Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng



Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng
                                              Vũ Nho

Gặp trên mạng, chép về đọc lại
QĐND - Thứ ba, 15/04/2014 | 16:5 GMT+7
QĐND - Chắc là những người viết nghiên cứu và phê bình sẽ còn tốn không ít giấy mực về trường hợp Nguyễn Quang Thiều và thơ của anh. Chỉ tính riêng về cuốn thơ tuyển Châu thổ của anh xuất bản năm 2010, đã có 25 bài viết xung quanh thơ và những cách tân thơ của tác giả. Tuy vậy, là người theo dõi khá kỹ thơ Nguyễn Quang Thiều trong hơn chục năm nay, tôi vẫn muốn ghi lại mấy cảm nhận của mình.
Tiềm năng của một nhà thơ lớn
Một nhà thơ tốt nghiệp đại học nước ngoài, có thể đọc thành thạo thơ thế giới bằng tiếng Anh như Nguyễn Quang Thiều, ở nước ta không nhiều. Tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau là một lợi thế lớn để Nguyễn Quang Thiều mở rộng, làm giàu có vốn văn hóa của người cầm bút. Vả chính điều đó làm tăng nội lực của nhà thơ.
Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần cho một nhà thơ lớn chứ không phải là điều kiện quyết định. Cái quyết định nhất chính là tài năng bẩm sinh của thi sĩ được phát triển một cách mạnh mẽ nhờ hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Có thể thấy rằng, Nguyễn Quang Thiều đạt đến độ chín của tài năng không quá sớm, nhưng cũng không quá muộn mằn. Chỉ sau tập thơ đầu tay trình làng, anh đã có tập thơ Sự mất ngủ của lửa gây được tiếng vang, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Cái chính là phẩm chất thi sĩ được phát lộ, được khẳng định. Chẳng hạn bài thơ “Dâng trà” của anh viết là một bài thơ hay, một trong các bài thơ khá toàn bích theo bút pháp thông thường: Thưa cha con đã dâng trà/ Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi... Những câu thơ tiếp theo là nỗi niềm ăn năn hối lỗi của người con “ba dại bảy điên”. Hai câu kết của bài thật đặc sắc:
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.
Dâng trà cho cha, không biết cha có nhận cho, có tha thứ những lỗi lầm thuở ấu thơ. Vì cha chỉ như bóng mây im lặng, nên người con xót xa. Hoặc như tôi dám đoán chắc rằng bài thơ Bây giờ đang cuối mùa đông cũng là một bài thơ đặc sắc không phải người làm thơ nào cũng viết được. Nó thể hiện thật tài tình tâm trạng của một chàng trai muộn vợ ở cái làng mà lớp lớp cô gái theo nhau lớn lên, đi lấy chồng. Có một vài câu làm duyên độn vào, nhưng chí ít đó cũng là những câu thơ bình thường làm nền tôn vẻ đẹp những câu thơ hay: Chút chiều hoe nắng ngõ nhà/ Tôi đi tôi đứng để mà vu vơ/ Ra đường gặp tiếng xưng em/ Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau...
Có một sự khác biệt rất lớn giữa sự tìm tòi và cách tân của Nguyễn Quang Thiều với các nhà thơ khác “nhân danh cách tân”. Đó là Nguyễn Quang Thiều đã chín với cách viết truyền thống, thường gặp, anh tìm cách diễn đạt mới. Còn những cây viết khác thì làm một nhà thơ bình thường cũng chưa xong, đã bập vào cách tân để mong “đi tắt” trên đường sáng tạo.

Nguyễn Quang Thiều do tiếp xúc văn hóa rộng, nên chắc chắn anh có chịu ảnh hưởng của các nhà thơ phương Tây, viết có vẻ “Tây”. Nhưng người Việt chúng ta vốn khá mau quen với những gì lạ nhập từ Tây vào. Như Hoài Thanh đã từng viết, chúng ta mau quen với thắp dầu Tây, mặc quần Tây, đi giầy Tây… Cả cách xã giao bắt tay cũng là theo kiểu Tây, chứ các cụ nhà ta ngày xưa chào nhau và dạy con cái cách chào không như thế. Có điều, Nguyễn Quang Thiều không bị coi là Tây, nhưng bị coi là thơ Tây dịch. Bởi vì những bản dịch của chúng ta thường là trúc trắc, không mượt mà. Đấy là một nhược điểm làm hạn chế sức thuyết phục của thơ anh.
