Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

TÒA SOẠN TẠP CHÍ VĂN MỚI KÍNH BÁO



TÒA SOẠN TẠP CHÍ VĂN MỚI KÍNH BÁO



 


 
 Văn Mới – Tạp chí Sáng tác, Phê bình, Giới thiệu văn  học  Số 8 tháng 2 năm 2016 đã xuất bản. Sách dày 128 trang khổ 16x24cm in đẹp, trình bày sang trọng, bia 1: Thúy Kiều (Tranh sơn dầu - Kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du), bìa 4 bài hát: "Khúc hát sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo do Nhạc sĩ, Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ký tặng bạn đọc Văn Mới thân yêu - giá bìa 40.000 đồng/cuốn. (Văn Mới ra định kỳ 3 tháng một số).

         Văn Mới 8 đăng những tác phẩm xuất sắc của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả văn học.Truyện ngắn: Đời quá phù du của Nguyễn Trí, On & Off của Bình Địa Mộc, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm của Y Ban, Cương vị của con tốt đen của Nguyễn Thị Minh Ngọc, các truyện ngắn của Nguyễn Phan Hách, Lưu Quang Minh, Vương Đình Trung, Nguyễn Ngọc Chiến… Truyện ngắn: Chiếc Caddilac nhà văn Mỹ do Ngô Tự Lập dịch từ nguyên bản tiếng Anh, truyện: Vé trúng số của Sê Khốp. Những chùm Tản văn của Lý Thị Minh Châu (Đà Lạt), Ngô Thế Lâm, Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mâu), Bút ký của Nguyễn Huy Hoàng (Liên bang Nga). Văn Mới số 8 có 7 chùm thơ, mỗi chùm 3 bài thơ hay đăng cùng trích ngang  hoạt động văn học và chân dung các nhà thơ: Trần Nhuận Minh, Phạm Thu Trang, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Hòa, Nguyễn Khánh Hòa, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Trác. Thơ nước ngoài có: Ba nhà thơ Đức, ba nhà thơ Pháp với 6 bài thơ nổi tiếng thế giới.

        Văn Mới số 8 đăng tải Ý kiến Nhà văn của Dạ Ngân về môn lịch sử  (Ai trả lời câu hỏi cay đắng này? ), Hoa Kỳ lắm cái dở hơi của Quách Liêu, Đọc sách Văn học giúp chúng ta thông minh hơn của Bích Ngọc dịch từ Time. Phê bình có bài của Vũ Nho viết về Những vỉa thơ Trầm tích của Hoàng Trần Cương – Giải thưởng Thơ và Trường ca Hội nhà văn năm 2015, bài : “Nam Cao nhà văn hiện thực sâu sắc Nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn “ của Tri Thức Phát Triển, Bài thơ tình trong ngôi mộ cổ của Hoàng Dân. Văn Mới đưa thông tin về giải Nobel văn học năm 2015, về Di Li Nữ nhà văn trẻ Việt Nam đầu tiên có tác phẩm được dịch sang tiếng Hà Lan …

   Văn Mới không nhận Tài trợ, không đăng Quảng cáo. Chúng tôi gắng làm một Tạp chí Văn học thuần chất Văn chương - hay về nội dung, đẹp về hình thức. Kính mong quý vị gửi tác phẩm cho Văn Mới. Mời quý vị mua Văn Mới qua Email : toasoanvanmoi@gmail.com hoặc nhắn tin đến Điện thoại 0915587824. Tòa soạn sẽ gửi bưu điện tới địa chỉ của quý vị, sau khi nhận được Văn Mới quý vị thanh toán qua ngân hàng theo giá bìa.  

                                                                          Trân trọng cám ơn! 

        

Phác thảo một bài thơ văn xuôi – phê bình Thơ





MINH CHIẾT VŨ TIỀM - MINH TRIẾT ĐẤT ĐAI*

(Phác thảo một bài thơ văn xuôi – phê bình Thơ)

 Kính mến tặng anh NVT!
ĐƯỜNG VĂN

Từ
minh chiết Nguyễn Vũ Tiềm thoát thai thành Minh triết đất đai!
Minh triết đời, minh triết người, minh triết thơ hoán cốt đổi hồn, sinh sôi, tích tụ.
Và tỏa lan trong trí – hồn tôi như những vòng sóng dư ba, dư ba tới tận… vô cùng!
Hình thức tập thơ: in thoáng, trang nhã và sang trọng.
Tuy tự chọn, trích thơ ở các trang
bìa hơi nhiều và đơn điệu.
Bìa đẹp! Nhưng minh họa lại phần nào bị lệ thuộc vào hiện
thực hoặc tượng trưng 1 cách dễ hiểu.
Nội dung thơ: tuy chưa đọc được thật kỹ, nhưng sơ bộ, đã chiêm nghiệm đôi điều vội vã, mong sẽ còn được tiếp tục đứt nối, bổ sung sau:
Đường Văn

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Vườn mẹ với lời bình Nguyễn Thị Lan




VƯỜN MẸ
                             
 Vũ Minh Tuấn

Mẹ già nua sống dưới mái nhà xưa
Yếu ớt nắng chiều hắt lên cành khế
Cây ổi khẳng khiu quả non chát thế!
Vườn mẹ mùa này nhiều lá khô rơi...

Trên sân nhà bề bộn rơm phơi
Tay mẹ run run nhặt từng chẽ lúa
Nỗi mừng gặp con chẳng còn rạng rỡ
Tuổi xế chiều héo hắt cả niềm vui

Mảnh vườn này xưa cây lá xanh tươi
Có chim mẹ tha mồi cho chim non trong tổ
Có buổi chợ tan con ngẩn ngơ đầu ngõ
Có sớm mai con thanh thản học bài

Có vết khắc chiều cao từ thuở mười hai
Khi xay lúa con thường đo lên cột
Con chim bay đi mang theo tiếng hót
Để mẹ ta trong vườn cũ đơn côi!

Con lớn lên khao khát những chân trời
Tổ quốc gọi con đến nơi có giặc
Uống nước Nậm U
Ăn cam Nậm Bạc
Nỗi nhớ quê nhà vẫn cháy khát khôn nguôi

Nay dưới vườn xưa lưng mẹ còng rồi
Mưa nắng- thời gian- mái nhà rêu phủ
Con ước mong mẹ mãi là cổ thụ
Để con về nương bóng mẹ, mẹ ơi!.
                            Hoàng Xá 1991

Lời bình của Nguyễn Thị Lan

1. Ai sinh ra chẳng có  một miền quê, một góc quê - một góc thương nhớ, để rồi dù có đi xa, thì đó là nơi mỗi người con tha hương sẽ nhớ, quay về.
            Bài thơ “Vườn mẹ” của nhà thơ Vũ Minh Tuấn, Hội viên Hội VHNT Hải Dương là một lần hoài nhớ, một lần quay về ấy.
            Thi phẩm gồm 6 khổ với 25 câu thơ, mỗi câu chủ yếu 8 tiếng. Bài thơ là những ký ức, kỷ niệm, tình cảm của tác giả với mẹ, với mảnh vườn của mẹ - hình ảnh tiêu biểu của quê hương.
            Theo lôgích của tình cảm, bài thơ có kết cấu: hai khổ thơ đầu viết về “Vườn mẹ”trong hiện tại; 3 khổ tiếp theo là “Vườn mẹ”trong ký ức, hoài niệm và khổ cuối viết về ước vọng của người con.
            2. Mở đầu bài thơ, nhà thơ đưa ta cùng trở về “Vườn mẹ”:

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

NỖI ĐỜI - BẠN - QUÊ...





CHÙM BỐN CÂU-THƠ TRẦN TRUNG.



1/NỖI ĐỜI

Cháy lên cơn khát Ái-Tình

Tỉnh ra rồi lại giật mình...Sao đây?

Nỗi đời say tỉnh-Tỉnh say,

Nhân tình thế thái vòng xoay

                              Khó lường!



2/BẠN

Một đời tìm...Khó-Cố Nhân!

Bạn bè-Ê kíp khó gần-Tâm giao.

Đành thôi...Thôi cứ tầm phào

Tìm ra bầu bạn-khác nào Cố Nhân.




3/QUÊ

Quê nào thì cũng Quê-Ta,

Nhà Trần hào khí mới là Sơn Nam!

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TIẾU LÂM GABROVO



Theo yêu cầu của một số bạn, Vũ Nho đăng lại Tiếu lâm Gabrovo dịch từ tiếng Nga.



TIẾU LÂM GABROVO

KHO TÀNG GBROVO QUÝ GIÁ
Trên hành tinh nhiều lầm lạc của chúng ta nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt. Nguyên nhân của nó, như các nhà Lịch sử khẳng định – đó là chiến tranh! Còn nguyên nhân của chiến tranh, như các nhà Triết học khẳng định – là thiếu sự…nhất trí. Không phải sự nhất trí của triều đại duy nhất, không phải sự nhất trí ý kiến duy nhất, mà…sự nhất trí biện chứng của những mặt đối lập lớn lao nhất : cảm giác mức độ và cảm giác trào lộng.
          Kinh nghiệm lịch sử của Gabrovo được ghi niên đại chỉ từ năm 1527!Nhân dân thành phố này quyết tâm không để cho số phận của thành Tờ-roa hay Kar-pha-ghen xảy ra với thành phố của họ. Như những người nắm được cảm giác mức độ và hết sức chắt chiu, họ quý trọng hòa bình, vì rằng chiến tranh – không phải chuyện đùa và tốn kém tiền của. Như những người giàu năng lực hài hước, họ bình tĩnh chế nhạo chính mình vì chuyện đó, họ chẳng tốn kém một chinh. Vì còn chưa có bảng giá cho đùa cợt và biểu thuế chuyên môn…
          Những người Gabrovo không phải là Kô-lôm-bô hay Ma-gien-lăng, vì răng sự thám hiểm là công việc mạo hiểm. Trong số họ cũng không có Ê-đi-sơn hay Mac-cơn, vì công việc thí nghiệm là việc tốn kém; không có các ông Van-gốc cũng như Pi-cát-sô vì cái mới trong nghệ thuật không phải lập tức được đánh giá thỏa đáng. Những người Gabrovo là những người khám phá, những nhà phát minh và những người cách tân trong lĩnh vực Tư tưởng! Cụ thể hơn – lĩnh vực khoa học kinh tế. Mặc dù họ là những người vô thần ( theo các kiến giải kinh tế tài chính), nhưng điều đó không cản trở họ hăng hái tuyệt vời áp dụng kinh nghiệm của Jesu –Critst đã nuôi hàng ngàn người bằng hai con cá.
          Nhiều điều phồn thịnh ở Bun-ga-ri, nhưng Gabrovo công nghiệp phồn thịnh hơn cả. Không phải là theo ý Chúa, mà là nhờ tính tháo vát và nhanh nhẹn của người dân khiêm tốn thích đùa và cười của thành phố.
          Và bạn, người khách du, sau khi tới thành phố cười này bằng xe hỏa, bạn có thể gặp ở đây những con người với các thói xấu khác nhau, nhưng không bao giờ gặp những kẻ chơi trội, những người cuồng, những kẻ kiêu kì và đua đòi.
          Gabrovo nổi tiếng với những tấm vải  tuyệt vời của mình. Tuy nhiên, nó không đủ mặc cho cả hành tinh rách rưới của chúng ta. Công nghiệp đóng giày của Gbrovo có thể đạt đến quy mô chưa từng có. Tuy nhiên không đủ giày cho tất cả. Nhưng những chuyện hài hước của Gabrovo thì có thể làm cả nhân loại buồn cười.
          Nhìn chung, tiếng cười trong mọi thời đại đã và sẽ là đơn vị tiền tệ ổn định nhất. Chẳng thể nào lên đường được nếu thiếu nó.
                                                Rađôi Ralin
                                                 Vũ Nho dịch                
Từ cuốn “ Tiếu lâm Gabrovo, nhà xuất bản Người nghệ sĩ Bungari, Xoophia, 1983.



TIẾU LÂM GABROVO

Ngày còn nằm trên bàn làm việc ở 194 Trần Quang Khải, mình đã có bản tiếu lâm GABROVO bằng tiếng Nga có tranh minh họa. Ngày ấy mới xuất hiện máy photocopy.  Chính- anh bạn đồng hương Ninh Bình đã tận tình chụp cho cả quyển sách. Thời gian đó đang bận dịch Chào các em cho tạp chí Nghiên cứu Giáo dục. Rồi sau vì bận bịu, cũng không đi kiếm nhà xuất bản nào để hợp đồng. Nhưng cứ thi thoảng dịch vài truyện thư giãn. Bây giờ có Blog, nhân tiện đánh máy lại và đưa lên cho mọi người đọc chơi.


Nhập đề
Người Gabrovo phát minh ra quần hẹp, váy ngắn, tàu lượn, đồng tiền lẻ bé xíu nhất, chế độ tiết kiệm nhiên liệu và điện năng…

Thiên hạ kể về người Gabrovo rằng

Một lần bảy người Gabrovo ăn canh bằng một cái thìa. Khi tên trộm mà họ tìm kiếm đã lâu đi sát qua họ nhưng không ai  phát hiện ra, vì mắt ai cũng dán vào cái thìa đó.
*
Khi muốn ăn bữa trưa rẻ, người ta mua củ cải. Như thế có hai cái lợi: anh vừa có món khai vị để ăn, mà trong nhà lại thoang thoảng mùi trầm.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

ĐẠI HÀ MỸ TỬU



                                                     
                                                                                       Nhà văn Vũ Công Hoan
 ĐẠI HÀ MỸ TỬU

                                                            Vương Mông



Mùa hè năm nào lão Vương cũng vè nhà quê một thời gian ngắn.Quê ông ở thị xã QQ. Ông Vương có thói quen hơi động một chút là gọi điện thoại 12121hỏi tình hình thời tiết. Chẳng phải thế sao ư? Từ việc ăn uống nghỉ ngơi, vui chơi  đi lại đều liên quan đến thời tiết mà lại.

Lần nào hỏi thời tiết, đài hỏi đáp khí tượng của thị xã QQ cũng phát một đoạn  quảng  cáo trước tiên:

“Sông lớn cuồn cuộn, khí tượng muôn vàn, sông nhỏ gồng minh, âm dương hoà quyện, nước đục cuồn cuộn, ngũ hành sinh khắc, nước trong tung toé, gan thận thích nghi. Đại Hà mỹ tửu, hàng ngon giá rẻ, Đại Hà mỹ tửu nhắc nhở bạn chú ý thời tiết thay đổi, chú trọng bổ âm tráng dương, thân thể và tâm hồn bình an…”

Sau đó mới bập vào chủ  đề  chính, báo cáo tình hình thay đổi thời tiết, nắng mưa, hướng gió, nhiệt độ cao nhất thấp nhất vân vân. Lại còn thêm mấy câu quan tâm  nhắc  nhở  người nghe, nhớ hôm nay trời lạnh, mặc thêm quần áo, trời mưa phải mang theo áo mưa ô che,  cặn kẽ còn hơn cả người mẹ thân thiết, nhằm chiếm dụng thời gian, thu thêm chi phí.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

GÓP PHẦN DẠY TỐT ĐOẠN TRÍCH “CHÍ KHÍ ANH HÙNG” Ở LỚP 10 THPT





GÓP PHẦN DẠY TỐT ĐOẠN TRÍCH “CHÍ KHÍ ANH HÙNG” Ở LỚP 10 THPT



                                                         PGS.TS   Vũ Nho



Đoạn trích “Chí khí anh hùng” trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 2 cả bộ sách nâng cao và không nâng cao đều trích 18 câu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Để góp phần dạy tốt đoạn này, chúng tôi  cho rằng giáo viên cần biết được nguyên văn đoạn này trong “Kim Vân Kiều” ( KVK) của Thanh Tâm Tài Tử, so sánh với 18 câu trong “Truyện Kiều” (TK) của Nguyễn Du. Từ đó thấy được sáng tạo của Nguyễn Du. Không phải ai cũng có  sách KVK, bởi vậy chúng tôi cung cấp kết quả so sánh.



1. So sánh giữa hai đoạn

 Như đã nói, đoạn này trong sách giáo khoa hiện hành, các soạn giả lấy tên là “ Chí khí anh hùng”.

Thật ra, trong KVK, Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi chỉ vỏn vẹn  có hơn một dòng gồm 2 câu ngắn : “ Từ bèn mua riêng một sở để cùng ăn ở với nàng. Được hơn 5 tháng thì Từ dứt áo ra đi” ( Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, trang 352)*. Nếu tính chi li ra, câu văn xuôi thứ nhất bên trên đã được Nguyễn Du viết  thành 4 câu lục bát tương ứng:

          Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn

          Đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên

          Trai anh hùng, gái thuyền quyên

          Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

Như vậy cả đoạn chỉ còn có một câu ngắn  thứ hai mà thôi.

         

Thế mà trong TK, Nguyễn Du đã viết thành một đoạn thơ dài gồm 18 câu lục bát với bao nhiêu điều khác biệt.

          Nửa năm hương lửa đang nồng

          Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

          Trông vời trời bể mênh mang

          Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong

          Nàng rằng “ Phận gái chữ tòng

          “ Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”

          Từ rằng : “ Tâm phúc tương tri

          Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

          “ Bao giờ mười vạn tinh binh

          Tiếng loa dậy đất , bóng tinh rợp đường,

          Làm cho rõ mặt phi thường

          Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

          Bằng nay bốn bể không nhà

          Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

          Đành lòng chờ đó ít lâu

          Chầy chăng là nửa năm sau vội gì”

          Quyết lòng dứt áo ra đi

          Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Đối sánh hai đoạn , chúng ta sẽ thấy Nguyễn Du đã hoàn toàn sáng tạo ra đoạn này chỉ căn cứ vào một câu  ngắn trong KVK. Chúng ta hãy cùng xem xét Nguyễn Du đã sáng tạo thêm những gì.

          - Thứ nhất, nhà thơ Việt Nam đã coi nguyên nhân Từ Hải từ biệt Thúy Kiều ra đi là một sự “ động lòng bốn phương”. Việc ra đi này  rất hệ trọng, cho nên dù “hương lửa đang nồng”, tình cảm vợ chồng nồng nàn, say đắm, nhưng không thể không “ dứt áo” ra đi.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

CÙNG SAY-NGUYÊN TIÊU





CÙNG SAY-NGUYÊN TIÊU
                            TRẦN TRUNG
 Nguyên Tiêu
              Ngẫu hứng
                         Rượu bia
Thì thơ, thì phú...
                       Chia lia vơi đầy
Bao giờ cho đến
                        Được say!?
Tỉnh ra, lòng lại đọa đày...
                        Thế-Nhân.
Thương nhau-xa cũng nên gần
Ngóng về nguồn cội
                        Trăng ngần
                               Mãi xanh.
Chạnh lòng chi, giữ lấy Tình
Mặn mà sau trước đinh ninh Tình-Đời.
                     ***
Chiều này con gió rong chơi
Thì nghiêng quán cóc
                          Bia hơi
                                  Khóc-Cười...
Ngẫm đời cũng đến thế thôi
Nguyên Tiêu ngẫu hứng
                            Tót vời...
                                   Thăng Long!
Cạn ly Ta lại mơ mòng,
Cho trăng lại sáng
                       Thong dong Xứ này.
                      ***
Bạn à,
       Ta lại cùng say...

                     HÀ NỘI, 22/2/2016
                 (Rằm tháng giêng-Bính Thân).