Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Chúc mừng năm mới 2016!

Chúc mừng năm mới 2016!
Chúc các bạn đọc của vunhonb.blogspot.com năm mới 2016 tràn đầy niềm vui, sức khỏe, may mắn và hạnh phúc!
Vũ Nho - Chủ trang

 

Cần biết về chuyện TẮM - Sai lầm tai hại khi tắm có thể dẫn đến đột tử dù trẻ khỏe

Sai lầm tai hại khi tắm có thể dẫn đến đột tử dù trẻ khỏe

Các chuyên gia khuyến cáo, sau 23h là thời điểm bạn đặc biệt không nên tắm, gội đầu bằng nước lạnh. Nó khiến các tĩnh mạnh giãn ra, huyết áp giảm… rất dễ đột quỵ.
Tắm quá lâu

Việc tắm quá lâu lại gây phản tác dụng

Cho dù việc tắm mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên, việc tắm quá lâu lại gây phản tác dụng. Việc ngâm mình trong nước quá lâu có thể khiến cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí còn có thể gây tử vong.

Tắm ngay sau khi làm việc
Dù cho bạn làm việc thể chất hay vận động thể lực, nên nghỉ một lát mới tắm, nếu không nó dễ dàng dẫn tới thiếu máu cung cấp cho tim và não, thậm chí gây bất tỉnh.

Tắm mà không có thảm lót chân

Theo một báo cáo năm 2011 từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, hơn 230.000 tai nạn thương tích xảy ra trong phòng tắm trong một năm. Gần 20% số ca này là do trượt chân. Đặt vải chống trượt hoặc một tấm thảm trong phòng tắm và có thể lắp thêm các thanh vịn bên trong và bên ngoài khu vực này để giảm trượt ngã.

Nằm
(trong phòng mở máy) điều hòa (không khí) sau khi tắm

Việc nhiệt độ hạ thấp đột ngột ngay sau khi tắm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, làm cho máu lên não chậm, không những thế còn ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp.
Đặc biệt, với những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu, việc nằm điều hòa ngay sau khi tắm rất dễ gây tai biến, và đột quỵ.

Đừng tắm khi đang có sấm sét

Những ngày cuối năm





NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 
            TRẦN TRUNG

Ngày tháng tận,
Một năm Dê (Ất Mùi)
Sung mãn !?
Lá đã rơi thưa
Nắng ửng lên rồi.
        ***
Tết-Xuân cận kề
Con gió dịu
              Đưa nôi...
Mà đợi Gió-Đông,
Mà còn hi vọng
Ta tự tin nơi Ta
Mà tự nhủ lòng,
Biết vượt lên cuộc mưu sinh nhọc nhằn,
Cần sống!
Biết vượt lên cả nỗi Ám-Ảnh-Biển-Đông.
Biết đặt niềm tin nơi dân Đại-Việt
Nhà-Mình...
Đã vượt qua xưa-Sẽ vượt tiếp muôn sau.
         ***
Sáng nay,
Bóc tờ lịch treo
Nhủ:
Còn đôi ba ngày nữa,
Tóc đã bạc thưa...Vẫn đón đợi
Ngày-Xanh.
Thắp lên Nụ-Cười-Mình
                 Cùng nắng ửng.

                 HÀ NỘI,27/12/2015.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

CHƠI & CHỚP






CHÙM THÙ TẠC

(Tiếp)
ĐƯỜNG VĂN
CHƠI
Tặng ABM&NH
                         1
Hai gã vểnh ria, một thằng bóng trán:
Ba thằng một cỗ, thảnh thơi ngồi!
Bay ngót chai vang, cam vàng, mía ngọt,…
Facebok post liền! Chơi chởi chời chơi!
                         2
Kha kha chém gió, nổ giòn ngô rang,
An ẵm giải văn, Hiếu say Nguyễn Ánh!*
Mắt lão bảy mươi hừng xuân nhóng nhánh,
Hây hẩy đông Mùi, đỏng đảnh, chơi vơi…!

CHỚP
Tặng Tạo
                          1
Chớp mắt, đầu xuân đã cuối đông!
Bính Thân lấp ló, má căng, hồng?!
Chẳng nhẽ hoàn đồng? lão hí hửng!
Ai dè Cao Máu nó hành ông!
                          2
Xúi gã Tiểu Đường giăng mờ mắt,
Tê ngón chân, tay, tụt đường huyết!
Ngày nối ngày, đêm tiếp đêm:… Tù!
Sáu bảy… hạ rồi! Sáu tám… thu!...
Hu!

·                     An Bình Minh (Bùi Bình Thiết – TPHCM) vừa trúng giải Ba (C), giải tiểu thuyết HNVVN 5 năm (2010 – 2015) với cuốn “Dư chấn 3, 5 độ richter”. Nguyễn Hiếu đang say mê, nung nấu chuẩn bị viết 1 vở kịch lịch sử - tùy hứng về vua Gia Long (Nguyễn Ánh (1762 – 1820).

Trèm, chiều ba thằng hội ngộ, chủ nhật  20 – 22 /12 / 2015. ĐV

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Vũ Nho trả lời Phóng viên Nguyễn Vũ Hà ( VOV) về trang FB của UBND thành phố Hà Nội





Vũ Nho trả lời  Phóng viên  Nguyễn Vũ Hà ( VOV) về trang FB của UBND thành phố Hà Nội

Mời đọc và có thể nghe buổi  Văn nghệ 10 h30 và 20h ngày thứ  Ba, 29 tháng 12 trên sóng FM 96.5 hoặc VOV2


1.     Vừa qua chính quyền HN sử dụng mạng xã hội Facebook với mục đích gần dân hơn, cung cấp thông tin đến người dân. Việc này nó nói lên điều gì?



Vũ Nho ( VN): - Tôi có xem  thông tin về sự kiện trên TV. Những người được phỏng vấn đều hoan nghênh chủ trương của chính quyền thành phố. Rõ ràng là ít nhất, điều đó cũng cho thấy chính quyền thành phố muốn gần gũi với dân hơn, lắng nghe trực tiếp nguyện vọng của người dân để điều hành công việc. Chúng ta đều biết Cụ Hồ gọi những cán bộ trong bộ máy chính quyền là công bộc (đầy tớ) của nhân dân. Không có lí gì mà người phục vụ  muốn phục vụ tốt ông chủ của mình lại không biết, hoặc biết lơ mơ ông chủ muốn gì.

Đây cũng là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, tinh thần của một chính quyền từ nhân dân, do dân và vì dân. Bản thân tôi rất hoan nghênh sự kiện này.



2.     Nói là cung cấp thông tin. Nhưng cung cấp như thế nào mới quan trọng: phong phú hay nhỏ giọt? Có chính xác, minh bạch không?



VN : - Tôi nghĩ trang này không chỉ cung cấp thông tin, mà còn phải thu nhận và xử lí thông tin. Phải có quan hệ hai chiều, chứ nếu một chiều thì ích lợi của nó  không mấy cao, ít hiệu quả. Tôi nhớ GS Tạ Quang Bửu trong một bài viết trên báo Toán học và tuổi trẻ khi tôi còn học phổ thông  đã nói về Lí thuyết thông tin, trong đó có ví dụ rất sinh động về kênh thông tin. Câu chuyện anh chàng ăn tham đến nhà bố vợ trong truyện cười ai cũng biết. GS Bửu viết đại ý: vì chỉ có một kênh là sợi dây buộc với quy định là giật/ gắp, cho nên khi con gà chạy qua vướng dây, dẫn đến giật lia lịa, và anh ta cũng gắp lia lịa. GS viết: nếu thiết lập thêm một kênh nữa là gõ nắp vung kèm với giật mới được gắp, như vậy con gà có vướng dây, giật lia lịa, nhưng không có tiếng gõ thì không gắp. Như thế thông tin không bị nhiễu.  Nghĩa là có nhiều kênh thông tin thì thông tin sẽ hạn chế được nhiễu  và hạn chế sai lạc. Trở lại vấn đề thông tin của trang FB Thủ đô Hà Nội. Ví dụ chính quyền thành phố chỉ dựa vào báo cáo của cơ sở, nhưng vì lí do lợi ích nhóm hay gì gì đó, báo cáo đó không trung thực ( Kênh thứ nhất bị nhiễu). Nhưng nhờ có kênh FB, là kênh thứ hai,  có thể giúp thu nhận chính xác thông tin do người dân cung cấp,và do đó không bị “nhiễu”. Kết quả là xử lí công việc tốt hơn.

Tôi hoàn toàn đồng ý là cung cấp thông tin cho dân cần đầy đủ , chính xác, minh bạch ( rõ ràng). Có như thế mới có ích. Nhưng chính qua FB nhân dân phản ảnh ngược lại, cũng làm cho thông tin của chính quyền phong phú, chính xác và minh bạch hơn! Giúp lãnh đạo có căn cứ  đầy đủ để giải quyết công việc.



3.     Không ít người dân tỏ ý lo sợ bị phạt nếu chẳng may có những bình luận không đúng mực, góp ý chê. Theo nhà thơ, họ có phải quá lo lắng về điều này không?

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

NHỚ LẠI “LỚP VỠ LÒNG VĂN HỌC” VỚI THÀY TRƯƠNG TỬU





NHỚ LẠI “LỚP VỠ LÒNG VĂN HỌC”
VỚI THÀY TRƯƠNG TỬU



       LÊ GIA LINH – LOÃN

                      Khoá I, Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội  1954 - 1957



Đầu năm 1952

Một lực lượng cơ động lơn của quân đội Pháp bị giam chân ở thị xã Hoà Bình trong vòng vây ngày càng xiết chặt của các đại đoàn chủ lực của ta.

Lợi dụng thời cơ lịch sử đó, bộ đội đã luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm ở Liên khu 3, đánh vào sau lưng địch, san phẳng hàng trăm đồn bốt, giải phóng một vùng rộng lớn từ Hưng Yên, Hà Nam sang miền ven biển Thái Bình, Nam Định.

Nhân dân vô cùng phấn khởi vì thoát được vòng kìm kẹp khủng bố của quân Pháp và nguỵ quyền, còn chúng tôi, lớp học sinh trung học, lại thêm một niềm phấn khởi là từ đây sẽ thoát khỏi nền giáo dục nô dịch, khong còn phải ngồi để nghe những lời xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ nhân dân ta và cách mạng – vì đường ra vùng tự do đã khai thông và các trường cấp 2 + 3 ở vùng kháng chiến đang mở rọng cửa đón học sinh trong vùng bị địch tạm chiếm ra học.

Tuy đường đi còn xa xôi cách trở nhưng chúng tôi rất quyết tâm nên sau Tết Nhâm Thìn (1952) đã lặng lẽ bỏ các trường trung học của địch lên đường vào Thanh Hoá.

Ở đây, ven hai bờ sông Chu có rất nhiều trường của Thanh Hoá và của Liên khu 3 tản cư vào như Lam Sơn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thượng Hiền, Ba Đình, Hồ Tùng Mậu, Phan Thanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Biểu, Hoa Lư… đặc biệt, còn có trường Dự bị Đại học ở gần chợ Đu: đó là một điểm sáng, một đỉnh cao của nền giáo dục tiến bộ mà chúng tôi hằng mơ ước vươn tới.

Vì năm học ở ngoài vùng kháng chiến và ở trong vùng địch tạm chiếm chênh nhau một học kỳ, bọn học sinh Đệ tứ chúng tôi chỉ được nhận vào học lớp 7 (lơp cuối cấp II) dù rằng chúng tôi đã học được hơn một học kỳ. Tìm hiểu kỹ hơn, thấy thực tế về tự nhiên và ngoại ngữ chúng tôi học vững vàng hơn và chỉ kém về các môn Khoa học Xã hội với các khái niệm phản đế, phản phong, đấu tranh giai cấp, lập trường vô sản, cách mạng quốc tế…

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

CHÀO MỪNG LỄ HỘI HOA ĐÀ LẠT 2015 – 2016






CHÀO MỪNG LỄ HỘI HOA ĐÀ LẠT 2015 – 2016
                                          
                                            Triệu Lam Châu

(Từ ngày 29/12/2015 đến 2/1/2016 sẽ diễn ra Lễ hội hoa thật hoành tráng tại thành phố Đà Lạt. Nhân sự kiện này Triệu Lam Châu xin đăng chùm thơ hai bài của mình (Sáng tác từ năm 1986) lên Sân trời, để bạn bè gần xa cùng đọc cho vui nhé – 26/12/2015)

Bản thơ tiếng Việt:

MẶT TRỜI ĐÀ LẠT

Sáng:

Mặt trời ngủ dưới hồ Xuân Hương
Sương sớm mới lâu tan đến thế
Mái nhà bập bềnh như thuyền trên bể
Mỗi vòm cây như chiếc phao bơi

Sương đọng giọt long lanh như mắt ai cười
Trên cánh anh đào tươi đỏ thắm
Hoa lưu ly tiễn đêm đi xao xuyến
Tiếng ngựa hý sôi lòng như gọi ánh mai lên.

Chiều

Mặt trời nằm trong mỗi vòm thông
Nên nắng mới dịu lành đến thế
Núi lượn trập trùng, rừng xanh mướt lá
Mỗi tán cây như chiếc ô che

Hồ Xuân Hương chợt tỉnh khỏi cơn mơ
Cho thành phố trở về thực tại
Nụ hoa như làn môi tươi rói
Ánh mắt cười lấp lánh trong cây

Đêm:

Mặt trời nằm trong mỗi trái tim say
Cho thành phố bước vào huyền thoại
Điện giăng khắp núi rừng như chuỗi ngọc
Trên ngực nàng công chúa đời xưa

Nghe bao hoàng tử rập rình dưới ánh sao khuya
Thành phố chao mình bên suối núi
Thoáng một chút ngỡ ngàng, bối rối
Đàn tờ rưng khơi dậy bản tình ca.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

ĐI TÌM VẺ ĐẸP CỦA THƠ - Bài của Vũ Nho trên Học văn - Văn học

ĐI TÌM VẺ ĐẸP CỦA THƠ - PGS.TS Vũ Nho

So với văn xuôi, cảm thụ và phân tích thơ vừa có cái dễ, vừa có cái khó hơn. Thơ thường ngắn, bài thơ dài lắm cũng chỉ độ mấy chục câu. Thơ có nhịp điệu có vần, dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ cô đọng, có những câu như là châm ngôn. Nhưng tứ thơ không dễ nắm bắt, hồn thơ không dễ cảm nhận, cái đẹp của thơ không dễ giảng giải, phân tích. Bài thơ hay giống như là một sinh vật sống - như con cá bơi trong nước, như con bướm lượn trong vườn, như con chim hót trên cành. Sự phân tích và giảng giải thô thiển, không thích hợp của ta đôi khi biến thơ thành con cá chết, thành con bướm ép, thành con chim nhồi rơm…
Khó nhất đối với thơ ca là làm sao nắm được hồn thơ, nhận ra được vẻ đẹp lung linh rất khó nắm bắt. Từ bài thơ, tìm hiểu vẻ đẹp riêng của từng khổ, từng câu. Rồi lại từ những hiểu biết chi tiết đó, thấm nhuần một lần nữa vẻ đẹp của toàn bài. Ta sẽ hỏi bài thơ nói điều gì ? Từng có bao nhiêu người đã nói ? Cái mới ở đây làm cho ta thích thú là gì ? Đó là ở nội dung ? Ở cách trình bày nội dung ? Hay là ở cả hai ?
Rõ hơn ở nhiều loại thể văn học, đối với thơ, nội dung và hình thức gắn bó máu thịt. Có thể nói như E. éptusencô :
Hình thức chính là nội dung
Vì vậy mà cách chia khổ, chia đoạn, cấu trúc của đoạn, cấu trúc của câu, trật từ các từ trong câu, các biện pháp tu từ…có một ý nghĩa rất to lớn. Và mỗi nhà thơ có một phong cách, một lối diễn đạt riêng của mình. Ngay một nhà thơ thì mỗi bài lại nói bằng tiếng nói riêng, bằng cách riêng. Thành ra cái đẹp của thơ vô cùng đa dạng và phong phú. Toan tính vạch ra những công thức, những quy trình đi vào thơ… thì thật là ngớ ngẩn. Mọi con đường đều có thể đến với thơ. Sao ta lại dám nói chỉ có hai, ba, hay bốn năm con đường ?

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Ký ức người lính Tây Tiến tham gia trận đánh Mường Láp - Hủa Phăn - Lào 70 năm trước

Ký ức người lính Tây Tiến tham gia trận đánh Mường Láp - Hủa Phăn - Lào 70 năm trước

Dân trí Vừa qua, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Mường Láp - Hủa Phăn - Lào (1945 – 2015)”.

Tai cuộc tọa đàm này, còn duy nhất một chiến binh tham gia trận đánh lịch sử đó, chúng tôi may mắn được bác trò chuyện kỷ niệm năm ấy, tự nhiên nhớ lại câu thơ Trần Nhân Tông: “Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay/ Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong)”
Bác tên là Nguyễn Xuân Sâm, sinh năm 1928. Bác tâm sự: “Năm nay mình đã 87 rồi, sức khỏe kém, được tin Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng ý cho Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam kết hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến tổ chức cuộc tọa đàm này, chúng tôi rất mừng, mấy đêm không ngủ, những hình ảnh về đồng đội thân yêu, các mẹ Việt kiều chào đón và chăm sóc nơi ăn chốn ở Sầm Nưa không thể nào quên được. Lứa 160 chiến sĩ ngày ấy chỉ còn duy nhất mình tôi, tôi có trách nhiệm kể lại một cách trung thực về chiến công đầu tiên của Tây Tiến 1 này”.


Từ trái sang phải: Trưởng ban liên lạc Bùi Phương Thảo (con gái nhà thơ Quang Dũng), Đại tá Hoàng Sâm - Trưởng ban Cố vấn - Ban Liên lạc; bác Xuân Sâm; bà Ngô Duy Liên (phu nhân Trung tướng Lê Hiến Mai) và bác Nguyễn Văn Khuông - Việt kiều Sầm Nưa đón đoàn quân Tây Tiến từ biên giới Lào về Sầm Nưa. (Ảnh chụp ngày gặp mặt truyền thống trung đoàn năm 2015).
Từ trái sang phải: Trưởng ban liên lạc Bùi Phương Thảo (con gái nhà thơ Quang Dũng), Đại tá Hoàng Sâm - Trưởng ban Cố vấn - Ban Liên lạc; bác Xuân Sâm; bà Ngô Duy Liên (phu nhân Trung tướng Lê Hiến Mai) và bác Nguyễn Văn Khuông - Việt kiều Sầm Nưa đón đoàn quân Tây Tiến từ biên giới Lào về Sầm Nưa. (Ảnh chụp ngày gặp mặt truyền thống trung đoàn năm 2015).

Bố mẹ tôi rất tự hào khi gửi hai con ra trận bảo vệ Tổ quốc

CHỈ TẠI...



                                                                                               Nhà văn Vũ Công Hoan

CHỈ TẠI…



Đằng Cương



Tối hôm tết người tình năm 1996, tôi quyết định quan hệ tính dục với Trương Viêm, bạn gái đã yêu hơn một năm. Tôi đi đến quyết định này với mấy lý do: Thứ nhất, tình yêu của chúng tôi đã trải qua các giai đoạn cầm tay, vuốt tóc, véo tai, bóp mũi, ôm, hôn, sờ mó, bước tiếp nên xảy ra quan hệ tính dục. Thứ hai, nói chung, trai gái yêu nhau chưa được một tháng đã xảy ra quan hệ tính dục, có trường hợp ngày thứ nhất đã xảy ra quan hệ tính dục. Do Trương Viêm khá bảo thủ, chúng tôi yêu nhau hơn một năm, vẫn chưa xảy ra quan hệ tính dục, cứ tiếp tục không xảy ra quan hệ, đối với cả hai đứa đều khó nói... Thứ ba, từ cầm tay đến hôm thứ sáu tuần trước cởi hết quần áo của em, lần nào tôi cũng ra quyết định trước. Mặc dù lần nào em cũng giữ vững phòng tuyến, đều nói, đến đây thôi nhá, nhưng cuối cùng vẫn bị đột phá.

Sở dĩ tôi chọn đúng ngày tết người tình xảy ra quan hệ tính dục với Trương Viêm, là bởi vì tết người tình, đầu óc đàn bà tương đối lẩn thẩn, phòng tuyến dễ bị chọc thủng. Cho nên tối hôm ấy, trên gác nhỏ của em, khi chúng tôi cởi hết quần áo ôm nhau, tôi đòi chơi, em nói : "Không được, không được!” Giống như con bò điên Tây ban Nha, tôi tấn công thân thể em hết lần này đến lần khác, nhưng lần nào em cũng dẩy tôi ra, cuối cùng quả thật tôi y như một kẻ cưỡng hiếp, lấy chân trái đè chặt hai chân em, bẻ  ngược hai tay em ra sau lưng, chuẩn bị cưỡng bức cho vào thân thể em. Đột nhiên em vung tay tát bốp bốp vào mặt tôi hai cái, tát đến mức mắt tôi nẩy đom đóm, mất sạch ham muốn tình dục. Hai tay em ôm ngực khóc hu hu. Tôi rối rít “xin lỗi, xin lỗi ”Em nói “ Chỗ khác thế nào cũng được, riêng chỗ này không được” Tôi đáp “Anh muốn lắm rồi”. Tôi bắt đầu động viên tư tưởng em. Trương Viêm nói”em sẽ cho anh, chờ đến đêm tân hôn, nhất định em sẽ giành cho anh một em hoàn chỉnh. Chúng ta phải hiến dâng một lần hoàn mỹ nhất của hai bên trong đêm tân hôn. Sau khi cưới, cho dù mối ngày anh đòi một ngàn lần em cũng chiều. Anh nhất định phải chờ đợi” . Tôi đồng ý  từ nay trở đi sẽ không bao giờ rung động như thế nữa.Tôi cảm thấy mình quá đà.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

CHÙM NHỚ PHỐ XƯA





CHÙM NHỚ PHỐ XƯA
             THƠ TRẦN TRUNG

1/BẾN ĐÒ QUAN
Khi ta lớn lên
Tên ấy vẫn còn
Và, chợ Đò Chè
                Chỉ còn dấu tích...
Khúc hát ả đào
               Phố Hàng Thao
                       Phảng phất dư âm.
Ngõ Văn Nhân
               Một thời đâu
                        Sĩ Tử đi về?
               ***
              
Tiếng còi tầm cũng đã là quá vãng
Nhà máy sợi
Nhà máy tơ...
Tiếng thoi đưa thoắt đã  xửa xưa
         
                            
Để,
         Hôm nay ta về
                 Trong Kiêu hãnh-Tái tê !
                ***
Sông Đào chảy
Bến Đò Quan còn đó
Nghe,
      Chảy thấu tận lòng
                      Nam Định
                                 Của ngày xưa...

2/NGÀY VỀ-MƯA...
Anh lại về Quê-Phố
                        Ngày mưa...
Nhà thờ lớn
Chùa Vọng Cung...
Đứng đấy.
Thánh thót tiếng mưa
                   Ngân kỉ niệm vui buồn
Thành Nam mưa
                    Sông Vị-Vẫn niềm thơ.
                ***
Ta thả bước
             Phố Hàng Nâu, đây rồi-Phố Tú Xương từng ở
Mà, đến tận giờ
            Trẻ thơ tìm chỗ chơi
                                  Giữa thúng, mẹt...bên hè.
               ***
Đã bao năm xa
             Tính bao nhiêu cho đủ?
Thủy chung một niềm
              Thương lắm
                             Ngày mưa Quê !...

3/XƯA-SAU
Lặng thầm
Gạt bụi
Thời gian...
Xưa-Sau
Nam Định
Vô vàn
Kính-Thương.

                  HÀ NỘI-23/12/2015.