PGS, TS Vũ Nho phát biểu tại Hội nghị LL-PBVH năm 2013. Ảnh: Bùi Minh

Có thể thấy ham muốn đổi mới, viết khác đã làm cho Nguyễn Quang Thiều từ bỏ phần lớn (chứ không phải từ bỏ tất cả) cách diễn đạt hàm súc, nhịp điệu với ngôn từ chắt lọc, cô đúc. Nhưng như đã nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ có tài năng, vì thế mà vẫn có nhiều những câu thơ hay, vẫn có nhiều đoạn thơ có thể găm vào trí nhớ bạn đọc. Hoàn toàn không phải như một nhận định thiên lệch rằng “Không có câu thơ hay. Không tứ thơ. Không có chữ thơ. Không có hình ảnh chính. Đọc xong một vài bài thơ hoặc một tập thơ mỏng nào đó của Nguyễn Quang Thiều, người đọc thực dụng sẽ trắng mắt, khi không thu về được gì” (Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nxb Hội nhà Văn, 2012, trang 145). Nhưng có cảm giác ít hay vắng thiếu là do những câu này bị khuất lấp trong những triền miên liên tưởng, triền miên ẩn dụ… và những câu thơ văn xuôi, thơ tản văn... Sau đây là một số ví dụ ngẫu nhiên về những câu thơ ám ảnh của Nguyễn Quang Thiều:
- Mẹ con đứng vùi chân trong cát/ Nước mắt buồn bay ướt một triền song.
- Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn.
- Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc
Như lang thang qua bãi chiến trường
Đầy mảnh thịt của gia súc
Đầy xác chết của rau thơm…
- Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé nhỏ chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng.
- Xa hơn nữa... một mùa thu thắm đỏ
Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong
Xa hơn nữa…tôi khóc cùng mùa hạ
Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn
Xa hơn nữa…và, xa hơn nữa
Là nơi tôi ngồi trước lửa
Một cơn sốt ngồi ôm một cơn sốt.
Nếu không theo đuổi ý tưởng đổi mới, tôi nghĩ Nguyễn Quang Thiều vẫn đủ sức ghi tên mình vào tốp những nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ của dân tộc. Bởi vì tài năng của anh là một điều không thể phủ nhận.
Bước quá đà của sự cách tân
Nếu xem xét đơn lẻ từng yếu tố cách tân trong bút pháp thơ Nguyễn Quang Thiều thì có thể thấy rằng, cũng không có gì gọi là đột phá, mới mẻ, chưa từng có trong thơ Việt như một vài cây bút viết về anh đã ngộ nhận.
Tưởng tượng và liên tưởng ư? Đâu phải đến Nguyễn Quang Thiều mới có tưởng tượng và liên tưởng phong phú. Dù cố chứng minh rằng sự liên tưởng và tưởng tượng ấy “lạ lẫm” với tâm thức chung của cộng đồng thì điều đó chỉ nói lên rằng sự quá đà của Nguyễn Quang Thiều đã làm hạn chế sức lan tỏa của thơ anh.
Thơ văn xuôi ư? Đâu phải một mình Nguyễn Quang Thiều viết thơ văn xuôi. Nhiều nhà thơ Việt đã thử thách rồi. Đã có cả một tuyển tập thơ văn xuôi Việt. Nhưng hình như các bài thơ thành công thật hiếm hoi.
Từ chối vần nhịp thông thường ư? Cũng chẳng phải Nguyễn Quang Thiều là người đầu tiên. Mà từ chối vần, nhịp cũng chỉ là một cách làm khác đi mà nguy cơ thất bại nhiều hơn là thành công. Không kể có ý kiến cho rằng “Nhịp - điệu – Nguyễn- Quang- Thiều, nếu có thể nói như vậy, là thứ nhịp điệu thơ tìm thấy tương đồng ở rất nhiều người viết trước, cùng thời và sau”
Sử dụng ngôn ngữ không đặc tuyển cho thơ và không sử dụng những quy phạm vần luật thơ truyền thống ư? Điều đó không riêng Nguyễn Quang Thiều. Mà làm như thế dễ dẫn đến thất bại nhiều hơn là thành công nếu không có các yếu tố khác hỗ trợ.
Trùng điệp các thi ảnh ư? Cũng không phải. Vấn đề không nằm ở chỗ trùng điệp hay không trùng điệp. Thi ảnh đẹp, gợi cảm, gây ấn tượng là thi ảnh mới mẻ, được đặt đúng nơi, đúng chỗ trong bài thơ. Mà hệ thống thi ảnh thì mỗi nhà thơ có những đặc điểm khác biệt khi xử lý.
Những giấc mơ như là mê sảng ư? Cũng chẳng có gì đặc biệt, khi nhà thơ nói về nhưng giấc mơ đẹp đẽ, dữ dội, kinh hoàng. Vấn đề là nó đem lại cảm xúc gì cho người đọc chứ không phải mơ để mà mơ, mê sảng để mê sảng.
Vậy Nguyễn Quang Thiều làm mới ở chỗ nào? Chính là ở chỗ vận dụng tất cả các yếu tố đó một cách tổng hợp. Khi vận dụng một cách chừng mực và tỉnh táo, Nguyễn Quang Thiều thành công. Khi vận dụng quá đà, Nguyễn Quang Thiều thất bại. Tôi không cho rằng càng viết, càng đổi mới thì thơ Nguyễn Quang Thiều càng hay. Mà chỉ thấy khi không chừng mực, say sưa với sự khác lạ, Nguyễn Quang Thiều tự làm hỏng thơ mình. Tôi đọc nửa đầu của tuyển tập Châu thổ với sự thích thú, ngưỡng mộ, còn phần sau của tuyển tập quả thật là mệt mỏi. Vì thế mà nảy sinh ý nghĩ: Tôi buồn khi Nguyễn Quang Thiều đã đem một thi sĩ đích thực tài năng để đổi lấy một nhà cách tân tầm tầm. Mà với thơ thì bạn đọc cần một nhà thơ đích thực chứ đâu có cần danh hiệu nhà đổi mới thơ? Ngay trong cuốn Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều đã dẫn trên đây, trong số các ý kiến của những người cổ súy cho thơ Nguyễn Quang Thiều, vẫn xen vào những ý kêu thơ anh “khó hiểu”, “dịch thơ Tây”, “rườm lời”, “mịt mù hũ nút”, “rất ít chất thơ”, “đọc rất mệt”… Tất nhiên, những dòng phàn nàn ấy thường chiếm vị trí khiêm tốn và thường rất ngắn ngủi, được nói ở mức độ giảm nhẹ nhất có thể. Nhưng đó là những điều “nói thật”, thật hơn nhiều so với những ngôn từ ca ngợi trong đó không ít những bốc đồng, thái quá và nói lấy được.
Tôi chỉ nêu ra vài dẫn chứng được viết bới những người có thiện cảm với Nguyễn Quang Thiều, cổ xúy cho sự đổi mới của anh. Những người ấy còn nói vậy, hỏi làm sao bạn đọc không có nhiều sự kiên trì, không có nhiều sự cố gắng có thể đọc và thích thơ Nguyễn Quang Thiều? Đành rằng, nhà thơ có thể không cần nhiều sự tán đồng của người đọc, có thể kén người đọc. Tuy nhiên, ngay cả những người đọc “chuyên nghiệp” cũng còn phải thừa nhận như thế, vậy thì sự cách tân của Nguyễn Quang Thiều sao có thể gọi là thành công trọn vẹn? Bênh vực anh, có người đã kêu gọi: “Ngày nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới” (Tr.308 sđd). Nhưng người đọc không thể cố gắng quá nhiều, bởi vì họ có quá nhiều thứ cần đọc, cần xem. Sự cố gắng của họ là có chừng mực. Khi sức hấp dẫn không đủ, thì họ gấp sách lại và bỏ xuống…
Dù sao, tôi vẫn nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều có thành công, nhưng sự thất bại cũng không ít. Mà nguyên nhân chính là anh đã quá đà, đã không tiết chế được mức độ làm mới và sai lầm khi nóng vội định tước bỏ hoàn toàn những yếu tố truyền thống làm nên nền thơ dân tộc. Tôi nghĩ rằng nếu muốn thành công, Nguyễn Quang Thiều cần phải tỉnh táo hơn nữa, tiết chế hơn nữa, đồng thời quay trở lại với những yếu tố cơ bản ăn sâu trong tiềm thức của người Việt khi tiếp nhận thơ ca.
Những điều này chắc là không cần thiết với một người thông minh, sắc sảo như Nguyễn Quang Thiều. Tôi vẫn nhớ câu chuyện đùa đùa khi Nguyễn Quang Thiều với tư cách Phó chủ tịch hội nhà văn Việt Nam tiếp đoàn nhà thơ Mỹ đến từ Đại học bang IOWA. Đại khái anh kể khi chưa làm thơ đổi mới, anh đi gội đầu, nhân viên nhà hàng nhận ra anh là Nguyễn Quang Thiều, dù anh không xưng tên. Còn khi anh làm thơ cách tân, cũng đi gội đầu, anh xưng Nguyễn Quang Thiều nhưng cô tiếp viên không biết ông Thiều ấy là ai, làm gì.
PGS, TS VŨ NHO
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận
25 bình luận
Bình luận
Vu Nho
Vu Nho Đăng theo yêu cầu của nhà thơ Vương Trọng và một vài bạn khác. Cám ơn ông bạn Phú Cương chỉ dẫn đường LINK!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bằng Lăng
Bằng Lăng Cám ơn nhà Phê bình văn học Vũ Nho, bài viết thật săc sảo và chính xác. Thật tiếc cho nhà thơ NQT, có điều NQT có nhận ra sự thái quá đó hay không?
Quản lý
4 năm · Đã chỉnh sửa ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Anh Tu Truong
Anh Tu Truong Rất đồng ý với ý kiến của bác Vu Nho! "Đổi mới" thơ mà tước bỏ vần điệu - sẽ thất bại, sẽ đi vào ngõ cụt! Người đọc thơ "cải tiến quá đà" cũng sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" trong những "ma trận" chữ (như bị lên đồng)! Em đang đọc một cuốn giới thiệu thơ cách tân mà "ngắc" mãi không hết!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Khuc Thi Mai Anh
Khuc Thi Mai Anh Co le bi anh huong qua lon ve ngon ngu nuoc ngoai nen tho ong mat di cai dang cua tho cai dac trung rieng re cua tho viet ...co phai vay chang?
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Dung Nguyễn
Dung Nguyễn Mac du ko fai nha tho ,nha van ,nhung khi doc bai viet cua bac nhan xet thay qua hay,do la nhung loi chan thanh nhat de chinh chu lai tu duy cua minh ..gia ma duoc o gan nha bac nhi.
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Cám ơn mọi người đã đọc và chia sẻ!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Thanh Duong Duong
Thanh Duong Duong Thơ Việt mà đại đa số người Việt đọc không hiểu thì còn cách tân để làm gì nữa Thày nhỉ? Nói chi đến việc nuôi dưỡng tâm hồn Việt? E thấy không phải chỉ có thơ NQT như vậy! Bài PB của Thày rất sâu sắc và thẳng thắn! Cảm ơn Thày!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Cám ơn Dương đã chia sẻ!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Trần Hậu
Trần Hậu Quang Thiều cách tân quá đà/ Vũ Nho quá thích đàn bà làm thơ!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Còn ông Hậu Trần mộng mơ/ Nhiều nhiều thất vọng...vì chờ...dài chân! :D
Quản lý
4 năm · Đã chỉnh sửa ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Nguyệt Võ
Nguyệt Võ Bravo thầy Vu Nho! Mong sao nhà thơ NQT đọc bài viết này và suy ngẫm! Em đã từng thích thơ NQT, nhưng sau thì thấy dị ứng và ...bỏ luôn không đọc nữa!
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Lê Xuân
Lê Xuân Bài a viết ngắn gọn.mà hàm.xúc quá. Đọc thơ NQT tôi có cảm giác như ngươi đứng trên miệng vực mà ngắm troi xanh. Sẩy chân la rớt xuông.vực. Hết hứng khởi. NQT hơi quá tả trong cách tân thơ. Mà sự cách tân chưa chín khi.vận dụng thi pháp phương Tây. Cảm ơn a và.bài viêt hay.
Quản lý
4 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Van Y Nguyen
Van Y Nguyen Nhà phê bình Vũ Nho với lối viết .....nhẹ nhàng ,hình như cố mà bênh vực Nguyễn Quang Thiều mà không thể bênh vực nổi .Phần sau bài viết sao không có dẫn chứng cụ thể thưa nhà phê bình ?người đọc chúng em còn nhiều u mê tăm tối chưa nhìn ra (phần về sự đổi mới cách tân ạ). Đọc mà buồn ...như con chuồn chuồn ...he he ...
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Với Chi Lê : Tôi không có ý bênh vực hay phê phán ai. Đây chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi thôi bạn à!
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Cám ơn mọi người đã đọc và chia sẻ!
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vương Trọng
Vương Trọng Hoan hô Vũ Nho. Nếu như có thêm dẫn chứng thì thuyết phục hơn, tuy nhận định đại thể khá chính xác.
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Phượng Nguyễn
Phượng Nguyễn Đa số các nhà thơ Việt Nam hiện đại tiếp xúc thơ thế giới qua ngả Pháp và sau này là Nga. NQT khác, anh tiếp xúc với thơ thế giới qua ngả Tây Ban Nha và sau này là châu Mỹ Latin. Lối tư duy thơ của hai lãnh thổ thơ nói trên hết sức khác nhau nên trước hết hãy thận trọng khi đánh giá. Chúng ta vẫn thường đứng trên kinh nghiệm hiểu biết thơ Pháp thơ Nga mà phán thôi. Khi phán về thơ ai xin dựa vào các bình diện căn bản của thơ trước. Theo tôi, thơ muốn đổi mới các yếu tố quan trọng sau đây phải đổi mới: một, cái Tôi; hai, cấu trúc; ba, thi ảnh, bốn, cú pháp và năm, ngôn ngữ. Thơ Thiều đổi mới lổn nhổn trên tất cả các bình diện vừa nêu. Nghĩa là, chỗ đổi chỗ không, khá xôi đỗ. Chẳng hạn, cái Tôi vừa muốn sử thi vừa muốn đời tư; cấu trúc nửa phi tuyến tính nửa tuyến tính; thi ảnh nửa siêu nửa thực, nửa tân kì nửa vô nghĩa; ngôn ngữ nửa thơ nửa không thơ. Chủ trương cách tân trong thơ Thiều thực ra là luôn luôn không dứt khoát. Thơ Thiều là một loại hợp kim bất thành của thơ Việt với thơ châu Mỹ Latin nửa sau thế kỉ XX. Nói thơ Thiều cách tân quá đà là không chính xác. Thơ Thiều là thơ cách tân dang dở. Kiểu thi sĩ mà Thiều sở hữu là kiểu thi-sĩ-tiền-trạm-không-địa-chỉ. Các vị không thích cmt này, cứ việc ném đá. Riêng ông anh thân yêu Vũ Nho được thưa riêng mấy câu: Kính cẩn trình lên bác Vũ Nho/ Thơ Mỹ thơ ta nói sao giờ? Cách tâm, cách trí giờ cách cách/ Rảnh rỗi xin mời xuống bút cho...
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Hoan nghênh phản biện của Nguyễn Phượng! Tôi bảo cách tân quá đà. Bạn nói cách tân nửa vời. Nhưng chúng ta gặp nhau ở chỗ NQT có thành công và không ít thất bại. Riêng chỗ này cần thảo luận lại: Bạn viết " chúng ta vẫn thường đứng trên kinh nghiệm hiểu biết thơ Pháp thơ Nga mà phán thôi". Về phương diện thơ nước ngoài thì đúng. Nhưng người Việt thì dựa trên hiểu biết thơ Việt, và rộng ra là thơ phương Đông để bàn luận. Tôi bàn trên cơ sở thơ Việt, thơ phương Đông và tất nhiên có ít nhiều thơ nước ngoài.
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Phượng Nguyễn
Phượng Nguyễn À, đệ bảo "chúng ta thường", chứ thực ra, vẫn có ngoại lệ cho những người không rơi vào chữ "thường" đó. Vậy nên: "Người thường vẫn thế xem thơ/ Chỉ riêng có bác Vũ Nho không thường". Trêu ông anh tí, để mấy hôm nghỉ lễ đi bia bọt mà cãi nhau về thơ. Ok?
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vương Trọng
Vương Trọng Nghe người tranh luận mà vui / Người rằng dang dở, người ôi, quá đà / Đa phần bạn đọc chúng ta / Đọc thơ là cốt để mà thưởng thơ / Thích thì đọc , chán thì lơ / Chứ còn lý luận hững hờ cho qua / "trăm năm trong cõi người ta" / Phê bình chỉ đợi các nhà với nhau!
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Bác Vương tôi chỉ thích thơ/ Còn món lí luận "hững hờ" cho qua/ Nhưng mà trong cõi người ta/ Phê bình- Lí luận thường là dính nhau/ Tôi cũng có đọc ...không nhiều/ Bác Vương mấy bận cũng liều...(phê) bình THƠ! :D
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Mai Nguyễn Thanh
Mai Nguyễn Thanh Nhiều khi, em cũng băn khoăn khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có nhiều bài em rất thích vì sự thông minh sắc sảo, nhưng cũng rất nhiều khi không hiểu được. Em lại nghĩ là do trình độ mình có hạn nên không biết cắt nghĩa một cách rõ ràng. Bài phê bình của Thầy đã giúp em hiểu ra nhiều điều...
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Cám ơn Mai Nguyễn Thanh đã chia sẻ!
Quản lý
3 năm · Đã chỉnh sửa ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Quang Chu
Quang Chu Bài viết hay em xin về treo tường nhà anh Nho nhé!
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Vu Nho
Vu Nho Với Quang Chu : Dùng thoải mái!
Quản lý
3 năm ·
ThíchHiển thị thêm cảm xúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét