Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Chùm hoa quỳnh, bưởi, ngọc lan






 Chùm thơ Duy Khoát

HOA QUỲNH

Đêm qua vườn nở bông quỳnh
Mà người ngon giấc vô tình với hoa
Sáng ngày ngơ ngẩn lòng ta
Tiếc như người đẹp vừa qua trong đời


HOA BƯỞI

Chùm hoa bưởi trắng thơm tinh khiết
Các con tôi hái ở đâu về
Tôi chọn mấy bông đặt lên bàn viết
Thấy lòng thăm thẳm nỗi nhớ quê


 NGỌC LAN

Cầm tay chẳng muốn buông ra
Chao ôi, thon trắng như là ngọc lan
Ngẩn ngơ trước vẻ mịn màng
Tỏa thơm mười búp trên bàn tay em


Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Nhà thông thái tí hon





Nhà thông thái tí hon
                                      TRUYỆN CỰC NGẮN        
                                                          HOÀNG KIM BẢO
                                     
                                                LỜI TÁC GIẢ

NHÀ THÔNG THÁI TÍ HON  là một tập hợp gồm 82 truyện cực ngắn, ghi lại những ký ức, những kỉ niệm không phai mờ của nhân vật Phụng đối với hai thế hệ các nhà thông thái tí hon -  những đứa bé mà Phụng rất yêu.

Phẩm chất thông thái mà tác giả tập truyện thể hiện, trước hết là sự thông thái của những trí tuệ ngây thơ, những tâm hồn non nớt đang còn sống trong khoảng nối kỳ diệu giữa thế giới thực tại với những huyền thoại, giữa thực tại với những hồi ức, hoặc của riêng thực tại với bao nhiêu mơ mộng…,   với tất cả sự sinh động và khác biệt.

Không phải trí tuệ của sự tranh đoạt.
Ngoài sự thông thái, tập truyện còn biểu hiện những phẩm cách khác  của trẻ em Việt Nam, như là tình yêu thương, tài năng, tính cách, sự vị tha, sự hài hước, sự thụ cảm sâu sắc trước những tâm hồn và trí tuệ thông thái của nhân loại...

Thiết nghĩ, giữa một thế giới thực tại đầy cạnh tranh, điều đó an bình và quý giá biết bao.

Và vì điều quý giá này, một lần nữa, tác giả xin được tỏ lòng ngưỡng mộ trước các nhân vật, những nhà thông thái tí hon đã và đang trưởng thành, và không ngừng khao khát đặt chân tới những miền đất xa xôi tươi
đẹp của đất nước và thế giới.

Xin kính chào và cảm ơn bạn đọc.
Cảm ơn NXB HỘI NHÀ VĂN đã đọc duyệt và cho xuất bản tập sách này.
                                                                                                        
                                                          THÁNG TƯ 2016


CON Ở TRONG MẮT BÁC ĐÂY NÀY!
         
Thu Hương và Duy Hùng là con của mẹ Phúc, bố Ý, nhà ở Khu Tập thể Viện Hải sản Hải Phòng.
Bác Phụng là chị ruột của mẹ Phúc, ở Hà Nội một mình.
Hương lên ba, lúc nào Hương cũng đi liền theo bác Phụng, như hình với bóng. Cả khi ăn, khi ngủ, khi nhảy dây, chơi búng, và …ngay cả khi vào nhà tắm nữa. Dường như trái tim bé bỏng của em luôn lo sợ một điều gì, như là sự biến mất của ai đó trong cuộc đời em. Với em, không có gì vui hơn khi có bố mẹ và bác Phụng ở nhà, quây quần bên bàn ăn, và tối đến, em được ngủ cùng bác em và nghe bác kể bao nhiêu là chuyện thần thoại và cổ tích. Các chuyện bác kể, em nhập tâm nhớ hết. Em nhớ được cả truyện “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Kê và bé Giecđa”…- những câu chuyện ly kỳ nói về những chiếc gương kỳ lạ.
                                                *
Buổi sáng đó bác Phụng ngồi giặt trên sàn bếp, trước mặt là một chiếc chậu đựng đầy áo lạnh. Quên tất cả bọn trẻ đang chơi ngoài sân Viện, Hương cũng kéo một chiếc ghế con ngồi đối diện. Em chăm chú nhìn bác  em rất lâu qua những bọt xà phòng.
Bỗng em reo lên, như phát hiện:
Bác ơi! Con ở trong mắt bác đây này!


       LÒNG TIN !

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

KHÓC





KHÓC
                            Trần Năng Tĩnh
“Em có yêu anh không?”-Chàng hỏi trong hơi thở gấp. Nồng nàn.Thành thật.Và nàng gật đầu. Chàng lại gặng “Em nói đi” ! “Vâng, em yêu anh”. Trong khoảnh khắc giản dị mà thần diệu ấy, chàng như đang chơi vơi...ngờm ngợp và cũng rất đỗi ngọt ngào.Thật lạ.
     Cảm giác của sự tương giao ấy, chàng chưa từng được gặp.Dẫu cho, chàng đã có người đàn bà gọi là vợ,đã ngót ba chục năm rồi.Chàng mơ màng-có phải đây mới là tình yêu !? Hai tâm hồn gặp gỡ và hòa quyện.Cứ thế, chàng ru mình trong cảm giác thật ấm nồng.
     Chàng đã có vợ.Nàng cũng từng có chồng.Cũng bởi thế chàng càng thấm thía mà như thấy “vận” vào mình từ thiên truyện ngắn trữ tình của văn hào Sê-Khốp “Người đàn bà có con chó nhỏ”.Chao! Chả lẽ chàng và nàng cũng giống hay hao hao tương tự hai nhân vật trong truyện đó sao?

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Mấy hình ảnh Vũ Nho diễn thuyết ở Hội Kiều học Thái Bình

Mấy hình ảnh Vũ Nho diễn thuyết ở Hội Kiều học Thái Bình

26 tháng 6, Hội Kiều học Thái Bình sinh hoạt thường kì, kết nạp hội viên mới, bàn kế hoạch ra cuốn sách " Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều" tập 3. Có một nội dung là Vũ Nho nói về cuốn sách " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều". Dưới đây là một vài hình ảnh.

                              Nhà thơ Ánh Tuyết, trưởng  VP đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình phát biểu

               PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn VHNTVN phát biểu
                                                    Những người dự

                                                        Vũ Nho diễn thuyết

                                 Vũ Nho tặng sách cho bác Trần Bích Lưu, hội viên cao tuổi nhất ( 91 tuổi)
                    Nhà thơ Ánh Tuyết, thay mặt Hội Kiều học Thái Bình tặng hoa cho diễn giả
                                                     Chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Nhà văn Bùi Việt Thắng viết về sách "Bình thơ" của Vũ Nho trên Văn Nghệ Công An





THƠ CA TRONG MẮT AI
(Đọc “Bình thơ” của Vũ Nho, Nxb Hội Nhà văn, 2015)
                                                                                      BÙI VIỆT THẮNG
           Người say đắm thơ ca
          Ở ta lâu nay tôi thấy nổi lên hai nhà văn chuyên bình thơ và bình có duyên là  Vũ Quần Phương và Vũ Nho. Ông là nhà giáo bậc đại học, là công chức ở Bộ GD&ĐT, trải nghiệm nhiều trong môi trường giáo dục và không gian trường học, là người say đắm văn chương, đặc biệt thơ ca. Ông là người viết blog (vunhonb.blogspot.com) cần mẫn được nhiều cư dân mạng (đặc biệt trong ngành giáo dục) chia sẻ. Ở tuổi thất thập nhưng mọi người đều thấy sức đi, sức nghĩ, sức viết (và cả sức nói nữa) của ông thật đáng nể trọng. Riêng tôi có cái cảm giác trong con người này lúc nào cũng có lửa, cứ như là một “hỏa diệm sơn”. Và rất khâm phục ông trong im lặng. Tập “Bình thơ” của Vũ Nho nhận được Giải thưởng của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương, năm 2015. Thêm một thông tin để độc giả xa gần biết sức lao động nghệ thuật tiềm tàng của Vũ Nho khi ông vừa ra mắt một tác phẩm mới tinh “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều – So sánh & Bình luận” (Nxb Hội Nhà văn , 2016). Lại thêm một bằng chứng về tình yêu thơ ca của Vũ Nho. Trước “Bình thơ”, Vũ Nho đã sở hữu “Thơ chọn và lời bình” (2 tập), “Đi giữa miền thơ” (3 tập), “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”, “Thơ và dạy học thơ”,  “Bình thơ”. Có thể nói Vũ Nho là một “lão nông tri điền” cần mẫn cày cấy, gieo trồng và thu hoạch trên cánh đồng thơ ca. Nếu nói vui như ngôn ngữ thời hiện đại thì thơ ca là “một phần tất yếu” của đời sống tinh thần của Vũ Nho!
          Tinh thần thực tiễn  của bình thơ

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Nhà văn Cao Ngọc Thắng viết về sách " Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều" trên báo QĐND cuối tuần





Công việc nghiên cứu Truyện Kiều vẫn tiếp diễn



CAO NGỌC THẮNG



Đặt tên cho sách “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều” (Vũ Nho, Nxb Hội Nhà văn, 2016) tác giả đương nhiên khẳng định Nguyễn Du dựa trên tác phẩm của Thanh Tâm Tài Tử bên Trung Quốc, để sáng tạo nên tuyệt tác mang đậm cốt cách Việt Nam; dưới cái tên in đậm đó còn dòng chữ nhỏ “So sánh và bình luận”.



Tiếp nối con đường nghiên cứu và hiểu “Truyện Kiều”, một con đường khá dài với nhiều tên tuổi, ở cuốn sách này PGS-TS Vũ Nho đặt mục tiêu: “Cả cuốn sách này tôi chỉ làm một việc là so sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều [hình như phải đặt ngược lại] và bình luận để thấy sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Du” (tr. 7). Là sự kế tục, hiển nhiên kết quả của công trình này góp phần làm sáng rõ một số vấn đề, bổ sung một số điểm mà các công trình trước đó chưa nhắc tới.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

MỘT TIỂU THUYẾT HOẠT KÊ ĐỘC ĐÁO VÀ HẤP DẪN





                                                                             Vũ Nho - chủ trang
MỘT TIỂU THUYẾT HOẠT KÊ ĐỘC ĐÁO VÀ HẤP DẪN

Đọc “ Kim Kổ Kì Kuặc Kí” của Trần Nhương, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2016

                                         Vũ Nho

Phải nói ngay rằng, lâu lắm rồi, trên văn đàn của chúng ta mới xuất hiện  tiểu thuyết hoạt kê độc đáo như thế này.  Nhân vật nhà văn, nhà báo không phải là hiếm trong các truyện ngắn, tiểu thuyết của chúng ta. Nhưng viết riêng về các nhà văn, nhà báo cùng giới văn chương thì với sức đọc hạn chế, tôi mới chỉ thấy trường ca “ Văn đàn bi tráng” của Nguyễn Vũ Tiềm, và bây giờ là tiểu thuyết của Trần Nhương. Văn đàn bi tráng là trường ca, cách phản ánh thế giới nhà văn tuân theo nguyên tắc thể loại. Còn tiểu thuyết“ Kim Kổ Kì Kuặc Kí” là một tiểu thuyết hoạt kê, đem trộn chuyện nay ( kim) với chuyện xưa ( cổ); đem các nhân vật có thật ngoài đời có hư cấu ( Nhương Tác Nghiệp, Phục Bạch Đầu) hoạt động cùng Trưởng Thượng áo tía, Kim Thánh Phán,  Mao Tôn Úc là những nhân vật do Bão Vũ bịa ra, rồi Trần Nhương viết tiếp. Suốt 21 chương truyện luôn thấy cổ - kim, thực -  bịa,  đan xen. Các phượng tiện hiện đại  như  “điện thoại di động Nokia” dùng cho nhân vật đi ngựa, đi xe kéo ( tuyệt đối không có một xe đạp, xe máy hay ô tô). Rồi cái quán  “ Tửu điếm văn nhân”  của Nhương Tác Nghiệp thì rõ là hình ảnh cái trang trannhuong.com tấp nập khách khứa vào ra. Chuyện thả thơ ở văn Miếu,  lại lẫn với chuyện bình thơ Trưởng Thượng ở quán  Trần Nhương được thưởng rượu; chuyện nhà chùa đặt la liệt các “hòm công đức”  thời nay đặt bên cạnh các lý trưởng, trương tuần ngày xưa… Nhà văn Kim Thánh Phán bị  treo bút vì phạm húy, hành nghề viết thuê. Mao Tôn Úc bình thơ của Trưởng Thượng chỉ có mấy chữ “ Chi hồ giả dã” với sơ đồ có tứ Chi ( bốn chữ Chi) nhưng thiếu “phụ chi” nên sa vào cửa tử. Tuy vậy “ chỉ nguyên văn bài thơ của lão Trưởng Thượng cũng đã không tiền khoáng hậu, thiên hạ vô địch, vượt xa cả Lí Bạch, Đỗ Phủ thời Thịnh Đường rồi”. Ban đầu được khen, nhưng sau phát hiện ra tính “xỏ lá”, nên Mao Tôn Úc bị truy nã…Đúng là “Kim Kổ Kì Kuặc”. Nhưng những chuyện kì quặc ấy  thấp thoáng bóng dáng của đời sống thực của thế giới văn chương và  thế giới hiện đại… 


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Chùm thơ 3 dòng





CHÙM 3 DÒNG-HÈ-THƠ TRẦN TRUNG
(Viết theo điệu thơ Hai-Kư Nhật Bản)

1/Nắng nung
Mưa đầy
Hoài niệm.

