Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

GIỮA HAI CHIỀU VÔ TẬN

 


GIỮA HAI CHIỀU VÔ TẬN

 
Cánh buồm chiều mỏi mệt
Bão trời bão lòng ta?
Nhặt câu thơ rơi rụng
Xâu buồn năm tháng xa.
Thời gian như bản nhạc
Từng nốt từng bước đi
Tình ngọt rồi ly biệt
Nước mây trời vô tri
Giữa hai chiều vô tận
Tóc trắng bên dòng xanh
Tiếc cái gì đã mất
Mơ cái đẹp mong manh
Cổ tích rồi khép lại
Buông hết những đua chen
Hãy với mình sống thật
Mỗi ngày gặt niềm tin.
Bùi Minh Trí
 
 
LỜI BÌNH CỦA LÊ HÀ
Giáo viên Văn Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Địa chỉ B4 Khu Tập thể XN XNK Tổng hợp 1, ngõ 230 Phố Lạc Trung - Quận Hai Bà Trưng Hà Nội Số ĐT: 0942046256

Bài thơ giống như một định đề, cũng giống như một buổi chiều thời gian. Định đề là những vectơ quay ngược, thời gian là cánh buồm mỏi mệt. Không phải nơi cái đẹp của cánh buồm no gió ! Mà là nơi
“cánh buồm chiều mệt mỏi / bão trời, bão lòng ta?”.
Câu thơ dẫu có hỏi tu từ thì vẫn mang nguyên vẹn một tường minh để người đọc buông lòng sẽ thấy những hàm ẩn . . .Có một dòng sông và những con thuyền. Sông đang gần tới biển ; những con thuyền đang gần tới biển . . .ngập ngừng trước lúc hóa thân. Gió lòng và gió trời đều có thể trở thành bão tố cả. “Nhặt câu thơ rơi rụng / Xâu buồn năm tháng xa “ .
Trên nền tảng của sự chiêm nghiệm, thơ nghiêng về phía suy tưởng hoài niệm. Hình tượng trong thơ là hình mang cảm xúc suy nghĩ nhiều ý tưởng nên câu thơ có khả năng chuyển hóa qua lại như một dòng tư duy, một nguồn mạch đi về không bị ngăn cách, thì bỗng nhiên những rơi rụng – Hay nói cho thật hơn đời người, những gì mất đã thành thơ ! Những mất mát trở thành nỗi buồn sang trọng.
Thế nên ta mới ngồi “xâu lại”, thế nên tóc đã trắng mà dòng vẫn xanh ! Cái hữu
hạn của đời người và cái vô tận của thời gian . . . cho ta phút bình tâm “Tiếc cái gì đã mất”, cái tiếc nảy mầm mọc cây hy vọng. Cái tiếc không ngại đường lấp ló chân trời để vẫn “mơ cái đẹp mong manh”. Câu thơ giản dị chân thành mà giàu triết lý.
Chất triết lý có trong cấu tứ, có trong cách lập ý. Tứ thơ khi mê, lúc tỉnh. Tuy
nhiên tỉnh hay mê, thơ cũng luôn trong trạng thái lý trí – nảy sinh từ một tâm hồn chín. Nơi sức sáng tạo đã được lên men thời gian:
“Thời gian như bản nhạc
Từng nốt từng bước đi
Tình ngọt rồi ly biệt
Nước mây trời vô tri “.
Phải chăng thời gian là bản nhạc giao hưởng không lời hoặc ca khúc thân quen – như Sông Hồng chở phù sa cuồn cuộn, Sông Mã ầm ầm ghềnh thác hay Sông Thương dịu dàng đau đáu sóng chờ mong. Có phải dòng sông xanh êm ả, hay mây trời xám mầu vần vũ cũng chẳng hề ngoảnh lại xót xa cho một tình yêu ngọt ngào say đắm mà phải vật vã phút chia xa ?
Nếu như ở 3 khổ đầu, tác giả dùng ngôn từ vẽ ra 3 bức tranh sắc mầu để có một nội dung nếm trải cùng nuối tiếc, đầy ắp lo toan và triền miên cuộc đời, thì khổ cuối là sự kết dính nhuyễn dẫn dụ thơ vào miền cổ tích:
“Cổ tích rồi khép lại
Bỏ hết những đua chen
Hãy với mình sống thật
Mỗi ngày gặt niềm tin”.
Dẫu sao cuộc đời vẫn là nơi đẹp nhất nếu ta biết tự chủ, bỏ xa cái dung tục đua chen, sống thật với mình, tự đủ để ”mỗi ngày gặt niềm tin”.
Phải chăng đời người là vậy . . biết làm sao ? Cái gọi mời, cái hoài bão rất phù du, còn cái bền bén là lòng mình.
Bốn khổ thơ “Giữa hai chiều vô tận” nếu tách ra mỗi khổ đã có đủ ý tứ giống như một bài tứ tuyệt – đem hợp vào là bài thơ giản dị mà gắn kết nói lên cái quy luật tự nhiên – qui luật cuộc đời. Thơ gần gũi với cuộc sống. Có thể mặt trời chỉ đứng yên trong hệ thái dương, nhưng những ước lệ tài hoa vẫn chao theo thuyền và sóng, để rồi cho buổi chiều hay hai ngả vectơ quay. Tôi cứ nghĩ “Giữa hai chiều vô tận” là bài thơ được làm mới trong những ngôn từ cũ ! Mà có sao đâu, ông Chế Lan Viên từng nói “ Không có chữ nào thơ hay không thơ ; chữ nào trong sáng hay không trong sáng – Vấn đề là biết cách dùng cho đúng chỗ của nó mà thôi”.
Người làm thơ cũng như người đầu bếp, trong lúc những đầu bếp đủ hạng
bậc đang ra sức chưng cất sào xáo đủ loại dư thừa. Thì món ăn “Giữa hai chiều vô tận” của nhà thơ Bùi Minh Trí được lên men từ những dư vị quen lại làm nên một chút suy tư trong cảm khái !
 
unnamed
 
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét