Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

THƠ VUI TẶNG BẠN

THƠ VUI TẶNG BẠN




BÁM  RIẾT
Thân tặng Đường Văn
-  tác giả Lá nhặt cuối chiều

NGUYỄN ĐĂNG DUNG

nhặt cuối chiều,
                                nhiều điều chưa ai tỏ?
Ngoại lục tuần,
                          trăn trở với văn chương,
Góp nhặt hồn thơ
                              trên những cung đường,
Về chốn cũ:
                     quê hương đất Mẹ.

Thành kính dâng lên:
                                   300 bài có lẻ…
- Đã già ư?!
                     - Không!
                                     Sức trẻ vẫn tràn đầy!
                    ***
Lá nhặt cuối chiều!
                               Thúng* này chưa chứa hết!
Xin hứa với Người:
                                  còn bám riết
                                                        với… Nàng Thơ!

* Mượn chữ của Đặng Quốc Việt

Yên Nội, Liên Mạc, Bắc Từ Liêm,
19 – 9 – 2014. NĐD



SAY NHẶT, MÊ GOM

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

MỘT CHÙM THƯƠNG


TRẦN TRUNG-MỘT CHÙM THƯƠNG
  (THƠ  BA DÒNG)

1/Não nùng mưa
Xa rồi !
Nét ấy...

2/Liễu mềm
Nước mắt
Thắt-Niềm-Thương.

3/Vui vầy gặp
Thời khắc
Rưng rưng...

4/Thu lướt gió
Thơm tho
Neo lại !

5/Thiên Thai đâu?
Dãi dầu
Kiếp trước !?

6/Vội vã
Hôn?
Tà tà chiều muộn.

7/Mắt học trò
Chớp sáng
Đa mang...


           Hà Nội- Chiều 29/10/2014.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

NIỀM VUI MỚI


Triệu Lam Châu

XIN THÔNG BÁO THÊM MỘT NIỀM VUI MỚI


Kính thưa bạn đọc và bạn bè yêu quý!
Có thể nói rằng trong tháng 10 năm 2014 này Triệu Lam Châu tôi gặp may mắn trên con đường phấn đấu sáng tạo văn học nghệ thuật của mình trong lĩnh vực làm thơ và sáng tác nhạc. Về âm nhạc tôi vừa nhờ ca sĩ ghi âm xong hai bài hát Hà Nội, ngày trở về (Thơ Thanh Tùng) và Một mình lên đồi Thi Nhân (Nói về nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn).
Về thơ, đầu tháng 10 năm 2014 dư âm việc đoạt Giải nhất Cuộc thi thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Do Trang mạng văn học Vannghecuocsong.com tổ chức) – chưa dứt, thì hôm nay 24 tháng 10, tôi lại nhận được thông báo từ Ban biên tập Báo mạng Nguoixunghekiev.vn: Triệu Lam Châu vinh dự đoạt Giải ba Cuộc thi thơ viết về Xứ Nghệ (Do Báo mạng Nguoixunghekiev tổ chức năm 2013 – 2014), với chùm thơ tam ngữ Tày – Việt – Nga, gồm hai bài: Em cầm… thu…đưa lên môi thơm – Mo cau đằm tiếng lòng thủ thỉ.
Người nghệ sĩ nào cũng có nhu cầu giãi bày rất lớn. Do vậy tôi xin  đăng Chùm thơ được giải của tôi lên đây, để bạn bè cùng đọc cho vui nhé.
Chúc bạn đọc và bạn bè sức khoẻ và thắng lợi!
Ngày 24 tháng 10 năm 2014
Triệu Lam Châu
Đường trời:   trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502


Đường dẫn Thông báo kết quả Cuộc thơ viết về Xứ Nghệ:
http://nguoixunghekiev.vn/serviceView_332__63303.html  (Kết quả Cuộc thi thơ viết về Xứ Nghệ)

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

ĐỢI của VŨ QUẦN PHƯƠNG với lời bình HOÀNG DÂN

                                    

                                                           Nhà thơ Vũ Quần Phương

                                  Đợi
                                                                     Vũ Quần Phương

Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em

Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em* quen thành lạ
Nước chảy… kìa em, anh đợi em

Lời bình của Hoàng Dân
Bài thơ như một bức tranh gồm hai hệ thống hình tượng tĩnh và động. Tĩnh là cây cầu và người con trai. Động là dòng sông, là ánh nắng và bóng của cây cầu in hình dưới nước. Hai hệ thống hình tượng này có chung một không gian tĩnh và có chung một yếu tố vừa tĩnh vừa động: hình ảnh cây cầu và người con trai in bóng xuống dòng sông. Có thể nói, những liên tưởng thơ thú vị được khởi phát từ cái yếu tố chung vừa tĩnh vừa động này.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Chùm thơ Thiếu nhi, chủ đề làng quê của Vũ Xuân Quản


Chùm thơ Thiếu nhi, chủ đề làng  quê của 
Vũ Xuân Quản
    ( Thân quý tặng Tác giả Trường ca: THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH )

HOA QUỲNH

Con ngồi chen giữa ông bà
Hoa bung từng cánh nõn nà trước sân
Trăng thu lấp lánh sông ngân
Hoa trong trắng giữa trắng ngần trăng soi

HƯƠNG CỐM

Cốm xanh như ngọc long lanh
Gói trong chiếc lá sen xanh mịn màng
Hương thơm quện lũy tre làng
Lá sen đầy ắp dịu dàng hương quê

SÁO DIỀU

Cánh diều cưỡi gió tưng bừng
Chở theo tiếng hát lên lưng chừng trời
Đồng xanh sóng lượn chơi vơi
Chiều nghiêng thánh thót bao lời thương yêu
Rộn ràng khúc nhạc trong veo
Nghe như róc rách leo đèo suối qua

Sáo diều bản nhạc quê nhà
Đang bay bay giữa bao la vòm trời

Hà Nội, ngày 20/10/2014.


Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

NHƯ LÀ HAIKU số 3


Chùm NHƯ LÀ HAIKU số 3

                     Vũ Nho

1.     Nước mắt
Nụ cười
Dưỡng chất nuôi tình người
    
2.     Chim én trên trời
Hoa đào trên cây
Gọi xuân ắp đầy mặt đất

3.     Tình yêu
Như kem sữa mát
Càng ăn càng khát

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Tôi không nói...Bài ca...Một cái đầu...



THƠ RAXUN GAMZATOV trong bản dịch Việt, Tày của TRIỆU LAM CHÂU

134. Я все же не скажу, что с колыбели плох,
Плохим я постепенно в жизни стал.
Я все же не скажу, что с колыбели добр,
Я добрым постепенно в жизни стал.
     
134. Tôi không nói mình xấu từ trong nôi
Tôi thành xấu, theo tháng năm cuộc sống
Tôi không nói: Mình hiền từ trong nôi
Tôi thành hiền, theo tháng năm cuộc sống.

134. Hây bấu cảng tẳm chang ứ rà d’ày
Hây pjến d’ày, rjèo pi bươn t’ởi slổng
Hây bấu cảng: Tẳm chang ứ rà rưởng pướng slăm
Hây pjến rưởng, rjèo pi bươn t’ởi slổng.

135. Коль песня в оковах,
так сам я на воле.
А песня свободна,
так я подневолен.
Живу я, надежды своей не тая,
Чтоб были свободны и песня, и я.

135. Bài ca trong xiềng xích
Mà thân tôi tự do
Bài ca được tự do
Mà thân tôi lệ thuộc
Tôi không ngừng mộng ước:
Bài ca và thân tôi
Đều được cùng tự do.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Hát mãi về ANH về ĐẢO


Hát mãi về ANH về ĐẢO
Đọc tập thơ “ Trường Sa! Ơi Trường Sa!” của Lưu Thị Bạch Liễu
Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2014

                                  Vũ Nho

Bao đời nay, Người Việt coi biển đảo là một phần máu thịt của quê hương. Biết bao ca khúc, bài thơ của các văn nghệ sĩ đã nói về Hoàng Sa, Trường Sa, những phần đất thiêng liêng mà cha ông ta đã đổ bao máu xương đời đời gìn giữ.  Nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu, người con gái của núi rừng Thái Nguyên đã vượt muôn trùng sóng gió để đến với những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Chị đến với đảo, với các chiến sĩ “ không chỉ… đón gió biển mặn mòi, vục nước biển mênh mông vào tâm hồn mình, để cát Trường Sa hôn bàn chân, để đá Trường Sa kể chuyện ngàn năm bi tráng mà còn để nước mắt chảy xuống thấm vào và ở lại cùng với quần đảo thiêng liêng này”. ( Lời giới thiệu của nhà xuất bản).  Chị ra đảo với tư cách một nhà báo, một nhà thơ, một người em gái hậu phương, một công dân yêu nước. Và rồi sau đó về quê hương, chị luôn cảm thấy “ Biển vẫn thường vỗ sóng ở trong tôi”. Và tình cảm với đảo, với các chiến sĩ đã đơm hoa kết trái thành 20 bài thơ Hát về đảo và 15 bài thơ Viết trên sóng. Ba mươi lăm bài thơ là một món quà, một ấn phẩm giàu ý nghĩa khi cả nước đang hướng về biển đảo trong những tháng ngày qua.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

ĐUỐI THU AI ĐẮM...

Đường Văn


                                                                          ĐUỐI THU AI ĐẮM...


Tháng mười khủng khỉnh, hoài thu,
Mơn mơn hanh mỏi chẳng ru nổi tình.
Rạc rời, khung cứ xa tranh?
Chong khuya, hoang hoải giấc thành mộng du…

Chông chênh, chấp chới sa mù,
Lạnh lưng chiếu cũ, ầm ù sấm xa.
Lang mang, lạc lối cùng ma,
Nửa trời nhạt thếch, nửa ta bẽ bàng…

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

TỰ HÁT của XUÂN QUỲNH với lời bình HOÀNG DÂN

    Nhà giáo, nhà thơ Hoàng Dân

Tự hát
                                                                   Xuân Quỳnh

Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Lời bình của Hoàng Dân
Xưa nay, đông tây kim cổ, trong tình yêu người ta thường thích đại ngôn. Kẻ đang cưa cẩm thì “nịnh đầm” bằng những ngôn từ réo rắt du dương như chuông vàng khánh bạc. Mà thực ra, đó chỉ là thứ ngôn từ rẻ tiền, chỉ cần cóp nhặt trong sách vở hoặc nghe lỏm ở đâu đó là có thể đủ vốn liếng để dùng, miễn phí! Còn kẻ đang được cưa cẩm thì thoạt đầu cũng thấy hay hay, rồi dần dần say, thích và nghiện cái thứ ngôn từ hàng mã ấy! Thế cho nên, người ta chẳng tiếc gì mà không vinh thăng cho trái tim “Là máu thịt, đời thường ai chẳng có” ấy là vàng ròng, là kim cương (vì Kim cương bất hoại mà!).

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

NGÕ VẮNG...BUỒN MƠ


CHÙM MƠ VỀ THANH TỊNH
THƠ TRẦN TRUNG

1/NGÕ VẮNG
Trưa đủng đỉnh- chợt ngưng vệt nắng
Gà gáy đâu...ngỡ tự xửa xưa
Hình như tà tím trôi ngang ngõ ?
Thoảng gió hương đưa...Khách ngẫn ngờ.

2/HƯƠNG ĐỒNG
Chút gió se đủ gây màu nhớ
Tự vỗ về...hồn gửi nơi đâu?
Chợt tiếng rao rẽ vào ngõ khuất,
Hương nội đồng thoảng gió đưa sâu...

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

CẢM NHÂN TẬP THƠ “MƠ BẾN BÌNH YÊN” CỦA ĐẶNG LƯU SAN


CẢM NHÂN TẬP THƠ “MƠ BẾN BÌNH YÊN” CỦA ĐẶNG LƯU SAN
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014

                                               Vũ Nho

Đây là tập thơ tình yêu, một khát vọng, một  mơ ước của người phụ nữ muốn có được bến đỗ bình yên của cuộc đời.
Có nhiều bài thơ mà nhan đề trực tiếp nói về TÌNH yêu : Tình vỡ, Thả mối tơ tình, Tình nợ nhân gian, Bến bồi tình em, Tình hồng chưa phai, Ngọc ngà tình thu, Chợ tình Khau Vai, Ngỡ tình, Vô tình em, Khúc hát tình em, Cho em tình nồng, Tình trong đêm mưa ngâu…

Bài mở đầu, tình đem đến niềm vui, khao khát, ước mơ, nên phơi phới thành tiếng HÁT :
          Nhớ anh trái tim em hát
          Nồng nàn…Nồng nàn… Tình yêu
                              Gió thổi chiều nay
Thế rồi Tình vỡ, cho nên những giai điệu sau đó không còn là khúc hát vui, mà là khúc hát buồn, những lời than thở thấm đẫm nước mắt vì nỗi “dở dang”, nỗi cô đơn:

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

RA MẮT TẬP THƠ "MƠ BẾN BÌNH YÊN" CỦA ĐẶNG LƯU SAN

RA MẮT TẬP THƠ "MƠ BẾN BÌNH YÊN" CỦA ĐẶNG LƯU SAN

Chiều thứ Sáu, ngày 17 tháng 10 năm 2014, tại Trụ sở nhà xuất bản Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du, Hà Nội có buổi giới thiệu tập thơ " Mơ bến bình yên" của Đặng Lưu San. Nhiều nhà văn, nhà thơ, bạn bè của tác giả và người yêu thơ đã tham dự. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dẫn chương trình. Vũ Nho cũng có một bài cảm nhận. Đưa lên một vài hình ảnh.

                                              Những người dự

                                                  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dẫn chương trình

                                            Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc nhà xuất bản HNV tặng hoa tác giả

                                                     Nhà thơ Trần Quang Quý cảm nhận
                       
Sau nhà thơ Trần Quang Quý là phát biểu của Vũ Nho. Tiếp theo VN là nhà thơ Quang Hoài đang nhận xét

                 Nhà thơ Phạm Đức phát biểu

                   Tác giả nói lời cám ơn

Câu lạc bộ THƠ TÌNH MUA THU tặng quà cho tác giả

                    Bạn đọc mến mộ tặng hoa cho tác giả

Chụp ảnh lưu niệm


Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Chùm bài thơ được giải A trong cuộc thi thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chùm bài thơ được giải A trong cuộc thi thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sáng 16 tháng 10, năm 2014 tại trụ sở báo NGƯỜI HÀ NỘI 126 Nam Cao đã diễn ra Lễ tổng kết  và trao giải cuộc thi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có 4 tác giả đoạt giải A là Lê Xuân Đố ( tp HCM), Trần Chấn Uy ( Khánh Hòa), Triệu Lam Châu ( Phú Yên) và Đào Tiến ( Hà Nội). 3 tác giả được giải B là Sỹ Lương ( Vũng Tàu), Thái A ( chuyên gia châu Phi) và Lê Đức Nghinh ( Thái Bình). 4 tác giả giải C gồm : Ngô Minh ( Thừa Thiên - Huế), Vĩnh Nguyên ( Thừa Thiên- Huế), Trần Thanh Hương ( Quảng Bình) và Khánh Đông ( Cao Bằng). VN được mời phát biểu về kết quả cuộc thi. Dưới đây là mấy hình ảnh buổi Lễ tổng kết và chùm bài cùng tâm sự của Triệu Lam Châu.
                                                            Nhà thơ Đỗ Hoàng tổng kết cuộc thi

                                           Nhà văn Hoàng Minh Tường trao Giải C cho hai tác giả có mặt


       Nhà thơ Trần Quang Đạo,Tổng biên tập báo Nhi đồng trao giải B cho tác giả  Lê Đức Nghinh có mặt

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập báo Người Hà Nội trao giải A cho hai tác giả có mặt
Đào Tiến ( Hà Nội) bìa trái và Lê Xuân Đố ( thành phố Hồ Chí Minh)



Triệu Lam Châu

MỘT NIỀM VUI HẠNH PHÚC ĐẾN CỰC KỲ

Triệu Lam Châu xin chào tất cả các anh chị em, bạn bè thân hữu và bạn đọc gần xa. Trang mạng văn học Vannghecuocsong.com do nhà thơ Đỗ Hoàng đảm trách, vừa thông báo về Kết quả Cuộc thi thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tiến hành từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014).
Trong Cuộc thi thơ này Triệu Lam Châu tôi vinh dự đoạt Giả A (Giải Nhất).

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

GIỚI THIỆU TẬP THƠ "TÂM TÌNH" CỦA NHÀ KHOA HỌC LÀM THƠ ĐỨC VƯỢNG

GIỚI THIỆU TẬP THƠ "TÂM TÌNH" CỦA NHÀ KHOA HỌC LÀM THƠ ĐỨC VƯỢNG


Sáng 16 tháng 10, Thi đàn tổ chức giới thiệu tập thơ TÂM TÌNH của PGS TS Đức Vượng, Viện trưởng Viện  Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực. Vũ Nho có tham gia và có bài viết ngắn. Đưa lên vài hình ảnh và bài viết.

                                             Nhà thơ Phạm Hoàng Nam trình bày cảm nhận về tập thơ

                   
          Những người dự

Thạc sĩ Minh trình bày cảm nhận về thơ tình yêu của tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

MỘT CHÚT TÂM TƯ NGUYỄN TRÃI





MỘT CHÚT TÂM TƯ NGUYỄN TRÃI

(QUA BÀI THƠ MẠN THUẬT SỐ 10)

                                                VŨ BÌNH LỤC


Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo,
Chí cũ công danh vuỗn lỡ keo.
Viện có hoa tàn chăng quét đất,
Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo!
Lòng người tựa mặt ai ai khác
Sự thế bằng cờ bước bước nghèo
Không hết kể chi tay trí thuật
Để đòi khi ngã, thắt khi eo.

Đây là bài thơ “Thuật” cái tâm sự của tác giả, trong tình thế bất như ý của cuộc đời. Nhàn quan, nên đôi khi ngồi suy ngẫm sự đời, không thể nói là không buồn. Và nghĩ ngợi:
Tưởng thân hư ảo nổi bằng bèo
Chí cũ công danh vuỗn lỡ keo

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CHẤT PHIÊU BỒNG LÃNG DU TRONG THƠ NGUYỄN TƯỜNG VĂN

                                                                         Triệu Lam Châu
Triệu Lam Châu

CHẤT PHIÊU BỒNG LÃNG DU TRONG THƠ NGUYỄN TƯỜNG VĂN


Đầu năm 1980 tôi được Tổng cục Địa chất điều động vào làm công tác giảng dạy tại Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất 2 (Nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp) thị xã Tuy Hoà. Vậy là có dịp đến đọc sách ở thư viện Hải Phú. Tại đây tôi được làm quen với anh Dương Thái Nhơn, cán bộ thư viện, người khởi xướng Đêm thơ Nguyên tiêu Tuy Hoà năm 1981 xa xưa. Cũng nhờ anh Nhơn mà tôi được gia nhập Hội những người yêu đọc sách. Sau khi gia nhập Hội này, tôi mới được làm quen với nhà thơ Nguyễn Tường Văn – một con người giàu nhuệ khí, yêu thơ văn say đắm và có giọng đọc thơ sang sảng, giàu ấn tượng, chinh phục người nghe.
Thế rồi tình cờ trên Tạp chí Văn nghệ Phú Khánh hồi ấy, tôi đọc được bài thơ Nghĩ về mẹ của anh. Một bài thơ tràn trề tình cảm của một người con đối với mẹ già - làm cho độc giả là tôi khi đó cảm tình ngay với hồn thơ anh:

Khi con về đường xóm nhỏ lên đèn
Mẹ tựa cửa mong những lần con vắng
Trời vào đông sao chiều nay gió lặng
Giúp con về bên mẹ đêm nay…

Vậy là con đi công tác xa và trở về nhà với mẹ trong một buổi chiều đông. Trời thì buốt lạnh – mà lòng con lại ấm áp vô ngần bởi được sưởi ấm tình mẹ nồng nàn bấy năm qua.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

CHÙM THƠ CHO CHUYÊN NGỮ





CHÙM THƠ CHO CHUYÊN NGỮ
                   TRẦN TRUNG

1/TÌNH-PHẤN-TRẮNG
 Muốn đặt mãi nụ hôn
Đậu vào tình sâu lắng
Nào phải tình gái trai
Hôn vào tình...Phấn-Trắng.
          ***
Bao lớp trò đã qua
Ngỡ quên mà chẳng xa...
Gửi nụ hôn theo gió
Tóc xanh thơm theo đà.
         ***
Sao gọi Thầy-lái đò !?
Một đời đưa miết mải
Tình trò mãi không qua,
Muốn hôn dài...không thỏa
        ***
Đời Người như dòng sông
Dâng theo sóng mênh mông
Một ngày Ta chợt gọi :
Phấn-Trắng ơi !
Tình nồng...

2/NHỮNG GƯƠNG MẶT
Những Gương-Mặt-Trò
đi qua đời Tôi
Như những ngọn gió lành
Còn xanh...
Tôi cất giữ tận đáy lòng mình
Nhớ mãi.
          ***
Những gương mặt trẻ xinh
Cả gái lẫn trai
Thông minh
Tự tin
Giầu nhân ái...
Những trang sách- chưng cất từ đời
Các con tôi lật giở,
Vỡ ra như những luống cày
Khao khát đợi bình minh...
        ***
Những Gương-Mặt-Trò
Những gương mặt trẻ xinh
Thầy-Trò cùng nghiêng vào nhau soi bóng
Để tìm ra Mình
Tìm ra nhau
Giữa một trời ngợp đầy tri thức
Mãi hồi sinh...

3/CÓ MỘT NGÀY...

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Xem phim SỐNG CÙNG LỊCH SỬ tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia


Phim này đã xem ở 51 Trần Hưng Đạo, nay muốn xem lại một lần nữa để hiểu vì sao người ta "ném đá" tơi bời trên mạng. Chiếu ở Trung tâm, nhưng không bán vé,chỉ mời xem. Mà xem không mất tiền những một tuần. Hai bộ phim hôm đó la Bác sĩ Trần Duy Hưng một người Hà Nội (30 phút) và Sống cùng lịch sử ( 110 phút). Bây giờ thì các nhà làm phim đã cắt chi tiết đưa pháo xuống bè vô cùng bịa đặt rồi. Nhưng cái cảnh sông và những bè lương thực cháy nghi ngút và loang máu đỏ thì vẫn còn đó. Vì nó liên quan đến nỗi ám ảnh của nhân vật nữ chính cùng hai bạn trai phượt Điện Biên. Ấn tượng chung là không hay, chắp và, minh họa lại đủ ba cảnh Tô Vĩnh Diện chèn pháo, Bế Văn Đàn làm giá súng và Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai. Ùng oàng hơi nhiều và nói chung là phim xoàng. Chỉ có đổi mới là cho nhân vật đồng hiện, cùng tham gia vào sự kiện lịch sử. Và khi 3 nhân vật ở hầm Đờ cát thì có tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Nên có thêm cảnh đám tang, cập nhật thời sự. Dù lần trước đạo diễn Thanh Vân nói Đoàn cố gắng làm phim "cúng cụ" nhưng đổi mới. Thật ra chẳng mới được bao nhiêu. Có lẽ cái chính là tài năng của người biên kịch. Không am hiểu Lịch sử, ý tưởng nghèo nàn nên dù đạo diễn có giỏi, diễn viên có tài thì phim vẫn cứ XOÀNG!
                                                          Áp phích quảng cáo
                                                                    Tặng hoa Đoàn làm phim Bác sĩ Trần Duy Hưng một người Hà Nội

                                                                   Nữ diễn viên của phim Sống cùng lịch sử phát biểu

                                                                                    Khán giả