ẤN TƯƠNG VỀ ĐẠI TÁ NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỒNG
PGS.TS.Nhà văn Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN
Nhà thơ Hữu Thỉnh, cựu chiến binh lính xe tăng từng viết:
Không só sách chúng tôi làm ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình
Với trường hợp Đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng thì hoàn toàn chính xác. Có điều người lính này không làm thơ mà viết văn “ ghi lấy cuộc đời”. Anh ghi cuộc đời mình, ghi cuộc đời đồng đội mình, ghi lại cuộc đời những người lính đồng hương làng Phúc Đậu ở quê, và những người anh gặp, anh biết trong chiến tranh.
Những trang viết của anh thật đáng nể!
Chỉ kể những tác phẩm chính thôi đã khá nhiều, không khác gì một nhà văn chuyên nghiệp.
Những năm tháng không quên, Nxb Trẻ, 2000
Cuộc chiến tranh bắt buộc, Nxb Hội Nhà văn, 2004
Cuộc chiến đấu tự nguyện, Nxb Hội Nhà văn, 2005
GIỮA HAI TRẬN TUYẾN, Nxb Quân đội nhân dân (QĐND), 2009
Nghĩa tình đồng đội, Nxb QĐND, 2009
Đất kim cương , Nxb Thanh Niên, 2012
Thăm thẳm biên cương, Nxb Hội nhà văn, 2012
Những bông hoa bất tử, Nxb Văn học, 2013
Chiến trường khốc liệt, Nxb Hội nhà văn , 2015
Mặt trận Đông Bắc, Nxb Nhân Ảnh, 2018
Đường 19, Nxb QĐND, 2019
Pailin thời máu lửa, Nxb Hội Nhà văn, 2021
Tất cả những tác phẩm này được in thành ba tập Nguyễn Văn Hồng tác phẩm. Chúng tôi rất ấn tượng với đánh giá của Nhà xuất bản Hội nhà văn:
“ Tác phẩm của Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn Hồng trung thực và sống động bởi các sự kiện trong tác phẩm mà chính tác giả là người trong cuộc và cũng là nhân vật trong các câu chuyện. Vì vậy sức hấp dẫn của tác phẩm văn học Nguyễn Văn Hồng rừng rực không khí mặt trận, chân thực đến trần trụi và khát khao sống, cháy bỏng lòng yêu nước của người lính cầm súng chiến đấu” ( Nguyễn Văn Hồng tác phẩm, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2022, tr. 6)
Bài viết này chúng tôi chỉ nhắc đến một khía cạnh ấn tượng trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Hồng. Đó là tỉnh cảm đồng chí, đồng đội rất sâu sắc của nhà văn.
Tác giả có hẳn một cuốn sách với nhan đề “ Nghĩa tình đồng đội”. Trong cuốn “ Nguyễn Văn Hồng tác phẩm” tập hai, có hơn 20 bài bút kí, ghi chép về những người đồng chí đồng đội. Đây là những người thật, việc thật và tình cảm thật chân thành của người bạn với người bạn, người đồng hương với người làng, người chỉ huy với người lính.
Bài viết “ Một quyết định kịp thời” cho bạn đọc thấy tinh thần đồng đội của tác giả với liệt sĩ Hoàng Công Nghiêm.
“Vừa ra đến đường số 2 khoảng 1 km, tôi được tin đại đội trưởng Hoàng Công Nghiêm hi sinh trong trận địa.[…]Không kịp thông báo cho chính trị viên Trần Sỹ Mỹ biết, tôi kéo theo đồng chí trợ lí chính trị và hai đồng chí chiến sĩ vận tải, vượt qua làn pháo địch, chạy vội trở lại, đến ngay vị trí khẩu 12 li 7, đưa xác đồng chí Nghiêm lên cáng. Với những động tác khẩn trương, một sức mạnh phi thường, chúng tôi băng qua hố bom, hố pháo, vượt qua mọi chướng ngại trên đường, thoát ra khỏi trận địa.[…] Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thường tự hỏi rằng : vì sao lúc ấy mình lại có một quyết định kịp thời và chính xác như vậy” ( sách đang dẫn. tr. 363). Chính tinh thần đồng chí, đồng đội đã khiến cho tác giả có quyết định kịp thời và chính xác. Và còn tình nghĩa hơn nữa, tác giả Nguyễn Văn Hồng đã hai lần về quê Hoàng Công Nghiêm trao tặng địa phương và gia đình cuốn sách viết về anh.
Về người đồng đội Nguyễn Minh Hiển hi sinh vì bị bom na pan, tác giả chôn cất, nhưng không biết quê quán của liệt sĩ. Nguyễn Văn Hồng viết bài “ Thân nhân anh ở đâu? Ai biết chỉ dùm”. Bài viết in vào cuốn “ Nghĩa tình đồng đội”. Rồi chính cuốn sách đã cung cấp thông tin cho gia đình liệt sĩ. Em trai của liệt sĩ viết cho tác giả:
“Anh Hồng kính mến ơi!
Truyện và kí “ Nghĩa tình đồng đội” xuất bản giưa 2009 của anh không những đã cung cấp cho bạn đọc những trang viết đầy tình nghĩa, những tình cảm sâu lắng trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc mà còn đem đến cho đồng đội cũ, cho thân nhân của nhiều liệt sĩ tìm được nơi yên nghỉ của con em mình sau gần 40 năm đất nước đã vắng bóng quân thù” ( sách đang dẫn- sđd, tr. 393). Đây là đánh giá khách quan nhất về cuốn sách của Đại tá nhà văn Nguyễn Văn Hồng.
Chuyện tìm thấy mộ của liệt sĩ Hồ Huy Liễu cũng thật cảm động. Nhà văn Nguyễn Văn Hồng nhớ rõ sơ đồ mộ và vẽ cho cháu Cường đi tìm. Cường kể : “- Cháu cầm cái sơ đồ bác vẽ hôm trước, nhờ mấy tay xe ôm đưa đi. Họ nói rằng: bác mày làm gì mà đã gần 40 năm rồi vẫn nhớ rõ từng gốc mít, từng địa danh ở cái huyện miền núi xa xôi này!” ( sđd, tr 401).
Với tình yêu quê hương sâu sắc, nhà văn Nguyễn Văn Hồng đã viết một cuốn sách về những liệt sĩ của làng Phúc Đậu. Đó là cuốn “ Những bông hoa bất tử”. Phó bí thư thường trực huyện ủy Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh tự hào đánh giá : “Tôi xin dám chắc rằng, đến thời điểm này chưa có một xã nào có được một cuốn sách viết về tất cả các liệt sĩ của một làng như làng Phúc Đậu!” ( sđd, tr. 412). Vừa là tình cảm đồng đội, vừa là tình cảm quê hương. Cuốn sách góp phần làm nên sự bất tử của những người con của làng Phúc Đậu!
Với anh Nguyễn Khắc Khoái, người cùng làng thì cuộc gặp nhau bất ngờ ở chiến trường thật cảm động. Tác giả kể : “Tôi cứ để nước mắt tự do chảy xuống miệng, vội đút tay vào túi áo lấy mấy đồng bạc miền Nam, tiền phụ cấp lúc ấy, mấy đồng bạc đã ướt nhòe vì mồ hôi, trao anh:
- Anh cầm lấy, khi nào có dịp xuống đồng bằng mà uống nước!
Chúng tôi vội vã chia tay kẻ lên người xuống.” ( sđd, tr. 425).
69 liệt sĩ của làng Phúc Đậu được nhà văn viết về tiểu sử, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh, những kỉ niệm với bè bạn, với gia đình. Nhà văn tâm sự : “ Viết lên điều này, tôi không khỏi nhớ về một miền quê – làng Phúc Đậu, đã sản sinh ra những người con trung dũng, kiên cường, nay trở thành một trong những nhân vật “bất tử” trong cuốn sách của một làng nghèo, cống hiến cho cách mạng 69 người con hiếu thảo…” (sđd, tr 430).
Tác giả Nguyễn Văn Hồng trong những bài ghi chép, bút kí của mình đã thể hiện tình cảm đồng chí đồng đội, rất chân thành, cảm động . Bên cạnh đó là những cuốn tiểu thuyết dày dặn, công phu viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ, cuộc chiến đấu chống bọn diệt chủng Pôn Pốt. Các tập sách của người lính, nhà văn mang quân hàm Đại tá là báu vật cống hiến cho nền văn học nước nhà.
Gần đây nhất trong bút kí “Thăm chiến trường xưa” ghi chép về chuyến đi từ 25 tháng 3 đến 4 tháng 4 năm 2025, chúng tôi chú ý chi tiết đoàn thắp hương ở phòng thờ Liệt sĩ tại sở chỉ huy Sư đoàn 302 và 309, rồi thắp hương ở Nghĩa trang Quốc Tế đồi 82 Tân Biên, thắp hương ở đất bạn Căm Pu chia. Đó là việc làm có ý nghĩa tâm linh, cũng là thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc đồng chí, đồng đội của mình.
Chúng tôi viết những dòng này để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ một người con làng Phúc Đậu đã sống rất nghĩa tình, chiến đấu dũng cảm, và có những thành tựu văn chương rất đáng ghi nhận!
Hà Nội, 16 tháng Tư năm 2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét