Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Có một người con trai...



Có một người con trai...
                                                
                                                    Hoàng Dân
Một câu (hoặc bài) ca dao có 10 cách hiểu là một câu ca dao hay, 100 cách hiểu là câu ca dao ám ảnh, 1.000 cách hiểu là câu ca dao bất hủ! (thơ cũng vậy!). Nghĩa là cách hiểu của mỗi người đọc chỉ là một khả năng hoặc một giả định mà thôi! Vì thế, trên các mặt báo thỉnh thoảng lại rộ lên một loạt bài trao đi đổi lại về cách hiểu đối với một câu (hoặc bài) ca dao nào đó. Đầu những năm 90, báo Giáo dục&Thời đại đã mở một diễn đàn như thế về bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay

                       Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra
Ngoài lí do như đã nêu trên, còn có một lí do khác đã khiến các vị phụ huynh học sinh cũng sốt sắng vào cuộc là bởi bài ca dao này có trong chương trình của môn ngữ văn ở trường phổ thông. Đầu năm 2003, trên báo Văn nghệ Trẻ tiếp tục có một số bài viết trao đổi về bài ca dao này. Xem thế đủ biết tính dị bản tính đồng sáng tạo của người đọc đối với văn bản nghệ thuật quả là phong phú, đa dạng và lí thú! Có một cách hiểu tương đối phổ biến về nội dung ý nghĩa của bài ca dao này là: tình cảm tiếc nuối của chàng trai đối với người yêu khi người yêu đi lấy chồng!  Hiểu như thế có lẽ đúng nhưng chưa thật đầy đủ chăng?    

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

THƠ 3 CÂU, VIẾT TRONG & SAU TRẬN SỐT VI RÚT







THƠ  3 CÂU,

VIẾT TRONG & SAU

TRẬN SỐT VI RÚT
                                                                        ĐƯỜNG VĂN
Chia sẻ với anhkhonguyenthe.com
29 – 4 - 2014

                                             1      
M mắt: cảnh trước mặt;             
Nhắm: cảnh trong lòng;              
Huyền hồ, linh lung!                  
                2           
Cách hắn(1) mong manh đường tơ               
Vật vã, ngắc ngoải...            
Nắng chiều mơ!          
                 3         
Hắn ư?
có gì đáng sợ!?         
Ta đã gặp y đâu chỉ một lần(2)              
                4      
Cả nhà tái mét, bác sĩ, y tá vã mồ hôi hột,            
Huyết áp xuống 80, thân nhiệt 40 độ C,         
Hắn giang cánh đen ngòm, áp sát.                 
                5
Chập chờn, nhào lộn trong hoả diệm sơn,         
Thốt nghỉm chìm tận đáy đại dương!           
5 cửa đáy, đập Sông Đà xả lũ!                  
                                            
                                               6       
Hắn muốn gì nữa đây?            
- Thì lấy mạng mỗ nhanh lên!
Ai chịu được trò mèo vờn chuột!         

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

VỀ THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU



VNNB: Đây là bản gốc của VN, đăng lại như một tư liệu


VỀ THƠ VÀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU
                                                          Vũ Nho
Chắc là những người viết nghiên cứu và phê bình sẽ còn tốn không ít giấy mực về trường hợp Nguyễn Quang Thiều và thơ của anh. Nhân dịp nhà thơ in cuốn thơ tuyển lần thứ nhất CHÂU THỔ ( 2010), đã có 25 bài viết xung quanh thơ và cách tân thơ của tác giả.  Sau khi đọc  cẩn thận hết tập thơ tuyển, đọc kĩ càng hết 25 bài viết, tôi  muốn ghi lại mấy cảm nhận của mình.
1.    Tiềm năng của một nhà thơ lớn
Nguyễn Quang Thiều có bằng Đại học nước ngoài, điều đó không quan trọng lắm. Nhưng một nhà thơ bắt đầu viết khi có bằng Đại học nước ngoài, khi có thể đọc thành thạo thơ thế giới bằng tiếng Anh như Nguyễn Quang Thiều, thì nước ta không có nhiều. Tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau là một lợi thế lớn để Nguyễn Quang Thiều mở rộng, làm giàu có vốn văn hóa của người cầm bút. Vả chính điều đó làm tăng nội lực của nhà thơ, làm cho người viết có thể tự tin viết những bài thơ tầm cỡ không giới hạn ở biên giới nước mình.
          Đấy chỉ là điều kiện cần cho một nhà thơ lớn chứ không phải là điều kiện quyết định. Cái quyết định nhất chính là tài năng bẩm sinh của thi sĩ được phát triển một cách mạnh mẽ nhờ hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Có thể thấy rằng Nguyễn Quang Thiều đạt đến độ chín của tài năng không quá sớm, nhưng cũng không quá muộn mằn. Chỉ sau tập thơ đầu tay trình làng, anh đã có tập thơ “ Sự mất ngủ của lửa” gây được tiếng vang, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Cái chính là phẩm chất thi sĩ được phát lộ, được khẳng định. Phải nói rằng bài thơ “Dâng trà” của anh viết là một bài thơ hay, một trong các bài thơ khá toàn bích theo bút pháp thông thường.
          Thưa cha con đã dâng trà
          Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
nắng hắt, có nắng reo, có nắng lên, có nắng xuống,... nhưng hiếm nắng đi, mà nắng đi đã nửa mái nhà là dấu hiệu của chiều. Những câu thơ tiếp theo là nỗi niềm ăn năn hối lỗi của người con “ ba dại bảy điên”. Hai câu kết của bài thật đặc sắc:
          Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.
Dâng trà cho cha, không biết cha có nhận cho, có tha thứ những lỗi lầm thuở ấu thơ. Vì cha chỉ như bóng mây im lặng, nên người con xót xa. Hồn trà dâng cha, mung lung không thấu được, còn xác trà con giữ lại, trần trụi, cầm nắm được, lạnh và đầy lòng con.

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng


Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng
QĐND - Thứ ba, 15/04/2014 | 16:5 GMT+7

QĐND - Chắc là những người viết nghiên cứu và phê bình sẽ còn tốn không ít giấy mực về trường hợp Nguyễn Quang Thiều và thơ của anh. Chỉ tính riêng về cuốn thơ tuyển Châu thổ của anh xuất bản năm 2010, đã có 25 bài viết xung quanh thơ và những cách tân thơ của tác giả. Tuy vậy, là người theo dõi khá kỹ thơ Nguyễn Quang Thiều trong hơn chục năm nay, tôi vẫn muốn ghi lại mấy cảm nhận của mình.

Tiềm năng của một nhà thơ lớn

Một nhà thơ tốt nghiệp đại học nước ngoài, có thể đọc thành thạo thơ thế giới bằng tiếng Anh như Nguyễn Quang Thiều, ở nước ta không nhiều. Tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau là một lợi thế lớn để Nguyễn Quang Thiều mở rộng, làm giàu có vốn văn hóa của người cầm bút. Vả chính điều đó làm tăng nội lực của nhà thơ.

Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần cho một nhà thơ lớn chứ không phải là điều kiện quyết định. Cái quyết định nhất chính là tài năng bẩm sinh của thi sĩ được phát triển một cách mạnh mẽ nhờ hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Có thể thấy rằng, Nguyễn Quang Thiều đạt đến độ chín của tài năng không quá sớm, nhưng cũng không quá muộn mằn. Chỉ sau tập thơ đầu tay trình làng, anh đã có tập thơ Sự mất ngủ của lửa gây được tiếng vang, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Cái chính là phẩm chất thi sĩ được phát lộ, được khẳng định. Chẳng hạn bài thơ “Dâng trà” của anh viết là một bài thơ hay, một trong các bài thơ khá toàn bích theo bút pháp thông thường: Thưa cha con đã dâng trà/ Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi... Những câu thơ tiếp theo là nỗi niềm ăn năn hối lỗi của người con “ba dại bảy điên”. Hai câu kết của bài thật đặc sắc:

Để hồn trà khuất đâu đây

Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.


Dâng trà cho cha, không biết cha có nhận cho, có tha thứ những lỗi lầm thuở ấu thơ. Vì cha chỉ như bóng mây im lặng, nên người con xót xa. Hoặc như tôi dám đoán chắc rằng bài thơ Bây giờ đang cuối mùa đông cũng là một bài thơ đặc sắc không phải người làm thơ nào cũng viết được. Nó thể hiện thật tài tình tâm trạng của một chàng trai muộn vợ ở cái làng mà lớp lớp cô gái theo nhau lớn lên, đi lấy chồng. Có một vài câu làm duyên độn vào, nhưng chí ít đó cũng là những câu thơ bình thường làm nền tôn vẻ đẹp những câu thơ hay: Chút chiều hoe nắng ngõ nhà/ Tôi đi tôi đứng để mà vu vơ/ Ra đường gặp tiếng xưng em/ Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau...

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

"Hà Nội 1896" xưa quá đúng không?

"Hà Nội 1896" xưa quá đúng không?

April 22, 2014 at 9:42am

Vẫn là trang anh Mạnh Hải báo tin có hình mới! Những tấm hình thật quí của nhưng năm 1896 Bính Tuất. Những năm Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc.
Lịch sử còn đó, nhưng nhờ những phóng viên xưa mà ta còn lưu lại được những hình ảnh này. Thích nhất là được xem lại hình ảnh người Việt Nam xưa - hơn một trăm năm đời người bể dâu dâu bể quá..

Anh Mạnh Hải ơi! Cám ơn anh, người đã đi sưu tầm về, cám ơn cả người chụp ảnh.


Dưới đây là hình ảnh và ghi chú trong trang của anh Mạnh Hải.


1. LANGSON 1896 - Vi-van-Dinh, fils du tong-doc de Langson
TTM: Tổng đốc ở Lạng Sơn, đầu tóc của đàn ông ngày xưa hay nhỉ, nếu bây giờ quí ông ở VN vẫn để tóc như thế này thì sao nhỉ :) ?




2. LANGSON 1896 - Fils du tong-doc de Langson, né à Langson, 17 ans, père annamite (famille établie dans la région de Langson depuis 200 ans), mère tho




3. Langson 1896 - Trois autres enfants du tong-doc de Langson - Ba người con khác của Tổng đốc Lạng Sơn (ở giữa hình)
Photo by Firmin-André Salles (1860-1929)




4. Langson 1896 - Vi-van-Dinh, fils du tong-doc de Langson - Vi Văn Định, con trai Tổng đốc Lạng Sơn
Photo by Firmin-André Salles (1860-1929)





PHỐ PHƯỜNG HÀ NỘI XƯA

5. HANOI 1896 - Rue du Chanvre. Phố Hàng Gai
Photo by Firmin-André Salles



6. HANOI 1896 - Rue de la Soie. Phố Hàng Đào
Photo by Firmin-André Salles



7. Bac Ninh 1897 - Ouvrier nielleur et son patron (Một người thợ chạm khắc với ông chủ của mình)
Photo by Firmin-André Salles (1860-1929).

TIẾU LÂM GABROVO 27 ( TIẾP)



                                                                         Vũ Nho chủ trang

TIẾU LÂM GABROVO 27 ( TIẾP)

BÀI HỌC
Một anh thợ nướng bánh ở Gabrovo thích ngồi ở quán với bạn bè. Anh ta thết đãi các bạn một cách hào phóng và không ít lần uống sạch tất cả tiền thu được trong ngày. Một lần, thậm chí anh ta uống sạch cả số tiền người ta gửi mua bột. Anh ta ngượng khi phải đi nói với lái buôn bột xin ghi nợ, nhưng không làm gì được, đành đi thẳng. Anh ta đi tới, người lái buôn bột đứng cạnh kho đang nhằn hạt hướng dương. Sau khi nghe yêu cầu của người thợ nướng bánh, ông ta không vội trả lời. Ông ta ngắm nghía anh thợ, sau đó chìa bàn tay có ba hạt hướng dương ra và nói:
-         Xin mời!
Người thợ nướng bánh định định lấy thì lái buôn đã dùng tay kia chặn lên hai hạt và chỉ cho lấy hạt thứ ba.
          - Đấy, cần phải đãi bạn bè như thế để sống đầy đủ - Nhà buôn nói bằng giọng dạy bảo và bỏ vào miệng hai hạt hướng dương…

NHÀ BUÔN, CÁ, MUỐI VÀ TIỀN
Chuyện xảy ra đã lâu. Một thương gia đến Gabrovo từ thành phố ven sông Đa-nuýp mang theo hai xe chở cá. Một chủ quán lấy của ông ta hmootj tạ cá để bán lẻ, người khác hai tạ, người khác nữa lấy năm tạ... Tất cả đều mua chịu. Sau một thời gian dài, thương gia quay lại các quán để thu tiền. Một chủ quán trả, người thứ hai trả, nhưng người thứ ba thì...Người thứ ba thì chớp chớp mắt, gãi gáy và hỏi:
          - Ông đòi tiền gì nhỉ?
          - Thế là thế nào? – Tiền gì à? Tiền cá ! Tôi chở cho ông một tạ !
          - Ai chà, tiền cá !...Ông biết không, tôi đã tiêu chúng- tôi mua muối…
          - Muối nào ?
          - Muối ướp cá. Thời tiết xấu, rất nóng. Tôi sợ cá bị ươn, thế là rắc muối vào…
          - Thế cá đâu ?
          - Tôi đã bán !
          - A ha, nghĩa là anh đã bán. Nào, vậy thì đưa tiền ra !
          - Ông chậm hiểu quá ! Tôi đã nói rằng tôi đã mua muối ướp cá !
          - Thế muối đâu ?
          - Tôi ướp vào cá rồi !
          - Cá đâu?
          - Tôi đã bán!
          - Tiền đâu?
          - Tôi đã mua muối!
          - Muối đâu?
          - Tôi ướp cá rồi!

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

CHÚT CHIU CÒN LẠI VỚI ĐỜI


                                                       TS Đường Văn

CHÚT CHIU

CÒN LẠI VỚI ĐỜI
                  
              (Nhân đọc Tuyển thơ của Đường Văn
                         “Lá nhặt cuối chiều”)

NGUYỄN HIẾU
                Nhà văn Nguyễn Hiếu
                
1
            
          Đường Văn, ấy là bút danh của Nguyễn Văn Đường, tên quen gọi thời mảy trấu là Tạo - bạn tôi. Có nhẽ trên thế gian ít có tình bạn nào như thằng tôi với gã Tạo - Đường này. Bởi cùng làng nên chúng tôi biết nhau từ hồi cùng học cấp 1, lần lần lên cấp 2, cấp 3. Ngay trong cả ba cấp, hai đứa tôi cũng chẳng lấy gì làm gắn bó cho lắm, trừ ba lần thi cuối mỗi cấp. Bình thường, cũng chỉ thi thoảng gặp nhau lúc gã mua được cuốn sách mới ở hàng sách Mến dện – hiệu sách ở phố Vẽ, độc nhất vô nhị của cả chuỗi làng ven sông tính từ Kẻ kéo xuống tới Yên Phụ. Đường ta bỏ tiền ra mua. Còn tôi, từ căn nhà lá, nền đất nện làm trên đất của bà ngoại ngoài xóm ÔTô, ngồi chòm chõm chờ gã đọc xong là nhót vào nhà gã để mượn về đọc ké. Vậy mà cứ đến mỗi kì thi cuối mỗi cấp là hai thằng chúng tôi lại dính vào nhau cùng ôn, xào nấu bài vở để vượt qua các vũ môn lớn, nhỏ.
          Quả tình, từ hồi nhỏ cho đến khi lên học tới cấp 3, tôi và gã không mấy thân nhau. Đơn giản, vì nhà hai thằng không gần nhau (tôi ở xóm ÔTô, gần làng Vẽ; còn Đường ngụ tận xóm Đại Đồng - Đông Chi, gần chùa Hàm Long Tự, Cầu Sông). Nhà tôi là dân thủ công nghèo, bố là cán bộ nhà nước. Nhà Đường làm nông nghiệp. Chiều chiều, tôi chẻ giang, đan nan dây; Đường thả bò, cắt cỏ, vun khoai… Nhưng phần lớn hơn có lẽ bởi tình tình tôi và gã khác biệt nhau như màu đỏ so với màu xanh. Gã Tạo - Đường này chỉn chu, từ chữ viết, cách chép bài vào vở đến sự hay bắt chước chữ kí của thầy chủ nhiệm họ Đoàn. Đường lại là thằng nghịch ngầm, nghịch tinh quái, ít lộ liễu mọi trò mà vẫn dại! Lạ một điều là hắn chẳng hề ham mê môn thể thao nào!? (Sau này có dịp, hắn thổ lộ rằng chỉ thích môn bơi và món tập nâng tạ!).Thằng Hiếu tôi thì loang toàng, nghịch nổi. Chữ viết chậm cũng tàm tạm, viết nhanh thì đến mình viết ra có chỗ còn phải luận chán mới đọc được! Món thể thao nào tôi cũng ham. Riêng bóng đá thì tạm xem là có đôi chút sở trường. Bàn thắng của tôi trong trận chung kết giữa lớp 10A và 10 B, trường  cấp 3 Xuân Đỉnh, khoá học 1965-1966 có thể coi là sự kiện lịch sử của đời tôi. Không có bàn thắng ấy, thầy Triệu Hải – chủ nhiệm lớp 10A năm ấy - có lẽ không cho điểm hạnh kiểm của tôi lên mức 5 – (năm trừ; theo thang điểm của Liên Xô hồi ấy)! Tức là tôi sẽ không được vào Đoàn, tức là không được chọn vào đoàn học sinh giỏi Văn tuyển từ cấp trường qua cấp huyện lên thành phố, vào đội tuyển học sinh của Hà Nội đi thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Đường vốn có năng khiếu, khẩu khiếu văn nghệ từ nhỏ. Hắn hát được và hay hát. Từng dám đơn ca bài Tiếng hát người chăn bò (Thanh Phúc) trước tập thể lớp 8A (với bạn Long móm (cầu cho linh hồn của bạn tôi siêu thăng miền cực lạc cũng đã gần chục năm rồi! Hỡi ôi!) hát bài Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu). Đường còn cùng với Phúc Lê đóng kịch câm Tham thì thâm! do thầy Đoàn (1935 – 2004) đích thân dịch kịch bản nước ngoài và kiêm đạo diễn. Đường đam mê học đàn. Càng có tuổi, tay chơi ghita (ghitarixt) nghiệp dư làng Trèm này chơi càng bợm! Tôi, về hát hò, giỏi lắm được ghi tên danh sách vào đám hát bè trong dàn hợp xướng “Ca ngợi tổ quốc”(Hồ Bắc) hay Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận). Đàn địch, trông dáng cầm thì tưởng vào tay lão luyện; nhưng thật ra cũng chỉ phừng phừng, không bài nào ra bài nào!...
          Cứ như vậy, mà hồi nhỏ, lúc cần cho cuộc đời thì hai thằng lại dính vào nhau! Sau lại chảng mảng như hai bẹ măng rời khỏi gốc cây!

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

CHÙM THƠ TÌNH TÂY BẮC




CHÙM THƠ TÌNH TÂY BẮC CỦA TRIỆU LAM CHÂU

Lời tâm sự của Triệu Lam Châu:
Nhân kỷ niệm sáu mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (1954 – 2014) Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Điện Biên mười ngày (Triệu Lam Châu cũng được tham gia vào Đoàn đi sáng tác ấy). Dự kiến sau đợt sáng tác này Hội sẽ in một tuyển tập tác phẩm thơ văn kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, sẽ tổ chức một triển lãm ảnh và một buổi biểu diễn thơ nhạc về chủ đề này.
Đoàn gồm có mười lăm văn nghệ sĩ Phú Yên tiêu biểu nhất. Bắt đầu khởi hành từ sáng 10 tháng 4 và đêm ấy ngủ tại Quảng Trị. Sáng 11 đi tiếp đến Hải Dương (Tỉnh kết nghĩa với Phú Yên). Ngày 12/4 tham quan di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Những di tích văn hoá này liên quan tới các danh nhân như: Trần Hưng Đạo – Nguyễn Trãi – Chu Văn An. Anh em văn nghệ Hải Dương đón tiếp thật nồng hậu. Mấy năm nay giới văn nghệ hai tỉnh vẫn thường giao lưu thân thiết với nhau như anh em một nhà.
Sáng 13/4 bắt đầu hành trình lên Tây Bắc theo ngả đường Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên. Cảnh sắc núi rừng hoành tráng tuyệt vời và thật giàu cảm xúc với những địa danh đã đi vào thơ văn và sử sách: Mai Châu – Mộc Châu – Yên Châu – Thuận Châu – Mường Lay – Đèo Pha Đin (Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ - Đèo Lũng Lô anh hò chị hát, Thơ Tố Hữu).
 Dùng cơm trưa tại Mai Châu, mà như thấy hương nếp thơm toả ra từ Bài thơ Tây tiến của Quang Dũng thuở nào...(Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...)
Chiều 13/4 đến Sơn La. Hội văn nghệ Sơn La chiêu đã bữa tối thật say sưa với chén rượu nồng Tây Bắc đầu tiên của chuyến hành trình.
Đêm ngủ tại Sơn La mà lòng thao thức mãi, bởi lòng lại nhớ: Pa Triệu Thế Kiệt, tức Võ Hùng của Triệu Lam Châu hồi xưa đã từng bị giặc Pháp bắt cầm tù tại Sơn La cùng với các nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng sau này như: Xuân Thuỷ (Phó chủ tịch Quốc Hội), Nguyễn Lương Bằng (Phó chủ tịch nước)...
Sáng 14/4 sau khi tham quan xong nhà tù Sơn La, Đoàn đi Điện Biên ngay. Trên đường lên Điện Biên có rẽ vào sâu trong rừng gần ba chục cây số để thăm căn hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng. Sau đó lại trở ra quốc lộ và đi tiếp lên Điện Biên.
Sáng 15/4 tham quan nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, gần 4 ngàn bia mộ không tên, tham quan các Đồi B1, A 1, Hầm Đờ Cát tờ ry, Bảo tàng Điện Biên. Lòng dạt dào cảm xúc trước những di tích nhuốm nhiều máu của các chiến sĩ của ta hồi xưa đánh giặc Pháp trên mảnh đất này.
Đêm 15/4 Hội văn nghệ Điện Biên chiêu đãi nhiệt tình. Lòng lưu luyến mãi không muốn chia tay...
Sáng 16/4 xe bắt đầu rời Điện Biên vào lúc bốn giờ sáng. Chao ôi... chưa kịp nhận diện rõ mặt người Điện Biên... mà đã chia tay rồi chăng? Biết bao giờ mới được trở lại mảnh đất giàu ân nghĩa này...Những tình cảm bạn bè đẹp đẽ và thắm thiết, những cô gái Thái đẹp như tiên...Một niềm tự hào chính đáng của miền cao Tây Bắc đó.
Trên đường trở lại Tuy Hoà, Phú Yên – Đoàn có ghé thăm chùa Bái Đính, thăm và thắp hương viếng Mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), thăm Vũng Chùa (Quảng Bình) và thắp hương kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rồi đêm 19/4 Đoàn đã trở lại Tuy Hoà an toàn và lòng ai cũng chan chứa tình cảm thật sâu đậm đối với mỗi vùng đất đã đi qua, đặc biệt là miền cao Tây Bắc của Tổ Quốc gắn liền với chiến thắng Điện Biên lịch sử.
Sau chuyến đi này Triệu Lam Châu có ngay một Chùm thơ tình Tây Bắc, xin trân trọng gửi bạn bè gần xa cùng thưởng thức nhé.


Triệu Lam Châu

CÔ HƯỚNG DẪN VIÊN NGƯỜI THÁI
TRÊN MƯỜNG ĐIỆN BIỆN

Em gái Thái ơi, em ngời xinh quá đỗi
Tự Mường Trời tiên phái em xuống đây chăng
Trời Tây Bắc nở bừng ban nao nức
Ing lả ơi cao vút ánh long lanh

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Có một người con gái…







Có một người con gái…
  
Hoàng Dân
             Hãy bắt đầu từ cái “dải yếm” trong câu ca dao: Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Ai từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuần nông với đủ cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre thì trong kí ức hẳn còn đọng lại những lời ru, mà phần nhiều lời ru thường là những câu ca dao được cất lên bằng một giọng điệu tha thiết nao lòng. Dường như người ru đang giãi bày tâm sự của chính mình? Có nỗi niềm của thân phận lênh đênh. Có nỗi hờn giận của số phận hẩm hiu. Và có cả nỗi sầu tủi của duyên tình lỡ dở... Những nỗi niềm ấy thì đời nào mà chẳng có? Nhưng, ngày xưa, trong một không gian quá hẹp của lũy tre làng và trong sự cương tỏa khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến thì những nỗi niềm ấy có thể đậm đặc hơn, nghiệt ngã hơn và dễ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tuyệt vọng hơn?! Có lời ru rằng:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi*
Có biết bao con sông và cái cầu trong ca dao? Có lẽ nhiều lắm! Bởi mỗi con sông, mỗi cái cầu là một mảnh tâm trạng, một nỗi niềm, thậm chí là một cuộc đời! Thử xem:

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

NHỚ TÚ XƯƠNG







NHỚ TÚ XƯƠNG
TRẦN TRUNG

Người chỉ "quên ô" đi hát Cô đầu
Người chẳng chịu '' vác ô"-sống đời buồn tẻ...
Người nổi loạn trong từng Con-Chữ
"Chớp bể mưa nguồn" ngợp lặn Nỗi-Buồn-Tênh.
             ***
Người tạt a-xit vào Nỗi-Đời lọc lừa, lưu manh, cơ hội...
Người cất tiếng cười đau vào thế thái nhân tình
Người phạm húy -Người phá tung khuôn phép
Cho lên ngôi muôn đời-Một Ông Tú-Thành Nam
             ***
Người cất tiếng gọi đò cả khi dòng chảy Vị Hoàng
Đã thành "Sông lấp"
Người "Thương vợ" Mình "buôn bán ở mom sông''
Người ném thủy tinh vỡ vào "thói đời ăn ở bạc"
Và xót xa tận cùng"Có chồng hờ hững cũng như không"...
            ***
Giữa thời thác loạn nay của "Văn minh","hiện đại"
Người-Thơ, Thơ-Người vẫn đồng hành Khóc-Cười
Trong Nhân-Ái vô biên
Nhớ Tú Xương ...
Mà, thương mãi Kiếp-Người.

           HÀ NỘI 18/9/2013.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Xem 4 bộ phim của 4 nước





Xem 4 bộ phim của 4 nước với các xu hướng khác nhau


Theo lịch sinh hoạt của Câu lạc bộ Văn chương, ngày 17 tháng 4, các Hội viên xem phim.

Buổi sáng xem 2 phim : Đội tuần tra trên núi của Trung Quốc và Malena của Ytalia, chiều xem phim Những linh hồn câm lặng của Nga và Tổn thất của Anh. Các phim này đều đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc liên hoan phim quốc tế.

“Đội tuần tra trên núi” dựa vào một truyện ngắn nói về Đội tuần tra tự lập của dân chúng để bảo vệ linh dương trên vùng núi Tây Tạng. Một phóng viên báo đến viết bài về đội trưởng và anh đã đi theo đội hơn mười ngày. Khi đi có ba ô tô. Cuối cùng, thì một ô tô chở những người bị thương do đánh nhau với bọn săn trộm về chạy chữa. Một ô tô bị hỏng phải bỏ lại giữa hoang vu. Một xe nữa thì cũng hết nhiên liệu. Chỉ còn đội trưởng và nhà báo. Bọn săn trộm bắt được họ. Chúng giết đội trưởng, còn nhà báo thì chúng thả về. Phim có nhiều cảnh rùng rợn, như khi người chết, họ chặt xác thành mảnh nhỏ cho diều hâu và kền kền ăn ( vì hiếm đất chôn), cảnh bọn săn trộm giết hàng ngàn linh dương lấy da…

       Phim “Ma lé na” của Ytalia kể câu chuyện trong chiến tranh thế giới thứ 2. Nữ nhân vật chính có chồng ra trận. Chị xinh đẹp đến nỗi làm mê mẩn cả thành phố. Mọi người tập trung nhìn khi chị đi qua. Có một chú bé con với chiếc xe đạp luôn theo chị, nhìn trộm vào căn nhà của chị. Chú tự nguyện là người bảo vệ, người yêu, đi nhà thờ cầu Chúa bảo vệ chị. Nhiều người mê chị, họ nói xấu chị. Bố chị buộc phải thôi dạy học. Chị bị kiện ra tòa. Luật sư hùng hồn bảo vệ chị. Nhưng sau đó ông đòi làm tình, chị kiên quyết cự tuyệt, và trả ông ta nhiều tiền…Rồi chị rời thành phố. Chú bé trở thành lớn hơn. Trong thời chiến tranh sống chết cận kề, bố mẹ cho chú đến nhà thổ. Chú thú nhận với cô điếm là nhiều lần làm tình bằng tưởng tượng…Kết thúc chiến tranh, chồng chị mất một tay trở về nhà cũ. Nhà đầy người tị nạn. Không ai biết Malena đi đâu. Chú bé đã viết thư và nói rằng chị là người tử tế…Hai vợ chồng tìm được nhau, trở về nơi ở cũ. Mọi người thân thiện với chị, mặc dù trước đây họ coi chị như cô điếm.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

KHÔNG PHẢI TÌNH CỜ






KHÔNG PHẢI TÌNH CỜ
Tặng PL
ĐƯỜNG VĂN

Tào lao
nửa buổi,
Chẳng vơi
nửa ly buồn!

Đàn hát tràn
nửa tiếng,
càng… điếng
 cô đơn!

Cô đơn!
Cô đơn!
Biết làm gì hơn?
Tri âm đâu tá mà tri ngộ?
Khẽ rung giọt đàn…

Đàn ai ẩn phía vầng trăng?
Tiếng ai mờ khuất cuối làng?
Mênh mang sông vắng,
Gọi mời
San sẻ
chút bâng khuâng!

Ngậm ngùi:
Lời ru cỏ non!
cò trắng vút bay,
Hoa cải lên trời,
cây chi ở lại?
Ôi! quê tôi!
Hô… hà… hê!
Nhức nhối.
Thình thình trống gọi,
tình tình…
chênh chao!(*)

Trở về ấu thơ,
tắm ngọn sông Đào
Nôn nao, đắng, chát,
hanh hao một mình!

Chiều âm u, thu 26 - 8 – 2011
Sửa 4 – 4 - 2014

(*). Nhan đề và trích lời các ca khúc:
- Lời ru cỏ non (Nhạc Hữu Ước, thơ Nguyễn Thị Kim Châu; Thái Bảo hát);
- Con cò -  Lưu Hà An; Tùng Dương hát;
- Quê nhà – Trần Tiến;  Tùng Dương hát;
- Ôi! Quê tôi! – Lê Minh Sơn; Tùng Dương hát.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VỀ THANH MINH



                   


 VỀ THANH MINH
                         Trần Năng Tĩnh

1/Năm nay, tôi về Quê-Nam Định đúng ngày Thanh minh( mùng sáu tháng ba-Giáp Ngọ). Định xong việc sẽ quay lên Hà Nội trong ngày.Nhưng rồi tôi lại thay đổi kế hoạch, sẽ ở lại Thành Nam của mình một đêm.
  Về đến Nam Định là tôi lo ngay tới việc hương khói và làm chu đáo cho quang quẻ, sạch sẽ mộ phần của ông bà Nội tôi bên làng Nam Vân (bên kia bến Đò Quan, nay đã là một Phường thuộc Thành phố).Sau đấy, lại quay sang hai nghĩa trang phía đầu Thành phố, có cái tên rất ấn tượng: nghĩa trang
Hoa Đồng và Cánh Phượng.Nơi ấy mẹ và vợ tôi đã nằm lại...
   Cũng thật may, buổi sáng hôm tôi về Quê để làm công việc phong tục-lễ nghĩa ấy, trời đất lại quang quẻ trở lại sau những ngày mưa dầm dề, sũng xịu.
  Cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm và an tâm khi đã làm xong việc phải làm-nhất là lại đúng ngày Thanh minh.Thế là,còn cả buổi chiều và tối với Thành Nam của tôi. Với bạn bè tôi. Với những kỉ niệm một thời dài mà sống mãi trong tôi.

  Tôi  gọi điện cho mấy ông bạn vàng.Báo tin mình về Quê và hẹn các ông ấy chiều tối đến Ngõ Văn Nhân (ngõ phố có từ thời cụ Tú Xương-nơi gặp gỡ các Sĩ tử, Văn nhân Thành Nam một thời).Chả là, ngõ phố có cái tên rất sang trọng ấy, đến thời chúng tôi lại có một hàng phở, đặc biệt là món nạm bò ngon lại rẻ. Quả là phù hợp với mấy ông bạn nhà giáo, nhà báo, nhà thơ hàng Tỉnh như chúng tôi.
  Chiều ấy, phải còn hơn một tiếng mới đến giờ hẹn.Tôi mượn chiếc xe đạp của chú em rể, nói là đi quanh rong phố mặc cho ông em cứ nài nỉ: sao anh không lấy xe máy mà đi cho đỡ vất vả.Thật ra, tôi muốn thưởng ngoạn lại và những mong tìm lại dấu của Thành-Nam-Xưa.

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

TIẾU LÂM GABROVO 26 ( TIẾP)







TIẾU LÂM GABROVO 26 ( TIẾP)

KẺ TIÊU HOANG
Một chủ tiệm tạp hóa người Gabrovo than phiền về con trai mình với ông bán thịt láng giềng.
          - Tôi biết chắc rằng nó sẽ chẳng nên người! Hôm qua họ nhìn thấy nó ở nhà hàng. Nó gọi món thịt dần những hai lần! Mà bác hãy xem bao nhiêu là thịt dần tôi sẽ mua ở bác cũng bằng ngần ấy số tiền!...

VỊ KHÁCH HỒN NHIÊN
Vị linh mục người Gabrovo rất keo kiệt, không thích đãi khách. Nhưng dẫu sao, một thời gian, ông cũng phải thu xếp cái gọi là ăn trưa, như là một nhu cầu tinh thần.
          Các vị khách được mời kéo đến. Vợ linh mục bắt đầu bày bàn ăn. Bà đặt một cái đĩa sâu lòng đựng thức ăn trước mặt linh mục, còn mình thì đi vào bếp và khua bát đĩa lanh canh. Trong khi bà vợ lúi húi ở đó, linh mục ăn rất nhanh suất của mình. Sau khi lấy khăn lau tay, nâng kính lên mũi, linh mục hô lên:
          - Linh mục đã no, vợ linh mục cũng no! Ơn Chúa...Bà linh mục hãy dọn bàn đi!
Sự việc cứ diễn ra như thế và không ai có thể khoe rằng mình đã kịp ăn chút gì đó trong bữa trưa ở nhà linh mục.
Nhưng có một lần, có một vị khách hồn nhiên đến nhà linh mục. Người ta mời ông ngồi vào bàn ăn. Vợ linh mục như thường lệ đặt đĩa thức ăn trước mặt linh mục. Linh mục chưa kịp cầm thìa thì vị khách đã ngăn lại:
          - Gượm đã, thưa cha! Cha quên chưa cảm tạ đấng tối cao và làm dấu thánh!
          Linh mục đặt thìa xuống bàn, đưa tay lên để làm dấu thánh. Còn trong khoảnh khắc ấy, vị khách kéo đĩa thức ăn về mình và bắt đầu ăn.
          Khi vợ linh mục quay lại phòng, vị khách đã làm nhẵn đĩa thức ăn; còn linh mục, theo thói quen, cằn nhằn một cách giận dữ:
          - Linh mục đã no, bà linh mục đã no...
          - Nhầm tồi, thưa cha – Khách ngắt lời – Cần phải nói rằng ...Khách đã no, bà linh mục đã no...
Và ông khách đưa cho bà linh mục chiếc đĩa không.

CHỖ HẸP
Trước đây, trong xưởng may hợp tác xã chỉ có một người thợ cắt. Ông ta không thể nào làm kịp việc cho tất cả các thợ khâu. Bởi vậy người ta gọi ông ta là “cái chỗ hẹp”. Trong khi đó, phòng cắt cũng chật hẹp...
Nhưng khi nói về hạch toán kinh tế, về các kế hoạch ứng phó, trong phòng cắt, dù có chật chội thế nào, người ta cũng đặt một cái bàn để cho một người thợ nữa. Họ dồn cả việc thợ khâu cho hai người.
          - Cái anh thanh niên cùng làm với bác là ai thế? – Những bạn hàng hỏi người thợ cắt, khi họ rẽ phào phòng.
          - Sao lại là ai? – Ông ta đáp- Đấy là kế hoạch ứng phó chứ!

ĐỒNG TIỀN VÀNG
Một thương gia buôn chuyến sống ở thành phố Elena thường xuyên đi vào Gabrovo bằng xe ngựa tải chất đầy các hàng hóa khác nhau. Nhà hàng này thì ông  đưa hàng cho chịu, nhà khác thì thanh toán tiền mặt. Điều đó phụ thuộc vào tình trạng tài chính của họ. Một ngày nọ, một anh Gabrovo mới buôn bán yêu cầu thương gia cho anh mua chịu. Thương gia mặc dù chưa có niềm tin cậy với người sắp cộng tác với mình mà không có vốn, dẫu sao, cũng quyết định mạo hiểm. Anh Gabrovo chứng tỏ với thương gia rằng mình là người đáng tin cậy. Thương gia giao hàng hóa cho anh ta. Qua một thời gian, thương gia lại tới Gabrovo và rẽ vào nhà hàng của anh chàng nọ xem công việc tiến triển ra sao và lấy số tiền phải trả của anh ta.
          Anh Gabrovo dẫn thương gia về nhà, khoản đãi cà phê, sau đó rút trong túi ra cuốn sổ ghi chép tất cả các khoản thu chi. Đúng lúc đó, trong cuốn sổ rơi ra đồng mười leva ( đồng tiền vàng) và nó lăn trên sàn. Đứa con trai bé của chủ nhà nhặt lên:
          - Bố ơi, bố ơi! Con tìm được tiền này ! – Đứa bé thốt lên.
          - Chuyện vặt! – Ông bố phẩy tay – Hãy mang nó vào cửa hàng cho mẹ, cứ để cho mẹ đặt nó vào chỗ những đồng vàng khác. Còn con vì có công nhặt được nó, hãy để mẹ cho con tờ 5 đồng , con đi mua kẹo ca ra men!
          Chú bé vui sướng và nhảy chân sáo ra cửa. Còn vị chủ nợ mỉm cười, vui vẻ nói với chủ nhân:
          - Hãy hoãn món nợ lại, lần sau anh sẽ trả. Tôi thấy anh đã có khả năng thanh toán nếu anh có nhiều đồng tiền rơi xuống sàn!...Anh đã diễn như phải diễn. Còn tôi thì vui vì rằng tôi nhớ lại thời trước, tôi cũng diễn vở hài kịch với đồng tiền vàng, trước một công dân đồng hương của mình.

Vũ Nho dịch
Còn tiếp