Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

CHÙM THƠ THU của Đặng Xuân Xuyến




THƠ VỀ MÙA THU
Chùm thơ: Đặng Xuân Xuyến
*
Hương Thu
.
Ô kìa chiều
Ai thả nắng vương cây
Tóc rối ai bay
Mòn ai đuôi mắt
Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt
Da diết bổng trầm xao xác sông xưa
.
Ta hỏi chiều
Thu đã về chưa
Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ
Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ
Biêng biếc trời chiều
Man mát hương sen.
.
Ta hỏi chiều
Sao rất đỗi thân quen
Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới
Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối
Bồng bềnh người ơi
Mây tím lưng trời.
*.
Hà Nội, chiều 07 tháng 08 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
Sắc Thu
.
Tiếng cười trong veo, ngọt lịm
Ngác ngơ, chim Ngói gật gù.     
Ngõ nhà ai hoa tim tím
Dịu dàng níu khách lãng du.
*
Làng Đá, 17 tháng 09.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
Thu lạnh
.
Người đã đi rồi, đi quá xa
Bỏ ta ở lại với quê nhà
Hôm nay về lại thăm làng Đá
Ngơ ngẩn chiều tà ta với ta…
.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Vĩnh biệt nhà thơ Trần Minh!

 VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TRẦN MINH!
TIN BUỒN
Nhà thơ TRẦN MINH
HỘI viên Hội nhà văn Việt nam
HỘI viên Hội nhà văn HÀ NỘI
Thành viên CLB văn học huyện Đông Anh -Hà Nội
Đã từ trần hồi 12h+..ngày 29/10/2018 lễ viếng hồi 08h/30/10/2018
BCNCLBVH huyện Đông Anh
Kính báo

 Đọc mạng, biết tin nhà thơ Trần Minh qua đời, xin chia buồn với gia đình và vĩnh biệt anh! Cầu chúc cho linh hồn anh siêu thoát miền Cực Lạc!
Chủ trang xin đăng lại bài viết về thơ Trần Minh như một nén nhang cho anh!

 
THẾ GIỚI XUNG QUANH QUA MẮT NHÌN CỦA BÉ
Đọc Trần Minh - Vầng trăng non của bé, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2014

                                               
Trẻ em làm thơ trực tiếp nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Người lớn làm thơ cho trẻ em thì có thể vẫn bằng đôi mắt của riêng mình. Nhưng Trần Minh chọn cách nhìn bằng đôi mắt trẻ em. Một cách lựa chọn thông thường của phần lớn những nhà thơ người lớn. Chúng ta đều biết người lớn không phải tự nhiên sinh ra. Trong mỗi một người lớn/ Có một đứa trẻ con. Có thể phần lớn những người bình thường thì đứa trẻ đó nhanh chóng trưởng thành, già đi và không bao giờ trở lại. Nhưng với một số người, nhất là những người làm thơ cho trẻ em thì đứa trẻ đó hình như không chịu lớn, không chịu già. Mỗi khi họ làm thơ thì đứa bé hồn nhiên quay trở lại. Nó giúp người viết luôn có cái nhìn tươi mởn, trong trẻo và hồn nhiên.
          Một trong những đặc tính của trẻ thơ là luôn luôn muốn khám phá, luôn luôn lạ lùng trước thế giới xung quanh, luôn luôn đặt câu hỏi về chúng để nhận thức, để hiểu biết.
          Bé, nhân vật chính trong tập thơ “VẦNG TRĂNG NON CỦA BÉ” là em bé như vậy. Cái gì cũng ngạc nhiên, cũng gây tò mò. Bé đã từng biết đến quả lựu, quả na, quả ổi, quả thị… Quả nào cũng có nhiều hạt. Vậy thì chắc quả mưa phải to lắm nên mới có bao nhiêu là hạt mưa. Câu hỏi của Bé bật ra từ hiểu biết về hạt và quả:
          Quả mưa có to không
          Mà hạt mưa nhiều thế
          Rơi khắp cả cánh đồng
             Quả mưa
Cũng một lối tư duy, một cách phán đoán như thế, trong mắt Bé, mùa xuân phải rất vui tươi, rất hào phóng, có rất nhiều quà tặng cho mọi người:
          Chắc xuân có nhiều tuổi lắm
          Nên tặng cho khắp cả nhà
          Xuân mừng tuổi bố tuổi mẹ
          Còn mừng tuổi cả ông bà
Mùa xuân vui tươi và ngoan ngoãn như thế cho nên Bé mới mơ ước:
          Bố ơi ngày mai con lớn
          Con sẽ là mùa xuân cơ
                             Mùa xuân của bé
Một loạt các sự vật, hiện tượng đều gây cho Bé tò mò muốn hiểu biết. «Bé thấy gì cũng lạ».Từ chuyện Trâu có sừng, chắc là khó mà đội mũ hay đội nón, Bé lo lắng:
          Làm sao đội mũ được
          Nó cảm nắng mất thôi
                   Thăm quê ngoại

Nhà thơ Vũ Bình Lục: Người khát khao “giải mã” kho báu văn chương





Nhà thơ Vũ Bình Lục: Người khát khao “giải mã” kho báu văn chương

07:55 28/09/2018

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục vừa cho ra mắt bạn đọc một bộ tuyển tập đồ sộ "Giải mã kho báu văn chương" gồm 5 tập. Ông đã dành thời gian nhiều năm trời để tập trung nghiên cứu, dịch thơ và bình giải thơ Lý - Trần. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà thơ Vũ Bình Lục đã làm được một công việc nhiều ý nghĩa. Nhân dịp này, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với ông.




- Thưa nhà thơ Vũ Bình Lục, giữa thời đại mà e rằng, thơ không còn chiếm vị trí cao trong các thú thưởng thức, giải trí, và thơ cổ thời Lý - Trần lại càng xa lạ hơn với đời sống hiện đại hôm nay, vì sao ông lại chọn công việc "cũ kỹ" và hao tâm tổn sức, tốn thời gian, không mang lại lợi ích kinh tế để làm?

+ Không phải chỉ mình chị mà có nhiều người hỏi vui rằng, vì sao tôi phải lao tâm khổ tứ mất mấy năm trời cùi cũi làm bộ sách "Giả mã kho báu văn chương" (dịch và bình giải thơ Lý - Trần)  vừa dài vừa rộng về dung lượng, lại vô cùng gai góc về những vấn đề lịch sử và văn học bấy lâu còn chìm nổi như thế?

Một công trình lớn và rất khó khăn như vậy, lẽ ra phải là công việc của một tổ chức chuyên môn ở cấp Nhà nước mới có thể đảm đương nổi, một mình ông nhỏ bé, học vấn thì sơ sài, sao dám "liều mình như chẳng có", cứ lầm lũi làm cái việc quá sức mình, mà hình như chẳng mấy hi vọng đem lại chút lợi ích kinh tế nào cho riêng ông cả.

Tôi ngẫm lại những thắc mắc của bạn bè thấy phải lắm. Bản thân tôi cũng không giải thích được vì sao. Có lẽ, một khi đã vướng vào DUYÊN NGHIỆP, thì sự đam mê, đắm đuối cũng là điều dễ hiểu, mặc dù kết quả chưa dám chắc đã đong đếm được là bao.

- Vâng, có lẽ lý giải do "duyên nghiệp", do tình yêu và lòng đam mê với thơ Lý - Trần là chính xác nhất. Tuy nhiên, mọi tình yêu lớn đều phải xuất phát từ những cơ duyên ban đầu. Ông có thể chia sẻ cơ duyên đến với việc nghiên cứu thơ Lý - Trần?

+ Thực ra, năm 2013 tôi đã làm cuốn "Hồn thiền trong thơ Lý - Trần", cuốn sách dày 704 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Nhưng cuốn sách ấy mới chỉ là tinh tuyển, tư liệu sử dụng còn ít ỏi và thậm chí một số tư liệu cũng đã lạc hậu; kinh nghiệm làm sách lại chưa có bao nhiêu, cho nên cuốn sách ấy vẫn còn một số khiếm khuyết đáng tiếc.

Thêm nữa, nếu không để nhiều thời gian nghiên cứu kỹ càng toàn bộ thời kỳ văn học Lý - Trần, đi sâu vào nghiên cứu từng tác phẩm, từng tác giả, để có thể bao quát đầy đủ hơn, thẩm thấu rộng hơn, sâu hơn vào bóng chữ, vào các văn bản hiện có, thì những suy đoán về nhân vật trữ tình chủ thể, về nội dung và xuất xứ từng tác phẩm của các tác giả sẽ không giải mã được chính xác và đầy đủ.

Sau cuốn "Hồn thiền..." năm 2013, sang năm 2014 tôi làm tiếp cuốn "Thánh thơ Cao Bá Quát". Cuốn này cũng dày 704 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Năm 2015 tôi lại tiếp tục làm xong bộ sách bao gồm 2 quyển về thơ chữ Hán và thơ Nôm của đại thi hào Nguyễn Trãi, gần 1.600 trang, cũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Cả hai quyển tôi cũng dịch thơ và bình giải thơ chữ Hán và chữ Nôm của cụ. Từ việc làm những cuốn sách trên, trong quá trình đó tôi nung nấu một quyết tâm sẽ phải quay trở lại với thơ Lý - Trần để hoàn thiện nốt những gì mình đang còn dang dở.



- Ông có thể nói rõ hơn mục đích ông muốn để lại cho hậu bối những kiến thức, hay triết lý nhân sinh sâu xa ở những bộ sách này?

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Đóng góp của một đời văn




Đóng góp của một đời văn
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Ths Đinh Thanh Hương
    Với người làm nghề nghiên cứu lý luận phê bình thì cả một đời văn có một tuyển tập xứng đáng là một niềm hạnh phúc lớn. Vì nghề ấy khó, khô khan lại khổ nữa. Phải cần cù, siêng năng, lầm lũi đọc, tra cứu, đối chiếu, ghi chép, hệ thống, phân loại…Mà không chỉ có sách trong nước, còn cả sách nước ngoài, vì phải có lý thuyết để soi vào vấn đề nghiên cứu, nếu phù hợp thì may ra mới có một phát hiện. Bảy mươi tuổi đời với hơn bốn mươi năm viết, PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện chuyên đi sâu nghiên cứu lịch sử, lý luận, phê bình văn học thế kỷ XX đã có hàng trăm bài nghiên cứu, công bố 6 cuốn sách in riêng nay tuyển chọn thành một công trình dày dặn, bề thế, có đóng góp đáng quý, có tiếng nói riêng. Thế là rất đáng trân trọng.
   Thế mạnh trước nhất của anh là khảo luận, nghiên cứu về lý luận, nhất là lý luận Macxit và đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng. Được đào tạo bài bản, khoa học ở trung tâm châu Âu (Cộng hoà dân chủ Đức trước đây) được nghiên cứu, tiếp thu nhiều trường phái lý luận hiện đại nhưng không sa vào các lý thuyết mang tính thời thượng mà anh càng nắm vững hơn các nguyên lý triết mỹ của chủ nghĩa Mác rồi soi chiếu vào thực tiễn văn hoá văn nghệ nước ta để khẳng định những chân lý nghệ thuật mang tính kinh điển. Đồng thời nhờ nắm vững đường lối Đảng ta về văn nghệ mà anh có những góp ý đúng đắn, thẳng thắn, kịp thời về sự phát triển văn học nghệ thuật nói chung cũng như chỉ ra những động lực mới để thúc đẩy nghiên cứu, lý luận, phê bình. Tất nhiên để được như vậy còn phải hiểu rõ mặt bằng tri thức cũng như sự vận động của văn học nghệ thuật, không chỉ của nước ta mà còn chung cả thế giới. Chỉ cần hình dung như vậy ta cũng thấy chân dung vạm vỡ nhà lý luận Nguyễn Ngọc Thiện, cần cù, say mê, tâm huyết, có một phông nền cả lý thuyết và thực tiễn chắc chắn, điềm đạm, đúng mực với phong cách thực chứng nên hàm lượng khoa học của bài viết có sức thuyết phục. Chùm bài về đường lối văn nghệ, về ý kiến của các nhà tư tưởng, của Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) sẽ mãi mang tính thời sự, vì bàn đến những vấn đề đường lối, những nguyên lý, nguyên tắc mang tính quy luật phù hợp với văn hoá Việt Nam. Chúng tôi không phản đối thậm chí ủng hộ việc ứng dụng những lý thuyết mới vào nghiên cứu thực tiễn văn hoá, văn học Việt Nam. Nhưng qua trường hợp Nguyễn Ngọc Thiện, chúng tôi cho rằng, với người nghiên cứu thì việc trước hết là phải nắm vững đường lối văn hoá của Chủ nghĩa Mác, của Đảng Cộng sản Việt Nam, có vậy mới đủ vốn, đủ bản lĩnh để tiếp thu những lý thuyết mới.

                            PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện nhận hoa của nhóm " Chúng tôi yêu nghệ thuật" chúc mừng

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

MÙA ĐÔNG HAIKƯ CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN



                                     
         
MÙA ĐÔNG  

                                   HAIKƯ CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN
                                                   Đinh Nhật Hạnh



        Hà Nội…Mùa vãn thu đã buông những lá bàng vàng,vẫy tay tạm biệt trước khi đỏ rực những dinh bàng Yên Thái cổ xưa ;nao nức chờ mùa lá Phong  đầu tiên sưởi ấm trời Thăng Long  đang chuyển  màu áo đỏ .Và heo may đã về trên những sắc màu áo ấm đầu mùa của các thiếu nữ phong phanh.Mùa đông sắp sang

Theo chương trình đề ra trong 2 năm kế tiếp- từ  năm 2018,Trang Website haikuviet.com Haikư- Hà Nội đã chuyên giới thiệu có hệ thống những thi phẩm tiêu biểu của 4 Đại thụ Haikư và Haikư cổ điển Nhật Bản qua 4 mùa XUÂN- HẠ- THU- ĐÔNG.Năm nay-2018 chúng tôi đã hoàn thành đăng  phần  sáng tác của Matsuo BASHO (1644-1694),BUSON(1716-1784) và Haikư cổ điển Nhật Bản.Năm sau,xin hẹn gặp lại thưởng thức tác phẩm chọn lọc của 2 Đại thụ ISSA và SHIKI.

Mùa đông xứ mình không có tuyết;mời các bạn mang áo ngự hàn cùng thưởng thức phong cảnh mùa đông xứ người qua các tác phẩm kinh điển mang dấu ấn thời gian.

Để có một nhìn nhận nhất quán và toàn bộ,xin mời tham khảo loạt bài này trên Website haikuviet.com từ đầu năm 2018.

Trân trọng,




                                                            MÙA ĐÔNG

Bài 1-

Trên núi, trên truông

không gì động đậy-

Sáng nay tuyết dày

 Chyo-ni



Bài 2-

Chẳng còn trời đất-

Chỉ tuyết mà thôi !

rơi,rơi …vô hồi

Hashin



Bài 3-

Đẹp chưa !con quạ  

thường ngày ghét thế-

Sáng này tuyết rơi

Basho



Bài 4-

Đến cả chú ngựa

cũng trông ra vẻ-

Tuyết về sáng nay

Basho



Bài 5-

Gà vịt ngủ yên

tuyết rơi

rất dày

Kien



Bài 6-

Dưới chiếc ô cũ

con dơi

ở nhờ

Buson
                                                                     Tác giả Đinh Nhật Hạnh


Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ”




ĐỌC “QUÊ TRONG PHỐ
CỦA NGUYỄN XUÂN MÔN 
                 Đặng Xuân Xuyến
*
Lang thang dạo facebook, tôi “gặp” “Quê Trong Phố” của nhà thơ Nguyễn Xuân Môn. Bài thơ chỉ sau vài ngày “xuất xưởng” đã nhận được lời tán thưởng và chia sẻ của nhiều bạn đọc trên facebook: 892 lượt thích, 166 bình luận (hầu hết là lời ngợi khen) và 8 lượt chia sẻ. Những con số thật ấn tượng.
Phần vì tò mò, phần vì cũng đã từng đọc và thích thơ của ông nên tôi chầm chậm đọc để hiểu “Quê Trong Phố” của Nguyễn Xuân Môn.
QUÊ TRONG PHỐ
.
Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
Sớm mai tia sáng nằm ngang
Khói bay nghiêng sợi khẽ khàng luồn sương
.
Ánh đèn đêm phố còn vương
Còi xe đã xé rách đường tả tơi
Lắng tai nhặt tiếng chim rơi
Tiếng kêu của là úa rời cành đau
.
Nhớ quê sân thượng trồng cau
Trầu… không: Vẫn thả dây trầu “neo” quê
Thích "hương"… bùn - mặc người chê
Cá kho niêu, vại cà thề hợp ngon
.
Quê từ cha “nhiễm” sang con
Trát ngoài “phấn” phố vẫn còn quê trong
Người quê ở phố, quê… bong?
Tôi "quê" trong phố bởi lòng có quê!
*
Tháng 10 năm 2018
NGUYỄN XUÂN MÔN
Ngay từ những câu thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng từ ngữ, hình ảnh “độc đáo” và táo bạo, không nền nã như "tạng" của thể thơ lục bát:
Văng sang từ phía nhà bên 
Tiếng gà gáy vỡ toác đêm thu tàn
"văng" tiếng gà gáy làm "vỡ toác đêm thu tàn".
Là "văng" chứ không phải là "vẳng", là thô ráp, trần trụi của “vỡ toác đêm” chứ không phải là trong trẻo của một sớm mai yên bình, tinh khiết. Một sự “thưởng ngoạn” tiếng “gà gáy sáng” rất khác lạ.

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

MỚI BẢY NHĂM TRĂM




LỤC BÁT VIẾT Ở CÚC PHƯƠNG
Đinh Y Văn

MỚI BẢY NHĂM TRĂM

Tính năm mới bảy nhăm trăm *
Mấy mươi vạn chửa xa xăm cõi Người **
Triệu năm đã có núi rồi
Tỷ năm Trái Đất đã trôi quanh Trời…
Kìa nồi ốc luộc thơm hơi
Mấy Người tiền sử đang ngồi vây quanh!

*  Động Người Xưa (rừng Cúc Phương) có dấu tích người tiền sử sống cách ngày nay khoảng 7500 năm.
** Loài Người thông minh (Homo sapiens) có lịch sử khoảng 20-30 vạn năm.


ĐỂ NGƯỜI CÓ NHỮNG
KIẾP SAU THĂM CHÒ

Trăm năm đại thọ kiếp Người
Ngàn năm Chò vẫn xanh tươi giữa rừng
Bể dâu bao cuộc đã từng

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

NHÀ THƠ CỦA MIỆT VƯỜN, VÀM SÔNG




NHÀ THƠ CỦA MIỆT VƯỜN, VÀM SÔNG

Đọc Những vàm sông đêm của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, nxb Hội nhà văn, 2018

                                     Vũ Nho

Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có một mảnh đất thân thuộc, gắn bó máu thịt của mình. Và do đó mảnh đất ấy luôn luôn ám ảnh họ, là địa chỉ đi về của những kí ức, những giấc mơ. Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh dù có “Bắc thang lên Đà Lạt”, có “rơi ngược lên trời”  ở “ Cáp treo Bà Nà”, có thèm “giọng của một người Sài Gòn” khi “ Qua Cồn Phụng”, có băn khoăn về tình yêu vĩnh cửu khi nhìn phế tích “ Thánh địa Mĩ Sơn”, có  bất ngờ gặp “ Hà Nội ở Nha Trang”, có lang thang đêm “Hội An” thấy “ hoàng hôn / lặn vô ngàn chiếc đèn lồng” và “đêm Hội An/ ai cũng thành cổ tích”… thì bạn đọc vẫn nhận ra chị là nhà thơ của  “Cần Đước”, của “ Miệt vườn”, nhà thơ của “ Những vàm sông đêm” (*) như chị hồn nhiên mà kiêu hãnh nói về mình:

Má gốc gió ba gốc xa từ nắng

Em gốc Nam Kì

Cần Đước […]

Em người đàn bà miền Nam gốc đước

                          ( Cần Đước)

Cây đước, một thứ cây  đặc biệt trong con mắt của chị, là cây “ mang bầu ở chân/ chồm chồm như những chiếc nơm/ úp phù sa lấn biển […] buồn vui với bão tố/ ngủ nghê cùng sóng khơi/ giành giật với biển cả từng hạt hồng cầu đất/ ăn mặn chát/ uống mặn chát […] Những cây  đước  bước lên bờ thành người Cần Đước

                                     ( Cần Đước).

       Người đàn bà Cần Đước ấy cũng là người “miệt vườn” với bao nhiêu mến thương như cồn lên trong những dòng thơ viết về xứ sở:

          tiếng vạc sành xe thổ mộ/nhịp hồn xưa

*) Trong ngoặc kép, in nghiêng là tên các bài thơ  của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

          gõ mõ suốt canh trường

          quẫy sao trời/ cá lìm kìm nức nở

không ai là người dưng/khác làng cũng lối xóm

quầng mây thành bà con/người khuất mặt khuất mày tiên tổ

ổ chim trên bàn thờ/chung nước uống tàn nhang

miệt vườn

cố hương của nỗi niềm vạn cổ

                   ( Miệt vườn)

Đã có chuyện những cây đước bước lên bờ thành người Cần Đước, thì cũng có chuyện  “ Những người đàn bà Nam Kỳ/  chết đi rồi hóa những vàm sông đêm”. Những vàm sông ấy là những con người chịu thương chịu khó, cô đơn “ không bờ đê để níu kéo/ không mái dầm để thở than/ không con cá bống để lí lắc” lặng thầm sinh nở phù sa, bồi đắp nên châu thổ:

Những vàm sông/vật vã nuôi từng con tép

đêm đêm đi biển một mình/sinh nở phù sa

thành châu thổ

          ( Những vàm sông đêm)

Trong thơ của người đàn bà miệt vườn, người đọc có thể thưởng thức âm thanh của câu vọng cổ, tiếng đờn kìm, tiếng gió chướng như một đặc sản văn hóa miền sông nước:

Bác Sáu Lầu vuốt dây tơ/Làm dây câu/Câu vọng cổ

Kinh rạch hết hồn/tiếng đàn kìm/ luyến nước lớn/láy nước ròng

ai canh tàn đói lòng/ăn gió chướng/ ngồi ca

           ( Vọng cổ)

Và cũng có thể khắc khoải suốt chiều, mất ngủ tàn đêm với tiếng chim bìm bịp kêu thương đầy nỗi niềm ai oán:

Bìm bịp

tiếng chim kêu

làm góa cả buổi chiều […]

tiếng chim có bùa ngải

bìm bịp bìm bịp

tiếng kêu vò xé bầu trời

                         ( Bìm bịp kêu thương)

                   Nhà thơ Ánh Huỳnh

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

NGHĨ THÊM TỪ “MẠ TUI” - Nguyễn Khắc Phê

NGHĨ THÊM TỪ “MẠ TUI” - Nguyễn Khắc Phê

          
                                      Nhà giáo Nguyễn Viết An Hòa
BÊN LỀ MẠ TUI

Ở đời có những cái hạnh duyên, thiện duyên hy hữu, kỳ thú.
Nhà văn cao niên Nguyễn Khắc Phê là gương mặt rất quen thuộc của văn giới Huế nói riêng và cả nước nói chung. Tui và "trưởng lão" có biết nhau chút ít từ 20 năm trước. Nhưng cũng như nhiều thân hữu khác, ông không hề biết tui là Nguyễn Viết An Hòa.
Sáng 23.8.2018, khi tui đón tiếp, chuyện trò với khách đến dự ra mắt tự truyện "Mạ tui", ông có vẻ sốt ruột hỏi: "Anh Kế nì, sao không thấy anh An Hòa đâu cả hè?". Tui ôm chầm ông. "Dạ thưa anh, em đây ạ". Ông trố mắt hơi ngạc nhiên và ánh lên niềm vui...
Cách đây mấy hôm, sau khi tạp chí Sông Hương tháng 10.2018 phát hành, tui đã nhận được email bài nầy của bậc niên trưởng quan tâm đến đàn em...
Xin chân thành cám ơn tác giả tự truyện nổi tiếng " Số phận không định trước" (2016) và xin trân trọng giới thiệu bài:

NGHĨ THÊM TỪ “MẠ TUI”

(Đọc “Mạ tui” - Tự truyện của Nguyễn Viết An Hòa, NXB Thuận Hóa, 2018)
                                                                          Nguyễn Khắc Phê
                 
                         Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Nhiều người đến dự buổi giới thiệu Tự truyện “Mạ Tui” do Tạp chí Sông Hương và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán phối hợp tổ chức không biết Nguyễn Viết An Hòa (NVAH) là ai, nhưng khi Ban Tổ chức cho hay đó là bút danh trên Facebook (FB) của thầy giáo Nguyễn Viết Kế, thì đều vui vẻ thốt lên: “À…” Trong giáo giới và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên - ít ra là ở Huế - Nguyễn Viết Kế là một tên tuổi được kính nể. Từ năm 1974, anh đã là Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên Đại học Sư phạm Huế; và 35 năm (1977-2012) anh là người thầy dạy văn được hàng chục ngàn học sinh trung học yêu mến, ngưỡng mộ - từ Pleiku Tây Nguyên xa ngái đến các Trường Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ (Huế)… Hơn thế, thầy Kế là người có lắm… “tài”, hăng hái hoạt động đoàn thể, biểu diễn văn nghệ, nên có nhiều “fan”, đến mức học trò ở Tây Nguyên làm đám cưới, cũng mời bằng được thầy Kế vào “dẫn chương trình.” Trong Tự truyện, bên cạnh những “tổng kết” với rất nhiều thành tích về giáo dục, thầy đã dẫn chương trình trên 300 đám cưới!...

Chùm thơ Nguyễn Hoàng Sơn




Bài hát

Tôi hát một bài hát
Bài hát hay nhất đời!
Có một người đi tới
Và im lặng nhìn tôi
Tôi ngượng ngùng , ấp úng
Bài hát dừng trên môi…

Tôi hát một bài hát
Bài hát hay nhất đời!
Người thứ hai đi tới
Và gật đầu khen tôi…
Tôi hát rồi hát lại
Cho dù bị khàn hơi…

Tôi hát một bài hát
Bài hát hay nhất đời!
Người thứ ba đi tới
Hân hoan mắt nhìn tôi
Rồi hòa chung giọng hát…
Ôi phút giây tuyệt vời!
Bài hát hay tôi hát
Cũng là bài hát vui…
25/4/1986

Mùa yêu
Con mèo năm tháng tuổi
Động trời kêu suốt mấy đêm nay…

Phố phường trùng điệp bủa vây
Nhà hộp bê-tông ba lần cửa khóa
Thăm thẳm đại ngàn hoang dã
Vạn năm cô đơn khắc khoải tiếng mèo
Giữa rừng người, lạc một mùa yêu…
                                                               Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn