Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

CẢM NHẬN VỀ CUỐN SÁCH “LỄ HỘI LÀNG THỔ HÀ”

 

CẢM NHẬN VỀ CUỐN SÁCH  “LỄ HỘI LÀNG  THỔ HÀ” CỦA NGUYỄN THỊ MINH BẮC

                                         PGS.TS. VŨ NHO



1.       Mấy dòng nhập đề

         Cái đơn vị hành chính có tên gọi là “LÀNG” ở Việt Nam được định nghĩa như sau : “Khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị có đời sống riêng về nhiều mặt, và là đơn vị hành chính thấp nhất thời phong kiến” (Từ điển Tiếng Việt,  Trung tâm từ điển ngôn ngữ, 1992, trang 539). Làng có đình, chùa, có cổng, có đường, có cánh đồng. Làng có luật lệ riêng (Phép vua thua lệ làng),  Làng có hội hè (Hội làng), làng có thần cai quản (Thành hoàng làng). Làng đi vào văn chương nghệ thuật như một lẽ tự nhiên. Ca khúc có “Làng tôi” của Văn Cao, còn có “Làng tôi” của Hồ Bắc; “Làng quan họ quê tôi  của Nguyễn Phan Hách – Nguyễn Trọng Tạo. Truyện ngắn có “Làng  của Kim Lân, “Bức thư làng Mực” của Nguyễn Chí Trung, “Chuyện làng Gành” của Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Kiên có tập truyện ngắn “Trong làng”,  Ngô Văn Phú có “Thần hoàng làng”. Ngô Tất Tố có phóng sự “Việc làng”, Lê Bá Thự có “Tôi và làng tôi”, tiểu thuyết có “Đất làng” của Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Ao làng” của Ngô Ngọc Bội, “Làng Cao” của Sao Mai, “Làng tề” của Đỗ Quang Tiến, “Chuyện làng” của Phạm Quang Long. Thơ có “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa; thơ về làng có “Quê Nành” của Nguyễn Ngọc Căn,  và mới nhất là “Làng mình” của Nguyễn Hiếu,…

          Làng là đơn vị hành chính, dân cư vô cùng quan trọng của người Việt, là tế bào gốc của xã hội nên người Việt rất coi trọng làng. Đến nỗi đề cao : “ Phép Vua thua lệ Làng”.

          Khảo cứu về làng có thể nói ít hơn hẳn so với thơ, văn. Với sức đọc hạn hẹp của mình, tôi mới thấy có “ Cổ Pháp cố sự” của nhà thơ Nguyễn Khôi, và công trình về lễ hội làng Thổ Hà của Nguyễn Thị Minh Bắc.

2.     Những nét đặc sắc của công trình “ Lễ Hội làng Thổ Hà”

Công trình khảo cứu về Lễ hội của một làng quê. Nhưng để bạn đọc hiểu sâu về lễ hội, tác giả đã chia công trình làm ba phần, ứng với ba chương:

Chương 1. Thổ Hà, nơi lưu giữ không gian văn hóa và lễ hội

Trong chương này, người viết tập trung khảo sát:

-         Sông Như Nguyệt, dòng sông Quan họ

-         Cảnh quan, phong tục, tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt

-         Ẩm thực trong ngày lễ hội làng Thổ Hà.

Chương 2 là chương quan trọng nhất khảo sát Lễ hội làng Thổ Hà gồm ba phần chính:

I.                   Lịch sử Lễ Hội

II.                Các nghi lễ tế thánh

III.             Các trò chơi dân gian và văn nghệ trong lễ hội

- Chọi gà

- Tổ tôm điếm

- Diễn tuồng

- Ca trù

- Quan họ

          Chương 3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội làng Thổ Hà.

I.                   Vai trò và ý nghĩa của Lễ hội truyền thống

II.                Những rào cản

III.              Bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa  gắn với phát triển Du lịch

IV.            Tiềm năng phát triển du lịch

V.               Một số giải pháp thiết yếu

2.1.         Bố cục như thế là rành mạch, chặt chẽ,  khoa học và thuyết phục

2.2.         Tác giả kết hợp các kiến thức sách vở với những khảo sát thực tế về dòng sông Như Nguyệt – Sông Cầu, về Đường làng, Nhà cửa,  Cổng làng, bến đò cây đa,  Đình, chùa, từ chỉ; Nghề gốm, về cỗ ba tầng, các món chay cúng phật, Món cỗ chay mặn, một số món ăn khác,...

Cỗ bàn, các món chay chứng tỏ bàn tay đảm đang, tài khéo của người Thổ Hà, đồng thời cho thấy nghệ thuật ẩm thực tinh tế của dân Kinh Bắc nói riêng và dân Việt nói chung.

Nhiều chi tiết thú vị độc đáo. Tên làng Thổ Hà với nghĩa đất sông, đất và sông (nước). Dòng chữ trên cổng làng : Thổ chi tân ( Đất thiêng bền đẹp) Hà nguyên hậu ( nước nguồn vô tận) là minh chứng.

Những câu đối trên cổng ( trang 23) cho thấy niềm tự hào của một làng văn hóa nổi tiếng ngày xưa.

     Có điều cần xem lại : “lâu ngoại trường giang lưu” sao lại in sai thành “Ngoài lầu sáng êm trôi”. Sông dài chảy thì phải là sông êm trôi mới đúng chứ! Nhân tiện các lỗi vi tính trang 35, 42, 45, 66, 71, 120,  cần sửa nếu tái bản. Trang 14, bài “ Nam quốc sơn hà” không phải là của Lí Thường Kiệt, điều này đã được giới nghiên cứu khẳng định.

2.3.         Tác giả đã khảo sát, mô tả một cách chính xác, tỉ mỉ, cụ thể và sinh động các nghi lễ tế thánh, các trò chơi dân gian trong Lễ Hội.  Trò chơi dân gian cho thấy sự đa dạng, phong phú các hình thức văn nghệ. Đặc biệt là chơi Quan họ, một hình thức độc đáo chỉ có ở vùng Bắc Giang, Bắc Ninh. Làng Thổ Hà đã được bổ sung vào danh sách các làng quan họ và được khẳng định là “ làng quan họ gốc” ( tr.13). Đặc sắc nhất là phần hát thờ, hát canh và hát trên thuyền trong ngày hội, hát giã bạn. Người viết đã đưa ra một số bài tiêu biểu với các làn điệu phong phú rất công phu và hấp dẫn. (Tôi có may mắn được sống cùng các cụ nghệ nhân làng Lũng Giang khi Đoàn quan họ về đây học hát với các cụ, và từng được thưởng thức các canh hát. Rất mê. Rồi tôi đã từng viết bài thơ “ Lúng liếng ơi” khi hát cùng  nghệ nhân Sáu Hạ, Lan Hương).

2.4.         Những nhận định về raò cản và việc khắc phục. Việc nêu các giải pháp thiết yếu trang 194- 200 cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của người viết đối với một Lễ hội độc đáo của địa phương.

3.     Kết luận chung

Chúng tôi vô cùng hứng thú khi đọc công trình này của thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc. Tin rằng Lễ Hội làng Thổ Hà sẽ được bảo tồn, phát triển muôn đời. Công trình này của tác giả góp phần vào việc bảo tồn và phát triển đó!

                                                            Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2024



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét