Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA

 


THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA

(Ghi Chép)

                                                                     Đại tá Nhà văn Nguyễn Văn Hồng

   Cuối tháng 3 năm 2025 nhằm vào tháng 2 năm Ất Tỵ, ở miền Bắc là tháng thứ hai của mùa Xuân, mọi người ra đường phải mặc áo ấm, nhưng Sài Gòn thì vẫn nóng 34-35 độ C. Sáng nay, tôi dậy sớm hơn mọi ngày để đi ra điểm hẹn là Trạm khách T67 thuộc quân khu 7.

  Năm nay, Hội Cựu Chiến Binh (CCB) quân tình nguyện Mặt Trận 479 (MT479) khu vực Hà Nội tổ chức chuyến thăm lại chiến trường xưa. Các anh chọn đi cuối tháng 3, về đầu tháng 4 có ý nghĩa nhân dịp thành lập MT479 và cũng phù hợp với khí hậu ở đất nước Chùa Tháp là đón tết Chon Ch’Nam Thơ mây, trước khi bước vào mùa mưa. Từ trung tuần tháng 2, tôi đã được Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia cựu quân tình nguyện MT479 khu vực Hà Nội, đại tá Nguyễn Xuân Hà thông báo và mời đi với đoàn.

 Chuyện qua lại giữa hai nước giờ đây rất dễ dàng, chỉ cần có hộ chiếu là có thể lên những chuyến xe từ thành phố Hồ Chí Minh đi Ph’ Nôm Pênh. Trong những năm qua cũng đã có nhiều nhóm, đoàn CCB trở lại chiến trường, đến những nơi có dấu chân họ để lại, thắp nén nhang tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Nhưng lần này, các anh tổ chức rất bài bản và chu đáo vì số người tham gia đông, hầu hết đã qua một thời khốc liệt trên đất nước Campuchia giúp bạn xây dựng lại tất cả từ con số “ O”, chủ yếu là anh em Sư đoàn 302, Sư đoàn 309 và một số đơn vị trực thuộc. Trong đoàn còn có cả các phu nhân và người thân. Để bảo đảm an toàn và tính pháp lý cho chuyến đi, các anh tổ chức đi theo đường ngoại giao, thông qua Đại Sứ Quán (ĐSQ) quan hệ với chính quyền và  các đơn vị Lưc Lượng Vũ Trang (LLVT) Hoàng Gia Campuchia trên suốt lộ trình. Tôi nói với đại tá Nguyễn Xuân Hà: “ Có lẽ thế hệ chúng ta, nhiều người trong chuyến đi này sẽ là chuyến cuối cùng trở lại chiến trường xưa, nên cố gắng đến hết những địa danh mang tính lịch sử thuộc MT479!”. Anh Hà đồng quan điểm với tôi và nói: “Sẽ đi hết!”.

    Sau rất nhiều ý kiến trao đổi qua lại hàng tháng trời, cuối cùng cũng đã thống nhất được lịch trình của chuyến đi từ ngày 25 – 03 đến 04 – 04 – 2025 do đại tá Bùi Tiến Dũng dự thảo như sau:

-Ngày 25-3: Sáng từ Hà Nội bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Chiều vào chào Bộ Tư lệnh quân khu 7.

-Ngày 26-3: Sáng về thăm Sư đoàn 302 tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai, chiều  thăm sư đoàn 309 tại căn cứ Long Bình, thành phố Biên Hòa.

-Ngày 27-3: Sài Gòn – Ph’nom Pênh, trên đường ghé tỉnh Tây Ninh viếng Nghĩa Trang Liệt Sỹ (NTLS).

-Từ ngày 28-3 đến chiều 3-4 là thời gian chính thức thăm lại chiến trường xưa trên đất nước chùa tháp.

   Tôi kéo chiếc va ly có bốn bánh xe phía dưới bước lên taxi đến điểm hẹn, lòng ngổn ngang những cảm xúc. Còn nhớ, năm 2015, phần nhiều anh em trong đoàn này cũng đã trở lại chiến trường. Được biết chuyến đi ấy, cũng phần nhiều là anh em sư 302, do thiếu tướng Hai Phê làm đoàn trưởng, Hồ To làm phó Đoàn, mục đích là để hoàn thiện bộ phim về Mặt trận 479. Làm phim về MT479 thì không thể không đến địa bàn tỉnh Bát Tam Băng xa xôi và ác liệt, mà Bát Tam Băng là chiến trường quen thuộc trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế của sư đoàn 309. Vì vậy các anh tha thiết mời tôi tham gia. Những địa danh mà tôi quan tâm nhất là Cao mê lai – Com Riêng – Pailin – Tà Sanh. Lần ấy, có điều gì đó khiến tôi từ chối, không đi cũng tiếc. Kể từ chuyến đi đó, nay cũng đã gần 10 năm. Riêng tôi, lần đầu tiên cùng đoàn cán bộ cao cấp cựu quân tình nguyện Việt Nam thuộc MT479 và 779 trở lại đất nước chùa tháp là năm 2005 theo lời mời của thủ tướng Hun Xen, chuyến đi này không đến tỉnh Bát Tam Băng. Như vậy, nếu chuyến đi hôm nay theo lộ trình thì với tôi cũng đã hơn 20 năm rồi, không bồi hồi sao được.

  Chân run run bước lên chiếc xe ca, có 40 người đang ngồi trên đó. Tôi vui mừng nhận ra, hầu hết là anh em đã cùng chung chiến hào năm xưa. Mặc dù đại tá Bùi Tiến Dũng đã gửi danh sách, thấy phần nhiều tôi đã được gặp trong những lần họp mặt CCB ở Hà Nội, như đại tá Nguyễn Xuân Hà, đại tá Lê Cường, đại tá Đinh Công Hợp và nhiều đồng chí khác, nhưng lần này, trên xe có các phu nhân như “nồi canh rau rừng có thêm bột ngọt”, khiến chân dung các ông tươi tỉnh hẳn lên. Tôi nói với các cô, các bà: “Ngày xưa, chúng tôi chiến đấu ở chiến trường, không biết được, hay nói đúng hơn không được biết các bà ở nhà đi những đâu, làm những gì, hôm nay các bà đi để biết chúng tôi ăn bo bo đánh giặc như thế nào!...”. Ngoài số anh em, như tôi thường nói với đại tá Lê Cường là “Anh em cùng cha, khác mẹ”, cùng cha nghĩa là cùng thuộc BTL MT479, khác mẹ tức là thuộc các đơn vị dưới Mặt trận, như Sư đoàn 302, 309 và các trung đoàn trực thuộc, nay có thêm trung tướng Lê Minh Cược, nguyên Chính ủy quân khu 2 đóng vai trưởng Đoàn , thiếu tướng Nguyễn Tiến Ngùng, nguyên Tham mưu trưởng quân khu thủ đô, người đã từng thân thiết với tôi tròn nửa thế kỷ và hai vị tướng này cũng đã làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Lại được nghe thông báo có cả doanh nhân Nguyễn Như Ý và phu nhân tham gia, nhưng cuối cùng Như Ý vắng mặt, chỉ có phu nhân Nguyễn Thị Bích Thủy đi với Đoàn.

   Dưới đây xin lược ghi các hoạt động của Đoàn trong 10 ngày để chúng ta (Đoàn CCB Mặt trận 479 khu vực Hà Nội) có thể lưu giữ lại những kỷ niệm của những ngày trên đất Bạn chuyến đi này:

Ngày 25-3: Sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ngay chiều hôm ấy được tư lệnh quân khu 7 tiếp và chiêu đãi Đoàn. Tôi thầm nghĩ: Đúng là một quân khu nghĩa tình của một thành phố Nghĩa tình. Được biết, tư lệnh quân khu đã có chỉ thị cho cơ quan và các sư đoàn 302, 309 chuẩn bị đón tiếp Đoàn thật tốt, dành cho Đoàn những tình cảm thật đặc biệt khi được biết Đoàn sẽ đi thăm hai sư đoàn chủ lực của quân khu cũng là hai sư đoàn trước đây thuộc MT479.

   Cũng cần có đôi dòng về “gốc gác” của hai sư đoàn này, vì sao hai sư đoàn từ hai mặt trận Đông bắc và Tây bắc Campuchian nay là hai sư đoàn bộ binh thuộc quân khu 7. Trước hết, hai sư đoàn được thành lâp từ yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam và làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước láng giềng Campuchia. Ngày 16-12-1977 sư đoàn 302 được thành lập tại huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước thuộc quân khu 7. Ngày 27-9-1978, sư đoàn bộ binh 309 thuộc quân khu 5 được thành lập tại thị xã Buôn Ma Thuột. Sau cuộc tổng phản công chiến lược của các binh đoàn chủ lực quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, chính quyền của chế độ diệt chủng Pôn Pốt tại thủ đô Ph’nom Pênh sụp đổ. Ngày 14 – 4 - 1979 MT479 được thành lập. Sư đoàn 309 được điều động sang tỉnh Bát Tam Băng, sư đoàn 302 tiến lên Xiêm Riệp. Từ đó, hai sư đoàn đã trở thành hai trong 4 sư đoàn thuộc MT479 quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.  

   Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, rút quân về nước, sư đoàn 302 vẫn là sư đoàn thuộc quân khu 7. Sư đoàn 309 vào biên chế chính thức của quân đoàn 4. Lịch sử đã sang trang, nhà nước khởi xướng cuộc cách mạng về sáp nhập, điều chỉnh lại địa giới hành chính trên phạm vi cả nước, đây là một xu thế của thời đại, quân đội không là ngoại lệ. Quân đoàn 4, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chính thức giải thể vào ngày 20 - 7 - 2024 để sáp nhập với quân đoàn 3, mang phiên hiệu lịch sử là quân đoàn 34. Sư đoàn 309 trở thành sư đoàn chủ lực thuộc quân khu 7 từ đó.

Chiều ngày 25 tháng 3 năm 2025 Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 7 tiếp thân mật đoàn cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội

Ngày 26-3:

Tại sư đoàn 302: Đây là lần đầu tiên tôi được đến Sở Chỉ Huy (SCH) sư đoàn đóng tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Nếu không có dịp này thì có lẽ mãi mãi không biết được nơi đóng quân của sư đoàn mà tôi nói với chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Phó trưởng đoàn, đại tá Nguyễn Xuân Hà rằng sư đoàn 302 với sư đoàn 309 là anh em “cùng cha khác mẹ”. Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế, đã có lần sư 309 được tăng cường trung đoàn 271, là một trung đoàn mạnh của sư 302. Tôi đã có thiện cảm với trung đoàn này lúc đồng chí Thảo làm trung đoàn trưởng từ mùa khô năm ấy, vừa đến tăng cường cho tôi hôm trước, hôm sau đã lập được chiến công liền. Tại phòng thờ, đồng chí Chính ủy sư đoàn cho biết Sư đoàn 302 có tổng cộng 11.696 liệt sỹ, trong đó hy sinh tại chiến trường Campuchia là 3.814 người. Tôi nhẫm tính một phép nhân, trong người nổi cả da gà, không biết dùng từ nào để thay cho cảm xúc của mình trước sự mất mát quá lớn của một sư đoàn bộ binh.

                     

Đại diện đoàn cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội chụp ảnh lưu niệm trước sở chỉ huy sư đoàn 302

    Buổi chiều Đoàn đến thăm sư đoàn 309. Sự quan tâm của tư lệnh quân khu 7 đã được thể hiện đầy đủ tại hai sư đoàn này. Về với sư đoàn, nơi tôi đã từng là sư trưởng, sự rung động của trái tim là tất nhiên rồi, nhưng tôi vẫn đặt mình là một thành viên của Đoàn. Có mấy đồng chí gọi tôi: “Anh Hồng ơi, trong phòng truyền thống thấy có mấy hình ảnh của anh!”, tôi làm như không nghe, nhưng lòng cảm thấy lâng lâng một chút tự hào…

                

Trưởng đoàn cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội

Trung tướng Lê Minh Cược nguyên Chính ủy quân khu Thủ đô, nguyên Chính ủy quân khu 2 tặng quà lưu niệm cho chỉ huy sư đoàn 309

   Mỗi khi đến thăm một đơn vị, bao giờ cũng thực hiện một “quy trình” thống nhất: Thắp nhang tại phòng thờ liệt sỹ, tham quan nhà truyền thống, gặp mặt cán bộ, chỉ huy đơn vị, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm và cuối cùng là chiêu đãi. Tại phòng thờ tôi cũng hỏi đồng chí Chủ nhiệm chính trị tổng số liệt sỹ của sư đoàn 309. Tôi chỉ là một đời sư trưởng sư đoàn này nên không thể biết tổng số liệt sỹ là bao nhiêu, đồng chí cho biết: Danh sách có 7.878 liệt sỹ, riêng hy sinh tại Campuchia là 3.479 người. Tuy không phù hợp nhưng tôi vẫn làm một phép tính để so sánh số liệt sỹ ở sư 302 với 309 hy sinh tại Campuchia, từ đó suy nghĩ về nguyên nhân của sự chênh lệch đến 335 người là do đâu…

Ngày 27:

Ngày đầu tiên của cuộc hành trình là đến viếng nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 Tân Biên, Tây Ninh: Tây Ninh là một trong những tỉnh dọc biên giới Tây nam, giáp với Campuchia, có nhiều nghĩa trang liệt sỹ, hầu hết được chuyển về đây trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và những năm làm nhiệm vụ quốc tế, cho nên ở đây được gọi là “Nghĩa Trang Quốc Tế”.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309 cùng anh chị em trong Đoàn viếng nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 Tân Biên.

Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia cựu quân tình nguyện MT479 khu vực Hà Nội

 đại tá Nguyễn Xuân Hà đọc lời viếng tại nghĩa trang Đồi 82

( CÒN TIẾP)



1 nhận xét:

  1. NHÀ MẠNG KHÔNG CHO ĐƯA ẢNH! TÁC GIẢ VÀ BẠN ĐỌC THÔNG CẢM NHA!

    Trả lờiXóa