Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Đi chơi Vân Đồn, Cô Tô



ĐI CHƠI VÂN ĐỒN, CÔ TÔ

Các bạn văn Quảng Ninh hò hẹn mãi, cuối cùng thì cũng biến lời hẹn thành...hiện thực. Sáng 21 tháng Sáu hẹn Trần Quang Quý lên Nhà hát lớn. Đi xe chất lượng cao qua Hải Phòng xuống Uông Bí. Tại Uông Bí, các anh Đinh Đức Cường, Nguyễn Nghiêm, Vũ Hào cho xe đón. Buổi chiều xuống Vân Đồn. Mình cứ tưởng Vân Đồn xa lắm lắm. Hóa ra, ngày xưa, đây là Cẩm Phả đảo để phân biệt với Cẩm Phả thị. Chính ở Cẩm Phả thị, lần đầu tiên Vũ Nho sử dụng cái gọi là " ĐIỆN THOẠI" để liên lạc ra Cẩm Phả đảo ( nơi 1 đoàn sinh viên khác của trường ĐHSP Việt Bắc đang đi kiến tập). Khi đó gọi nhờ điện thoại ở Ủy ban, dùng tay quay một hồi chứ không phải là bấm số.
Vân Đồn quả là đẹp. Đặc biệt ấn tượng là Trúc Lâm Thiền viện Giác Tâm, ngay sát bên bờ biển. Các anh chị văn nghệ Vân Đồn gồm  anh Khánh Hội, anh Huyên, chị Thy Nga đón đoàn rất nhiệt tình. Mọi người đọc thơ giao lưu vui vẻ. Hôm sau anh Huyên đưa nhóm chúng tôi ra cảng Cái Rồng để đi Cô Tô. Dự kiến tàu chạy lúc 8 h, nhưng gió to, đổi từ tàu nhỏ sang tàu lớn. Lúc 8 h 32 phút mới rời bến. Sau một tiếng 13 phút thì đến Cô Tô. Anh Cường thuê xe ô tô điện tự lái đưa anh em chạy lòng vòng trên đảo và ra khu Vàn Chảy. Trong tập truyện ngắn " Gã thợ săn" có truyện " Người đàn bà của biển" anh Cường viết ở Cô Tô. VN trêu đùa rằng khám phá lớn nhất của mình là đã biết mỏm đá nơi nhân vật bỏ quần đùi đi tắm tiên, và biết được "nguyên mẫu" cô gái ngày ấy! Buổi trưa nhóm ăn cơm với Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Đặng Quang Ngạn và ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân Bùi Đức Mân.  Bữa cơm thân mật và vui vì cả hai anh Ngạn và Mân đều gốc nghệ sĩ. Ba giờ chiều  nhóm lên tàu về lại Vân Đồn. Anh Khánh Hội mời nhóm "ăn dặm" trước khi về Hạ Long. Chia tay Vân Đồn, dọc đường, bỗng chiếc xe BMV của anh Cường giở chứng sau cú phanh đột ngột. Hình như có vật gì làm bó phanh nên xe chạy phát ra tiếng "lịch kịch". Dừng lại xem xét thì không phát hiện điều gì. Anh Cường bảo cố chạy lên mấy cây số để vào ga ra xin sửa. Kì lạ là khi vòng vào trạm rửa xe hỏi thăm thì tiếng "lịch kịch" bỗng nhiên biến mất. Thế là chẳng phải sửa chữa gì, xe thẳng tiến về Hạ Long. 
Tối đó sau khi ăn nhẹ, chúng tôi tạm biệt anh Nghiêm, nghỉ đêm ở Sao Mai. 
Sớm sau ăn sáng rồi đến thăm trụ sở Hội, gặp anh Dương Hướng, Lê Cương. Cả nhóm lại đến thăm nhà mới của anh Cương, nhâm nhi bia, mực.
Tạm biệt mọi người, anh Đinh Đức Cường đưa Vũ Nho và Trần Quang Quý về Mạo Khê. Rồi hai nhà văn Hà Nội lên xe về Mỹ Đình.
VN về nhà bị cảm sốt mấy ngày liền, từ 23 tháng sáu cho đến tận 28 tháng sáu. Mới biết khi đã 70 tuổi thì sức khỏe là cả một vấn đề!

 Trái qua: Nguyễn Nghiêm, Đinh Đức Cường, Vũ Hào, Trần Quang Quý (  tại nhà riêng anh Hào)
                               Thiền Viện Giác Tâm, Vân Đồn


                                       Với các bạn văn Vân Đồn

                                     Cảng cá Cái Rồng

                                       Trước giờ đi Cô Tô

                                              Cầu tàu Cô Tô

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

GỬI YÊN BÁI



  

 GỬI YÊN BÁI
(Tặng : Nhà văn Thế Phong - Sài Gòn)
               Nguyễn Khôi
                      -----
 Lời thưa : Bố tôi bảo "Yên Bái là đất dữ...nên 1945 ông đưa gia đình về xuôi...NK tôi sinh ra ở Tx.Yên Bái (26/12/1938), nay 80 tuổi ( ta ) ngẫm thấy lời Bố tôi xưa quả là rất nghiệm, có đôi vần cảm tác , viết cách nay đã 5 năm mà vẫn như những lời "dự báo" về cái  vùng Đất Dữ hôm nay, xin được chia sẻ cùng các Bạn thơ :



Nơi mẹ sinh tôi đầu nguồn nước lũ
Đi bặt tăm chẳng có ngày về...
                     *
Ơi Yên Bái, người đi không ngoái lại
bỏ lại vầng trăng, câu hát lưng đèo
Về Hà Nội giữa dòng đời ngang trái
đi tìm hoài một dáng thương yêu.
                     *
Đâu hương Quế, hương Hồi chiều xanh ngát
giữa phố phường chật chội sặc hơi Tiền
giữa chen chúc lòng ngắc ngư câu hát
Thèm một khoảng rừng ở góc Công viên...
                     *
Ta là người điên - kẻ quên quá khứ
Trong cơn mê lảnh một tiếng còi tàu
cứ ngỡ đêm rừng qua ga Phú Thọ
Lửa lập lòe ai đợi bến Âu Lâu ?
                     *
Nơi sông Thao đổ vào đầu phố
cây Đa mé chợ, nơi "đoạn đầu đài" (1)
Phố là phố của người đi chẳng nhớ
Tiếng súng đùng đoàng chạng vạng hôm mai (2)
                      *
Ai đi xa có ngày về Yên Bái
Tôi đi xa là trốn biệt nơi này
là kẻ phụ tình, đứa quên xứ sở
để cõi lòng rỉ máu, buốt đôi tay.
-------
(1) Nơi xử tử Nguyễn Thái Học và các Đồng chí...
(2)Nơi quyết chiến của VM & VNQDĐ sau 1945...và của các "nhóm lợi ích" thanh toán nhau hôm nay...
      Hà Nội 13/01/2012
https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Tản mạn về lính tay sai Mỹ Park Chung Hee





Tản mạn về lính tay sai Mỹ Park Chung Hee

                                Nguyễn Văn Hoa 

1. Đặt vấn đề

Tôi đã viết bài thăm vĩ tuyến 38 để tận mắt thấy bi kịch tiếp diễn chia cắt đất nước Triều Tiên sau 1953   trên VV;

Nay nghe nói TT mới Hàn Quốc ( viết Tắt HQ)  sau khi lật đổ nữ TT là con gái TT độc tài Park Chung Hee( PCH)  đã có tuyên bố xúc phạm tình cảm nhân dân Việt Nam khi TT cảm ơn lính Park Chung Hee  tay sai Mỹ ở Miền Nam, mà quân dân ta đã đánh cho tơi tả. (http://kenh13.info/tran-dac-cong-viet-nam-xe-xac-rong-xanh-han-quoc-nam-1967.html ), tự nhiên những kí ức rất rời rạc  ngày trước xâu chuỗi lại trong đầu tôi, tôi xin ghi lại cho thế hệ sau để hiểu hơn bọn lính Park Chung Hee.


2. Đối mặt lính Park Chung Hee

2.1. Đối tác là lính Park Chung Hee

Tôi đi Hàn Quốc nhiều lần, nhưng nhớ lần ấy chúng tôi ở   cách khá  xa thủ đô Seoul hàng trăm cây số, trưởng đoàn nhận được lời mời ăn cơm tối của một đối tác HQ, qua phiên dịch, lái xe HQ nói về thủ đô dù có 12 cầu vẫn bị kẹt xe, sợ đoàn bị đói , nên xe ghé vào một quán cạnh vườn nho bên đường ăn tạm chờ cơm mời, lái xe canh giờ kẹt xe.

Ăn uống nhẹ  xong đoàn lên đường , nhờ kinh nghiệm của lái xe HQ, đoàn về được điểm hẹn mời cơm của đối tác HQ;

Vì họ là đối tác, tế nhị ngoại giao, nên chỉ có trưởng đoàn được phát ngôn.

Nhưng qua phiên dịch, tôi đã nghe thủng chuyện, ông HQ mời cơm đoàn chúng tôi nguyên là lính Park Chung Hy trước 1975 tại miền Trung Việt Nam.

Khi Việt Nam có luật đầu tư nước ngoài, thì theo dòng chảy đó , ông HQ này xin làm thuê cho 1 nhà đầu tư HQ sang Ta. Làm được một thời gian ở Sài Gòn, ông HQ này bị chủ HQ đánh chửi trước mặt công nhân Việt Nam. Ông uất ức cầm ô đuổi đánh lại chủ HQ. Ông kể khi chủ trao quyết định đuổi việc, ông ta đã xé nát quyết định đó, ném vào mặt chủ mình.


                                        Ts Nguyễn văn Hoa

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

CHÙM QUÍ NGỮ



                          
CHÙM QUÍ NGỮ
      ( Thơ Trần Trung, viết theo điệu Hai-Ku, Nhật Bản).

1/Hạ về
Đàn-Ve...
Mát.

2/Gió
Hát lên ngàn
Chan chứa Âm-Dương...

3/Lá rụng,
Tàn thu
Lu bù Buồn-Đẹp.

4/Đang vừa cữ
Ngóng xuân về...


Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Vài lời tản mạn về CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI





Vài lời tản mạn về
CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN
VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
*
Tôi từng đọc chân dung các nhà văn đương đại của Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Trần Nhương, Hồ Bá Thâm… Con số có tới hàng ngàn, nghe đâu trên ba ngàn khuôn mặt “danh giá” đã được ra lò, trong lúc hiện nay Hội nhà văn Việt Nam tổng thể chỉ có hơn ngàn.
Nay lại được chiêm ngưỡng 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của Nguyễn Khôi. Chà chà… Văn tài như “lá rụng mùa thu”, phen này đất Việt Văn Hiến lại bùng nổ nhân tài “đặc biệt” kỳ vĩ đây. Mỗi người mỗi vẻ: Xuân Sách quả là chín rưng rức, tràn trề thăm thẳm, góc cạnh sắc sảo, uyên thâm, uyên bác; Đỗ Hoàng đa năng táo bạo, giọng điệu sàng xê bay nhảy thủy hỏa tương giao; Hồ Bá Thâm dò dẫm dàn dựng, gắng gượng đưa đẩy; Trần Ngọc Sơn đều đều cần mẫn trơn tru tuồn tuột; Trần Nhương tự tin khôn khéo dụng công trau chuốt, công năng dàn trải,… Mỗi ông đều là những vị thủ kho mẫn cán, thu thập hồ sơ tên tuổi tác phẩm quá khứ hiện tại rồi lắp ghép, sắp đặt thành chân dung, thoáng đọc thoảng nghe cũng thỏa mãn cái tò mò, bức xúc nhưng xem kỹ đọc nhiều thì nhàm nhạt, ngấy ngộ... Theo tôi, đã là chân dung thì phải lột tả, phác thảo, khắc họa khuôn mẫu, cũng như thợ vẽ thợ ảnh phải đứng ở góc độ, chớp đúng thời cơ mà vẽ, mà chụp cái thần sắc để thành ảnh sống động, khí sắc thăng hoa, rồi mà treo ngắm, thưởng lãm... Còn bác Nguyễn Khôi nhà ta thì sao? Rất tốc độ, thật lòng, thật sự ra công cố sức đôi khi nín thở, dồn hơi, gắng bứt vượt, cố đèo bòng.... Có lẽ bởi cái bóng cái tán của Xuân Sách, cái áp lực của 200 công trình bài bản kỳ khu của Trần Nhương... Và thêm phần tuổi tác sức khỏe nên tác phẩm của bác phần nhiều viết bằng chí năng nên phần dương khí cương cường lộ liễu, nhiều câu na ná, công thức bài bản, xem mặt kể tên, lấy sự kiện sự việc, sự thật các câu chữ số phận của mỗi “nhà” rồi sắp đặt lắp ghép thành “chân dung” nên cứ na ná, trùng lẫn.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Ba bài thơ Đinh Nhật Hạnh dịch





                         Dịch giả Đinh Nhật Hạnh ( bìa phải)

BA BÀI THƠ  ĐINH NHẬT HẠNH   DỊCH
   I/     TOI

 Esher GRANEK (1978)



 Ballade et réflexions à ma facon



  ANH

 Khúc tình ca và suy nghĩ theo cách riêng tôi



 Anh là một chữ

 một giọng nói

 Anh là đôi mắt

 là niềm vui duy nhất của đời em 



 Anh đẹp quá chừng !

 Anh dành riêng em, ở ngay kia mà em tin tưởng

 Anh là mặt trời

 là mùa xuân

là kỳ quan của từng khoảnh khắc

là hiện tiền

là hạnh phúc 

chiếc cầu vồng bắc nối trái tim nhau



 Anh là cách xa

 Anh là thay đổi

 cả hai đều mơ màng và lẩn tránh, anh ơi!



 Anh là nghĩ suy

 Anh là hành động

 là nỗi buồn man mác cháy lòng em



 Anh là chấm dứt-

 chấm dứt,vì sao? 



 Anh là khoảng không

 trong vòng tay em, ngỡ chặt 

là mặt trời đời em vụt tắt



  Và chỉ mình em,mình em ở lại 

  Khóc thầm...



 Ngõ,Bằng lăng

 Một ngày hè ve ra rả 45 độ tím bằng lăng



 ĐINH NHẬT HẠNH





  2/  The X in my name

        FRANCIS  X  ALARCON 



  Chữ X trong tên tôi 



  Khồn khổ

  chữ ký của tôi -

  Cái thằng tôi

  vốn dốt nát

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Nguyễn Duy gặp gỡ bạn đọc tại phố Sách Hà Nội

Nguyễn Duy gặp gỡ bạn đọc tại Hà Nội

Tối chủ nhật 18 tháng 6, tại phố Sách Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Duy  nói về tác phẩm của mình tại nhà sách Phương Nam. Nhiều người yêu thơ Nguyễn Duy và các nhà thơ, nhà phê bình đến dự. Ba cuốn sách " Thơ lục bát Nguyễn Duy" " Ghi và Nhớ", " Quê nhà ở phía ngôi sao" được bán giảm giá 20%.
Đây là một số hình ảnh do Vũ Nho ghi lại.


                                   Tác giả đọc thơ

                                             Người dự

                                     Nhà văn Văn Giá phát biểu

Tác giả tiểu thuyết Quyên gửi thư ngỏ cho Vũ Nho



Thư ngỏ gửi bác-tiên sinh Vũ Nho
Vũ Nho là bậc cao tăng
đúng sai cũng tỏ - nói năng rất Người
thân sơ đặt dưới nụ cười
hạo nhiên cất bút nói lời phải nghe
bao năm văn bản phòng the
kéo rèm lại, ta nghe tiếng mình
Vũ Nho anh ạ thần tình
cao minh xếp ở một làng cao nhân
xem ra muốn ngọn bút thần
tĩnh nên minh gọi một lần Nho gia
thế là hiện tại thế mà
thế mà hiện đại ấy là mai sau.


Bình luận
Vu Nho
Vu Nho Cám ơn ông Thọ quý nhau/ Thảo ra một chuỗi mấy câu...ân tình/ Vũ Nho tôi bất thình lình/ Hôm nay vinh dự trở thành CAO TĂNG!/ Mấy lời đây để nói rằng/ Cao Tăng cũng gật, mà THẤP ..."thằng" cũng...ưng!
 Nguyễn Văn Thọ Thưa rằng, tính vốn thẳng tưng
chẳng biết khôn để ngập ngừng đòi xôi (1)
Hay nói hay, dở nói rồi
anh là đích thực một người tiên sinh
ấy là em nói với mình
đứa nào ấm ớ không mình với ta
cao tăng có cả một Nhà
nhưng riêng anh đấy anh là anh em...
------
CT 1 Chuyện xôi của ông đâu.


Chép lại từ FB của Vũ Nho ngày 18 tháng 6 năm 2017

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Mấy hình ảnh 60 năm nhà xuất bản KIM ĐỒNG

Thứ 6 ngày 16 tháng 6 năm 2017, nxb Kim Đồng kỉ niệm 60 năm thành lập. Vũ Nho được mời với tư cách dịch giả có 5 đầu sách được in. Gặp ông bạn Phú Cương, anh Vũ Thế Khôi, nhà văn Định Hải, Lê Phương Liên, Phạm Đình Ân, Dương Thuấn, Cao Xuân Sơn,...
Một chương trình kỉ niệm sinh động, nhẹ nhàng, vui.
Ghi lại vài hình ảnh lưu niệm.

                                      Màn hình lớn
                                         Đón khách
                                        Ấn phẩm trưng bày
                                           Trái qua : Vũ Nho Định Hải, Lê Phương Liên và các nhà văn chưa rõ tên.

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Bài hát mới nhân NGÀY CỦA CHA!





                                          Tác giả Triệu Lam Châu
 
NHÂN NGÀY CỦA CHA 2017,  XIN CÔNG BỐ BÀI HÁT MỚI

Triệu Lam Châu: Nhân Ngày của Cha, nhằm vào chủ nhật tuần thứ ba của tháng sáu (18/6/2017), trân trọng kính mời Quý vị và bạn bè gần xa cùng nghe bài hát mới của tôi, nói về tình cảm thiêng liêng cha – con của chúng ta, theo các đường dẫn sau đây:

 https://youtu.be/7-XrwTo3CDo   (Video Ánh cầu vồng bên suối Nà Cơ)

https://www.youtube.com/watch?v=7-XrwTo3CDo (Video Ánh cầu vồng bên suối Nà Cơ)

(Video Ánh cầu vồng bên suối Nà Cơ)

TRIỆU LAM CHÂU TÂM SỰ:
Cha của Triệu Lam Châu là Triệu Thế Kiệt (Tức Võ Hùng), nguyên là một cán bộ chính trị trong quân đội thời kháng chiến chống Pháp. Ông rất giàu tâm hồn nghệ sĩ và thường làm thơ bằng tiếng Tày. Những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, mỗi lần đi chợ Nà D’àng ở Cao Bằng, ông thường cho Triệu Lam Châu đi theo.
Rồi, trên đường trở về, ông dừng chân trên đèo Nà Cơ, bên con suối ngàn trong vắt, nơi có ngọn núi Phi-a Uyềng cao vút tầng mây… Xa xa phía chân dốc kia là núi Phi-a Đeng cũng cao chót vót. Non nước nơi đây thật hùng vĩ, tráng lệ và trữ tình.
Dừng chân bên suối, ông ngâm những vần thơ say đắm về quê hương cho con nghe trong ánh cầu vồng rực rỡ non ngàn. Giọng ngâm thơ trầm ấm của người cha bên suối và ánh cầu vồng long lanh ấy như toả sáng trong lòng Triệu Lam Châu suốt mấy chục năm qua.
Mùa đông năm 2004 tại Tuy Hoà, Phú Yên, nhân ngày giỗ cha, Triệu Lam Châu sáng tác bài hát Ánh cầu vồng bên suối Nà Cơ  trong nỗi thiết tha, xúc động vô ngần về kỷ niệm với người cha yêu quý của mình nơi cố hương xưa.
Bản nhạc bài hát làm xong đã lâu, song đến dịp Ngày của Cha thiêng liêng năm 2017 này, tác giả mới có có điều kiện ghi âm và hoàn thiện tác phẩm của mình.
Trân trọng mời Quý vị và bạn bè gần xa cùng nghe bài hát, với lời chúc sức khoẻ, an lành và hạnh phúc.
Cao Bằng phố núi, lúc 18 giờ 34’ Chiều 16/6/2017
Triệu Lam Châu