : một  cái Vịt, vài cái "dọng" (ống tre chẻ một đầu có hom nơm)để đơm vào cửa hang, một cái "dầm" (thuổng) để đào hang bắt chuột, một cái gầu con để múc nước (đổ vào hang chuột ở vị trí thấp), một con dao rựa để chặt phát quang các bụi cây có chuột khu trú, một móc sắt cán dài, một "con cúi" (nùm rơm) đượm lửa để hun chuột...
  Tháng ba, ngày tám, rỗi rãi, mấy anh em con chú con bác hay hàng xóm láng giềng, hai ba nhà rủ nhau đi săn chuột với quy mô lớn. Đi săn chủ yếu là săn chuột đồng, thường cư trú ở các bờ đầm Sen, bờ ao, bờ ruộng cao (Chuột đồng ăn chủ yếu lúa , ngô, khoai, cua ốc, tôm tép) nên rất béo, thịt trắng thơm. Hang chuột đồng cao ráo sạch sẽ, con to cỡ chuôi dao, chuôi liềm, lông mượt óng xám khá đẹp (chả thế mà không ít Tiểu thư con nhà giàu rất ưa áo khoác màu lông chuột ?)

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

TIẾU LÂM GABROVO 14



TIẾU LÂM GABROVO 14 ( TIẾP)

MẪU
Một chàng Gabrovo trẻ tuổi gửi ảnh cho người yêu. Để khỏi tốn tiền mua tem, anh ta đề ngoài phong bì “Mẫu không giá trị”.

TÍNH HIỆU QUẢ
Sếp của một hãng của thành phố Gabrovo nhận được bức điện của người chào hàng: “ Bị kẹt ở thành phố H. Xe hỏa không chạy. Chờ chỉ thị”.
Sếp lập tức đánh điện trả lời :
          “ Từ hôm qua, anh nghỉ phép”.

QUẢNG CÁO
-         Nghĩa là đây là vải mới nhất hả?
-         Tôi vừa nhận hôm qua thẳng từ nhà máy!
-         Thế nó không phai màu à?
-         Cái bác này! Hơn một tháng treo ở tủ bày hàng nó có làm sao đâu!

HÀI LÒNG
-         Xin bác chớ bận tâm, không cần tiễn tôi đâu.
-         Ấy chết, khi tiễn khách tôi rất hài lòng – Người Gabrovo trả lời.

CỐ ĐẠO TÍNH CHI LI
Khách đến thăm cố đạo người Gabrovo. Câu chuyện nói về điện.
-         Ôi chà, vì sao cha thắp nến? Dùng điện rẻ hơn nến mà!
-         Tôi cũng biết rằng rẻ hơn- Cố đạo đáp- nhưng nến thì tôi nói chung không phải mua!

CHO CẢ HAI
Bác sĩ không hài lòng với số tiền ít ỏi mà bệnh nhân trả mình liền nói kháy:
-         Đây là tiền cho tôi hay cho người giúp việc của tôi?
-         Cho cả hai ạ - Người bệnh Gabrovo trả lời.

KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ CƠ SỞ
Một người Gabrovo đi ô tô khách. Va li của mình anh ta đặt trên đầu gối. Người soát vé yêu cầu anh ta trả tiền hành lí, nhưng anh ta từ chối.
-         Vì tôi phải tự mình giữ nó!

GIÁ MỚI
Họa sĩ đề nghị nhà buôn vải mua bức tranh của anh ta. Nhà buôn xem tranh và trả giá 50 leva.
-         Năm mươi leva ư? – Họa sĩ nổi nóng – Chỉ nguyên khoản mua vải của ông để vẽ thì đã mất 150 leva rồi!
-         Đúng, nhưng khi đó nó là tấm vải sạch – Nhà buôn trả lời không chút bối rối.

TỰ LÀM RA
Anh chàng Gabrovo đãi khách món khoai tây rán và khẩn khoản:
-         Xin mời, đừng ngại! Của nhà tự trồng lấy được.
-         Nhừng vốn nhà bác không có vườn kia mà?
-         Tôi với nhà tôi mua đất ở bãi tha ma, nhưng chúng tôi hiện nay chưa dùng đến. Thế là tôi đem trồng khoai tây!

