Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Trần Đăng Khoa – Ông thần trong tuổi thơ của gã khờ

 FB NGUYỄN QUỐC CHÍNH

Trần Đăng Khoa –

Ông thần trong tuổi thơ của gã khờ





✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️✍️
Ngày còn học tiểu học, gã chẳng hiểu “thần đồng” là gì, chỉ biết Trần Đăng Khoa là… một ông thần. Một ông thần biết làm thơ. Và thơ ông thần ấy có ở khắp mọi nơi – trong sách giáo khoa, trên báo tường, trong lời ngâm của cô giáo. Mỗi lần học thuộc một bài thơ của ông, gã cứ thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, thế giới của những cơn mưa, hạt gạo, góc sân và khoảng trời.
Lạ kỳ thật. Thơ ông thần ấy viết về những thứ giản dị, nhưng mỗi lần đọc lại cứ thấy như đang khám phá điều gì to lớn lắm. Như bài “Mưa”, có phải chỉ là tả cơn mưa đâu? Đó là cả một miền tuổi thơ:
Mưa từ đâu đến
Mưa từ trên trời
Mưa rơi xuống đất
Theo mẹ ra đồng…
Một đứa trẻ đọc lên thì thích thú vì vần điệu dễ thương, nhưng một người lớn đọc lại thì thấy cả cánh đồng quê, thấy cả bóng dáng những ngày xưa lấm lem bùn đất.
Thơ thiếu nhi – Trẻ con nhưng không nhỏ bé

LỪA TÌNH

 


LỪA TÌNH

Truyện ngắn LƯU BÁ THỊNH

Hắn là kỹ sư Lâm nghiệp đã về hưu được gần chục năm. Công việc nghiên cứu của hắn cũng khá nhàn nhã. Do học giỏi, nên ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, hắn đã được ông viện trưởng của viện Nghiên cứu Rừng ở Hà Nội xin về.

Thế là hắn nghiễm nhiên được làm việc tại Hà Nội. Cả cuộc đời nghiên cứu của hắn ở đây là được làm chủ nhiệm hơn chục đề tài nghiên cứu về Rừng ở nước ta từ cấp cơ sở, đến cấp bộ, rồi cấp nhà nước.

 Nhìn chung đề tài nào hắn cũng hoàn thành và hoàn thành tốt nữa. Chỉ có điều là kết quả các đề tài nghiên cứu cuả hắn đem ra áp dụng vào thực tế lại chẳng được là bao.

 Nhưng phải nói là hắn chịu khó đi thức tế, không ngại leo đèo, lội suối, nên hắn đã rèn luyện được sức khỏe của hắn khá dẻo dai và bền bỉ.

 Bây giờ khi đã về hưu hơn mười năm rồi, mà trông hắn vẫn rất phong độ, tác phong lại nhanh nhẹn như thanh niên, nên hắn thường được người ta khen là trẻ trung, là đẹp lão, là phong độ v.v. 

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

THƠ TRẦN THỊ NƯƠNG - CON THUYỀN TẢI ĐẠO BÌNH TÂM

 Thơ Trần Thị Nương – Con thuyền tải đạo bình tâm

( Nhân đọc tập thơ Men lửa - NXB Hội Nhà văn năm 2022- của nhà thơ Trần Thị Nương)

NGUYỄN THỊ MAI

mai_ao_vang

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI 

Xin mượn câu thơ tâm đắc ấy trong bài thơ Con thuyền của chính nhà thơ Trần Thị Nương để khái quát một nghiệp thơ đời chị.

Với tôi, Trần Thị Nương không chỉ là một bút danh quý trọng, thân thiết trong lòng bạn đọc từ những năm 90 của Thế kỷ trước mà còn là một cây bút giàu nghị lực, sâu lắng nghĩa tình, dồi dào sức sống mạnh mẽ trên từng trang viết với cả ngàn bài thơ trong 16 tập thơ đã xuất bản. Thơ chị như dòng nước mạch nguồn chảy vào suối, về sông, đổ ra biển cả góp vào sự nghiệp phát triển của nền văn học nước nhà.

“Con thuyền tải đạo” của Trần Thị Nương là con thuyền chở thơ. Mà thơ là tâm hồn người. Trong tâm hồn ấy đầy ắp những yêu thương, nhân hậu, khổ đau, tủi buồn và không ít khát khao. Nhưng bật lên, sáng ngời hơn tất cả là hai phẩm chất quý giá, ít có trong thơ đương thời. Ấy là niềm Tin yêu và lòng Biết ơn. Có hai phẩm chất này, nhà thơ đã bình tâm sống và viết. Và cũng chính hai phẩm chất này đã dẫn dắt thơ chị đến được cái đích Chân – Thiện – Mĩ và cả Chân – Thiện – Nhẫn mà bao người cầm bút đang vươn tới.

Giữ trọn cả niềm tin

Trước cuộc đời sóng gió

Khi vui khi đau khổ

Niềm tin vỗ về ta... (Niềm tin)

Trong cõi thơ đầy nỗi niềm hôm nay, thơ thiên về tiếc nuối, cô đơn, buồn thương, mất niềm tin hiện tại, miên man hồi ức hoặc khám phá hăm hở cái mới cho thơ… thì Trần Thị Nương bình tâm với trang viết của mình bằng niềm tin yêu cuộc đời, tin yêu con người, tin yêu thơ một cách thánh thiện.

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

ĐỌC NHÀ VĂN TẠ DUY ANH MỔ “LÒ MỔ” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

 


ĐỌC NHÀ VĂN TẠ DUY ANH MỔ

“LÒ MỔ” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Trên trang của Lão Tạ, có bài phê bình thơ của nhà văn Tạ Duy Anh, nhan đề: “ TÔI QUYẾT ĐỊNH ĐỌC LÒ MỔ”. Tất nhiên nhà văn họ Tạ (nói vui cho có hương vị) thuộc đỉnh mái tre rơm, và “ngói mới” (lời của Xuân Diệu) của văn thơ mậu dịch, có nhiều uy tín với làng văn, và bạn đọc, đã viết khá nhiều tiểu thuyết đình đám, và mát tay đỡ thai cho cuốn sách “Trại súc vật” của George Orwell ra đời, đặc biệt nhà văn bước vào văn đàn với truyện ngắn đồ sộ (khá dài) “Bước qua lời nguyền” được xem như đột phá khẩu vào tư duy hợp tác xã chữ nghĩa mậu dịch…
Tất nhiên tầm nhìn của cây bút cự phách thế này thì đáng xem rồi! (Hôm nay chủ nhật, ngày của thánh, phải nghỉ phần xác, nhưng tôi vẫn ngồi viết, vì mai là ngày phải chạy băng cuốn sách khác, nên tôi không viết dài). Bài viết của Tạ Duy Anh mang vài ý chính sau:

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

HÈN NHÁT?

 


HÈN NHÁT?

 

                            HỒ BÁ THƯỢC

 Sau thời gian “ở nhà phòng dịch”, tối nay, thành phố có lệnh dỡ bỏ giãn cách. Tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ từ chập tối. Không xem thời sự, không xem phim truyện Hàn Quốc như thường lệ, tôi bập ngay vào đống chăn chiếu, mà bà vợ chỉn chu đã chuẩn bị trước đó hàng tiếng đồng hồ.

Không biết tôi đang mơ về chuyện gì, tự nhiên  chuông điện thoại đổ một hồi dài. Định làm ngơ không muốn nghe, nhưng bên kia người gọi có vẻ kiên nhẫn hơn tôi tưởng. Chuông lại réo lần nữa, mắt vẫn chưa mở, tôi áp điện thoại vào tai.

  • A lô! Tôi nghe đây?
  • Tôi đây mà!

 Nghe tiếng, biết ông bạn thân, tôi hỏi bây giờ mấy giờ rồi?

  • Cũng không biết nữa. Mắt mở trừng trừng, đêm tối quá không nhìn thấy đồng hồ.
  • Bây giờ, gần 1 giờ sáng rồi đấy, ngủ đi để lấy sức ông bạn ạ. Thế, có chuyện gì gọi vào giờ này?
  • Chuyện dài lắm, sẽ nói sau. Sáng mai, ta gặp nhau ở quán Lão Ngốc nhé. Từ tết đến giờ, chúng mình chưa gặp. Chết tiệt dịch với dã, cứ như trong nhà tù vậy. Hẹn rồi đấy, tôi đi ngủ đây - Hắn dập máy luôn.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

CHÀNG TRAI ẤY BÂY GIỜ RA SAO?

 


CHÀNG TRAI ẤY BÂY GIỜ RA SAO?

DƯƠNG NINH NINH

*
Chàng trai ấy là người mà tôi đã viết trong bài KHỐI TÌNH LẬN ĐẬN CỦA CHÀNG TRAI TRONG THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN. Giờ thiều quang chín chục của mùa Xuân năm 2017 cũng đã ngoài sáu mươi, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cũng đã ngoài năm mươi, vẫn miệt mài biên tập trang Đặng Xuân Xuyến, vẫn say mê làm thơ, vẫn nghiên cứu Tử vi lý số và vẫn vui chơi Facebook, nhưng chàng trai trong thơ của họ Đặng, một chàng trai đã nửa đời “ngậm trái bồ hòn” của một nghĩa vợ tình chồng tan vỡ thì tôi thực không biết bây giờ ra sao?
May thay, tôi vừa băn khoăn tự hỏi thế thì nhận được ngay câu trả lời. Ấy là chùm thơ tình mới nhất của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến liên tiếp đăng trên mạng trong tiết xuân này, và qua đó, tôi thấy được tâm tư tình cảm của người mà tôi đã sẻ chia khối tình lận đận trong bài đã viết.
Nếu những năm trước, chàng trai ấy mỗi khi tự đối diện với mình, chàng đã nhận ra sự ngu ngơ của mình về một duyên tình chồng vợ đã đổ vỡ:
Người đi vá víu nụ cười
Tôi hong tơ ướt cũng mười năm nay
Khật khừ say tỉnh tỉnh say
Cứ ngu ngơ đợi heo may trái mùa
Thì bây giờ, xem ra cái ngu ngơ ấy vẫn còn chưa dứt:
Chiều tàn bước thấp bước cao
Đêm mơ hái được chòm sao lưng trời.
.
Niềm vui
đến chỉ nửa vời
Ngẩn ngơ chi sợi tơ trời,
bỏ đi.
(Hoang Mơ)

BÓNG CĂN BIỆT THỰ - TRUYỆN NGẮN CỦA ĐÀO QUỐC VINH

 


Bóng căn biệt thự – Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Vanvn- Nàng đã trở lại Hà Nội sau mười tám năm dài vật lộn với cuộc sống tha hương, từ hai bàn tay trắng, kiếm sống, trở thành một người đàn bà đơn thân thành đạt, giành lại quyền nuôi đứa con với người chồng của cuộc hôn nhân lần thứ nhất mà lúc ly hôn, nàng đã không chứng minh được nguồn thu nhập nên đành chấp nhận bị tước quyền nuôi đứa con mà nàng đã dứt ruột đẻ ra khi nó còn quá thơ dại; và đã chịu bao nhiêu vất vả, cay đắng vượt cạn một mình, hạ sinh và nuôi đứa con với một người tình qua đêm là một người đàn ông giàu có mà nàng đã vội vã bỏ đi ngay sau những cuộc tình vụng dại ấy…

Nhà văn Đào Quốc Vịnh ở Hà Nội

Mỗi lần nhớ lại cuộc hôn nhân đầu tiên, cuộc hôn nhân mà cả ngàn người chung quanh nàng đều cho là nàng đã may mắn được bước chân vào một gia đình có thế lực của tỉnh, là hạnh phúc. Bố chồng nàng làm giám đốc một Sở của tỉnh. Mẹ chồng nàng vốn xuất thân từ một gia đình danh giá. Bà là con của một ông quan đầu tỉnh thời còn bao cấp. Căn biệt thự to, đẹp lộng lẫy nằm trên lưng chừng quả đồi rộng mông mênh quanh năm thơm ngan ngát mùi hương quế.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2025

THƠ ĐÀO THANH CƯỜM

 

THƠ ĐÀO THANH CƯỜM 

anh_co_cuom

MỘT  MÌNH

Một mình giấc ngủ không đầy 
Cảnh buồn thao thức hao gầy lòng đêm
Uống heo may cạn cho quên 
Không ngờ cứ thế dội lên nỗi buồn 

Vít vào gió ngược ngọn nguồn 
Đêm nay nửa chiếu, nửa gường đơn côi
Lạnh lùng thấu cả đôi nơi 
Hai đầu nỗi nhớ chơi vơi cảnh sầu. 


 KHÁT

Sổ lồng con sáo sang sông 
Vùng trời xứ ấy đợi trông một người 

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2025

PHIẾM ĐÀM CỦA ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 Thành Ngữ Điển Tích 117 : 

                                     
                                VẠ, VẠC, VÁCH, VÁN, VÀNG.

                             Inline image
                                      Thành môn thất hỏa...

      VẠ LÂY CHÁY THÀNH là thành ngữ có xuất xứ nói lên sự liên can lý thú như sau :

     * Theo〈Hịch Lương Văn 檄梁文〉cua Đỗ Bậc 杜弼 đời Bắc Tề ghi chép :「Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc; Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 楚國亡猿,禍延林木;城門失火,殃及池魚。」Có nghĩa : "Nước Sở mất vượn, Tai họa đến rừng cây gần đó; Cửa thành bị cháy, Tai ương đến cá ở trong ao cạnh thành" Tại sao ?! Vì vượn sống trong rừng cây, nên mất vượn thì nghi là vượn đã trốn vào rừng cây, bèn ra lệnh đốn hết rừng cây để tìm vượn. Còn cửa thành bị cháy thì phải lấy nước ở các ao gần đó để chửa cháy, nước bị lấy hết thì cá trong ao sẽ... chết. Rừng cây bị đốn vì mất vượn; Cá bị chết vì hết nước do cửa thành bị cháy... đều là những tai họa mà trước đó không ai lường trước được cả ! Trong văn học gọi là bị "Họa Lây". Giới bình dân thì gọi là bị "họa lan can", bị "văng miểng"... 
      Trong Thiên Nam Ngữ Lục 天南語錄, tác phẩm thơ Nôm dài nhất Lịch sử theo thể lục bát của thời Hậu Lê, đoạn nói về Trai Sò Tương Tranh có câu :

                    LỬA THÀNH AO CÁ đẩy xô,
                Nếu trai mà mắc thì cò không ăn.

      Còn trong truyện thơ Nôm "Trê Cóc" thì gọi là VẠ LÂY CHÁY THÀNH :

                       Đèn trời soi xét gian ngay,
                 Lẽ đâu ao cá VẠ LÂY CHÁY THÀNH !

       Inline image
          
     VẠC CẢ : là cái ĐĨNH lớn. Vào đời thượng cổ Trung Hoa, tương truyền vua Vũ nhà Hạ chia thiên hạ làm chín Châu (Cửu Châu). Đó là : Dương Châu 揚州, Kinh Châu 荆州, Lương Châu 梁州, Từ Châu 徐州, Dự Châu 豫州, Ung Châu 雍州, Thanh Châu 青州, Đoái Châu 兖州 và Ký Châu 冀州. Rồi ra lệnh cho các Châu phải nộp đồng xanh để đúc thành chín cái đĩnh lớn (Cửu Đĩnh 九鼎) tượng trưng cho chín Châu; trên các đĩnh có khắc núi sông, sản vật, dân cư và số thuế mà các Châu phải cống nạp, để tượng trưng cho uy quyền của thiên tử. Ở nước ta, vua Minh Mệnh lúc hùng mạnh nhất cũng cho đúc chín cái Đĩnh lớn để ở triều đình Huế.
      Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) gọi là CHÍN VẠC để chỉ ngôi vua và uy quyền cũng như cơ nghiệp của nhà vua :

                    Giữa trời chúa thánh nối ngôi càn,
                    CHÍN VẠC xây nền vững thái bàn.
     Inline image

      Còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì gọi là VẠC CẢ :
                      Thế mà VẠC CẢ duy-trì ,
                Bởi tiên-liệt-thánh Nam-Kỳ Nối ngôi.

      VẠC MAI : VẠC là cái Chảo lớn; MAI là trái MƠ, miền Nam gọi là trái ME. Nên VẠC MAI là Cái chảo lớn để nấu canh chua. Theo sách Thượng Thư quyển mười《尚書》卷十〈Thương Thư . Thuyết mệnh hạ 商書·說命下〉: Vua Cao Tông Võ Đinh đời nhà Thương 商高宗武丁 nói về Tể Tướng Phó Duyệt 傅說(1335-1246 trước Công Nguyên) :"Nếu nấu canh chua thì ngươi là người biết điều phối giữa muối và me cho canh được ngon hơn". Ý nói : Phó Duyệt biết điều hòa chính sự, khiến cho mọi việc được tốt lành hơn. Quả nhiên, Phó Duyệt đã giúp vua Thương an bang trị quốc, tạo nên thời huy hoàng thịnh thế mà sử gọi là thời kỳ “Võ Đinh Trung Hưng 武丁中興”. 
      Cho nên VẠC MAI dùng để chỉ quan Tể Tướng có tài. Trong truyện thơ Nôm "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 có câu :

                         Đền Thương cùng nếm VẠC MAI,
                    Cũng trong Y Phó, cũng ngoài Tôn Ngô.

              Inline image
                             Tích Phó Duyệt và Mai Đình Mộng Ký  

      VÁCH QUẾ : Theo sách Hán Thư 漢書 và Nam Bộ Yên Hoa Ký 南部烟花記 thì Hán Vũ Đế và Trần Hậu Chúa trong cung đều có trồng rất nhiều cây quế, cho nên mới gọi các phòng trong cung vua là CUNG QUẾ. VÁCH QUẾ chỉ là nói trại đi của CUNG QUẾ mà thôi. Cũng như vách trong các phòng của cung nhân ở đều được trát hồ tiêu để chống rét, nên phòng của các cung nhân ở cũng được gọi là TIÊU PHÒNG. 
      Mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã sử dụng hết hai từ nêu trên để chỉ chỗ ở của các nàng cung phi :

                   Trải VÁCH QUẾ gió vàng hiu hắt,
                   Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng;
                   Oán chi những khách TIÊU PHÒNG,
                   Mà xui phận bạc nằm trong má đào!

             Inline image

       VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN có xuất xứ từ thành ngữ MỘC DĨ THÀNH CHU 木已成舟 là câu nói của tác giả Lý Nhữ Trân đời Thanh trong truyện "Kính Hoa Duyên" hồi thứ 34 清·李汝珍《镜花缘》第三十四回:“ Như kim MỘC DĨ THÀNH CHU, dã thị Lâm huynh mệnh định như thử liễu 如今木已成舟,也是林兄命定如此了。” Có nghĩa : "Như nay VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN, cũng là mệnh số của Lâm huynh đã định như thế nầy rồi !". Ý chỉ, chuyện đã rồi, không còn hy vọng hay thay đổi gì được nữa cả !
        Trong Truyện Kiều, khi chàng Kim trở lại vườn Thúy tìm Kiều, Vương Viên Ngoại cho biết nàng đã bán mình chuộc cha và đã theo Mã Giám Sinh đi rồi, không còn vãn hồi gì được nữa cả :

                     Bây giờ VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN,
                Đã đành phận bạc khôn đền tình chung !...

                Inline image

       VÀNG ĐÁ chữ Nho gọi là KIM THẠCH 金石 : Kim là kim loại rắn chắc không đổi màu; thạch là đá, cứng ngắt và bền vững. Nên Kim Thạch Chi Giao  金石之交 là sự giao tình bền vững và rắn chắc như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là "Những lời VÀNG ĐÁ hoặc ĐÁ VÀNG", là những lời nói lời hứa ” Chắc như đá, vững như vàng”, của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì Thúy Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng :

                    Đã lòng quân tử đa mang,
               Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung !

       Lần đầu tiên gặp nhau để thề nguyện hẹn ước, Thúy Kiều lo cho thân mình "...phận mỏng cánh chuồn, khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?" Chàng Kim đã an ủi và đoan chắc với người yêu là :

                       Ví dù giải kết đến điều,
                Thì đem VÀNG ĐÁ mà liều với thân !

       Quả là tấm chân tình của hai kẻ yêu nhau. Đến khi gặp Thúc Sinh thì chàng Thúc cũng mê Thúy Kiều đến liều mạng mà hứa hẹn một cách lớn lối rằng :

                       Đường xa chớ ngại Ngô Lào;
                Muôn điều xin hãy trông vào một ta.
                       Đã gần chi có đường xa,
               ĐÁ VÀNG cũng quyết, phong ba cũng liều.”

       Khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, Kim Trọng cũng đã rất đau khổ mà bày tỏ lòng mình với Vương Viên Ngọai :

                       Rằng: Tôi trót quá chân ra,
                 Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
                       Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
                Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không !?...

      Trong truyện thơ Nôm "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :

                     Duyên này chẳng được bàn dai,
                  Nhẹ đem VÀNG ĐÁ mà coi làm thường !

             Inline image

        Hẹn bài viết tới !

                                                                                 杜紹德
                                                                             Đỗ Chiêu Đức

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

BÚT KÍ CỦA NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

 


VÀ CƠN MƯA BẤT CHỢT XUỐNG LAUSANNE

1. Cùng Chị đến Lausanne. Lausanne là định mệnh thêm một số phận.
Bến Ouchy, nghe sóng quật mình vào ghềnh granit đợt đợt triều nổ bùng tựa bụi băng bay mờ gió, tôi xác tín thêm điều Chị khẳng định: mọi con đường Lausanne đều đổ xuống hồ Léman.
Đến Lausanne nhiều người chung lối, nhưng lý do thì riêng vẻ.
Thủ phủ tiếng Pháp của Thụy Sĩ - diện mạo cây cột điện đến dinh thự, bảo tàng, nhà hát, nhà thờ đều giản lược nét hào hoa, cầu kỳ văn hóa xứ Gaulois. Người Thụy Sĩ nhấn mạnh thứ triết lý hiệu quả nhưng không kém thẩm mỹ. Lausanne nghiêm, lạnh như bộ veste vải len cao cấp khâu tay ba khuy màu tối trên người viên thư ký nhà băng trung tuổi, ấy là trực giác khi tôi đặt bước xuống sân ga, nheo mắt nhìn thành phố.
Ẩn hiện đâu đó vẻ trịnh trọng, ánh mắt chăm chú của ông chủ nhà băng, chủ sản xuất đồng hồ thủ công, chủ chế biến thực phẩm thấp thoáng sau ô cửa hé rèm dõi theo những du khách thẩn thơ tản bộ dọc các con phố mà đọc ra các tiềm năng.
Chúa Trời khoanh Lausanne ở giữa Tây Âu còn gia ơn thêm cho các công dân của nó sự khôn ngoan, nhạy cảm với tất tật động loạn thế giới. Thiên hạ vui hay buồn đều là cơ hội kiếm tiền. Họ tự biến chiếc rương nhà mình thành cái két khóa số cho nhân loại và hoán đổi chiếc bàn ăn dưới bếp thành bàn bày văn kiện ký các hiệp định thương thảo của mọi quốc gia văn minh hay mông muội, mọi phe phái, băng nhóm thù địch hoặc đồng minh.
Các người cứ việc đến cãi, chửi bằng đủ thứ ngôn ngữ ở đất nước này rồi lại trở về đâm chém, giết chóc nhau ở đâu chẳng quan trọng. Súng đạn không xong thì quay lại mà tranh cãi, đấu lý…bất kể lúc nào.Thụy Sĩ chỉ cần chút xíu lãi suất làm thủ quỹ, dịch vụ ăn, nghỉ, thư giãn của quý vị…
Xem chừng xuất xứ cách người Thụy Sĩ làm giàu cũng đơn giản, sơ khai như cuộc chơi trận giả của lũ trẻ cùng phố, cùng làng. Hai phe chia đôi địch ta đấu trận, nhưng không quên cắt cử một đứa trông coi quần áo, cặp sách, giày dép, ngộ nhỡ hỏng hóc, mất cắp.