2/Ông bà già
Công viên ngày nóng
Hôn giấc mơ xa...

3/Mái tóc mây bồng
Trông
Hương xưa bồ kết.

4/Chiều loang
Hồ Tây
Cổ Ngư đâu đây!?

5/Ôm nụ hôn
Thời gian loạn nhịp
Chạnh lòng-Khóc!

6/Bốn chục năm qua
Thầy-Trò lại mặt
Tóc xanh dỗi hờn...

7/Mắt-Thời-Gian
Rạn chân chim
Hoài mơ chắp cánh.

         Hà Nội, 16/6/2016.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

TIẾU LÂM GABROVO 12 ( TIẾP)





TIẾU LÂM GABROVO 12 ( TIẾP)

BÍ MẬT NGHỀ NGHIỆP
Người Gabrovo đi trên chiếc xe ngựa kéo chở lúa mạch. Con ngựa gày gò kéo xe một cách mệt nhọc.
-         Ông chở cái gì vậy? – Một người qua đường hỏi.
-         Tôi chở lúa mạch – Người chủ xe thì thầm.
-         Cái gì? – Người qua đường hỏi lại.
-         Lúa mạch! – Người chủ xe vẫn thì thầm.
-         Vì sao ông nói thầm thào, ông bị viêm họng à?
-         Ấy không! Tôi sợ con ngựa nghe thấy trong xe chở lúa mạch. Bởi vì tôi cho nó ăn toàn trấu.

TỰ MÌNH ĐI
Cả gia đình xúm quanh một người Gabrovo quá cố.
-         Con nghĩ rằng – Chàng rể nói – Cần mai táng cha ở hàng đầu tiên.
-         Nếu cha còn sống – Cậu con trai đáp – và nhìn thấy sự mai táng tốn kém thế này thì cha sẽ thích hàng sau cùng.
-         Đừng tranh cãi- Bà góa nói-  hãy làm điều cần làm. Nếu mà người quá cố có thể nghe thấy giá cả như thế này, thì ông sẽ tự mình đứng dậy và đi ra nghĩa trang!

CHUYỆN NHÀ

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6)




Triệu Lam Châu

NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6)

Triệu Lam Châu: Qua thực tế cuộc sống tôi nghiệm thấy những bạn nào có cuộc sống nội tâm phong phú và có tâm hồn nghệ sĩ, thì ban đầu thưởng hay ghi nhật ký. Thời thanh xuân của chúng tôi là vào những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Thời ấy nhiều bạn rất hay ghi nhật ký riêng vào cuốn sổ tay của mình. Đó là hành trình tâm hồn của mỗi người khi bước vào đời.
Thế rồi một số bạn mon men viết báo. Sau đó trưởng thành dân thì viết văn làm thơ. Hầu hết các nhà văn của ta hiện nay, trước khi đến với văn chương, họ đều tập dượt ban đầu bằng những bài báo trữ tình.
Có thể nói những ai có khiếu viết lách báo chí, văn chương – họ đều coi Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là ngày của tâm hồn mình. Tâm hồn của người viết luôn dành cho Tổ Quốc, Dân tộc và sự nghiệp cách mạng vẻ vang cuả nhân dân ta suốt mấy chục năm qua.

THEO TÀI LIỆU TRÊN INTERNET:
“Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6 là ngày kỉ niệm ra đời của báo "Thanh niên" do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập 21.6.1925. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có "Gia Định báo" và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Nhưng báo "Thanh niên" đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo "Thanh niên", báo chí Việt Nam mới giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.[1]

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Chùm thơ DUY KHOÁT





DÒNG SÔNG QUAN HỌ

Xưa anh yêu cảnh sông Cầu
Lơ thơ nước chảy in màu trời quê
Nay càng yêu đến say mê
Có em sớm tối đi về bên sông


BẮT ĐỀN

ÔI, anh đã đánh dấu
Lên người yêu mình rồi
Dấu tay còn nóng bỏng
Bắt đền đấy, anh ơi!


GHI SAU TẤM ẢNH

Nhớ người cách trở xa xôi
Ta mang tấm ảnh ra ngồi lặng trông
Dù nay em ở bên chồng
Hồn em ta vẫn bế bồng trên tay


ĐỌC THƠ EM

Canh khuya thao thức bên đèn
Anh ngồi giở đọc thơ em từng dòng
Như nâng niu một bông hồng
Vấn vương hay đã phải lòng thơ em