KHÔNG HỢP TÚI TIỀN
-         Nhà ông có ba tòa nhà, thế mà ông còn thuê căn hộ?
-         Tiền thuê nhà trong các tòa nhà của tôi quá cao, không hợp túi tiền của tôi!

TÍNH TOÁN TINH VI
-         Bác tặng vợ cái gì nhân Năm Mới?
-         Tôi thường tặng cái gì mà sau đó tôi có thể dùng được.
-         Nhưng tôi muốn tặng riêng cho mình cô ấy.
-         Ồ, vậy thì mua cho cô ta bánh xà phòng!

LỐI THOÁT
Hai sinh viên người Gabrovo mua mũ lưỡi trai đồng phục cho mình. Khi họ mua bán thì trời đổ mưa. Hai chàng trai đứng ở ngưỡng cửa của nhà hàng và nghĩ ngợi…Sau đó họ đổi mũ cho nhau và mạnh bạo bước ra mưa – Chẳng có gì mà phải tiếc cho mũ của người khác!

TỎ TÌNH
-         Em yêu, anh thật khó mà tìm được những lời cần thiết…
-         Không sao, anh yêu – Cái chính là tìm được tổng số cần thiết!

HÀO PHÓNG
-         Mình hãy cho khách cái gì tươi mát đi! – Người vợ nhắc.
-         Ồ, đúng rồi! – Anh chồng sực nhớ ra và mở rộng cánh cửa sổ.


Nho dịch ( Còn tiếp)

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Ấn tượng Vũ Bằng


Vũ Nho chủ trang

ẤN TƯỢNG VŨ BẰNG
           Vũ Nho

Do hoàn cảnh đặc biệt của Vũ Bằng, như mọi người đã biết, vì vậy mà lứa tuổi như chúng tôi tốt nghiệp cấp 3 năm 1966 chỉ có thể biết Vũ Bằng qua nguyên mẫu  Hoàng trong truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao : Đôi mắt.  Thú thật, khi đó,  không hiểu sao, cậu  thanh niên nhà quê như tôi lại rất nể phục nhân vật Hoàng. Dù cho thầy giáo có nói rằng Hoàng là nhân vật trí thức tư sản, là con người xấu, là người có thị hiếu “kém cỏi, hạn chế” của nhà văn “chợ đen” ( Xin bỏ quá cho, chắc thầy dạy tôi nhắc lại những đánh giá của các vị Phong Lê- Huệ Chi, Lương Thanh Tường, Võ Phi Hồng và Hà Minh Đức viết về Nam Cao thời  những năm 60 – Mời đọc :  Hà Bình Trị - “Nhìn lại sự nhìn lại gần đây với tác phẩm Đôi mắt” trong cuốn Nam Cao qua nửa thế kỉ, nhà xuất bản Giáo dục, 2001, trang 154 ). Tôi phục vì Hoàng là người rộng rãi với bạn bè. Cái anh bạn Độ thuộc bậc đàn em, chẳng thân thiết lắm, nhưng Hoàng đối xử thật lịch sự, đàng hoàng. Mời ăn uống  chu đáo. Khoai thì hầm chảy mật. Ăn mía thì ướp hương hoa bưởi. Nằm ngủ thì trong màn tuyn trắng toát lại thoang thoảng nước hoa.  Trước khi đi ngủ thì đọc sách. Thầy  giáo bảo đó là lối sống tiểu tư sản cần phê phán. Nhưng chúng tôi thì mồm phê Hoàng, mà bụng thì chỉ thèm và ao ước được ăn mía, được ngủ màn tuyn có nước hoa. Thì ra đó là cái mức sống cao chứ chẳng phải tư sản hay tiểu tư sản gì cả. Bởi vậy mà tôi nể phục nhân vật Hoàng. Sau này lớn lên, đọc và trải nghiệm nhiều, lại càng thấy nể Hoàng ở chỗ anh tuyên bố : “ Đành để cho các ông ấy gọi là phản động” chứ không chịu công tác với “thằng chủ tịch cháo lòng tiết canh”. Phải nói rằng thái độ đó có phần thái quá, nhưng nó chứng tỏ cái khí chất cứng cỏi của người trí thức như Hoàng.
Đó là nhà văn  “hình bóng”Vũ Bằng trong tôi. Chỉ là bóng dáng thôi, nhưng nhờ tài năng của Nam Cao mà ấn tượng thật mạnh mẽ.