Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

QUÊ HƯƠNG TRONG "TUYỂN TẬP THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005"





QUÊ HƯƠNG TRONG

"TUYỂN TẬP THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005"


Nguyễn Thị Lan


1. Bất cứ nhà văn nào cũng có một vùng đất để "thâm canh", quê hương là mảnh đất đầu tiên với những kỷ niệm sâu đậm nhất để nhiều nhà văn khai thác.

            Đọc "Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005" (NXB Hội Nhà văn, 2005) cảm nhận đầu tiên của độc giả là tập thơ đầm đìa những ký ức về quê hương. Tuyển tập là tiếng gọi thì thầm, tha thiết trong những chuyến trở về quá khứ, trở về tâm linh, trở về cố hương của sáu mươi người làm thơ, những người con của xứ Đông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương.

2. Quê hương là gì? Là tồn tại khách quan của sự phát triển sinh tồn nhân loại. Quê hương, nếu nhỏ được hiểu là gia đình, gia tộc, xóm làng; nếu lớn trở thành thành thị, quốc gia, thậm chí toàn bộ quê hương là nhân loại. Theo thời gian, theo sự trải nghiệm của đời người, quê hương được mở rộng cả chiều kích không gian và thời gian.

            Ở đây trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, người viết chỉ đề cập đến quê hương trong phạm vi hẹp: gia đình, gia tộc, xóm làng. Quê hương đó với "cảnh quê, tình quê". Quê hương đó hiện ra đẹp như "hạt ngọc của ký ức".

            Trước hết đó là cảnh.

            Một vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ trong "Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005" hiện ra bằng những nét đặc trưng với đồng làng xanh đến tận chân trời, với sông nước mênh mang, với cây đa bến nước sân đình, với mái chùa cổ kính...

            Trong không gian nghệ thuật đó, ký ức của người xa quê tràn ngập những âm thanh và màu sắc: tiếng gà báo sáng quen thuộc, tiếng sáo diều ngân vang, tiếng võng trưa hè, tiếng lá tre xào xạc, tiếng rá vỗ cầu ao, tiếng gà trưa tao tác... và có khi cả tiếng cau rơi. Rồi màu sắc của những bông hoa đồng nội quê kiểng: hoa xoan, hoa khế, hoa bìm bìm tím biếc, hoa dâm bụt, hoa lựu đỏ, hoa cải vàng, hoa cau trắng...


            Trong ký ức của những người đi xa, lòng nhớ quê có khi bắt đầu từ những vật tầm thường nhất, từ những cảnh bình dị quen thuộc nhưng hết sức gần gũi đáng yêu: một con đê ven sông, một quán nước đầu làng, một đường thôn quấn quýt rơm rạ, một phiên chợ nghèo, một mái nhà tranh, một chiếc ang sành đựng nước, một rặng tre ngà, một ngọn muống non tơ, một con chuồn chuồn ớt. Có khi cảnh hiện ra ấm áp và thơ mộng: một ánh nắng quê, một chiếc cò chớp cánh...

            Quê hương đó còn là tình.

            Hải Dương, mảnh đất phên dậu phía đông kinh thành Thăng Long có tên gọi "Xứ Đông", từ xưa đã nổi tiếng là vùng đất "địa linh nhân kiệt", một vùng văn học, một vùng đất thượng võ. Trong lịch sử, nhiều bậc anh hùng hiền triết, đức cao vọng trọng của đất Việt đã tìm về đây dựng nghiệp, lập danh, lập ngôn. Hải Dương, nơi sinh ra những nhà khoa bảng, những thần đồng thi ca, những thi nhân với bao áng văn chương bất hủ làm rạng rỡ thi đàn nước nhà.

            Trong "Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005" đã bao lần cái tên "Hải Dương", "Xứ Đông" vang lên yêu thương, trìu mến, tự hào.

            Đấy là lời gọi xứ Đông tha thiết của nhà thơ Thế Dũng:

"Xứ Đông ơi! Tôi hát đón thơ về

Dẫu giây lát cũng là lời dứt ruột

Để tỏ lòng thăm thẳm giữa hồn quê!"

            Xứ Đông, đó là quê chung của người tỉnh Đông. Nhưng quê hương là gì? Trong định nghĩa của nhà thơ Nguyễn Xuân Bối, quê hương là "Nơi sinh ta":

"Đấy là nơi dù ở tận cùng trời

Hay cuối đất vẫn mơ về muôn thuở

Đấy là nơi có ông bà tiên tổ…

Giỗ, tết về ta quỳ gối dâng hương"

"Đấy là nơi trăm nhớ nghìn thương

            và: ...

"Trong tim ta nơi ấy hoá mặt trời."

            Đó là một định nghĩa giản dị mà sâu xa về danh từ "quê hương".

            Còn nhà thơ Bùi Hải Đăng, quê hương là nơi bắt đầu của tuổi thơ, là nơi đi về khi tuổi già xế bóng, là nỗi nhớ của cả đời người..

"Là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ

Là nơi chân chậm mắt mờ về đây"

     ...

            và "Làng là nơi nhớ mỏi mòn trong tôi…"          

                                                                                    (Làng)

            Trong niềm hoài hương của những người xa quê thì nỗi nhớ về tuổi thơ là một trong những tình cảm sâu sắc, bởi vì trở về với ký ức tuổi thơ là trở lại với chính mình, một thuở tâm hồn còn hồn nhiên trong sáng.

            Chính vì vậy, chỉ một tiếng gà ở "phố trưa" cũng sống dậy trong tâm hồn nhà thơ Phạm Trọng Tuấn cả một "hồn quê", cả một quá vãng tươi đẹp của thuở thiếu thời.

"Thiết tha lắm - tiếng gà ơi

Tôi vừa tìm thấy thuở tôi ngày nào

Lung linh đốm lửa bờ ao

Con chuồn chuồn ớt thắp vào hồn quê."

                                                                 (Hồn quê)

            Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhớ về quê hương đồng nghĩa với nỗi nhớ con sông quê. Quê hương nhà thơ nằm bên dòng sông Kinh Thầy, dòng sông đó bao lần đi vào thơ Khoa hồi bé. Và đây là dòng sông trong nỗi nhớ của kẻ xa quê:

"Một bác chài lặng lẽ

Buông câu trong bóng chiều

Bỗng nhiên con cá nhỏ

Nhảy bên thuyền như trêu"

…"Ôi cánh buồm nhỏ bé

Biết bay về nơi đâu?"

                                         (Bên sông Kinh Thầy)

            Bức tranh sông quê đẹp một cách tĩnh lặng, không ồn ào, phảng phất chất Đường thi như bài "Giang tuyết" của nhà thơ đời Đường, Liễu Tông Nguyên. Cảnh như lòng người thật yên ả, thanh bình. Trong bức tranh đó, ta "đọc" được lòng yêu quê hương thật sâu đậm của nhà thơ.

            Cũng với tình yêu quê hương, nhà thơ Văn Duy - người con của đất Kinh Môn lại yêu cả cỏ cây quen thuộc:

"Đêm nằm nghe tiếng cau rơi

Cứ thương cây đứng giữa trời tái tê."

                                         (Nghe tiếng cau rơi)

            Sâu hơn cả tình yêu thương, ở Văn Duy đó còn là lòng ơn nghĩa với quê hương, với mái tranh nghèo. Lời thơ anh chân thành, cảm động:

"Chỉ là vách đất mái tranh

Mà nên tổ ấm mẹ dành cho tôi"

  ..."Mái tranh ơi - cả cuộc đời

Thiêng liêng tôi hát những lời rạ rơm"

                                                                 (Mái tranh)

            Viết về quê hương, nhà thơ Tiêu Hà Minh lại có cảm hứng khác, đó là cảm hứng về giọt nắng quê. Với anh, ánh nắng quê đã "sưởi ấm" lòng đứa con xa. Tiêu Hà Minh có những câu thơ đầy ân tình:

"Một ngày nắng quê đi qua

Một ngày bao nhiêu còn mất

Nơi hồn ta thiêng liêng nhất

Là nơi còn mãi nắng quê..."

                                                                 (Nắng quê)

            Trong những bài thơ viết về quê hương của các nhà thơ Hải Dương, bài "Chợ quê" của Hà Cừ là một trong những bài "neo" vào tâm trí bạn đọc hơn cả. Anh "vẽ" cảnh chợ quê nghèo thật ấn tượng:

"Chênh vênh mái lá bên đường

Ào ào ngọn gió bụi vương trắng bờ…"

            Có những câu thơ ám ảnh làm nên một "thương hiệu" Hà Cừ:

"Chợ quê con tép cũng gầy

Con cua, con cá dính đầy bùn tươi."

            Không có tình thương yêu, sự cảm thông chân thành không thể có những câu thơ như thế.

            Và cái "chợ quê" nghèo ấy đã trở thành biểu tượng của quê hương, là "đốm lửa thiêng" trong suốt cả cuộc đời tha hương của nhà thơ.

"Chợ quê - một đốm lửa thiêng

Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa."

3. Quê hương, một khoảng lặng bình yên nhất trong tâm hồn mỗi người. Đọc những dòng thơ viết về quê hương của các nhà thơ xứ Đông trong "Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005" ta như được khẽ chạm vào cái khoảng lặng bình yên mát rượi và trong lành ấy, tâm hồn ta trở nên mát mẻ và thanh thản. Đó chính là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đơn sơ giản dị mà đậm đà truyền thống của mỗi con người đất Việt.

Hải Dương, mùa Hạ năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét