Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

MẤY CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ HOA VẪN CÒN XUÂN CỦA TÚ OANH

 MẤY CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ HOA VẪN CÒN XUÂN CỦA TÚ OANH

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022


                                                                   Vũ Nho

 Không ngờ đây đã là tập thơ thứ 5 của cô gái yêu thơ  huyện Đan Phượng định cư trên đất Đức. Tôi nhớ trong chuyến đi chơi Vịnh Hạ Long cùng với vợ chồng nhà thơ Vũ Quần Phương, một buổi tối, cả đoàn đã đọc và góp ý cho Hạnh Mai, Tú Oanh và Lan Phiến.

            Tôi có nói đại ý Tú Oanh nên chú ý đến hoàn cảnh sống xa quê hương, đất nước. Chú ý khai thác tình cảm của người xa xứ và sự cố gắng, hòa nhập vào cuộc sống văn hóa khác biệt Âu Á. Điều đó sẽ giúp cho thơ Tú Oanh có nét độc đáo, khác lạ mà các nhà thơ sống trong nước không có được.

            Tôi đã đọc 96 bài dài ngắn của tập thơ này.

Có một sự ngạc nhiên là Tú Oanh thích làm thơ Đường luật. Lại  chú ý đến cả Đường luật cổ điển của người Việt sáng tạo ra như Ngũ độ thanh – giao cổ đối- bát điệp;  Ngũ độ thanh - nhất vận;  Giao cổ đối; Khoán thủ,…

Có lẽ đây là biểu hiện của tấm lòng hoài hương, thành hoài cổ, thành nhớ nhung một thể thơ cổ điển đẹp cũng như thể thơ Lục bát chăng? Tôi không thống kê nhưng biết được có ít bạn trẻ thích làm thơ Đường luật trong các câu lạc bộ thơ Đường. Mà Tú Oanh thì chưa phải là người cao tuổi, càng không phải là người đã già! Như cô đặt tên tập thơ “ HOA VẪN CÒN XUÂN” cơ mà. Thành ra có câu thơ của Tú Oanh cũ cũ xưa xưa đến mức nghe như từ thuở  Chinh Phụ Ngâm chứ  không phải của thế ki 21:

            Chàng đi nẻo ấy sầu đâu vợi

            Thiếp ở nơi này nhớ chẳng vơi

                        ( Bài 43. Cách biệt)

Tôi thích những bài thơ ngắn, ý tứ vững, lời thơ dung dị, dù là lục bát hay Đường luật:

                        Trời Rostock nắng đang cao

                        Bỗng dưng lại đổ mưa rào ướt em

                        Thân em quần áo ướt nhem

                        Quay về vương vấn tiếc thèm biển xanh

                                                Bài 6. Một ngày về Rostock

 Hoặc như bài số 8. Tiếng Xuân:

                        Nắng làm cho Xuân thêm sắc thắm

                        Gió làm cho Xuân thêm đa tình

                        Mưa làm cho Xuân thêm rực lửa

                        Anh làm cho em thêm… mộng mơ

Bài số 9. Biển Hạ Long chiều nay cần tách làm 2 bài nhỏ. Nếu không sẽ bị lạc vần. Mỗi bài là một cặp 2 câu vừa đẹp:

  1. Hình như biển chẳng còn xanh

Hình như gió cũng ( hoặc đã)  quên vành trăng xưa

  1. Hình như cát chẳng còn yêu

Hình như sóng cũng hết liều vì em!

Các bài thơ Hai nửa cuộc đời, Vệt cứa thời gian, Hương em, Hà Nội bây giờ, là những bài thơ có tứ,  dù chưa được toàn bích. Các bài thơ  số 51. Em là em; số 53. Dạ khúc thu  ngắn nhưng để lại ấn tượng đẹp.

            Có những câu thơ thi ảnh đẹp:

                        Những bông tuyết trắng nhẹ sa

                        Đậu trên mái tóc như là cánh hoa

                                    ( Bài 80. Tuyết và tết)

            Nhìn chung Thơ của  Tú Oanh đậm chất hồn nhiên. Hồn nhiên là mặt mạnh nhưng nó cũng dễ thành mặt yếu vì thiếu sự trau chuốt, thiếu  vắng đầu tư cảm xúc và trí tuệ.

            Vì hồn nhiên, tự nhiên nên có những câu thơ “sượng”:

                        Trẫm mình núi tắm sương rơi ( bài 10)

                        Buồn cho cánh hạc lạc đuôi trời ( bài 18)

                        Hoàng hôn đã lặn ánh dương đã tàn (bài 26)

                        Hôm nay phụ nữ chúng em

                        Áo quần sung sính bên rèm tay bê ( bài 27)

Tú Oanh nên khắt khe hơn nữa với chính mình. Viết  rằng : “Em làm thơ chẳng để ai xem/ Chỉ cần em với thơ là đủ” ( Bài 89. Bạn cùng thơ) là một cách nói khiêm trong thơ mà thôi. Thơ trước hết để cho mình. Đúng, nhưng cũng còn để cho người thân, cho bạn đọc đông đảo nữa chứ!

            Tin rằng như thế bạn có thể tiếp tục con đường sáng tạo thi ca, nhiều nhọc nhằn nhưng cũng không ít niềm vui!

                                                Hà Nội, 4 tháng 4 năm 2023




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét