Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG

GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG

9._duong_thanh_bieu

NHÀ VĂN DƯƠNG THANH BIỂU

CÂU CHUYỆN ĐÁNH ÁN CỦA NHÀ VĂN

                     LÀM NGHỀ KIỂM SÁT

 Cảm nhận tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” của nhà văn Dương Thanh Biểu, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2021

                                       Nhà văn Vũ Nho

        Nói gì  thì nói, bạn đọc bao giờ cũng tin tưởng vào nhà văn viết về những câu chuyện nghề nghiệp của chính họ hơn là các nhà văn tìm hiểu qua sách vở mà viết lại bằng trí tưởng tượng. Tác giả Dương Thanh  Biểu, vốn là Tiến sĩ, là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tôi cao. Anh đã từng được bạn đọc biết đến với những tiểu thuyết, truyện kí  liên quan tới lĩnh vực chuyên sâu của mình như “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” (2013, tái bản 4 lần), tiểu thuyết  “Miền sáng tối” (2017)… Bây giờ, năm 2021 tác giả lại trình làng tiểu thuyết “Vết dao ngược đêm trăng” viết về một vụ trọng án.

        Ngày nay không hiếm các tác phẩm viết về các vụ án. Ngay bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng đầy những vụ án động trời liên quan đến nhân vật Hương, một nhà báo, Phó tiến sĩ , kiêm doanh nhân.

        Tên tiểu thuyết đã tái hiện vụ án mạng xảy ra trong đêm trăng với vết dao đâm ngược.  Mọi câu chuyện đều liên quan tới việc xác định ai là hung thủ và  vụ giết người nhằm mục đích gì để kết án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

       Vụ án đã xảy ra lâu, nhưng phải đình chỉ điều tra vì không có manh mối.  Mới  gần đây được phục hồi điều tra. Có thể tóm tắt nét đặc biệt của vụ án như sau: Vụ án có hiện trường, không bắt được quả tang hung thủ. Chứng cứ vật chất hầu như không thu được gì. Khi có manh mối, các  nghi can bị bắt, nhưng lúc  nhận tội, lúc không nhận. Tòa chỉ kết án dựa trên những lời khai. Trong khi đó một số yêu cầu quan trọng phải tiến hành như thực nghiệm hiện trường, xác định thời gian tiêu thụ của các nghi can, xác định vết đâm của hung thủ thuận tay trái, trong khi nghi can lại thuận tay phải,…nhưng không được thực hiện.

        Với  19 chương sách, bằng những hiểu biết tường tận, kĩ lưỡng công việc Kiểm sát và điều tra, tác giả đã cho bạn đọc thấy hoạt động điều tra, truy tó và xét xử một vụ án mạng vô cùng phức tạp. Đặc biệt, tính phức tạp không chỉ do việc thu thập và đánh giá chứng cứ mà điều quan trọng là những Kiểm sát viên, Điều tra viên và Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án đã thoái hóa, biến chất, bị mua chuộc bằng lợi ích vật chất, cả bằng gái gú do trùm xã hội đen của địa phương khoác áo doanh nhân thành đạt Hoàng Thụy đạo diễn. Với động cơ trả thù hèn hạ, Hoàng Thụy đã can thiệp vào quá trình giam giữ, cho tay chân của hắn ép cung, khai báo theo ý muốn của hắn.

Không có sự can thiệp của Hoàng Thụy, vụ án cũng đã không có manh mối và khó khăn. Có sự can thiệp của Hoàng Thụy, nó càng trở nên phức tạp gấp nhiều lần. Bởi vì nghi can bị ép cung, bị đầu gấu đánh dã man, nên đã khai theo ý muốn của đầu gấu vốn là tay chân của Hoàng Thụy.

        Qúa trình điều tra thu thập chứng cứ, tuy Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra nhưng Điều tra viên không nhất trí. Có lúc giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên có những phát biểu gay gắt với nhau, thể hiện trong đoạn đối đáp sau đây:

        “Đồng chí cứ về báo cáo lãnh đạo Viện, Cơ quan điều tra đã tiến hành làm nhưng không thực hiện được. Hồ sơ đã có đủ chứng cứ kết tội rồi.Hiếm có vụ án  truy xét nào lại thuận lợi như vụ án này. Các anh cứ máy móc thế này, anh em làm sao thở được!

        Lê Kiên cũng không phải tay vừa, phản pháo đáp trả:

- Chúng tôi làm việc là trên nguyên tắc. Chứ không phải máy móc gì cả. Có gì trao đổi bằng văn bản. Tôi cũng nói thật với anh, nếu những  yêu cầu đó không thực hiện được, thì hồ sơ chuyển sang, rất có thể lãnh đạo sẽ trả lại hồ sơ. Viện không trả thì Tòa sẽ trả. Các anh đừng tưởng…[…]

- Tôi cũng nói thật với đồng chí nhé. Hồ sơ chỉ có vậy thôi. Chúng tôi chuyển hồ sơ sang, các đồng chí giải quyết thế nào là tùy các đồng chí.

Lê Kiên nghe vậy càng bực mình:

- Chuyển hồ sơ là quyền của anh. Còn chấp nhận hay không là quyền của chúng tôi. Tôi nói thật đấy!” (trang 122 -123).

Điều đáng chú ý là, những mâu thuẫn giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên không được giải quyết theo nguyên tắc của pháp luật mà dưới sự đạo diễn của Hoàng Thụy. Sau đó hồ sơ vụ án được bổ sung thêm chứng cứ - dưới sự đạo diễn của Hoàng Thụy - hai nghi can  Hà Hùng và Lê Hoan viết thư về cho vợ thú nhận đã giết  Hồ Quảng nên phiên tòa được mở.

Chương 10 có nhan đề “Bản án gây bức xúc dư luận”. Trong chương này, nhà văn đã miêu tả khá tỉ mỉ về trình tự, thủ tục phiên tòa như vốn có trong thực tế. Điều đáng lưu ý là, tác giả đã khéo léo kết hợp dùng ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ pháp lý và nghệ thuật diễn đạt nên làm cho người đọc cảm thấy không khô cừng. Nhưng đáng lưu ý về tính chất căng thẳng, gay go và phức tạp. Đó  là Luật sư  Trần Năm đòi thay Kiểm sát viên Lê Kiên. Luật sư Hoàng Nga cho rằng “vụ án có nhều  vi phạm tố tụng” nên yêu cầu “triệu tập điều tra viên Trần Huy và Kiểm sát viên Lê Kiên ra phiên tòa để giải trình một số vấn đề”. Tuy nhiên, Chủ tọa Ngô Quý đã không chấp nhận yêu cầu này.

Khi thẩm vấn tại Tòa thì hai bị cáo không khai gì thêm, chỉ nói rằng đã khai “Tùy Tòa tuyên thế nào, chúng em chịu thế ấy”.

Phần tranh tụng tại phiên tòa diễn ra căng thẳng. Hai Luật sư bào chữa cho bị cáo đã có những  lập luận khá vững chắc về  những tình tiết ngoại phạm của bị cáo rất thuyết phục. Thậm chí có tranh tụng gay gắt tới mức đề nghị Tòa khởi tố:

“ – Việc phán quyết các bị cáo có tội hay không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử chứ không phải trách nhiệm của Luật sư. Nghe chưa? Phát biểu hồ đồ như vậy mà cũng là Luật sư à! Tôi đề nghị xem xét khởi tố Luật sư về tội vu khống.

Có vẻ như bỏ  ngoài tai phát biểu của Lê Kiên, Luật sư Hoàng Nga vẫn khẳng định dứt khoát.

- Tôi thấy vụ án có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, bức cung, mớm cung. Tôi đề nghị khởi tố Điều tra viên về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” (trang  164 – 165).

Chủ tọa Lê Quý đã tuyên bố kết luận của Hội đồng xét xử. Bản án bị dư luận báo chí cho là không thuyết phục,  kết án oan cho người vô tội.

Một vụ án phức tạp nhưng tác giả đã tái hiện những sự kiện lô ghích, hợp lý, nhất là tại phiên tòa phúc thẩm. Đóng vai trò quyết định cho phiên tòa phúc thẩm là Nguyễn Hoàng. Anh vốn là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân của tỉnh. Anh cũng có biết về vụ án này. Sau khi đi học, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, Nguyễn Hoàng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Sau đó thăng chức Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nguyễn Hoàng cùng các cộng sự đã nghiên cứu, xem xét và đi đến một quyết định hợp lí và sáng suốt. Đó là cần phải hủy bản án sơ thẩm. Mặt khác, không giao cho cơ quan tư pháp Hưng Đàn điều tra, truy tố và xét xử để tránh việc địa phương sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đúng như  suy nghĩ của Nguyễn Hoàng : “ Việc điều tra xác minh để tìm ra sự thật của vụ án đã rất khó khăn, nhưng việc  phát hiện những tiêu cực trong hoạt động tư pháp cũng cam go không kém. Kẻ xấu luôn tìm cách biện minh và ngụy trang tội lỗi hay cậy nhờ  đến những người có quyền chức bao che cho mình. Thậm chí họ sẵn sàng dùng tiền để lo lót, mong thoát nạn”. (trang 290).

Theo đúng sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Hoàng, phiên tòa phúc thẩm được giao cho cơ quan cấp trên xét xử. Dù các Luật sư tranh luận gay gắt, nảy lửa, nhưng Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Đặng Công  đã tuyên bố : “Căn cứ khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử quyết định :  Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm  của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Đàn. Giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra lại từ đầu” (trang 280).

Việc điều tra lại được tiến hành khẩn trương, chắc chắn và khoa học. Kết quả người giết Hồ Quảng chính là Trần Mai. Hà Hùng và Lê Hoan bị kết án oan. Tất cả những phức tạp, rắc rối đều do tay Hoàng Thụy  dưới vỏ bọc một danh nhân thành đạt đạo diễn và thực hiện.

Tiểu thuyết cho bạn đọc thấy hoạt động điều tra, truy tố và xét xử hết sức phức tạp và căng thẳng. Những cán bộ giàu kinh nghiệm, mẫn cán,  sắc bén như Nguyễn Hoàng,  Võ Quân cùng các cán bộ của Viện kiểm sát cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã  làm việc hết mình, vạch mặt thủ phạm,  trả lại tự do cho những người bị án oan.

Đây là một trong những cuốn sách của của nhà văn chuyên viết về đề tài tư pháp.. Tác giả đã kết hợp những hiểu biết về pháp luật với việc xây dựng các nhân vật, phân tích tâm lí  và thủ đoạn của  Hoàng Thụy trong hoạt động chống lại pháp luật một cách khôn khéo, tinh vi. Nhưng  Hoàng Thụy và đồng bọn không thể dùng đồng tiền để đổi trắng thay đen, mà phải khuất phục trước những cán bộ giỏi nghiệp vụ, đầy trách nhiệm và nhất là đầy tinh thần nhân văn trong công việc của mình. Không chỉ có chuyện căng thẳng về việc điều tra, tranh luận. Tác giả đưa vào tác phẩm một số bài thơ của Nguyễn Hoàng, mối tình của Võ Quân với con gái Nguyễn Hoàng, mối tình của Luật sư Trần năm với nhà báo Kim Khánh làm cho câu chuyện kể thêm phần mềm mại, trữ tình.

Với hiểu biết sâu sắc, chắc chắn về công việc chuyên môn, tác giả đã có một tiểu thuyết tư liệu về tư pháp nhân văn sâu đậm. Đồng thời, cuốn tiểu thuyết tư liệu này sẽ là những bài học bổ ích cho các cán bộ làm công tác tư pháp. Chúc mừng nhà văn TS. Dương Thanh Biểu và cuốn tiểu thuyết tư liệu thành công trong lĩnh vực tư pháp và trong địa hạt văn chương./.

                                             18/5/2022

anh_bi_vet_dao

                       

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét