Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

CÂY RỪNG NGẬP MẶN





ĐINH Y VĂN

CÂY RỪNG NGẬP MẶN

Chân dầm sâu dưới bùn đen
Thân ngâm trong nước xuống lên mặn mòi
Tay vươn đón nhận nắng trời
Phong ba không ngã vì đời mùa xanh…

Đ.Y.V


Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

TẠ PHƯƠNG VỚI THƠ NGA




TẠ PHƯƠNG VỚI THƠ NGA

                                                                                Vũ Nho
Vốn không phải là người được đào tạo làm văn chương, nhà khoa học Tạ Hòa Phương lại mê đắm thơ ca Nga như là mê đắm những cảnh quan địa chất mà anh theo đuổi và trở thành nhà khoa học có tên tuổi. Vì mê đắm như thế, nên bạn đọc đã biết đến một dịch giả Tạ Phương bên cạnh các tên tuổi như Thúy Toàn, BằngViệt, Thái Bá Tân, Thụy Anh... “Thơ Nga từ một góc nhìn” là một tuyển tập khá phong phú, đa dạng về các nhà thơ Nga, một số trước đó đã được Tạ Phương dịch và giới thiệu như một tác giả trong một tuyển tập. Trong tập này, dù chỉ xuất phát từ “góc nhìn” của dịch giả với hàm ý khiêm tốn là không bao quát được hết một nền thơ giàu thành tựu với không ít các nhà thơ nổi tiếng không chỉ của nước Nga mà còn là của  toàn thế giới, nhưng có thể nói là khá đa dạng và toàn diện về các nhà thơ Nga. Có 26 nhà thơ Nga được chọn dịch với nhiều tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Đó là các nhà thơ Nga cổ điển như  F. Chiutchev, A. Pushkin,  M. Lermontov, A. Blok, E. Esenin; đó là các  nữ nhà thơ mà hầu như ai yêu thơ Nga cũng biết như O. Berggoltz, A. Akhmatova, các nhà thơ xô viết nổi tiếng như K. Simonov, E. Evtusenko, B. Pasternak,… Hầu hết các nhà thơ đã qua đời, nghĩa là thành tựu thơ một đời của họ đã được xác nhận ở Nga. Nhưng vẫn có hai nhà thơ đang còn sống dù tuổi đã cao.

Như vậy là trong bạt ngàn rừng thi ca Nga, nhà địa chất Tạ Phương đã chọn ra một số mẫu có tính chất tiêu biểu, giúp bạn đọc qua một số mẫu vật mà biết cả mạch quặng trầm tích giàu có và quý giá, qua một  số giọt nước biết được đại dương, qua một số cây mà biết được cả cánh rừng đại ngàn.


                                                                 Dịch giả Tạ Phương

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Tiếu lâm GABROVO 5 và 6





TIẾU LÂM GABROVO 5 ( TIẾP)


BÓNG GIÓ
Một bữa nọ, khách khứa đến chơi nhà vợ chồng người Gabrovo. Họ vừa mới kịp chào hỏi và ngồi xuống. Bà vợ chủ nhà nói oang oang với chồng cốt để mọi người nghe:
          - Này ông, chúng ta đi ngủ thôi. Khách khứa nhà mình có lẽ đã về hết cả rồi!

NHẬN XÉT
Một tốp thợ mộc làm nhà kho cho một người Gabrovo. Đến bữa trưa, chủ nhà mang ra một tô trong đó đựng vỏn vẹn vài thìa canh. Một trong đám thợ mộc nhận xét:
          - Ở vùng ta, ông chủ ạ, mọi người đều cắt đuôi mèo, nhưng ông thì có lẽ chặt đuôi mèo sát đến tận tai!

BÍ MẬT
Người ta hỏi một người thợ thủ công Gabrovo là thế nào anh ta nhanh chóng trở thành thợ cả khi anh ta vừa mới học nghề. Anh ta đáp:
- Chẳng có gì đặc biệt cả. Buổi sáng tôi dậy, rửa mặt bằng khăn mặt khô, trong khi các bạn học nghề chưa rửa ráy gì cả.

TÁC NHÂN KÍCH THÍCH
 NgưỜI ta hỏi một người Gabrovo làm thế nào để dạy cho trẻ con yêu lao động, dậy sớm, bắt tay vào việc làm sớm.
          - Biết nói thế nào nhỉ - anh ta cười đáp- năm đứa con nhà tôi chỉ có mỗi đôi giày mới. Buổi sáng đứa nào dậy sớm nhất thì được đi giày.

TỈ LỆ CO GIÃN
Một anh Gabrovo dến nhà cha MiNhiu hỏi vay tiền kinh doanh mở rộng buôn bán. Cha nghĩ ngợi, nghĩ ngợi rồi đồng ý.
- Tôi  sẽ cho anh vay nhưng mức lãi là hai chinh một ngày!
- Như thế lớn quá! – Anh kia ngạc nhiên – Thưa cha, lần trước con vay tiền cha từ mùa Thu đến hết mùa Đông lãi phải trả là một chinh một ngày.
          - Đúng rồi – Cha Mi Nhiu gật đầu – Nhưng bây giờ anh muốn vay từ mùa Xuân đến hết mùa Hạ. Lần trước anh dùng vốn trong những tháng ngày ngắn. Còn lần này, ngày mùa Hè dài hơn nên lãi suất phải trả cao hơn!

TIỆN LỢI
Đường phố thành phố Gabrovo thích cười nhỏ hẹp đến mức người ta phải nghiêng người để tránh nhau. Bởi vậy mà có chuyện đùa gọi  là “Đợi đấy, hãy cho đi qua đã!”.
          Nhưng những phố “Đợi đấy, hãy cho đi qua đã!” lại có những thuận lợi hơn hẳn các phố rộng: hiên nhà san sát chạm vào nhau đến nỗi khi mưa chẳng cần ô dù mà vẫn đi suốt thành phố; sáng ra, chủ nhà bước ra phẩy ba nhát chổi, phố sạch bong; người bán nước ngọt, bánh mì tròn chẳng cần phải đi rao gọi người mua như ở các thành phố khác. Người mua ngay bên cạnh, bên phải, bên trái. Dân chúng Gabrovo tiết kiệm nhiều thời gian, chẳng hạn, hỏi xin tí dấm, tí ớt, tí gì đó của hàng xóm thì cứ đưa thẳng từ cửa sổ nhà này qua nhà kia…

Nho dịch ( còn tiếp)



TIẾU LÂM GABROVO 6 ( TIẾP)

PHƯƠNG ÁN DỰ PHÒNG
Cha MiNhiu đến nhà phó may Gabrovo và nói từ xa:
          - I van ạ! Cháu có bàn tay vàng! Vì thế ta phải đến đây. Còn cháu xem ta như một khách hàng cũ, đừng từ chối…Ta mang cho cháu cái áo khoác cũ để lộn lại. Này cháu xem, vải còn chắc lắm, chưa phai màu tí nào…
Phó may xem áo và bảo:
-         Nhưng mà cái áo này đã lộn một lần rồi…
-   Cái đó thì ta rõ! Ông MiNhiu ngắt lời – Nhưng ta cũng biết rõ tài của cháu – thế nào cũng nghĩ ra mẹo gì đó. Và cái áo này cũng vẫn cứ mặc được!

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Chuyến thăm Nga của Đoàn nhà văn Việt Nam 2010 ( tiếp theo và hết)




 Chuyến thăm Nga của Đoàn nhà văn Việt Nam 2010 ( tiếp theo và hết)
4.VI.  Sáng, cả đoàn đi Cung điện mùa hè ở Pêchergof.  Kế hoạch là sẽ trả phòng KS trước 12 h, bởi vậy sáng đã thuê ô tô chở tất cả đồ lề ra gửi ở nhà ga.  Vũ Nho, Oleg và Hoàng Minh Tường đem đồ vào tầng hầm  của ga  để gửi. Những 6 va li con và túi xách. Đi ô tô ra Pechergof. Ngày xưa Vũ Nho đã đến đây đi thăm cả một ngày. Vào trong cung mùa hè, nhìn thấy bộ bàn ghế gỗ mà Pie Đệ nhất tự tay mình đóng. Rồi xem các đồ đạc, vật dụng hoàng gia. Xem các vòi phun nước, nghỉ dưới bóng cây râm mát, hưởng gió lồng lộng từ Vịnh Phần Lan. Lần này kế hoạch tham quan 2 tiếng. Nhưng ông lái xe lại có việc đi Sân bay nên giảm thời lượng. Tham quan 45 phút. Chỉ là cưỡi ngựa xem hoa ở bên ngoài. Lại về bằng ô tô. Trên xe, mọi người tán chuyện rôm rả.
Y Ban có truyện ngắn “ I am đàn bà”, Vũ Nho dịch ra tiếng Nga lại dùng thì quá khứ là “ Ia byla zensinoi”. Vấn đề đặt ra là thời hiện tại thì như thế nào. Tương lai sẽ ra sao? Oleg hỏi đùa. Vũ Nho trả lời rằng hiện tại thì chắc vẫn là đàn bà thôi. Còn tương lai thì không rõ. Có thể tương lai sẽ là “ Ia budu muzchinoi”. ( I will be đàn ông”). Oleg hỏi lại Y Ban, Ban khẳng định rằng rất muốn trở thành đàn ông trong tương lai. Lí do? Vũ Nho nói chỉ có Ban biết rõ lí do.  Hóa ra câu trả lời của Y Ban rất đơn giản : Nàng muốn trở thành đàn ông vì ở Novgorot, nàng gặp những cô gái Nga quá xinh!
Thăm đài tưởng niệm chiến thắng phát xít và 900 ngày đêm trong vòng vây phát xít Đức. Kì lạ là khi xem phim về chiến tranh thế giới thứ hai trong bảo tàng, nhìn bà mẹ Nga tiễn các chiến sĩ trẻ ra mặt trận, Vũ Nho đã bật khóc. Không hiểu sao, có lẽ nghĩ đến các bà mẹ Việt Nam “ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” ( Thơ Tạ Hữu Yên), nghĩ đến những người bạn mình đã vĩnh viễn hi sinh,…mà không cầm được nước mắt. Y Ban bảo rằng đúng là Vũ Nho làm thơ có khác cánh văn xuôi,…
Cả hội vào một nhà hàng bên đường. Bia quá ngon vì đang khát. Món thịt bò cũng được đánh giá là xuất sắc. Y Ban trả tiền xong luôn khen là giá cả hết sức phải chăng.
Chiều đến thăm khoa Đông phương của Đại học tổng hợp quốc gia Xanh Pêtecbua, đặt hoa ở tượng Hồ Chí Minh do phía Việt Nam tặng ( tượng đặt ngày 19/5/2010).  GS.TS V.Kolotov trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông tiếp đoàn. Nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt. Gặp sinh viên năm thứ 4 Ôn ga. Cũng nói tiếng Việt. Hóa ra GS.TS. V. Kolotov là con rể Việt. Chàng làm luận án TS Lịch sử Việt Nam. Vợ chàng tên là Hạnh, một cô gái Sài Gòn.  Vợ chồng chàng  đã có một trưởng nữ, và con thứ của chàng mới sinh được độ nửa tháng cũng là… thứ nữ!
Trên sân của khoa có nhiều tượng danh nhân. Trong đó có tượng nhà thơ Nga A. Blog, tượng Khổng Tử, tượng Gheisa Nhật Bản, tượng  thiên thần và ác quỷ.  Thiên thần trò chuyện với ác quỷ. Dưới đó là chiếc ghế để người ngồi suy ngẫm. Hoàng Minh Tường ngồi nghiêng về phía thiên thần để chụp ảnh. Vũ Nho ngồi cân đối chính giữa, đằng sau là GS.TS. V.Kolotov.  Khi lên tổ bộ môn  cũng là nơi đặt Viện Hồ Chí Minh, Đoàn tặng tổ một số sách mang theo. Tại đây, cô V. chủ nhà hàng SaiGon đã gặp Đoàn. Và Y Ban sau cuộc tiếp xúc, ăn cơm, khi đi tàu hỏa đã nói nhất định  phải viết về chuyện này. Khi về nhà, đúng như đã nói, Ban đã viết bài báo: “ Cơm “tù” Xanh Petecbua”. Tôi đã đọc bài báo này trên trang trannhuong.com. Có lẽ thay chữ “TÙ” Bằng chữ “LỪA” thì chính xác hơn. 

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

TRỞ LẠI MIỀN XƯA - bút kí của Vũ Nho












TRỞ LẠI MIỀN XƯA
                  Bút kí của Vũ Nho

Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp

Trái tim ta đập ở Thái Nguyên.

                  ( Nguyễn Đình Thi - Quê hương Việt Bắc)
Trong đợt công tác của Chi hội nhà văn Giáo Dục lên Thái Nguyên, rất tự nhiên, câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi  trong bài “Quê hương Việt Bắc”  âm vang lên trong trí nhớ của tôi. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉ ở Việt Bắc trong chín năm kháng chiến. Còn với tôi, Thái Nguyên, Việt Bắc là cả thời sinh viên 4 năm ở rừng Đại Từ, một thời trẻ trung 10 năm làm cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn ở khu Mỏ Bạch, có sơ tán lên Phú Lương và Định Hóa ít ngày. Và 2 năm 1984-1986 sau khi ở Nga về lại khoa. Ấy là chưa kể khi đã về Hà Nội, tôi vẫn quay lại Thái Nguyên trong các đợt tập huấn thay sách, các đợt chấm thi giáo viên giỏi THCS, THPT, các đợt dạy chuyên đề cho lớp Thạc sĩ và chấm luận văn; các dịp kỉ niệm thành lập khoa, thành lập trường ĐHSP  Việt Bắc, nay là ĐHSP Thái Nguyên. Thái Nguyên cũng là nơi tôi bắt đầu viết văn, dịch sách. Các bạn viết của tôi là các nhà văn Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Minh Tường, Hà Đức Toàn, Nguyễn Đức Thiện, Đoàn Thị  Ký,… sau này là Trần Thị Việt Trung, Ngô Gia Võ, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh,… Các nhà nghiên cứu có thầy Phạm Luận,  thầy Vũ Châu Quán, anh Lâm Tiến, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, GS.TS. Lộc Phương Thủy, PGS.TS. Nguyễn Huy Quát, PGS. TS. Nguyễn Văn Lộc, GS. TS. Vũ Anh Tuấn, TS. Ngô Văn Thư,… và rất nhiều các PGS.TS. của khoa  Ngữ văn, một khoa mạnh của trường trước kia cũng như bây giờ. Bởi vậy mà Thái Nguyên luôn ăm ắp trong tôi.
Tôi được phân công làm trưởng nhóm 4 người gồm  tôi và nhà văn Vũ Bình Lục, nhà thơ Hoàng Việt Hằng, nhà thơ Minh Thắng (dân Nghệ An, sau khi đi bộ đội về học khóa 13 khoa Vật lí ĐHSP Việt Bắc, ra trường, công tác ở Đại học Nông lâm Thái Nguyên).
Kể từ cái ngày tôi gặp bạn Đào Hữu Lượng rồi hai chàng lên nhập học theo con đường từ Bờ Đậu vào Đại Từ đến hôm này trở lại miền đất xưa vừa chẵn 53 năm, tức là hơn nửa thế kỉ. Chỉ dăm năm cảnh vật đổi thay đã không nhận ra được, huống là sau hơn năm mươi năm. Không còn nhà hắt hiu lau xám, không còn đường  đất đỏ bụi. Đường nhựa phẳng lì. Chiếc xe của sở Xây dựng  nghe nói giá cũng hơn 2 tỉ do chú Giang lái chạy êm ru. Chúng tôi đến phòng Giáo dục huyện Đại Từ, gặp trưởng phòng Trần Đức Minh và phó trưởng phòng Vũ Thị Bích Hường. Cô Hường có xe ô tô, nhà ở thành phố Thái Nguyên, đi về trong ngày.  Có lẽ quãng đường đi của cô Hường  từ ngày có xe phải dài gấp vài lần xuyên Việt từ Lũng Cú tới Cà Mau. Anh Trần Đức Minh học  ở khoa Vật Lí khóa 27 có vợ là cô giáo  môn Văn, Lê Lan Hương. Anh Minh hồ hởi  mách  lần trước nhà văn Chu Thị Thơm cựu giáo viên Văn trường THPT Đại Từ tặng sách, có nhiều cuốn của các thầy cô trong Đoàn, làm chúng tôi rất vui.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

BÚT CHÌ TRẮNG *** WHITE CRAYON Ban’ya Natsuishi 2019



                      

  BÚT CHÌ TRẮNG *** WHITE CRAYON

                                             Ban’ya Natsuishi 2019

                               Chủ tịch Hiệp Hội Haikư Thế Giới (WHA)



Chủ tịch Ban’ya Natsuishi sinh năm 1955 tại Quận Hyogo-Nhật Bản.Tốt nghiệpThạc sĩ văn chương tại Trường Đại Học Tokyo.Giáo sư tiếng Pháp tại Đại học Meiji-Tokyo.Sáng lập Hiệp Hội Haiku Thế Giới (WHA) năm 2.000.Đã xuất bản gần 100 tập thơ Haikư-nhiều nhất thế giới, in ấn tại nhiều nước bằng nhiều ngữ khác nhau,có tập 30 ngữ .Chủ bút Tạp chí Thế giới WHA Reviews và tạp chí Genyu nổi tiếng.Ông đã sang Việt Nam 2 lần dự Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam năm 2012 và tháng 9 năm 2014 cùng chủ trì Tọa Đàm thơ Haikư Việt Nam-Nhật Bản lần thứ I tổ chức tại Công viên quốc gia Bách Thảo.Ông Ban’ya Natsuishi và Phu nhân ,bà Sayumi Kamakura - 2 nhà lãnh đạo Hiệp Hội Haikư Quốc tế WHA ,là bạn lớn thân thiết của CLB Haikư Việt-Hà Nội từ những buổi đầu thành lập.

Xin trân trọng giới thiệu “White Crayon-Bút chì trắng” tác phẩm của ông đăng trên Tạp chí Genyu (Ngâm du) số mới nhất phát hành ngày 26-6-2019-Tokyo ông vừa gửi tặng.

                                                               .*****





1/   Bubbles 

from an underwater city 

are cries

- Bong bóng xủi trào lên

từ một thành phố ngập nước

là những tiếng kêu than



2/   Bubbles

make a chain

at my feet

- Những bong bóng nước

tạo thành giây xích

trói buộc chân tôi



3/   A newborn from my family

far away

in the west

- Thêm một trẻ sơ sinh

của gia đình tôi

tận phương Tây xa tắp



4/   Scraping the blue sky

 a stone monument

in the mud

Làm xước trời xanh

một pho tượng đá

giầm chân trong bùn



5/   A mosquito is flying ,

the Pope is flying, too

in an eyeball?





Con muỗi đang  bay

Giáo hoàng cũng đang bay ,

trong cùng một nhãn cầu ?



 6/   The soul

doesn’t get soaking wet

or smeared with blood

 -Linh hồn

 không hề để ướt

hay ô uế bởi máu người



7/   A gossamer –winged butterfly

 flies over

from a black triangular mountain

-Một cánh chuồn mỏng manh

 bay tít trời  cao

từ  ngọn núi hình tam giác


                      Dịch giả Đinh Nhật Hạnh

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Chuyến thăm Nga của Đoàn nhà văn Việt Nam 2010 ( tiếp)




                                        Vũ Nho và cô thuyết minh Bảo tàng Chuông

Chuyến thăm Nga của Đoàn nhà văn Việt Nam 2010 ( tiếp)

Bảo tàng chuông
Trong tập sách : ĐẤT VAN ĐAI mà mỗi thành viên của Đoàn được tặng.
Vũ Nho dịch khi về Việt Nam

Những quả chuông ở nước Nga có vị trí đặc biệt trong đời sống của dân chúng. Những tiếng chuông canh phòng, báo động, phong tỏa, báo giờ, truyền tin, gọi người đi cầu nguyện, mang tin vui, báo tin buồn, răn đe thiên tai, hỏa hoạn, kêu gọi mọi người đoàn kết, đón tiếp khách quý bằng tiếng ngân vang trang trọng. Từ xa xưa VanĐai đã nổi tiếng với những quả chuông nhỏ, chuông to kì lạ của mình. Những quả chuông đến từ đâu, khi nào chúng xuất hiện, ai làm nên chúng- Tất cả điều đó có thể biết được trong Bảo tàng chuông. Ở đây, có thể nhìn thấy bên cạnh quả chuông cổ Trung Hoa từ thế kỉ XVI trước công nguyên là những quả chuông Nga thế kỉ XVI, chuông Ytalia thế kỉ XII, chuông con trong nhạc ngựa Van Đai đầu thế kỉ XIX và nhiều loại chuông khác. Những quả chuông trong nhiều trường hợp là mối liên kết con người từ những đất nước khác nhau, các nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Sự hoàn thiện của những quả chuông thật đáng kinh ngạc vì trải qua  nhiều thế kỉ, hầu như bề ngoài chúng không hề suy suyển tí nào. Những truyền thuyết khẳng định rằng những quả chuông đạo Cơ đốc ra đời ở Ytalia được làm bởi Pablinhie theo hình ảnh và mô phỏng những bông hoa đồng nội xuất hiện trong tầm nhìn như là giọng của bầu trời.
Hiện vật trong bảo tàng không chỉ được nhìn mà còn được nghe. Ở đây, có thể nghe không chỉ tiếng chuông ngân do những người phụ trách bảo tàng gióng lên, mà còn có thể  nghe tiếng chuông tự mình kéo dây. Bảo tàng trưng bày hiện vật mở cửa tháng Sáu năm 1995. Hiện vật được bày trong nhà thờ  thuộc lâu đài nghỉ mát của Nữ hoàng Ekatêrina Đệ nhị, được xây theo thiết kế cuả N.A. Lvov.

Đến thư viện thành phố Vanđai.  Đây là một thư viện cấp huyện nhưng rất to. Thư viện đặt trong ngôi nhà cổ xây từ năm 1903, giờ đã được tân trang. Trên tường thư viện, có ảnh đoàn nhà văn Việt Nam. Chỉ nhận ra hai người là Đào Kim Hoa và anh Vân Long. Các sách dịch ra tiếng Nga khá nhiều. Trong đó có tuyển tập Tô Hoài, Mùa lá rụng trong  vườn của Ma Văn Kháng, Tuyển truyện ngắn Việt Nam, Tuyển thơ Việt Nam,...
Giám đốc thư viện giới thiệu những cuốn sách Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Trong lần tham gia Hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam, Oleg Pavykin cũng đã nhắc đến thư viện này. Cả đoàn tặng một số sách tiếng Việt mang theo để làm kỉ niệm. Sau đó, Trưởng đoàn Lê Văn Thảo ghi  cảm tưởng vào sổ Lưu niệm của Thư viện. Rồi tiết mục không thể thiếu là chụp ảnh chung. Chắc chắn rằng lần sau, nếu có Đoàn Việt Nam nào ghé qua đây, sẽ được thấy ảnh của các nhà văn Lê Văn Thảo, Hoàng Minh Tường, Y Ban và Vũ Nho cùng Oleg chụp với lãnh đạo Thư viện.
          Có một chương trình mà đoàn không có thời gian để thực hiện. Đó là thăm tu viện Iverxki được xây dựng từ năm 1653 trên đảo Xenviski của hồ Van Đai. Ngay từ khi xây dựng, Tu viện này đã có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, chính trị, văn hóa của nước Nga. Đại giáo chủ đã xây dựng tu viện thành trung tâm sản xuất gạch men, nghề rèn và nghề đúc, nghề điêu khắc gỗ và đá. Tu viện được bảo quản hầu như nguyên vẹn từ giữa thế kỉ XVII. Trong cuốn Đất Van Đai, ảnh bìa bốn ghi lại hình ảnh Tổng thống Pu-tin thăm Tu viện.


Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

PHƯỢNG SÓT







PHƯỢNG SÓT
                 Tặng Vũ Nho
                           Nguyễn Khôi

Tháng Tám Thu vàng đến
Đ
àn ve thôi nỉ non
Phượng nở chùm goá phụ
Thắm một màu như son

Trời đất như giở chứng
Bao biến động thất thường
Cứ như ngày tận thế
Nhân loại nghĩ mà thương

Elnino - nano
Hạn hán rồi bão lụt
Khủng hoảng những niềm tin
Gối đầu trên ngõ cụt ...

Một chùm hoa phượng vĩ
Còn sót lại trên cành
Cứ bập bùng như lửa
Cháy cồn cào trong anh !

Sớm 18.8.19







Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Bài của Hằng Thanh trên FB và những bình luận lai rai...

Hôm qua họp Hội đồng PBLL VHNT TW, có nói đến chuyện dạy văn trong trường đại học, thị chợt nhớ đến chuyện thời sinh viên của mình và các thầy trong Khoa Ngữ văn ở trường Đại học.
1. Năm học thứ 4, thị bảo vệ khóa luận nghiên cứu về tác phẩm của Nam Cao, thuộc phần Văn học Việt Nam hiện đại. Hôm đó, có khá đủ các thầy ở nhiều bộ môn trong Hội đồng phản biện, trong đó, có thầy Vu Nho, dạy môn Giáo học pháp. Thị bị các thầy “quay” nhiều câu hỏi nhất trong số mấy bạn cùng bảo vệ. (Hồi ấy, một khóa chỉ có mấy sinh viên được làm khóa luận, vì phải đạt tiêu chuẩn về điểm trong suốt 4 năm. Không biết giờ còn lệ đó không?)
Có 7 câu, các câu hỏi khác thì là “tép”, riêng câu của thầy Vũ Nho khiến thị “nhớ lâu thù dai” đến tận giờ: “Đến tôi còn phải gọi con trai Nam Cao là anh, mà cô lại gọi Nam Cao là “anh”? Vì nếu còn sống, cụ cũng đã gần 70 tuổi rồi?”(hồi ấy, thầy mới đi nghiên cứu sinh ở Nga về, nên tiếng nói oách xà lách lắm) :D :D :D
Thị, đầy lo lắng, nhưng cũng nở nụ cười cầu tài và giải thích: Vì cuộc đời Nam Cao dừng lại khi mới ở tuổi ngoài 30, nên trong trái tim mọi người, Nam Cao vẫn mãi còn trẻ. Gọi Nam Cao bằng “anh”, là muốn nói rằng, nhà văn vẫn trẻ mãi trong lòng bạn đọc!
Nhưng, có vẻ, câu trả lời chưa làm thầy Vũ Nho kính mến thỏa lòng, nên thầy cứ cười cười rất chi là … nhạo.
Hôm sau, thầy trò lại gặp nhau ở Hội nghị sinh viên tiên tiến. Vừa thấy thị, thầy đã cười trêu, như để cho bõ sự chưa vừa lòng từ hôm trước: “Dám gọi Nam Cao bằng “anh” mới kinh chứ!”
Thị, dù bất ngờ khi thấy thầy vẫn chưa “buông tha” vụ dùng đại từ nhân xưng với Nam Cao, nhưng không còn áp lực của buổi bảo vệ khóa luận nữa, nên mạnh dạn cười hỏi lại: “Thế em hỏi thầy, thầy gọi chị Võ Thị Sáu bằng gì?” Lần này, chắc thật sự hài lòng với câu trả lời của trò, nên thầy cười thật tươi: “Tôi thua 1-0 nhé!”
Có lẽ, không mấy ông thầy dám thừa nhận trước trò như thế. Thỉnh thoảng gặp thầy, 2 thầy trò vẫn nhắc lại câu chuyện rất vui này.

2. Hồi năm thứ 2, trong giờ Ngôn ngữ, GS. Nguyễn Minh Thuyết giảng: “Từ “rất” không bao giờ đi với động từ! Nhưng tối đó, thầy có việc xuống ký túc xá và kể chuyện về cậu con trai nhỏ rồi bảo “cô giáo RẤT KHEN”. Thị hỏi lại: “Sao sáng nay thầy giảng từ “rất” không đi được với động từ, mà câu này vẫn đúng nghĩa ạ?” GS. Nguyễn Minh Thuyết cười bối rối vì bất ngờ, rồi giải thích: “À, chỉ trong trường hợp này thôi! Vì có những ngoại lệ!”
3. Thầy Phạm Luận dạy văn học Việt Nam cận đại cũng luôn khuyến khích sinh viên tư duy độc lập và sáng tạo. Bản thân thầy cũng không bao giờ giảng bài theo giáo trình, mà đều bằng quan điểm của thầy. Các giáo trình đều phân tích các tác phẩm của Nguyễn Dữ, Nguyễn Khuyến vv… có nội dung chống phong kiến, nhưng thầy là nhìn bằng quan điểm riêng: Ở Nguyễn Dữ là cái nhìn nhân văn với người phụ nữ, còn Nguyễn Khuyến là sự rung cảm trước thiên thiên vv…Vì thế, thị đã học được ở thầy cách tiếp nhận tác phẩm văn học khách quan, chứ không theo lăng kính chính trị… Thị từng bị gọi lên phân tích tác phẩm "Thu" của Nguyễn Khuyến và đã phán theo cảm nhận, chứ k theo giáo trình và được thầy Phạm Luận gật gù khen (thầy rất, rất hiếm khen :D )
Thị thấy mình may mắn khi được là học trò của các thầy giáo không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có tư cách rất sư phạm, để sinh viên được phát huy và thể hiện khả năng của mình.
Không biết bây giờ, các sinh viên có dám “vặn vẹo” thầy giáo như hồi của thị không và các thầy có tiếp nhận điều đó một cách thoải mái như thế không? Hay lại trù ẻo, cho rằng như thế là “cãi” lại thầy” và “trứng khôn hơn vịt”?

(Đôi khi, chán nhậu bạn bè và lũ em, đành lôi các thầy yêu quí ra để đổi món vậy. Xin được các thầy lượng thứ ạ! :D :D :D )
  • Hằng Thanh
    Hằng Thanh Ke ke ke
  • Sa Hoang Nguyễn
    Sa Hoang Nguyễn Riêng stt này em lai thật sự chị ạ
    2
  • Việt Hồng Trần
    Việt Hồng Trần E rất thích phụ nữ như chị. Thông minh, dí dỏm có lẽ ở ngoài đời chị xinh nữa...he he
    1
  • Hằng Thanh
    Hằng Thanh Việt Hồng Trần: Ở ngoài á? da đen, tóc bạc, mặt nhăn nheo như táo tầu :D
    3