Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

BÌNH DỊ TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH

 


BÌNH DỊ TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH

                      Vũ Nho

Tập thơ “Trở lại miền Đông” của Khánh Hạ là tiếng lòng của một cựu chiến binh, một người từng có nhiều năm   trong khói lửa chiến tranh ở  nơi ấy “Chiến trường Nam sống chết biết bao lần”.  Miền Đông không phải là miền Đông chung chung, mà là Miền Đông Nam Bộ. Một Miền Đông gian lao mà anh dũng thời chống Pháp và miền Đông ác liệt trong kháng chiến chống Mĩ. Nơi tác giả hai lần dính đạn và may mắn sống sót khi nhiều đồng đội hy sinh. Tác giả trần tình:

Quờ lên tóc thấy mình còn may mắn

Nhờ ông bà, động đội chở che

Ân nghĩa ấy một đời chưa trả được

Nợ Âm – Dương thao thức mỗi đêm về

                              (Tự bạch)

Viết văn, làm thơ vốn không phải là việc của người lính chiến. Nhưng Khánh Hạ đã  cầm bút viết. Viết như một cách trả nợ đồng đội,  trả nợ người thân, trả nợ nhân dân miền Đông đã đùm bọc, chở che. Viết chỉ nhằm một mục đích khiêm tốn mà tác giả đã hơn  một lần  tự nhắc :

-         Còn chút tình gửi lại

Sau…cháu con nghĩ tới…

Đọc…cho ông thầm vui 

             (Tự bạch)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          - Có dăm ba điều gửi lại

          Cửa trời dẫu không vọng tới

          Cháu con đọc cũng là vui

                     (Ngày chúc thọ)

 Sẽ không ngạc nhiên rằng tác giả viết về nhiều chủ đề, nhiều thể thơ. Có bài tự sự dài (Tự sự, Tự bạch), có bài như truyện ngụ ngôn thời đại (Ván cờ đời), có bài suy ngẫm lẽ đời (Ngẫm, Chuyện trong nhà), có bài dặn con (Lời mẹ, Con lên xe hoa), có bài gặp bạn (Thăm bạn, Bạn xưa gặp lại,  Gặp bạn xưa,…), có bài về những thắng cảnh, di tích (Một thoáng Nha Trang, Tình Khau Vai, Thăm đền Ăng kor,…).  Nhưng hai chủ đề nổi bật nhất của tập vẫn là tình đồng chí, đồng đội và tình quê. 

 

                                                                       Khánh Hạ
 

          Bạn bè là bạn đồng ngũ, bạn chiến trường. Về hậu phương  làm nhiệm vụ mới là “bảo vệ” của một cơ quan, xí nghiệp nào đó:

          Chín năm chinh chiến dãi dầu

          Súng gươm gác lại đón bầu trời xanh

           Thôi thì “bảo vệ” là Danh

          Chắt chiu cũng đủ học hành cho con

                                   (Thăm bạn)

Gặp được nhau thật chẳng dễ dàng gì. Vì lẽ sau chiến tranh mỗi người một nẻo “Lạc nhau muôn nẻo đời thường” (Kí ức năm Dậu). Dù thương quý mấy nhưng “Gặp nhau ít…, bởi nợ đời áo cơm” (Cảm tác). Gặp nhau, mừng tủi “Cùng chia cùng sẻ nỗi buồn, niềm vui” (Bạn xưa gặp lại). Nhưng câu chuyện bao giờ cũng nhắc tới những người đồng đội mãi mãi không về, mãi mãi gửi mình ở chiến trường, không có địa chỉ  để cất bốc,  không có tên trong nghĩa trang liệt sĩ. Và  họ  cùng tưởng nhớ:

          Rưng rưng cùng bạn quẹt diêm

          Nén nhang cháy đỏ …dâng miền trời xa

                                  (Thăm bạn)

Cái tình đồng chí đồng đội ấy đậm trong những bài thơ về bạn chiến đấu, bạn Thanh niên xung phong. Và cả trong những vần thơ về lại chiến trường xưa:

          Nắm đất bốc lên thấy vương mùi lửa

          Ấm mồ hôi và mặn máu một thời […]

          Chiều Bình Long vàng nắng giữa ngàn xanh

          Nghe âm vang dưới tầng sâu đất đỏ

          Thấy xôn xao trong ngàn cây biển gió

          Tím hoàng hôn

 Thấp thoáng

                   Mũ tai bèo…

                                               (Trở lại miền Đông)

Về tình quê, tác giả khẳng định mình “dừng bước lãng du” ở quê như một quy luật tự nhiên:

Biển xa của cá nó bơi

Chân trời thì trả chim trời nó bay

Ta về quê của ta đây

         (Dừng bước lãng du)

Rốt  cuộc tưởng về quê, nhưng lại không thể ở quê. Tác giả có những câu thơ ám ảnh :

          Về quê mà chả thấy quê

          Mái đình,  giếng nước, bờ tre đâu rồi

          Lại nhà kiểu ống…trời ơi!

          Phố không phải phố…quê thời không quê

                    (Về ở chung cư)

Quê, bây giờ thành ra “cố hương”, thành làng cũ xiết bao ngậm ngùi:

          Ly quê,

           Góc biển chân trời.

Ngày về,

Tóc bạc…

Một đời phiêu diêu.

Quê hương

Muôn quý ngàn yêu.

Ngậm ngùi

Bia mộ…

Trắng chiều

Cố quê

       (Cố hương)

Lục bát, nhưng tác giả ngắt dòng, bài thơ dài như một dòng lệ  đang thầm chảy!

Tuy nhiên, tâm hồn người lính vốn bình dị, khỏe khoắn. Tác giả đã sáng suốt lựa chọn, một lựa chọn đúng đắn của người từng trải:

Kiếm đôi ngày để thong dong

Ta gác lại những chất chồng, ngổn ngang

                   (Cảm tác)

Tôi muốn dành ít dòng để nói về bài thơ ngắn cuối tập “Viết trên bia mộ

Họ và tên Kh.H.

Sinh 1XX5

Xong một đời gió bụi

Nằm ngẫm chuyện ngàn năm

               Ptheo PVS

Tôi nhớ cụ Nguyễn Khuyến có dặn con về đám tang của mình :

Việc tống táng nhung nhăng qua quýt

Cúng cho thầy một ít rượu hoa

Đề vào mấy chữ trong bia

Rằng quan nhà nguyễn cáo về đã lâu

                (Di chúc)

Trong bài “Tự bạch”, phần cuối, tác giả Khánh Hạ cũng dặn dò về đám tang của mình. Bài “Viết trên bia mộ  tôi không rõ tác giả phỏng theo PVS ở tài liệu nào. Nhưng tôi biết thi hào Nga A.Puskin cũng có một bài rất gần gũi  nhan đề “Dòng ghi trên mộ chí của tôi” :

Nơi đây yên nghỉ Puskin và nàng thơ trẻ

Với tình yêu và biếng lười cả thế kỉ ham vui

 Chẳng làm điều chi tốt đẹp cho đời

 Nhưng lạy Chúa, có tâm hồn, là người tử tế

1815      

Tạ Phương dịch – Thơ trữ tình A.X.Puskin, Nxb Hội nhà văn, 2019, trang 19.

Tôi nghĩ  dòng chữ trên bia của người cựu chiến binh chân thực, bình dị,  tràn đầy tinh tần lạc quan. Dù ông có phỏng theo ai thì cũng là một điều độc đáo!

                                               Hà Nội, 17 tháng 5 năm 2020

 

 

 

 

         

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét