Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Chùm thơ về X. Exenhin

                                                                       Nhà thơ Triệu Lam Châu


Triệu Lam Châu

CHÙM THƠ SONG NGỮ TÀY – VIỆT
      KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ NGA ÊXÊNHIN     
(3/10/1895 – 3/10/2013)

Lời tâm sự của tác giả:
Từ năm 1984 tôi luôn trăn trở làm sao cho thơ mình vừa dân tộc vừa hiện đại. Mãi đến năm 1992 tôi mới tìm được hướng đi riêng cho thơ mình. Bằng tưởng tượng, tôi cho những nhân vật văn hoá Nga vĩ đại lên thăm miền núi Cao Bằng quê tôi. Rồi từ tâm hồn riêng của mình, mỗi vị ấy sẽ suy tư về những nét đặc sắc của văn hoá Tày Cao Bằng. Nếu làm thành công theo hướng đó, bài thơ sẽ vừa có chất Tày Việt Nam lại vừa có chất Nga. Tôi mạo muội gọi đó là bút pháp giao thoa văn hoá.
Êxênhin là nhà thơ lớn của đồng quê nước Nga. Thơ ông thể hiện say đắm tình người và cảnh đẹp thiên nhiên của vùng đồng quê Nga mênh mang…Kỳ trước tôi đã cho hình tượng Êxênhin dự  cuộc vui sli lượn đêm trăng của người Tày. Ông đã từng đắm hết mình vào trường văn hoá độc đáo của người Tày. Kỳ này Triệu Lam Châu đón nhà thơ Êxênhin lên Cao Bằng. Ông trầm tư thưởng lãm mái nhà sàn độc đáo của người Tày, mà nhớ tới vùng Riadan quê ông với dòng sông Ôka thơm mùi táo chín mỗi độ thu về, song không hề có mùi trám và mùi cốm lạ thơm lừng như ở bản Nà Pẳng của Triệu Lam Châu. Rồi ông háo hức tham gia trò vui lày cỏ của người Tày. Dĩ nhiên ông sẽ bị thua trong lày cỏ và phải chịu uống rượu đến say ngất ngư…Rồi khi sang trò chơi đối đáp bằng thơ, Êxênhin lại luôn giành phần thắng về mình…
Từ đấy Triệu Lam Châu muốn đề cập đến sự giao thoa văn hoá Tày – Việt – Nga trong tác phẩm của mình về phương diện nội dung cũng như hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ thơ…
Kỷ niệm 118 năm ngày sinh nhà thơ Nga Êxênhin, Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý chùm thơ mới của mình…
Tuy Hoà, chiều 28 tháng 9 năm 2013
Đường trời:  trieulamchau@gmail.com
Số nối:  0983 825502  


Bản tiếng Tày:

Êxênhin tó p’ài ngoạ rườn slung
                        
Tó p’ài ngoạ rườn slung cúa bản
Êxênhin đỏi mủng mại muổn mày
Thieo đeo pjấu d’uởng rièo liếm ngoạ
Cử d’àu lây p’ủng khảu  ấc slim d’ai

D’ử nè, cứ này lẻ miều tan khiêu liu liu
D’ai mác bây ngửt ngào Nà Pẳng
Miều mẩu nằn cụp cum tó moỏng
Xáu khúc khái mồm lẩc lỉu slim Nga

Thieo lương tan nua t’ả Ôka
Dặm rửng roàng mà oạ căn p’joọm nả
Hênh nổc mồm kiu bại sluôn cáu mảc
Slan kép châư p’ài ngoạ rườn  rà

Rôi ăn đây ón mậy khân pao
Tái d’ai mà đuổi pướng slăm mé nỏ
P’ài ngoạ này sliết slương lai á
Vầy d’iển kiu slan hom rủng vầy xâu

Ròi pèng miều chay hom chang tổng nhù hây
Thom tẳm nà Riadan oạ  t’ổng mường Nà Pẳng
P’ài nẩy dải mộp mồng pình guẹng
Bặng slình hâư têm teéc đét thua miều

Chài đỏi d’ằng khửn hênh sli slăm Nga
P’ài ngoạ liện piến p’ần bâư xâu khoay nắt
Mọi kép châư ngoạ nua – pích nổc bân t’àn khoóp
Phứt khửn nhoỏt Khau Mi-à rổp đao rủng Kremlanh…
Cao Bằng, miều tan 2009


Bản tiếng Việt:

Êxênhin bên mái ngói nhà sàn
                                                                         
Bên mái ngói nhà sàn của bản
Êxênhin ngẩn ngơ ngắm mãi không thôi
Một dòng chảy vô hình theo mái ngói
Cứ tuôn tràn xối thẳng vào trái tim chàng

Phải rồi, bây giờ là mùa thu xanh mênh mang
Hương trám núi thơm lừng Nà Pẳng
Mùa cốm lại cụp cum đồng vọng
Với bao nỗi niềm sâu lắng trái tim Nga

Ánh vàng thu bên dòng sông Ôka
Cứ ruời rượi về đây hội tụ
Bao tiếng chim ngần của những vườn táo cổ
Đan thành phím ngói mái nhà sàn

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

THỀ ĐỘC



                                                  

                                                                  Nhà văn Vũ Công Hoan

 THỀ ĐỘC

                                                                                            Trần Nguyên Bân

                                                                                          Vũ Công Hoan dịch

          Ô Khoát Tử là nhân vật anh hùng của địa phương. Sự tích của ông được lưu truyền sâu rộng. Nội dung đại thể là. Năm mười sáu tuổi Ô Khoát Tử và bạn là Ngô Tam đi theo cách mạng. Ba năm sau NgôTam phản bội chạy sang phía địch dẫn đường đuổi bắt đồng hương Ô Khoát Tử, vừa may gặp bộ đội tăng viện kịp thời tiêu diệt kẻ thù. Với tinh thần vì đại nghĩa từ bỏ thân quen, khi bắn giết Ngô Tam, Ô Khoát Tử đã bị Ngô Tam chặt một nhát. Vết chém kéo dài từ trên xuống dưới tạo thành một đường rạch. Từ đó trở đi người ta quen gọi sau lưng là “Ô Rạch”.

         

          Sự tích của “Ô Rạch” đã từng bị nghi vấn. Trước tiên chia rẽ bắt đầu từ bộ đội  tăng viện. Số đông người tin Ô Khoát Tử là anh hùng. Nhưng cũng có một vài người hoài nghi kẻ phản bội không phải Ngô Tam, mà chính là Ô Khoát Tử và từ đó suy ra Ô Khoát Tử giết Ngô Tam không phải vì đại nghĩa diệt thân quen, mà là để giết người diệt khẩu. Lời đồn cứ truyền đi truyền lại khiến người ta phải coi trọng. “Ô Rạch” bị điều tra. Nhưng Ngô Tam và cả những kẻ thù đến bắt người đều đã chết, chỉ còn  một mình “Ô Rạch” là người trong cuộc. “Ô Rạch” đành phải tự đứng ra làm chứng cho mình.Nhưng mặc dù “Ô Rạch” nói thế nào đi nữa thường có những người tin và người không tin. “Ô Rạch”điên tiết chỉ Trời chỉ Đất thề độc:

          “Nếu nói dối, tôi sẽ bị Trời đánh Thánh vật.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

ĐÊM THÌ NGẮN ĐỜI THÌ DÀI...




                   


                            Vũ Nho


                             ĐÊM THÌ NGẮN ĐỜI THÌ DÀI
         
                             Vườn cây Hà Nội không tên
                   Từ nghìn năm để đợi em bây giờ
                             Thơ trong em em trong thơ
                   Bên nhau mà vẫn còn ngờ chiêm bao
                             Trời ranh mãnh đổ mưa rào
                   Đem ai ngượng nghịu buộc vào với ai
                             Đêm thì ngắn đời thì dài…
                            
                                                Hà Nội, tháng 9/2001





Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

NGƯỜI Ở NGÕ THỊ CẦU



HỒ THUỶ GIANG
                                            
    
                              
                                 NGƯỜI Ở NGÕ THỊ CẦU

                                                             Truyện ngắn
     
                  Có lẽ chỉ ở thành thị mới có cái chuyện người chung sống cùng ngõ tới vài năm mà vẫn chưa biết tên biết tuổi chứ chưa nói gì đến chuyện hiểu tâm tính hoặc nghề nghiệp của nhau. Ở cái ngõ hẻm Thị Cầu này quả đúng như vậy. Căn nhà giữa ngõ, thấp bé nhất là nhà ông nhà thơ nổi tiếng cả nước mà tận đến ngày vĩnh biệt trần gian, dân trong ngõ mới ngã ngửa người ra là ở ngay cái ngõ nhỏ xoàng xĩnh của mình lại có một nhân vật tên tuổi đến như vậy. Có một sự kiện khá hài hước là vào ngày viếng ông nhà thơ, có chiếc xe con bóng nhoáng của chủ tịch tỉnh đi tới. Chú lái xe chạy đến hỏi bà hàng nước ở đầu ngõ rằng đây có phải là đám tang nhà thơ Lí Tâm không, liền được bà trả lời rất vô tư rằng :"Tôi không biết ông nhà thơ Lí Tâm, nhưng đây là đám ma ông Tâm hâm thì đúng rồi". Thì dân ngõ vẫn quen gọi ông bằng cái tên như thế chứ chẳng phải vì ghét bỏ gì. Họ gán cho ông chữ  "hâm" không do ác ý mà bởi ông cứ suốt ngày cặm cụi bên chiếc bàn đã long chân, trong khi đó bà vợ thì đã già mà vẫn phải ra ngoài đường bán vé số.  Nhà bé, vợ khổ, sống tằn tiện, xe đạp tàng nhưng ông thì vẫn suốt ngày đọc đọc, viết viết. Không hâm thì còn là cái gì nữa? Ấy vậy mà đùng một cái, đến lúc chết, ông Tâm hâm lại hoá thành ông nhà thơ Lí Tâm, lại còn được chủ tịch tỉnh đến viếng. Chẳng biết thơ phú cái nhà ông Lí Tâm ấy hay ho đến đâu nhưng cứ được đích thân chủ tịch tỉnh đến tận nhà (dù chỉ là khi đã chết) thì ắt không phải là người tầm thường rồi. Tầm thường thế nào được! Dân ngõ Thị Cầu rất tự hào mỗi khi nói với dân ngõ Phú Gia bên cạnh rằng: "Ông nhà thơ của ngõ tôi được cả giải thơ quốc tế đấy nhá".
       Chuyện là thế. Nhưng đó là cái chuyện cũng vô hại. Dân trong ngõ đang còn phải đầu tắt mặt tối làm ăn kiếm sống, họ biết hay không biết một ông nhà thơ ở ngay bên cạnh họ thì thực ra cũng chẳng có gì ảnh hưởng đến hoà bình thế giới.
       

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

THƠ Raxun Gamzatov trong bản dịch của TRIỆU LAM CHÂU


                   Nhà thơ Raxun Gamzatov

THƠ Raxun Gamzatov trong bản dịch của TRIỆU LAM CHÂU 

Trước đây, trên Blog Yahoo, tôi đã giới thiệu tập thơ " Cây Tiêu huyền nghe mưa" của R.Gamzatov do nhà thơ  Triệu Lam Châu dịch. Blog cũ bị đóng cửa, nay giới thiệu lại trên Blog này cho những ai quan tâm. Cám ơn bạn Triệu Lam Châu đã tin cậy gửi toàn bộ bản dịch cho chủ trang!


ĐÔI LỜI VỀ NHÀ THƠ RAXUN GAMZATỐP

  Nhà thơ Raxun Gamzatốp sinh năm 1923, người dân tộc thiểu số Avar, nước Cộng hoà tự trị Đaghextan, thuộc Liên bang Nga. Ông được tặng danh hiệu nhà thơ nhân dân Liên Xô (1959), Nhà hoạt động xã hội, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô (1974).Năm 1963 Raxun Gamzatốp đoạt Giải thưởng Lênin về văn học, với tập thơ Những ngôi sao trên cao. Bạn đọc Nga say mê phong cách thơ độc đáo của Raxun Gamzatốp, phản ánh mảng hiện thực miền núi Đaghextan với một loạt tập thơ và trường ca đặc sắc: Mảnh đất của tôi, Tổ quốc của người sơn cước, Trái tim tôi trên núi, Bên bếp lửa, Và trò truyện cùng sao, Chuỗi hạt tháng năm, , Cô sơn nữ, Cái giá cuối cùng, Trò truyện với người cha, Hãy phán xét tôi theo đạo luật của tình yêu, Hãy bảo vệ các bà mẹ, Hòn đảo của phụ nữ… Đặc biệt là hai tập văn xuôi trữ tình Đaghextan của tôi (đã được dịch sang tiếng Việt) càng thể hiện rực rỡ phong cách sáng tác độc đáo của ông.
  Nét nổi bật nhất trong phong cách thơ Raxun Gamzatốp là sự giản dị giàu chất dân gian, nhưng thấm đượm một trí tuệ thâm trầm, sâu sắc, đôi lúc có pha chút hóm hỉnh rất giàu chất dân dã của miền Đaghextan xứ núi. Nó thể hiện thành công tâm hồn mộc mạc, đôn hậu, giàu nghĩa khí của người miền núi quê ông, cùng những giá trị thăm thẳm của lịch sử và chiều sâu văn hoá của miền Đaghextan xa xôi mà gần gũi với chúng ta.
  Thơ Raxun Gamzatốp là sự giao thoa đẹp đẽ giữa hai nền văn hoá Nga và Đaghextan.

 Trước kia, thơ Raxun Gamzatốp là tiếng ca lạc quan, là sự suy ngẫm và trải nghiệm sâu xa về tình yêu, cuộc đời, về dân tộc, thời đại, về Tổ quốc, lịch sử, về tình đoàn kết các dân tộc xây dựng cuộc sống mới trong Liên bang Xô Viết.
  Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, một nhà thơ giàu ý thức công dân như Raxun Gamzatốp, hẳn ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Chính vì vậy thơ của ông sáng tác thời kỳ sau này nhuốm một nỗi buồn thế sự rất sâu xa. Mỗi vần thơ của ông chính là máu thịt của ông giữa cuộc đời này.
  Thơ Raxun Gamzatốp đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
  Đồng cảm với tâm hồn Raxun Gamzatốp, tôi chọn dịch những vần thơ tứ tuyệt của ông từ tiếng Nga và tập hợp thành tập “Cây tiêu huyền nghe mưa”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa…
   
                                                     Triệu Lam Châu





1.      Chào bạn! Hãy nhìn ngoài cửa sổ kia: ngựa trắng  đang chờ  - Nếu can đảm, hãy thắng  yên lên mình nó -  Cầu trời cho anh đừng buồn vì ý nghĩ: “Có thể thắng yên cương, nhưng chưa kịp làm thôi”

2.      Bạn ước mong gì dưới mái lều số phận?
Ước mong mình cũng như bạn thôi:
            Mong chiếc bánh mì nhẹ đi và thêm rẻ
           Nhưng ngôn từ phải đắt giá hơn và thêm nặng ký nay mai

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

TÔ NHI NÔ TÀNG HÌNH

                                                                        Vũ Nho chủ trang

TÔ NHI NÔ TÀNG HÌNH
          R. Rô-đa-ri ( Ytalia)
          Vũ Nho dịch qua bản tiếng Nga

Một hôm chú bé Tô-nhi-nô không thuộc bài. Trên đường đến trường, chú rất lo sẽ bị gọi lên bảng. “ Ồ! Giá mà mình biến đi được!...” – chú nghĩ thầm.
          Như thường lệ, bài học bắt đầu, thầy giáo điểm danh. Khi thầy gọi đến  tên Tô-nhi-nô, chú đáp : “Có”, nhưng chẳng ai nghe thấy. Thầy giáo nói:
          - Đáng tiếc là Tô-nhi-nô không đến. Hôm nay thầy muốn hỏi bài em ấy. Nếu như em ấy bị ốm, chúng ta hi vọng là chỉ ốm nhẹ thôi.
          Lập tức Tô-nhi-nô hiểu rằng mong muốn của chú đã được thực hiện, chú đã thành người tàng hình. Sung sướng quá, chú  bay vụt ra khỏi bàn như một cái nút chai, lao thẳng vào cái sọt chứa đầy giấy vụn. Ra khỏi sọt, chú lại phóng vào lớp, giật chỏm tóc các bạn và làm đổ tung tóe các lọ mực. Cả lớp bỗng trở nên om sòm, huyên náo. Các bạn cãi cọ, hờn giận nhau, và tất cả đều nghĩ rằng một người nào đó có lỗi trong những trò nghịch ngợm này. Dĩ nhiên, không ai nghĩ đến Tô-nhi-nô tàng hình.
          Cuối cùng, Tô-nhi-nô cũng chán trò tiêu khiển đó. Chú rời khỏi trường và chui vào ô tô. Chú ngồi vào một ghế trống. Còn chuyện lấy vé, tất nhiên chú không nghĩ đến. Vì người soát vé không thể nhìn thấy chú. Đến bến sau, một xi-nho-ra lên ô tô mang theo một cái túi nặng trịch. Bà ta nhìn thấy một chỗ trống – chỗ Tô-nhi-nô đang ngồi, không đắn đo, bà ta đặt ngay cái túi của mình lên người Tô-nhi-nô. Chú bé đáng thương của chúng ta suýt ngạt thở, còn xi-nho-ra kêu lên:
          - Thế này là thế nào? Thật là một sự bịp bợm. Có lẽ bây giờ không nên đi ô tô nữa chăng? Các ông bà xem đây, tôi đặt cái túi xuống, thế mà nó cứ treo lơ lửng thế này!
          Hành khách trò chuyện, cãi cọ nhau, ai cũng chửi mắng sở giao thông thành phố.
          Đến trung tâm, Tô-nhi-nô chui ra khỏi ô tô, đoạn luồn ngay vào cửa hàng kẹo bánh và chén liền! Đầu tiên chú thọc tay vào hộp bánh sữa phủ kín nho khô, sau đó chén thả cửa các loại sô cô la và đủ thứ bánh kẹo khác. Người bán hàng khi nhìn thấy quầy hàng vợi hẳn đi bèn nghi ngờ ngay cho một xi-nho oai vệ, người mua kẹo ca ra men cho bà thím  già của mình. Xi-nho tất nhiên là phản đối.
          - Thế nào! Tôi mà ăn trộm ư? Bà có biết là bà đang nói  chuyện với ai không? Bà có biết bố tôi là ai không? Bà biết ông tôi là ai không?
          - Tôi không biết và không cần biết – bà bán hàng cắt ngang.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

NHỚ TÚ XƯƠNG


NHỚ TÚ XƯƠNG
THƠ 
TRẦN TRUNG

Người chỉ "quên ô" đi hát Cô đầu
Người chẳng chịu '' vác ô"-sống đời buồn tẻ...
Người nổi loạn trong từng Con-Chữ
"Chớp bể mưa nguồn" ngợp lặn Nỗi-Buồn-Tênh.
             ***
Người tạt a-xit vào Nỗi-Đời lọc lừa, lưu manh, cơ hội...
Người cất tiếng cười đau vào thế thái nhân tình
Người phạm húy -Người phá tung khuôn phép
Cho lên ngôi muôn đời-Một Ông Tú-Thành Nam
             ***
Người cất tiếng gọi đò cả khi dòng chảy Vị Hoàng
Đã thành "Sông lấp"
Người "Thương vợ" Mình "buôn bán ở mom sông''
Người ném thủy tinh vỡ vào "thói đời ăn ở bạc"
Và xót xa tận cùng"Có chồng hờ hững cũng như không"...
            ***
Giữa thời thác loạn nay của "Văn minh","hiện đại"
Người-Thơ, Thơ-Người vẫn đồng hành Khóc-Cười
Trong Nhân-Ái vô biên
Nhớ Tú Xương ...
Mà,thương mãi Kiếp-Người.

           HÀ NỘI 18/9/2013.


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

HỒ THỦY GIANG - CÂY TRUYỆN NGẮN






HỒ THỦY GIANG - CÂY TRUYỆN NGẮN
                          Vũ Nho

Ở mảnh đất Thái Nguyên mà tôi một thời gắn bó, từ trước đến tận bây giờ, những cây bút gạo cội có thể kể là nhà giáo, nhà văn Vi Hồng, nhà thơ Ma Trường Nguyên, nhà văn Hà Đức Toàn và cây truyện ngắn Hồ Thủy Giang. Hồ Thủy Giang xuất hiện sớm, được giải cao trong khi những cây bút khác cùng lứa như Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Minh Tường, Võ Nhu, Chu Hồng Hải, sau này là Nguyễn Đức Thiện…mới lác đác có vài truyện ngắn in trên tờ Văn Nghệ Việt Bắc, tờ tạp chí của Khu tự trị gồm sáu tỉnh Cao Bắc Lạng Hà Tuyên Thái.
Nếu ai hay theo dõi các giải thưởng thì sẽ có một sự kinh ngạc khác : Hồ Thủy Giang là người luôn luôn có duyên với giải thưởng. Hầu như “tuần chay” giải thưởng  nào anh cũng có “nước mắt”. Mà lại nhiều giải cao. Công bố 27 tác phẩm gồm truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản phim truyền hình, thơ, bình thơ trong đó có  12 tập truyện ngắn, Hồ Thủy Giang ẵm tất cả 20 giải thưởng của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Báo Tuổi trẻ, Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam…Truyện ngắn của anh được làm luận văn thạc sĩ, được chọn vào sách giáo khoa tiểu học, sách giáo khoa văn học địa phương…
Tôi ấn tượng mãi khi cùng Hoàng Minh Tường đến Cát Nê để thăm nhà văn Hà Đức Toàn. Lúc đó anh Toàn cần phải mượn thêm một xe đạp nữa cho hai văn sĩ từ Hà Nội lên. Anh nói chuyện với bà cụ chủ nhà và giới thiệu Hoàng Minh Tường với tôi là “nhà văn” từ Hà Nội muốn đi thực tế Cát Nê. Bà cụ chủ nhà mau mắn nói: “- À, tôi biết rồi, các ông đây là nhà văn như ông Hồ Thủy Giang chứ gì!”.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

VỊNH TAM QUỐC ( tiếp)





VỊNH TAM QUỐC  (tiếp) 
Đường Văn


1.     CẦU PHONG

Đàn Thất  Tinh, phù thủy cầu phong,
Bày trò yêu*, che mắt Chu Lang.
Giá biết: chẳng cầu, gió cũng nổi!
Khổng Minh đâu xứng gọi nhân thần!

* Yêu quái. * Hồi 49.

2.     HOA DUNG

Hẻm Hoa Dung, nhớ nghĩa, tha Tào.
Quan nào hay Gia Cát mưu sâu:
Nếu diệt gian hùng, Bắc tất loạn!
Chi bằng lưỡng lợi, rạch tam phân!

·         Hồi 50: Gia Cát Lượng khéo tính đường Hoa Dung/Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo.

3.     THẤT CẦM  MẠNH HOẠCH

Khoan dung hay quỷ quyệt?
Mặc hậu thế luận bàn!
Thương vua Man khờ khạo!
Sợ ông lớn Cha hiền!

* Để ổn định lâu dài miền Tây Nam nước Thục trước khi lên phía Bắc đánh Ngụy, Khổng Minh cất đại quân Thục bình Man (Vân Nam), thất cầm (7 lần bắt, 7 lần tha) vua Man Mạnh Hoạch. Sau này, dân Man suy tôn Gia Cát Thừa tướng là vị Cha hiền khoan dung, đại độ. (Hồi 87 – 91).

4. LỤC XUẤT KỲ SƠN
Kỳ Sơn trỏ ngọn cờ đào,
Một tay, mong chống trời cao muôn trùng!
Lục xuất Kỳ Sơn, cháy hết mình!
Mưu thần, mẹo thánh, dạ trung trinh!
Dẫu biết trời xanh thôi tựa Hán,
Chế nhân tiên phát vẫn không thành!

* 6 lần (227 – 234) Khổng Minh từ Hán Trung dẫn quân ra Kỳ Sơn đánh Ngụy, thực hiện chiến lược tiên phát chế nhân (đánh người trước để giữ mình) trong tình thế chênh lệch mọi mặt với nước Ngụy lớn mạnh. Trận chiến đang tiếp diễn thì Gia Cát ốm nặng và qua đời tại doanh trại Ngũ Trượng nguyên. (Hồi 91 – 104)



Hạ tuần tháng ngâu năm Quý Tỵ,
25 – 31– 7 – 2013.
Đường Văn

Còn nữa







Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

LỌ HOA XANH CỦA GIÁO SƯ



                                      



LỌ HOA XANH CỦA GIÁO SƯ

                                                                                            Trâu Hỏa Diệm

                                                                                          Vũ Công Hoan dịch

          Trước khi giảng bài, giáo sư đến lớp học, nhờ các em học sinh giúp ông bưng bê một số lọ hoa xanh trong nhà ông đến lớp học, ông bảo chờ lát nữa giảng bài sẽ dùng đến những lọ hoa xanh này. Giáo sư nói:
-         Em nào vui lòng giúp thầy chuyển lọ hoa hãy giơ tay!
         
          Kết quả hơn năm mươi học sinh cả lớp đều đồng loạt ầm ầm giơ tay. Giáo sư chọn mười mấy sinh viên tương đối bạo dạn theo giáo sư về nhà.
         
          Trong tủ cất giữ của gia đình giáo sư bày hơn mười lọ hoa xanh xinh đẹp. Một sinh viên hỏi:
          - Thưa giáo sư những lọ hoa này rất quí hiếm, mà lại dễ vỡ, nếu khi chuyển chúng em lỡ tay rơi vỡ liệu có phải đền không?
          Giáo sư đáp:
          - Đừng thấy màu sắc của những lọ sứ này đẹp mắt, thực ra không có giá trị lắm, chỉ hơn năm mươi đồng là mua được một cái. Các em cứ cố gắng, ngộ có đánh vỡ các em cũng có thể bồi thường được, sợ gì!
         
          Nghe nói thế các em hỉ hả vui cười, mỗi em bê một lọ đi đến lớp học, xếp gọn gàng ngay ngắn trên bàn cạnh bục giảng.
         
          Bắt đầu vào học. Giáo sư nói:
          - Các em ạ, các em biết mỗi lọ hoa các em vừa bê đến đáng giá bao nhiêu không?
          Có sinh viên đáp:
-         Vừa nãy thầy đã nói mỗi lọ hơn năm mươi đồng.
Giáo sư cười bảo:
          - Đấy là thầy nói dối các em, lọ sứ hoa xanh loại này, giá thị trường trong nước, mỗi cái hơn hai vạn đồng.
          - Chà...
         
          Các sinh viên trợn tròn mắt, những em lúc nãy ôm bê lọ hoa giật mình đánh thót, bởi vì các em cứ tưởng lọ sứ không đáng giá, suýt nữa đánh rơi vỡ dọc đường.
         
          Bỗng máy điện thoại di động của giáo sư đổ chuông. Giáo sư bấm phím, sinh viên cả lớp đều nghe thấy cuộc đối thoại giữa giáo sư và phu nhân giáo sư. Bà bảo ông ngay lập tức đưa các lọ hoa về nhà. Thật ra khâu này đã được giáo sư thiết kế từ trước.
          Giáo sư nói:
           - Các em , các em đã nghe rõ rồi chứ. Bà xã nhà tôi bảo tôi chuyển ngay các lọ hoa về nhà. Xem ra vẫn phải nhờ các em giúp thầy một tay.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013



HAI QUẢ HỒNG
   
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều
Lời bình của Vũ Nho

NGƯỜI GÌ MÀ QUÁI LẠ NHƯ VẬY? CA DAO ĐÃ TỪNG NÓI ĐẾN CHUYỆN CÓ VẺ LẠ LÙNG: "GIÓ SAO GIÓ MÁT SAU LƯNG. DẠ SAO DẠ NHỚ NGƯỜI DƯNG THẾ NÀY?”. HOẶC QÚA HƠN CHÚT NỮA: "LẤY CHỒNG CHẲNG BIẾT MẶT CHỒNG. ĐÊM NẰM TƠ TƯỞNG NGHĨ ÔNG LÁNG GIỀNG”.
Nhưng người đời rồi cũng chấp nhận. Còn người đàn bà này cư xử với chồng như thế thì không thể nào…thương được. Rành rành đây là cách ăn ở của một người và cũng là một loại người thiếu chính chuyên được đem ra chê bai, giễu cợt, làm gương cho khách hồng quần. Bao nhiêu năm nay, người viết vẫn yên tâm với cách hiểu như vậy. Nhưng gần đây ngẫm lại, chợt nhận thấy có lẽ hình như mình khắt khe và thiếu công bằng.
Người con gái này không yêu chồng, hoặc yêu chồng ít hơn yêu trai thì đã hẳn. Nhưng chúng ta đừng vội đem ngay luân lí đạo đức ra mà kết án cô, tội nghiệp. Trên đời này, người phụ nữ nào lại không muốn yêu thương chồng con. Nhưng chẳng may lấy phải người chồng mình chẳng bao giờ yêu mến thì làm sao mà yêu cho được? Cái thời của những câu ca dao là cái thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì những chuyện trái duyên không phải là hiếm hoi. Có bao nhiêu cảnh cọc cạch chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch  so sao cho bằng. Có bao nhiêu trường hợp chồng chỉ là một "ông lão móm” cô gái lấy cho qua lần thì thôi. Hay đây nữa một anh chồng:
        Chồng em vừa xấu vừa đen
Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi
Chồng em rỗ sứt rỗ sì
Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên
Người chồng bị ép gả như thế, làm sao cô gái có thể yêu cho được? Ông chồng, đó chỉ là người được ràng buộc vào cuộc đời người con gái bằng tập tục, lễ giáo mà thôi. Chồng của cô gái này chắc cũng là một người như thế. Còn người được gọi là trai kia đối lập với ông chồng ấy là ai? Dĩ nhiên, đó là người không lấy được cô, là người không được thừa nhận trên giấy tờ là chồng. Nhưng có thể anh chính là người bạn biết nhau từ thuở buông thừng. Chính anh là người trai làng mà cô đã hò hẹn, thề nguyền. Chỉ vì tại bác mẹ, tại mối manh, tại bao nhiêu trắc trở mà cô đã không lấy được anh. Nhưng tình xưa vẫn còn nguyên đó. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Làm sao có thể ngăn được lòng cô vẫn hướng về anh? So ra, người bạn của cô còn quyết liệt hơn cô nhiều:

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

NHỮNG CHIẾC LÁ ANH ĐÀO VÀ CÂY SÁO




NHỮNG CHIẾC LÁ ANH ĐÀO VÀ CÂY SÁO

                             Truyện ngắn của Đát-dai Ô-xa-mu ( Nhật Bản)
                             Vũ Nho dịch qua bản tiếng Nga

Mỗi lần, khi hoa anh đào rụng và trên cây những chiếc lá nhú lên, tôi lại nhớ chuyện ấy…- Bà kể.
          Ba mươi nhăm năm trước, gia đình chúng tôi có ba người : cha tôi, tôi và đứa em gái. Mẹ tôi mất cách đấy bảy năm, khi tôi mười ba tuổi. Lúc tôi mười tám thì em gái tôi mười sáu. Cha tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường trung học của thành phố Xi-rô-xít-ta ven biển Nhật Bản và gia đình chúng tôi chuyển tới đó. Không tìm được chỗ ở thuận lợi hơn, chúng tôi đành thuê hai căn phòng phía sau một ngôi nhà thờ đứng chơ vơ ven thành phố, cạnh chân núi. Chúng tôi sống ở đây sáu năm cho đến khi cha tôi được chuyển về Ma-su-e. Ở Ma-su-e, toi đi lấy chồng vào mùa thu năm đó, khi tôi đã hai mươi bốn tuổi. Đối với thời ấy, đó là một cuộc hôn nhân quá muộn mằn. Tôi sớm mồ côi mẹ. Cha tôi thì hoàn toàn bị cuốn vào công việc, chẳng có thì giờ lo lắng đến gia đình, nếu không có tôi thì việc nhà rối mù lên ngay. Tôi hiểu rất rõ điều đó nên không đành lòng bỏ cha và em mình mà ra đi. Bởi vậy, tôi từ chối tất cả những ai ngỏ lời. Tôi sẽ chẳng phải bận tâm lo lắng việc nhà đến thế, nếu như em gái tôi mọi chuyện đều bình thường. Nhưng khốn nỗi, nó chẳng giống tôi tí nào. Nó là một cô bé đáng yêu, thông minh, xinh đẹp, có hai dải đuôi sam dài mượt nhưng sức khỏe rất yếu ớt. Nó đã chết sau một năm khi gia đình chúng tôi chuyển đến Xi-rô-xít-ta. Năm đó tôi hai mươi, còn em  tròn mười tám tuổi. Chuyện tôi kể xảy ra đúng vào thời gian ấy.
          Em gái tôi đau ốm đã lâu. Bệnh của em rất trầm trọng – em bị lao thận. Nhưng người ta tìm ra bệnh quá muộn, hai quả thận đã gần như hỏng hoàn toàn. Bác sĩ nói với cha tôi rằng em tôi không sống nổi một trăm ngày nữa. Chẳng có cách nào có thể cứu chữa được. Một tháng trôi qua. Rồi tháng thứ hai. Thời gian sống của em ngày càng rút ngắn lại. Chúng tôi chỉ biết lặng im chờ đợi. Em tôi chẳng hay biết một tí gì, vẫn vui vẻ như thường, mặc dù trong những ngày cuối cùng em không thể nào rời khỏi giường. Em vẫn hồn nhiên hát những bài hát vô tư, đùa cợt và nũng nịu với tôi. Đầu óc tôi nặng trĩu ý nghĩ: khoảng bốn chục ngày nữa thôi, tất cả sẽ chấm hết. Cổ tôi nghẹn đắng, nỗi đau đớn khủng khiếp đến mức tôi cảm thấy mình không chịu đựng nổi và phát điên lên mất. Tháng ba đã qua, hết tháng tư rồi tháng năm tới. Mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Rồi đến một ngày, đó là vào giữa tháng năm, ngày mà tôi không thể nào quên.
          Núi đồi và đồng ruộng sáng lấp lánh những chiếc lá non tơ. Không khí ấm áp đến mức suốt ngày, người ta chỉ muốn cởi trần. Cây cối rực rỡ làm tôi choáng ngợp; mắt tôi chói lóa vì hào quang của đất trời. Chắp tay sau lưng, đầu cúi xuống, tôi lê bước trên cánh đồng, chìm đắm trong suy tư. Những ý nghĩ sầu thảm tới mức tim tôi như thắt lại và đôi lúc tôi nghẹt thở. Bùng bùng...bùng bùng, từ sâu thẳm của cánh đồng mùa xuân, như là từ địa ngục, tiếng ầm ầm liên tục vang lên, hệt như người ta đang dồn dập thúc vào cái trống khổng lồ. Tôi mụ cả người, hoảng sợ nghĩ rằng mình điên rồi chăng? Tôi đờ người đứng lặng sau phút đau điếng vidf kinh hoàng. Sau đó tôi thét lên rồi ngã vật xuống cỏ và khóc nức nở. Về sau, tôi mới hiểu rằng tiếng ầm ầm khủng khiếp làm cho tôi kinh hãi đó là tiếng đạn đại bác của hamk đội Nhật Bản bắn lên. Vâng, chuyện xảy ra đúng vào lúc ấy.