Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

CHÙM THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

 


CHÙM THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

ĐÔNG VỀ
(Viết cho:người dưng)

Mùa đông gầy guộc vừa sang
Cây bàng trước gió ngỡ ngàng lá rơi…

Thẳm sâu ta nhớ một người
Hồn đơn giá lạnh giữa trời tuyết sương.

Nhủ lòng! Thôi nhé đừng vương
Đâu còn sánh bước con đường ngày xưa.

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

THƠ NGUYỄN THỊ MAI

 


 THƠ NGUYỄN THỊ MAI, TÌNH THẾ CỦA TRỮ TÌNH
(Đọc tập thơ “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn”
của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Nhà xuất bản Phụ nữ, 2023)
🍁 🍁 🍁 🍁 🍁 🍁
Với nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trên hành trình văn chương của mình, “Bao giờ tươi mới giêng hai nõn” là tác phẩm thứ 17 (2 tập truyện, 15 tập thơ). Tôi tin rằng con số ấy chưa dừng lại ở đó. Thơ là câu chuyện của đường dài, của đường xa nhìn lại, của những lối nhỏ lặng thầm hòa vào dòng chảy, để gặp chính mình giữa muôn màu đại lộ của thi ca.
Trên hành trình gian nan thử thách ấy, càng viết và đọc càng thấy thăm thẳm bóng chữ bóng người… Có thể nói, với nhiều bạn đọc gần xa, Nguyễn Thị Mai là tác giả quen thuộc, một nhà thơ có lối nói riêng, mang bản sắc thiên tính nữ, bản sắc văn hóa sông Hồng. Nhắc đến thơ chị là nhắc đến “Chợ đêm Long Biên”, “Nhà không có bố”…, là nhắc đến nhà thơ của lục bát, trong đó nhiều cặp 6/8 đã để lại dấu ấn với thời gian.
Thi tập mới gồm 69 bài. Phải chăng với tác giả, đó cũng là 69 mùa xuân của tuổi mình. Tập thơ chia thành 3 phần. Nhưng ranh giới ấy chỉ là tương đối. Bản ngã và tha nhân, quê hương và dân tộc, gia đình và bằng hữu… là những mối quan hệ không thể tách rời.

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

THIÊN TÍNH NGUYỄN BÍNH

 THIÊN TÍNH NGUYỄN BÍNH


Trần Trung

nhagiatrantrung


Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, quê làng Thiện Vịnh ( nay thuộc xã
Cộng Hòa),huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà Nho nghèo.
Cha Nguyễn Bính-ông Nguyễn Đạo Bình, từng dạy học ở quê nhà, tính tình hiền lành, nhân hậu.
Mẹ Nguyễn Bính- bà Bùi Thị Miên vốn xuất thân trong một gia đình tương đối khá giả và có truyền thống yêu nước. Bà sinh hạ được ba người con trai : NguyễnMạnh Phát ( tức Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
Bà Bùi Thị Miên mất sớm khi mới 24 tuổi và Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi chưa đầy một tuổi. Mấy câu thơ sau trong bài Nhà tôi (1940) như một thứ trích ngang lí lịch với giọng kể buồn buồn xa vắng của nhà thơ chân quê :
Nhà tôi có một vườn dâu
Có giàn đỗ ván có ao cấy cần
Hoa đỗ ván nở mùa xuân
Lứa dâu tháng tháng lứa cần năm năm
Em tôi là gái mười lăm
Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm trưa
Thầy tôi dạy học chữ Nho
Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh
Có gì tiếng cả nhà thanh
Cơm ăn đủ bữa áo lành đủ thay
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ…

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

“NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG” - MỘT CÁCH TRẢ LỜI VÀ GIẢI MÃ...

 “NHỚ NGƯỜI CẦM LÁ DIÊU BÔNG” - MỘT CÁCH TRẢ LỜI VÀ GIẢI MÃ

VỀ HIỆN TƯỢNG THƠ HOÀNG CẦM

(Giới thiệu tác phẩm “Nhớ người Cầm lá diêu bông”, NXB Văn học, 2023,

 của nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc)

 

 Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1 

Nhiều người cho rằng, thơ Hoàng Cầm hay nhưng không dễ năm bắt. Thế nhưng chính sự khó nắm bắt, khó hiểu đến lạ lùng của thơ ông lại như có một ma lực, một sự quyến rũ đến đam mê, rất cần được quan tâm, lý giải. Cuốn sách Nhớ người cầm Lá Diêu Bông của Nguyễn Thị Minh Bắc ra đời đã góp phần đáng kể trong việc giải mã những tín hiệu thẩm mỹ, đáp ứng sự mong đợi của độc giả yêu thơ Hoàng Cầm.

Đúng vậy, với gần 300 trang và ảnh đẹp, nhà văn Nguyễn Minh Bắc đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và hệ thống một cách khoa học cho các chương mục của cuốn sách.

Chương I: Nhà thơ Hoàng Cầm trong cái nôi văn hoá Kinh Bắc.

Tác giả giới thiệu thân thế và sự nghiệp nhà thơ Hoàng Cầm. Giới thiệu địa danh Kinh Bắc – vùng địa linh nhân kiệt, có bề dầy lịch sử, văn hóa truyền thống - cái nôi văn hoá ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến con người và tài thơ Hoàng Cầm. Cũng là bệ đỡ tinh thần vực ông dậy trong cơn bão lốc cuộc đời, vỗ về nuôi dưỡng hồn thơ ông.

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ SÁCH NÀY

 


TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ SÁCH NÀY

Trần Quốc Toàn

 

   1.Tôi học được từ “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” (NXB Văn Học 2022) của tác giả PGS.TS Trần Thị Trâm thật nhiều. 

    Văn học dân gian đương đại ở sách này truyền niềm vui sống cho dân gian chúng tôi, như nó đã từng làm, trăm năm, nghìn năm trước. Vui sống với cả trời xanh trên đầu mình: Bắc thang lên hỏi ông trời / con muốn cưa gái ông thời dạy sao?/ Ông trời quay mặt lại gào / Tao còn đang học, làm sao dạy mày”(tr.255). Hóa ra, trời già còn rất trẻ, còn đang tuổi yêu! Và có phải vì mải yêu mà ông cũng có phần tốn kém như những tình si trần thế, cũng lúng túng chuyện tiền bạc khi “viêm màng túi”: Bắc thang lên hỏi trời cao / Rằng nợ tín dụng làm sao mà đòi / Trời rằng ngu quá thằng này / Tao còn mất trắng, ngữ mày đòi sao! 

    Vẫn bàn chuyện yêu đương đại, văn học dân gian, lại còn biết vui phê phán! Phê những tình si quá đà, ăn theo, ăn vụng miếng ngon của bà hàng xóm: Chồng em áo rách em thương / chồng người áo gấm… gấm…em thường tới lui. (tr.259). Phê bằng cót két chân giường cười, cười thôi chứ không nói, mà ai nghe cũng hiểu, nó nói điều gì: “Cái giường mà biết nói năng/ Thì… ông hàng hàng xóm, hằm răng chẳng còn”.

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

THƠ VŨ XUÂN QUẢN

 

THƠ VŨ XUÂN QUẢN Sửa

v_xun_qun
THỎ CON
Dậy đi nào bé Châu Anh
Hừng đông đảo lựng giăng thành Hồ Tây
Phòng con thoang thoảng hương cây
Xanh xanh vòm lá đan dầy lối quen

Giọt khuya vương nhẹ bên thềm
Gió đang thủ thỉ ngủ thêm làm gì
Châu Anh ngoan nhé dậy đi
Ông bà âu yếm thầm thì gọi con
Dậy xem na nở mắt tròn 

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

TỪ DỊ BẢN TRUYỆN KIỀU NGHĨ ĐẾN BẢN KIỀU GỐC

 TỪ DỊ BẢN TRUYỆN KIỀU NGHĨ ĐẾN BẢN KIỀU GỐC

 
                    VƯƠNG TRỌNG
 
ti_xung.jpvng_trng_1
 
Tính đến nay, chúng ta đã có trên 100 bản Kiều Nôm và Quốc ngữ khác nhau, bao gồm bản in và bản chép tay. Trong số những bản Kiều đó, không có hai bản nào hoàn toàn giống nhau, có khi sự khác nhau lên tới hàng trăm chỗ, mỗi chỗ khác ít nhất là một chữ, có khi khác cả một đoạn gồm chục câu lục bát.
Bây giờ chúng ta điểm qua những nguyên nhân đưa đến các dị bản, tức là sự khác nhau của các câu, chữ trong các bản đó.
1- Dị bản do phiên âm chữ Nôm.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

2 BÀI THƠ MỴ DUY THỌ

 

2 BÀI THƠ MỴ DUY THỌ Sửa

screenshot_696

HỌ GẦN HAY HỌ XA

 

Mẹ ơi! Ông có kể

Xưa bà cũng trẻ con

Sau lớn sinh ra mẹ

Mẹ cũng bé cỏn con

 

Có phải thế không mẹ

Ừ! Đúng rồi con à

Ai cũng được sinh ra

Từ cha mẹ ông bà

 

Mẹ lớn sinh ra con

Nhưng mẹ ơi! Con hỏi

- Ai sinh ra ông bà?

- Là cụ cố con ạ.

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

“CÒN CÓ AI NGƯỜI KHÓC TỐ NHƯ”, MỘT MÓN LẨU THẬP CẨM

 Đem về làm tư liệu! Bái phục anh Đặng Văn Sinh kì công chỉ ra những cái dở của một món lẩu không thể ăn!

“CÒN CÓ AI NGƯỜI KHÓC TỐ NHƯ”, MỘT MÓN LẨU THẬP CẨM


“CÒN CÓ AI NGƯỜI KHÓC TỐ NHƯ”,
MỘT MÓN LẨU THẬP CẨM

Đặng Văn Sinh

Chẳng cần suy nghĩ nhiều, chúng ta cũng hiểu được, tác giả lấy cảm hứng từ câu kết trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” (讀小青記) của Nguyễn Du “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (天下何人泣素如) làm tựa đề cho cuốn sách vừa được ra mắt rất hoành tráng tại Hà Nội.

Ngoài bìa sách, Võ Bá Cường ghi là “tiểu thuyết”, nhưng vì nội dung lại viết về giai đoạn Nguyễn Du từ kinh thành Thăng Long về sống ở quê vợ ở làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam Hạ, cho nên người đọc nghĩ ngay đến thể loại tiểu thuyết lịch sử. Sách do Nxb Hội Nhà văn cấp phép, bìa cứng, khổ 15 x 23 cm, dày 255 trang, nếu cộng cả bài giới thiệu của ông Ngô Đông Hải, bài “tựa” của ông Văn Chinh và bài phê bình của ông Bùi Việt Thắng là 296 trang. Nội dung “Còn có ai người khóc Tố Như” chia làm hai phần, Phần một: “Sóng Bạch Lãng”, Phần hai: “Phong Nguyệt Sào”. Tổng cộng 16 chương, mỗi chương được đặt tên bằng một câu thơ, trong đó có cả thơ của chính tác giả. 

Cầm cuốn sách có cái bìa rất đẹp, một cái tên khá ấn tượng, sau khi lướt qua bài giới thiệu về tác giả và tác phẩm bằng những lời có cánh của ông bí thư tỉnh ủy Thái Bình, tôi thầm nghĩ, chắc chắn đây là tác phẩm văn chương đích thực. Mà đã là văn chương đích thực thì kiểu gì cũng phải đọc để xem nhà văn Võ Bá Cường gửi đến độc giả những thông điệp gì mới về đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng rồi, càng đọc tôi càng thất vọng, không phải tác giả đề cao Nguyễn Du mà chính là hạ thấp nhân cách văn hóa Nguyễn Du qua những trang văn đầy khuyết tật của một người có kiến văn hạn hẹp.

Trước hết, tôi dám khẳng định, “Còn có ai người khóc Tố Như” không hoàn toàn thuộc thể loại tiểu thuyết hư cấu, nói một cách hình ảnh, đó là thứ sản phẩm đầu Ngô mình Sở, thêm chút gia vị “tình yêu” mùi mẫn có thể qua mắt một số bạn đọc dễ tính nhưng không thuyết phục nổi các nhà tiểu thuyết lịch sử cũng như giới phê bình học thuật.

Nói thật lòng, tôi không khuyến khích bất cứ ai đọc cuốn sách này, nhưng nếu đã chót đọc, sẽ không khó khăn gì để các bạn nhận ra, nó vừa là sản phẩm của loại tiểu thuyết hư cấu rẻ tiền, vừa mang đậm đặc trưng thể loại dã sử, lại vừa có bóng dáng của một công trình biên khảo ở cấp độ câu lạc bộ phường. Sở dĩ có điều bất cập này là bởi Tố Như quá vĩ đại. Trong khi ấy, người viết lại hiểu biết rất hạn chế về tác giả “Đoạn trường tân thanh” mà bút lực non yếu, cho dù có lòng thành cũng lực bất tòng tâm.

Thất bại đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này là Võ Bá Cường đã tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du một cách chủ quan, hời hợt dẫn đến việc định vị mười năm tránh nạn ở quê vợ Thái Bình là sai với sự thật lịch sử được ghi chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Ở phần TÁM (Tâm sự cùng ai giãi tỏ), Võ Bá Cường khẳng định: “Nguyễn Du về đây (Phong Nguyệt Sào) sau khi ở tù ra (1796) tính đến năm ấy là 30 tuổi. Hai năm đầu ở Hải An cuộc đời dâu bể, rồi có nhiều thay đổi. Sự đổi thay bắt đầu từ Huệ” (tr. 135). Đây cũng chính là mốc lịch sử để tác giả viết được 10 chương về mối tình của Nguyễn Du với cô em gái Đoàn Nguyễn Tuấn là cho đến khi hai người cưới nhau. Và cũng trong mười chương ấy, tác giả sử dụng thủ pháp hồi ức kể về hành trạng Nguyễn Du trong chuyến đi giang hồ cùng Nguyễn Đăng Tiến sang Trung Quốc. Tiếp đến là sự kiện Nguyễn Du bị tướng Tây Sơn bắt, phải ngồi tù mấy tháng vì tội trốn vào Gia Định phò Nguyễn Ánh. Thậm chí có lúc tác giả còn để cho Nguyễn nhớ lại những năm tháng từng ra làm quan với triều đình nhà Nguyễn, lúc viết “Văn tế thập loại chúng sinh”, lúc lại xướng họa với nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay gặp lại nàng Cầm ở kinh thành Thăng Long.

VỪA LÀ ĐỒNG HƯƠNG VỪA LÀ NGƯỜI ĐỒNG HÀNH VỚI THƠ HOÀNG CẦM

  


VỪA LÀ ĐỒNG HƯƠNG VỪA LÀ NGƯỜI ĐỒNG HÀNH   VỚI THƠ

HOÀNG CẦM

 

                                                                               PGS.TS Nguyễn Bích Thu

 

Không phải ngẫu nhiên khi nhận cuốn Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc của Nguyễn Thị Minh Bắc, thi sĩ  Hoàng Cầm đã xúc động gọi chị “một người gái ngoan của Kinh Bắc…đã hoàn thành cuốn sách đáng quý với quê hương mình” và tôi xin nói thêm không chỉ với quê hương mà với cả thơ Hoàng Cầm - “một người trai Kinh Bắc đã đa mang cái nghiệp thơ nhiều oan khổ”.

Cuốn chuyên luận nói trên bắt nguồn từ luận văn thạc sĩ Văn hóa Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầmbảo vệ thành công năm 2003. Có thể nói, cách đây gần 20 năm, đề tài của Nguyễn Thị Minh Bắc là đề tài đầu tiên nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, một đối tượng thẩm mỹ đầy sức mời gọi nhưng cũng không tránh khỏi sự e ngại về “nhân thân” với những thăng trầm, oan nghiệt mà thi nhân đã trải qua trước thời kỳ đổi mới. Và như mang cái nghiệp vào thân, từ kết quả mùa đầu ấy, hai mươi năm qua, cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Minh Bắc bên các trang giáo án vẫn bền bỉ theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu sự nghiệp thi ca của Hoàng Cầm. Sau khi bảo vệ, Nguyễn Thị Minh Bắc dành thời gian xem xét và điều chỉnh hệ thống luận điểm cùng các nhìn nhận, đánh giá thơ Hoàng Cầm sao cho khách quan và khoa học hơn.

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

NẮNG NON

 


NẮNG NON

                        TRUYỆN CỦA LƯƠNG KY

                Nắng tháng Chín vàng ươm từ sáng sớm. Mặt trời vừa bứt qua cánh núi xâm xấp như lưỡi cưa khổng lồ ngoạm vào bầu trời ban mai hồng nhạt phía núi Hồng là chiếu ngược đoạn thượng nguồn sông Phó Đáy. Vạt đồi thoai thoải con, lồi lõm phơi hướng đông hứng nắng. căn nhà hai tầng mái tôn đỏ sẫm của trường cấp 2-3 Trung Quan như dán mình vào bức tranh xanh mướt của cánh rừng.

          Phin bước lên từng bậc đất, ngước mắt nhìn ngôi trường mới. Mặt trời ở sau lưng mà sao mặt Phin nóng ran, lâng lâng như vừa uống cả bát rượu hoẵng. Hôm nay là ngày đầu năm học mới, ngày đầu Phin làm cô giáo trường trung học phổ thông, trong đầu tràn ngập bao ý nghĩ…Phin thoáng nhận ra nhiều bước chân học trò vụt nhanh qua mình.

- Chào cô giáo ạ!

- Cô chào các em!

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

VŨ NHO TRONG BÁO DÂN TRÍ

 

VŨ NHO TRONG BÁO DÂN TRÍ Sửa

Nhà phê bình: "Bắt nạt có phải biến thể của Covid-19 đâu mà dễ lây?"

Huyên Nguyễn
 
00:00/06:30
 
 
Nam miền Bắc
 

(Dân trí) - PGS.TS Vũ Nho chỉ ra những bất hợp lý trong bài thơ "Bắt nạt". Ông bất ngờ khi nhân vật "tớ" tưởng có phép màu gì, hóa ra chỉ là anh chàng cam chịu vì bị bắt nạt quen rồi.

Nhà phê bình: Bắt nạt có phải biến thể của Covid-19 đâu mà dễ lây? - 1

Tác giả bài thơ "Bắt nạt" ví von bắt nạt dễ lây (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Bài thơ "Bắt nạt" một lần nữa lại gây xôn xao dư luận về sự khác biệt khi được đưa vào sách giáo khoa ngữ văn lớp 6. Là nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà thơ, nhà văn, công tác lâu năm trong ngành giáo dục, PGS.TS Vũ Nho đánh giá như thế nào về sự phù hợp của bài thơ khi được đưa vào sách giáo khoa?

- Thật ra, năm 2021, khi sách ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được công bố có in bài thơ này, dư luận đã xôn xao. Tôi đã có bài viết phân tích về nội dung bài thơ này.

Khi ấy, một số thầy cô giáo dành lời khen bài thơ nói trúng vấn đề bắt nạt - vấn đề khá phổ biến trong nhà trường. Từ bắt nạt, chuyện nhỏ dễ bùng phát thành bạo lực học đường.

Một vấn đề đau đầu các thầy cô giáo, các vị phụ huynh và toàn xã hội được đề cập thành thơ. Có lẽ, chính vì nhìn qua, thấy bài phù hợp vấn đề giáo dục, nên người ta mới chọn bài này đưa vào chương trình.

Ở góc ngược lại, một số thầy cô cho rằng bài thơ không có chất thơ, diễn đạt lủng củng, luẩn quẩn. Dù thiện ý của tác giả rất đáng ghi nhận, nhưng bài thơ dở quá. Thành ra, mục đích tốt đẹp kia trở nên xa vời.

Tôi cho rằng một bài thơ dở mà buộc học sinh phải học, giáo viên phải dạy đều làm khổ cho cả hai. Và tất nhiên, nếu học sinh nhờ bố mẹ dạy cho cái hay, cái tốt của bài thơ cũng làm khổ luôn các vị phụ huynh.

Nhiều nhà giáo và nhà thơ khả kính như thầy Hoàng Dân, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có nhận xét bài thơ Bắt nạt. Tôi cũng cho rằng một bài thơ không hay, thậm chí là quá dở, không thể làm tài liệu dạy học cho học sinh.

 
Nhà phê bình: Bắt nạt có phải biến thể của Covid-19 đâu mà dễ lây? - 2

PGS.TS Vũ Nho - nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà thơ, nhà văn, nguyên cán bộ chỉ đạo văn của Bộ GD&ĐT, đạt giải C của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương 2016 (Ảnh: NVCC).

Xin nói rằng, tiêu chí để lựa chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa không phải chỉ có một. Phải phù hợp lứa tuổi, phải phù hợp với mạch của chương trình... và phải hay, nhưng không nhất thiết là hay nhất.

CHIA SẺ VỀ ĐAU NHỨC TUỔI GIÀ

 


CHIA SẺ VỀ ĐAU NHỨC TUỔI GIÀ Sửa

CHIA SẺ VÀI PHƯƠNG PHÁP TRỊ ĐAU NHỨC TUỔI GIÀ
 
     CHU TẤT TIẾN

Trước hết, xin tự giới thiệu về mình, không phải để khoe mẽ, mà để làm chứng cho cách điều trị bệnh đau nhức chân tay: Tôi là Võ Sư Judo, Đệ Tứ Đẳng (USA JUDO) và Huấn luyện viên Aikido Đệ Nhất Đẳng, Huấn luyện viên Tài Chi và Yoga. Từng dậy Judo tại Orange County Judo Training Center, thành phố Garden Grove, và hiện đang dậy Tài Chi và Yoga đến năm thứ 23 (Free cho những người lớn tuổi). Viết như vậy để chứng minh rằng tôi là một người khỏe mạnh trên trung bình. Tuy nhiên, theo Luật Trời, đến gần Bát Thập là đột nhiên đau nhức lung tung. Mới đầu là đầu gối trái, mà hồi còn trẻ, trong môt buổi đấu, tôi bị địch thủ đá vào phía chân dưới rất mạnh, khiến cho cả cái chân rời ra khỏi khớp gối, lủng lẳng như que củi. Tôi phải vào bệnh viện, bó bột cả tháng, sau lại nhờ một Võ Sư người Hoa điều trị mới đi đứng bình thường được. Nhưng bây giờ, bất ngờ cơn đau trở lại, nhức kinh khủng, dùng thuốc uống và xoa bóp huyệt đạo, không hết, phải đến bệnh viện chích STEROID mới hết đau. Vừa hết đầu gối trái, lại sang đầu gối phải! Đi khập khiễng. Lại đến chích Steroid. Không hết đau. Bác Sĩ lại chích GEL vào đầu gối để bớt cọ xát giửa các khớp xương, cũng chỉ bớt đi khập khiễng mà thôi. (Steroid là thứ thuốc chống xưng, nhưng có hại làm mục xương. Một năm chỉ được chích 2 lần; GEL: dung dịch nhờn như nhớt xe để bôi trơn giữa các khớp xương))